Bộ nguyên tắc Luật Hợp đồng châu Âu quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng và một số kinh nghiệm cho Việt Nam

11/08/2023

TS. ĐỖ HỒNG QUYÊN

GVC. Phòng Pháp chế và Thanh tra, Trường Đại học Thương mại.

Tóm tắt: Hợp đồng là một phương tiện quan trọng trong đời sống của con người, giúp con người đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của mình thông qua việc trao đổi các sản phẩm, dịch vụ và các lợi ích khác. Nó là một phương thức quan trọng để tổ chức đời sống chung và thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Do vậy, hợp đồng và điều kiện có hiệu lực của hợp đồng là những quy định quan trọng trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, có tính chất nền tảng cho các luật chuyên ngành. Các quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích các quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong Bộ nguyên tắc Luật Hợp đồng châu Âu (viết tắt là PECL) và rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam.
Từ khoá: PECL, hợp đồng, hiệu lực hợp đồng.
Abstract:Contract is an important means for the human activity, which supports the human to satify its material and spiritual needs through the exchange of goods, services and other benefits. Contract is an important method for common life performance and also social- economic developments. Therefore, the regulations on the contract and its contract conditions of validity are important provisions in the Civil Code of 2015, which is the foundation for specialized laws. Through reviews of the applicable law and its practical enforcement, it appears there are a number of shortcomings in the provisions on contract conditions of validity. The following article is to focus on analysis of the provisions on the contract conditions of validity in the Principles of European Contract Law (abbreviated as PECL), from which the author also provides a number of lessons learnt for Vietnam.
Keywords: PECL; contract; contract conditions of validity.
HIỆU-LỰC-HỢP-ĐỒNG.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Đặt vấn đề
Chế định hợp đồng là một trong những chế định quan trọng trong BLDS. Trên cơ sở quy định hợp đồng trong BLDS, các văn bản pháp luật chuyên ngành đã có những quy định cụ thể hơn trong từng lĩnh vực như kinh doanh - thương mại, lao động, thương mại điện tử… Ở Việt Nam, ngay từ lần đầu tiên BLDS được ban hành đã có những quy định cụ thể về hợp đồng, sau đó được kế thừa, sửa đổi, bổ sung bằng BLDS năm 2005 và năm 2015. Hiện nay, các quy định về hợp đồng trong BLDS năm 2015 đã thực sự phát huy được vai trò là nền tảng, “luật chung” điều chỉnh các quan hệ về hợp đồng nói chung và một số hợp đồng thông dụng. Song, quy định của pháp luật nói chung và pháp luật hợp đồng nói riêng phải dựa trên nền tảng là cơ sở kinh tế xã hội, đảm bảo phù hợp và dự báo trong tương lai. Do vậy, các quy định về hợp đồng nói chung và điều kiện có hiệu lực của hợp đồng nói riêng dù đã qua nhiều lần được bổ sung và thay thế nhưng vẫn còn tồn tại những bất cập và hạn chế nhất định.
Vấn đề hiệu lực của hợp đồng không chỉ được ghi nhận trong các văn bản pháp luật của từng quốc gia mà còn được các văn bản pháp luật quốc tế ghi nhận rất cụ thể như PECL.
2. Các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong Bộ nguyên tắc Luật Hợp đồng châu Âu
Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng là tổng hợp những yêu cầu pháp lý nhằm đảm bảo cho hợp đồng được lập đúng bản chất đích thực của nó. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng là quy định của pháp luật nhằm giới hạn sự tự do thoả thuận bằng việc đưa ra những yêu cầu tối thiểu buộc các bên giao kết hợp đồng phải tuân thủ để hợp đồng có giá trị hiệu lực pháp lý. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng được đặt ra nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của các bên chủ thể giao kết hợp đồng và đồng thời bảo đảm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác. Một hợp đồng chỉ có tính ràng buộc nghĩa vụ đối với các bên chủ thể tham gia khi hợp đồng đó được xác lập hợp pháp và tuân thủ các điều kiện mà pháp luật quy định.
