Phát triển hoạt động đầu tư chứng khoán của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ

01/05/2013

ThS. LÊ THỊ THẢO

Khoa Luật, Đại học Huế

Hoạt động đầu tư tài chính được xem là nguồn chủ yếu để hình thành lợi nhuận cho các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH). Sự ra đời và phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã tạo điều kiện và môi trường cho việc chuyển hướng danh mục đầu tư của DNBH rót vốn đầu tư vào nền kinh tế. Tham gia trên TTCK, DNBH với tư cách vừa là nhà phát hành chứng khoán, là định chế tài chính, vừa là nhà đầu tư chứng khoán (ĐTCK). Tuy nhiên, để thúc đẩy cũng như đảm bảo hiệu quả hoạt động đầu tư này, cần xây dựng cơ chế pháp l‎‎ý phù hợp vừa khuyến khích thúc đẩy hoạt động sử dụng đầu tư vốn của DNBH vừa là cơ sở để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm nói riêng và ổn định, phát triển thị trường vốn nói chung. 
Untitled_495.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Vai trò đầu tư chứng khoán của doanh nghiệp bảo hiểm đối với thị trường chứng khoán
Ngày 15/02/2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam” giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, mục tiêu đặt ra cho thị trường bảo hiểm đến năm 2015 phải đạt 2% - 3% GDP, đến năm 2020 đạt 3% - 4% GDP. Quy mô các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhằm đáp ứng nghĩa vụ chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm cho khách hàng đến năm 2020 tăng gấp 3,5 lần và đến năm 2020 tăng gấp 4,5 lần so với năm 2010. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm (KDBH) đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế, dự kiến đến năm 2015 nguồn vốn từ DNBH để đầu tư cho nền kinh tế chiếm 3-4%GDP. Để phát huy hơn nữa hiệu quả của các hoạt động đầu tư này, đồi hỏi các DNBH cần có chiến lược, danh mục đầu tư thích hợp phù hợp nhu cầu của nền kinh tế.
Hoạt động ĐTCK được xem là một tâm điểm của các doanh nghiệp trong việc tạo lợi nhuận cho nguồn vốn đầu tư cũng như mục tiêu của Nhà nước trong việc tập trung nguồn vốn cho nền kinh tế. Với đặc trưng của hoạt động ĐTCK mang tính sinh lợi nhưng cũng mang tính rủi ro, nguồn vốn đầu tư của DNBH vào TTCK được đánh giá như là nhân tố an toàn cao cho TTCK.
Thứ nhất, DNBH dưới góc độ là nhà đầu tư, việc thành lập các quỹ bảo hiểm để ĐTCK tạo nên chủ thể có nguồn vốn lớn và ổn định cho thị trường. Mặt khác, dưới phương diện là nhà phát hành, DNBH được xem là chủ thể có lợi thế và thị phần trong việc tham gia phát hành chứng khoán ra thị trường để tập trung và huy động nguồn vốn đầu tư.
Thứ hai, hoạt động ĐTCK đảm bảo ổn định đòi hỏi phải tập trung được nguồn vốn trung và dài hạn. Việc thực hiện hoạt động đầu tư thông qua DNBH được xem là chủ thể đầu tư vừa có tính dài hạn vừa đảm bảo ổn định cho thị trường đang chiếm uy tín ở các quốc gia. 
Do vậy, việc tạo điều kiện và nền tảng pháp lý cho khuyến khích sự tham gia của các tổ chức đầu tư vào TTCK là mục tiêu hàng đầu trong việc ổn định TTCK nói chung và ổn định thị trường vốn nói riêng.
2. Nguyên tắc an toàn trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm  
KDBH là hoạt động kinh doanh có điều kiện, vì vậy cơ quan nhà nước cần có những quy định chặt chẽ để đảm bảo sự an toàn trong các hoạt động kinh doanh của DNBH, trong đó có quy định chặt chẽ về vốn và đầu tư vốn của DNBH, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Trong chiến lược đầu tư, lợi nhuận cao không phải là mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Trong đa số các trường hợp, mục tiêu an toàn và tạo thu nhập ổn định là các ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, vì nguồn vốn huy động từ việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ có kỳ hạn khá dài thường từ trên 10 năm và với những kỳ hạn khác nhau, sản phẩm đầu tư cũng phải thỏa mãn các yếu tố: dài hạn và đa dạng về kỳ hạn. Đồng thời, các khoản đầu tư còn phải mang tính dàn trải để phân tán các rủi ro có thể xảy ra.
Nhằm phát huy hiệu quả đồng vốn của DNBH, Bộ Tài chính chủ trương khuyến khích các DNBH đa dạng hoá danh mục đầu tư. Theo quy định của Luật KDBH 2000 và Luật sửa đổi bổ sung Luật KDBH năm 2010, DNBH nhân thọ trong quá trình hoạt động kinh doanh được phép thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính trong đó có hoạt động đầu tư mua bán chứng khoán theo quy định của pháp luật chứng khoán. Cụ thể là DNBH được phép sử dụng vốn chủ sở hữu và dự phòng nghiệp vụ của DNBH để đầu tư sinh lời nhưng tôn chỉ nguyên tắc “đầu tư vốn của DNBH phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu chi trả thường xuyên cho các cam kết theo hợp đồng bảo hiểm”[1] .
