Kháng nghị giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự

03/11/2020

THS. THẠCH PHƯỚC BÌNH

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh,

BÙI THỊ LOAN

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh.

Tóm tắt: Bài viết này trình bày, phân tích các quy định của pháp luật về kháng nghị giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự (chủ thể có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm; căn cứ, điều kiện kháng nghị giám đốc thẩm; trình tự, thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm), thực tiễn áp dụng thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm và kiến nghị giải pháp hoàn thiện.
Từ khóa: Kháng nghị giám đốc thẩm, tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân.

Abstract: This article provides discussions and analysis of the legal provisions on appeal to cassation review in civil proceedings (the subjects posscessing his rights to protest cassation review; the grounds and conditions for cassation review; procedures and steps for cassation appeal), the practical application of cassation appeal procedures and also provides recommendations for further ỉmprovements.

Keywords: Appeal to cassation review, civil proceedings, People's Court

giam-doc-tham.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Kháng nghị giám đốc thẩm là phương thức kiểm soát của Tòa án cấp trên đối với hoạt động áp dụng pháp luật của Tòa án cấp dưới trong việc giải quyết các vụ án, từ đó góp phần giúp cho đội ngũ làm công tác xét xử sửa chữa sai lầm và có nhận thức đúng đắn hơn trong áp dụng pháp luật. Phương thức này giúp chođội ngũthẩm phán phải thận trọng, cân nhắc trong quá trình áp dụng pháp luật khi xét xử vụ án.Kháng nghị giám đốc thẩm còn góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đương sự, cũng cố lòng tin của người dân vào cơ quan nhà nước, vào hoạt động xét xử của Tòa án. Kháng nghị giám đốc thẩm được xem là phương tiện để người dân tìm đến công lý trong giải quyết các tranh chấp và để bảo vệ quyền lợi cho bản thân. Đương sự khi phát hiện được những vi phạm của pháp luật trong bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì họ có quyền yêu cầu người có thẩm quyền xem xét kháng nghị giám đốc thẩm theo quy định của pháp luật.
1. Một số nội dung của kháng nghị giám đốc thẩm
1.1. Chủ thể có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm
Điều 331 BLTTDS năm 2015 quy định chủ thể có thẩm quyền giám đốc thẩm như sau:
Thứ nhất, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSNDtối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
Thứ hai, Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ, cụ thể tại Nghị quyết số 957/NQ-UBTVQH13 ngày 28/5/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thành lập TAND cấp cao.Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần phân biệt giữa chủ thể có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm và chủ thể có quyền đề nghị thông báo, kiến nghị việc xem xét kháng nghị giám đốc thẩm theo quy định tại Điều 327BLTTDS năm 2015[1].
1.2. Căn cứ, điều kiện kháng nghị giám đốc thẩm
Kháng nghị giám đốc thẩm là hoạt động trong tố tụng.Vì vậy, người có thẩm quyền kháng nghị đối với bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật phải dựa trên những căn cứ được pháp luật quy định. Theo quy định của khoản 1 Điều 326 BLTTDS năm 2015, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau:
Thứ nhất, kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Thứ hai, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Bên cạnh đó, BLTTDS năm 2015 còn quy định, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi hội đủ hai điều kiện sau:một là, có một trong những căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm được quy định tại khoản 1 Điều 326[2];hai là, phải có đơn đề nghị của đương sự về việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc có thông báo, kiến nghị của Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đối với việc vi phạm pháp luật của bản án, quyết định của Tòa án.Khi phát hiện bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm,cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có quyền kiến nghị đến người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Ngoài ra,BLTTDS năm 2015 còn quy định, Chánh án TAND cấp tỉnh kiến nghị Chánh án TAND cấp cao hoặc Chánh án TAND tối cao; Chánh án TAND cấp cao kiến nghị Chánh án TAND tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, đối với những bản án, quyết định làm xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba thì không cần có đơn đề nghị, người có thẩm quyền kháng nghị có quyền kháng nghị đối với các bản án, quyết định nêu trên.
1.3. Trình tự, thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm
- Về đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được quy định tại Khoản 1 Điều 328[3]:Bên cạnh đó khi gửi đơn đề nghị đến người có thẩm quyền xem xét kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thìđương sự phải gửi kèm theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp[4].
- Thủ tục nhận đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luậtđược quy định tại Điều 329BLTTDS năm 2015; theo đó,Tòa án, Viện kiểm sát nhận đơn đề nghị do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn, cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự. Ngày gửi đơn được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc ngày có dấu dịch vụ bưu chính nơi gửi.Tòa án, Viện kiểm sát chỉ thụ lý đơn đề nghị khi có đủ các nội dung theo quy định của Điều 328BLTTDS năm 2015. Trường hợp đơn đề nghị không có đủ điều kiện thì Tòa án, Viện kiểm sát yêu cầu người gửi đơn sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát; hết thời hạn này mà người gửi đơn không sửa đổi, bổ sung thì Tòa án, Viện kiểm sát trả lại đơn đề nghị, nêu rõ lý do cho đương sự và ghi chú vào sổ nhận đơn.
-Đơn đề nghị và tài liệu chứng cứ kèm theo của cá nhân, cơ quan tổ chức khác được thực hiện theo Điều 4 Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/10/2013 của TAND tối cao, VKSND tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
2. Thực tiễn áp dụng thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm và kiến nghị
Theo số liệu báo cáo của ngành Tòa án,trong những năm gần đây, lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm dân sựnhư sau:năm 2018 là16.782 đơn; năm 2019 -18.112 đơn, trong đó, số đơn đượcgiải quyếttrong năm 2018 là 6.408 đơn, chấp nhận kháng nghị 616 đơn chiếm 9,6%; năm 2019 là 9.198 đơn, chấp nhận kháng nghị 491 đơn, chiếm 5,3%[5]; Con số nêu trên cho thấy, tình trạng gia tăng đơn đề nghị giám đốc thẩm và tỷ lệ đơn được chấp nhận kháng nghịcòn thấp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này làquy định của BLTTDS năm 2015 về căn cứ kháng nghị chưa rõ. Như đã đề cập ở trên đây, một trong những căn cứ kháng nghị là “có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ quan có thẩm quyền chưa ban hànhvăn bản giải thích cụ thể thế nào làvi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Bên cạnh đó, theo quy định củakhoản 1 Điều 327 BLTTDS năm 2015, trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị để xem xét kháng theo thủ tục giám đốc thẩm.Đối với những trường hợp này, Tòa án sẽ tiến hành xem xét đơn yêu cầu và tiến hành các thủ tục theo quy định của Điều 329[6]BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên, theo quy định của Điều 334BLTTDS năm 2015, thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là 03 năm và trong một số trường hợp có thể kéo dài thêm 02 năm. Như vậy, nếu đương sự gửi đơn đề nghị sau thời hạn 01 năm thì người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm xử lý đơn trong trường hợp này như thế nào?Vấn đề này hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Ngoài ra, quy định thời gian kháng nghị giám đốc thẩm nêu trên cũng để lại nhiều hệ lụy, nhất là đối với công tác thi hành án, người phải thi hành án có tư tưởng trông chờ, cố tình trì hoãn không chấp hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, từ đó gây không ít khó khăn cho cơ quan thi hành án. Việc quy định thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm quá dài cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc khắc phục hậu quả đối với những bản án đã tổ chức thi hành xong, như trong trường hợp người được thi hành án nhận được tài sản hoặc cơ quan thi hành án tổ chức thi hành án bằng hình thức bán đấu giá tài sản và người thứ ba mua được tài sản trong trường hợp này. Tuy nhiên, bản án sau đó bị kháng nghị giám đốc thẩm hủy án thì việc xử lý tài sản đã thi hành án là điều không dễ dàng, mà người bị thiệt hại nhiều nhất vẫn là người phải thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, chúng tôi có một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, TAND tối cao, VKSND tối cao cần sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/10/2013 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối caocủa Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Thứ hai, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn xác định cụ thể vi phạm nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự; hướng dẫn quy trình xử lý đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm không đúng thời gian quy định tại khoản 1 Điều 327 BLTTDS năm 2015; hướng dẫn thủ tụcgiao nhận hồ sơ trong quy trình kháng nghị giám đốc thẩm./.
 