Hiện nay, pháp luật ở một số quốc gia trên thế giới, điển hình là pháp luật ở các quốc gia Liên minh châu Âu cũng có những nhóm quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Cụ thể là những quy định về điều kiện bắt buộc để hợp đồng phát sinh hiệu lực. Luật hợp đồng của Pháp chủ yếu được quy định trong BLDS. Theo đó, hợp đồng được thừa nhận là có hiệu lực phải thỏa mãn bốn điều kiện sau đây: (i) các bên tham gia hợp đồng phải hoàn toàn tự nguyện (Điều 1109.22); (ii) các bên giao kết hợp đồng phải là người có năng lực chủ thể (Điều 1123.5); (iii) đối tượng và nội dung của hợp đồng phải được xác định (Điều 1126.30); (iv) mục đích, căn cứ hợp đồng phải hợp pháp (Điều 1131.3)[1]. Ở BLDS Đức thì hợp đồng là sự thoả thuận của những người có năng lực giao kết hợp đồng. Chính vì thế, hợp đồng sẽ vô hiệu nếu chủ thể giao kết là người không có năng lực giao kết hợp đồng, các bên chủ thể không tự nguyện khi thực hiện giao kết hợp đồng, nội dung của hợp đồng vi phạm pháp luật[2]. Có thể thấy, các quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong BLDS Pháp và Đức cũng có những điểm tương đồng với các quy định trong BLDS của Việt Nam.
Khác với quy định của các quốc gia trên, hiện nay PECL không có quy định cụ thể về các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong một điều luật. Song, qua việc nghiên cứu các quy định của PECL có thể nhận thấy các điều kiện làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng bao gồm: (i) Ý chí chịu sự ràng buộc các bên chủ thể tham gia (điều kiện về sự tự nguyện); (ii) Nội dung của sự thỏa thuận chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật các quốc gia thành viên và bộ nguyên tắc không điều chỉnh các quy định cụ thể về tính không hợp pháp, vi phạm đạo đức hay chưa đủ năng lực hành vi (nội dung, mục đích và năng lực chủ thể); (iii) Hình thức không phải là điều kiện bắt buộc để hợp đồng phát sinh hiệu lực (hình thức hợp đồng - HTHĐ)[3].
2.1. Điều kiện về ý chí của các bên chủ thể
Theo quy định tại Điều 2:101 của PECL, tại thời điểm giao kết để hợp đồng có thể được giao kết, các bên đã phải tuân thủ các điều kiện giao kết hợp đồng sau đây:
“(1) Hợp đồng được giao kết nếu:
(a) Các bên có ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc bởi ý định đó, và
(b) Các bên đạt được thỏa thuận mà không cần bất kỳ điều kiện nào khác.
Như vậy, trong quan hệ hợp đồng thì tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận là tiêu chí quan trọng để các chủ thể tiến hành xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng của mình. Có thể nói, đây là yêu cầu cơ bản cũng như nguyên tắc hạt nhân mà mọi quan hệ dân sự nói chung hay quan hệ hợp đồng nói riêng đều có. Tự nguyện là một dấu hiệu thuộc yếu tố chủ quan; vì vậy, nếu không thể hiện ra bên ngoài thì sẽ không thể nhận biết được. Khi tham gia xác lập hợp đồng, chủ thể tự do bày tỏ ý chí của mình mà không phải chịu bất cứ tác động nào khiến cho họ thể hiện không đúng hoặc không đầy đủ ý chí của mình. Ngoài ra, cũng theo quy định trên thì hợp đồng được giao kết nếu như các bên đạt được sự thỏa thuận mà không cần bất kỳ một điều kiện nào khác.
