Biện chứng của độc lập dân tộc, pháp trị dân chủ và quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh

01/02/2010

PGS,TS. LÊ VĂN HÒE

Học viện Chính trị, Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh

Quyền con người là những giá trị làm nên bản chất người, là quyền tự nhiên, vốn có của mỗi cá thể người. Quyền con người không phải do pháp luật tạo ra nhưng nhờ vào pháp luật mà thành hiện thực. Cả trong lịch sử và đương đại đều minh chứng một chân lý: Một dân tộc độc lập, có một chế độ pháp trị tiến bộ, dân chủ luôn tương thích với những giá trị người, với quyền con người. Ở đâu, khi dân tộc bị nô dịch, nhà cầm quyền chà đạp lên luật pháp, ở đó con người cũng bị chà đạp, cả sự sống, cả danh dự, nhân phẩm và tự do. 
Untitled_914.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Khái lược quá trình hình thành, phát triển
Việt Nam là một quốc gia có nghìn năm văn hiến. Dân tộc Việt Nam trọng đạo lý, nhân nghĩa. Đất nước và dân tộc Việt Nam lại phải trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc, hết chống thế lực phong kiến phương bắc lại đến chống Pháp, chống Nhật, chống Mỹ xâm lược để giành, giữ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Có lẽ vì thế mà hiếm ở đâu trên thế giới, ở Việt Nam khát vọng về quyền con người, đấu tranh giành quyền làm người, cho quyền con người và độc lập dân tộc lại thấm đẫm cả bề dầy lịch sử hàng ngàn năm. Song Việt Nam, qua các triều đại phong kiến chuyên chế không có truyền thống pháp trị dân chủ, xã hội bị phân chia như những "ô kéo", mỗi "ô kéo" một tầng lớp, mỗi tầng lớp một thân phận; có tầng lớp đặc quyền, đặc lợi, có tầng lớp chiếm đa số xã hội nhưng vô quyền, thậm chí không có ý niệm về quyền, thân và phận đều bị coi rẻ. Năm 1858, Pháp xâm lược Việt Nam, biến Việt Nam thành thuộc địa gần một trăm năm. Cả dân tộc Việt Nam bị mất quyền, người dân vô quyền, bị áp bức tàn bạo "không kém phần chuyên chế". Chỉ đến năm 1919, với "Bản yêu sách của nhân dân An Nam" mà Hồ Chí Minh cùng các nhà trí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường chấp bút gửi Hội nghị Vécxây, Hội nghị của các nước chiến thắng trong thế chiến thứ nhất (1914-1918) thì THỜI ĐẠI NHÂN QUYỀN ở Việt Nam mới được KHAI MỞ. Trong bản YÊU SÁCH ấy, Hồ Chí Minh đòi cho Việt Nam được độc lập, đồng thời đòi cho người dân thuộc địa được pháp luật bảo hộ như người dân chính quốc, có các quyền tự do, dân chủ, trong một chế độ xã hội được cai trị bằng luật do Nghị viện đại biểu cho mọi tầng lớp nhân dân định ra. YÊU SÁCH từ toàn bộ nội dung của nó đều hàm chứa một tư tưởng lớn, được viết lên từ ý nguyện của một dân tộc lầm than, bị đoạ đầy, từ một trí tuệ siêu việt Hồ Chí Minh - tư tưởng về biện chứng của độc lập dân tộc, pháp trị dân chủ và quyền con người. Sau YÊU SÁCH, Hồ Chí Minh viết tác phẩm nổi tiếng "Bản án chế độ thực dân". Trong tác phẩm này, qua "sự phê phán có tính chất phê phán" cực kỳ sắc bén chế độ thực dân tàn bạo, Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: Một dân tộc bị nô dịch, một xã hội mà nhà cầm quyền tuỳ tiện, đứng trên luật pháp thì công lý không tồn tại, con người bị chà đạp. Biện chứng của độc lập dân tộc, pháp trị dân chủ và quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh qua tác phẩm còn hàm chứa một triết lý nhân sinh sâu sắc. Pháp trị Hồ Chí Minh không lạnh lùng, là pháp trị nhân bản, thấm đẫm tình người, vì con người; là pháp trị chính danh, với lớp quan cai trị biết tri ân với dân và phụng sự luật pháp.
