Đối tượng của quyền hưởng dụng: góc nhìn từ pháp luật dân sự Hoa Kỳ và kinh nghiệm cho Việt Nam

06/09/2023

THS. NGUYỄN THỊ HOÀNG DIỆP

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Cùng với việc vươn mình ra thế giới như Việt Nam hiện nay, nhu cầu học hỏi và tham khảo pháp luật nước ngoài nhằm tìm kiếm những giá trị phù hợp hướng đến việc hoàn thiện nội luật ngày càng trở nên cấp thiết. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích một số quy định của pháp luật Hoa Kỳ về đối tượng của quyền hưởng dụng, chắt lọc những kinh nghiệm phù hợp làm cơ sở cho những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam liên quan đến quyền hưởng dụng. Bên cạnh đó, việc xác định rõ đối tượng của quyền hưởng dụng sẽ mang lại những lợi ích hướng đến giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong chế định này.
Từ khóa: Quyền hưởng dụng, đối tượng quyền hưởng dụng.
Abstract: Along with international integration, inquiring about and referring the laws of foreign countries to seek out appropriate values for the improvement of domestic laws has become an imperative need in Vietnam. Within this article, the author focuses on an analysis of the legal provisions of the United States of America related to the subject of the usufruct right and catches some absorbable lessons learned to provide a number of recommendations for Vietnam to improve the legal regulations on usufruct. Besides, a thorough definition of the subject of the usufruct right will be helpful for dealing with particular existing obstacles in Vietnam.
Keywords: Usufruct rights; usufruct objects.
 QUYỀN-HƯỞNG-DỤNG.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Quyền hưởng dụng (QHD) là một chế định ra đời khi lý thuyết vật quyền xuất hiện lần đầu tiên trong luật La Mã. Hệ thống pháp luật dân sự ở các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều có cách tiếp cận khác nhau về chế định QHD. Từ thời La Mã cổ đại, phạm trù QHD đã được hình thành và được xem như một quyền năng có giá trị kinh tế, được nhìn nhận như một loại tài sản vô hình. Các nhà làm luật cho rằng, QHD là một vật quyền có thời hạn trên tài sản của người khác, cho phép một người không phải là chủ sở hữu tài sản được phép sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức sinh ra từ tài sản đó[1]. Khi QHD được xác lập trên một tài sản nào đó thì sẽ đồng nghĩa với việc người chủ sở hữu tài sản phải chuyển giao quyền sử dụng tài sản; quyền hưởng hoa lợi, lợi tức trên tài sản, và chỉ giữ lại quyền định đoạt tài sản cho chính mình.
Với việc trình bày, phân tích pháp luật Hoa Kỳ, cụ thể là Bộ Dân Luật Louisiana (Louisiana Civil Code) - một hình mẫu lập pháp hiện đại dựa trên tinh thần luật dân sự của Pháp và mang dáng dấp của Luật La Mã – tác giả mong muốn góp phần làm rõ hơn về khái niệm và đối tượng của QHD.
1. Sơ lược về quyền hưởng dụng trong hệ thống thông luật Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là quốc gia được hình thành trên nền tảng liên minh từ 13 khu vực thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ. Năm 1776, Hoa Kỳ tuyên bố độc lập, từ đó pháp luật Hoa Kỳ trở thành hệ thống pháp luật hoàn toàn độc lập mang màu sắc riêng biệt trên nền tảng Thông luật (Common law). Trong hệ thống pháp luật tại Hoa Kỳ, văn bản quy định về QHD chỉ được tìm thấy trong Bộ luật Dân sự (BLDS) của tiểu bang Louisiana, một tiểu bang vẫn duy trì truyền thống Dân luật trong khi 49 tiểu bang còn lại đều đã thừa nhận một hệ thống pháp luật chung nhất là Thông luật. Thuật ngữ “Usufruct” – “QHD” được dùng trong BLDS Louisiana không được sử dụng thông thường ở các tiểu bang khác trên đất nước Hoa Kỳ, nhưng thuật ngữ này luôn được các cấp Tòa án viện dẫn và sử dụng đối với các vụ việc có tính chất của QHD.
