Một số định hướng cơ bản về tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong thời kỳ mới

01/02/2010

Thượng tướng, TS. NGUYỄN HUY HIỆU

Uỷ viên BCHTƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Là một quốc gia ven biển, nằm dọc Biển Đông, trải dài qua 16 vĩ độ (giữa vĩ tuyến 230 và 70 Bắc), Việt Nam có lợi thế và khả năng để tiến ra biển, trở thành một nước mạnh về biển vào năm 2020 như mục tiêu mà Nghị quyết Hộinghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã vạch ra. Bên cạnhviệcxây dựng Luật Các vùng biển Việt Nam để xác định khung pháp lý cơ bản cho việc tiến ra biển của đất nước, phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế, tạo điều kiện phát triển và xây dựng đất nước;công tác tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo là những giải pháp quan trọng để thực hiện chính sách biển trong tình hình mới.
Untitled_913.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
Biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vai trò quan trọng trong quá trình tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ra Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó có nội dung rất quan trọng định hướng chiến lược quốc phòng, an ninh và đối ngoại để bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hướng ra biển, tiến ra biển đã và đang trở thành xu thế chung của mỗi quốc gia có biển. Do lợi ích về kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh mà biển đem lại cho các quốc gia ngày càng lớn và đa dạng, nên đã phát sinh nhiều mâu thuẫn về quyền lợi giữa các nước có biển, những nước không có biển, gây ra những tranh chấp phức tạp, quyết liệt về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích trên biển, đảo. Các nước có biển, nhất là các nước lớn đã có chiến lược biển, tăng cường tiềm lực về biển. Hoa Kỳ, Nga, Ca-na-đa, Ốt-xtrây-lia, Trung Quốc và nhiều nước khác đều đã công bố chiến lược biển. Các nước vùng Biển Đông cũng rất quan tâm đến biển và xây dựng chiến lược biển nhằm tăng cường mọi mặt về biển.
Việt Nam là một quốc gia ven biển, chúng ta có bờ biển dài 3.260 km, nằm trong số 10 nước trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển, mở ra ba hướng Đông, Nam và Tây; có vùng biển và thềm lục địa rộng lớn, diện tích vượt quá 1 triệu km2, lớn gấp 3 lần diện tích đất liền; có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ, gần bờ và xa bờ, chạy suốt từ Vịnh Bắc Bộ tới Vịnh Thái Lan. Vị trí địa lý tự nhiên và tiềm năng kinh tế của vùng biển nước ta có tầm quan trọng chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhận thức rõ đặc điểm và vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh (QP-AN) của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta đã sớm đề ra nhiều nghị quyết, chỉ thị về phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường củng cố QP-AN để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ trên biển, đảo của Tổ quốc.
Ngày 6/5/1993, Bộ Chính trị (khoá VII) đã ra Nghị quyết số 03/NQ-TƯ “Về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt”; tiếp đó, ngày 22/9/1997, Bộ Chính trị (khoá VIII) ra Chỉ thị số 20/CT-TƯ “Về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; ngày 9/2/2007, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã ra Nghị quyết “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”[1]. Đây là tư duy mới của Đảng ta về vị trí, vai trò của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới; thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta phấn đấu đến năm 2020 nước ta trở thành quốc gia mạnh từ biển và giàu lên từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển. Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X), vấn đề đang đặt ra cho nhiệm vụ QP-AN là phải làm thế nào bảo vệ vững chắc chủ quyền trên biển, đảo, tạo ra môi trường hoà bình, ổn định để phát triển kinh tế, khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng sẵn có trên biển, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong khi nguồn tài nguyên trên đất liền ngày càng cạn kiệt. Bởi vậy, trong tình hình hiện nay chúng ta cần làm tốt một số nội dung cơ bản sau:
1. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành, toàn dân và lực lượng vũ trang về vị trí vai trò, tầm quan trọng chiến lược của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc và quyết tâm thực hiện hiệu quả những quan điểm, tư tưởng, mục tiêu về phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới, công tác tuyên truyền, giáo dục trong nước cần được tiến hành thường xuyên, làm cho các cấp, các ngành, toàn dân và lực lượng vũ trang nhận thức sâu sắc về quan điểm, lập trường của Đảng và Nhà nước ta đối với các vấn đề liên quan đến Biển Đông, đến các quần đảo, hải đảo của Việt Nam. Nội dung tuyên truyền, giáo dục cần triển khai một cách toàn diện, trong đó tập trung vào mấy vấn đề cơ bản: Một là, tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi người dân, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, các địa phương nắm vững các quan điểm của Đảng trong phát triển kinh tế biển. Nhận thức rõ vùng biển, hải đảo, thềm lục địa và ven biển là địa bàn chiến lược có vị trí quyết định đối với sự phát triển của đất nước ta, kinh tế biển và kinh tế đất liền có liên quan chặt chẽ với nhau, tác động và thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Hai là, tuyên truyền, giáo dụcnâng cao ý thức, trách nhiệm công dân trong việc quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo. Biển, đảo là một địa bàn chiến lược có tính chất đặc thù và có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nơi hằng ngày diễn ra công cuộc xây dựng và đấu tranh rất phức tạp, căng thẳng, nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, quyền tài phán quốc gia thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy, nội dung giáo dục tăng cường quốc phòng, an ninh trên biển, đảo đang đặt ra những yêu cầu mới, với sự chuẩn bị kỹ càng về mặt tư tưởng, nhận thức và bảo đảm vật chất cho các lực lượng quốc phòng, an ninh làm nhiệm vụ quản lý, thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền và lực lượng khai thác kinh tế biển, đảo. Về mặt tư tưởng, cần tuyên truyền, giáo dục cho các cấp, các ngành, toàn dân và lực lượng vũ trang nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là phát triển kinh tế biển, đảo phải đi đôi với với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế biển là tạo cơ sở, nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển, đảo ngày càng vững mạnh. Ngược lại, chỉ có tăng cường quốc phòng, an ninh tốt mới quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, tạo điều kiện cho kinh tế biển phát triển, nhất là ở vùng biển xa bờ. Ba là, những thay đổi to lớn về địa vị chính trị, kinh tế, trật tự pháp lý quốc tế diễn ra trên biển và đại dương, nhất là từ khi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 ra đời, cùng sự tăng cường mạnh mẽ các hoạt động khai thác tiềm năng biển đã ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề mới và mâu thuẫn về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, về quyền lợi và lợi ích giữa các quốc gia; đồng thời nhu cầu về hợp tác cũng như đấu tranh trên biển giữa các nước ngày càng lớn; hơn nữa, các vấn đề về biển, đảo có quan hệ trực tiếp đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống quốc gia trong mối quan hệ với các quốc gia khác của cộng đồng quốc tế và luật pháp quốc tế, nên việc tuyên truyền góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh về pháp lý và ngoại giao, tạo dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo và quyền lợi quốc gia trên biển là hết sức quan trọng. Năm 2010, Việt Nam lại phải hoàn thành trọng trách là Chủ tịch ASEAN, nên việc tuyên truyền các quan điểm, lập trường của Đảng và Nhà nước ta đối với các vấn đề liên quan đến Biển Đông, đến các quần đảo, hải đảo của Việt Nam để bạn bè quốc tế hiểu rõ là rất cần thiết.
2. Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý và bảo vệ quyền và chủ quyền trên biển là nhiệm vụ quan trọng của quốc phòng, an ninh thời kỳ mới
Định hướng trên yêu cầu sớm luật hóa các vấn đề liên quan đến chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Kết hợp các hình thức, biện pháp đấu tranh, trong đó đấu tranh quốc phòng có vai trò đặc biệt quan trọng. Đồng thời, kiên trì đấu tranh ngoại giao dựa trên cơ sở luật biển quốc tế; kết hợp giải quyết tranh chấp với quyền được khai thác trên biển trong các hiệp định đã được ký kết, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển, không để xảy ra xung đột vũ trang, tạo môi trường ổn định để xây dựng đất nước. Cần xây dựng đầy đủ hồ sơ, căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của ta trên biển Đông, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Để thực hiện được nội dung trên, trước hết, phải kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với tăng cường QP-AN, quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Đặc biệt nghiên cứu vận dụng mô hình kinh tế với quốc phòng trên biên giới đất liền gắn với xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên các đảo, mà các lực lượng vũ trang làm nòng cốt (Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và lực lượng vũ trang địa phương), vừa tham gia phát triển kinh tế - xã hội thu hút ngày càng nhiều dân cư đến làm ăn, sinh sống, vừa kết hợp củng cố QP-AN, quản lý và bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo của Tổ quốc.
