Chế độ tài sản giữa vợ chồng trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình

01/04/2014

Ths. ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP

khoa Kinh tế Luật, ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh

Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) lần này, các quy định về quan hệ tài sản giữa vợ chồng được xây dựng với rất nhiều những thay đổi mang tính “cách mạng”. Bài viết phân tích chế độ tài sản giữa vợ chồng và giao dịch dân sự về tài sản giữa vợ chồng được trên cơ sở so sánh với các quy định tương đồng trong các văn bản luật Việt Nam ở các thời kỳ trước.
Untitled_384.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Chế độ tài sản giữa vợ chồng
Khái niệm Chế độ tài sản giữa vợ chồng là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh về (sở hữu) tài sản của vợ chồng, bao gồm các quy định về căn cứ xác lập tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng, các trường hợp và nguyên tắc chia tài sản giữa vợ và chồng theo luật định[1].
Về chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật Việt Nam, Luật HN&GĐ các năm 1959,  1987 và 2000 chỉ quy định một chế độ tài sản của vợ chồng là chế độ tài sản do pháp luật quy định, chế độ pháp định. Trong đó, Luật HN&GĐ năm 2000 quy định căn cứ xác định tài sản chung (Điều 27), chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung (Điều 28), tài sản riêng (Điều 32), quản lý và định đoạt tài sản riêng (Điều 33).... Chế độ hôn sản pháp định đang được thực hiện là chế độ cộng đồng tạo sản[2]. Theo đó, tài sản chung của vợ chồng (khối cộng đồng) gồm những tài sản do mỗi bên vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân từ hoạt động nghề nghiệp, tài sản từ các khoản thu nhập khác (trừ những tài sản mà mỗi bên được tặng cho riêng, được thừa kế riêng là tài sản riêng); vợ và chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong việc quản lý, định đoạt tài sản chung; đối với các giao dịch liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn, giao dịch do một bên vợ, chồng thực hiện phải có sự đồng ý của của người kia. Tài sản riêng về nguyên tắc, chủ sở hữu có quyền tự định đoạt, tuy nhiên đối với những tài sản riêng đã được đưa vào sử dụng chung có hoa lợi, lợi tức là nguồn sống duy nhất của gia đình thì quyền tự định đoạt của chủ sở hữu bị hạn chế vì cần có sự đồng ý của bên vợ, chồng còn lại.
Chế độ tài sản pháp định là chế độ tài sản duy nhất được pháp luật Việt Nam thừa nhận cả trong Luật HN&GĐ 1959, 1987 và Luật HN&GĐ hiện hành (2000); vợ chồng không thể thỏa thuận để xác lập một chế độ tài sản trong hôn nhân khác với chế độ tài sản pháp định.
Các quy định này, sau một thời gian dài thực hiện đã cho thấy những ưu điểm đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế nhất định.
Ưu điểm, chế độ tài sản pháp định duy nhất là cơ sở để giải quyết tất cả các tranh chấp liên quan đến quan hệ tài sản giữa vợ chồng, đơn giản và dễ hiểu. Ngoài ra, chế độ tài sản này là một sự bảo vệ khá tốt cho khối tài sản chung của vợ chồng (khối tài sản được dành nhiều ưu ái bởi những nhà làm luật), đây là cơ sở đảm bảo cho đời sống chung của vợ chồng. Chế độ tài sản này cũng là cơ sở pháp lý rõ ràng và tương đối đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải quyết các tranh chấp về quan hệ tài sản giữa vợ chồng.
 Hạn chế: Thứ nhất, quy định của Luật hiện hành không bảo đảm quyền tự định đoạt chủ sở hữu tài sản được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Về nguyên tắc, mỗi cá nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình theo ý chí của mình, trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác và việc thực hiện các quyền này không trái với đạo đức xã hội. Trong khi đó, quy định của Luật HN&GĐ Việt Nam hiện hành đặt ra một vài hạn chế, ví dụ hạn chế yêu cầu chia di sản thừa kế (khoản 3 Điều 31), hạn chế quyền định đoạt tài sản riêng (khoản 5 Điều 33). Thứ hai, việc chỉ áp dụng một chế độ hôn sản pháp định cho tất cả các trường hợp không đáp ứng được nhu cầu của một số cặp vợ chồng. Thực tế, có những trường hợp mà hai người kết hôn muốn tất cả tài sản mà mỗi bên có trước khi kết hôn cũng như trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung; ngược lại, có những trường hợp mà người kết hôn có nhiều tài sản riêng có nguồn gốc từ gia đình mình, có con riêng hoặc vì lý do kinh doanh riêng, nên muốn thực hiện một chế độ tách riêng tài sản và thỏa thuận với nhau về việc đóng góp cho đời sống chung của gia đình.