Mặt khác, ĐTCK có tính thanh khoản cao giúp cho DNBH thuận tiện trong việc đảm bảo khả năng thanh toán cho khách hàng khi cần thiết. Ví như trong trường hợp đang nắm giữ chứng khoán, các DNBH cần chi trả cho khách hàng trong một thương vụ nào đó do rủi ro bảo hiểm xảy ra thì doanh nghiệp có thể bán chứng khoán trên thị trường để đảm bảo khả năng chi trả của mình.
3. Nguồn vốn và tỷ lệ sử dụng vốn để đầu tư chứng khoán  
Theo luật định, nguồn vốn đầu tư của DNBH gồm: vốn điều lệ, các quỹ dự trữ, các khoản lãi của những năm trước chưa sử dụng và các quỹ được sử dụng để đầu tư hình thành từ lợi tức để lại doanh nghiệp và nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm. Mọi hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam đều được Chính phủ kiểm soát rất chặt chẽ. Điều này được quy định rõ qua Luật KDBH cũng như các văn bản hướng dẫn có liên quan. Tỷ lệ quy định về hoạt động đầu tư vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đối với các DNBH nhân thọ trong lĩnh vực ĐTCK là: (1) Mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh gửi tiền tại các tổ chức tín dụng không bị hạn chế; (2) Mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp không có bảo lãnh, góp vốn vào các doanh nghiệp khác tối đa là 50% vốn nhàn rỗi từ quỹ dự phòng nghiệp vụ[2]. Như vậy, DNBH được phép sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư ở Việt Nam cho việc mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp. Đây chỉ là một trong số các hoạt động đầu tư của DNBH mà pháp luật cho phép thực hiện. Tuy nhiên theo thống kê, trong thời gian qua hoạt động đầu tư tài chính của DNBH trong hoạt động chứng khoán còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn. Số liệu thống kê từ DNBH bảo hiểm BIC cho thấy, tỷ lệ vốn của doanh nghiệp đầu tư vào TTCK chiếm tỷ trọng rất thấp. Năm 2009, cổ phiếu niêm yết là 42.858.377.391 đồng chiếm 2%, cổ phiếu chưa niêm yết là 54.641.250.000 đồng chiếm 3%. Năm 2010, tỷ trọng này giảm xuống còn 31.560.598.250 đồng chiếm 1,21% đối với cổ phiếu niêm yết và 50.982.426.636 đồng, chiếm 1,95%. Trong khi tỷ trọng gửi tiền ngân hàng chiếm đến 65% năm 2009 và 65,43% năm 2010. Và trái phiếu công ty ngắn hạn cũng chiếm tỷ trọng 2,4% năm 2010[3]. Đối với các DNBH khác, tỷ trọng ĐTCK trung bình cũng chỉ không quá 2%. Trong khi đó, các DNBH nước ngoài thì danh mục đầu tư của DNBH cho chứng khoán chiếm phần lớn tỷ trọng danh mục đầu tư. Các DNBH nhân thọ ở Mỹ tỷ lệ đầu tư này chiếm trên 60%, ở Pháp chiếm 63,9% giá trị đầu tư của các công ty bảo hiểm để ĐTCK.
4. Hình thức tổ chức đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm trong lĩnh vực chứng khoán
Thực tế hiện nay, sự thiết lập hình thức tổ chức đầu tư cho các DNBH ĐTCK chưa có cơ chế phát huy hiệu quả. Trong thời gian qua, hoạt động đầu tư vốn của các DNBH đã được triển khai ở một số doanh nghiệp dưới hình thức thành lập công ty quản lý quỹ như: Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt (hoạt động từ năm 2005) thực hiện các hoạt động: Quản lý danh mục đầu tư ủy quyền toàn bộ; Quản lý danh mục đầu tư theo chỉ định; Các dịch vụ quản lý Quỹ dành cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Chiến lược phát triển và ứng dụng hệ thống sẽ giúp Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt tăng cường năng lực, tiếp cận các lĩnh vực mới của thị trường thông qua việc mở rộng mạng lưới khách hàng tổ chức và liên kết với các nhà cung cấp bên ngoài. Kết quả kinh doanh năm 2011: tổng doanh thu đạt 54 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 16,4 tỷ đồng[4]. Các Công ty quản lý quỹ của Manulife, công ty quản lý quỹ của tập đoàn tài chính Prudential cũng đã được thành lập và hoạt động... Tuy nhiên, các DNBH đang còn dè dặt trong đầu tư dưới hình thức thành lập công ty quản lý quỹ hay quỹ ĐTCK.
5. Một số giải pháp phát triển hoạt động đầu tư chứng khoán của doanh nghiệp bảo hiểm
Thứ nhất, cần có các quy định nới lỏng nguồn vốnđầu tư cho hoạt động chứng khoán. Có thể cho phép doanh nghiệp KDBH nhân thọ sử dụng nguồn vốn huy động, nguốn vốn từ đóng góp phí bảo hiểm để đầu tư cho chứng khoán vì hoạt động đầu tư này mang tính thanh khoản và linh động cao. DNBH có thể bán để thanh toán cho khách hàng khi có rủi ro cần chi trả.
