Góc nhìn lịch sử về tính tự trị trong chính sách đối với cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên

01/06/2011

TS. NGUYỄN QUỐC SỬU

NGUYỄN ANH TUẤN

Học viện Hành chính.

  Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Tây Nguyên - vùng đất đỏ bazan với tiếng cồng chiêng âm vang đã trải qua sự cai trị, quản lý của nhiều nhà cầm quyền khác nhau: từ các triều đại phong kiến Việt Nam, đến thực dân Pháp, rồi chính quyền Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu… Những chính sách đối với Tây Nguyên, dù thành công hay thất bại, đều để lại những bài học quý giá cho các nhà hoạch định chính sách của chúng ta hôm nay, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề dân tộc trên thế giới đang ngày một trở nên phức tạp. Qua góc nhìn lịch sử, bài viết  phân tích vai trò của tính tự trị trong chính sách đối với cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên trong những giai đoạn yên bình cũng như bất ổn của vùng đất này, từ đó rút ra những bài học cho việc xây dựng những chính sách hợp lý hơn cho Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay, sao cho, chính sách vẫn giữ được luật tục - yếu tố cấu thành đời sống tinh thần và xã hội của Tây Nguyên - và không ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật. 

 
 
 Tây-nguyen.jpg

 

Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Giai đoạn ổn định hay sự thành công của những chính sách quan tâm đúng mức đến tính tự trị của các dân tộc bản địa Tây Nguyên 
Trên dưới năm trăm năm lịch sử tiếp xúc giữa Tây Nguyên với phần còn lại của Việt Nam, tình trạng ổn định chỉ xuất hiện trong một vài giai đoạn và khó có thể coi là một đặc điểm nổi bật của vùng đất này. Có thể kể đến đầu tiên là giai đoạn Tây Nguyên đặt dưới sự quản lý của Trấn quận công Bùi Tá Hán, thời vua Lê Trang Tông, trong bối cảnh triều đình phong kiến Đại Việt chỉ mới dò dẫm bắt đầu quá trình tiếp cận vùng đất mới Tây Nguyên.
Bùi Tá Hán được vua Lê Trang Tông cử vào cai trị vùng phiên trấn ở phía Nam năm 1545. Từ đó, ông từng bước mở rộng tầm ảnh hưởng của triều đình lên những vùng đất Tây Nguyên tiếp giáp với các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Những chính sách về hành chính và thuế vụ mà Bùi Tá Hán áp dụng cho Tây Nguyên:
- Thay mặt triều đình phong cho một thủ lĩnh bộ lạc có uy tín cao trong vùng chức danh giao - dịch như một đầu mối để quản lý, trông coi.
- Chia vùng đất mới đặt ảnh hưởng này thành bốn nguyên: Dà-Bông, Cù-Bà, Phù-Bà và Ba-Tơ.
- Đặt ra chức cai quancôn quan cho mỗi nguyên, riêng nguyên Dà-Bông có hai cai quan và hai côn quan để thực thi nhiệm vụ thu thuế.
- Định mức thuế khóa cho mỗi nguyên bằng tiền thay cho sản vật, các bộ lạc chỉ nộp đủ định mức thuế, ngoài ra không phải nộp thêm gì nữa[1].
Có thể nhận ra chính sách của Bùi Tá Hán đối với các dân tộc bản địa Tây Nguyên bấy giờ chỉ giới hạn trong phạm vi thuế khóa và thương mại, việc phân chia địa giới hành chính với một vài chức quan cũng chỉ hướng đến mục tiêu này. Trên thực tế, triều đình Đại Việt không can thiệp vào cơ cấu xã hội của cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên và những bộ lạc nơi đây vẫn sống với văn hóa, tín ngưỡng, phong tục và kết cấu xã hội ngàn đời của mình. Họ chỉ có thêm trách nhiệm thuế khóa với triều đình, nhưng bù lại các hoạt động trao đổi mua bán với người Kinh cũng đem đến cho họ không ít những nguồn lợi.
Tính tự trị được đảm bảo, nghĩa vụ triều cống không đáng kể vì được bù đắp nhờ vào nguồn lợi từ trao đổi mua bán đã tạo ra một giai đoạn yên ổn, hòa bình với vùng đất Tây Nguyên, đặc biệt là đối với các bộ lạc hiếm khi chịu khuất phục ở khu vực tiếp giáp với Quảng Ngãi - điều không tồn tại trong các triều đại phong kiến về sau. Có lẽ, ở đây cần hiểu rằng không phải Bùi Tá Hán không muốn áp đặt một bộ máy cai trị can thiệp sâu vào đời sống xã hội các dân tộc bản địa Tây Nguyên, mà chính là, ông không thể thực hiện được sự can thiệp như vậy, khi chúng ta xem xét bối cảnh nhà cai trị này vẫn còn phải thăm dò để dần củng cố thế đứng trên vùng đất quá mới mẻ này. Tuy thế, dù vô tình hay cố ý, sự thật là Bùi Tá Hán đã thực thi một chính sách cai trị mà trong đó, tính tự trị của các dân tộc bản địa Tây Nguyên được đảm bảo ở mức độ cao, tạo ra một giai đoạn yên ả hiếm hoi cho vùng đất này.
