Chế định pháp luật về Hội thẩm ở Việt Nam - Thực trạng và một số kiến nghị hoàn thiện

06/06/2024

ThS. HOÀNG MINH SƠN

Tòa án nhân dân tối cao.

Tóm tắt: Chế định pháp luật về Hội thẩm được Hiến pháp năm 2013 quy định và được cụ thể hóa ở nhiều đạo luật về tố tụng và các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, nhằm không ngừng hoàn thiện cơ chế Hội thẩm tham gia xét xử; thể hiện bản chất dân chủ, pháp quyền của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nhân dân tham gia thực hiện quyền tư pháp. Trong bài viết này, tác giả đánh giá thực trạng chế định pháp luật về Hội thẩm và đề xuất một số kiến nghị tiếp tục hoàn thiện cũng như góp ý trực tiếp đối với Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) về vấn đề này.
Từ khóa: Hội thẩm, Hội thẩm xét xử, xét xử có Hội thẩm tham gia.
Abstract: The provisions on the Jurors are stipulated by the Constitution of 2013 and also specified in several procedural laws and various legal documents, in order to continuously improve the legal mechanism of the Jurors in trials; which demonstrates the democratic nature and rule of law of the socialist State, and ensures the people's participation in exercising judicial rights. Within this article, the author provides an assessment of the current state of legal regulations on the Jurors and a number of recommendations as well as direct comments are also proposed for further improvements to the Draft Law on Organization of the People's Courts (amended).
Keywords: Jurors, trial Jurors, trials with Jurors participation.
 Trial-Lawyer-Criminal-Defense-Indiana--1-_2.jpg
 Ảnh minh họa: Nguồn internet
Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam, Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Hoạt động xét xử (HĐXX) của Tòa án có sự tham gia của Hội thẩm thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ. Trong bối cảnh cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chế định pháp luật về Hội thẩm là nhiệm vụ cấp thiết. Nhìn chung, chế định pháp luật về Hội thẩm có những quy định về tiêu chuẩn, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm; sự tham gia của Hội thẩm và bảo đảm sự độc lập của Hội thẩm khi xét xử; chế độ chính sách, tổ chức, quản lý Hội thẩm... tạo cơ sở pháp lý cho Hội thẩm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Có thể hiểu, chế định pháp luật về Hội thẩm là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong HĐXX của Tòa án có sự tham gia của Hội thẩm, nhằm bảo đảm nhân dân tham gia thực hiện quyền lực nhà nước, được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục và hình thức nhất định.
1. Thực trạng chế định pháp luật về Hội thẩm ở Việt Nam hiện nay
1.1. Những kết quả đạt được
Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về HĐXX của Tòa án có Hội thẩm tham gia, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân (TAND) có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn” (Điều 103). Cụ thể hóa các quy định nêu trên của Hiến pháp, Luật Tổ chức TAND năm 2014 tại các Điều 8, 9 và 10 quy định chế độ xét xử có Hội thẩm nhân dân (HTND) tham gia, Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, TAND xét xử tập thể và quyết định theo đa số. Chương VIII của Luật này gồm 8 điều, từ Điều 84 đến Điều 91, quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn trách nhiệm của Hội thẩm; tiêu chuẩn Hội thẩm; thủ tục bầu, cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm, nhiệm kỳ của Hội thẩm; chế độ, chính sách đối với Hội thẩm; điều kiện miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm; Đoàn Hội thẩm, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang đối với Hội thẩm. Có thể khẳng định,Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã có những bổ sung quan trọng nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của chế định pháp luật về Hội thẩm trước đây.
