Hoàn thiện pháp luật về tội mua dâm người chưa thành niên

01/12/2011

ThS.NCS. NGUYỄN THỊ NGỌC HOA

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Hiện nay, trong nền kinh tế thị trường, hành vi mua bán dâm diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt nghiêm trọng là hành vi mua dâm người chưa thành niên (MDNCTN). Hành vi này ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng, xói mòn đạo đức truyền thống, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của người chưa thành niên. Các quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) về Tội MDNCTN đã góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm này. Tuy nhiên, các quy định đó còn chưa thật cụ thể, chưa đầy đủ và chưa hợp lý, dẫn đến không ít trường hợp các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn còn lúng túng, chưa có quan điểm thống nhất hoặc mắc phải thiếu sót trong việc giải quyết các vụ án về Tội MDNCTN. Để thống nhất trong nhận thức và áp dụng đúng đắn các quy định của pháp luật về Tội MDNCTN, bài viết đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật về Tội MDNCTN.
 Untitled_639.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Hoàn thiện khái niệm Tội mua dâm người chưa thành niên 
 Cho đến nay, chưa có một văn bản pháp luật nào, kể cả BLHS, đưa ra khái niệm về Tội MDNCTN. Để xác định chính sách hình sự và yêu cầu của công cuộc đấu tranh, phòng, chống tội phạm này, việc tìm ra khái niệm Tội MDNCTN là rất cần thiết.
Tội phạm, theo quy định tại khoản 1 Điều 8 BLHS “là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”.Căn cứ vào quy định trên ta thấy, khái niệm tội phạm nói chung bao gồm các dấu hiệu sau: (1) hành vi nguy hiểm cho xã hội; (2) được quy định trong BLHS; (3) do người có đủ điều kiện chủ thể thực hiện; (4) có lỗi cố ý hoặc vô ý; (5) xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.                      
Vì chưa có một văn bản nào đưa ra khái niệm về Tội MDNCTN, nên trong lý luận và thực tiễn, còn có nhiều quan điểm khác nhau về tội này. Quan điểm thứ nhất cho rằng, “Tội MDNCTN là hành vi mua dâm dưới bất kỳ hình thức nào đối với người chưa thành niên”[1]. Quan điểm thứ hai cho rằng, “Tội MDNCTN là hành vi thoả thuận đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác cho người chưa thành niên và thực hiện hành vi giao cấu với người chưa thành niên nhằm thoả mãn dục vọng của mình”[2]. Quan điểm thứ ba cho rằng, “Tội MDNCTN là hành vi của người phạm tội dùng tiền hoặc vật chất mua chuộc người chưa thành niên để người chưa thành niên đồng ý cho giao cấu”[3]. Tuy có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm Tội MDNCTN, nhưng các quan điểm đều có những cái chung, đó là: (1) đều là hành vi của người đã thành niên; (2) đều dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác để người chưa thành niên từ 13 đến dưới 18 tuổi cho giao cấu.
 Điều 3 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm (2003) ghi: “Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu”[4].
Từ các khái niệm tội phạm nói chung, quy định của BLHS, Bộ luật Dân sự (BLDS), Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 và các quan điểm khác nhau về khái niệm Tội MDNCTN, chúng tôi cho rằng, Tội MDNCTN là hành vi dùng tài sản để người từ 13 đến dưới 18 tuổi cho giao cấu, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 18 tuổi trở lên cố ý thực hiện, xâm phạm đến trật tự nơi công cộng[5].
2. Hoàn thiện khái niệm hành vi khách quan của Tội mua dâm người chưa thành niên 
Hiện nay, cũng chưa có văn bản pháp luật nào quy định về khái niệm hành vi khách quan(HVKQ) của Tội MDNCTN.Theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 “mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu”[6]. Từ quy định này và quy định tại Điều 256 BLHS, theo chúng tôi, HVKQ của Tội MDNCTN là hành vi của người đã thành niên dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm từ đủ 13 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi để được giao cấu[7].