Quãng thời gian yên ổn của Tây Nguyên tiếp theo cần được kể đến là giai đoạn vùng đất này được viên Công sứ Pháp đầu tiên của vùng đất này - Sabatier - quản lý. Ông là một nhà khoa học am hiểu ngôn ngữ, phong tục các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Suốt thời gian cai trị, Sabatier luôn thể hiện mong muốn gìn giữ nguyên bản Tây Nguyên, chống lại mọi ảnh hưởng từ bên ngoài bằng việc sử dụng luật tục, tòa án phong tục để quản lý, xét xử; kiên trì thuyết phục và tạo mối hòa hiếu với các thủ lĩnh lớn trong vùng. Không thể phủ nhận những đóng góp của Sabatier đã tạo lập một giai đoạn hòa bình ngắn ngủi cho vùng đất này. Dĩ nhiên, chính sách của ông không làm chính quyền thực dân hài lòng, bởi nó hoàn toàn không phục vụ mục đích của những kẻ xâm lược là bóc lột, vơ vét tài nguyên thiên nhiên càng nhiều càng tốt[2].  
Tương tự vậy, thập niên 1930 chứng kiến một giai đoạn ổn định ngắn ngủi của khu vực Tây Nguyên khi người Pháp tiến hành xây dựng hệ thống đường bộ, trường học, cơ sở hành chính phục vụ việc khai thác vùng đất này, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo cho các dân tộc bản địa nơi đây được tự do sinh sống với văn hóa, phong tục, tập quán của họ. Việc khai thác các nguồn lợi từ Tây Nguyên cũng được xem xét cùng với vấn đề dân tộc, bằng chứng là vào những năm 1937-1938, chính quyền Pháp ở chính quốc đã thành lập một Ủy ban kiểm tra tình trạng đất đai ở Tây Nguyên và ban hành các chính sách quan trọng như sau:
- Giới hạn số diện tích đất giao cho các công ty nông nghiệp;
- Hạn chế số người Kinh lên cao nguyên làm việc;
- Dành nhiều khu đất dự trữ cho người bản địa.
Bùi Tá Hán và các viên Công sứ, Toàn quyền Pháp kể trên tuy khác nhau về thời đại, nhưng đều thành công trong việc thiết lập sự ổn định cho Tây Nguyên, và đặc biệt hơn là chính sách của họ đều đảm bảo tính tự trị của cộng đồng các dân tộc bản địa nơi đây ở mức độ cao. Đối với Bùi Tá Hán, điều này có lẽ nằm ngoài mong muốn của ông. Nhưng đối với các nhà cai trị Pháp, điều này có được nhờ sự am hiểu và thực sự mong muốn gìn giữ nền văn hóa bản địa hết sức đặc trưng này của Tây Nguyên.
2. Giai đoạn bất ổn hay sự thất bại của những chính sách xem nhẹ tính tự trị của cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên.
Như đã nói, những giai đoạn yên ổn của Tây Nguyên diễn ra khá ngắn ngủi và hiếm hoi, và điều này cũng có nghĩa, “bất ổn” là đặc tính chính của vùng đất này nếu nhìn về lịch sử. Đầu tiên là những cuộc nổi dậy chống lại triều đình phong kiến Việt Nam, rộ lên dưới sự cai trị thời các vua chúa Nguyễn.
Năm 1558, Nguyễn Hoàng mở cuộc Nam tiến tạo lập xứ Đàng trong[3], thiết lập vương triều riêng của mình, đưa Tây Nguyên vào tầm ảnh hưởng của một thế lực mới - các vua chúa Nguyễn. Nhu cầu mở rộng không gian sinh tồn về đồng bằng màu mỡ Nam Bộ để có thể “vạn đại dung thân” đã khiến các chúa Nguyễn thời gian đầu không quan tâm nhiều đến vùng đất Tây Nguyên. Nhìn chung, họ vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách của Bùi Tá Hán trước đây, thiết lập định ước chư hầu với các dân tộc bản địa, trưng thu thuế khóa, cống vật[4].
Nhưng sau khi đã có một thế đứng vững chắc ở vùng đất mới, các vua chúa Nguyễn bắt đầu dành nhiều sự chú ý hơn đến Tây Nguyên, kéo theo đó là quá trình tiếp xúc giữa người Kinh và người dân tộc bản địa cũng ngày một trở nên sâu sắc hơn. Sự can thiệp ngày một sâu hơn của triều đình vào vùng đất Tây Nguyên đi kèm những thái độ sau:
- Coi thường văn hóa, phong tục của các dân tộc thiểu số: các văn bản chiếu chỉ thường gọi sắc dân thiểu số là “mọi rợ” với hàm ý khinh thường, vua Thiệu Trị từng truyền Cơ mật đại thần rằng: “phản phúc không thường là thói quân mọi…”[5]
