Một số nguyên tắc cơ bản của cơ chế dân chủ trong dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992

01/05/2013

PGS. TS. HÀ THỊ MAI HIÊN

Viện Nhà nước và pháp luật

Việc sửa đổi Hiến pháp lần này được tiến hành trong bối cảnh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, mà một trong những nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền (NNPQ) xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Như vậy, nội dung quan trọng nhất của Hiến pháp sửa đổi lần này là tăng cường dân chủ, hoàn thiện cơ chế dân chủ (CCDC) vì mục tiêu bảo đảm và bảo vệ quyền con người. CCDC và các nguyên tắc cơ bản của nó là một thể thống nhất, có mối hệ hữu cơ và được thể hiện xuyên suốt toàn bộ Hiến pháp. Bài viết đề cập đến một số nguyên tắc quy định tại Chương I của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (Dự thảo): Chế độ chính trị.
Untitled_493.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
Dân chủ là bản chất của chế độ Nhà nước XHCN Việt Nam; dân chủ cũng là mục tiêu, nội dung, định hướng xuyên suốt các cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay. Dân chủ cũng được ghi nhận, khẳng định trong tất cả các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và 1992 (sửa đổi năm 2001).
Đặt vấn đề như vậy để khẳng định rằng, qua mỗi chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ dân chủ (CĐDC) và quyền tự do dân chủ của người dân ngày càng phát triển; và việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này nhằm thể chế hóa đầy đủ hơn, cụ thể hơn quan điểm của Đảng ta, tư tưởng Hồ Chí Minh về nền dân chủ XHCN, một nền dân chủ vì mục tiêu con người và bảo vệ quyền con người, một Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân. Dự thảo đã thể hiện rất nhiều nội dung mới, nổi bật nhất là có một chương mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II) với cách tiếp cận mới trên cơ sở kế thừa Chương VII Hiến pháp hiện hành. Dự thảo - về cơ bản đã thể chế hóa được những quan điểm chỉ đạo của Đảng, thể hiện trong các văn kiện Đại hội lần thứ XI, mà trước hết là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (bổ sung, sửa đổi năm 2011), khẳng định những nguyên tắc cơ bản của NNPQ XHCN Việt Nam, trước hết là bản chất nhà nước, chủ quyền nhân dân và các phương thức thực hiện quyền lực nhân dân; về đổi mới, cải cách bộ máy nhà nước; khẳng định sự lãnh đạo và vai trò của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát quyền lực; thể chế hóa quan điểm mới về chính sách xây dựng con người, khẳng định thái độ coi trọng vấn đề con người; thể chế hóa tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về mối quan hệ giữa nhân dân với Nhà nước một cách rõ ràng hơn, bản chất nhân dân của chính quyền nhà nước từ trung ương đến địa phương; quan điểm về khối đại đoàn kết toàn dân; trách nhiệm của Nhà nước trong quan hệ với quyền làm chủ của nhân dân. Có thể khẳng định rằng, rất nhiều nội dung trong Dự thảo đã là một bước phát triển mới về quyền con người và CĐDC XHCN. Để góp phần hoàn thiện thêm Dự thảo, chúng tôi xin có một số ý kiến trao đổi sau đây:
Thứ nhất, về nguyên tắc “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”, tức là chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân. Đây là nguyên tắc bao trùm nhất, chi phối các nguyên tắc khác của Hiến pháp. Các quy định trong Dự thảo đã khẳng định bản chất dân chủ và các nguyên tắc vận hành của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, cách quy định như trong Dự thảo thể hiện chưa đầy đủ và trọn vẹn nguyên tắc “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”; chưa thật sự chính xác tính nhân dân của quyền lực nhà nước trong giai đoạn mới. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam đã khẳng định: “Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước... Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện...”[1]. Như vậy, cần phải hiểu chủ quyền nhân dân không chỉ là quyền lực nhà nước. Bên cạnh đó, Điều 2 Dự thảo có 2 đoạn thể hiện nội dung 2 nguyên tắc khác nhau và có một nội dung rất quan trọng tại Điều 2 về bản chất dân chủ “mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” có nên quy định hay không? CĐDC tư sản ngay từ những ngày đầu lập quốc đã tuyên bố tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nhưng ban đầu chỉ những người giàu có mới được bầu cử và ứng cử. Mãi đến đầu thế kỷ XX, ở các nước tư bản phát triển mới có chế độ bầu cử tự do, bình đẳng. Vì vậy, quy định Nhà nước Việt Nam là “NNPQ XHCN” đã thể hiện bản chất CĐDC của Nhà nước rồi, dân chủ của đại đa số nhân dân lao động. Mặt khác, với chế độ bầu cử phổ thông, bình đẳng ở Việt Nam như từ năm 1946 đến nay thì về thực chất, quyền lực nhà nước thuộc về tất cả nhân dân, không ai bị phân biệt đối xử. Đây là điểm khác nhau cơ bản giữa dân chủ XHCN với dân chủ tư sản. Do đó, để phù hợp với thực trạng cấu trúc chính trị - xã hội và nền dân chủ pháp quyền XHCN, chúng tôi cho rằng, cần kết hợp Điều 2 với Điều 6 để có nội dung mới của 2 điều như sau:
Điều 2: “Cộng hòa XHCN Việt Nam là NNPQ XHCN, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.
Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, bao gồm quyền bầu cử và quyền phúc quyết những vấn đề quan trọng của đất nước”.
Đoạn 2 của Điều 2 chuyển thành Điều 3; còn nội dung tại Điều 3 chuyển xuống Điều 6. Như vậy, Dự thảo Hiến pháp sẽ được sửa đổi như sau: Điều 3: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ), tư pháp (Tòa án)”; và Điều 6: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.
Thứ hai, hiện nay vẫn có nhiều ý kiến góp ý cần quy định trong Hiến pháp (sửa đổi) nguyên tắc “tam quyền phân lập”, hay là phân chia quyền lực, với ý nghĩa như một nguyên tắc của NNPQ Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, về nguyên tắc, mọi ý kiến góp ý của nhân dân đều cần được lắng nghe, tôn trọng và tham khảo. Tuy nhiên, thực tế thì không ở đâu tồn tại sự phân chia quyền lực hay tam quyền phân lập theo nghĩa là quyền lực phân chia cả; đã là quyền lực thì phải thống nhất mới có hiệu lực. “Tam quyền phân lập” là cách nói của các nhà khoa học để chỉ cơ chế quyền lực, tổ chức bộ máy nhà nước, mà ở đó “quyền lực nhà nước được phân chia thành các lĩnh vực chức năng và các lĩnh vực này được giao cho các loại hình cơ quan nhà nước độc lập với nhau về mặt pháp lý đảm nhiệm. Quyền lực nhà nước theo trường phái cổ điển (tiêu biểu là J. Locke và Montesquieu) được phân chia thành ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp”[2]. Tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp Việt Nam cũng đi theo những giá trị chung đó. Thuật ngữ “tam quyền phân lập” không có quy định trực tiếp trong luật, trong hiến pháp và kể cả trong tác phẩm “ Bàn về tinh thần pháp luật” của Montesqueu. Mặt khác, nếu nghiên cứu kỹ nội dung Hiến pháp của các nhà nước có sự phân quyền mạnh mẽ như Mỹ, Cộng hòa Liên bang Đức, thì do cấu trúc tổ chức bộ máy nhà nước của họ là nhà nước liên bang, nên các bang cũng có hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp của mình. Nhưng đó cũng chỉ là phân công và phân định thẩm quyền mà không hề có “tam quyền phân lập”. Hiến pháp Liên bang Nga 1993, mặc dù có quy định tại Điều 10: “Quyền lực nhà nước Liên bang Nga được thực thi trên cơ sở phân chia thành quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập với nhau” nhưng tại Điều 5 trước đó đã xác định: “Cấu trúc liên bang Nga dựa trên sự toàn vẹn lãnh thổ, sự thống nhất của hệ thống quyền lực nhà nước, sự phân chia thẩm quyền giữa các cơ quan quyền lực nhà nước Liên bang Nga và các cơ quan quyền lực nhà nước ở các chủ thể Liên bang...”. Nếu so sánh với Hiến pháp các nước đó, tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam trong các bản Hiến pháp về cơ bản cũng thể hiện những giá trị phổ biến của phân quyền, tức là phân chia thẩm quyền, hay ở ta gọi là phân công nhiệm vụ, quyền hạn. Nói cách khác, cần phân biệt quyền lực tổng thể, chủ quyền tối cao của nhân dân với các quyền (thẩm quyền, quyền hạn, nhiệm vụ) cụ thể. Trong tác phẩm Bàn về khế ước xã hội, J.J. Rousseau đã viết “Chủ quyền tối cao là không thể phân chia… Trong chính trị của ta, tuy về nguyên tắc thì quyền lực tối cao là không thể phân chia, nhưng trên thực tế người ta vẫn chia tách nó trong đối tượng. Họ chia nó thành lực lượng và ý chí, thành quyền lực lập pháp và quyền lực hành pháp, thành quyền quan thuế, quyền tư pháp, quyền chiến tranh… Theo dõi các lối phân chia khác ta cũng sẽ thấy rõ sự lầm lẫn khi người ta tưởng rằng quyền lực tối cao có thể bị phân chia. Những bộ phận quyền hành được chia tách ra đều phụ thuộc vào quyền lực tối cao, đều giả định phải có ý chí tối cao, mỗi bộ phận đều chỉ nhằm thực hiện ý chí tối cao đó”[3].