2.2. Điều kiện về hình thức hợp đồng
HTHĐ không phải là điều kiện bắt buộc các bên chủ thể tham gia hợp đồng phải tuân theo khi xác lập thỏa thuận. Khoản 2 Điều 2:101 PECL quy định: “(2) Hợp đồng không buộc phải giao kết dưới hình thức bằng văn bản cũng như các yêu cầu về hình thức khác. Các bên có thể chứng minh hợp đồng bằng bất kỳ phương tiện nào, kể cả nhân chứng”. Như vậy theo PECL, hợp đồng có thể được chứng tỏ bởi bất kỳ hình thức, phương tiện nào (any means) kể cả trước người làm chứng. PECL không quy định hình thức cố định cho hợp đồng, mà tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về việc lựa chọn phương thức biểu đạt nội dung của sự thỏa thuận giữa các bên chủ thể. Quy định trên xuất phát từ sự khác biệt trong việc quy định về HTHĐ của pháp luật các quốc gia thành viên điển hình.
Tại Điều 1128 BLDS Pháp quy định trường hợp luật yêu cầu hợp đồng phải được ký kết bằng hình thức văn bản thì hợp đồng mới có hiệu lực. Như vậy, có thể có hình thức văn bản là yêu cầu mà hợp đồng phải thỏa mãn để có hiệu lực. HTHĐ cũng không phải là điều kiện bắt buộc áp dụng với mọi hợp đồng, chỉ là điều kiện trong trường hợp nhất định mà pháp luật có quy định “Hợp đồng trang trọng là hợp đồng phải tuân thủ các hình thức do pháp luật quy định thì mới có hiệu lực[4]. Trong các quy định của BLDS Pháp, các nhà làm luật định lượng mốc giá trị hợp đồng để ra các quy định về hình thức buộc các bên chủ thể tham gia hợp đồng phải tuân theo. Hay BLDS Đức cũng không có yêu cầu về hình thức đối với hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, đối với một số hợp đồng cụ thể thì pháp luật Đức có đưa ra một số yêu cầu đối với hình thức của hợp đồng, nhằm bảo vệ lợi ích của các bên và đồng thời thể hiện việc các bên chắc chắn về hành động của mình. Theo Điều 125 BLDS Đức: “Một giao dịch pháp lý không tuân thủ hình thức luật định sẽ vô hiệu. Trong trường hợp có nghi ngờ, việc không tuân thủ hình thức được quy định bởi giao dịch pháp lý cũng dẫn đến vô hiệu”. Chẳng hạn, hợp đồng mà qua đó một khoản được hứa hẹn tặng cho có giá trị thì bắt buộc phải lập bằng văn bằng có công chứng[5].
Nhìn chung có thể thấy rằng, quy định của PECL cũng giống với pháp luật một số quốc gia thành viên cho phép các bên được tự do trong việc lựa chọn hình thức của hợp đồng, trừ một số quốc gia quy định hợp đồng bắt buộc phải tuân theo hình thức nhất định. Quy định của PECL hiện nay đang là sự kế thừa nguyên tắc tự do lựa chọn HTHĐ.
2.3. Điều kiện về nội dung, mục đích và năng lực chủ thể
Bên cạnh các quy định về năng lực chủ thể, về sự tự nguyện của các bên chủ thể khi tham gia hợp đồng, PECL cũng quy định hợp đồng chỉ phát sinh hiệu lực khi nội dung và mục đích của nó không vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức. Theo quy định của Điều 4:101 của PECL: “Chương này không điều chỉnh các vấn đề hợp đồng vô hiệu do trái pháp luật, trái đạo đức hay chủ thể không có năng lực xác lập hợp đồng”. PECL sẽ không điều chỉnh các trường hợp hợp đồng vô hiệu do nội dung trái pháp luật, trái đạo đức hay chủ thể xác lập hợp đồng không có đủ năng lực. Bởi lẽ, mỗi một hệ thống luật của quốc gia thành viên đã có quy định riêng biệt về điều kiện nội dung, mục đích của hợp đồng; và điều kiện năng lực của chủ thể sẽ có những yếu tố quyết định khác nhau.
