Quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau theo quy định của Liên minh Châu Âu và kinh nghiệm cho Việt Nam

09/06/2023

THS. NGUYỄN THỊ TUYẾT NGA

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh,

TS. NGUYỄN THÁI CƯỜNG

Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau (Artists’s resale right) là một trong những quyền được ghi nhận trong pháp luật về quyền tác giả tại một số nước trên thế giới. Theo đó, các nghệ sỹ khi đã bán bản gốc tác phẩm nghệ thuật của mình vẫn được nhận các khoản tiền bản quyền cho những lần bán tác phẩm tiếp sau theo những điều kiện nhất định. Chương 12 Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA) có quy định mỗi bên trong Hiệp định có thể cân nhắc để ban hành về nội dung này. Trong bài viết này, các tác giả tập trung phân tích các nội dung liên quan đến quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau theo Chỉ thị số 2001/84/EC của Nghị viện và Hội đồng Liên minh châu Âu và rút ra kinh nghiệm cho Việt Nam.
Từ khóa: Quyền của nghệ sỹ, quyền tác giả, tiền bản quyền, tác phẩm nghệ thuật.
Abstract: The artist’s resale right is the right recognized in copyright laws in several countries. For this, an author has the right to receive a royalty based on the sale price obtained for any resale of the work followed by the first transfer of the work by the author under certain conditions. Chapter 12 of the Vietnam - Europe Trade Agreement (EVFTA) provided that each party to the agreement can consider issuing about this content. Within article, the authors focus on analyzing the contents related to the artist's resale rights only according to the Direction 2001/84/EC of the European Parliament  and the Council of the European Union and provide suggestions for Vietnam.
Keywords: Artists’s resale right; copyright; royalty; art works.