Chúng ta có thể xác định được ý chí tối cao ở đây chính là ý chí của nhân dân thể hiện trong Hiến pháp. Cách quy định của Hiến pháp Việt Nam là đề cập đến chủ quyền tối cao, tức là bản chất của quyền lực: “quyền lực thống nhất”. Về bản chất thì dù là ở Mỹ, Đức, Nhật, hay Pháp, Nga… quyền lực cũng đều thống nhất. Chỉ ở nơi đâu, bao giờ mà quyền lực khủng hoảng, ví dụ ở nước Nga vào giai đoạn cuối những năm 80, thập kỷ 90 của thế kỷ XX là không có sự thống nhất quyền lực (thường gọi là khủng hoảng Hiến pháp).
Quan điểm của Đảng về tổ chức quyền lực theo nguyên tắc thống nhất quyền lực gắn liền với cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đã được thể hiện nhất quán trong Dự thảo. Dự thảo có một nội dung hoàn toàn mới, đó là Chương X - Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước. Chúng tôi cho rằng, sự ra đời của các thiết chế này là một bước phát triển mới của NNPQ trong CĐDC Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định trong Dự thảo xác định chưa rõ địa vị độc lập của Hội đồng Hiến pháp, thì sự ra đời của Hội đồng Hiến pháp chỉ làm cơ chế bảo hiến thêm cồng kềnh, kém hiệu quả. Hội đồng Hiến pháp là một thiết chế do Quốc hội thành lập phải có địa vị độc lập tương đối với Quốc hội, có thẩm quyền tài phán về tính hợp hiến của các văn bản dưới luật, hoặc ít nhất cũng có thẩm quyền đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi văn bản của Quốc hội, xem xét hủy bỏ các văn bản dưới luật khi các văn bản đó vi phạm Hiến pháp.     
Thứ ba, về sự lãnh đạo của Đảng:Trong nhà nước dân chủ XHCN, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là một tất yếu khách quan. Tính tất yếu này được quyết định bởi định hướng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bởi tính đặc thù của quá trình xây dựng một nhà nước dân chủ kiểu mới chưa từng có trong lịch sử nhân loại, NNPQ XHCN Việt Nam. Nhưng cần thấy được sự khác nhau trong sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trước khi giành chính quyền với sau khi giành được chính quyền.
Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm cách mạng, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách đô hộ của thực dân, đế quốc, phong kiến, đem lại tự do, bình đẳng, ấm no và hạnh phúc cho nhân dân, đồng bào mình; thực hiện sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Sự nghiệp xây dựng NNPQ XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội. Việc tiếp tục ghi nhận và khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong Hiến pháp là cần thiết và đúng đắn, là điều kiện không chỉ là bảo đảm cho sự ổn định và phát triển đất nước, mà còn bảo đảm để nhân dân Việt Nam tiếp tục đi theo con đường mình đã chọn. Tuy vậy, quy định về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội cần thể hiện như thế nào?