Năm 1922, như Hồ Chí Minh kể lại, khi đọc "Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của VI.Lênin - Lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức, Người khẳng định: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạnh vô sản"[1]. Biện chứng của độc lập dân tộc, pháp trị dân chủ và quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh như một lẽ tự nhiên hoà nhập với tư tưởng tiên phong ấy của thời đại, với bước phát triển mới: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, mà "trước hết là phải làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc"[2], pháp trị dân chủ trở thành chế độ trong chính thể cộng hoà của dân, do dân, vì dân; quyền con người gắn với việc xác lập vị thế dân là chủ và dân làm chủ thực sự, thực tế. Biện chứng của độc lập dân tộc, pháp trị dân chủ và quyền con người do vậy, trở thành biện chứng của tiến hoá và phát triển, lấy con người là trung tâm, tất cả vì con người, coi trọng con người, phát huy động lực con người, từ bảo vệ nền độc lập, cải biến tự nhiên, xây dựng xã hội mới, sửa sang phong tục, xác lập thể chế, phát triển kinh tế, văn hoá... đều do con người, vì con người.
Ngày 2/9/1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập do chính Người soạn thảo. Nếu “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” là văn kiện khai mở thời đại nhân quyền ở Việt Nam thì TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP- Văn kiện chính trị - pháp lý trọng đại và vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, là bản CƯƠNG LĨNH HÀNH ĐỘNG NHÂN QUYỀN chính thức của thời đại nhân quyền Hồ Chí Minh. Tuyên ngôn khẳng định trước thế giới quyền độc lập của dân tộc Việt Nam, quyền con người của người dân Việt Nam, khai sinh chính thể cộng hoà dân chủ, nền pháp trị dân chủ hợp hiến ở Việt Nam.
Ngày 3/9/1945, một ngày sau khi đọc TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách của chính quyền. Theo GS,TS. Hoàng Chí Bảo, đó là phiên họp "có một không hai", "là một mẫu mực trong lịch sử nền hành pháp nước ta"[3]. Tại phiên họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Trước chúng ta bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ"[4] . Sáu nhiệm vụ mà Bác đề ra trong phiên họp đã đặt nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ là xây dựng MỘT KẾ HOẠCH TỔNG THỂ VỀ THỰC THI NHÂN QUYỀN, theo tư tưởng biện chứng về độc lập dân tộc, pháp trị dân chủ và quyền con người. Đó là nhiệm vụ chống giặc đói, giặc dốt, xoá bỏ những tàn tích tàn bạo chà đạp phẩm giá con người của chế độ cũ, cải tạo tâm lý, ý thức, giáo dục lại nhân dân qua hàng ngàn năm bị phong kiến nô dịch, qua hàng thế kỷ bị thực dân đoạ đầy, thực hiện đoàn kết lương giáo, xây dựng thể chế, đặc biệt là nhiệm vụ khẩn trương tiến hành Tổng tuyển cử bầu Nghị viện nhân dân để ban hành Hiến pháp dân chủ, đem lại quyền tự do, dân chủ cho nhân dân."Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà"trở thành BẢN KẾ HOẠCH NHÂN QUYỀN đầu tiên của thời đại nhân quyền Hồ Chí Minh.
2. Một số nội dung căn bản
Kể từ phiên họp đầu tiên ấy cho đến ngày Bác đi vào cõi vĩnh hằng là hai mươi tư năm. Hai mươi tư năm chấp chính cũng là hai mươi tư năm, với trí tuệ siêu việt của một bậc vĩ nhân, Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách kiên quyết, sáng tạo phép biện chứng độc lập dân tộc, pháp trị dân chủ và quyền con người trong lãnh đạo Đảng, chỉ đạo chính quyền, điều hành kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà ở miền Nam. Bước đầu nghiên cứu phép biện chứng ấy trong tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Người có thể thấy rõ một số nội dung căn bản sau:
Một là, biện chứng của độc lập dân tộc, pháp trị dân chủ và quyền con người thực sự là một triết thuyết trị nước, an dân của bậc hiền nhân Hồ Chí Minh
Biện chứng của độc lập dân tộc, pháp trị dân chủ và quyền con người thực sự là một triết thuyết trị nước, an dân của bậc hiền nhân Hồ Chí Minh
- Người suốt đời vì dân, thương dân, tin dân, biết dựa vào dân, biết lấy trí dân, sức dân, quyền lực của dân để lo cho dân, với chủ thuyết: việc gì tốt, có lợi cho dân thì cương quyết làm, việc gì bất lợi cho dân, có hại cho dân thì cương quyết tránh, cương quyết chống. Dân là gốc, là đạo cai trị, là nền tảng của triết thuyết, bởi nó lấy độc lập dân tộc làm tiền đề; nó minh chứng một sự thật lịch sử: có độc lập mà dân đói, dân dốt; có pháp trị mà pháp luật xa lạ với dân, biến dân thành đối tượng trừng trị thì dân có quyền cũng không thực hiện được quyền, dân có được coi là chủ nhưng không thể làm chủ được.