Tham khảo một phán quyết của Tòa án tối cao tiểu bang California, Hoa Kỳ trong án lệ POPE vs. KINMAN, 54 Cal.3 (1879), No.6542, có nội dung sau: “người chủ đất ven sông hoàn toàn có QHD dòng chảy qua vùng đất của anh ta”, do đó bác bỏ những yêu cầu của bị đơn, cũng như buộc bị đơn không được phép cản trở việc thực hiện quyền và hưởng lợi ích của nguyên đơn bằng hành vi chuyển hướng nhằm sử dụng độc quyền dòng chảy của kênh đào Lytle Creek. Các bị đơn có vùng đất tiếp giáp kênh đào cũng có QHD dòng chảy nêu trên như của nguyên đơn.
Tiểu bang California, Hoa Kỳ không có văn bản quy định về QHD, nhưng nội hàm và thuật ngữ “usufruct” - QHD được viện dẫn, bởi lẽ đây chính là một loại thực quyền pháp lý nói chung, quyền tài sản nói riêng nên luôn được pháp luật tôn trọng, thừa nhận và bảo vệ.
BLDS Louisiana minh định rõ, QHD là một thực quyền tài sản và được pháp điển hóa từ Điều 535 đến Điều 629 trong Quyển II (Things and the different modification of ownership), Phần III (Personal Servitutes), Chương 2 (Usufruct)([2]). Cụ thể:
+ Mục 1: Những quy định chung - Điều 535 đến Điều 549
+ Mục 2: Quyền của người hưởng dụng - Điều 550 đến Điều 569
+ Mục 3: Nghĩa vụ của người hưởng dụng - Điều 570 đến Điều 602
+ Mục 4: Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản - Điều 603 đến Điều 606
+ Mục 5: Chấm dứt QHD - Điều 607 đến Điều 629
2. Khái niệm quyền hưởng dụng theo pháp luật dân sự Hoa Kỳ
Điều 535 BLDS Louisiana quy định: “Usufruct is a real right of limited duration on the property of another. The features of the right vary with the nature of the things subject to it as consumables or nonconsumables”.
Tạm dịch: “QHD là một thực quyền trên tài sản của người khác trong một thời hạn nhất định. Đặc tính, tính chất của QHD phụ thuộc vào bản chất của vật, tài sản là đối tượng của QHD như vật tiêu hao hoặc vật không tiêu hao”.
Khái niệm pháp lý “Usufruct” trong BLDS Louisiana có nguồn gốc từ truyền thống luật La Mã, nguyên gốc tiếng Latinh là “Ususfructus”, được cấu thành bởi hai yếu tố “usus” và “fructus” có nghĩa là sử dụng, khai thác tài sản và hưởng lợi ích từ tài sản. Như vậy, QHD là sự kết hợp giữa hai quyền tài sản là quyền sử dụng tài sản và quyền hưởng lợi ích từ việc khai thác một tài sản cụ thể. Tuy nhiên, tài sản này thuộc sở hữu của người khác, nói cách khác tài sản đó chính là đối tượng của QHD. Có thể nói, QHD là một thực quyền được trao cho chủ thể không phải là chủ sở hữu tài sản, chủ thể này được phép khai thác, sử dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức cũng như tất cả các lợi ích được sinh ra từ tài sản đó. Tuy nhiên, thực quyền này chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian cụ thể và nhất định, vì vậy tài sản sẽ phải được hoàn trả cho chủ sở hữu tài sản sau khi thời gian của QHD chấm dứt, hoặc khi có phán quyết của Tòa án về việc chấm dứt QHD đã được xác lập trước đó.
Đặc trưng của khái niệm QHD theo BLDS Louisiana thể hiện ở chỗ có sự phân chia QHD thành “QHD hoàn hảo” (perfect usufruct) và “QHD không hoàn hảo” (imperfect usufruct) dựa trên đặc tính của tài sản của vật, tài sản đang là đối tượng của quyền là “vật tiêu hao” hay “vật không tiêu hao”. Mục đích việc phân chia nhằm giúp cho việc điều chỉnh các quan hệ dân sự phức tạp phát sinh trong xã hội Hoa Kỳ được chính xác hơn; việc vận dụng pháp luật được dễ dàng hơn.
