Tăng thuế thuốc lá, giải pháp giúp đạt các mục tiêu phát triển bền vững

31/05/2023

THS. ĐÀO THẾ SƠN

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển khoa học công nghệ, Trường Đại học Thương mại,

TS. NGUYỄN THU HƯƠNG

Khoa Marketing, Trường Đại học Thương mại.

Tóm tắt: Sản xuất và tiêu dùng thuốc lá không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ của chính người sử dụng mà còn tới những người xung quanh và toàn xã hội. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả phân tích việc sản xuất và tiêu dùng thuốc lá có thể ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển bền vững, từ đó chỉ ra chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm thuốc lá, với mục tiêu điều tiết tiêu dung, có thể góp phần tiến tới việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam.
Từ khoá: Thuốc lá, thuế tiêu thụ đặc biệt, mục tiêu phát triển bền vững.
Abstract:Tobacco production and consumption not only affects the health of the users themselves but also those around them and the whole society. Within this article, the authors provide an analysis of how tobacco production and consumption may affect the sustainabl development goals and then show the excise tax policy on tobacco products, with the goal of regulating consumption can contribute towards achieving the sustainable development goals for Vietnam.
Keywords: Tobacco; excise tax; sustainable development goal.
 TĂNG-THUẾ-THUỐC-LÁ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Mối liên hệ giữa sản xuất và tiêu dùng thuốc lá với các mục tiêu phát triển bền vững
Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) bao gồm 17 nhóm mục tiêu. Thuốc lá trước hết có ảnh hưởng tới Mục tiêu số 3 (Sức khoẻ và cuộc sống tốt). Theo các con số ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu của bệnh tật, tử vong. Hàng năm, thuốc lá gây ra hơn 8 triệu ca tử vong sớm (trong đó có khoảng 7 triệu người do sử dụng trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người do phơi nhiễm thụ động từ khói thuốc), gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới gần 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)[1]. Cũng theo báo cáo của WHO về thuốc lá và SDGs, việc sản xuất và tiêu dùng thuốc lá không chỉ có ảnh hưởng tới mục tiêu sức khoẻ và cuộc sống, mà còn có tác động lớn tới hầu hết các mục tiêu còn lại.
Ví dụ, đối với Mục tiêu số 1 (Xoá nghèo) và Mục tiêu số 2 (Không còn nạn đói), có thể thấy việc sử dụng thuốc lá dẫn đến các bệnh mãn tính điều trị tốn kém và tử vong sớm gây gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình[2]⁠. Nghiện thuốc lá làm cạn kiệt nguồn thu nhập ít ỏi của các hộ gia đình nghèo nhất. Thuốc lá cũng làm nghèo các chính phủ do phải chi trả từ ngân sách nhà nước cho cho các dịch vụ y tế, gây thiệt hại cho nền kinh tế và xã hội do mất năng suất lao động, thiệt hại môi trường, cùng những vấn đề khác[3]⁠. Việc tiêu dùng thuốc lá cũng có thể gây ra nạn đói và thiếu bảo đảm về an ninh lương thực vì chi tiêu cho lương thực, thực phẩm chuyển sang chi tiêu cho tiêu dùng thuốc lá. Nhiều nghiên cứu chỉ ra các hộ gia đình có thu nhập thấp, chi tiêu thuốc lá chiếm hơn 10% chi tiêu của hộ, lấy đi thu nhập cho các nhu yếu phẩm như thực phẩm[4]⁠. Việc sản xuất thuốc lá cũng gây nhiều hệ luỵ như trồng cây thuốc lá chiếm nhiều diện tích đất sản xuất lương thực. Cây thuốc lá gây suy thoái đất và màu nhanh hơn so với các loại cây trồng khác, làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực khi đất trở nên không phù hợp hoặc kém hiệu quả hơn cho mục đích trồng cây lương thực[5]⁠.