- Ý đồ xóa bỏ văn hóa, phong tục cổ truyền của các dân tộc thiểu số: Triều đình cho rằng “Bọn man mọi ngu dại chưa thấm nhuần phong hóa, cần buộc họ cắt tóc, ăn mặc và sinh hoạt giống như người miền xuôi…”[6]; Tả tướng quân Lê Văn Duyệt từng tâu lên Minh Mạng: “Xin đặt tên họ cho chúng nó, để biến đổi thói mọi”[7]; Nguyễn Công Trứ lại từng dâng sớ: “Phải thay đổi kẻ đầu mục, phủ trị cho lâu, khiến nó noi theo khuôn phép, tập nhiễm lần lần chắc rằng chẳng đến ba năm, có thể thói mọi đổi làm thói mình, sẽ khỏi lo việc biên cảnh nữa”[8].
- Lập chế độ trấn quan trực tiếp cai trị bằng bạo lực, đánh thuế cao: Chính sách của võ quan Nguyễn Tấn khi đến quản lý vùng cao nguyên tiếp giáp Quảng Ngãi: “Đánh thuế chứ đừng cho chúng tích trữ vật thực, bởi vì nếu tích trữ được lương thực thì chúng dễ bề làm phản… Nếu bọn chúng còn ngoan cố không chịu nạp thuế thì ta phái quân lên gặt hết lúa của chúng mà ăn, lần thứ hai nếu còn không chịu nạp thì đánh”[9].
Thái độ của triều đình tự coi mình dân tộc lớn, phân biệt đối xử với các sắc dân thiểu số đã gặp phải sự phản kháng quyết liệt từ phía họ. Từ nửa sau thế kỷ 18, các bộ lạc Tây Nguyên hoạt động quấy nhiễu liên tục, có lúc còn tiến xuống cả vùng đồng bằng ven biển Quảng Ngãi[10]. Sự quấy nhiễu này phức tạp đến nỗi triều đình nhà Nguyễn năm 1819 phải lệnh cho tướng Lê Văn Duyệt xây dựng Trường Lũy từ Bình Định đến Quảng Nam để ngăn chặn[11]. Thế nhưng, tình hình vẫn rất nghiêm trọng. Đơn cử như các cuộc nổi dậy của người Hre (sử nhà Nguyễn gọi là mọi Đá Vách) kéo dài đến tận thời Pháp thuộc, khiến quân triều đình chịu tổn thất hết sức nặng nề. Sức mạnh quân sự, tài mưu lược của các tướng quân nhà Nguyễn chẳng những không khuất phục được các cuộc nổi dậy của người Hre, mà còn khẳng định rõ hơn sai lầm trong chính sách và thái độ của triều đình bấy giờ đối với vấn đề dân tộc.
Có thể dùng lời nhận xét của nhà dân tộc học Henri Matri để tóm lược về những tổn hại từ sự can thiệp của triều Nguyễn và người Kinh nói chung vào vùng đất Tây Nguyên: “Họ không lúc nào ngừng khai thác; bằng cách ấy, họ lui tới không ngừng gây ô nhiễm cho các làng, ngày càng tiến sâu hơn vào nội địa, như những con mối trong chiếc xà nhà, chỉ để lại phía sau mình những chất thải thoái hóa, các sản phẩm bị rượu tàn hại, các bệnh truyền nhiễm và ách cai trị. Ở phía này, sự thâm nhập hòa bình của người An Nam còn tai hại cho người Mọi hơn các cuộc cướp phá của người Lào và người Cambodge; người Lào và người Cambodge chỉ làm lay chuyển và tỉa cành cái thân vẫn còn sống động của chủng tộc; còn người An Nam thì gặm dần và làm cho nó ruỗng nát tới tận lõi”[12].
Đến lượt người Pháp, trừ những trường hợp cá biệt như viên công sứ - nhà dân tộc học Sabatier kể trên có mơ ước giữ nguyên vẹn cho Tây Nguyên tránh khỏi tập nhiễm từ bên ngoài, đa số những nhà cai trị vẫn giữ tư thế của kẻ xâm lược, chỉ nghĩ đến bóc lột và vơ vét. Trong mắt họ, Tây Nguyên là đồn điền cao su, cà phê khổng lồ, với những nguồn lợi to lớn cho chính quốc. Họ bất chấp những tổn thất không ít về người trong giai đoạn đầu đặt ách thống trị lên vùng đất cao nguyên nhiệt đới với sự chống trả quyết liệt của các bộ lạc Tây Nguyên trong suốt một thời gian dài, từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20. Điều này cũng là một dẫn chứng cho sự khao khát tự trị của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, chống lại bất kỳ sự can thiệp thô bạo nào từ bên ngoài.
Ngoài ra, sẽ là thiếu sót nếu không kể đến một giai đoạn cực kỳ bất ổn của Tây Nguyên dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Chế độ này đã thực thi những chính sách phân biệt đối xử với cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên một cách chính thức như:
- Về văn hóa giáo dục: cấm dạy tiếng thổ ngữ, buộc ăn mặc chỉnh tề vào cơ quan công quyền (không mặc trang phục truyền thống như đóng khố…);
- Về kinh tế: phủ nhận quyền sở hữu đất đai của các bộ lạc;
- Về tư pháp: bãi bỏ tòa án phong tục[13].