Trong BLDS Louisiana đầu tiên năm 1808 với tên gọi “Civil Code of 1808”, các luật gia Hoa Kỳ đã định nghĩa chi tiết nhằm phân định sự khác nhau giữa QHD hoàn hảo (complete usufruct hoặc perfect usufruct) và QHD không hoàn hảo (incomplete usufruct hoặc imperfect usufruct) tại Điều 2 và Điều 3 của Chương quy định về QHD([3]). Chính sự phân biệt này tạo nên nét đặc thù riêng của BLDS Louisiana trong việc xác định đối tượng của QHD bao gồm cả vật, tài sản tiêu hao.
2.1. Quyền hưởng dụng không hoàn hảo
Điều 538 BLDS Louisiana nêu rằng: “Nếu đối tượng của QHD là vật tiêu hao thì người hưởng dụng trở thành chủ sở hữu của vật ấy. Người hưởng dụng có thể sử dụng, chuyển nhượng, hoặc thế chấp vật đó khi cần thiết. Khi QHD chấm dứt, người hưởng dụng buộc phải trả lại cho chủ sở hữu phần giá trị tương ứng của vật đã nhận ban đầu, hoặc hoàn trả lại chủ sở hữu vật có cùng số lượng, chất lượng với vật đã nhận ban đầu”.
Xuất phát từ bản chất của QHD được nêu trong Luật La Mã là một thực quyền tạm thời trên tài sản của người khác nhưng không làm thay đổi bản chất của tài sản. Đến cuối thời La Mã cổ đại, đối tượng của QHD không chỉ dừng lại ở đất đai mà còn được mở rộng ở các loại động sản, miễn là chúng không bị hư hao trong suốt quá trình sử dụng, khai thác. Các vật hư hao chỉ có thể là đối tượng của “quasi-ususfructus”, có nghĩa là sau khi chấm dứt thời gian hưởng quyền thì người hưởng dụng phải hoàn trả lại vật khác có cùng chất lượng với vật ban đầu.
Như vậy, người có QHD đối với tài sản là vật tiêu hao sẽ trở thành chủ sở hữu tài sản đó và có đầy đủ quyền năng của chủ sở hữu tài sản, có nghĩa là người có QHD có thể định đoạt tài sản hay thực hiện bất kỳ hoạt động nào có thể mang lại nguồn lợi từ tài sản là đối tượng của QHD, tuy nhiên quyền năng này có giới hạn ở chỗ phải hoàn trả vật, tài sản có cùng số lượng, chất lượng hoặc một giá trị tương đương với tài sản mà mình đã nhận. Ví dụ: QHD có đối tượng là tiền, sau khi thời gian hưởng dụng chấm dứt, người hưởng dụng phải hoàn trả tiền, tài sản có giá trị tương đương với số tiền mà mình đã nhận ban đầu.
Tại Hoa Kỳ, người có QHD không hoàn hảo gần như có thực quyền rộng hơn người có QHD hoàn hảo đơn thuần, bởi lẽ nó hoàn toàn cho phép người hưởng dụng trở thành chủ sở hữu của vật tiêu hao và có quyền định đoạt vật tiêu hao.
2.2. Quyền hưởng dụng hoàn hảo
Điều 539 BLDS Louisiana ghi nhận: “Nếu như đối tượng của QHD là vật không tiêu hao thì người hưởng dụng chỉ có quyền sở hữu vật đó và có quyền nhận những tiện ích, lợi nhuận, nguồn lợi mà vật đó mang lại nhưng phải có nghĩa vụ bảo quản vật không tiêu hao đó. Người hưởng dụng buộc phải sử dụng vật không tiêu hao thận trọng và hoàn trả chúng cho chủ sở hữu khi QHD chấm dứt”.
Theo đó QHD hoàn hảo là thực quyền trên tài sản của người khác trong một khoảng thời gian nhất định, người có QHD chỉ có thể sử dụng, thu nhận những lợi ích hình thành do tài sản đó mang lại, nhưng phải hoàn trả lại chính vật, tài sản đã nhận ngay sau khi thời hạn của QHD chấm dứt. Do đó, người hưởng dụng phải sử dụng, khai thác tài sản khôn ngoan vì điều này đi đôi với nghĩa vụ bảo quản tài sản và hoàn trả tài sản như nguyên trạng ban đầu, có nghĩa là tài sản không bị biến đổi về chất trong suốt quá trình hưởng dụng.