Đối với Mục tiêu số 4 (Giáo dục có chất lượng), nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chi tiêu cho thuốc lá nhiều hơn chi cho giáo dục ở các nước thu nhập thấp và trung bình (LMICs)[6]⁠. Ở nhiều nơi, trẻ em có thể phải bỏ học để chăm sóc người thân bị ốm (do thuốc lá) hoặc đi làm để kiếm sống, bù đắp cho số tiền công, tiền lương của người lớn bị mất, bị giảm do bệnh tật do thuốc lá gây ra. Có khoảng 1,3 triệu trẻ em từ 14 tuổi trở xuống trên toàn cầu không được đến trường mà phải làm việc trên các cánh đồng trồng cây thuốc lá. Việc hút thuốc lá (trực tiếp và thụ động) ở thanh thiếu niên dẫn đến các vấn đề về học tập/suy giảm nhận thức[7]⁠.
Đối với Mục tiêu số 5 (Bình đẳng giới), việc sử dụng thuốc lá đang gia tăng ở phụ nữ vì phụ nữ cũng đã trở thành người sử dụng mục tiêu cụ thể của ngành công nghiệp thuốc lá. Quan trọng hơn, phụ nữ phải đối mặt với những rủi ro về sức khỏe theo giới từ thuốc lá, chẳng hạn như gánh nặng không cân xứng khi tiếp xúc và hút thuốc thụ động trong thời kỳ mang thai[8]⁠.
Về mặt môi trường gồm Mục tiêu số 6 (Nước sạch và vệ sinh), Mục tiêu số 13 (Hành động về khí hậu), Mục tiêu số 14 (Tài nguyên và môi trường biển), Mục tiêu số 15 (Tài nguyên và môi trường đất liền), có thể thấy việc sản xuất và tiêu thụ thuốc lá đều gây ô nhiễm tài nguyên nước. Đầu mẩu thuốc lá sau khi sử dụng là một trong những sản phẩm được vứt bừa bãi nhiều nhất trên toàn cầu. Chất thải này được phát tán ra đại dương, vào hồ nước và các nguồn nước khác. Các chất độc hại từ đầu mẩu thuốc lá bị vứt bỏ, như asen, chì, nicotin và etyl phenol ngấm vào môi trường nước và đất, gây tác hại đối với chất lượng nguồn nước. Việc trồng cây thuốc lá cần sử dụng nhiều nước và phân tán hóa chất vào các nguồn nước, ô nhiễm cả nước ngầm sâu. Sản xuất thuốc lá (gồm cả trồng cây và chế biến thành phẩm), gây ra nạn phá rừng “trầm trọng”, đáng kể hơn ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Cùng với việc tiêu thụ thuốc lá, ngành công nghiệp thuốc lá góp phần làm tăng lượng khí thải nhà kính (ví dụ như carbon dioxide và metan), sự nóng lên toàn cầu và những thay đổi trong lượng mưa, và mất đa dạng sinh học không thể đảo ngược. Theo báo cáo của WHO năm 2022: Hằng năm, ngành công nghiệp thuốc lá gây thiệt hại cho thế giới hơn 8 triệu người bị chết, 600 triệu cây cối, 200.000 ha đất, 22 tỷ tấn nước và 84 triệu tấn CO2[9].
Ở góc độ kinh tế vĩ mô, xét theo Mục tiêu số 8 (Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế) và Mục tiêu số 10 (Giảm bất bình đẳng giữa trong và giữa các quốc gia), thuốc lá gây tổn hại 2% GDP toàn cầu (gần 2 nghìn tỷ USD tính theo ngang giá sức mua 2006), chưa tính đến các chi phí đáng kể khác[10]⁠. Các nghiên cứu cho thấy việc sử dụng thuốc lá làm gia tăng bất bình đẳng ở hầu hết các quốc gia: tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất ở những người nghèo, những người có tỷ lệ biết chữ thấp và những người không có tình trạng sức khỏe tốt. Các nước có thu nhập thấp và trung bình chiếm 87% tỷ lệ tử vong sớm trên thế giới do các bệnh không lây nhiễm (NCDs)[11].
2. Vai trò của việc thúc đẩy các chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá theo Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá toàn cầu
Như đã phân tích ở phần 1, việc sản xuất và tiêu dùng thuốc lá có tác động tiêu cực tới hầu hết các mục tiêu phát triển bền vững. Chính vì vậy, việc kiểm soát thuốc lá sẽ góp phần thúc đẩy các mục tiêu SDG. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá toàn cầu (FCTC) từ 2004, với cam kết thực hiện các chính sách toàn diện MPOWER[12], trong đó chính sách thuế và giá là một chính sách quan trọng.