Nội dung của hợp đồng là tổng hợp các điều khoản do các bên thỏa thuận, mục đích của hợp đồng là lợi ích vật chất hoặc tinh thần mà các bên hướng tới khi giao kết hợp đồng. Còn năng lực chủ thể là khả năng mà các bên tham gia hợp đồng có khi tham gia xác lập, thực hiện hợp đồng. Quy định này của PECL là phù hợp bởi mỗi một hệ thống pháp luật của quốc gia thành viên EU lại có những truyền thống, học thuyết pháp luật khác nhau điều chỉnh nội dung hợp đồng và có chuẩn mực ứng xử khác nhau; đạo đức là một phạm trù chịu sự ảnh hưởng của văn hóa từng quốc gia thành viên, bên cạnh đó, toàn khối EU chưa có hệ thống pháp luật chung điều chỉnh các vấn đề xã hội phát sinh như nhà ở, đất đai, tài sản... Do đó, PECL không thể điều chỉnh hoặc đưa ra yêu cầu về nội dung mà mục đích của hợp đồng không được vi phạm pháp luật (không có hệ thống pháp luật áp dụng chung) hay trái đạo đức xã hội (đạo đức đa dạng phụ thuộc vào truyền thống văn hóa của mỗi quốc gia). Theo quy định của BLDS Pháp, nội dung của hợp đồng không được vi phạm trật tự công cộng: “Hợp đồng không được trái với trật tự công, dù là thể hiện trên các điều khoản cũng như thông qua mục đích của hợp đồng, dù đã được biết hoặc không được biết bởi tất cả các bên[6]. Hay BLDS Đức quy định: “Một giao dịch pháp lý vi phạm một điều cấm của pháp luật thì vô hiệu, trừ khi đạo luật đó có quy định khác[7], hợp đồng được giao kết muốn có hiệu lực thì không vi phạm điều cấm của luật, nhưng cũng có ghi nhận một số trường hợp ngoại lệ. Ngoài ra, BLDS Đức còn quy định về hợp đồng vô hiệu khi nội dung trái với chính sách công[8], có tính bóc lột hoặc vi phạm rõ ràng lợi ích của một trong các bên trong hợp đồng[9]
Về những điều kiện về năng lực chủ thể, PECL cũng không có quy định riêng điều chỉnh mà tuân theo quy định của pháp luật các quốc gia thành viên. Năng lực chủ thể tham gia hợp đồng thường được cấu thành bởi hai yếu tố là năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự. Cùng với sự phát triển của lịch sử, pháp luật các quốc gia đều quy định về năng lực pháp luật cho cá nhân. Qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử, năng lực pháp luật dân sự được quy định khác nhau với những nội dung ngày càng được mở rộng. Mỗi quốc gia khác nhau sẽ quy định năng lực pháp luật dân sự cho cá nhân một cách khác nhau, điều đó phụ thuộc vào chế độ chính trị, bản chất giai cấp, điều kiện kinh tế - xã hội, sự tác động của phong tục, tập quán… Yếu tố thứ hai cấu thành năng lực chủ thể của các bên tham gia hợp đồng đó là năng lực hành vi dân sự của các nhân. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân được hiểu một cách tương đồng trong hệ thống các quốc gia thành viên EU là khả năng tự mình của chủ thể tham gia xác lập, thực hiện các quan hệ pháp luật dân sự. Xem xét một chủ thể đặc biệt là một cá nhân có năng lực hành vi dân sự hay không thường được xác định qua hai yếu tố cấu thành là độ tuổi và khả năng nhận thức làm chủ hành vi. Cũng giống như năng lực pháp luật, mỗi quốc gia có các điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau,… nên quy định về năng lực hành vi của cá nhân cũng không giống nhau. Đặc biệt, công dân ở mỗi quốc gia sẽ có những nhóm gen khác nhau và điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, làm chủ hành vi ở các độ tuổi khác nhau. Đây cũng chính là lý do PECL không thể quy định về các mức độ năng lực hành vi dân sự chung cho các chủ thể là cá nhân tham gia hợp đồng.