Về mặt lý luận cũng như thực tiễn, tính tất yếu, khách quan và tính chính đáng của sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là vấn đề không phải bàn cãi, không phải chỉ bởi vì Việt Nam đi theo con đường XHCN mặc dù vấn đề đó có ý nghĩa quyết định đối với việc xác định vai trò và sự lãnh đạo của Đảng ta. Chính lịch sử phát triển và thực tiễn của cách mạng Việt Nam đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản như một đảng duy nhất và thống nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam. Đó là sự lựa chọn đúng đắn của dân tộc Việt Nam vừa mang tính lịch sử đồng thời là sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, phù hợp với yêu cầu, xu thế phát triển của thời đại, là điều kiện đảm bảo cho dân tộc, đất nước Việt Nam hòa chung vào dòng chảy của thời đại để xây dựng một xã hội mới, một NNPQ XHCN, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
“Trong thời kỳ hiện đại, sự xuất hiện các đảng phái chính trị là quy luật tất yếu khách quan”. Và do đó, trong hiện thực, sự tồn tại của các đảng phái cùng đồng thời với một trật tự phân định chức năng, quyền hạn giữa các cơ quan, các thiết chế trong hệ thống chính trị là một hiện tượng phổ biến, trở thành giá trị gắn liền với dân chủ. Cũng tương tự như vậy, sự phân quyền giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước không những không đối lập mà còn gắn liền với sự lãnh đạo, chi phối bởi đảng (hoặc liên minh đảng) cầm quyền, chính đảng thắng thế trong cuộc bầu cử dân chủ và tự do. Tính chính đáng của đảng cầm quyền là ở chỗ, đảng được nhân dân lựa chọn thông qua bầu cử tự do, phổ thông và dân chủ. Và khi đã trở thành đảng cầm quyền, sự lãnh đạo, chỉ đạo, chi phối của đảng đối với việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước là đương nhiên. Sự khác nhau giữa mô hình chính thể của nhà nước này với mô hình chính thể của nhà nước kia chỉ là sự phản ánh mức độ phát triển của phân quyền và văn hoá dân chủ của các quốc gia, nhà nước đó mà thôi. Suy cho cùng, sự phân quyền về chính trị cũng chính là sự phản ánh sự phân công lao động xã hội. Và đó cũng chính là đặc thù của hiện thực dân chủ. Trong điều kiện là một đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo, các hoạt động nhà nước trở thành việc chính yếu của đảng. Tuy nhiên, đảng và nhà nước luôn luôn là hai chủ thể quyền lực trong hệ thống chính trị. Cho nên, đảng không thể lấy tư cách đảng để thực hiện các hoạt động mang tính nhà nước. Do đó, cùng với sự hoạch định chủ trương, đường lối phát triển, để đảm bảo được sự lãnh đạo đối với nhà nước, đảng phải hoá thân vào nhà nước. Mặt khác quyền lực nhà nước là do nhân dân uỷ quyền. Vì vậy, trong NNPQ, tính chính đáng của đảng cầm quyền chỉ có thể được đảm bảo thông qua cuộc bầu cử của nhân dân. Rõ ràng, tiêu chí đầu tiên, đối với mối quan hệ giữa Nhà nước với Đảng Cộng sản trong tất cả lĩnh vực cũng như trong lĩnh vực lập pháp, đó là sự đảm bảo tính chính đáng của Đảng trong vai trò là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Nhấn mạnh sự lãnh đạo của Đảng là cần thiết, nhưng đồng thời phải quan tâm đảm bảo vị trí, vai trò của Nhà nước trong cơ chế quyền lực. Nhà nước có vai trò là trung tâm của hệ thống chính trị. Chỉ có Nhà nước mới có chức năng và thẩm quyền thực hiện các hoạt động mang tính quyền lực nhà nước như: lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Từ thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam hơn 83 năm qua, vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản trong hệ thống chính trị đã được khẳng định; tính chính đáng về sự cầm quyền của Đảng đã được Hiến pháp 1992 (sửa đổi 2001) ghi nhận: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (Điều 6 Hiến pháp 1992).
