Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường

30/06/2023

THS. NGUYỄN THỊ THÙY DUYÊN

Trường Đại học Y tế Công cộng.

Tóm tắt: Đồ uống có đường là nguồn cung cấp đường chính cho cơ thể. Việc tiêu thụ đồ uống có đường có liên quan đến việc tăng năng lượng ăn vào, tăng cân, thừa cân và béo phì, từ đó dẫn tới sự phát triển của một số bệnh không lây nhiễm như tiểu đường và các bệnh tim mạch. Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị đánh thuế đối với đồ uống có đường là lựa chọn chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ sản phẩm này. Để hạn chế các hậu quả tới sức khỏe, giảm chi phí y tế liên quan đến việc sử dụng đồ uống có đường và để tăng khả năng tiếp cận các thực phẩm lành mạnh, có lợi cho sức khỏe, Việt Nam cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.
Từ khóa: Thuế tiêu thụ đặc biệt, đồ uống có đường, bệnh không lây nhiễm.
Abstract: Sugar-sweetened beverages are the main source of sugar for the body. The consumption of sugar-sweetened beverages is associated with increased energy intake, weight gain, overweight, and obesity, which in turn leads to the development of a number of non-communicable diseases such as diabetes and cardiovascular diseases. The World Health Organization recommends a taxation policy on sugar-sweetened beverages as an important policy option to reduce consumption of these products. It is necessary for Vietnam to impose an excise tax on sugar-sweetened beverages to reduce harmful effects on health, reduce the medical costs associated with the use of these products, and to increase access to healthy, fresh foods.
Keywords: Excise tax; sugar-sweetened beverages; non-communicable diseases.
 THUẾ_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Tổng quan về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường
1.1. Bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường
“Đường, rượu và thuốc lá là những loại hàng hóa mà không nơi nào trên thế giới cho là thiết yếu với cuộc sống, nhưng lại là những mặt hàng được tiêu dùng trên diện rộng, và vì thế đây là những sản phẩm mà việc đánh thuế được xem là phù hợp nhất”[1]. Đã có rất nhiều công trình khoa học chứng minh rằng, việc tiêu thụ quá nhiều đường là nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân - béo phì, tiểu đường, sâu răng; nó cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch và cao huyết áp. Nguồn cung cấp đường lớn nhất cho cơ thể là từ đồ uống có đường (ĐUCĐ) và mức tiêu thụ loại hàng hóa này đang tăng lên ở hầu hết các quốc gia[2]. Chính vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến nghị giảm tiêu thụ đường thông qua việc áp thuế hiệu quả đối với mặt hàng ĐUCĐ[3].
Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTTĐB) cho ĐUCĐ là loại thuế gián thu đánh vào sản phẩm đồ uống có chứa đường tự do do các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoặc nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam nhằm mục đích định hướng sản xuất và điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng. Thuế cho ĐUCĐ được khuyến nghị là đòn bẩy chính sách hiệu quả với tác động kép: giảm sử dụng ĐUCĐ cũng như các hậu quả sức khỏe liên quan và tạo nguồn lực cải thiện phúc lợi xã hội[4]. Khuyến nghị này nhanh chóng được các quốc gia hưởng ứng với hơn 2 tỷ người trên thế giới đã được hưởng lợi[5].
1.2. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường được áp dụng tại một số nước trên thế giới
Theo kết quả tổng quan về đánh thuế ĐUCĐ, hiện tại, 56 quốc gia/vùng lãnh thổ và 9 bang đã áp dụng TTTĐB cho mặt hàng này[6]. Một báo cáo điều tra toàn cầu cũng chỉ ra tỷ lệ các quốc gia có chính sách áp thuế ĐUCĐ đang tăng khá nhanh từ 23% năm 2017 lên 38% năm 2019[7], chỉ trong vòng 5 năm qua đã có tới hơn 30 quốc gia áp thuế[8].
Tại châu Âu, hầu hết các quốc gia áp dụng mức thuế tuyệt đối cho mặt hàng này. Cụ thể: Pháp thu thuế 0,20 EUR/lít cho các sản phẩm có lượng đường trên 11g/100ml; Phần Lan đánh thuế tiêu dùng với ĐUCĐ là 0,22 EUR/lít. Tại Anh, mức thuế suất TTTĐB là 24 xu/lít với đồ uống có trên 8 gram đường/lít; còn ở Hungary, mức thuế tuyệt đối với các sản phẩm này là 0,02 USD/lít[9].   
Tại châu Mỹ, 22 quốc gia ở Nam Mỹ đã áp dụng TTTĐB cho sản phẩm ĐUCĐ sản xuất, kinh doanh hoặc nhập khẩu và tiêu thụ ở quốc gia mình. Còn tại Bắc Mỹ, 8 bang của Hoa Kỳ đã sử dụng mức thuế tuyệt đối với thuế suất giao động từ 1 đến 2 xu cho mỗi ounce ĐUCĐ[10].
Tại Trung Đông, các nước như Ả Rập Saudi, Bahrain hay Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đều áp mức TTTĐB 50% cho mọi ĐUCĐ. Bên cạnh đó, Qatar, Oman, Ả Rập Xê Út còn quy định áp mức thu 100% với đồ uống tăng lực[11].
