Chế độ kinh tế trong hiến pháp phải bảo đảm nền kinh tế vận hành hiệu quả và dựa trên nền tảng quyền con người

01/05/2013

ThS. VIÊN THẾ GIANG

Khoa Luật, Đại học Huế

Thực tiễn đã chứng minh: không có một khuôn mẫu chung cho hiến pháp các nước. Tùy thuộc vào truyền thống, quan điểm chính trị và mức độ phát triển của đời sống kinh tế - xã hội mà các nhà nước xác định cơ cấu hiến pháp phù hợp. Có hai xu hướng ghi nhận chế độ kinh tế trong hiến pháp: trực tiếp ghi nhận chế độ kinh tế trong hiến pháp và không trực tiếp ghi nhận chế độ kinh tế trong hiến pháp. Mặc dù cách thức ghi nhận chế độ kinh tế trong hiến pháp các nước có khác nhau song có một điểm chung nhất là các quy định về chế độ kinh tế trong hiến pháp (ở những mức độ khác nhau) phải bảo đảm sự thuận lợi cho phát triển mô hình kinh tế quốc gia. Bài viết trao đổi một số nội dung liên quan đến chế độ kinh tế trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi 2001) và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang được lấy ý kiến nhân dân.
Untitled_498.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Hiến định chế độ kinh tế phải bảo đảm cho nền kinh tế vận hành hiệu quả
Một nghiên cứu cho rằng, căn cứ vào mức độ, có thể phân định thành hai mô hình hiến pháp quy định về chế độ kinh tế: thứ nhất, Hiến pháp không quy định một cách trực tiếp chế độ kinh tế, hay chỉ quy định tối thiểu về chế độ kinh tế, mà Hiến pháp của Hoa Kỳ là một điển hình; thứ hai,hiến định chế độ kinh tế. Hiến pháp sẽ dành một chương riêng hay một số quy định về chế độ kinh tế, mà Hiến pháp của Liên Xô là điển hình. Theo mô hình này, mọi vấn đề có liên quan đến chế độ kinh tế đều phải được điều chỉnh từ phía nhà nước, từ nội dung của chế độ sở hữu cho đến các vấn đề khác như mục tiêu, vai trò của từng thành phần kinh tế, các chỉ tiêu phát triển kinh tế đều phải được quy định từ trên thông qua pháp luật và chỉ thị của cấp trên. Người ta gọi là mô hình chế độ kinh tế kế hoạch tập trung[1].
Từ thực tiễn xây dựng chế độ kinh tế trong Hiến pháp các nước, chúng ta có thể rút ra nhận định: dù có hiến pháp hóa hay không hiến pháp hóa chế độ kinh tế thì vấn đề bảo đảm hiệu quả vận hành nền kinh tế là vấn đề quan trọng, bởi lẽ, kinh tế thị trường (KTTT) là nền kinh tế đòi hỏi sự tồn tại của các chủ thể kinh tế độc lập dưới nhiều hình thức sở hữu khác nhau với một hệ thống đồng bộ các thị trườngnhư thị trường đất đai, thị trường sức lao động, thị trường tài chính (thị trường tiền tệ, thị trường vốn, thị trường chứng khoán), thị trường hàng hoá, thị trường khoa học - công nghệ dựa trên nguyên tắc vận hành cơ bản là cạnh tranh tự do. Nhưng trong nền KTTT, cũng cần có sự can thiệp/tác động của nhà nước, nghĩa là, nhà nước vẫn có vai trò quan trọng trong vận hành nền KTTT. Vấn đề đặt ra là, Nhà nước tác động vào thị trường như thế nào?
Để giải quyết câu hỏi này, các nhà khoa học kinh tế đã khẳng định sự tác động/can thiệp của Nhà nước vào nền KTTT là tất yếu, song mức độ can thiệp/tác động của nhà nước vào nền kinh tế có sự khác nhau đáng kể. Nếu như quan điểm của trường phái kinh tế học cổ điển cho rằng, nhà nước cần tạo ra môi trường thể chế cho phát triển kinh tế thông qua hệ thống pháp luật thì trường phái tân cổ điển cho rằng, sự can thiệp của nhà nước cần tạo môi trường pháp luật ổn định và chính sách thuế khóa hợp lý, khuyến khích người tiêu dùng; và trường phái Keynes khẳng định, muốn thoát khỏi khủng hoảng, thất nghiệp và suy thoái, nhà nước phải trực tiếp điều tiết nền kinh tế...
Các quan niệm về vai trò của nhà nước trong nền KTTT cho thấy, nhà nước là một hạt nhân trung tâm trong cấu trúc tổng thể nền kinh tế, trực tiếp tác động, định hướng nền kinh tế phát triển theo những mục tiêu cụ thể. Tùy thuộc vào mức độ phát triển của nền kinh tế mỗi quốc gia, chính sách ưu tiên của từng giai đoạn như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết nợ công hay khắc phục hậu quả của khủng hoảng kinh tế mà sự can thiệp của nhà nước có những thay đổi cho phù hợp. Như vậy, việc hiến định hay không hiến định chế độ kinh tế không ảnh hưởng đến việc xây dựng, vận hành thể chế kinh tế, nghĩa là việc hiến định hay không hiến định chế độ kinh tế trong Hiến pháp không hề ảnh hưởng đến hiệu quả vận hành nền KTTT trên thực tế.
