Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã ở các tỉnh Tây Nguyên hiện nay

01/05/2011

ThS. ĐỖ VĂN DƯƠNG

Trường Chính trị Đăk Lăk

1. Đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tỉnh ở các tỉnh Tây Nguyên
            Thực hiện Quyết định số 253/QĐ-TTg, ngày 5/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Đề án "Một số giải pháp củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên" giai đoạn 2002-2010, những năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở Tây Nguyên[1] đã không ngừng trưởng thành cả về số lượng và chất lượng; kiến thức và năng lực thực tiễn được nâng lên, hầu hết có bản lĩnh chính trị, kiên định lập trường, quyết tâm thực hiện công cuộc đổi mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, có tâm huyết và hoài bão xây dựng và phát triển chính trị, kinh tế, văn hoá, du lịch, giáo dục và đào tạo ở Tây Nguyên. Về cơ bản, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của người cán bộ, công chức ở cơ sở vùng miền núi Tây Nguyên trong giai đoạn cách mạng mới.
            Đến nay, toàn vùng Tây Nguyên, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có 12.689 người (trong đó 7.530 cán bộ chuyên trách và 5.159 công chức); cán bộ không chuyên trách có 41.748 người (trong đó ở xã 9.775 người, ở thôn, buôn, tổ dân phố 31.973 người). Nhiệm kỳ 2004-2009 có 17.488 đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp xã; 2.420 thành viên Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã. Do đặc điểm vùng Tây Nguyên, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 33,5% dân số toàn vùng; có nhiều thôn, buôn, địa bàn rộng, dân cư phân tán, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, nên tỷ lệ cơ cấu cán bộ là người dân tộc thiểu số trong HĐND và UBND cấp xã đảm bảo tương đối hợp lý. Các tỉnh Tây Nguyên đã bảo đảm được tỷ lệ cơ cấu người dân tộc thiểu số trong HĐND cấp xã là 6576/17488, đạt tỷ lệ 37,60 %.
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn, đã qua đào tạo còn thấp và ít. Cán bộ có trình độ đại học mới chiếm 5,58%; cao đẳng, trung cấp 25,11%, sơ cấp 10,87%. Trình độ lý luận chính trị cao cấp chỉ chiếm 4,8%; trung cấp 31,74%; sơ cấp 14,14%.
Nhiệm kỳ 2004 – 2009, số cán bộ, công chức cấp xã ở Tây Nguyên có trình độ học vấn phổ thông cấp I chiếm 1,2%; cấp II chiếm 22,9%; cấp III chiếm 75,8%. So với nhiệm kỳ khóa trước (1999 -2004) thì cấp I giảm 18%, cấp II giảm 12% và cấp III tăng 21%. Nhìn chung, trình độ học vấn ở mỗi nhiệm kỳ có tăng lên nhưng chưa nhiều, nhất là các xã thuộc vùng 3, các xã đặc biệt khó khăn thì trình độ văn hóa của cán bộ, công chức còn rất thấp. Kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về kinh tế thị trường, về quản lý nhà nước, quản lý đô thị của một số đông cán bộ, công chức cấp xã chậm được đào tạo, bồi dưỡng mới và đào tạo lại.
Sự bất cập về trình độ học vấn và năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ cấp xã đã dẫn đến việc hạn chế trong tác nghiệp điều hành công việc. Đa số cán bộ hoàn thành nhiệm vụ theo chỉ thị, yêu cầu của cấp trên, còn khả năng tiếp nhận, xử lý thông tin cũng như giải quyết các công việc cụ thể hàng ngày như giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm hành chính, hoà giải tranh chấp dân sự… còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công việc và đòi hỏi của nhân dân. Ví dụ, có Chủ tịch UBND xã ra quyết định cưỡng chế hành chính, bắt và tạm giam người trái pháp luật; có trường hợp vi phạm pháp luật hình sự lại giải quyết hoà giải dân sự v.v.. Những việc này đã làm giảm uy tín và hiệu lực quản lý nhà nước ở địa phương.
Cơ cấu cán bộ cấp xã còn có sự bất hợp lý, phân bổ không đồng đều về tỉ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số, một số dân tộc chưa có cán bộ là người của dân tộc mình, một số cán bộ dân tộc từ nơi khác chuyển đến chưa được chú ý đào tạo. Cán bộ là nữ hoạt động trong lĩnh vực xã hội tuy tăng so với nhiệm kỳ trước, song vẫn chiếm tỷ lệ thấp đối với một số vị trí chủ chốt. Điều này cho thấy vai trò của phụ nữ trong công tác cán bộ vẫn còn chưa được nhận thức đầy đủ, đặc biệt là các vùng khó khăn, vùng căn cứ cách mạng, vùng dân tộc thiểu số.
Do vậy, để phát triển kinh tế, bảo đảm ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng Tây Nguyên, ngoài các chính sách về kinh tế, cần phải củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vững mạnh, đủ về số lượng, có phẩm chất năng lực quản lý điều hành, giải quyết tại chỗ những vấn đề nảy sinh. Trong đó đặc biệt chú trong đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức.
2. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã ở Tây Nguyên