QUYỀN-TÁC-GIẢ-TRANH-VẼ.jpg

Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Lịch sử ra đời của quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau
Quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau được đề xuất đầu tiên tại Pháp với tên gọi “Droit De Suite” vào năm 1893 và áp dụng vào năm 1920. Quy định này bắt nguồn từ thực trạng các nghệ sỹ và những người thừa kế của họ phải gặp những khó khăn về tài chính trong khi các tác phẩm mà họ sáng tạo trước đó không ngừng tăng giá trị[1]. Một câu chuyện được lưu truyền phổ biến tại Pháp lúc đó là câu chuyện của danh họa Francois Millet. Tác phẩm L’angelus với hình ảnh hai người nông dân đang cúi đầu cầu nguyện tại một cánh đồng được Francois Millet bán với giá 1.000 France vào năm 1860, mười bốn năm sau cái chết của ông, bức tranh đã được bán với giá 553.000 France- mức giá cao kỷ lục lúc bấy giờ, tuy nhiên người vợ góa của ông không nhận được bất kỳ đồng nào từ việc bán tranh đó, bà phải sống khó khăn vô cùng với công việc bán hoa trên đường phố Paris. Gia đình của danh họa Paul Cézanne và Paul Gauguin cũng rơi vào tình cảnh tương tự[2]. Hoàn cảnh của họ đã phản ánh vấn đề cơ bản của thị trường nghệ thuật. Một nghệ sỹ chỉ có khoản thu nhập từ lần đầu tiên bán tác phẩm của mình, trong khi đó giá trị của các tác phẩm nghệ thuật đó có thể gia tăng rất nhiều theo thời gian mà giá trị chênh lệch chỉ thuộc về người buôn tranh mà không có bất kỳ lợi ích nào dành cho nghệ sỹ hoặc gia đình của họ. Nhận thấy được sự bất cập đó, năm 1920, Chính phủ Pháp đã đưa ra biện pháp khắc phục hợp pháp cho vấn đề này, bằng cách trao cho người nghệ sỹ quyền được nhận một khoản tiền từ các lần bán tác phẩm tiếp sau thông qua quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, để bảo đảm các nghệ sĩ và những người thừa kế sẽ nhận được một phần giá trị thương mại ngày càng tăng từ các tác phẩm nghệ thuật của mình.
Công ước Berne – công ước về bảo hộ tác phẩm nghệ thuật cũng có đề cập đến quy định này tại Điều 14("Quyền tiếp theo" đối với tác phẩm mỹ thuật và bản thảo: 1. Quyền hưởng lợi nhuận chuyển nhượng; 2. Luật áp dụng; 3. Thủ tục):
1. Đối với bản gốc các tác phẩm nghệ thuật và bản thảo gốc của nhà văn và nhà soạn nhạc mà tác giả đã chuyển nhượng, thì tác giả hoặc sau khi tác giả chết, những cá nhân hoặc đoàn thể được sở hữu quyền tác giả theo luật pháp quốc gia được hưởng quyền không được chuyển nhượng đối với lợi nhuận khi bán các tác phẩm đó sau khi tác giả đã chuyển nhượng lần đầu.
2. Việc bảo hộ quy định tại khoản trên đây chỉ có hiệu lực trong các nước thành viên Liên hiệp nếu luật pháp quốc gia của tác giả thừa nhận sự bảo hộ đó và ở mức độ luật pháp quốc gia nơi công bố bảo hộ cho phép.
3. Những thể thức và mức thu tiền do luật pháp của mỗi quốc gia quy định”.
Theo quy định trên của Công ước Bern thì tác giả (hoặc người thừa kế của tác giả) của các tác phẩm mỹ thuật và bản thảo tác phẩm văn học có quyền bảo lưu quyền hưởng lợi nhuận của mình cho những lần bán tác phẩm tiếp sau này. Tuy nhiên, quy định này không mang tính bắt buộc đối với các quốc gia thành viên mà các quốc gia có quyền lựa chọn về việc có quy định hay không, và nếu có quy định cũng sẽ tự quyết định về thủ tục và mức thù lao riêng.
Vào giữa thế kỷ 20, một số quốc gia theo hệ thống thông luật như Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Thụy Điển cũng đã ban hành quy định về quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau giống như pháp luật của Pháp.
Năm 2001, Nghị viện và Hội đồng Liên minh châu Âu đã ra chỉ thị số 2001/84/EC về quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau, vì lợi ích của tác giả tác phẩm nghệ thuật gốc[4] và có hiệu lực trên toàn bộ lãnh thổ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu vào năm 2006. Chỉ thị đã thiết lập khung pháp lý cơ bản về quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau.
2. Các quy định cơ bản liên quan đến quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau theo Chỉ thị số 2001/84 của Nghị viện và Hội đồng Liên minh châu Âu
2.1. Mục đích của việc quy định quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau
Quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau là quyền không thể chuyển nhượng hoặc miễn trừ, theo đó các nghệ sỹ được nhận thù lao bản quyền cho những lần bán tác phẩm tiếp sau kể từ lần đầu tiên bán tác phẩm. Mục tiêu trước hết của việc quy định quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau là bảo đảm cho các nghệ sỹ, tác giả của các tác phẩm nghệ thuật tạo hình được hưởng những lợi ích kinh tế chính đáng từ sự gia tăng giá trị các tác phẩm của họ. Với các nghệ sỹ thị giác, trong giai đoạn đầu của sự nghiệp thường bán các tác phẩm của họ với giá thấp cho các nhà sưu tập hoặc đại lý, nhưng sau đó với danh tiếng ngày càng được nâng cao thì trị giá các tác phẩm của họ tăng dần. Tuy nhiên, giá trị này nếu chỉ có các nhà sưu tầm, nhà bán hàng hưởng lợi thì không công bằng cho chính tác giả đã tạo ra giá trị đó. Ngoài ra, khi so sánh với các nhà sáng tạo khác như nhà soạn nhạc hoặc nhà văn, số tiền nghệ sĩ thị giác nhận được để tạo ra cho các tác phẩm của họ thường rất thấp mà họ lại không được nhận các khoản tiền bản quyền cho việc khai thác làm tác phẩm phái sinh nữa[5]. Việc quy định quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau sẽ tạo ra sự cân bằng giữa nghệ sỹ thị giác và các tác giả khác trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