Tuy nhiên, quyền lực nhà nước được thực hiện thông qua những con người cụ thể, mà con người là thực thể luôn có các sai lầm nên không có một thể chế nào có thể thoát khỏi sự sai lầm. Do đó, kiểm soát quyền lực nhà nước chính là kiểm soát bản tính hay tùy tiện của chính con người[2]. Cũng vậy, các quyết định của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế phải luôn tôn trọng và bảo đảm quyền của con người trong lĩnh vực kinh tế. Do vậy, việc hiến pháp hóa chế độ kinh tế phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa quyền lực nhà nước và quyền lực của thị trường; kiểm soát sự can thiệp của nhà nước đối với thị trường để bảo đảm cho nền kinh tế phát triển hài hòa lợi ích người dân - nhà kinh doanh và nhà nước - với tư cách là một hạt nhân trung tâm của cấu trúc nền kinh tế. Để cho nền kinh tế vận hành hiệu quả chí ít cần phải có những bảo đảm sau đây:
Một là, có một mô hình kinh tế phù hợp: Hiện tại có ba mô hình kinh tế chính là: (i) mô hình KTTT tự do; (ii) mô hình KTTT - xã hội; (iii) mô hình KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa - XHCN (ở Việt Nam) hay KTTT XHCN (ở Trung Quốc). Chế độ kinh tế trong hiến pháp phải thể chế hóa được những nét đặc trưng cơ bản của mô hình kinh tế đã được lựa chọn.
Hai là, nền kinh tế được tự do cạnh tranh. Không có cạnh tranh tự do, không thể nói đến KTTT, cơ chế cạnh tranh thị trường là cơ chế tự điều chỉnh. Thông qua cạnh tranh, các nguồn lực trong nền KTTT được phân bổ hợp lý hơn, người tiêu dùng có được nhiều lựa chọn với chi phí ít nhất.
Ba là, các chủ thể của nền kinh tế được tự do đưa ra các quyết định kinh doanh mà không chịu sự chi phối của bất kỳ thế lực nào, kể cả nhà nước, trừ trường hợp vì lợi ích công cộng.
Bốn là, nền KTTT phải hình thành đồng bộ các bộ phận của thị trường trên cơ sở thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của thị trường (chủ thể sở hữu độc lập, mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận của doanh nghiệp, cơ chế phân bổ nguồn lực do các lực lượng thị trường quyết định là chính, thông qua cạnh tranh tự do,...).
Năm là, hệ thống luật pháp đầy đủ và sự can thiệp kịp thời của nhà nước. Đối với các quốc gia không quy định chế độ kinh tế trong Hiến pháp thì Hiến pháp của các quốc gia này vẫn can thiệp một cách gián tiếp bằng cách quy định các quyền cơ bản, quyền con người làm nền tảng cho chế độ kinh tế: quyền tư hữu tài sản, trong đó có quyền tư hữu đất đai, quyền lao động, quyền tự do nghề nghiệp, quyền lập hội, quyền tham gia công đoàn, hội họp, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng trong các quan hệ kinh tế; bình đẳng giữa các thành phần kinh tế… Những quyền ấy là những quyền tự nhiên có tính chất phổ biến, không chuyển nhượng và không thể bị tước đoạt[3].
2. Chế độ kinh tế trong Hiến pháp 1992 và những bất cập
Một cách khái quát, có thể khẳng định chế độ kinh tế trong Hiến pháp Việt Nam 1992, sửa đổi 2001 (sau đây gọi chung là Hiến pháp hiện hành) đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc xây dựng, vận hành mô hình KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam. Cụ thể:
- Chế độ kinh tế theo Hiến pháp hiện hành đã ghi nhận được những nguyên lý chung của nền KTTT định hướng XHCN. Theo đánh giá của một nhà nghiên cứu[4], trên lĩnh vực kinh tế, Hiến pháp 1992 đã lặng lẽ xa rời một cách đáng kể mô hình hiến pháp Xô-viết.
- Vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế đã được khẳng định, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Trên cơ sở định hướng này, một mạng lưới khá đông đảo các doanh nghiệp nhà nước được thành lập và vận hành, tạo nên những “quả đấm thép” của nhà nước trong điều tiết nền kinh tế vĩ mô. Vai trò của Nhà nước trong hoạt động kinh tế đã từng bước được khẳng định, trong đó thành công quan trọng nhất là tách chức năng kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý nhà nước; hạn chế các can thiệp mang tính hành chính vào các quá trình kinh tế; đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo hướng nhà nước chỉ sở hữu 100% vốn đối với các doanh nghiệp đặc biệt[5].
- Chế độ kinh tế theo Hiến pháp hiện hành đã góp phần quan trọng vào việc thiết lập môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn và phát huy tối đa quyền độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các thành phần kinh tế, nhất là thành phần kinh tế tư nhân.