Cần lưu ý là quy định của Luật HN&GĐ hiện hành vẫn cho các bên quyền thỏa thuận về quan hệ tài sản, tuy nhiên các thỏa thuận này phải đảm bảo hai điều kiện: thứ nhất, trong khuôn khổ quy định của pháp luật (ví dụ như thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung), thứ hai, thỏa thuận này không làm thay đổi chế độ tài sản giữa vợ chồng (là chế độ tài sản pháp định).
Với những ưu khuyết điểm như vậy, trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật HN&GĐ (năm 2013), có thể thấy sự thay đổi mang tính “cách mạng” về chế độ tài sản, đó là công nhận chế độ thỏa thuận tồn tại song song bên cạnh chế độ pháp định về quan hệ tài sản giữa vợ chồng. Theo quy định tại Điều 26a Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật HN&GĐ (năm 2013) thì:
 “1. Vợ chồng có quyền lựa chọn chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hoặc theo luật định.
2. Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng trong trường hợp vợ chồng không có thỏa thuận về xác lập chế độ tài sản hoặc thỏa thuận đó bị Tòa án tuyên bố vô hiệu”.
Quy định này trong Dự thảo không khác so với quy định tại Điều 144 Bộ Dân luật 1972 của Việt Nam Cộng hòa “Luật pháp chỉ quy định phu phụ tài sản khi vợ chồng không lập hôn ước”. “Hôn ước” hay chế độ tài sản thỏa thuận là thuật ngữ được du nhập phỏng theo luật của Pháp từ thời điểm xây dựng các bộ Dân luật Bắc và Hoàng Việt Trung kỳ hộ luật, trước đó khái niệm này gần như chưa xuất hiện trong cổ luật Việt Nam[3].
Về chế độ thỏa thuận về quan hệ tài sản, Dự thảo quy định “Thỏa thuận về xác lập chế độ tài sản của vợ chồng phải được lập trước khi đăng ký kết hôn và chỉ có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn”. Cũng theo Dự thảo, vợ chồng có thể thỏa thuận thay đổi chế độ tài sản áp dụng. Sự thay đổi này có khả năng tác động rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên thứ ba, do đó trong cả hai phương án được đề cập trong Dự thảo, người soạn thảo có thái độ khá dè dặt trong việc xây dựng các quy định. Cụ thể, phương án 1, ít nhất phải sau hai năm kể từ thời điểm có hiệu lực của chế độ tài sản ban đầu, các bên mới được thỏa thuận thay đổi, phương án 2, có thể thay đổi bất kỳ lúc nào nhưng thỏa thuận thay đổi phải được công chứng, chứng thực và được công bố cho các bên thứ ba có liên quan. Rõ ràng là dù thay đổi ngay hay thay đổi sau hai năm áp dụng thì cũng cần có cơ chế công bố để các bên thứ ba có liên quan biết để theo dõi và bảo vệ quyền lợi của mình một cách kịp thời. So sánh với quy định tương tự trong Bộ Dân luật 1972, Điều thứ 146 quy định “Hôn ước phải làm trước khi kết hôn, trước một chưởng khế. Vợ hay chồng còn vị thành niên muốn lập hôn ước phải có sự hỗ trợ của những người có tư cách để ưng thuận cho kết hôn”.
Chưởng khế phải cấp cho đương sự một chứng thư được miễn mọi lệ phí ghi tên, họ, nghề nghiệp, chỗ ở, ngày sinh, nơi sinh của đương sự, ngày tháng lập hôn ước và ghi rõ là chứng thư phải giao cho viên chức hộ tịch trước khi cử hành hôn lễ”. Còn tại Điều thứ 147 quy định “Hôn ước không thể thay đổi sau khi đã lập hôn thú”. Như vậy, quy định trong Dự thảo Luật HN&GĐ (năm 2013) đã trao cho vợ chồng nhiều quyền hơn trong việc lựa chọn chế độ tài sản cũng như thay đổi chế độ tài sản. Sự ghi nhận này, theo chúng tôi là tương đối mạo hiểm, bởi lẽ việc chấp nhận “hôn ước” đã là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực pháp luật HN&GĐ, khi sự thay đổi mang tính chất đột phá này còn chưa biết sẽ được đón nhận như thế nào trong thực tiễn, hơn thế nữa, pháp luật còn chưa thực sự đầy đủ thì không nên tiếp tục mạo hiểm trong việc cho phép vợ chồng có thể thỏa thuận thay đổi chế độ tài sản đã xác lập trước đó và đã được ghi nhận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, chế độ tài sản thỏa thuận được quy định trong Dự thảo, theo chúng tôi cần quy định chi tiết hơn. Cụ thể, theo cách quy định hiện nay của Dự thảo thì chỉ ghi nhận quyền của vợ chồng được tự do thỏa thuận xác lập chế độ tài sản thỏa thuận, sự tự do này là tự do không có định hướng, điều này không tốt ở góc độ quản lý nhà nước. Trong luật của Pháp hay luật của Việt Nam Cộng hòa, bên cạnh sự chấp nhận chế độ tài sản thỏa thuận, luật luôn xác định (mang tính chất định hướng) những chế độ tài sản mà vợ chồng có thể lựa chọn để áp dụng cho mình. Ví dụ, bên cạnh chế độ cộng đồng tài sản mà theo quy định tại
Điều thứ 150 “Chế độ cộng đồng tài sản là chế độ phu phụ tài sản thường luật trong trường hợp vợ chồng không lập hôn ước hoặc khai kết hôn dưới chế độ cộng đồng tài sản.