Theo phân tích của WHO năm 2017[13], việc thực hiện các chính sách kiểm soát thuốc lá của FCTC có tác động tới các mục tiêu SDGs, được đo lường theo chỉ số tương tác (mức độ tác động của các chính sách FCTC tới việc tăng hay giảm các mục tiêu). Biểu đồ minh họa dưới đây cho thấy, chỉ số tương tác là lớn nhất tới Mục tiêu số 3 (Sức khoẻ và cuộc sống tốt), nhưng cũng rất cao với nhiều mục tiêu khác. Tổng hợp lại, FCTC có tác động tích cực tới 16/17 mục tiêu SDGs. Điều này cho thấy việc phòng, chống tác hại thuốc lá là chính sách “win - win” cùng thắng cho cả FCTC lẫn SDGs.
(Bảng chỉ số tương tác của FCTC đối với 17 mục tiêu SDGs[14])
3. Tác động của chính sách thuế thuốc lá tới các mục tiêu phát triển bền vững
Trong gói chính sách MPOWER, rất nhiều nghiên cứu cả ở quốc tế[15]⁠ lẫn Việt Nam[16]⁠ đều cho thấy chính sách thuế thuốc lá là giải pháp có chi phí hiệu quả cao nhất trong số các chính sách nhằm giảm tiêu dùng và tác hại thuốc lá. Kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới, chẳng hạn như Thái Lan cũng cho thấy để bảo đảm giảm tiêu dùng thì chính sách thuế phải đóng góp từ 50-60% tác động.
Theo tổng kết của WHO từ kinh nghiệm của các quốc gia, trung bình khi giá thuốc lá tăng 10% sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thu nhập thấp[17]⁠. Tiêu dùng thuốc lá và giá/thuế thuốc lá có mối tương quan tỷ lệ nghịch khăng khít: khi giá giảm thì tiêu dùng tăng và khi giá tăng thì tiêu dùng giảm. Việc giảm tiêu dùng thuốc lá, đồng thời dẫn tới giảm sản xuất thuốc lá, sẽ đóng góp vào việc giảm các tác động tiêu cực của thuốc lá tới SDGs. Cụ thể hơn, có thể chỉ ra các nhóm tác động trực tiếp như sau:
3.1. Tăng thuế thuốc lá là vì người nghèo, vì thanh niên và vì SDGs
Tại Hội nghị Quốc tế lần thứ ba về tài trợ cho phát triển năm 2015, các nguyên thủ quốc gia và bộ trưởng bộ ngoại giao và phát triển của các nước tham gia đã cùng thống nhất và coi thuế thuốc lá như một công cụ chiến lược hỗ trợ cho phát triển bền vững. Sau đó, việc thực hiện FCTC đã được đưa vào các SDGs trong tiểu mục tiêu SDG 3.a.
Tăng thuế thuốc lá là vì người nghèo. Ở nhiều nơi thế giới, những người có thu nhập thấp thường có xu hướng sử dụng thuốc lá nhiều hơn so với những người giàu có hơn. Người nghèo chịu tác hại về sức khỏe và sự phát triển do sử dụng thuốc lá một cách không cân đối. Tăng thuế thuốc lá sẽ mang lại lợi ích tốt hơn cho người nghèo vì người nghèo có nhiều khả năng bỏ thuốc lá, giảm hoặc không bắt đầu sử dụng thuốc lá khi thuế và giá tăng cao hơn so với người giàu. Điều này thúc đẩy công bằng y tế và giảm nghèo hóa. Thuế thuốc lá cao hơn cũng có tác dụng ngăn ngừa và cai nghiện thuốc lá trong giới trẻ, những người có thu nhập hạn chế và do đó độ nhảy cảm cao đối với giá cả[18]⁠.
Như vậy, việc tăng thuế thuốc lá giúp giảm các chi phí có thể tránh được liên quan đến thuốc lá là rất quan trọng để ngăn chặn tình trạng bần cùng hóa, nâng đỡ và giúp người nghèo thoát nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững; tức là, góp phần đạt được các mục tiêu SDGs 1: Giảm nghèo, 2: Xóa đói, và tiểu mục tiêu 10.4: Thực hiện các chính sách, đặc biệt là các chính sách tài chính, tiền lương và bảo trợ xã hội, đồng thời từng bước đạt được sự bình đẳng hơn.
3.2. Tăng thuế thuốc lá góp phần bình đẳng giới
Giảm sử dụng thuốc lá và tiết kiệm liên quan từ chi tiêu hộ gia đình cho các sản phẩm thuốc lá sẽ trao quyền và bảo vệ phụ nữ (đối với Mục tiêu số 5 - Bình đẳng giới) vì hầu hết người sử dụng thuốc lá là nam giới, việc giảm chi tiêu hộ gia đình cho thuốc lá một cách hiệu quả “tạo điều kiện chuyển thu nhập từ nam giới hút thuốc sang nữ giới”[19]⁠. Phụ nữ có nhiều khả năng đầu tư thu nhập hộ gia đình vào y tế, nhà ở và chăm sóc sức khỏe hơn nam giới, mang lại lợi ích cho gia đình và sự phát triển của con người.