Bản chất của hành vi MDNCTN là việc chủ thể đã dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm từ đủ 13 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi để được giao cấu. Vì vậy, nếu người nào tuy có hành vi giao cấu với người từ đủ 13 nhưng chưa đủ 18 tuổi mà không có hành vi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm thì không phạm Tội MDNCTN. Trường hợp này họ có thể không phạm tội hoặc phạm tội khác như tội hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm, cưỡng dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em và loạn luân. Người nào giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi (dù trước đó họ cũng có hành vi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm chưa đủ 13 tuổi) thì họ cũng không phạm Tội MDNCTN mà phạm tội hiếp dâm trẻ em được quy định tại khoản 4 Điều 112 BLHS.
3. Hoàn thiện quy định về phương tiện phạm tội mua dâm người chưa thành niên 
Theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 thì phương tiện phạm Tội MDNCTN phải là “tiền hoặc lợi ích vật chất khác”. Tuy nhiên, cả về lý luận lẫn trong thực tiễn, phương tiện phạm Tội MDNCTN được xác định bao gồm: tiền Việt Nam đồng, ngoại tệ, các giấy tờ có giá trị thanh toán khác hoặc đồ vật và các quyền về tài sản. Như vậy, rõ ràng so với từ ngữ dùng để diễn đạt trong điều luật thì khái niệm về phương tiện phạm tội của Tội MDNCTN được hiểu rộng hơn. Nói cách khác, nó được hiểu theo nghĩa của khái niệm tài sản. Theo Điều 163 BLDS năm 2005 thì tài sản bao gồm“vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. BLDS năm 2005 cũng đã có quy định cụ thể hóa các loại tài sản ghi trong điều này. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cần quy định rõ trong khoản 1 Điều 256 BLHS phương tiện phạm tội của Tội MDNCTN là tài sản theo quy định tại Điều 163 BLDS năm 2005, theo đó, phương tiện phạm Tội MDNCTN có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản chứ không chỉ là “tiền hoặc lợi ích vật chất khác" như quy định hiện nay.
Vụ án sau đây là một ví dụ. Trong khoảng thời gian khá dài, kể từ trước khi vụ án bị phát hiện vào tháng 9/2009, ông Sầm Đức Xương đã có tới 15 lần mua dâm các nữ sinh ở huyện V, trong đó có 6 nữ sinh chưa thành niên và nhiều lần ép các nữ sinh phải bán dâm để được nâng đỡ kết quả học tập… Tại phiên sơ thẩm tháng 3-2011, bị cáo Sầm Đức Xương bị TAND tỉnh H. tuyên phạt 9 năm tù giam về tội mua dâm người chưa thành niên.
4. Hoàn thiện quy định về chủ thể của Tội mua dâm người chưa thành niên  
Hiện nay, theo quy định tại Điều 256 BLHS thì bất kỳ ai (từ đủ 14 hoặc 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự) MDNCTN đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội MDNCTN. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử chỉ xử lý người đã thành niên vì các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng, nếu người mua dâm là người chưa thành niên thì bản thân họ cũng chưa phát triển hoàn thiện về tâm sinh lý nên hành vi của họ chưa có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội và không cần phải xử lý họ về hình sự. Vì vậy, để thống nhất giữa quy định trong luật và thực tiễn áp dụng luật, Điều 256 cần quy định rõ: Chủ thể của Tội MDNCTN là người đã thành niên (giống như quy định tại Điều 115 BLHS về Tội giao cấu với trẻ em).
Cũng cần nói thêm rằng, hoàn thiện pháp luật về tội này cần đặt trong mối tương quan với Tội hiếp dâm trẻ em, Tội cưỡng dâm trẻ em. Vì vậy, nếu sửa chủ thể của tội mua dâm người chưa thành niên theo hướng trên thì cũng cần sửa chủ thể của Tội hiếp dâm trẻ em, Tội cưỡng dâm trẻ em theo hướng:
Thứ nhất,về Tội hiếp dâm trẻ em (khoản 1, Điều 112): theo Điều 112 BLHS, Tội hiếp dâm trẻ em được áp dụng cho hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ. Trên cơ sở quy định của BLHS, hầu hết quan điểm cho rằng, chủ thể của tội hiếp dâm trẻ em là chủ thể đặc biệt - nam giới; hành vi khách quan của tội này là hành vi giao cấu trái ý muốn của người phụ nữ bằng thủ đoạn dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được hoặc bằng thủ đoạn khác[8]. Tuy nhiên, cũng có quan điểm không đồng tình khi cho rằng, “chủ thể của tội hiếp dâm trẻ em là chủ thể thường - nam hoặc nữ có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định; hành vi khách quan của tội này là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được hoặc hành vi khác và hành vi giao cấu trái ý muốn của nạn nhân”[9]. Quan điểm thứ ba tuy đồng ý chủ thể của tội hiếp dâm trẻ em là chủ thể thường - nam hoặc nữ có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định; nhưng lại cho rằng, hành vi khách quan của tội này là hành vi giao cấu trái ý muốn hoặc không có ý muốn của nạn nhân bằng một trong các thủ đoạn: dùng vũ lực; đe doạ dùng vũ lực; lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân; lợi dụng tình trạng không thể biểu lộ được ý chí của nạn nhân; tạo ra tình trạng không thể tự vệ được hoặc không thể biểu lộ được ý chí ở nạn nhân.
Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ ba vì: thứ nhất, về lý luận, nữ giới cũng có thể phạm tội hiếp dâm trẻ em thông qua hành vi giao cấu trái ý muốn hoặc không có ý muốn của nam giới bằng thủ đoạn tạo ra tình trạng không thể tự vệ được hoặc không thể biểu lộ được ý chí ở nạn nhân như cho nạn nhân uống thuốc mê, thuốc kích thích…; thứ hai: về thực tiễn, vài năm gần đây ở nước ta đã xuất hiện một số trường hợp nữ giới dùng thủ đoạn tạo ra tình trạng không thể tự vệ được hoặc không thể biểu lộ được ý chí ở nam giới để giao cấu trái ý muốn hoặc không có ý muốn của nam giới nhưng không bị trừng trị về tội hiếp dâm, dẫn đến bỏ lọt tội phạm và gây bất bình trong nhân dân (vì theo quy định hiện hành thì chủ thể của tội phạm này chỉ là nam giới); thứ ba, về kinh nghiệm nước ngoài, qua nghiên cứu luật hình sự một số nước trên thế giới (như Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ, Thụy Điển…) chúng tôi thấy hầu hết các nước đều quy định chủ thể của Tội hiếp dâm trẻ em là chủ thể thường (nam hoặc nữ); thứ tư, về bản chất, Tội hiếp dâm trẻ em là hành vi giao cấu trái ý muốn hoặc không có ý muốn của nạn nhân, chứ không phải là hành vi dùng vũ lực; đe doạ dùng vũ lực; lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân; lợi dụng tình trạng không thể biểu lộ được ý chí của nạn nhân; tạo ra tình trạng không thể tự vệ được hoặc không thể biểu lộ được ý chí ở nạn nhân (vì đây chỉ là những thủ đoạn để thực hiện hành vi giao cấu). Vì vậy, để thống nhất trong nhận thức và áp dụng luật hình sự, chúng tôi đề nghị sửa lại tình tiết định tội trong Tội hiếp dâm trẻ em, bao gồm cả chủ thể và hành vi, thủ đoạn thuộc mặt khách quan như sau: 1) Quy định rõ chủ thể của Tộihiếp dâm trẻ em là chủ thể thường (bất cứ người nào, có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định); 2) Quy định hiếp dâm trẻ em là hành vi giao cấu trái ý muốn hoặc không có ý muốn của nạn nhân bằng thủ đoạn dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác; 3) Bổ sung cụm từ hoặc không có ý muốn của họ để tránh tình trạng bỏ lọt Tội hiếp dâm trẻ em vì không chứng minh được dấu hiệu trái ý muốn của nạn nhân; 4) Sửa lại một số thuật ngữ cho chính xác. Cụ thể, điều luật mới được sửa đổi thành: “1. Người nào giao cấu trái ý muốn hoặc không có ý muốn của người dưới 16 tuổi bằng thủ đoạn dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác,…” (cần lưu ý là theo khoản 4, Điều 112 BLHS: "Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình".
Thứ hai,về Tội cưỡng dâm trẻ em (khoản 1, Điều 114): cần sửa lại tình tiết định tội, bao gồm cả chủ thể và hành vi, thủ đoạn thuộc mặt khách quan (giống như Tội hiếp dâm). Đồng thời, quy định rõ cưỡng dâm trẻ em là hành vi giao cấu với người khác có sự miễn cưỡng đồng ý của họ bằng thủ đoạn uy hiếp tinh thần; bỏ cụm từ dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách cho dễ hiểu, dễ áp dụng và dễ chứng minh về mặt tố tụng bởi, về mặt lý luận cũng như thực tiễn để xác định đúng thế nào là trong tình trạng quẫn bách là rất khó. Như vậy, điều luật mới được sửa đổi thành: “1. Người nào giao cấu với người từ 13 đến dưới 16 tuổi có sự miễn cưỡng đồng ý của họ bằng thủ đoạn uy hiếp tinh thần,…”.
5. Hoàn thiện quy định về hình phạt và tình tiết tăng nặng định khung của Tội mua dâm người chưa thành niên  
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Mục đích của hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn nhằm giáo dục, cải tạo người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống. Xem xét cụ thể các hình phạt mà BLHS quy định đối với Tội MDNCTN ta thấy, các hình phạt, mức phạt được xác định rất cụ thể, bao gồm cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung.