Ngay lập tức, phong trào đấu tranh của các dân tộc Tây Nguyên chống chế độ Sài Gòn, giành quyền tự trị đã nổ ra như phong trào BAJARAKA (ghép lại từ tên các dân tộc bản địa chính ở Tây Nguyên như Bahnar, Djarai, Kaho…), Mặt trận giải phóng cao nguyên FLHF, Mặt trận thống nhất giải phóng các sắc tộc bị áp bức FULRO (kéo dài mãi đến sau 1975).
Các giai đoạn bất ổn của Tây Nguyên, dù dưới sự cai trị của nhiều nhà cầm quyền khác nhau, nhưng đều có điểm chung là luôn gắn với những chính sách thiếu sự tôn trọng quyền tự trị của các dân tộc bản địa nơi đây, thể hiện thái độ coi thường văn hóa, phong tục, tín ngưỡng và cơ cấu xã hội của cộng đồng các dân tộc này.  
3. Một số bài học  
Mặc dù bối cảnh xã hội hiện nay đã nhiều đổi khác, Nhà nước ta nhìn về Tây Nguyên không giống cách nhìn từ đôi mắt của những kẻ thực dân tham vơ vét hay những vương triều phong kiến đam mê quyền lực, nhưng, cũng như bất kỳ nhà cầm quyền nào, Nhà nước ta mong muốn một Tây Nguyên ổn định. Xuất phát từ mục tiêu quan trọng đó, thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải xem xét đến những hằng số văn hóa - xã hội mà một trong số đó là tính tự trị của cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Những thành công và sai lầm - như phân tích ở trên - đã cho thấy, khi nào tính tự trị ấy hàm chứa trong chính sách cho Tây Nguyên thì vùng đất này sẽ yên bình, và ngược lại, bất ổn sẽ tiếp diễn nếu các dân tộc bản địa nơi đây cảm thấy văn hóa, phong tục, cơ cấu xã hội của mình bị can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào của bất kỳ ai. Do đó, quá trình hoạch định một chính sách hợp lý cho Tây Nguyên của Nhà nước ta về vấn đề này, thiết nghĩ, cần lưu ý đến những điểm sau:
- Thứ nhất, thực sự tôn trọng văn hóa, tín ngưỡng, cơ cấu xã hội của cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên thông qua việc phổ biến, tuyên truyền nền văn hóa bản địa Tây Nguyên trong xã hội, đặc biệt cần đưa vào sách giáo khoa các kiến thức cơ bản về vẻ đẹp của nền văn hóa này.
- Thứ hai, nội dung “giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc” trong chính sách dân tộc cần được diễn giải theo hướng, không chỉ là người Kinh giúp đỡ về mặt kinh tế, vật chất đối với các dân tộc ít người Tây Nguyên, mà các dân tộc ít người cũng giúp đỡ người Kinh có thêm một cách hiểu về văn hóa, văn minh - một bài học quý giá trong cơn lốc của sự phát triển.
-  Thứ ba, các chính sách cho Tây Nguyên cần sự tham vấn sâu rộng của các nhà văn hóa am hiểu, từ kiến thức trong các tác phẩm quý giá của những nhà khoa học người Pháp về vùng đất này và quan trọng nhất là từ ý kiến, nguyện vọng, mong muốn của chính cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên.
- Thứ tư, thường xuyên đánh giá sự tác động đối với văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên trong bối cảnh thực hiện chính sách. Các chính sách cần được giới hạn phạm vi tác động trong những lĩnh vực cụ thể (như về kinh tế, an ninh quốc phòng…), hạn chế ảnh hưởng đến văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của các dân tộc bản địa nơi đây.
- Thứ năm, nghiên cứu việc xây dựng tòa án phong tục hoặc những điểm dành riêng cho các dân tộc ít người trong các bộ luật.
- Thứ sáu, đề cao vai trò của Hội đồng già làng trong việc tạo lập và thực thi các chính sách bằng cách thể chế hóa vai trò này.
- Thứ bảy, tổ chức nghiên cứu toàn diện Tây Nguyên, xem xét khả năng mở ngành Tây Nguyên học trong trường đại học để góp phần tìm hướng đi cho chính sách.
Các dân tộc bản địa Tây Nguyên đã sống tự do với đại ngàn từ ngàn đời. Sự thông hiểu này, nếu được biểu hiện trong chính sách với Tây Nguyên - để đảm bảo tính tự trị tương đối cho cộng đồng các dân tộc bản địa nơi đây - chắc hẳn sẽ tạo ra những năm tháng yên bình cho cao nguyên, đồng thời với đó là một nền văn hóa bản địa đặc sắc của cả thế giới cần được gìn giữ. Để Tây Nguyên mãi là một phần máu thịt của Việt Nam thống nhất, mặc cho những biến đổi của thời cuộc./. 