Theo Điều 1145 BLDS Pháp, mọi cá nhân đều có quyền giao kết hợp đồng, trừ trường hợp không có năng lực theo quy định của pháp luật. Những người không có năng lực giao kết hợp đồng theo quy định của pháp luật bao gồm: i) Người chưa thành niên chưa được công nhận có năng lực hành vi; ii) Người thành niên được bảo hộ theo quy định của pháp luật[10]. Như vậy, để được xác định là có năng lực giao kết hợp đồng thì cá nhân phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. BLDS Pháp cũng ghi nhận quy định liên quan đến năng lực pháp luật của chủ thể giao kết hợp đồng, trừ trường hợp được tòa án cho phép, nghiêm cấm bất kỳ người nào giữ một chức vụ hoặc làm việc trong một nhà dưỡng lão hoặc một cơ sở chữa bệnh tâm thần, mà mua một tài sản hoặc nhận chuyển nhượng một quyền của một người được nhận vào để chăm sóc tại cơ sở ấy hoặc thuê nơi mà người đó ở trước khi được nhận vào cơ sở, nếu không hợp đồng liên quan sẽ bị vô hiệu. Còn đối với BLDS Đức thì chỉ xác định năng lực giao kết hợp đồng dựa trên hai yếu tố là độ tuổi và khả năng nhận thức, làm chủ hành vi mà không dựa trên yếu tố về năng lực pháp luật của chủ thể giao kết hợp đồng[11].
Như vậy, với vai trò là một bộ nguyên tắc chung về Luật Hợp đồng châu Âu, PECL chỉ đưa ra các quy định mang tính định hướng về các tiêu chí, điều kiện để một hợp đồng phát sinh hiệu lực. Những quy định chịu sự ảnh hưởng của văn hóa, truyền thống và chế độ sở hữu của mỗi quốc gia thì PECL sẽ tôn trọng. Trường hợp hai quốc gia thành viên giao kết hợp đồng với nhau nhưng có quy định không tương đồng thì áp dụng các quy định của pháp luật về xung đột pháp luật của các điều ước quốc tế mà hai quốc gia đều là thành viên.
3. Một số kinh nghiệm đối với Việt Nam
Qua nghiên cứu các quy định của Bộ nguyên tắc về Luật Hợp đồng châu Âu cũng như pháp luật một số quốc gia thành viên EU liên quan đến các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, tác giả nhận thấy một số điểm tiến bộ có thể có giá trị tham khảo trong việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam hiện hành về vấn đề này:
BLDS năm 2015 hiện nay đang quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, theo đó hợp đồng chỉ phát sinh hiệu lực khi thỏa mãn các điều kiện về (i) năng lực chủ thể tham gia hợp đồng, (ii) nội dung hợp đồng phải hợp pháp, (iii) chủ thể tham gia hợp đồng phải tự nguyện và các bên được lựa chọn hình thức thể hiện hợp đồng nhưng trong một số trường hợp HTHĐ vẫn phải thực hiện theo yêu cầu của Luật. Quy định này của BLDS năm 2015 và PECL có rất nhiều điểm tương đồng, nhưng quy định của BLDS năm 2015 cụ thể là Điều 117 còn một điểm chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Cụ thể là:
- Điểm a khoản 1 Điều 117 BLDS năm 2015 quy định về năng lực chủ thể: “Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập”. Chủ thể ở đây có thể được hiểu là chủ thể của hợp đồng hoặc chủ thể trực tiếp tham gia vào xác lập, thực hiện hợp đồng. Với quy định không rõ ràng này có thể khiến trong nhiều trường hợp hiểu sai dẫn đến áp dụng sai. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân thì năng lực pháp luật của hai chủ thể trực tiếp giao kết hợp đồng đều cần đáp ứng yêu cầu về năng lực pháp luật, còn về năng lực hành vi thì yêu cầu người trực tiếp xác lập hợp đồng đáp ứng điều kiện phù hợp với hợp đồng dân sự. Như vậy, ở đây Bộ luật chỉ quy định chung chung là chủ thể có thể dẫn đến nhiều cách hiểu từ đó dẫn đến việc áp dụng trên thực tế không được chính xác. Chính vì vậy có thể sửa đổi thành “chủ thể tiến hành xác lập giao dịch”.