Phụ nữ thường phải đối mặt với những thách thức trong việc giành được môi trường không khói thuốc, do sự bất bình đẳng về quyền lực ở nhà và nơi làm việc. Việc tăng thuế thuốc lá cũng có thể góp phần để giảm bạo lực đối với phụ nữ: cả tình trạng nghèo đói, có thể gây ra hoặc trầm trọng hơn do sử dụng thuốc lá, cũng như sử dụng rượu, đặc biệt ở mức độ có hại, có liên quan đến hút thuốc, đều làm tăng nguy cơ bạo lực gia đình[20]⁠.
3.3. Tăng thuế thuốc lá góp phần cải thiện môi trường
Như đã phân tích ở phần 1, thuốc lá huỷ hoại không chỉ con người mà còn cả môi trường. Chính vì vậy, bảo vệ môi trường là một lợi ích phát triển khác về việc tăng thuế thuốc lá. Các báo cáo của WHO “Thuốc lá: Đầu độc hành tinh của chúng ta” và “Thuốc lá và tác động môi trường: Tổng quan” cảnh báo rằng cách thức canh tác, chế biến, sản xuất và cung cấp 6,25 nghìn tỷ điếu thuốc lá mỗi năm gây hại cho môi trường, bao gồm ô nhiễm không khí, nước và đất, đầu độc sinh vật biển, mất đa dạng sinh học và phá rừng. Tăng thuế thuốc lá sẽ góp phần cải thiện các mục tiêu SDGs liên quan đến môi trường gồm các Mục tiêu số 6, số 11, số 12, số 13, số 14 và số 15.
3.4. Tăng thuế thuốc lá có lợi cho phát triển kinh tế
Từ năm 2012 đến năm 2020, Philippines đã đưa ra các cải cách mạnh về thuốc lá. Doanh thu thuế thuốc lá và rượu bia tăng từ khoảng 0,99 tỷ USD vào năm 2012 lên ước tính 6,6 tỷ USD vào năm 2020. Theo Bộ Tài chính Philippines, con số này tương đương với 1,8% GDP và khoảng 11,3% tổng doanh thu của Chính phủ vào năm 2020. Doanh thu từ thuế rượu bia và thuốc lá dự kiến ​​đạt ít nhất 9,54 tỷ USD) vào năm 2024[21]⁠. Như vậy, thuế có thể góp phần đạt tiểu mục tiêu SDG 17.1: Tăng cường huy động nguồn lực trong nước.
Luật Cải cách năm 2012 của Philippines cũng đã phân bổ 80 phần trăm số thu thuế tiêu thụ đặc biệt gia tăng (tức là chênh lệch về số thu giữa cơ cấu thuế trước đây và cơ cấu thuế mới) để thúc đẩy bảo hiểm y tế toàn dân, góp phần đạt tiểu mục tiêu SDG 3.8: Đạt được bảo hiểm y tế toàn dân. Kết quả là số hộ nghèo và cận nghèo có bảo hiểm y tế đã tăng gấp ba lần chỉ sau ba năm, từ 5,2 triệu hộ năm 2013 lên 15,3 triệu hộ, tương đương 45,4 triệu người nghèo vào năm 2015. Thuốc lá chiếm 80% doanh thu gia tăng. Như vậy, thuế thuốc lá góp phần cho các mục tiêu SDGs, gồm Mục tiêu số 1 (Xóa nghèo), Mục tiêu số 2 (Không còn nạn đói), Mục tiêu số 3 (Sức khỏe và cuộc sống tốt) và Mục tiêu số 10 (Giảm bất bình đẳng).
4. Hiện trạng thuế thuốc lá ở Việt Nam hiện nay
Hiện nay, thuế và giá thuốc lá của Việt Nam thấp so với khu vực và khuyến cáo của Ngân hàng thế giới và WHO. Tỷ lệ tổng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá tại Việt Nam mới chỉ đạt xấp xỉ 38%, tỷ lệ này còn quá thấp so với tỷ lệ theo khuyến nghị 70-75% của WHO[22]⁠.
Ngoài ra, thuế tiêu thụ đặc biệt còn có các yếu điểm khác như thuế tính theo tỷ lệ (thay vì có thành phần tuyệt đối) và tính trên giá xuất xưởng (thay vì trên giá bán lẻ). Cũng chưa có cơ chế quản lý thu thuế một cách hiệu quả[23]⁠.
Hệ quả là Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nước có giá thuốc lá rẻ nhất trên thế giới và sức mua thuốc lá của người Việt Nam vẫn ngày càng tăng lên[24].
5. Kết luận và khuyến nghị về thuế thuốc lá ở Việt Nam
Việc tiêu dùng và sản xuất thuốc lá có tác động tiêu cực tới hầu hết các mục tiêu SDGs. Chính sách thuế và giá đã được chứng minh là có chi phí hiệu quả cao nhất trong việc giảm tiêu dùng thuốc lá, từ đó có thể góp phần cải thiện tác động tiêu cực tới các mục tiêu SDGs. Chính sách thuế và giá tại Việt Nam còn rất thấp, có nhiều bất cập, cần phải được cải thiện trong thời gian tới theo xu hướng: có thành phần thuế tuyệt đối, tăng đủ cao và thường xuyên để chống sự xói mòn cơ sở thuế do lạm phát và tăng trưởng thu nhập. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường hoàn thiện các cơ chế chính sách quản lý thuế nhằm bảo đảm việc thực thi chính sách./