Để định hướng và hạn chế tiêu dùng các loại ĐUCĐ, rất nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đã áp TTTĐB với mặt hàng này. Philippines thu TTTĐB với mức thuế suất tuyệt đối 6 peso/lít. Malaysia áp 0,4 RMO trên mỗi lít ĐUCĐ. Tại Brunei mức thu này là 0,4 BND/lít. Thái Lan hiện đang áp dụng phương thức thuế hỗn hợp, ngoài 14% thuế tỷ lệ theo giá bán lẻ cho mọi ĐUCĐ không bao gồm nước ép trái cây và rau củ thì các sản phẩm ĐUCĐ sẽ phải đóng thuế từ 0.1-5 bath/lít tùy số gram đường/lít sản phẩm. Theo thông tin từ Ban thư ký ASEAN, các nước trong khu vực đang xem xét áp dụng TTTĐB đối với ĐUCĐ là Myanmar với mức thuế suất dự kiến 5% và Indonesia với mức thuế tuyệt đối dự kiến là 3.000 rupi/lít nước ngọt có ga[12]. Như vậy, hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á đã và sẽ thực hiện thu TTTĐB đối với mặt hàng ĐUCĐ.
2. Vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Luật TTTĐB đầu tiên của nước ta được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ năm 1990. Mục tiêu của việc ban hành Luật là để hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng cho ngân sách nhà nước một cách hợp lý và tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh đối với một số mặt hàng sản xuất[13].
TTTĐB giúp Nhà nước thực hiện chức năng hướng dẫn, điều chỉnh việc sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng một số hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ, chưa thật cần thiết cho nhu cầu xã hội do mức thuế suất cao sẽ góp phần ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định tiêu dùng và như vậy sẽ hạn chế được những hàng hóa, dịch vụ không có lợi cho nền kinh tế và xã hội.
Thông qua TTTĐB, Nhà nước điều tiết thu nhập của người tiêu dùng vào ngân sách một cách công bằng, hợp lý. Người tiêu dùng nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu thuế thì nộp thuế nhiều hơn người tiêu dùng ít hoặc không phải nộp thuế nếu không tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ đó. Do vậy, TTTĐB góp phần giúp tái phân phối thu nhập và đảm bảo tính công bằng xã hội. Bên cạnh đó, bằng việc đánh TTTĐB với thuế suất cao vào các sản phẩm, dịch vụ xa xỉ, các hàng hóa cần điều tiết, Nhà nước có thể thu được số thu TTTĐB khá lớn.
Đánh thuế đối với ĐUCĐ là can thiệp chính sách quan trọng được WHO khuyến nghị nhằm giảm mức tiêu thụ và các tác động tiêu cực của ĐUCĐ đến sức khỏe[14].
Xét dưới góc độ mục tiêu bảo vệ sức khỏe thì TTTĐB được xem là sắc thuế quan trọng nhất. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong các yếu tố ảnh hưởng đến lượng mua, giá cả là yếu tố có mức độ ảnh hưởng hàng đầu chứ không phải là do khẩu vị hay môi trường xung quanh[15]. Không giống như các loại thuế thu trên diện rộng của nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ như thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu dùng chung, TTTĐB làm gia tăng mức giá tương đối của hàng hóa so với giá của các loại hàng hóa và dịch vụ khác. Do vậy, TTTĐB trở thành công cụ hữu hiệu để điều tiết lượng tiêu dùng ĐUCĐ, làm giảm việc tiêu thụ các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.
Trong bối cảnh xu hướng tiêu thụ ĐUCĐ đang tăng rất mạnh, gấp 7 lần trong vòng 15 năm[16] như hiện nay, việc áp TTTĐB đối với ĐUCĐ có vai trò quan trọng trong việc giúp định hướng sản xuất, khuyến khích các nhà sản xuất điều chỉnh giảm lượng đường trong các sản phẩm của mình, hướng tới việc sản xuất các thực phẩm lành mạnh, hỗ trợ sức khỏe. WHO khuyến nghị cần áp TTTĐB cho ĐUCĐ ở mức tăng giá bán lẻ lên ít nhất 20% để có tác động lớn nhất[17],[18]
3. Lợi ích và sự cần thiết áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường
3.1. Thuế tiêu thụ đặc biệt cho đồ uống có đường đối với giảm thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm
Ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa ĐUCĐ với thừa cân - béo phì và tăng nguy cơ đối với các bệnh không lây nhiễm. Một lon nước ngọt có đường trung bình cung cấp khoảng 150 calo, hầu hết đến từ lượng đường có trong sản phẩm. Nếu uống một lon mỗi ngày và không cắt giảm lượng calo ở những nơi khác, cơ thể có thể tăng tới 5 pound (xấp xỉ 2,3kg) trong vòng một năm[19]. Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ cũng cho thấy rằng, đối với mỗi trẻ em uống thêm 12 ounce (xấp xỉ 355ml) soda mỗi ngày, tỷ lệ mắc bệnh béo phì sẽ tăng lên 60% trong suốt 1 năm rưỡi theo dõi[20]. Nghiên cứu phân tích tại 75 quốc gia về mối liên quan giữa việc tiêu thụ nước giải khát với tình trạng thừa cân, béo phì đưa ra kết luận mức tiêu thụ nước ngọt tăng 1% có liên quan đến việc tăng thêm 4,8% người lớn thừa cân và 2,3% người lớn béo phì[21].