[1] Xem: Henri Maitre,Les Jungles Moi/Rừng người Thượng, bản dịch của Lưu Đình Tân, Nxb Tri thức 2008, tr.196-197 dẫn từ Tiễu phủ sứ,Phủ Man Tạp lục, Revue indochinoise 1904, số ngày 15-4, 15-5, 31-5, 15-6 
[2] Xem: Nguyên Ngọc,Phát triển bền vững ở Tây Nguyên, đăng trong Khai thác bô xít và phát triển bền vững ở Tây Nguyễn, Nxb. Tri thức 2010 
[3] Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn,Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, quyển XXVIII, tr.645 
[4] Xem: Henri Maitre,Les Jungles Moi/Rừng người Thượng,bản dịch của Lưu Đình Tân,Nxb Tri thức 2008, tr.196-197 
[5] Xem:Cao Xuân Dục,Quốc triều chính biên toát yếu, bản dịch của Quốc sử quán triều Nguyễn,Nxb....., quyển IV, tr.144 
[6] Xem:Nguyễn Phan Quang,Việt Nam thế kỷ 19(1802-1884),Nxb Thành phố Hồ Chí Minh 2002,tr.221 
[7] Xem:Cao Xuân Dục, Quốc triều chính biên toát yếu, bản dịch của Quốc sử quán triều Nguyễn, Nxb , quyển III, tr.64 
[8] Xem: Sđd, quyển III, tr.92 
[9] Xem:Nguyễn Tấn, Vũ Man tạp lục thư, Tài liệu lưu trữ ở Viện KHXH Thành phố Hồ Chí Minh
, dẫn lại theo Nguyễn Phan Quang, tr. 221. 
[10] Xem: Henri Maitre, Les Jungles Moi/Rừng người Thượng, bản dịch của Lưu Đình Tân, Nxb Tri thức 2008, tr.224 
[11] Xem: Cao Xuân Dục,Quốc triều chính biên toát yếu, bản dịch của Quốc sử quán triều Nguyễn, Nxb , quyển II, tr.33; Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, bản dịch Phạm Trọng Điềm, NXb Thuận Hoá 1992, tập     2, Quyển VIII – tỉnh Quảng Ngãi, trang 430 -431 
[12] Xem: Henri Maitre, Les Jungles Moi/Rừng người Thượng, bản dịch của Lưu Đình Tân, Nxb Tri thức 2008, tr.261  
[13] Xem: Nguyễn Văn Huy, Nhìn lại phong trào BAJARAKA,BBC Vietnamese online 2004

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 12 (197), tháng 6/2011)