Bên cạnh đó, pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính ở Việt Nam đều ghi nhận nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử có HTND tham gia và Hội thẩm được xác định là một trong những người tiến hành tố tụng. Do vậy, khi được phân công giải quyết vụ án, Hội thẩm có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa; tham gia xét xử các vụ án theo thủ tục sơ thẩm và tiến hành các hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử. Khi tham gia xét xử, Hội thẩm còn có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế; bảo vệ chế độ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể; bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân[1]. Về số lượng Hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử, pháp luật quy định Hội thẩm có địa vị pháp lý và vai trò rất quan trọng. Cụ thể, khi tham gia xét xử ở cấp sơ thẩm, Hội thẩm chiếm đa số trong Hội đồng xét xử (3 Hội thẩm/2 Thẩm phán hoặc 5 Hội thẩm/3 Thẩm phán) và Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán khi ra các phán quyết về vụ án. Mặc dù là người xét xử có tính chất chuyên nghiệp, Thẩm phán cũng chỉ có quyền bảo lưu ý kiến của mình và đề nghị Tòa án cấp trên xem xét.
Nhận thức rõ địa vị pháp lý, vai trò quan trọng của Hội thẩm trong công tác Tòa án, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác Hội thẩm... Nhìn chung, chế định pháp luật về Hội thẩm ở Việt Nam được ghi nhận ở nhiều VBQPPL từ Hiến pháp đến các văn bản dưới luật, từng bước thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ, phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp, không ngừng nâng cao chất lượng HĐXX của Hội thẩm, góp phần bảo đảm chất lượng xét xử của Tòa án.
1.2. Một số bất cập, hạn chế và nguyên nhân
Thứ nhất,một số quy định pháp luật về tiêu chuẩn Hội thẩm tham gia HĐXX chưa đầy đủ, đồng bộ và bảo đảm tính toàn diện
Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định về tiêu chuẩn Hội thẩm (Điều 85) nhưng không giới hạn độ tuổi của Hội thẩm. Tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia về vấn đề này cho thấy pháp luật nước ngoài đều có quy định độ tuổi được làm Hội thẩm. Ví dụ, tại khoản 2 Điều 5 Luật HTND năm 2018 của Trung Quốc quy định công dân làm HTND phải “Đủ 28 tuổi trở lên”[2]. Hay Điều 16, Điều 20 Luật về công dân tham gia phiên tòa hình sự của Hàn Quốc hiện hành quy định: “Bồi thẩm phải được chọn trong công dân Hàn Quốc từ 20 tuổi trở lên” và miễn trách nhiệm Bồi thẩm theo quyền tự quyết của Tòa án hoặc theo yêu cầu của người đó khi “trên 70 tuổi”[3]; hoặc Điều 13 Luật về phiên tòa hình sự của Nhật Bản quy định: “Hội thẩm được chỉ định từ những người có quyền bầu Hạ nghị sỹ theo quy định của mục này” (hiện nay là 18 tuổi)[4]. Bên cạnh đó, quy định tiêu chuẩn về chuyên môn của Hội thẩm chỉ cần có “kiến thức pháp luật” của Việt Nam chưa thật sự phù hợp, vì thực tiễn HĐXX của Tòa án đang đặt ra yêu cầu đòi hỏi Hội thẩm không chỉ có kiến thức pháp luật mà phải là người có uy tín trong nhân dân, có ý chí đấu tranh kiên quyết, phải có trình độ chuyên môn vững về nghiệp vụ xét xử. Do vậy, cần nghiên cứu để quy định cụ thể hơn tiêu chuẩn đối với Hội thẩm cho phù hợp với thực tiễn xét xử.