Bên cạnh việc thừa cân béo phì, thường xuyên tiêu thụ những đồ uống chứa nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường tuýp 2, bệnh tim và các bệnh mãn tính khác. Trong một nghiên cứu hệ thống và phân tích tổng hợp về ảnh hưởng của việc tiêu thụ nước ngọt đối với dinh dưỡng và sức khỏe, kết quả từ 88 nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra tiêu thụ ĐUCĐ liên quan tới trọng lượng cơ thể và tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe như bệnh tiểu đường[22]. Một nghiên cứu trong 24 năm với gần 90.000 phụ nữ cũng cho thấy, tiêu thụ ĐUCĐ thường xuyên có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao[23]. Một báo cáo khác cũng chỉ ra rằng, nếu mỗi ngày mỗi người đàn ông uống 1 lon ĐUCĐ thì nguy cơ đau tim hay tử vong do đau tim cao hơn 20% so với người hiếm khi sử dụng những sản phẩm này[24].
Tiêu thụ nhiều ĐUCĐ cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong sớm[25]. Một báo cáo cũng chỉ ra cứ 5 đơn vị BMI tăng thêm sẽ làm tăng 29% nguy cơ tử vong, 41% nguy cơ mắc bệnh tim và 210% nguy cơ tử vong liên quan đến tiểu đường[26].
Áp TTTĐB cho ĐUCĐ sẽ làm giảm tiêu dùng loại sản phẩm này và có đầy đủ bằng chứng khoa học cho thấy, việc giảm tiêu thụ ĐUCĐ dẫn đến việc giảm tỷ lệ mắc bệnh béo phì cũng như các bệnh không lây nhiễm liên quan đến béo phì[27]. Nhiều nghiên cứu ở cả trẻ em và người lớn đã chứng minh giảm tiêu thụ ĐUCĐ có thể giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn ở những người ban đầu vốn đang thừa cân[28],[29]. Ở Mexico, người ta dự đoán rằng, trong 10 năm, chính sách TTTĐB cho ĐUCĐ của nước này sẽ giúp ngăn chặn được 239.900 trường hợp béo phì, trong đó, 39% béo phì ở trẻ em được ngăn ngừa. Sự giảm béo phì này được dự đoán sẽ tránh được 5.840 năm số năm sống được điều chỉnh theo khuyết tật[30]. Một nghiên cứu mô hình về thuế ĐUCĐ 11%, 20% và 25% ở Thái Lan cũng cho thấy, thuế sẽ làm giảm tỷ lệ thừa cân và béo phì. Việc thực hiện các mức thuế 11%, 20% và 25% dẫn đến giảm trọng lượng trung bình 0,5 kg, 0,9 kg và 1,1 kg, và giảm tỷ lệ béo phì tương ứng là 1,7%, 3,8% và 4,9% trong ba năm[31]. Một nghiên cứu mô hình về áp thuế ĐUCĐ của Anh chỉ ra rằng, thuế có thể giúp phòng tránh hơn 19.000 trường hợp mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 mỗi năm và giảm gần 270.000 răng sâu, mất hoặc trám hàng năm[32].
3.2. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường và giảm tiêu thụ đồ uống có đường
Bằng chứng từ các khu vực đã thực hiện áp TTTĐB cho các sản phẩm ĐUCĐ cho thấy, mức giảm đáng kể trong việc tiêu thụ ĐUCĐ so với các khu vực không áp dụng thuế[33]. Ở Mexico, năm 2014, Chính phủ nước này đã áp mức thuế 1 peso với mỗi lít đồ uống không cồn bất kỳ nào có thêm đường (dạng bột, dạng cô đặc hoặc pha sẵn), điều này làm tăng khoảng 10% trên giá bán lẻ. Kết quả là năm 2015 lượng tiêu dùng ĐUCĐ đã giảm trung bình 7,6% so với năm 2014. Các hộ gia đình nghèo có mức giảm tiêu thụ trung bình cao hơn ở mức 11,7%. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, lượng tiêu thụ các sản phẩm đồ uống có lợi đã tăng lên 2,1% so với trước đó[34].
Ở Berkeley (California, Hoa Kỳ), vài tháng sau khi thực hiện thuế ĐUCĐ với mức 1 cent mỗi ounce, báo cáo mức tiêu thụ ĐUCĐ ở nhóm dân cư thu nhập thấp đã giảm 21% và mức tiêu thụ nước lọc tăng khoảng 63%. Ba năm sau khi thuế được thực hiện, mức tiêu thụ ĐUCĐ hàng ngày giảm đến 52.3% trong khi sản lượng nước lọc tiêu thụ tăng khoảng 29.3%[35],[36]. Một nghiên cứu khác về người tiêu dùng ĐUCĐ ở Nam Phi cho thấy, thuế đã góp phần giảm tiêu thụ từ 100ml-200ml/ngày[37].  Ở Thái Lan, sau hai năm thực hiện thuế ĐUCĐ ở mức 14% dựa trên hàm lượng đường, lượng tiêu thụ ĐUCĐ trung bình hàng ngày đã giảm 2,8%. Mức tiêu thụ đồ uống có ga giảm nhiều nhất, với mức tiêu thụ trung bình hàng ngày giảm 17,7%[38].