- Sự ghi nhận chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và các tài sản khác đã tạo ra sự ổn định trong đời sống kinh tế, chính trị thời kỳ đầu đổi mới, tạo tiền đề quan trọng cho Nhà nước sử dụng (thông qua việc giao cho người sử dụng đất, giao quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên của quốc gia…) một cách có hiệu quả, tiết kiệm.
Mặc dù đã đạt được những kết quả kể trên, song chế độ kinh tế trong Hiến pháp hiện hành  còn nhiều điểm bất cập sau:
Thứ nhất, còn tồn tại tư duy phân biệt đối xử. Mặc dù Hiến pháp khẳng định nền kinh tế nhiều thành phần, các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật, song lại quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo, đầu tư nước ngoài được khuyến khích. Không những thế, việc xác định “sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng, kinh tế nhà nước là chủ đạo” dường như là một khẩu hiệu mà “bỏ thì thương, vương thì tội”. Bởi lẽ, các doanh nghiệp nhà nước không biết vì lý do gì mà luôn kêu lỗ, các hợp tác xã thì không phát huy được vai trò thực sự trong nền kinh tế, vì thực tiễn vận hành và mức độ đóng góp của các hợp tác xã vẫn còn rất khiêm tốn.
Thứ hai, chế độ kinh tế trong Hiến pháp hiện hành chưa làm rõ giới hạn và quyền được can thiệp vào thiết chế KTTT. Lý luận và thực tiễn về mô hình KTTT định hướng XHCN ở nước ta đã khẳng định: mô hình này chưa được định hình rõ nét và chưa hình thành cơ sở lý luận đồng bộ và hoàn chỉnh. Bởi vậy, sẽ là dễ hiểu để lý giải khi có hiện tượng can thiệp, điều tiết của các cơ quan quản lý nhà nước thì thị trường bị bóp méo, gây phương hại đến môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng; phân bổ không hợp lý các nguồn lực xã hội, trong đó có tài nguyên quốc gia trong thời gian qua[6]. Do vậy, một trong những nội dung cần quan tâm sửa đổi hoặc ghi nhận trong Hiến pháp là cần giới hạn sự can thiệp của Nhà nước, tăng cường quyền lực thị trường và khuyến khích sự tự điều tiết của thị trường. Nhà nước chỉ can thiệp khi thị trường thất bại, mục đích can thiệp nhằm phân bổ phúc lợi thông qua chính sách điều tiết hoặc các chính sách thuế[7].
Thứ ba, mặc dù Hiến pháp hiện hành cũng đã giao quyền đại diện quản lý và sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân và tài nguyên quốc gia, trong đó bao gồm[8]: (i) Thực thi quyền chủ sở hữu đối với toàn bộ tài nguyên đất đai, (ii) Thực thi quyền sở hữu đối với các doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước, (iii) Thực thi các quyền đầu tư công từ tài sản quốc gia. Nhưng các quy định này đã là một lỗ hổng lớn, là nguyên nhân dẫn đến sự thất thoát tài sản quốc gia như thời gian vừa qua[9]. Một điều chắc chắn rằng, toàn dân không thể hài lòng lời “xin lỗi” của người đứng đầu Chính phủ về những thất thoát từ những tập đoàn, tổng công ty đã gây ra. Như thế, các quy định của Hiến pháp về sở hữu đã không làm rõ: chủ thể hưởng quyền; phạm vi bảo hộ của quyền; nội dung của quyền; phương thức thực hiện quyền; giới hạn Hiến pháp của quyền[10]. Nói khác đi, chế độ kinh tế trong Hiến pháp hiện hành chưa quy định rõ ai là đại diện cho sở hữu toàn dân và cơ chế giám sát việc sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là chủ đại diện
3. Hiến định chế độ kinh tế trong Hiến pháp cần phải dựa trên nền tảng quyền con người
Theo một nghiên cứu[11] thì “thể chế kinh tế hiến pháp” trong các Hiến pháp hiện đại ở đa số các nước châu Âu không được thể hiện một cách tập trung trong một chương riêng, mà nó được xác lập từ các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp và các quyền cơ bản của công dân (có liên quan đến các quá trình kinh tế) cụ thể là:
- Nguyên tắc Nhà nước pháp quyền
- Nguyên tắc trách nhiệm xã hội của Nhà nước
- Quyền tự do hành nghề
- Quyền sở hữu (đảm bảo về tài sản)
- Quyền tự do lập hội.
Lý luận và thực tiễn về mô hình KTTT định hướng XHCN ở nước ta đã khẳng định mô hình này chưa được định hình rõ nét và chưa hình thành cơ sở lý luận đồng bộ và hoàn chỉnh. Bởi vậy, sẽ là dễ hiểu để lý giải khi có hiện tượng can thiệp, điều tiết của các cơ quan quản lý nhà nước làm bóp méo thị trường, gây phương hại đến môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng, phân bổ không hợp lý các nguồn lực xã hội, trong đó có tài nguyên quốc gia[12], nên việc hiến định chế độ kinh tế cần được cân nhắc một cách rất thận trọng để tránh những bất cập đã tồn tại trong Hiến pháp hiện hành. Cụ thể:
Một là, phải làm rõ ý nghĩa, nội dung của cụm từ “định hướng XHCN” của mô hình KTTT trong Hiến pháp. Đây là nội dung theo chúng tôi là quan trọng nhất trong việc sửa đổi Hiến pháp lần này, nghĩa là phải cụ thể hóa “định hướng XHCN” là gì. Mục tiêu của nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta là nhằm: thực hiện “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích mọi người vươn lên làm giàu chính đáng, giúp đỡ người khác thoát nghèo và từng bước khá giả hơn. Mục tiêu trên đã thể hiện mục đích của phát triển KTTT định hướng XHCN là vì con người. Con người đã được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Tuy nhiên, mục tiêu chính trị này lại chưa được thể hiện trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Điều này được thể hiện ở khoản 1 Điều 54 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới chỉ quy định “Nền kinh tế Việt Nam là nền KTTT định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”, trong khi đó, các quyền cơ bản của con người trong lĩnh vực kinh tế mới chỉ được khẳng định tại Điều 33, Điều 34 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Chúng tôi thấy rằng, nội dung các quy định của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chưa thể hiện được mục tiêu phát triển kinh tế vì con người. Do vậy, cần bổ sung vào khoản 1 Điều 54 Dự thảo như sau “Nhà nước bảo đảm và thực thi quyền con người trong phát triển nền KTTT định hướng XHCN”.
Hai là, khoản 1 Điều 55 Dự thảo quy định “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế KTTT, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường...” vẫn thể hiện sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước đối với thị trường, chưa tạo được cơ chế cho thị trường tự vận hành và nhà nước chỉ là người dẫn đường, chỉ lối, “định hướng”, nghĩa là, quyền tự do kinh doanh vẫn chưa được bảo đảm một cách trọn vẹn. Để bảo đảm cho thị trường tự vận hành, điều chỉnh, chúng tôi kiến nghị bổ sung từ “định hướng” của khoản 1 Điều 55 Dự thảo như sau: “Nhà nước định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế KTTT, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường...”.
Ba là, Dự thảo chưa có quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong kinh doanh và cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có quy định về bảo vệ người tiêu dùng, song việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải được coi là một triết lý kinh doanh, là một bộ phận không thể thiếu của chế độ kinh tế trong Hiến pháp. Do vậy, chúng tôi kiến nghị bổ sung khoản 1 Điều 56 Dự thảo như sau “Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh... Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh phải bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật”.
Bốn là, chúng tôi đồng tình với các quan điểm không nên ghi nhận hình thức sở hữu toàn dân mà xác lập quyền sở hữu của Nhà nước, phân biệt sở hữu quốc gia với sở hữu của các pháp nhân công quyền khác, đặc biệt là chính quyền địa phương[13]; xác lập sở hữu của chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, từng bước lùi dần khỏi quan niệm sở hữu toàn dân[14]. Trong trường hợp vẫn giữ nguyên chế độ sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước làm chủ đại diện, chúng tôi kiến nghị:
- Bổ sung thêm trách nhiệm của người ra quyết định thu hồi đất vì mục đích kinh tế làm tiền đề cho Luật Đất đai cụ thể hóa trách nhiệm của người có thẩm quyền thu hồi đất vì mục đích kinh tế khi để xảy ra thất thoát, lãng phí đất đai, khiếu kiện kéo dài như đã từng xảy ra trong thời gian vừa qua.
- Bổ sung thêm quy định việc thu hồi đất phải bảo đảm hài hòa và thỏa đáng quyền lợi của người bị thu hồi đất và chủ dự án kinh tế thương mại.
- Bổ sung quy định việc thu hồi đất để thực hiện dự án kinh tế cần phải công khai, rõ ràng về dự án, tiến độ triển khai; nghiêm cấm việc chuyển mục đích sử dụng đất của dự án đã được phê duyệt.
Năm là, ngoài các quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác như trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, chúng tôi cho rằng, cần phải bổ sung thêm các nội dung:
- Quy định cụ thể về quyền giám sát của nhân dân trong việc thực hiện quyền đại diện sở hữu toàn dân của Nhà nước trong quá trình thực hiện quyền đại diện;
- Bổ sung thêm quy định về “sử dụng tiết kiệm ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác”.
- Bổ sung thêm quy định: Quốc hội có toàn quyền quyết định việc sử dụng, phân bổ ngân sách nhà nước. Tất cả các khoản chi ngoài dự toán ngân sách nhà nước phải được được Quốc hội đồng ý phê chuẩn./.
 