Thứ hai, một số quy định pháp luật về bầu, cử, quy trình lựa chọn Hội thẩm tham gia phiên tòa, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm chưa thực sự hợp lý, chưa phù hợp với thực tiễn
Một số quy định pháp luật về địa vị của Hội thẩm có nhiều vướng mắc, quy trình lựa chọn Hội thẩm còn mang nặng tính cơ cấu. Điều này làm giảm sự độc lập của Hội thẩm, không đảm bảo được tính khách quan trong HĐXX. Pháp luật thiếu quy định về việc nhậm chức và tuyên thệ của Hội thẩm. Vì vậy, khi Hội thẩm được bầu, cử, việc trao quyết định bầu, cử đối với Hội thẩm chưa thể hiện sự long trọng và tôn vinh nghề nghiệp cũng như đề cao trách nhiệm của Hội thẩm. Pháp luật còn thiếu quy định về phạm vi, những vấn đề mà Thẩm phán cần giải thích với Hội thẩm trước khi mở phiên tòa. Bên cạnh đó, pháp luật còn thiếu những quy định về trách nhiệm pháp lý của Hội thẩm đối với những bản án mà Hội thẩm tham gia xét xử bị Tòa án cấp trên hủy, sửa. Ngoài ra, pháp luật chưa quy định các biện pháp bảo vệ Hội thẩm và thân nhân của họ trong những trường hợp cần thiết để Hội thẩm yên tâm thực hiện nhiệm vụ xét xử và “có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế XHCN, kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của công dân”[5].
Thứ ba, một số quy định pháp luật về nguyên tắc bảo đảm Hội thẩm tham gia HĐXX chưa đồng bộ, thống nhất và còn mâu thuẫn
Pháp luật quy định Hội thẩm chiếm đa số trong thành phần Hội đồng xét xử nhưng không đặt ra tiêu chuẩn bắt buộc Hội thẩm phải được đào tạo bài bản về kiến thức pháp luật, trang bị kỹ năng, nghiệp vụ xét xử, kỹ năng tranh tụng và không bắt buộc phải có thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án như Thẩm phán. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng quy định khi tham gia Hội đồng xét xử, quyết định về vụ án Hội thẩm độc lập và ngang quyền với thẩm phán. Trong Hội đồng xét xử, Hội thẩm nhiều hơn Thẩm phán, Hội đồng xét xử biểu quyết về vụ án theo đa số. Như vậy, trong khi Thẩm phán phải có trình độ từ cử nhân luật trở lên, được đào tạo nghiệp vụ xét xử, có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật thì Hội thẩm chỉ có “kiến thức pháp luật” được quy định tại Điều 85 của Luật Tổ chức TAND năm 2014 như đã nêu trên đây. Điều đó có nghĩa là pháp luật đang đặt ra yêu cầu cao hơn và nghiêm ngặt hơn về tiêu chuẩn, trình độ của Thẩm phán so với Hội thẩm. Thực tiễn xét xử cho thấy, Thẩm phán là người phải chịu trách nhiệm chính trong suốt quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cũng như trong việc ra bản án, quyết định nhưng lại chiếm thiểu số trong Hội đồng xét xử. Trong khi đó, Hội thẩm “gánh trên vai” trách nhiệm xét xử hơn cả Thẩm phán vì khi xét xử sơ thẩm, Hội thẩm biểu quyết các vấn đề như Thẩm phán với nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số thì Hội thẩm “không được đào tạo luật học, lại có quyền biểu quyết bình đẳng hoàn toàn và chiếm đa số đối với Thẩm phán là điều phi logic và đa phần là hình thức”[6].
Pháp luật quy định HTND thực hiện nhiệm vụ xét xử sơ thẩm những vụ án thuộc thẩm quyền của TAND theo phân công của Chánh án Tòa án nơi được bầu làm Hội thẩm. Hội thẩm tham gia xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, dân sự, hành chính được quy định tại Điều 456 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2022), Điều 246 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Khác với Việt Nam, pháp luật một số quốc gia không quy định xét xử sơ thẩm đều có Hội thẩm tham gia. Chẳng hạn, Cộng hòa Liên bang Đức quy định: những vụ án có sự tham gia của Hội thẩm là những vụ cần sự góp mặt của Hội thẩm để giúp vụ án được xét xử công bằng và toàn diện hơn. Ví dụ: Tội gián điệp được xét xử sơ thẩm ở Toà án tối cao thì không cần có Hội thẩm, những vụ án đơn giản, mức hình phạt từ 02 năm tù trở xuống ở các Toà sơ cấp cũng không cần có Hội thẩm tham gia”[7]. Ngay cả Trung Quốc, nước theo mô hình HTND, quy định không phải tất cả các phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính đều có HTND tham gia mà chỉ những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được đông đảo quần chúng quan tâm, vụ án liên quan đến lợi ích tập thể, lợi ích công cộng mới có HTND tham gia[8].