2.2 Các điều kiện áp dụng quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau  
Thứ nhất, tác phẩm được bảo hộ quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau  
Điều 2 của Chỉ thị có quy định tác phẩm được áp dụng quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau phải là các tác phẩm gốc bao gồm tác phẩm nghệ thuật đồ họa, tạo hình như hình ảnh, ảnh ghép, tranh vẽ, bản vẽ, khắc, in, thạch bản, điêu khắc, tấm thảm, gốm sứ, đồ thủy tinh và hình ảnh, được thực hiện lần đầu bởi chính nghệ sỹ. Các bản sao của các tác phẩm nghệ thuật này cũng có thể được xem xét để bảo hộ quyền này nếu được tạo ra một số lượng hạn chế đã được đánh số do chính nghệ sỹ hoặc người nhận ủy quyền hợp pháp từ chính nghệ sỹ đó thực hiện.
Tại mục hướng dẫn số 19 của Chỉ thị đã nhấn mạnh quy định về quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau không áp dụng cho các bản thảo gốc của các nhà văn và nhà soạn nhạc. Quy định này khác với các loại hình tác phẩm được áp dụng quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau theo công ước Berne. Theo quan điểm của các nhà lập pháp châu Âu thì chỉ có nghệ sỹ các tác phẩm thị giác mới được áp dụng.
   Thứ hai, về hình thức thực hiện việc mua bán tác phẩm lần tiếp sau
Khoản 1 Điều 1 của Chỉ thị quy định việc bán tác phẩm lần tiếp sau được áp dụng cho tất cả các hành vi bán lại liên quan đến người bán, người mua hoặc các chuyên gia thị trường nghệ thuật trung gian, như phòng bán hàng, phòng trưng bày nghệ thuật và nói chung, bất kỳ đại lý nào trong các tác phẩm nghệ thuật. Tại hướng dẫn số 18 của Chỉ thị cũng đã làm rõ hình thức của việc mua bán lại không áp dụng cho việc bán lại giữa các cá nhân hành động với tư cách cá nhân mà không có sự tham gia của một chuyên gia thị trường nghệ thuật hoặc bán lại với tư cách cá nhân cho các bảo tàng phi lợi nhuận hoặc các bảo tàng mở cửa công cộng.
Thứ ba, về thời gian bán tác phẩm lần tiếp sau không áp dụng đối với hành vi bán lại tác phẩm đã được mua trực tiếp từ tác giả dưới 3 năm.
Thứ tư, về giá tác phẩm lần tiếp sau, Điều 3 của Chỉ thị cho phép các quốc gia thành viên được đặt ra giá bán tối thiểu cụ thể nhưng không được vượt quá 3000 €.
Hiện tại, các quốc gia thành viên đã ban hành mức tối thiểu khá khác nhau, ở Anh là 1500 €[6]; ở Đức là mức 400 €, ở Pháp là 750 € và Áo với mức cao nhất là 3.000 €[7].
2.3. Chủ thể được quyền nhận thù lao bản quyền
Điều 6 của Chỉ thị quy định tiền bản quyền sẽ được trả cho tác giả của tác phẩm và những người khác được phép hưởng quyền sau khi tác giả chết.
Tác giả được đề cập ở đây phải là công dân các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu hoặc cá nhân cư trú thường xuyên ở các quốc gia thành viên. Công dân ở nước thứ ba ngoài Liên minh châu Âu có thể hưởng quyền này nếu ở nước đó có quy định về quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau và pháp luật của quốc gia đó phải công nhận đối ứng quyền của các nghệ sỹ Liên minh châu Âu.
Về những người khác được hưởng quyền sau khi tác giả chết, Hướng dẫn số 27 có giải thích rằng những người có quyền nhận tiền bản quyền phải được quy định cụ thể dựa vào nguyên tắc bổ trợ (Subsidiarity)[8]. Mặc dù việc thực thi quy định này của Chỉ thị không tương thích hoàn toàn trong mối liên quan với luật thừa kế của các quốc gia thành viên nhưng những người được hưởng quyền phải có khả năng hưởng lợi đầy đủ từ việc bán lại sau khi tác giả qua đời.
Luật Sở hữu trí tuệ của Pháp có quy định người được hưởng quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau khi nghệ sỹ qua đời chỉ có thể là người thừa kế mà không phải là bất kỳ người nào được tác giả ủy quyền. Quy định này đã gây nhiều tranh cãi trong việc áp dụng Luật đối với vụ việc liên quan đến danh họa Salvador Dalí. Cụ thể, danh họa Salvador Dalí mất tại Tây Ban Nha vào năm 1989, để lại 5 người thừa kế là những thành viên của gia đình ông, ngoài ra ông có chỉ định Nhà nước Tây Ban Nha là chủ thể duy nhất có quyền hưởng các quyền sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm của ông. Căn cứ vào quy định của pháp luật Pháp thì tổ chức quản lý tập thể ADAGP tại Pháp đã thanh toán tiền bản quyền cho các lần bán lại tranh cho những người thừa kế của Salvador Dalí mà không chuyển cho tổ chức quản lý quyền sở hữu trí tuệ của Salvador Dalí tại Tây Ban Nha theo ý chí của ông. Vụ việc này gây ra những tranh luận nhất định liệu quy định này của Pháp có trái với Chỉ thị của Liên minh châu Âu không khi đã loại trừ người được hưởng quyền theo ủy quyền của tác giả, có tạo ra sự phân biệt đối xử với người được hưởng quyền không? 