Hai là, lo bảo toàn độc lập, lo cái ăn cho dân, sự học cho dân, lo thực hành dân chủ có nhiều cách, song với Hồ Chí Minh, dù ở thời kỳ lịch sử nào, cách đúng quy luật, thuận lòng dân, hợp thời đại là chăm lo xây nền pháp trị dân chủ; có pháp trị dân chủ thì dùng pháp trị ấy mà bảo toàn độc lập, chủ quyền, mà bảo đảm nhân quyền.
Ba là, pháp trị dân chủ phải lấy hiến pháp dân chủ, luật pháp dân chủ làm cơ sở. Luật pháp phải nói lên ý nguyện của người dân, là mệnh lệnh của người dân với chính quyền, do chính nhân dân chế định ra và chỉ vì lợi ích của nhân dân. "Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn"[5] như Bác chủ trương thực sự là một nguyên tắc căn bản xây nền pháp trị dân chủ, tạo nên nguồn lực và sức mạnh của nền pháp trị ấy.
Bốn là, chế pháp phải tuỳ thời, thời thế thay đổi thì pháp luật phải biến đổi. Nhà chế pháp phải sáng tạo, không để đất nước độc lập một ngày không có luật, dân có quyền mà không thực hiện được quyền. Những tháng đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, trước bộn bề công việc, trước những nguy cơ mất còn, Nghị viện chưa được thành lập, Chính phủ không có điều kiện, kinh nghiệm chế pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó đã có một sáng kiến lập pháp vĩ đại bằng việc sử dụng pháp luật của chế độ cũ, song phải áp dụng theo nguyên tắc không trái với nguyên tắc của chính thể cộng hoà. Đó là việc Bác ký ban hành hai sắc lệnh, gồm Sắc lệnh số 48/SL ngày 09/10/1945 quy định về việc tạm thời áp dụng đạo luật cũ đối với các công ty, các hãng kỹ nghệ, thương mại ngoại quốc ở Việt Nam, và Sắc lệnh số 47/SL ngày 10/10/1915 về việc tạm thời sử dụng bộ luật cũ, trừ một số điểm thay đổi được ấn định trong sắc luật. Nhờ hai sắc lệnh này cùng với các pháp luậtmới ban hành mà chính quyền cách mạng non trẻ có đủ luật để quản lý, nhân dân có pháp luật bảo hộ.
Nguyên tắc sáng tạo trong chế pháp, trong việc xếp đặt, sửa sang, đổi mới thể chế còn được Người đề cập trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc" (năm 1947). Bác chỉ rõ lề lối làm việc của cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể phải theo cách: cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý, cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm, cái gì mới mà hay thì phải làm. Đó cũng là biện chứng trong chế pháp, bảo đảm cho pháp luật luôn thích ứng với thời cuộc.
Năm là, từ người dân đến nhà cầm quyền, nhất là người nắm quyền cao nhất phải chăm lo xây dựng thể chế; quyền càng cao càng phải chú tâm, hết mình, phải tỉ mỉ, thận trọng và nghiêm luật. Có con số thống kê, trong suốt 24 năm chấp chính, ngoài việc trực tiếp chỉ đạo xây dựng hai bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành 613 sắc lệnh, nhiều đạo luật quan trọng về tổ chức nhà nước, quản lý xã hội, thực hiện quyền tự do, dân chủ của công dân. Có ngày, như các ngày 24/1/1946 Bác ký ban hành ba sắc lệnh, gồm Sắc lệnh số 11, Sắc lệnh số 12 và Sắc lệnh số 13, về việc chia khu đối với những thị xã lớn, quy định quyền hạn của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, quy định về cách tổ chức các Toà án và các ngạch thẩm phán. Ngày 31/1/1946 Bác tiếp ký ban hành ba sắc lệnh, trong đó Sắc lệnh số 18B/SL quy định về việc phát hành đồng bạc giấy Việt Nam từ vĩ tuyến 160 trở vào Nam. Với Sắc lệnh này, chủ quyền kinh tế, yếu tố quan trọng của chủ quyền dân tộc đã được củng cố. Ngày 27/3/1946 Bác ký ban hành bốn sắc lệnh, và đặc biệt, ngày 29/5 đạt con số kỷ lục: 12 Sắc lệnh, trong đó có Sắc lệnh số 76/SL sửa đổi điều khoản của Sắc lệnh 77/SL ngày 21/12/1945 về cách tổ chức chính quyền nhân dân ở thị xã, thành phố. Đó thực sự là NGÀY HỘI CHẾ PHÁP Hồ Chí Minh. Không những ký ban hành nhiều sắc lệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp duyệt khán nhiều pháp luật quan trọng. Ở văn bản nào Người cũng cho những quan điểm chỉ đạo hợp tình, hợp lý, làm cho pháp luật thực sự của dân, vì lợi ích của nhân dân.