Tại Việt Nam, theo báo cáo nghiên cứu Mô hình tác động của TTTĐB đối với ĐUCĐ của tổ chức HealthBridge Việt Nam, nếu áp thuế với mức 60 VND/gram đường/lít thì lượng tiêu thụ sẽ giảm đi từ 10-25% tùy dạng ĐUCĐ trong đó nước trái cây đóng chai/lon có đường giảm 10% và nước tăng lực giảm 25% lượng sản phẩm tiêu thụ[39]. Rõ ràng là TTTĐB cho ĐUCĐ mang lại lợi ích đối với sức khỏe của cộng đồng thông qua việc giúp giảm tiêu thụ các sản phẩm đồ uống không có lợi cho sức khỏe.
3.3. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường và việc thay thế các sản phẩm có lợi cho sức khỏe
Khi xếp hạng đồ uống tốt cho sức khỏe, ĐUCĐ sẽ nằm ở cuối danh sách vì chúng cung cấp quá nhiều calo và hầu như không có các chất dinh dưỡng khác[40]. Mặc dù các tổ chức y tế và các chuyên gia y tế đã khuyến cáo hạn chế tiêu thụ các sản phẩm ĐUCĐ, nhưng tổng mức tiêu thụ các mặt hàng này ở Việt Nam vẫn ngày một gia tăng. Theo khảo sát của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát, lượng tiêu thụ ĐUCĐ bình quân đã tăng nhanh từ 6,6 lít/người năm 2002 lên 50,7 lít/người năm 2018. Bên cạnh đó, chỉ số tăng giá của ĐUCĐ đang chậm hơn tốc độ tăng của chỉ số CPI. Trong 15 năm qua, GDP theo đầu người tăng 280% trong khi giá nước ngọt chỉ tăng 210%, như vậy ĐUCĐ đang rẻ hơn so với 15 năm trước đây[41].
Khi áp TTTĐB, ngoài việc nhu cầu tiêu thụ ĐUCĐ bị thay đổi mà nhu cầu sản phẩm thay thế hoặc bổ sung cũng bị thay đổi theo. Nghiên cứu tại các nước khác nhau trên thế giới chỉ ra rằng, nếu áp dụng TTTĐB đối với ĐUCĐ thì những sản phẩm tốt cho sức khỏe như nước trái cây, nước rau củ quả, đồ uống ăn kiêng sẽ được sử dụng nhiều hơn[42]. Thuế ĐUCĐ của Mexico đã dẫn đến việc mua đồ uống có lợi cho sức khỏe (chẳng hạn như nước lọc) tăng 11% ở những người từng mua nhiều ĐUCĐ[43]. Việc thực hiện thuế suất 10% ở Barbados cũng đã làm giảm 4,3% doanh số bán hàng ĐUCĐ hàng tuần tại một chuỗi cửa hàng tạp hóa, trong khi doanh số tiêu thụ các sản phẩm-không-có-đường tăng 5,2%[44]. Ở Nam Phi, một năm sau khi thực hiện việc áp thuế, lượng mua đồ uống không bị đánh thuế tăng 10% so với xu hướng trước khi công bố thuế[45]. Còn ở Chile, một nghiên cứu mô hình cho thấy, việc tăng giá 10% đối với nước giải khát có liên quan đến việc tiêu thụ nước tăng 6,3%, điều này chỉ ra rằng, việc đánh thuế đối với nước giải khát có thể dẫn đến tăng tiêu thụ các đồ uống thay thế có lợi cho sức khỏe[46]. Việc áp thuế đối với mặt hàng ĐUCĐ sẽ khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi các phương thức sản xuất, giảm lượng đường có trong các loại đồ uống từ đó tạo ra sản phẩm lành mạnh hơn và tạo ra các cơ hội mới cho doanh nghiệp.
3.4. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường và tình trạng nghèo đói
Quan ngại về gánh nặng của thuế cho ĐUCĐ với người nghèo là một rào cản đối với việc áp thuế. Có ý kiến cho rằng, ĐUCĐ mang tính phổ biến rộng rãi và đối tượng chủ yếu tiêu thụ là tầng lớp nhân dân lao động có thu nhập không cao, như vậy áp TTTĐB cho ĐUCĐ là không phù hợp. Tuy nhiên, thực tế là tiêu dùng ĐUCĐ sẽ làm tăng tình trạng nghèo đói do một phần thu nhập sẽ được sử dụng để mua đồ uống không có lợi cho sức khỏe thay vì được sử dụng cho các nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho cuộc sống. Tình trạng này còn trở nên nghiêm trọng hơn khi một phần thu nhập của gia đình bị mất đi do người tiêu dùng sản phẩm ĐUCĐ bị ốm, bị bệnh hoặc thậm chí là tử vong do các bệnh liên quan đến tiêu thụ nhiều đường gây nên. Ở nhiều quốc gia, các hộ gia đình có thu nhập thấp thì tiêu thụ nhiều ĐUCĐ hơn, do đó họ bị béo phì, tiểu đường và các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống khác nhiều hơn[47].