 


[1] WHO Framework Convention on Tobacco Control Secretariat (2017), “The who framework convention on tobacco control: an accelerator for sustainable development”.
[2] Centers for Disease Control and Prevention (2010), “How Tobacco Smoke Causes Disease: The Biology and Behavioral Basis for Smoking-Attributable Disease: A Report of the Surgeon General”.
[3] WHO Framework Convention on Tobacco Control Secretariat (2017), “The who framework convention on tobacco control: an accelerator for sustainable development”.
[4] World Health Organization (2004), “Tobacco and poverty: a vicious circle”.
[5] W. Leppan, N. Lecours, and D. Buckles, Tobacco control and tobacco farming: separating myth from reality. Anthem press, 2014.
[6] World Health Organization, “Tobacco and poverty: a vicious circle”, 2004.
[7] L. Anderko, J. Braun, and P. Auinger, “Contribution of tobacco smoke exposure to learning disabilities”, J. Obstet. Gynecol. neonatal Nurs., vol. 39, no. 1, pp. 111–117, 2010.
[8] Centers for Disease Control and Prevention, “Current tobacco use and secondhand smoke exposure among women of reproductive age--14 countries, 2008-2010,” MMWR. Morb. Mortal. Wkly. Rep., vol. 61, no. 43, pp. 877–882, 2012.
[9] World Health Organization (2022), “Tobacco: poisoning our planet”.
[10] WHO Framework Convention on Tobacco Control Secretariat (2017), “The who framework convention on tobacco control: an accelerator for sustainable development”.
[11] WHO Framework Convention on Tobacco Control Secretariat (2017), “The who framework convention on tobacco control: an accelerator for sustainable development”.
[12] Là các biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả đã được các Bên tham gia Công ước khung của WHO cam kết bảo vệ sức khỏe của người dân trong cuộc chiến chống lại đại dịch thuốc lá toàn cầu.
[13] WHO Framework Convention on Tobacco Control Secretariat (2017), “The who framework convention on tobacco control: an accelerator for sustainable development”.
[14] Theo báo cáo: WHO Framework Convention on Tobacco Control Secretariat, “The who framework convention on tobacco control: an accelerator for sustainable development”, 2017.
[15] M. K. Ranson, P. Jha, F. J. Chaloupka, and S. N. Nguyen, “Global and regional estimates of the effectiveness and cost-effectiveness of price increases and other tobacco control policies”, Nicotine Tob. Res., vol. 4, no. 3, pp. 311–319, 2002.
[16] V. M. Hoang et al., “Tobacco control policies in Vietnam: review on MPOWER implementation progress and challenges”, Asian Pacific J. Cancer Prev., vol. 17, no. sup1, pp. 1–9, 2016.
[17] World Health Organization, WHO technical manual on tobacco tax policy and administration. Geneva: World Health Organization, 2021.
[18] P. V Marquez and B. Moreno-Dodson, “Tobacco Tax Reform at the Crossroads of Health and Development”, 2017.
[19] G. T. E. Consortium, “The health, poverty, and financial consequences of a cigarette price increase among 500 million male smokers in 13 middle income countries: compartmental model study”, bmj, vol. 361, 2018.
[20] World Health Organization, “Intimate partner violence and alcohol fact sheet”, Retrieved Novemb., vol. 11, p. 2006, 2005.
[21] G. G. H. Amul and J.-F. Etter, “Comparing Tobacco and Alcohol Policies From a Health Systems Perspective: The Cases of the Philippines and Singapore”, Int. J. Public Health, p. 216, 2022.
[22] V. M. Hoang et al., “Tobacco control policies in Vietnam: review on MPOWER implementation progress and challenges”, Asian Pacific J. Cancer Prev., vol. 17, no. sup1, pp. 1–9, 2016.
[23] Tobacconomics, “Tobacconomics Cigarette Tax Scorecard”, 2021.
[24] Tobacconomics, “Tobacconomics Cigarette Tax Scorecard”, 2021.

Ý kiến bạn đọc