Khái niệm về QHD hoàn hảo cũng được sử dụng rộng rãi trong tất cả các văn bản luật theo hệ thống pháp luật dân sự. Chẳng hạn BLDS Pháp quy định “QHD là quyền hưởng thụ vật, tài sản của người khác như chính chủ sở hữu vật, tài sản đó nhưng phải có nghĩa vụ bảo quản chất của vật, tài sản đó”([4]). Hoặc trong BLDS Đức “QHD là một thực quyền được trao cho người thụ hưởng quyền các quyền thu lợi nhuận từ tài sản của người khác kèm theo nghĩa vụ bảo quản, không làm thay đổi bản chất tài sản đó”([5]).
Như vậy, QHD là quyền hữu hạn của một người khác được khai thác, sử dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức trên tài sản của chủ sở hữu. Việc thực hiện quyền phải đảm bảo rằng việc khai thác, sử dụng tài sản là đúng mục đích, công dụng, ngoài ra còn phải gìn giữ, bảo quản, tu bổ sao cho tài sản không bị giảm sút về mặt giá trị, công năng, chất lượng của tài sản đó.
3. Một số đối tượng cụ thể của quyền hưởng dụng theo Bộ dân luật Louisiana
Trong hệ thống thông luật Hoa Kỳ nói chung, BLDS Louisiana nói riêng, QHD là quyền trên một tài sản cụ thể và quyền này có thể được xác lập trên tất cả các loại tài sản như: vật tiêu hao, vật không tiêu hao (Điều 536, Điều 537); vật phụ (Điều 559); động sản, bất động sản; vật hữu hình, vật vô hình (Điều 544). Có thể nói rằng, phạm vi đối tượng của QHD rất rộng, việc xác định đối tượng của QHD nhằm làm cơ sở xác định cơ chế thực quyền của chủ thể hưởng dụng cũng như xác định nghĩa vụ hoàn trả sau khi QHD chấm dứt.
3.1. Đối tượng của quyền hưởng dụng là vật tiêu hao
Tài sản là vật tiêu hao như: tiền, nông sản, thực phẩm … (Điều 536) có thể trở thành đối tượng của QHD, khi QHD chấm dứt, người hưởng dụng buộc phải trả lại cho chủ sở hữu phần giá trị tương ứng của vật đã nhận ban đầu, hoặc hoàn trả lại chủ sở hữu vật có cùng số lượng, chất lượng với vật đã nhận ban đầu.
3.2. Đối tượng của quyền hưởng dụng là vật không tiêu hao
Đất đai, nhà cửa, cổ phiếu, súc vật, đồ đạc, xe cộ… (Điều 537) là đối tượng phổ biến nhất của QHD. Người hưởng dụng buộc phải sử dụng tài sản, vật không tiêu hao thận trọng và hoàn trả tài sản đó cho chủ sở hữu khi QHD chấm dứt.