Vậy Đảng lãnh đạo Nhà nước như thế nào để tôn trọng nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” và nguyên tắc về tính tối thượng của Hiến pháp? Khi đề cập đến quan hệ giữa chủ thể là Nhà nước với chủ thể Đảng Cộng sản trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, chúng ta cần xác định các chủ thể hiện hữu, tức là nói đến các cơ quan nhà nước cụ thể: cơ quan lập pháp (Quốc hội), cơ quan hành pháp (Chính phủ), cơ quan tư pháp (Tòa án); và các cơ quan, tổ chức của Đảng như Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương. Cùng là chủ thể của hệ thống chính trị, Đảng và Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc chung của hệ thống chính trị; đồng thời, mỗi chủ thể phải tuân theo những nguyên tắc tổ chức và hoạt động đặc thù riêng có của nó. Rõ ràng, khi đề cập đến sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, chúng ta cần phân biệt “lãnh đạo” với “cầm quyền”. Đảng cầm quyền khác với Đảng lãnh đạo ở chỗ, với vai trò cầm quyền, công việc nhà nước là công việc hàng ngày của các đảng viên, các tổ chức đảng tại các cơ quan nhà nước. Các cá nhân và các tổ chức này phải chịu trách nhiệm trước Đảng và trước nhân dân trong toàn bộ hoạt động nhà nước của mình, kể cả giữ gìn uy tín cá nhân và tổ chức đảng. Trong công việc nhà nước luôn luôn có Đảng nhưng không bao giờ nhân danh Đảng với tư cách là một chủ thể quyền lực nhà nước; nghĩa là các đảng viên phải hóa thân vào để trở thành lực lượng chính yếu, đặc biệt là người đứng đầu trong các cơ quan nhà nước. Trong hoạt động thực tiễn, thông thường mỗi đồng chí đảng viên được giao rất nhiều trọng trách nên sự phân vai rất khó khăn. Do đó, sự phân định thẩm quyền của mỗi chủ thể trong mọi hoạt động nhà nước là rất quan trọng; mỗi chủ thể phải hoạt động trong phạm vi thẩm quyền do luật định; đồng thời phải tuân thủ mọi nguyên tắc tổ chức của mỗi chủ thể với tư cách là tổ chức đảng hoặc cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, trong Nhà nước Việt Nam, giữa Đảng và Nhà nước không có sự đối lập. Trong các nước thuộc hệ thống đa đảng, một đảng (hoặc liên minh các đảng thắng cử) lên cầm quyền, các đảng còn lại trở thành đảng đối lập. Và giữa các đảng không ngừng có các cuộc cạnh tranh giành quyền lực, biểu hiện rõ nét nhất là trong thời kỳ tranh cử, trong các cuộc họp Quốc hội khi thông qua các đạo luật. Yếu tố cạnh tranh này không tồn tại ở Việt Nam, vì chúng ta đã lựa chọn duy nhất một Đảng Cộng sản cầm quyền. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trong quá trình đổi mới, phát triển và sự vận hành của hệ thống quyền lực, loại trừ sự cạnh tranh, sự đấu tranh chính trị; bởi trong bất kỳ xã hội nào cũng tồn tại những tư tưởng khác nhau, các nhóm lợi ích khác nhau, xã hội Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Sự cạnh tranh giữa các nhóm lợi ích trong điều kiện một đảng cầm quyền ít gay gắt hơn so với hệ thống chính trị đa đảng. Nhưng nguy cơ lớn nhất trong hệ thống chính trị một đảng lại là vấn đề bao biện, chuyên quyền, độc đoán, dẫn tới sự phụ thuộc của Nhà nước vào Đảng; sự ỷ lại, tham nhũng, thiếu trách nhiệm của Nhà nước. Nguy cơ này nếu không vượt qua được thì uy tín của Đảng sẽ bị xói mòn và Đảng bị mất lòng tin của nhân dân. Và mục tiêu của cách mạng là xây dựng một nhà nước dân chủ kiểu mới, “dân chủ gấp trăm lần so với nhà nước dân chủ tư sản” sẽ không thể thực hiện được. Vì thế Đảng ta đã xác định rằng việc đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng để trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền mà không trở thành chuyên quyền, độc đoán là vấn đề sống còn của Đảng, của chế độ ta. Mặt khác, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải là lực lượng chân chính đại diện cho lợi ích của nhân dân, phải thường xuyên nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ, giám sát của nhân dân. Đảng phải vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng. Sự thất bại của Đảng Cộng sản Liên Xô là bài học về mối quan hệ trong xây dựng Đảng, quan hệ giữa Đảng - Nhà nước và nhân dân.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã bổ sung vào Điều 4 của Hiến pháp hiện hành về việc Đảng chịu sự giám sát và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Quy định này vừa thể hiện nguyên tắc về chủ quyền tối cao của nhân dân, vừa thể hiện nguyên tắc pháp chế XHCN.