Đẩy mạnh xây dựng sức mạnh quốc gia trên biển (các lực lượng kinh tế, nghiên cứu khoa học, QP-AN, đối ngoại) tương xứng với tầm quan trọng của biển. Tập trung nỗ lực xây dựng lực lượng QP-AN trên biển, nhất là xây dựng lực lượng Hải quân, Phòng không - Không quân vững mạnh, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ và là lực lượng nòng cốt trong quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển.
Tăng cường quản lý nhà nước trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các ngành thuộc trung ương và địa phương có liên quan để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, đảm bảo quản lý thống nhất, có phân công, phân nhiệm rõ ràng, có cơ chế phối hợp tốt, khắc phục tình trạng phân tán, cục bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, khai thác, hoạt động trên biển của nước ta và giao lưu quốc tế.
3. Nghiên cứu xây dựng Luật về Các vùng biển Việt Nam tạo cơ sở pháp lý cho quản lý và bảo vệ biển
Hiện nay, hệ thống pháp luật về biển của ta còn bộc lộ một số tồn tại. Đó là: trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về biển hiện nay còn nhiều loại hình thức văn bản, chủ yếu là các văn bản điều chỉnh các quy phạm pháp luật về các lĩnh vực chuyên ngành, vừa phân tán vừa chồng chéo lẫn nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng thực tiễn. Chúng ta chưa có một văn bản có tính pháp lý cao (luật) về các vùng biển Việt Nam làm cơ sở thống nhất điều chỉnh tất cả các vấn đề về biển.
Để khắc phục tình trạng bất cập trên, chúng ta có thể lựa chọn hoặc xây dựng một luật chung về các vùng biển và quy chế pháp lý của chúng hoặc ban hành, hoặc sửa đổi một loạt các văn bản pháp quy về biển với yêu cầu phải đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ. Theo xu hướng chung, phương án xây dựng Luật về Các vùng biển làm cơ sở thống nhất cho các hoạt động biển, bảo vệ chủ quyền và các lợi ích quốc gia trên biển, tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác quốc tế về biển phù hợp với Công ước Luật biển năm 1982... đã được lựa chọn và đang được gấp rút triển khai.
4. Một số công tác chủ yếu
Từ những vấn đề trên, theo chúng tôi, các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, cần tập trung thực hiện tốt các công tác sau:
- Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, chiến lược và các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia… về biển, hải đảo để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành;
- Tham gia xây dựng chiến lược về quốc phòng - an ninh (QP-AN), ngoại giao liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển và hải đảo;
- Tổ chức thực hiện và hướng dẫn các địa phương ven biển triển khai việc quản lý tổng hợp vùng duyên hải, biển và hải đảo; quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng biển và hải đảo; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ quản lý, điều tra cơ bản, khảo sát, thăm dò, tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, hải đảo và đại dương; kiểm soát môi trường và tài nguyên biển, vùng ven biển và hải đảo;
- Quản lý tổng hợp các hoạt động hợp tác quốc tế về biển; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ tài nguyên và môi trường các vùng biển, ven biển và hải đảo.
Xác định tăng cường khả năng quản lý và bảo vệ biển, đảo là một nhiệm vụ chiến lược, đồng thời là một mục tiêu cấp bách đang đặt ra cho nước ta trong tình hình mới. Chỉ có phấn đấu thực hiện nhiệm vụ quan trọng này mới có thể đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển, thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X), đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển.
Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, tạo môi trường hoà bình, ổn định, các cấp uỷ Đảng và lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân phải quán triệt và tổ chức thực hiện thắng lợi chiến lược bảo vệ Tổ quốc mà Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã xác định; đồng thời phải quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả những định hướng chiến lược về QP-AN vùng biển, đảo và ven biển mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã chỉ ra, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo./.
 
 

 


[1]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khoá X, Nxb Sự thật, H, 2007, tr. 70 - 71.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 3+4(164+165), tháng 2/2010)