Vào ngày 15 tháng 4 năm 2010, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã phán quyết rằng Điều 6 của Chỉ thị đã không hạn chế pháp luật của các thành viên quy định về đối tượng được hưởng lợi ích về quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau khi tác giả qua đời. Dựa vào các mục tiêu của Chỉ thị 2001/84, các quốc gia thành viên có thể đưa ra các lựa chọn lập pháp của riêng họ trong việc xác định chủ thể có quyền hưởng quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau[9].
Ngoài ra, Điều 6 của Chỉ thị cũng đề cập đến việc các quốc gia thành viên có quyền quy định về tổ chức quản lý tập thể quản lý quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau.
Hướng dẫn số 28 của Chỉ thị làm rõ các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm trong việc tổ chức thực thi quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau, đặc biệt cần chú trọng về cách thức quản lý quyền; trong đó có thể xem xét quy định về tổ chức quản lý tập thể quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau. Khi quy định vấn đề này, các quốc gia thành viên phải đảm bảo tổ chức quản lý tập thể đó hoạt động minh bạch và hiệu quả đồng thời phải đảm bảo vấn đề thu thập và phân phối tiền bản quyền hợp lý cho cả các tác giả là công dân của thuộc và không thuộc các quốc gia thành viên.
Trên thực tế, hầu như các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đều có các tổ chức quản lý tập thể quản lý quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau (Các tổ chức này sẽ đại diện thu thập và phân phối tiền bản quyền của quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau) như tổ chức Design and Artist’s Copyright Society (DACS) hoặc Artists’ Collecting Society (ACS) tại Anh, tổ chức Société des Auteurs Dans Les Arts grapiques et Plastiques (Adagp) và Société des Auteurs Des Arts Visuels et de l'Image Fixe (Saif) tại Pháp, VG Bild-kunst ở Đức, tổ chức quản lý tập thể tác giả và nhà xuất bản (SIAE) ở Ý, tổ chức Związek Polskich Artysstów Plastyków (ZPAP) và ZWIązek Polskich Artysstów Fotografików (ZPAF) ở Ba Lan và Vegap (Visual Entidad de Gestión de Artistas Plátsicos) ở Tây Ban Nha và organismos syllogikis diacheirisikon Technon Kai Efarmogon (Osdeete) ở Hy Lạp… Các tổ chức này thường đã ký kết các thỏa thuận về quyền đối ứng nhau trên khắp Liên minh châu Âu và các quốc gia có quy định về quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau[10].
2.4. Chủ thể phải thanh toán tiền bản quyền
Khoản 4 Điều 1 của Chỉ thị quy định về nguyên tắc tiền bản quyền cho lần bán lại được người bán phải trả nhưng các quốc gia thành viên có thể cung cấp bất kỳ chuyên gia thị trường nghệ thuật nào khác cùng tham gia vào việc chịu trách nhiệm thanh toán tiền bán quyền cùng với người bán. Hầu hết các quốc gia của Liên minh châu Âu đều áp dụng cách quy định mà Chỉ thị đề xuất. Vấn đề đặt ra là nếu các chuyên gia thị trường nghệ thuật sử dụng các quy định hợp đồng để chuyển trách nhiệm pháp lý nhằm thanh toán tiền bản quyền cho người mua thì có phù hợp không?
Nội dung này liên quan đến vụ kiện giữa Christie's France (công ty con của tập đoàn Christies chuyên về hoạt động đấu giá các tác phẩm nghệ thuật) và Syndicat National Des Puquiquaires – SNA (một hiệp hội có các thành viên hoạt động trong cùng lĩnh vực với Christie), theo đó SNA cho rằng từ năm 2008 đến năm 2009, trong các hợp đồng bán các tác phẩm nghệ thuật mà Christie đại diện cho bên bán đã đưa ra các điều khoản liên quan đến tiền bản quyền cho lần bán lại các tác phẩm nghệ thuật là bên mua phải thanh toán thay vì bên bán như Luật Sở hữu trí tuệ của Pháp đã quy định[11]. Điều này vi phạm đến sự cạnh tranh lành mạnh. Vụ kiện đã diễn ra ở nhiều cấp tòa và sau đó Tòa phúc thẩm đã quyết định giữ nguyên quá trình tố tụng và tìm kiếm sự hướng dẫn từ Tòa tối cao châu Âu (CJEU). Ngày 26/2/2015, Tòa tối cao đưa ra phán quyết rằng khoản 4 Điều 1 của Chỉ thị số 2001/84 phải được hiểu là quy định này không bắt buộc là chỉ có người bán mới có nghĩa vụ thanh toán tiền bản quyền mà người bán hoặc chuyên gia thị trường nghệ thuật có liên quan đến giao dịch có thể thỏa thuận với người khác bao gồm cả người mua rằng ai sẽ phải chịu trách nhiệm một phần hoặc toàn bộ phí bản quyền cho lần bán lại, miễn là sự thỏa thuận này không ảnh hưởng đến lợi ích của tác giả[12].
2.5. Mức thanh toán tiền bản quyền
Theo Điều 4 của Chỉ thị thì tiền bản quyền cho lần bán lại phải được quy định theo các mức tương ứng với số tiền bán tác phẩm, giá trị tác phẩm lớn thì tỷ lệ tiền bản quyền giảm, cụ thể:
(a) 4% cho phần giá bán lên tới 50.000 EUR;
(b) 3% cho phần giá bán từ 50.000,01 EUR lên 200.000 EUR;
(c) 1 phần trăm cho phần giá bán từ 11.000,01 EUR lên 350.000 EUR;
(d) 0,5% cho phần giá bán từ mức 350.000,01 EUR lên 500.000 EUR;
(e) 0,25% cho phần giá bán vượt quá 500.000 EUR.
Các quốc gia thành viên có nhiều quy định khác nhau về tỷ lệ này. Một số quốc gia nhấn mạnh rằng việc thực hiện Droit De Suite (Resale right) với mức giá cao sẽ dẫn đến các giao dịch về nghệ thuật sẽ chuyển sang các nước thứ ba (các nước không có quy định về Resale right). Liên quan đến việc thiết lập tỷ giá tiền bản quyền nên áp dụng một tỷ lệ đơn lẻ, cố định cho tất cả doanh số sẽ thực tế hơn và cho phép các chủ thể có liên quan như chủ sở hữu, đại lý nghệ thuật và tổ chức quản lý tập thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách đơn giản và hiệu quả hơn[13].