- Điểm c khoản 1 Điều 117 BLDS năm 2015 quy định: “Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trải đạo đức xã hội”. Điều cấm của luật là nội dung cụ thể, rất dễ để xác định nhưng đạo đức xã hội, dù được định nghĩa là chuẩn mực ứng xử được thừa nhận, được tôn trọng bởi cộng đồng, nhưng cho đến nay, đạo đức vẫn chưa được mô tả cụ thể bởi một văn bản ghi nhận. Đạo đức là một phạm trù khá trừu tượng và bất biến, mang tính chủ quan ý chí cá nhân khá nhiều. Chính vì vậy, trên thực tế để xác định đâu là hợp đồng giao kết trái đạo đức xã hội không phải điều đơn giản. PECL là bộ nguyên tắc hợp đồng chung được kỳ vọng trở thành bộ luật hợp đồng chung của Cộng đồng châu Âu, do đó khi PECL được soạn thảo, các nhà khoa học đã cố gắng điều chỉnh những nội dung trong tầm tay, những nội dung thể hiện sự riêng biệt của từng quốc gia thành viên để dành cho pháp luật quốc gia điều chỉnh. Ứng với thực trạng pháp luật Việt Nam, về vai trò của đạo đức với pháp luật nói chung và với hiệu lực hợp đồng nói riêng, theo tác giả, do chuẩn mực đạo đức cũng thay đổi qua các thời kỳ phát triển cũng như sự tiến bộ về nhận thức của con người, tại từng địa phương cũng có những quan niệm khác nhau, chính vì vậy, BLDS năm 2015 cần cụ thể hóa các quy định về đạo đức hoặc chỉ dẫn văn bản điều chỉnh đạo đức thay vì quy định chung chung như hiện nay./. 

 


[1] Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam (2018), Bản dịch Bộ luật Dân sự Pháp.
[2] Điều 104.10, 119.1 và 138 Bộ luật Dân sự Cộng hoà Liên bang Đức, xem tại: https://www.gesetze-im-internet.de/englisch_bgb/, truy cập ngày 19/2/2023.
[3] Xem thêm các quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong Bộ nguyên tắc Luật hợp đồng châu Âu tại chương 2 về giao kết hợp đồng (Chapter 2: Formation); thẩm quyền đại diện (Chapter 3: Authortity of Agents), hiệu lực hợp đồng (Chapter 4: Validity), Chương 6 nội dung và hiệu lực (Chapter 6: Contents and Effects), chương 15 – tính bất hợp pháp (Chapter 15: Illegality), xem tại: https://www.trans-lex.org/400200/_/pecl/, truy cập ngày 19/2/2023.
[4] Điều 1109 Bộ luật Dân sự Pháp.
[5] Điều 518 Bộ luật Dân sự Đức.
[6] Điều 1162 Bộ luật Dân sự Pháp.
[7] Điều 134 Bộ luật Dân sự Đức.
[8] Điều 138 Bộ luật Dân sự Đức.
[9] Điều 138 Bộ luật Dân sự Đức.
[10] Điều 1146 Bộ luật Dân sự Pháp.
[11] Điều 104 Bộ luật Dân sự Đức.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 07 (479), tháng 04/2023.)