Ngoài ra, do mức độ nhạy cảm đối với thay đổi về giá là khác nhau giữa các nhóm thu nhập, nhóm thu nhập thấp có độ nhạy cảm về giá cao hơn nên việc áp TTTĐB cho ĐUCĐ sẽ dẫn đến việc giảm tỷ trọng số tiền thuế do nhóm người có thu nhập thấp đóng góp trong tổng số nguồn thu từ thuế ĐUCĐ, trong khi tỷ trọng này lại tăng lên ở nhóm có thu nhập cao. Người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn phản ứng với giá cả hơn, có nghĩa là thuế ĐUCĐ đặc biệt hiệu quả trong việc giảm mua và tiêu dùng ở các nhóm đối tượng này[48]. Thêm vào đó, do giảm lượng tiêu dùng các sản phẩm ĐUCĐ, nhóm người nghèo, người có thu nhập thấp sẽ được hưởng lợi nhiều hơn cả về mặt kinh tế và sức khỏe từ việc áp thuế. Thậm chí TTTĐB còn có thể trở thành chính sách hỗ trợ người nghèo bằng cách sử dụng nguồn thu từ áp thuế vào các mục tiêu hỗ trợ phát triển xã hội. Ví dụ điển hình có thể kể ra là ở Mexico, việc triển khai thực hiện Luật TTTĐB đối với ĐUCĐ cho thấy, ngoài mức giảm tiêu thụ trung bình 11,7% trong các hộ gia đình nghèo thì hơn 2,6 tỷ đô la Mỹ tiền thuế trong hai năm đầu tiên đã được đầu tư lắp đặt đài phun nước tại các trường học trên khắp Mexico[49]. Tại Brazil, giá ĐUCĐ tăng 10% được ước tính làm giảm 10% lượng năng lượng/calo tiêu thụ từ các sản phẩm này ở người nghèo và 6,3% ở người không nghèo[50]. Một nghiên cứu mô hình của Úc về tác động của thuế ĐUCĐ ở mức 20% cho thấy rằng những nhóm dân số có thu nhập thấp nhất được lợi ích sức khỏe lớn nhất và tiết kiệm được chi phí chăm sóc sức khỏe cao nhất[51]
3.5. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường và việc làm
TTTĐB cho ĐUCĐ làm giảm việc mua các loại sản phẩm này nhưng không có bằng chứng nào về mối liên hệ giữa thuế ĐUCĐ và mất việc làm trong ngành đồ uống. Các nghiên cứu từ Hoa Kỳ, Mexico và Anh cho thấy không có sự mất việc làm đáng kể đối với ngành sản xuất đồ uống hoặc ngành bán lẻ thực phẩm hay các tác động kinh tế tiêu cực khác sau khi áp dụng thuế ĐUCĐ[52]. Nghiên cứu ở Chile cho thấy, tác động của chính sách thuế ĐUCĐ làm giảm 24,7% sức mua ĐUCĐ nhưng cũng không thấy có tác động tiêu cực làm giảm việc làm hay thu nhập của nhân công làm trong ngành công nghiệp này[53].
Ngược lại, một nghiên cứu mô hình tác động của thuế ĐUCĐ từ 20% đến 50% ở Brazil còn chỉ ra mức thuế này sẽ làm tăng tổng sản phẩm quốc nội từ 2,4 tỷ R$ (460 triệu USD) lên 3,8 tỷ R$ (736 triệu USD) và sẽ tạo ra từ 69.000 đến 200.000 việc làm, tùy thuộc vào thuế suất[54].
3.6. Thu thuế tiêu thụ đặc biệt từ đồ uống có đường giảm chi phí y tế và giúp hỗ trợ đầu tư cho các chương trình công cộng
Tiêu thụ ĐUCĐ góp phần gây ra các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống dẫn đến giảm năng suất và tạo ra gánh nặng tài chính lớn cho hệ thống y tế quốc gia. Ở Hoa Kỳ, hệ thống y tế phải chi trả một khoản khổng lồ cho các ca bệnh liên quan đến tiêu thụ ĐUCĐ - quy đổi tương đương với 10 xu cho mỗi lon nước ngọt được tiêu thụ[55]. Một nghiên cứu năm 2018 ước tính rằng, tiêu thụ ĐUCĐ ở Mexico dẫn đến mất thời gian lao động gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 1,4 tỷ đô la Mỹ, hơn một nửa việc mất năng suất này là do chết sớm[56].
TTTĐB cho ĐUCĐ có thể giảm tiêu thụ loại hàng hóa này và dẫn đến giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống, không chỉ mang lại nguồn thu cho nền kinh tế mà còn giảm chi phí chăm sóc sức khỏe. Một nghiên cứu mô hình ước tính tác động của mức thuế 1 peso mỗi lít ĐUCĐ của Mexico cho thấy, mỗi một đô la sử dụng để triển khai chính sách này sẽ tương đương với gần 4 đô la Mỹ chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe - và đó là mức quy đổi khi chưa kể đến việc tăng ngân sách sau khi triển khai luật. Nghiên cứu này cũng ước tính rằng, trong 10 năm triển khai thuế ĐUCĐ sẽ giảm hơn 200.000 trường hợp béo phì và giảm 61.000 trường hợp mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Tăng gấp đôi mức thuế hiện hành sẽ đem lại hiệu quả gấp đôi về mức chi phí tiết kiệm được và lợi ích về sức khỏe của chính sách này[57].
Nguồn thu có được từ thuế ĐUCĐ có thể được tái đầu tư vào các chương trình cải thiện sức khỏe cộng đồng như trợ cấp cho cơ sở hạ tầng, nước uống, hỗ trợ các bữa ăn lành mạnh tại trường học hoặc cung cấp quỹ tài chính cho các chiến dịch truyền thông sức khỏe[58]. Tại Philippines, một phần đáng kể doanh thu đến từ thuế rượu, ĐUCĐ và thuế thuốc lá được dành riêng cho việc cung cấp tài chính để hỗ trợ cho quỹ Bảo hiểm Y tế Quốc gia và nâng cấp cơ sở y tế. Việc gắn chi với thu này đã cung cấp một nguồn thu nhập bền vững và đáng kể, tăng nguồn lực cho y tế tại đây lên gấp ba lần trong 5 năm (2013 – 2018)[59]. Nguồn thu đến từ thuế ĐUCĐ tại Vương quốc Anh cũng sẽ được sử dụng để nâng cao sức khỏe của trẻ em, bao gồm cung cấp tài chính cho các hoạt động thể dục thể thao và các chương trình cung cấp bữa sáng tại trường học[60].