Chế độ này khởi đầu từ ngày lập hôn thú, không ai có thể định một ngày nào khác cho khởi điểm này” thì tại Điều thứ 163 có quy định “Khi lập hôn ước, vợ chồng có thể quyết định là họ sẽ được chi phối bởi chế độ biệt sản; người đàn bà sẽ giữ quyền quản trị, hưởng dụng và sử dụng tài sản riêng của mình”, theo chế độ biệt sản này, mỗi người phối ngẫu sẽ góp phần vào chi phí gia đình tùy theo hôn ước, hoặc nếu không có điều khoản nào trong hôn ước quy định thì theo quy định của pháp luật. Quy định này của Bộ Dân luật 1972 thực sự không dành cho vợ chồng nhiều sự lựa chọn (chỉ có hai chế độ tài sản để lựa chọn là cộng đồng tài sản hoặc biệt sản, tức chế độ tài sản riêng), tuy nhiên, các quy định này lại rất rõ ràng và thuận tiện cho cách áp dụng trên thực tế cũng như giải quyết các tranh chấp nếu có về sau.
Trong Dự thảo Luật HN&GĐ (năm 2013), nhà làm luật chỉ dự kiến chế độ tài sản thỏa thuận đó là một thỏa thuận thông thường như thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân hoặc thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Vì sự nhìn nhận một cách đơn giản như vậy nên Dự thảo chỉ quy định về những nội dung cần thiết phải có trong thỏa thuận, ví dụ như “thành phần của khối tài sản riêng, tài sản chung; tài sản để đảm bảo những điều kiện vật chất cho nhu cầu thiết yếu của gia đình”.
  Liên quan đến quyền lợi của người thứ ba trong việc xác lập hay thay đổi chế độ tài sản giữa vợ chồng, Dự thảo quy định rất đơn giản rằng “Việc thực hiện các quan hệ về tài sản của vợ chồng phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba” và rằng, nếu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vi phạm nguyên tắc này thì sẽ bị tuyên bố vô hiệu”.
Sự đơn giản hóa các quy định về chế độ tài sản thỏa thuận trong Dự thảo Luật HN&GĐ (năm 2013) rất thuận lợi cho việc áp dụng. Tuy nhiên, việc quy định quá đơn giản sẽ dẫn đến những hạn chế, như: thứ nhất, vợ chồng không có một sự hướng dẫn cụ thể về các cách thức quan hệ tài sản có thể lựa chọn, thứ hai, cách quy định như thế dẫn đến cách hiểu, thực ra đây không phải là thỏa thuận về chế độ tài sản áp dụng trong quan hệ giữa vợ chồng mà đơn giản là chế độ pháp định về quan hệ tài sản giữa vợ chồng vẫn đang được áp dụng, chỉ có điều là Dự thảo cho thêm các bên vợ, chồng nhiều quyền hơn trong việc thỏa thuận mà thôi. Nếu như vậy, chúng ta đang có một chế độ tài sản thỏa thuận rất “nửa vời”. Thứ ba, sự hạn chế trong việc cho phép thay đổi chế độ tài sản đã ghi nhận trong sổ bộ hộ tịch có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba nếu chỉ đơn giản là công chứng, chứng thực và công bố thay đổi, mà cần thiết phải có sự giám sát và đăng ký thỏa thuận thay đổi này, có như vậy bên thứ ba mới có thể tiếp cận và bảo vệ quyền lợi của mình một cách kịp thời. Hãy hình dung một giả thuyết đơn giản, ông A cho vợ chồng B và C vay một khoản tiền rất lớn ở vào thời điểm chế độ tài sản giữa họ là chế độ pháp định, theo chế độ pháp định này thì khối tài sản chung được bảo vệ một cách rất nghiêm ngặt, và như vậy, một cách gián tiếp, quyền thu hồi nợ của A sẽ được bảo đảm. Một ngày nọ, vợ chồng B và C thỏa thuận thay đổi chế độ tài sản và theo thỏa thuận này thì giữa họ không còn tài sản chung nữa, nếu không được biết một cách kịp thời và không có cơ chế rõ ràng cho việc đòi nợ trước sự thay đổi chế độ tài sản trong tình huống nói trên, có thể thấy quyền lợi của A ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.