Có quan điểm cho rằng, việc quy định về số lượng Hội thẩm trong Hội đồng xét xử nhiều hơn Thẩm phán như hiện nay là hợp lý, vì như vậy mới đảm bảo huy động rộng rãi ý kiến của nhân dân trong các lĩnh vực, địa bàn đối với công tác xét xử của Tòa án[9]. Theo tác giả, một mặt, cần quy định tiêu chí cụ thể, đầy đủ theo hướng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động tố tụng đối với Hội thẩm; mặt khác, cần đổi mới cơ cấu, thành phần Hội thẩm trong Hội đồng xét xử theo hướng giảm số lượng Hội thẩm tham gia, tăng số lượng Thẩm phán. Việc cơ cấu lại thành phần Hội đồng xét xử theo hướng nêu trên vừa bảo đảm nâng cao tính chuyên môn, vừa bảo đảm tính đại diện cho nhân dân trong công tác xét xử.
Thứ tư, nhóm quy định pháp luật về chế độ chính sách đối với Hội thẩm chậm đổi mới và chưa thật sự phù hợp với yêu cầu và những cống hiến của họ
Điều 88 Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định về phụ cấp xét xử cho Hội thẩm và giao UBTVQH quy định chi tiết, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về mức chi. Thực tiễn hiện nay, Hội thẩm được bồi dưỡng mức 90.000 đồng/01 ngày thực tế tham gia phiên tòa, phiên họp, kể cả ngày làm việc nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án các cấp theo Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự. Như vậy, mức chi cho Hội thẩm rất thấp và không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Điều đó không khuyến khích, động viên Hội thẩm tham gia thực hiện nhiệm vụ xét xử. Trong khi đó, thực tiễn cũng chưa có cơ chế hữu hiệu để lựa chọn được Hội thẩm phù hợp với tính chất đặc thù riêng của từng vụ án, để hỗ trợ Thẩm phán trong quá trình xét xử và ra phán quyết cuối cùng bảo đảm khách quan, công bằng và đúng pháp luật.
Thứ năm, một số quy định pháp luật về tổ chức, quản lý và chế độ trách nhiệm của Hội thẩm trong HĐXX chưa phù hợp, chưa đồng bộ, đầy đủ
Cơ chế quản lý, điều hành hoạt động, thực hiện nhiệm vụ của HTND cũng chưa cụ thể, rõ ràng. Cách thức làm việc, sự phối hợp giữa Chánh án TAND và Trưởng, Phó Trưởng đoàn Hội thẩm cùng cấp chưa được quy định và thực hiện đầy đủ, rõ ràng. Quy định về tiêu chuẩn của Lãnh đạo Đoàn HTND chưa đầy đủ. Sự phân định trách nhiệm và quan hệ làm việc, phối hợp giữa Thẩm phán và các Đoàn HTND cũng chưa được quy định và thực tế còn nhiều vướng mắc, lúng túng. Trên thực tế, một số Đoàn Hội thẩm chưa thật sự đóng vai trò cầu nối giữa Hội thẩm với Tòa án[10]. Mặc dù các địa phương có thành lập Đoàn Hội thẩm, nhưng chỉ mang tính chất tự nguyện để các Hội thẩm nhóm họp, trao đổi các vấn đề về công tác. Trong khi đó, Tòa án chỉ quản lý Hội thẩm trong thời gian họ nghiên cứu hồ sơ và tham gia xét xử.