Qua thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm, đến nay công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở các tỉnh Tây Nguyên về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ đã có những chuyển biến tích cực. Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, trong năm 2009 các tỉnh Tây Nguyên đã đào tạo cho 9.864 lượt người; bồi dưỡng kiến thức về tiếng dân tộc thiểu số, kiến thức dân tộc, tôn giáo, pháp luật, an ninh quốc phòng cho 112.130 lượt người.  Mở hàng trăm lớp, trong đó có lớp đào tạo dài hạn, bồi dưỡng ngắn hạn dưới hình thức học tập trung và tại chức cho hàng nghìn cán bộ xã, phường, thị trấn, thôn, buôn. Riêng tỉnh Đắk Lắk từ năm 2006 đến 2010, tại Trường Chính trị tỉnh đã đào tạo 64 lớp, trong đó có 45 lớp trung cấp lý luận chính trị, với 1.832 học viên; tiến hành bồi dưỡng 5391 học viên với 43 lớp, trong đó có 13 lớp nghiệp vụ công tác Đảng với 1.434 học viên; 13 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước với 1.366 học viên; 17 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đoàn thể Mặt trận, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ với 2591 học viên. Năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2010, các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã mở 142 lớp đào tạo - bồi dưỡng chính trị cho 11.184 cán bộ cấp xã và thôn, buôn, trong đó 32 lớp đối tượng kết nạp Đảng với 2.061 học viên, 25 lớp đảng viên mới với 1.500 học viên, 28 lớp bồi dưỡng công tác cho bí thư và cấp uỷ cơ sở với 1708 học viên, 49 lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã với 3.227 học viên, 15 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng với 987 học viên, 6 lớp bồi dưỡng công tác báo cáo viên cơ sở với 312 học viên, 24 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, 23 lớp bồi dưỡng kiến thức tôn giáo, 62 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho các đoàn thể, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác phát động quần chúng v.v..
Công tác đào tạo - bồi dưỡng cho đối tượng cán bộ cấp xã còn được tiến hành thường xuyên, liên tục, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức. Cùng với việc đào tạo - bồi dưỡng, cán bộ cấp xã được học tập nghiên cứu kịp thời các nghị quyết, chủ trương của Đảng. Các lớp học nghị quyết từ tỉnh đến xã đều được các cấp uỷ chuẩn bị chu đáo, có chương trình hành động. Đại bộ phận cán bộ, đảng viên có ý thức trách nhiệm trong việc học tập, tiếp thu nghị quyết. Nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo các cấp có bước chuyển biến mới trong việc tổ chức và triển khai thực hiện nghị quyết, đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống có hiệu quả.
 Thực tiễn cho thấy, phần lớn cán bộ, công chức cấp xã ở các tỉnh Tây Nguyên sau khi được đào tạo, đã có nhận thức chính trị vững vàng hơn, hiệu quả công tác được nâng lên rất rõ, biết vận dụng các kiến thức đã học vào nhiệm vụ được phân công, vào lĩnh vực mình đang công tác, do đó năng lực giải quyết công việc độc lập được nâng lên. Bộ phận cán bộ, công chức được đề bạt, bổ nhiệm hầu hết phát huy tốt chức trách của mình trên cương vị mới.
Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập:
 Thứ nhất, một số cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương chưa quán triệt sâu sắc về quan điểm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở; chưa thấy hết tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa chiến lược lâu dài của công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức này. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn thấp so với yêu cầu chung. Chẳng hạn, theo thống kê, tỉnh Đắk Lắk vẫn còn 1.956 người chưa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Trong công tác quản lý nhà nước vẫn còn nhiều cán bộ công chức chưa qua đào tạo. Về chất lượng công tác, vẫn có trên 34,6% đạt loại khá, 56% đạt loại trung bình và 9,4% đạt yếu.
Thứ hai, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã chưa được tiến hành đồng bộ giữa số lượng, chất lượng và cơ cấu. Các nhóm đối tượng cán bộ, công chức ở mặt này hoặc mặt khác còn chưa đạt các tiêu chuẩn theo quy định, đặc biệt đội ngũ cán bộ cơ sở, ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập. Trình độ học vấn còn thấp, khó đạt tiêu chuẩn quy định đầu vào để đào tạo trung cấp; sự tiếp thu kiến thức trong quá trình học tập và vận dụng kiến thức vào thực tiễn còn hạn chế; chưa có kế hoạch cụ thể để thực hiện tốt quá trình chuyển đổi các thế hệ cán bộ cấp xã.
Thứ ba, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn thiếu cân đối giữa việc trang bị trình độ lý luận chính trị với kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ; một số lĩnh vực chưa sâu, còn nhiều lý thuyết, ít kiến thức thực tiễn; chưa quan tâm nhiều đến đào tạo kiến thức quản lý chuyên ngành, lĩnh vực; việc mở các lớp bồi dưỡng theo chuyên đề có phần hạn chế.