Trong thời điểm nền kinh tế của các quốc gia đang phục hồi sau đại dịch COVID-19, thuế ĐUCĐ có thể tạo ra nhiều khoản thu cần thiết cho chính phủ để hỗ trợ việc cải thiện sức khỏe cộng đồng. Nguồn thu 5 triệu đô la Mỹ từ thuế ĐUCĐ của Seattle, Hoa Kỳ đã được sử dụng để cung cấp phiếu giảm giá tại các siêu thị cho hơn 6.000 hộ gia đình tại đây nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra[61]. 1,65 triệu đô la Mỹ trong quỹ tài trợ đến từ thuế của nhà phân phối ĐUCĐ đã được sử dụng để cung cấp nguồn cứu trợ thực phẩm khẩn cấp cho những người đang gặp khó khăn trong việc chi trả cho thức ăn do COVID-19[62].
4. Kết luận và khuyến nghị
Tiêu thụ ĐUCĐ có liên quan đến việc tăng năng lượng ăn vào, tăng cân, thừa cân và béo phì, từ đó dẫn tới sự phát triển của một số bệnh không lây nhiễm. WHO khuyến nghị đánh thuế đối với ĐUCĐ là lựa chọn chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ, từ đó ngăn ngừa thừa cân, béo phì cũng như các tác động tiêu cực của nó đến sức khỏe. Theo đó, các quốc gia nên đặt mục tiêu tăng giá bán lẻ ĐUCĐ lên ít nhất 20% để đạt được những hiệu quả về y tế, kinh tế và xã hội.
Việt Nam đã ban hành Luật TTTĐB từ năm 2008, nhưng đến nay, Luật này mới chỉ áp dụng đối với các sản phẩm thuốc lá, rượu, hàng hóa và dịch vụ xa xỉ mà chưa áp dụng cho các loại ĐUCĐ. Do đó, cần phải sử dụng TTTĐB như là 1 đòn bẩy chính sách hiệu quả với tác động kép giảm sử dụng ĐUCĐ cũng như các hậu quả sức khỏe liên quan và tạo nguồn lực cải thiện phúc lợi xã hội. Việc kiềm chế đại dịch thừa cân và béo phì cũng sẽ giúp đảm bảo sức khỏe cộng đồng, nó cũng là một trong những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) do Liên hợp quốc đề ra./.
 

 


[1] Adam Smith, An Inquiry into the Nature and Causes of The Wealth of Nations, Book V, Chapter III, pages 474-476, 1776; edited by Edwin Canaan, 1976.
[2] WHO. Taxes on sugary drinks: Why do it? 2017. Available online: www.who.int/dietphysicalactivity/en.
[3] WHO. ‘Best Buys’ and Other Recommended Interventions for the Prevention and Control of Noncommunicable Diseases Control of Noncommunicable Diseases. Updated (2017) Appendix 3 of the Global Action Plan for the Prevention and Control of Noncommunicable Diseases 2013–2020. 2017. Available online: https://www.who.int/ncds/management/WHO_Appendix_BestBuys.pdf.
[4] WHO. Fiscal policies for diet and prevention of noncommunicable diseases. 2015. Available online: https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/250131/9789241511247-eng.pdf?sequence=1.
[5] World Bank. Taxation on Sugar sweetened Beverages: International Evidence and Experiences. 2020.
[6] HealthBridge Việt Nam. Báo cáo tổng quan chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt của các nước trên thế giới đối với đồ uống có đường. 2021.
[7] WHO. Assessing national capacity for the prevention and control of noncommunicable diseases: report of the 2019 global survey. 2020, page 58.
[8] https://www.obesityevidencehub.org.au/collections/prevention/countries-that-have-implemented-taxes-on-sugar-sweetened-beverages-ssbs.
[9] Global Food Research Program. Sugary drink taxes around the world. University of North Carolina at Chapel Hill, 2022.
[10] HealthBridge Việt Nam. Báo cáo tổng quan chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt của các nước trên thế giới đối với đồ uống có đường. 2021.
[11] Global Food Research Program. Sugary drink taxes around the world. University of North Carolina at Chapel Hill, 2022.
[12] Trung Ninh, Điều tiết tiêu dùng với đồ uống, https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dieu-tiet-tieu-dung-doi-voi-do-uong-516571, truy cập ngày 15/9/2021.
[13] Nghị quyết số 270B-NQ/HĐNN8 ngày 08/8/1990 của Quốc hội về việc công bố và thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
[14] WHO. Taxes on sugary drinks: Why do it? 2017. Available online: www.who.int/dietphysicalactivity/en.
[15] WHO. Global report on diabetes. 2016, page 38.
[16] Euromonitor. Đồ uống giải khát ở Việt Nam 2018, http://www.euromonitor.com/soft-drinks-in-vietnam/report.
[17] World Health Organization. Using price policies to promote healthier diets: WHO Regional Office for Europe, 2015.