2. Giao dịch dân sự về tài sản của vợ, chồng
Phần quy định về giao dịch dân sự về tài sản của vợ, chồng không phải là một phần mới trong Dự thảo Luật HN&GĐ (năm 2013). Trước đây, trong Nghị định số 70/CP (2001) đã có một số các quy định trong lĩnh vực này.
Trước hết, xin được đề cập đến giao dịch liên quan đến chỗ ở của vợ chồng. Theo quy định tại Điều 26d của Dự thảo thì:“Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà ở là nơi sinh sống duy nhất của vợ chồng thì phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Quy định này được áp dụng kể cả trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng hoặc nhà do một bên thuê trước khi kết hôn”.
Đây là quy định mới lần đầu đưa vào Dự thảo, tuy nhiên nó có cơ sở nền tảng là khoản 5 Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2000, “Trong trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thỏa thuận của cả vợ chồng”. Các quy định này đã một cách trực tiếp hạn chế các quyền của chủ sở hữu tài sản, quyền định đoạt đối với tài sản, quyền được ghi nhận trong Hiến pháp cũng như trong Bộ luật Dân sự. Lý do của sự hạn chế này nhằm mục đích bảo vệ đời sống chung của gia đình. Quy định của Luật HN&GĐ hiện hành mở ra phạm vi áp dụng hạn chế này rất rộng, là tất cả các “tài sản riêng đã được đưa vào sử dụng chung có hoa lợi, lợi tức là nguồn sống duy nhất của gia đình”. Theo chúng tôi, sự hạn chế này không nên được mở rộng. Có nghĩa là, mặc dù thấy rất rõ sự cần thiết phải bảo vệ đời sống chung của gia đình, tránh tình trạng một trong hai bên vợ, chồng có thái độ vô trách nhiệm, định đoạt các tài sản gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống gia đình, nhưng quy định này dù sao cũng là một sự hạn chế quyền của chủ sở hữu, hạn chế quyền định đoạt của chủ sở hữu, do đó, nên chăng điều luật chỉ được áp dụng đối với “chỗ ở duy nhất của vợ chồng”, tức là nên chấp nhận trong Dự thảo Điều 26d nhưng nên loại bỏ khoản 5 Điều 33 ra khỏi Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung.
Vấn đề thứ hai là giao dịch dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Theo quy định tại Điều 25 Luật HN&GĐ 2000 “Vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình”.
Liên quan đến vấn đề này, có vẻ như Dự thảo Luật HN&GĐ (năm 2013) đã có sự bổ sung hơi thừa. Sự bổ sung này được đề cập tạiĐiều 26đ“Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình
Một bên vợ, chồng có quyền thực hiện các giao dịch hợp pháp nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình”.
Trong khi đó Điều 25 của Dự thảo vẫn giữ nguyên như cũ là“Vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một bên thực hiện theo quy định tại Điều 26đ của Luật này hoặc các giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện giữa vợchồng”. Như vậy, tinh thần của Điều luật cũ vẫn giữ nguyên, do đó, bổ sung ở Điều 26đ là thừa vì đương nhiên vợ chồng có quyền và nghĩa vụ phải xác lập các giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Các quy định trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật HN&GĐ lần này đã mang lại một hơi thở mới cho lĩnh vực pháp lý mà theo quan điểm của nhiều người là “khá ổn định” - lĩnh vực HN&GĐ. Sự thay đổi luôn luôn là cần thiết với vai trò đáp ứng với sự thay đổi của thực tiễn đời sống. Tuy nhiên, trong chừng mực nhất định, những thay đổi này cũng cần phải phù hợp với thực tiễn khả năng đáp ứng của hệ thống quản lý có liên quan, tránh gây ra những sự xáo trộn nằm ngoài sự kiểm soát của hệ thống này./.

 


[1]Khái niệm này theo Nguyễn Mạnh Bách “Chế độ hôn sản gồm một số các nguyên tắc quy định quyền hạn của hai vợ chồng trên các tài sản chung, sự đóng góp tiền bạc của hai vợ chồng trong thời gian hôn nhân, các quyền lợi của người thứ ba giao dịch với họ và những quyền lợi của mỗi người vợ chồng khi hôn thú chấm dứt”, Tìm hiểu Luật Dân sự Việt Nam (Chế độ hôn sản, Thừa kế), Nxb. Đồng Nai, 1992, trang 9.
[2] Thuật ngữ này được sử dụng bởi một số tác giả Nguyễn Mạnh Bách (sđd), Nguyễn Ngọc Điện (Bình luận khoa học Luật HN&GĐ Việt Nam, Nxb. Trẻ TPHCM, 2002).
[3] Nguyễn Mạnh Bách, sđd, trang 21.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 8(264), tháng 4/2014)