Pháp luật quy định về trách nhiệm của Hội thẩm còn mờ nhạt, nghĩa là pháp luật có quy định nghĩa vụ của Hội thẩm nhưng không quy định chế tài tương ứng. Hội thẩm hoạt động kiêm nhiệm nên không phải chịu trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hành chính. Việc không phải chịu trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hành chính đối với những bản án bị Tòa phúc thẩm huỷ án hoặc sửa án khi mà Hội thẩm biểu quyết ngang quyền với Thẩm phán đang đặt ra những bất cập. Do vậy, trong nhiều trường hợp tinh thần trách nhiệm của HTND chưa được phát huy một cách tối đa[11].
Thứ sáu, về mặt hình thức và kỹ thuật lập pháp, chế định pháp luật về Hội thẩm còn tản mạn tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, một số quy định còn chưa phù hợp với thực tiễn
Việc quy định chế định Hội thẩm tại một chương riêng trong Luật Tổ chức TAND năm 2014 (chương VIII) có thể dẫn tới cách hiểu Hội thẩm như là một chức danh tư pháp thuộc cơ cấu nhân sự của Tòa án và do Tòa án quản lý. Cách ghi nhận này không đúng với bản chất của chế định Hội thẩm. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về Hội thẩm hiện nay đang nằm tản mạn trong nhiều VBQPPL thuộc các lĩnh vực điều chỉnh khác nhau mà chưa được pháp điển hóa thống nhất trong một đạo luật riêng nên gây khó khăn cho thực tiễn áp dụng pháp luật. Hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn tổ chức thi hành chế định pháp luật về Hội thẩm chưa thực sự được quan tâm thỏa đáng. Do vậy, pháp luật hiện hành vẫn “chưa làm rõ được vị trí, vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội thẩm trong HĐXX. Mô hình đại diện nhân dân tham gia HĐXX của Tòa án là nhằm đảm bảo tính dân chủ, đảm bảo sự công bằng và lẽ phải trong HĐXX, chứ không phải là để hỗ trợ cho Tòa án xét xử. Quan điểm này chưa được thể hiện rõ trong các quy định của pháp luật”[12].
Nguyên nhân của những hạn chế: xây dựng và hoàn thiện mô hình nhân dân tham gia xét xử bằng Hội thẩm trong Nhà nước pháp quyền XHCN là nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải có nhận thức đầy đủ và có bước đi phù hợp. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện chế định pháp luật về Hội thẩm phải đặt trong tổng thể thống nhất, đồng bộ, hài hòa với hệ thống pháp luật nói chung. Tuy nhiên, trong điều kiện cải cách tư pháp, sắp xếp, kiện toàn hệ thống Tòa án có nhiều vấn đề mới phát sinh nhưng chưa được giải quyết kịp thời có tác động đến nhiệm vụ hoàn thiện chế định pháp luật này. Ngoài ra, do chưa có sự thống nhất, đồng thuận trong nhận thức về yêu cầu xây dựng, hoàn thiện pháp luật nên chế định pháp luật về Hội thẩm chậm được nghiên cứu, tổng kết, đánh giá để có đề xuất kịp thời trong xây dựng pháp luật.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện chế định pháp luật về Hội thẩm
Có thể khẳng định, sự tham gia của nhân dân vào HĐXX của Tòa án bằng Hội thẩm là biểu hiện của một nền tư pháp dân chủ, tiến bộ. Để góp phần nâng cao chất lượng HĐXX của Hội thẩm trong bối cảnh tranh chấp pháp lý, tội phạm tăng về số lượng và tính chất ngày càng phức tạp thì nhiệm vụ hoàn thiện chế định pháp luật về Hội thẩm cần được ưu tiên theo các định hướng sau:
-       Về tiêu chuẩn chung đối với Hội thẩm, không chỉ quy định tiêu chuẩn khung “có kiến thức pháp luật” mà phải bổ sung quy định tiêu chuẩn “có kiến thức chuyên môn về một số lĩnh vực chuyên sâu” và bảo đảm một tỷ lệ nhất định Hội thẩm đáp ứng yêu cầu về chuyên môn trong việc xét xử một số vụ án “đặc thù” theo lĩnh vực tương ứng. Bên cạnh đó, bỏ quy định về sự phân công án của Chánh án cho Hội thẩm theo hình thức chỉ định như hiện nay. Thay vào đó bổ sung quy định về phân công án cho Hội thẩm theo hình thức ngẫu nhiên như Thẩm phán, bảo đảm sự công bằng, khách quan, hạn chế sự can thiệp của Chánh án vào hoạt động của Hội thẩm. Quy định cụ thể những trường hợp không được làm Hội thẩm. Thông thường, độ tuổi tối thiểu để có trình độ đại học (23 tuổi) và có khoảng thời gian nhất định trải nghiệm kinh nghiệm cuộc sống (một nhiệm kỳ là 05 năm). Mặt khác, độ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện nay là 60 đối với nữ và 62 đối với nam. Phần lớn Hội thẩm hiện nay là cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng hưu trí, được tín nhiệm có thể tham gia làm Hội thẩm. Do vậy, tác giả đồng ý với điểm b khoản 1 Điều 122 của Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)[13](sau đây gọi tắt là Dự thảo) quy định độ tuổi tối thiểu để trở thành Hội thẩm và độ tuổi nên là “từ đủ 28 tuổi đến 70 tuổi”.
-       Về tiêu chuẩn có kiến thức chuyên môn đối với Hội thẩm: Trên thực tế có những vụ án hành chính hay vụ án về các lĩnh vực chuyên biệt như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, tài nguyên, môi trường, xây dựng... yêu cầu Hội thẩm có kiến thức, trình độ chuyên môn, am hiểu và kinh nghiệm công tác về lĩnh vực tương ứng. Bên cạnh đó, đối với các vụ án liên quan đến người chưa thành niên cũng cần có những Hội thẩm có kinh nghiệm, hiểu biết về người chưa thành niên, về những đặc điểm tâm sinh lý của họ để góp phần đưa ra những phán quyết đúng đắn, phù hợp. Do đó, cần quy định cụ thể, chi tiết các tiêu chuẩn đối với Hội thẩm tham gia các phiên tòa chuyên biệt. Vì vậy, điểm b khoản 2 Điều 122 của Dự thảo[14] cần bổ sung: b) Có kiến thức chuyên môn, am hiểu và có kinh nghiệm công tác trong các lĩnh vực đặc thù để tham gia xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của TAND sơ thẩm chuyên biệt.
-       Về những người không được làm Hội thẩm: cần quy định cụ thể hơn những trường hợp không được làm Hội thẩm. Ở nhiều nước, tiểu chuẩn về Hội thẩm hay Bồi thẩm đoàn quy định chi tiết những người không được tham gia. Ví dụ, Điều 6 Luật HTND của Trung Quốc quy định khá chặt chẽ 03 nhóm đối tượng không được làm HTND. Luật về công dân tham gia phiên tòa hình sự của Hàn Quốc quy định 06 trường hợp không đủ điều kiện làm Bồi thẩm. Tương tự, Luật về phiên tòa hình sự của Nhật Bản cũng quy định chi tiết 03 trường hợp không được chỉ định làm Hội thẩm bao gồm 03 trường hợp[15]. Hiện nay, Dự thảo quy định 05 trường hợp không được làm Hội thẩm[16] là phù hợp. Tuy nhiên, tham khảo kinh nghiệm của một số nước và để đảm bảo chất lượng Hội thẩm, cần cân nhắc bổ sung vào Điều 123 của Dự thảo các đối tượng không được làm Hội thẩm, gồm: Trọng tài viên, Hòa giải viên cơ sở, Hòa giải viên thương mại, Hòa giải viên tại Tòa án, người bị hạn chế quyền theo bản án, quyết định của Tòa án; người chưa hoàn thành giáo dục phổ thông theo Luật Giáo dục.