 


[1]Điều 327 BLTTDS năm 2015 quy định:
“1. Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
2. Trường hợp Tòa án, Viện kiểm sát hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này.
3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 326 của Bộ luật này”.
[2] Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
c) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
[3]Khoản 1 Điều 328 BLTTDS năm 2015 quy định:
1. Đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn đề nghị;
b) Tên, địa chỉ của người đề nghị;
c) Tên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm;
d) Lý do đề nghị, yêu cầu của người đề nghị;
đ) Người đề nghị là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người đề nghị là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức đề nghị là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
[4]Khoản 2, Điều 328 BLTTDS năm 2015.
[5]Tòa án nhân dân tối cao (2018), Báo cáo số 50/BC-TA ngày 11/10/2018 của Chánh án TAND tối cao về công tác của các Tòa án tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV;Tòa án nhân dân tối cao (2019), Báo cáo số 59/BC-TA ngày 10/10/2019 của Chánh án TAND tối cao về công tác của các Tòa án tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.
[6]Điều 329 BLTTDS năm 2015 quy định:
“1. Tòa án, Viện kiểm sát nhận đơn đề nghị do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn, cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự. Ngày gửi đơn được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc ngày có dấu dịch vụ bưu chính nơi gửi.
2. Tòa án, Viện kiểm sát chỉ thụ lý đơn đề nghị khi có đủ các nội dung quy định tại Điều 328 của Bộ luật này. Trường hợp đơn đề nghị không có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 328 của Bộ luật này thì Tòa án, Viện kiểm sát yêu cầu người gửi đơn sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát; hết thời hạn này mà người gửi đơn không sửa đổi, bổ sung thì Tòa án, Viện kiểm sát trả lại đơn đề nghị, nêu rõ lý do cho đương sự và ghi chú vào sổ nhận đơn.
3. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm phân công người có trách nhiệm tiến hành nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án, báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị xem xét, quyết định; trường hợp không kháng nghị thì thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị.
Chánh án TAND tối cao phân công Thẩm phán TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao phân công Kiểm sát viên Viện KSND tối cao nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án, báo cáo Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét, quyết định kháng nghị. Trường hợp không kháng nghị thì Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao tự mình hoặc ủy quyền cho Thẩm phán TAND tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị”.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 13 (413), tháng 7/2020.)