Các hình phạt chính: BLHS quy định một loại hình phạt chính áp dụng đối với người phạm Tội MDNCTN, đó là hình phạt tù có thời hạn. Hình này được áp dụng đối với người phạm tội tại khoản 1 Điều 256, với mức phạt “từ một năm đến năm năm”; tại khoản 2 Điều 256, với mức phạt “từ ba năm đến tám năm”; tại khoản 3 Điều 256, với mức phạt “từ bảy năm đến mười lăm năm”.
Các hình phạt bổ sung: BLHS quy định một loại hình phạt bổ sung áp dụng đối với người phạm Tội MDNCTN tại khoản 4 Điều 256 là “phạt tiền từ năm triệu đồng đến mười triệu đồng”.
Hình phạt đối với Tội MDNCTN hiện nay, theo chúng tôi là còn nhẹ, chưa đủ nghiêm khắc để trừng trị, răn đe người phạm tội. Tham khảo pháp luật một số nước, chúng tôi thấy gần đây, Australia đã tăng hình phạt đối với tội mua dâm trẻ em[10]. Thủ tướng Australia cho biết, sẽ sớm triệu tập một cuộc họp với Thủ hiến các tiểu bang nhằm thảo luận biện pháp giải quyết và thắt chặt luật pháp xung quanh tệ nạn này. Tại bang Queensland, hình phạt tối đa cho những kẻ phạm tội mua dâm với trẻ em và sản xuất tranh ảnh khiêu dâm trẻ em lên tới 10 năm tù, tăng gấp đôi so với trước đây. Ở Thái Lan, trong Luật Phòng, chống mại dâm B.E. 2539, từ Điều 9 đến Điều 12 quy định hình phạt khá nghiêm khắc đối với những người hành nghề mại dâm, mua dâm người từ 15 đến 18 tuổi, dụ dỗ mua chuộc người khác bán dâm... Thậm chí, cha, mẹ của người từ 18 tuổi trở xuống nếu biết về việc thực hiện hành vi mua bán dâm đối với con mình mà làm ngơ, thì bị phạt tù từ 4 năm đến 20 năm và phạt tiền từ 80.000 Baht đến 400.000 Baht.
Để góp phần trừng trị nghiêm người phạm Tội MDNCTN, chúng tôi cho rằng, BLHS cần tăng hình phạt đối với Tội MDNCTN lên hai mươi năm tù, nhất là trường hợp mua dâm làm nạn nhân chết. Thêm vào đó, để không bỏ lọt những trường hợp phạm tội nguy hiểm như “mua dâm thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm”, "mua dâm có tính chất loạn luân" và “mua dâm làm nạn nhân chết” mà còn bảo đảm sự thống nhất với quy định trong các điều luật khác của BLHS như Điều 111 (tội hiếp dâm), Điều 113 (tội cưỡng dâm)..., chúng tôi đề nghị bổ sung thêm tình tiết tăng nặng định khung “tái phạm nguy hiểm” vào khoản 2 Điều 256 và tình tiết tăng nặng định khung “hoặc làm nạn nhân chết” vào khoản 3 Điều 256; cụ thể như sau:
Điều 256. Tội MDNCTN (cũ)
1. Người nào MDNCTN từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến tám năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Mua dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Phạm tội nhiều lần đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên.
Điều 256. Tội MDNCTN (mới)
1. Người nào MDNCTN từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến tám năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
a1) Tái phạm nguy hiểm;
a2) Có tính chất loạn luân;
b) Mua dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Phạm tội nhiều lần đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm nạn nhân chết.
 
 

 


[1]Xem thêm: Võ Khánh Vinh chủ biên (2001), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm), Nxb Công an nhân dân, H., tr. 515-519.
[2] Xem thêm: Khổng Văn Hà chủ biên (2005), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam phần các tội phạm, Tập II, Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ môn Pháp luật, H., tr. 107-108.
[3] Xem thêm: Lê Cảm chủ biên (2003), Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 610-612.
[4] Xem thêm: Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, ngày 14/3/2003.
[5] Xem thêm: Đỗ Đức Hồng Hà (2010), "Tội MDNCTN, lý luận và thực tiễn", Tạp chí Tòa án nhân dân, (số 10), tr. 14-20.
[6] Xem thêm: Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm 
[7] Xem thêm: Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
[8] Xem thêm: Võ Khánh Vinh chủ biên, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 115-121; Lê Cảm chủ biên, Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003, tr. 142-146.
[9] Xem thêm: Khổng Văn Hà chủ biên, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm), Tập I, Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ môn Pháp luật, Hà Nội, 2005, tr. 79-82.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 23(208), tháng 12/2011)


Thống kê truy cập

32917663

Tổng truy cập