Thứ hai, khuyến khích các DNBH có đủ tiêu chuẩn thành lập quỹ đầu tư. Quỹ đầu tư là một định chế tài chính trung gian phi ngân hàng thu hút tiền nhàn rỗi từ các nguồn khác nhau để đầu tư vào các cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ, hay các loại tài sản khác… Các quỹ đầu tư được tổ chức dưới dạng một công ty, phát hành cổ phần. Việc thành lập quỹ đầu tư tạo cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân tham gia TTCK, bên cạnh đó thiết lập được các nhà đầu tư có tổ chức tạo nên tính ổn định và chuyên nghiệp của TTCK Việt Nam.
Tất cả các khoản đầu tư này đều được quản lý chuyên nghiệp, chặt chẽ bởi công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát và cơ quan thẩm quyền khác. Các nhà quản lý đầu tư quỹ của công ty là người có nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ trong thị trường tài chính luôn giám sát chặt chẽ để đưa ra quyết định danh mục đầu tư nào là tối ưu nhất: việc kết hợp đầu tư đồng thời một số loại cổ phiếu theo một cơ cấu nhất định giúp trung hoà tính rủi ro của các cổ phiếu này và tối đa hoá lợi nhuận. So với việc đầu tư (vào SXKD hay vào một loại chứng khoán nào đó) thì việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ ít rủi ro hơn vì: (i) có sự tư vấn của các chuyên gia; (ii) việc đa dạng các loại cổ phiếu giúp giảm thiểu rủi ro. Nhưng cũng chính vì vậy, tổng lợi nhuận của cả danh mục đầu tư thường không cao. Tuy nhiên, so với lợi nhuận đem lại từ việc mua trái phiếu, gửi tiền vào ngân hàng hay mua bảo hiểm thì đầu tư vào các chứng chỉ quỹ vẫn có lợi hơn.
Mặt khác, các quỹ đầu tư của các DNBH còn có vai trò thúc đẩy sự phát triển của TTCK và tăng tính thanh khoản cho thị trường này. Do vậy, quỹ đầu tư được coi là chiếc cầu nối tốt nhất giữa các nguồn vốn ngắn hạn và nhu cầu vốn dài hạn trên TTCK, đặc biệt đối với TTCK còn non trẻ đang trong giai đoạn đầu phát triển của Việt Nam và nhất là khi mà các dự án đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ đang cần vốn. Do đó, đối với các DNBH có đủ điều kiện về vốn, quy mô dự phòng lớn, có khả năng đầu tư dài hạn thì cần được khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư theo luật định.
Tuy nhiên, cần có chính sách miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp KDBH và nhà đầu tư trong hình thức đầu tư này.
Thứ ba, tạo điều kiện cho việc thành lập quỹ tín thác ĐTCK của DNBH nhân thọ - là quỹ không có tư cách pháp nhân và hội đồng quản trị. Công ty quản lý quỹ đứng ra thành lập quỹ, tiến hành việc huy động vốn, thực hiện việc đầu tư theo những mục tiêu đã đề ra trong điều lệ quỹ. Bên cạnh đó, ngân hàng giám sát có vai trò bảo quản vốn và các tài sản của quỹ, quan hệ giữa công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát được thể hiện bằng hợp đồng giám sát trong đó quy định quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong việc thực hiện và giám sát việc đầu tư để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư. Nhà đầu tư là những người góp vốn vào quỹ nhưng không phải là cổ đông và ủy thác việc đầu tư cho công ty quản lý quỹ để bảo đảm khả năng sinh lợi cao nhất từ khoản vốn đóng góp của họ. Với việc tham gia vào quỹ tín thác tạo kênh đầu tư vốn chuyên nghiệp cho các nhà đầu tư để sử dụng hiệu quả đồng vốn và hạn chế rủi ro.
Thứ tư, tiếp tục tạo điều kiện cho phép các DNBH thành lập công ty quản lý quỹ theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, bản thân các doanh nghiệp KDBH phải xác định và xây dựng danh mục đầu tư của DNBH cho phù hợp nhằm khai thác triệt để nguồn vốn đầu tư và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động đầu tư kinh doanh thu hút khách hàng, niềm tin khi tham gia bảo hiểm.
Thứ sáu, đào tạo đội ngũ quản lý ĐTCK chuyên nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong hoạt động ĐTCK và đa dang hoá danh mục ĐTCK. Mặt khác, phổ biến các hình thức đầu tư của DNBH cho công chúng biết và có điều kiện để tham gia đầu tư.

 


[1] Xem Điều 98, Khoản 1 Luật Kinh doanh Bảo hiểm.
[2] Xem Điều 13, Nghị định 43/2001/NĐ-CP
[3] Theo báo cáo thông kê của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ BIC

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 9(241), tháng 5/2013)


Thống kê truy cập

33953194

Tổng truy cập