Sáu là, chấp pháp phải nghiêm, phải công bằng, trong sáng. Đó là minh, cũng là đức của nhà cầm quyền. Bác ra Quốc lệnh quy định 10 điểm phạt những hành vi làm phương hại đến độc lập dân tộc, đến chính thể cộng hoà, đến quyền tự do, dân chủ của công dân. Bác nhắc nhở các nhà chấp pháp: "Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên, các bạn cần phải nêu cao cái gương "phụng công, thủ pháp, chí công vô tư" cho nhân dân noi theo"[6]. Đứng trước nạn hối lộ hoành hành trong bộ máy chấp pháp, Bác khẳng khái tuyên bố trước Quốc hội: "Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ - đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết"[7].
Chấp pháp không chỉ phải nghiêm, minh, đức mà còn phải có phương pháp, từ phương pháp tư duy, nhận thức, đến phương pháp làm việc, phương pháp tổ chức; phương pháp nào cũng phải xuất phát từ lợi ích của dân, "óc nghĩ, mắt nhìn, tai nghe, miệng nói, chân đi, tay làm" đều phải tuân theo ý chí của dân được chế định thành luật pháp. Ấy chính là phương pháp chấp pháp Hồ Chí Minh.
3. Một số vấn đề có tính phưuơng pháp luận
Biện chứng của độc lập dân tộc, pháp trị dân chủ và quyền con người thực sự là triết thuyết cai trị của bậc hiền nhân Hồ Chí Minh. Làm rõ phép biện chứng ấy là một định hướng nghiên cứu mới về kho tàng tư tưởng vô giá mà Người để lại cho Đảng, cho Nhà nước, cho nhân dân, cho các nhà khoa học, cho mãi mãi các thế hệ mai sau. Bước đầu nghiên cứu phép biện chứng của độc lập dân tộc, pháp trị dân chủ và quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay, có thể rút ra một số vấn đề có tính phương pháp luận sau:
1. Độc lập dân tộc có được bảo toàn, quyền con người có được bảo đảm, trở thành động lực phát triển chỉ có thể đạt được trong một nền pháp trị dân chủ.
2. Pháp trị dân chủ là pháp trị của dân, do dân, vì dân, có nghĩa là phải do dân xây đắp, dân vận hành, kiểm soát. Luật pháp nói lên ý nguyện của dân phải nhờ vào sự kết hợp linh hoạt giữa cơ chế đại diện chân chính và dân chủ trực tiếp; những việc liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc phải do dân quyết bằng thể chế trưng cầu ý dân.
Pháp trị dân chủ là pháp trị của dân, do dân, vì dân, có nghĩa là phải do dân xây đắp, dân vận hành, kiểm soát. Luật pháp nói lên ý nguyện của dân phải nhờ vào sự kết hợp linh hoạt giữa cơ chế đại diện chân chính và dân chủ trực tiếp; những việc liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc phải do dân quyết bằng thể chế trưng cầu ý dân.
 
3. Pháp trị dân chủ phải lấy "thượng tôn pháp luật" làm nguyên tắc chủ đạo, lấy Hiến pháp và luật pháp là nền tảng, chi phối toàn bộ đời sống nhà nước, xã hội, trước hết là chi phối nhà cầm quyền, từ người lãnh đạo cao nhất đến những công chức cơ sở. Chế pháp, chấp pháp hay bảo hiến, bảo pháp đều phải nghiêm minh, đúng pháp luật, phù hợp với điều kiện khách quan, phải thuận lòng dân, có lợi cho dân.
Pháp trị dân chủ phải lấy "thượng tôn pháp luật" làm nguyên tắc chủ đạo, lấy Hiến pháp và luật pháp là nền tảng, chi phối toàn bộ đời sống nhà nước, xã hội, trước hết là chi phối nhà cầm quyền, từ người lãnh đạo cao nhất đến những công chức cơ sở.