Thứ tư, chất lượng đào tạo (nhất là hệ tại chức) chưa cao; một số cán bộ, công chức cấp xã đang chạy theo bằng cấp. Việc đào tạo lại đội ngũ cán bộ cấp cơ sở chưa được thực sự đồng bộ về mọi mặt, mới chỉ đào tạo về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ mà chưa chú ý bồi dưỡng về kỹ năng quản lý điều hành, tổ chức thực hiện; phương thức đào tạo chưa đa dạng hoá.
Thứ năm, đào tạo với quy hoạch và sử dụng chưa ăn khớp với nhau, đào tạo, bồi dưỡng chưa thực sự đồng bộ với yêu cầu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao trình độ quản lý, lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Việc tuyển sinh qua nhiều năm chưa có nhiều đổi mới, chỉ tiến hành cử tuyển một cách dàn đều, phân bổ trên đầu đơn vị; do đó các lớp học chưa phản ánh cơ cấu thành phần và chất lượng cần lựa chọn theo yêu cầu cơ sở và tiêu chuẩn mà Trung ương đã quy định. Trong quy hoạch cán bộ cơ sở, mới chỉ dừng lại ở các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt mà chưa chú ý đến các chức danh khác và đội ngũ làm công tác chuyên môn.
3. Kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp xã ở Tây Nguyên hiện nay
            Một là, đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND cấp xã. Đào tạo, bồi dưỡng trang bị kiến thức tin học cho các đối tượng cán bộ chuyên trách ở cơ sở, ưu tiên đối tượng là Chủ tịch UBND cấp xã. Đào tạo tiếng dân tộc cho cán bộ chuyên trách cấp xã công tác tại vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Bổ túc văn hoá đối với những cán bộ chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, trung học cơ sở.
Hai là, đa dạng hoá các loại hình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng theo chức danh; khuyến khích cán bộ tự học, tự đào tạo để nâng cao trình độ. Đào tạo cán bộ phải căn cứ vào quy hoạch, tiêu chuẩn chức danh và nhu cầu bố trí, sử dụng cán bộ cơ sở để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo về học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý hành chính nhà nước, lý luận chính trị... Đối với số cán bộ trẻ có triển vọng, lớp cán bộ tạo nguồn cần phải đào tạo cơ bản, toàn diện để có kiến thức cơ bản, có năng lực thực tiễn và có kỹ năng thực hành nhất định để đáp ứng yêu cầu về lâu dài. Tổ chức các lớp đào tạo riêng cho cán bộ là người dân tộc thiểu số, với nội dung, chương trình phù hợp. Khi mở các lớp đào tạo cần chú ý đến tỷ lệ thích hợp cán bộ nữ.
            Ba là, Trường Chính trị các tỉnh và Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong việc tuyển sinh đúng đối tượng, tích cực đào tạo cán bộ đang đương chức và cán bộ trong quy hoạch. Nâng cao chất lượng đào tạo và đánh giá, sử dụng cán bộ sau đào tạo.
Bốn là, tăng cường kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở trong những năm tới, có chế độ ưu tiên đãi ngộ đặc biệt dành riêng cho cán bộ dân tộc thiểu số đi học, đặc biệt ưu tiên cho việc đào tạo cán bộ nguồn, cán bộ vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, nhằm động viên họ yên tâm học tập để nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo và quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới
Năm là, có chính sách, cơ chế cụ thể, đồng bộ trong việc tạo nguồn cán bộ cơ sở tại chỗ và thu hút cán bộ trẻ (sinh viên, học sinh và thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự) về công tác ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.  
Đồng thời, cần giải quyết thỏa đáng chính sách, chế độ đối với cán bộ cấp tỉnh, huyện được tăng cường về cơ sở, kể cả chế độ phụ cấp, khen thưởng, đề bạt, đào tạo bồi dưỡng... Quan tâm đến số cán bộ người dân tộc trưởng thành từ cơ sở và học sinh, sinh viên con em đồng bào dân tộc tốt nghiệp các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, sắp xếp bố trí tỷ lệ thỏa đáng cán bộ là người các dân tộc bản địa.
Sáu là,thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực và trình độ cho đội ngũ giảng viên về chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước và công tác dân tộc. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút, tạo nguồn giảng viên nhằm khắc phục sự thiếu hụt lực lượng cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nhất là trung tâm bồi dưỡng chính trị ở các huyện vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.
Bảy là, tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã. Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh điều chỉnh, bổ sung giáo trình trung cấp chính trị - hành chính kịp thời, đồng bộ, thống nhất trong cả nước. Trường Chính trị tỉnh biên soạn thêm phần xử lý các tình huống cụ thể để cung cấp kiến thức, phương pháp luận  và kỹ năng cho học viên là người học./.
 

 


[1]Tây Nguyên, gồm 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 10(195), tháng 5/2011)