Rõ ràng, là một đảng duy nhất cầm quyền, hầu như không có lực lượng đối lập, để đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như hiệu lực, hiệu quả của hoạt động nhà nước, cần phải phân định rõ phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của mỗi chủ thể trong việc thực hiện chức năng của mình. Bên cạnh đó, phải thiết lập được cơ chế kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả, mà cốt lõi của cơ chế đó là cơ chế trách nhiệm của các công chức, đảng viên lãnh đạo trong toàn bộ hệ thống. Nguyên tắc chủ quyền tối cao của nhân dân trong NNPQ đòi hỏi mọi hoạt động của các chủ thể quyền lực cần phải được nhân dân kiểm soát bảo đảm tuân thủ luật pháp, sự thượng tôn của luật, trước hết và trên hết là Hiến pháp. Thừa nhận tất cả quyền lực thuộc về nhân dân có nghĩa rằng nhân dân phải có quyền phúc quyết Hiến pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Vấn đề phân định chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng với chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước nói chung, của cơ quan lập pháp nói riêng đã được V.I.Lênin đề cập đến cả trước và sau khi Đảng cách mạng Nga giành thắng lợi. Theo V.I.Lê nin, “…Cần phân định một cách rõ ràng hơn nữa những nhiệm vụ của Đảng (và của Ban Chấp hành Trung ương của nó) với nhiệm vụ của Chính quyền Xô viết: tăng thêm trách nhiệm và tính chủ động cho các cán bộ Xô viết và các cơ quan Xô viết, còn về Đảng thì dành quyền lãnh đạo chung công tác của tất cả các cơ quan nhà nước gộp chung lại, mà không can thiệp một cách quá thường xuyên, không chính quy và thường là nhỏ nhặt”[4]. Quan điểm này có ý nghĩa là nguyên tắc chỉ đạo mối quan hệ giữa Nhà nước với Đảng trong mọi lĩnh vực hoạt động mang tính quyền lực nhà nước.
Như vậy, mối quan hệ giữa Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam là mối quan hệ giữa hai chủ thể độc lập nhưng không đối lập mà là quan hệ hữu cơ. Nhà nước và Đảng Cộng sản là hai chủ thể độc lập trong hệ thống chính trị nhưng mỗi chủ thể có chức năng riêng của mình. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hai chủ thể cũng khác nhau. Lênin đã khẳng định rất rõ vai trò cầm quyền, lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. “Lãnh đạo” hoàn toàn khác với “quản lý”. Quản lý của Nhà nước mang tính chất hành chính, có lúc cần thiết phải sử dụng cả sự cưỡng bức, còn lãnh đạo không thể có cưỡng bức. Lãnh đạo của Đảng cần đến uy tín và có sự thuyết phục cao, từ đó mới giữ vững được vai trò cầm quyền của mình”[5]. Quản lý là một trong những nội dung của cầm quyền. Vì vậy, nghiên cứu mối quan hệ giữa Nhà nước với Đảng Cộng sản cần phân biệt các khái niệm lãnh đạo, quản lý, cầm quyền. Đây là cơ sở học thuật để xác định nội dung, hình thức của mối quan hệ đó.