2.6. Quyền tiếp nhận thông tin
Để quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau được thực thi hiệu quả thì các quốc gia thành viên cần áp dụng các thủ tục thích hợp để giám sát các giao dịch mua bán, nhất là việc cung cấp thông tin cho người được hưởng quyền. Điều 9 của Chỉ thị có đề cập các quốc gia thành viên có thể quy định rằng trong khoảng thời gian ba năm sau khi bán lại, những người được hưởng quyền (bao gồm nghệ sỹ hoặc người được trao quyền khi nghệ sỹ qua đời) có thể yêu cầu các chủ thể có liên quan được đề cập trong Điều 1 (2) (người bán, người mua hoặc các đơn vị thị trường nghệ thuật trung gian như phòng bán hàng, phòng trưng bày nghệ thuật…) cung cấp bất kỳ thông tin nào có thể cần thiết để bảo đảm thanh toán tiền bản quyền đối với việc bán lại.
Hướng dẫn số 30 của Chỉ thị cũng lưu ý các quốc gia thành viên có thể quy định về tổ chức quản lý tập thể quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau cũng được quyền hưởng và tiếp nhận các thông tin liên quan.
3. Khuyến nghị cho Việt Nam            
   Ngày 30/6/2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Tại khoản 1 Điều 12.15 của Hiệp định có quy định “vì lợi ích của tác giả bản gốc tác phẩm nghệ thuật, mỗi Bên có thể quy định quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau, được xác định như là một quyền bất khả nhượng, được nhận một khoản tiền bản quyền dựa trên giá bán cho bất kỳ lần bán lại nào của tác phẩm, sau khi tác giả chuyển giao tác phẩm lần đầu tiên”[14].
Hiện tại, Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam không có điều khoản nào quy định về quyền của các nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm nghệ thuật tiếp sau.
Liên quan đến việc chuyển giao tác phẩm, Luật Sở hữu trí tuệ có quy định về hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả[15]. Theo đó, hợp đồng phải được lập thành văn bản và bao gồm các nội dung như (i) Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng; (ii) Căn cứ chuyển nhượng; (iii) Giá, phương thức thanh toán; (iv) Quyền và nghĩa vụ của các bên; (v) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Nội dung cụ thể của hợp đồng do các bên thỏa thuận. Vậy giả sử xảy ra trường hợp một họa sỹ Việt Nam ký kết hợp đồng bán tranh với một nhà sưu tầm tranh ở châu Âu trong đó có thỏa thuận về việc sau khi chuyển nhượng lần đầu tiên, tác giả vẫn được nhận tiền bản quyền cho những lần bán lại tác phẩm nghệ thuật thì thỏa thuận này có hiệu lực không?
Căn cứ vào quy định về đối tượng chủ thể được hưởng quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau theo Chỉ thị 84/2001/EC như đã phân tích ở trên và quy định tại Điều 12.15 của Hiệp định EVFTA[16] thì các tác giả của Việt Nam sẽ không được hưởng quyền này vì pháp luật Việt Nam không quy định đồng nghĩa với việc nếu có thỏa thuận thì cũng không thực thi được.
Rõ ràng, quy định về “quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm nghệ thuật tiếp sau” không phải là nghĩa vụ bắt buộc của các thành viên hiệp định EVFTA, việc Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam không ghi nhận quy định này không mâu thuẫn đến những cam kết chung của hai bên. Tuy nhiên, thực tế sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các nghệ sỹ khi có các tác phẩm được bán đấu giá tại các nước châu Âu như thế này.
Việt Nam là quốc gia có nền nghệ thuật phong phú và đa dạng. Bên cạnh nghệ thuật âm nhạc thì nghệ thuật mỹ thuật, nhiếp ảnh để lại nhiều dấu ấn và thành tựu. Tính đến năm 2019 thì Hiệp hội mỹ thuật Việt Nam đã có đến 1.945 hội viên với nhiều tác phẩm nổi bật. Trong những năm gần đây, thị trường tranh Việt Nam đã có nhiều khởi sắc khi tranh Việt đã xuất hiện trên thị trường quốc tế với những nhà đấu giá chuyên nghiệp quốc tế như Christie’s, Sotheby’s Hong Kong, Drouot Pháp và đã đạt được những mốc giá bán kỷ lục[17], bên cạnh đó còn rất nhiều tác phẩm chưa được trả thù lao tương xứng với giá trị tác phẩm trong lần bán đầu tiên. Do đó, để tạo được cơ sở pháp lý cần thiết cho việc công nhận, khuyến khích sự sáng tạo của tác giả, bảo đảm việc khai thác lợi ích kinh tế hiệu quả nhất của tác giả các tác phẩm nghệ thuật, Việt Nam cần bổ sung quy định về “quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau” trong Luật Sở hữu trí tuệ. Vấn đề cần lưu ý là khi quy định về điều khoản này, Việt Nam cần quy định rõ loại hình tác phẩm nào có thể được áp dụng quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tiếp sau đối với tác phẩm nghệ thuật, giải thích rõ thế nào là tác phẩm gốc, chủ thể nào được hưởng quyền, chủ thể nào có nghĩa vụ thanh toán tiền bản quyền, tỷ lệ bản quyền, nghĩa vụ cung cấp thông tin cũng như quy định rõ về tổ chức quản lý tập thể quyền của nghệ sỹ đối với các lần bán tác phẩm tiếp sau tại Việt Nam. 
 