4. Chế pháp, chấp pháp, bảo hiến, bảo pháp là những bộ phận cấu thành nền pháp trị dân chủ; coi trọng bộ phận này, coi nhẹ bộ phận kia, không thấy mối quan hệ tương tác, liên thông giữa những bộ phận ấy đều có nguy cơ làm cho pháp trị suy yếu. Trong điều kiện hiện nay, phù hợp với yêu cầu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, của tổ chức đời sống xã hội và hội nhập quốc tế, của việc bảo đảm thực thi quyền con người, phát huy nhân tố con người thì cần coi chế pháp là trọng tâm trong toàn bộ hoạt động của Đảng và Nhà nước. Điều đó đòi hỏi:
- Chế pháp, trước hết là lập pháp phải là hoạt động chủ đạo, tiến tới chế pháp là lập pháp. Không như vậy không có "chế độ cai trị bằng luật", luật không thể là trung tâm của hệ thống pháp luật, tinh thần và nội dung của luật, ý chí của nhân dân dễ dàng bị biến dạng qua "những tầng", "những lớp" lập quy vốn dễ thịnh hành sự tuỳ tiện, bất chấp lợi ích chung.
- Lập pháp là một khoa học. Sự vận hành lập pháp do vậy cũng phải khoa học, tránh lối tuỳ tiện, dễ làm, khó bỏ, được luật này mất luật kia, phá hỏng luật kia. Lập pháp là khoa học nên phải xem trọng tính khách quan. Có bảo đảm tính khách quan trong lập pháp mới bảo đảm cho thể chế lập pháp có vị trí thượng tôn, "quy phục" được cả nhà cầm quyền. Lập pháp phải làm được sứ mệnh "phát hiện ra luật" từ đời sống nhà nước, đời sống người dân, sinh hoạt xã hội, được vận hành theo một quy trình chặt chẽ, hợp lý, tạo ra được “cơ chế phản biện nội tại” giữa các chủ thể tham gia lập pháp, quyết định lập pháp. Lập pháp là khoa học lẽ đương nhiên phải sáng tạo – sáng tạo trong biểu đạt ý chí của nhân dân thành thể chế lập pháp, trong phản ánh thực tại, trong việc kết nối cái truyền thống với cái hiện đại, làm thấm đẫm bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong các đạo luật, tiếp thụ được tinh hoa lập pháp của thời đại, hội tụ được những thuộc tính của một hệ thống pháp luật hiện đại.
- Lập pháp là một quyền lực, là quyền lực cao nhất của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Nhưng lập hiến, lập pháp còn là quyền lực tối thượng của nhân dân. Vì lẽ ấy, lập pháp hoàn bị chỉ có thể trong một hệ thống thể chế dân chủ hoàn bị, với quyền nhân dân tự lập pháp, tự mình quyết định lập pháp trong các cuộc trưng cầu ý dân.
- Lập pháp là một nghề, "nhà lập pháp phải do luật đào tạo ra", phải thông thạo nghề lập pháp, phải theo kỹ thuật lập pháp hiện đại, với sự trợ giúp của các phương tiện hiện đại, và với một phương pháp lập pháp quy củ. Xem như vậy, ý tưởng về việc tăng nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách, chuyên trách nhưng không chuyên nghiệp, không thạo nghề lập pháp thì lập pháp cũng khó có thể mạnh được.
- Lập pháp vừa là quyền nhưng cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm của những người đại diện của dân, của cơ quan đại biểu cao nhất của dân. Đó là nghĩa vụ, trách nhiệm cao quý nhất, nặng nề nhất, nhưng cũng phải cụ thể nhất, nghiêm nhất, để tránh đi tình trạng “luật pháp trên giấy”, "luật pháp làm hư hỏng nhân dân" (Mông-tec-xki-ơ) nhưng lập pháp lại không chịu trách nhiệm trước nhân dân./.

 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 1996, tập 9, tr.314. 
[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 1997, tập 10, tr.17.
[3]Hoàng Chí Bảo: Tìm hiểu phương pháp Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận chính trị, H, 2004, tr. 203.
[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 1995, tập4, tr.8
[5]Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, Nxb Pháp lý, H, 1985, tr. 187.
[6]Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, Nxb Pháp lý, H, 1995, tr. 179.
[7]Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, Nxb Pháp lý, H, 1995, tr.138.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 3+4(164+165), tháng 2/2010)