-       Đổi mới quy trình bầu, cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm: Cần khắc phục tính hình thức trong việc bầu Hội thẩm như hiện nay ở một số nơi. Hội đồng nhân dân (HĐND) phải có được đầy đủ thông tin, hồ sơ lý lịch của người được giới thiệu, ý kiến nhận xét của nhân dân đối với người được giới thiệu để việc bầu Hội thẩm được chính xác. Cần phải coi Hội thẩm tham gia xét xử là một "kênh" quan trọng để giúp HĐND thực hiện công tác giám sát hoạt động của Tòa án. Do vậy, HĐND phải thực hiện quy trình lựa chọn HTND nghiêm túc và trách nhiệm. HĐND và Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp cần xây dựng quy chế phối hợp và thực hiện tốt hơn việc quản lý, giám sát Hội thẩm từ việc thực thi nhiệm vụ, giữ gìn phẩm chất đạo đức đến việc tạo điều kiện thuận lợi để họ được bố trí thời gian hợp lý tham gia công tác tại Tòa án, cũng như bảo đảm các biện pháp bảo vệ Hội thẩm và gia đình họ trong những trường hợp cần thiết.
-       Bổ sung, sửa đổi một số quy định pháp luật về nguyên tắc bảo đảm Hội thẩm tham gia HĐXX: Pháp luật mới chỉ quy định nguyên tắc về việc xét xử của Tòa án có Hội thẩm tham gia và địa vị pháp lý của Hội thẩm khi xét xử là ngang quyền với Thẩm phán. Có thể thấy, các quy định của pháp luật về địa vị của Hội thẩm còn nằm tản mạn ở nhiều VBQPPL, gây không ít khó khăn cho việc áp dụng. Do vậy, trước mắt, Dự thảo cần quy định rõ hơn địa vị pháp lý của Hội thẩm. Theo đó, Điều 122 Dự thảo trên cần quy định: “Hội thẩm phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này và được bầu, cử đại diện cho nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án theo quy định của pháp luật”. Theo lộ trình của Chiến lược cải cách tư pháp, TAND tối cao sớm nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Dự án Luật về Hội thẩm.
-       Về chế độ, chính sách của Hội thẩm. Tại khoản 2 Điều 68 Dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng[17] quy định: “Mức phụ cấp xét xử cho ngày thực tế tham gia phiên tòa, nghiên cứu hồ sơ của Hội thẩm bằng 0,5 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định” áp dụng cho Hội thẩm nói chung được nhiều sự ủng hộ. Tuy nhiên, đối với những người tham gia Hội thẩm đang là cán bộ, công chức, viên chức thì không nên quy định họ được hưởng phụ cấp xét xử, vì thời gian làm Hội thẩm họ vẫn được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Vì theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp thì sẽ bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Do vậy, cần nghiên cứu để có chế độ phù hợp đối với Hội thẩm là cán bộ, công chức, viên chức đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
-       Về tổ chức, quản lý và chế độ bảo vệ Hội thẩm:Theo quy định hiện hành, việc điều hành nhiệm vụ của Hội thẩm giao cho Chánh án Toà án nơi Hội thẩm được bầu. Điều này có thể nảy sinh các vấn đề chưa khách quan. Do vậy, TAND tối cao cần nghiên cứu để chuyển giao nhiệm vụ này cho Trưởng đoàn Hội thẩm. Đồng thời, quy định rõ mối quan hệ phối hợp giữa Chánh án với Trưởng đoàn Hội thẩm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ Hội thẩm. Ngoài ra, Dự thảo mới quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong việc xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm. Do vậy, cần bổ sung vào Điều 131 Dự thảo quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, tổ chức chủ quản đối với các Đoàn Hội thẩm thực hiện chế độ trao đổi thông tin thường xuyên với Tòa án, Đoàn Hội thẩm về tinh thần trách nhiệm cũng như chất lượng các vụ án mà Hội thẩm đã tham gia xét xử để làm cơ sở đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ xét xử của Hội thẩm.