 


[1] Banternghansa, Chanont & Graddy, Kathryn, The Impact of the Droit de Suite in the UK: An Empirical Analysis, https://www.researchgate.net/publication/24016692_The_Impact_of_the_Droit_de_Suite_in_the_UK_An_Empirical_Analysis, truy cập ngày 17/2/2022.
[2] Allison Schten, No more starving artists: why the art market needs a universal artist resale royalty right, Notre Dame Journal of International & Comparative Law, 7(1)/2017, p.116.
[3] Công ước Bern – bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật (Đạo luật Paris, ngày 24 tháng 7 năm 1971, sửa đổi ngày 28 tháng 9 năm 1979), (Bản Tiếng Việt) đăng tại http://www.cov.gov.vn/tin-tuc/cong-uoc-berne-bao-ho-cac-tac-pham-van-hoc-va-nghe-thuat-co-hieu-luc-tai-viet-nam-tu-ngay-26-thang-10-nam-2004, truy cập ngày 3/10/2022.
[4] Directive 2001/84/EC of the European Parliament and of the Council of 27 September 2001 on the resale right for the benefit of the author of an original work of art, https://eur lex.europa.eu/LexUriServ/LexUriServ.do?uri=CELEX:32001L0084:EN:HTML, truy cập ngày 28/12/2021.
[5] Cisac, Eva, Gesac, Artist’s Resale right, trang 2 xem tại  https://www.cisac.org/Media/Studies-and-Reports/Publications/SG14-0464_Resale_right_2014-05-15_EN, truy cập ngày 1/3/2022.
[6] Khoản 2 Điều 6 Artists’ Resale Right Regulations, 2006, https://wipolex-res.wipo.int/edocs/lexdocs/laws/en/mt/mt029en.pdf, truy cập ngày 11/3/2022.
[7] Allison Schten, No more starving artists: why the art market needs a universal artist resale royalty right, Notre Dame Journal of International & Comparative Law, 7(1)/2017, p.118
[8] Nguyên tắc bổ trợ (subsidiarity) tại Liên minh châu Âu là nguyên tắc mà các quyết định được giữ lại bởi các quốc gia thành viên nếu sự can thiệp của Liên minh châu Âu là không cần thiết. Liên minh châu Âu chỉ hành động tập thể khi quyền lực của các quốc gia thành viên là không đủ”.
 