3.3. Một số đối tượng đặc thù của quyền hưởng dụng
Bên cạnh những đối tượng của QHD là tài sản nêu trên, BLDS Louisiana còn nêu các đối tượng cụ thể khác như:
- Vật phụ của tài sản hưởng dụng cũng trở thành đối tượng của QHD (Điều 559);
- Quyền khai thác khoáng sản, mỏ đá (Điều 561);
- Đất rừng (Điều 562);
- Đất bồi do phù sa bồi đắp (Điều 563);
- Kho báu được tìm thấy trong đất (Điều 564);
- Quyền địa dịch (Điều 565);
- Đàn gia súc (Điều 599, Điều 600);
Thông qua bản án cụ thể và một chuyên luận tại trường Đại học George Mason, tiểu bang Virginia Hoa Kỳ, cho thấy rằng các nhà làm luật đã sử dụng nội hàm, bản chất khái niệm QHD để xác định một số quyền có thể trở thành đối tượng của QHD như:
- Dòng chảy của dòng sông, kênh đào cũng trở thành đối tượng của QHD cho người chủ đất ven sông, ven kênh rạch.([6])
- Quyền sở hữu trí tuệ: được xác định bởi các cơ quan Thông luật Hoa Kỳ.([7])
4. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền hưởng dụng trong Bộ luật Dân sự năm 2015
QHD được ghi nhận trong BLDS Việt Nam năm 2015 từ Điều 257 đến Điều 266 với tư cách là quyền khác đối với tài sản. So sánh với BLDS của một số quốc gia điển hình như Pháp, Đức, Hy Lạp, Hoa Kỳ … nội hàm QHD trong BLDS Việt Nam năm 2015 có nét tương đồng về bản chất pháp lý, đó là một quyền tạm thời, có thời hạn được xác lập trên tài sản của người khác; theo đó chủ sở hữu tài sản phải công nhận việc chiếm hữu, sử dụng, khai thác và hưởng lợi ích từ tài sản đó thuộc về người khác, chỉ giữ lại quyền định đoạt hạn chế đối với tài sản của chính mình. Tuy nhiên, với bản chất là một quyền tài sản, QHD theo BLDS Việt Nam năm 2015 bộc lộ một số điểm bất cập trên thực tế, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn nước ta hiện nay. Thông qua nghiên cứu phạm trù QHD theo BLDS Louisiana Hoa Kỳ, có thể rút ra một số các kinh nghiệm cho Việt Nam, nhằm tạo ra nền tảng, cơ sở pháp lý trong giải quyết các vấn đề liên quan trong thực tiễn
4.1. Hoàn thiện khái niệm quyền hưởng dụng trong Bộ luật Dân sự năm 2015
Điều 257 BLDS Việt Nam ghi nhận “QHD là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định”. Như vậy, QHD theo pháp luật dân sự Việt Nam được hiểu là “quyền khai thác công dụng” và “quyền hưởng hoa lợi, lợi tức” từ “tài sản” thuộc sở hữu của người khác. Đồng thời, QHD cũng được xác định là “quyền của một chủ thể trực tiếp nắm giữ tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác”.
Ở góc độ lý luận, QHD là một “vật quyền” được phân tách từ quyền sở hữu, do đó quyền này mang tính chất loại trừ của chủ thể đang chiếm hữu tài sản, và hơn nữa là có hiệu lực đối kháng với các chủ thể khác. Nói cách khác, khi QHD được xác lập thì chủ sở hữu không còn đầy đủ các quyền năng đối với tài sản là đối tượng của QHD. Tuy nhiên, sau khi hết thời hạn của quyền, bên hưởng dụng phải trả lại tài sản hưởng dụng cho chủ sở hữu tài sản. Nội dung khái niệm QHD theo Điều 257 chưa nêu lên được đầy đủ nội hàm của QHD, điều này dễ dàng gây nhầm lẫn với “quyền sử dụng” được quy định tại Điều 189 BLDS năm 2015.
Do đó, Điều 257 BLDS Việt Nam năm 2015 nên có sự sửa đổi thông qua tiếp thu nội hàm của khái niệm QHD trong BLDS Louisiana, Hoa Kỳ, nhằm nhấn mạnh và làm rõ bản chất QHD là một “thực quyền trên tài sản của người khác”. Bởi lẽ, QHD gắn liền với việc khai thác, tạo ra tiềm lực kinh tế từ tài sản hưởng dụng và hoàn toàn có hiệu lực đối kháng với bên thứ ba.
4.2. Cụ thể hóa đối tượng của quyền hưởng dụng
Chế định về QHD được quy định từ Điều 257 đến Điều 266, Mục 2, Chương XIV trong BLDS Việt Nam năm 2015, theo đó QHD là quyền trên tài sản của người khác. Như vậy, đối tượng của QHD là “tài sản”. Tuy nhiên, tài sản là đối tượng của QHD là gì thì BLDS không nêu rõ.