Để bảo đảm sự đồng bộ với quy định về bảo vệ Thẩm phán tại Điều 102, Dự thảo cần bổ sung một điều độc lập quy định về bảo vệ Hội thẩm như sau:
1. Hội thẩm được bảo vệ khi tham gia xét xử tại Tòa án. Chế độ bảo vệ Hội thẩm do UBTVQH quy định theo đề nghị của Tòa án và các Đoàn Hội thẩm.
2.      Nghiêm cấm các hành vi:
a) Đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, uy tín, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của Hội thẩm; thân nhân của Hội thẩm;
b) Cản trở Hội thẩm thực hiện nhiệm vụ xét xử;
c) Gây ảnh hưởng đến tính độc lập, vô tư, khách quan của Hội thẩm khi thực hiện nhiệm vụ xét xử.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tôn trọng và tạo điều kiện để Hội thẩm thực hiện nhiệm vụ xét xử. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi quy định tại khoản 2 Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”./.



[1]Điều 6 Nghị quyết liên tịch số 05/2005/NQLT/TANDTC-BNV-UBTWMTTQVN ngày 5/12/2005 của TANDTC, Bộ Nội vụ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm TAND.
[2]Nguyễn Hòa Bình, Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp (Sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2022, Phụ lục 4. Luật Hội thẩm nhân dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (thông qua tại kỳ họp thứ 2 Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XIII ngày 27/4/2018), tr. 200.
[3]Nguyễn Hòa Bình, sđd, 2022, tr. 314, 316.
[4] Nguyễn Hòa Bình, sđd, 2022, tr. 314, 316.
[5Trương Hòa Bình, Một số vấn đề về chế định Hội thẩm nhân dân, nguồn: https://baochinhphu.vn/mot-so-van-de-ve-che-dinh-hoi-tham-nhan-dan-102134934.htm.
[6] Võ Trí Hảo, Cải cách tư pháp: Bồi thẩm đoàn hay vẫn là Hội thẩm nhân dân?, nguồn: https://thesaigontimes.vn/cai-cach-tu-phap-boi-tham-doan-hay-van-la-hoi-tham-nhan-dan/.
[7] Xem: Thái Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Quỳnh Trang (2021), Các mô hình người dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam, nguồn: https://danchuphapluat.vn/cac-mo-hinh-nguoi-dan-tham-gia-hoat-dong-xet-xu-cua-toa-an-tren-the-gioi-va-goi-mo-cho-viet-nam.
[8] Xem: Điều 15, Điều 16, Điều 17 Luật Hội thẩm nhân dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 2018. Nguồn: Nguyễn Hòa Bình, Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp (Sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 202-203.
[9] Lê Văn Sua, Chế định về Hội thẩm, vai trò của Hội thẩm khi tham gia xét xử - Một số kiến nghị hoàn thiện, nguồn: https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1862.
[10]Nguyễn Văn Pha, Một số vấn đề về đổi mới tổ chức, hoạt động của Hội thẩm nhân dân, nguồn: https://tapchitoaan.vn/mot-so-van-de-ve-doi-moi-to-chuc-hoat-dong-cua-hoi-tham-nhan-dan5595.html.
[11]Xem: Lê Văn Sua, Chế định về Hội thẩm, vai trò của Hội thẩm khi tham gia xét xử - Một số kiến nghị hoàn thiện, nguồn: https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1862.
[12] Trần Thị Thu Hằng, Địa vị pháp lý của Hội thẩm ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sỹ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2019, tr. 116.
[13] Nguồn: https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/portal/htvb/chi-tiet-vbdt?dDocName=TAND314001.
[14] Nguồn: https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/portal/htvb/chi-tiet-vbdt?dDocName=TAND314001.
[15] Nguyễn Hòa Bình, sđd, 2022, tr. 244 - tr. 248.
[16] Nguồn: https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/portal/htvb/chi-tiet-vbdt?dDocName=TAND314001.
[17] Xem: Dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng, https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/ShowProperty?nodeId=/UCMServer/TAND308779.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 9 (488), tháng 05/2024.)


Thống kê truy cập

33920824

Tổng truy cập