[9] The Court of Justice of the European Union’s Press Release số 34/10 ngày 15/12/2014, https://curia.europa.eu/jcms/upload/docs/application/pdf/2010-04/cp100034en.pdf, truy cập ngày 17/3/2022.
[10] Jens Gaster, M. ‘Resale Right Directive’, in Irini stamatoudi and Paul torremans, European Copyright Law. A Commentary, Edward Elgar, 2021, p.268.
[11] Article L. 122‑8 Bộ Luật sở hữu trí tuệ của Pháp, https://www.legifrance.gouv.fr/codes/section_lc/LEGITEXT000006069414/LEGISCTA000006146349/#LEGISCTA000006146349, truy cập ngày 22/3/2022.
[12] Phán quyết của CJEU trong Case C‑41/14 (Christie’s France SNC v Syndicat national des antiquaires),
[13] Jens Gaster, M. ‘Resale Right Directive’, in Irini stamatoudi and Paul torremans, European Copyright Law. A Commentary, Edward Elgar, 2021, p. 265.
[14] Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (Bản Tiếng Việt), https://trungtamwto.vn/file/19694/loi-van-hiep-dinh-evfta.pdf.
[15] Điều 46 Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.
[16] Điều 12.15 Hiệp định EVFTA quy định “1. Vì lợi ích của tác giả bản gốc tác phẩm nghệ thuật, mỗi Bên có thể quy định quyền bán lại, được xác định như là một quyền bất khả nhượng, được nhận một khoản tiền bản quyền dựa trên giá bán cho bất kỳ lần bán lại nào của tác phẩm, sau khi tác giả chuyển giao tác phẩm lần đầu tiên. 2. Quyền đề cập tại khoản 1 áp dụng đối với tất cả các hành vi bán lại có liên quan như người bán, người mua hoặc các thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp trung gian như các phòng tranh, các phòng trưng bày, và bất kỳ người buôn bán tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp nào. 3. Mỗi Bên có thể quy định rằng quyền đề cập tại khoản 1 không áp dụng đối với trường hợp người bán đã có được tác phẩm trực tiếp từ tác giả trong thời gian không quá ba năm trước khi bán lại và giá bán lại không vượt quá một số tiền tối thiểu nhất định. 4. Quyền đề cập tại khoản 1 chỉ có thể được áp dụng ở một Bên khi pháp luật của Bên mà tác giả là công dân thừa nhận và ở mức độ mà pháp luật của Bên đó cho phép. Thủ tục xác định và thu khoản tiền bản quyền đó do pháp luật quốc gia quy định.
[17] Trang Thanh Hiền, Những mốc lịch sử của đấu giá tranh Việt, https://vietnamnet.vn/nhung-dau-moc-lich-su-cua-dau-gia-tranh-viet-772320.html truy cập lúc 8h ngày 20/3/2022. 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 04 (476), tháng 02/2023.)


Thống kê truy cập

33060875

Tổng truy cập