Ở góc độ kinh tế pháp lý, tài sản là đối tượng của quyền sở hữu, gồm các tài nguyên con người đã khai thác, các sản phẩm do con người làm ra, hoặc các lợi ích khác có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế. Vấn đề cần làm rõ là đối tượng của QHD theo pháp luật Việt Nam có bao gồm tất cả các loại tài sản không? Một số quan điểm cho rằng, đối tượng của QHD là vật, và là vật không tiêu hao: “QHD chỉ có thể được xác lập trên vật không tiêu hao”([8]); ngược lại, một số quan điểm khác cho rằng, đối tượng của QHD “không giới hạn ở vật” và “tài sản tiêu hao hay tài sản không tiêu hao đều có thể là đối tượng của QHD”([9]).
Cần nhìn nhận rằng có nhiều tranh cãi phát sinh xoay quanh vấn đề đối tượng của QHD, do đó việc xác định rõ đối tượng của QHD là cần thiết. Pháp luật dân sự Hoa Kỳ phân biệt rõ đối tượng của QHD bao gồm vật tiêu hao (consumable things) và vật không tiêu hao (nonconsumable things), từ đó hình thành nên phạm trù “QHD hoàn hảo” đối với vật, tài sản không tiêu hao; và “QHD không hoàn hảo” đối với vật, tài sản tiêu hao nhằm kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phức tạp liên quan đến tài sản. Việc bổ sung, làm rõ đối tượng của QHD góp phần làm rõ các quyền và nghĩa vụ của người hưởng dụng trong quá trình hưởng dụng tài sản. Thêm nữa là sự ảnh hưởng đối với nghĩa vụ hoàn trả tài sản khi QHD chấm dứt. Trong trường hợp đối tượng của QHD là vật tiêu hao, thì người hưởng dụng có thể trả lại một vật khác có cùng số lượng, chất lượng, hoặc trả vật khác có giá trị tương đương vật đã nhận ban đầu. Từ đây có thể nhận định rằng, trong trường hợp tài sản là vật không tiêu hao bị hư hỏng, mất mát … do lỗi của người hưởng dụng, thì người hưởng dụng có nghĩa vụ thanh toán một giá trị tương đương với tài sản đó.
5. Kết luận
Quy định về QHD trong BLDS Việt Nam năm 2015 là một quy định mới mẻ của pháp luật dân sự hiện hành, nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề pháp lý chưa được minh thị cụ thể. Vấn đề xác định đối tượng của QHD vẫn còn gây tranh cãi. Hiện nay, chế định QHD vẫn chỉ dừng lại ở việc ghi nhận trong văn bản pháp luật mà chưa thực sự đi sâu vào đời sống xã hội.
Có thể nói rằng QHD mang một ý nghĩa lớn cả ở góc độ xã hội và ở góc độ kinh tế, đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng về vật chất và tinh thần của con người trong việc khai thác công dụng của tài sản, từ đó tối đa hóa giá trị của tài sản. Việc tiếp thu, nghiên cứu, hoàn thiện quy định của pháp luật về QHD trở nên cấp thiết. Sự minh thị trong các quy định của pháp luật có thể kịp thời cân bằng các quan hệ xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên tham gia quan hệ hưởng dụng, ngoài ra còn có thể hạn chế, triệt tiêu những rủi ro pháp lý và đảm bảo sự ổn định trong các giao dịch dân sự ./. 

 


([1]) Theo Lê Nết (1999), Luật La Mã – dịch từ nguyên bản giáo trình luật La Mã của Đại học Tổng hợp Warszawa, Ba Lan, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
([2]) https://law.justia.com/codes/louisiana/2021/civil-code/.
([3]) BLDS Louisiana năm 1808, Quyển 2, Phần 3, Chương 1, Mục 1, Điều 2 và Điều 3.
([4]) Xem Điều 578 – BLDS Pháp.
([5]) Xem Điều 1030 – BLDS Đức
([6]) Xem Pope v. Kinman, 54 Cal.3, No.6542 (The Supreme Court. 1879).
([7]) Eric R. Claeys, “Intellectual Usufructs: Trade Secrets, Hot News, and the Usufructuary Paradigm at Common Law” - George Mason University Law and Economics Research Paper Series.
([8]) Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ (2017), Bình luận khoa học BLDS 2015, tr. 420 và 423
([9]) Đỗ Văn Đại, Nguyễn Nhật Thanh (2017), “Đối tượng của quyền hưởng dụng trong pháp luật Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 23 (351), tháng 12/2017

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 08 (480), tháng 04/2023.)