[18] Thow AM, Downs SM, Mayes C, Trevena H, Waqanivalu T, Cawley J. Fiscal policy to improve diets and prevent non communicable diseases: from recommendations to action. Bulletin of the World Health Organization 2018; 96(3):201.
[19] Sugary drinks. The nutrition score. Harvard T.H. Chan School of Public Health. Available online: https://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/healthy-drinks/sugary-drinks/.
[20] Ludwig DS, Peterson KE, Gortmaker SL. Relation between consumption of sugar-sweetened drinks and childhood obesity: a prospective, observational analysis. The Lancet. 2001 Feb 17; 357(9255):505-8.
[21] Sanjay Basu, Martin McKee, Gauden Galea, David Stuckler. Relationship of soft drink consumption to global overweight, obesity, and diabetes: a cross-national analysis of 75 countries. The American Journal of Public Health. 2013 Nov; 103(11):2071-7.
[22] Vartanian LR, Schwartz MB, Brownell KD. Effects of soft drink consumption on nutrition and health: a systematic review and meta-analysis. American journal of public health. 2007 Apr; 97(4):667-75.
[23] Fung TT, Malik V, Rexrode KM, Manson JE, Willett WC, Hu FB. Sweetened beverage consumption and risk of coronary heart disease in women. The American journal of clinical nutrition. 2009 Feb 11; 89(4):1037-42.
[24] De Koning L, Malik VS, Kellogg MD, Rimm EB, Willett WC, Hu FB. Sweetened beverage consumption, incident coronary heart disease, and biomarkers of risk in men. Circulation. 2012 Apr 10;125(14):1735-41.
[25] Malik V, Li Y, Pan A, De Koning L, Schernhammer E, Willett W, Hu F. Long-Term Consumption of Sugar-Sweetened and Artificially Sweetened Beverages and Risk of Mortality in US Adults. Circulation. 2019 Mar 18.
[26] Viện Chiến lược và chính sách tài chính. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường: Kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng tại Việt Nam, https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/mtttc/r/m/pngcutrdo/pngcutrdo_chitiet?dDocName=MOFUCM163605&showFooter=false&showHeader=false&_adf.ctrl-state=1091yo70dp_9&_afrLoop=6250936606747480#%40%3F_afrLoop%3D6250936606747480%26dDocName%3DMOFUCM163605%26
showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Dm39yy0mss_4, truy cập ngày 15/9/2021.
[27] Hu FB. Resolved: there is sufficient scientific evidence that decreasing sugar‐sweetened beverage consumption will reduce the prevalence of obesity and obesity‐related diseases. Obesity reviews. 2013 Aug;14(8):606-19.
[28] Vartanian LR, Schwartz MB, Brownell KD. Effects of soft drink consumption on nutrition and health: a systematic review and meta-analysis. American journal of public health. 2007 Apr; 97(4):667-75.
[29] Chen L, Appel LJ, Loria C, Lin PH, Champagne CM, Elmer PJ, Ard JD, Mitchell D, Batch BC, Svetkey LP, Caballero B. Reduction in consumption of sugar-sweetened beverages is associated with weight loss: the PREMIER trial. The American journal of clinical nutrition. 2009 Apr 1; 89(5):1299-306.
[30] Basto-Abreu A, Barrientos-Gutiérrez T, Vidaña-Pérez D, Colchero MA, Hernández FM, et al. Cost-Effectiveness Of The Sugar-Sweetened Beverage Excise Tax In Mexico. Health Aff (Millwood), 2019; 38(11):1824-31. Available from: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31682510/.
[31] Phonsuk P, Vongmongkol V, Ponguttha S, Suphanchaimat R, Rojroongwasinkul N, Swinburn BA. Impacts of a sugar sweetened beverage tax on body mass index and obesity in Thailand: A modelling study. Plos one 2021;16(4):e0250841.
[32] Briggs AD, Mytton OT, Kehlbacher A, et al. Health impact assessment of the UK soft drinks industry levy: a comparative risk assessment modelling study. The Lancet Public Health 2017;2(1):e15-e22.
[33] Teng AM, Jones AC, Mizdrak A, Signal L, Genç M, Wilson N. Impact of sugar‐sweetened beverage taxes on purchases and dietary intake: Systematic review and meta‐analysis. Obesity Reviews 2019;20(9):1187-204.
[34] Colchero, MA RJ, Popkin, BM, Ng SW. In Mexico, evidence of sustained consumer response two years after implementing a sugar-sweetened beverage tax. Health Aff 36(3):564-571; 2017.
[35] Lee MM, Falbe J, Schillinger D, Basu S, McCulloch CE, Madsen KA. Sugar-sweetened beverage consumption 3 years after the Berkeley, California, sugar-sweetened beverage tax. American journal of public health 2019;109(4):637-39.
[36] Falbe J, Thompson HR, Becker CM, Rojas N, McCulloch CE, Madsen KA. Impact of the Berkeley excise tax on sugar-sweetened beverage consumption. American journal of public health 2016;106(10):1865-71.
[37] Wrottesley SV, Stacey N, Mukoma G, Hofman KJ, Norris SA. Assessing sugar-sweetened beverage intakes, added sugar intakes and body mass index before and after the implementation of a sugar-sweetened beverage tax in South Africa. Public Health Nutrition 2020:1-26.