[1] GS.,TS. Nguyễn Đăng Dung (2013), Chế độ kinh tế trong Hiến pháp các nước và Hiến pháp Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 2+3 (234+235)/tháng 1+2/2013 tr.13-18.
[2] Nguyễn Đăng Dung (2012), Hiến pháp phải là bản văn kiểm soát quyền lực nhà nước, Tạp chí Kiểm sát số 18/2012.
[3] GS,TS. Nguyễn Đăng Dung (2013), Chế độ kinh tế trong Hiến pháp các nước và Hiến pháp Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 2+3 (234+235)/tháng 1+2/2013 tr.13-18.
[4] PGS,TS. Phạm Duy Nghĩa (2011), Chế độ kinh tế trong Hiến pháp 1992 - phát hiện một số bất cập và kiến nghị hướng sửa đổi, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 22/2011, tr. 57 – 61.
[5] Xem thêm: TS. Nguyễn Trí Hùng (2012), Đóng góp sửa đổi Hiến pháp 1992 về vai trò kinh tế của Nhà nước và chế độ kinh tế, Tạp chí Khoa học pháp lý số 1/2012.
[7] PGS,TS. Phạm Duy Nghĩa, tlđd
[8] Xem cụ thể tại:
- Khoản 4 Điều 112 Hiến pháp 1992
- Khoản 6 Điều 9 Luật Tổ chức Chính phủ 2001
[9] Xem thêm những bình luận liên quan đến vụ Vinashin, Vinalink và tình trạng đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước. Việc đầu tư ngoài ngành thiếu kiểm soát là nguyên nhân dẫn đến thua lỗ và thất thoát ngân sách nhà nước
[10] TS. Bùi Nguyên Khánh, tlđ
[11] TS. Bùi Nguyên Khánh, tlđd  
[12] TS. Bùi Nguyên Khánh, tlđd
[13] TS. Bùi Nguyên Khánh, tlđd
[14] PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa, tlđd  

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 9(241), tháng 5/2013)


Thống kê truy cập

33927972

Tổng truy cập