Quan hệ giữa Nhà nước với Đảng cộng sản trong mọi lĩnh vực đều là quan hệ chính trị - pháp lý, bởi đây là quan hệ trong những hoạt động mang tính quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước. Các quan hệ này là những quan hệ hai chiều, là hình thức thể hiện các hoạt động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước; hay là Nhà nước chịu sự lãnh đạo của Đảng. Từ trước đến nay, chúng ta thường nhấn mạnh một chiều Đảng với Nhà nước, mà xem nhẹ mối quan hệ giữa Nhà nước với Đảng. Hay nói cách khác, Nhà nước chưa thật sự là một chủ thể độc lập trong quan hệ với Đảng về tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước.
Có ý kiến cho rằng, dưới góc độ chính trị - xã hội, các quan hệ này là các quan hệ xã hội cần được điều chỉnh bằng pháp luật. Hay nói cách khác, hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nói chung là đối tượng của lập pháp. Theo họ, cần có luật về Đảng, về sự lãnh đạo của Đảng. Theo chúng tôi, ở Việt Nam hiện nay, văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của Đảng chỉ có thể là Hiến pháp.
Thực tế cho thấy, xét về góc độ quyền lực nhà nước, trong đó có quyền lập pháp, thì không thể có cơ quan nào cao hơn Quốc hội (trừ khi có Hội nghị nhân dân toàn quốc). Vì vậy, quan hệ giữa Nhà nước với Đảng Cộng sản là quan hệ chính trị, quan hệ giữa cơ quan đại diện cho chủ quyền tối cao với lực lượng chính trị lãnh đạo Nhà nước và xã hội; loại quan hệ chỉ thuộc đối tượng điều chỉnh của Hiến pháp. Cho đến thời điểm hiện nay, ở Việt Nam chưa xuất hiện nhu cầu điều chỉnh pháp luật bằng một đạo luật cụ thể về đảng chính trị.
Theo chúng tôi, cần lưu ý rằng, hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp đều là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, đều phải tuân theo Hiến pháp, các đạo luật và phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Những hoạt động này đều được tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng theo những phương thức lãnh đạo đã được quy định trong Điều lệ Đảng. Nhưng, những hoạt động của Đảng không mang tính quyền lực nhà nước. Dự thảo Hiến pháp cần bổ sung quy định tại Điều 4 những phương thức lãnh đạo của Đảng và Điều 4 cần được sửa đổi lại như sau:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng các phương thức do Điều lệ Đảng quy định.
2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những hoạt động của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
CCDC và đảm bảo quyền con người thể hiện tập trung nhất là ở tổ chức bộ máy nhà nước, cơ chế kiểm soát quyền lực. Ngoài các nguyên tắc nêu trên, nguyên tắc tư pháp độc lập, nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, nguyên tắc về tính thượng tôn của Hiến pháp và luật là những giá trị của NNPQ. Nhà nước mạnh hay yếu phụ thuộc vào sự lãnh đạo, sự cầm quyền của Đảng. Nghĩa là Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về mọi hoạt động của Nhà nước. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, hơn bất cứ lúc nào, Hiến pháp phải tạo được cơ sở pháp lý cho sự tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị, hoàn thiện CCDC dưới sự lãnh đạo, sự cầm quyền của Đảng. Hiến pháp sửa đổi cần thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực. Cùng đồng thời với việc hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị của NNPQ Việt Nam trong giai đoạn mới, Hiến pháp sửa đổi sẽ là cơ sở pháp lý cho việc thiết lập một thiết chế bảo hiến độc lập để bảo đảm Hiến pháp được thực thi./.
 
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI”; Nxb Chính trị quốc gia; Hà Nội, 2011, tr. 84- 85.
[2] Văn phòng Quốc hội - Viện FRIEDRICH-EBERT tại Việt Nam; “Quốc hội trong NNPQ Cộng hòa Liên bang Đức”; (sách tham khảo); Nxb Chính trị Quốc gia sự thật; Hà Nội, 2008, tr. 48.
[3]J. J.Roussou, “Bàn về Khế ước xã hội”, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1992, tr. 55-56.
[4] V.I.Lê nin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Moskva, 1978, tập 43, tr.475.
[5] V.I.Lê nin, Sđd , tập 36, tr.186.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số10(242), tháng 5/2013)


Thống kê truy cập

33010029

Tổng truy cập