[38] Phulkerd S, Thongcharoenchupong N, Chamratrithirong A, Soottipong Gray R, Prasertsom P. Changes in Population-Level Consumption of Taxed and Non-Taxed Sugar-Sweetened Beverages (SSB) after Implementation of SSB Excise Tax in Thailand: A Prospective Cohort Study. Nutrients 2020;12(11):3294.
[39] HealthBridge Việt Nam. Báo cáo Mô hình tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. 2021.
[40] Sugary drinks. The nutrition score. Harvard T.H. Chan School of Public Health. Available online: https://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/healthy-drinks/sugary-drinks/.
[41] Viện Chiến lược và chính sách tài chính. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường: Kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng tại Việt Nam, https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/mtttc/r/m/pngcutrdo/pngcutrdo_chitiet?dDocName=MOFUCM163605&showFooter=false&showHeader=false&_adf.ctrl-state=1091yo70dp_9&_afrLoop=6250936606747480#%40%3F_afrLoop%3D6250936606747480%26dDocName%
[42] World Bank. Taxation on Sugar sweetened Beverages: International Evidence and Experiences. 2020.
[43] Ng SW, Rivera JA, Popkin BM, Colchero MA. Did high sugar-sweetened beverage purchasers respond differently to the excise tax on sugar-sweetened beverages in Mexico? Public health nutrition 2019;22(4):750-56.
[44] Alvarado M, Unwin N, Sharp SJ, et al. Assessing the impact of the Barbados sugar-sweetened beverage tax on beverage sales: an observational study. International Journal of Behavioral Nutrition and Physical Activity 2019;16(1):13.
[45] Stacey N, Edoka I, Hofman K, Swart EC, Popkin B, Ng SW. Changes in beverage purchases following the announcement and implementation of South Africa's Health Promotion Levy: an observational study. The Lancet Planetary Health 2021;5(4):e200-e08.
[46] Guerrero-López CM, Unar-Munguía M, Colchero MA. Price elasticity of the demand for soft drinks, other sugar-sweetened beverages and energy dense food in Chile. BMC public health 2017;17(1):1-8.
[47] Brownell KD, Farley T, Willett WC, et al. The public health and economic benefits of taxing sugar-sweetened beverages. The New England journal of medicine 2009;361(16):1599.
[48] Teng AM, Jones AC, Mizdrak A, Signal L, Genç M, Wilson N. Impact of sugar‐sweetened beverage taxes on purchases and dietary intake: Systematic review and meta‐analysis. Obesity Reviews 2019;20(9):1187-204.
[49] Fact Sheet. Uncapping the Truth: The Mexican Sugar Sweetened Beverage Tax Works. The Nutritional Health Alliance: Mexico; 2016.
[50] Claro RM, Levy RB, Popkin BM, Monteiro CA. Sugar-sweetened beverage taxes in Brazil. American journal of public health 2012;102(1):178-83.
[51] Lal A, Mantilla-Herrera AM, Veerman L, et al. Modelled health benefits of a sugar-sweetened beverage tax across different socioeconomic groups in Australia: A cost-effectiveness and equity analysis. PLoS medicine 2017;14(6):e1002326.
[52] Powell LM, Wada R, Persky JJ, Chaloupka FJ. Employment impact of sugar-sweetened beverage taxes. American journal of public health 2014;104(4):672-77.
[53] Paraje G, Colchero A, Wlasiuk JM, Sota AM, Popkin BM. The effects of the Chilean food policy package on aggregate employment and real wages. Food Policy 2021; 100:102016 doi: https://doi.org/10.1016/j.foodpol.2020.102016.
[54] Pan American Health Organization AHP. Tributação das Bebidas Adoçadas no Brasil, 2021:https://www.paho.org/pt/documentos/relatorio-tributacao-das-bebidas-adocadas-no-brasil. 
[55] Allcott H, Lockwood BB, Taubinsky D. Should we tax sugar-sweetened beverages? An overview of theory and evidence. Journal of Economic Perspectives 2019;33(3):202-27.
[56] Guerrero-López CM, Colchero MA. Productivity loss associated with the consumption of sugar-sweetened beverages in Mexico. Preventive medicine 2018;115:140-44.
[57] Basto-Abreu A, Barrientos-Gutiérrez T, Vidaña-Pérez D, et al. Cost-Effectiveness Of The Sugar-Sweetened Beverage Excise Tax In Mexico. Health Affairs 2019;38(11):1824-31.
[58] Pan-American Health Organization. Sugar-sweetened beverage taxation in the Region of the Americas. 2020.
[59] Ozer C, Bloom D, Martinez Valle A, et al. Health Earmarks and Health Taxes. 2020.
[60] White M CS, Rayner M, Smith R, Rutter H, Adams J, Scarborough P, Mytton O, Briggs A. Evaluation of the health impacts of the UK Treasury Soft Drinks Industry Levy (SDIL). London: National Institute of Health Research, 2018.
[61] Beekman D. Seattle will provide $800 each in supermarket vouchers to thousands of families during coronavirus crisis. https://www.seattletimes.com/seattle-news/politics/seattle-will-provide-800-in-supermarket-vouchers-to-thousands-of-families-during-coronavirus-crisis/.
[62] San Francisco Office of the Mayor. Mayor London Breed Announces Soda Tax Funding Will Provide Emergency Food for People Affected by COVID-19, https://sfmayor.org/article/mayor-london-breed-announces-soda-tax-funding-will-provide-emergency-food-people-affected.