Lập pháp, tư pháp và nhân quyền ở Ấn Độ

21/04/2023

TS. LÃ KHÁNH TÙNG

Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả phân tích mối quan hệ kiểm soát, bổ sung cho nhau giữa cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp trong việc định hình, diễn giải và thực thi nhân quyền tại Ấn Độ. Các tòa án, đặc biệt là Tòa án tối cao, đã có vai trò giới hạn sự tùy tiện của Nghị viện trong việc sửa đổi Hiến pháp, tuyên vô hiệu các đạo luật vi hiến, và diễn giải, bù đắp cho những khoảng trống của luật thành văn.
Từ khóa: Cơ quan lập pháp, nghị viện, cơ quan tư pháp, nhân quyền.
Abstract: Within this article, the author provides an analysis of the complementary, controlling relationship between the legislature and the judiciary in shaping, interpreting and enforcing the human rights in India. Courts, especially the Supreme Court, have the role to limit Parliament’s discretion in amending the Constitution, nullifying unconstitutional laws, and compensating voids of written law.
Keywords: Legislature; parliament; judiciary; human rights.
 
Quốc-hội-Ấn-Độ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Đất nước Ấn Độ, với dân số gần 1,4 tỷ người, đang chuyển động theo hướng hiện đại hóa trong khi phải đối diện với nhiều vấn đề nhân quyền cũ và mới. Hiến pháp Ấn Độ, được thông qua vào năm 1950, là cơ sở cho nền dân chủ đại nghị, chế độ liên bang, pháp quyền và bảo vệ quyền con người. Mối quan hệ giữa lập pháp và tư pháp nói chung, liên quan đến lĩnh vực nhân quyền nói riêng, phản ánh cấu trúc chính trị, pháp lý, cũng như những cân nhắc của các cơ quan công quyền về các yếu tố văn hóa, xã hội và kinh tế.
1.    Khái quát về cấu trúc quyền lực và Hiến pháp Ấn Độ
Gần 200 năm đô hộ của Đế quốc Anh để lại cho Ấn Độ nhiều hậu quả tiêu cực, nhất là về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, có những di sản chính trị, pháp lý (như chính thể dân chủ đại nghị, hệ thống pháp luật chi tiết...) đã ít nhiều góp phần định hình nên nền dân chủ ở quốc gia này. Nhiều đạo luật được ban hành từ thời thuộc địa hiện vẫn được áp dụng[1], nhiều nguyên tắc hiến pháp Anh vẫn được tiếp thu, duy trì ở đây.
Sau khi được trao trả độc lập vào năm 1947, Hiến pháp Ấn Độ năm 1950 - bản hiến pháp thành văn đồ sộ nhất thế giới với 395 điều - được thảo luận, biên soạn trong khoảng 3 năm (từ tháng 12 năm 1946 đến tháng 1 năm 1950). Tiền thân của Hiến pháp này là nhiều văn kiện, chủ yếu do người Anh ban hành để tổ chức bộ máy cai trị tại Ấn Độ[2]. Chịu ảnh hưởng của mô hình đại nghị Westminter, với sự đóng góp của 299 đại biểu tham gia Quốc hội Lập hiến đại diện cho các khuynh hướng chính trị, tôn giáo khác nhau,[3] Hiến pháp năm 1950 xác định Ấn Độ là một nước cộng hòa dân chủ có chủ quyền mang tính xã hội và thế tục (Lời nói đầu Hiến pháp). Hiến pháp xác lập mô hình cộng hòa đại nghị và chế độ liên bang (union).
Nghị viện liên bang của Ấn Độ gồm Thượng viện (Rajya Sabha, hay Hội đồng Nhà nước, tối đa 250 thành viên, nhiệm kỳ 6 năm) và Hạ viện (Lok Sabha, hay Viện nhân dân, tối đa 550 thành viên, nhiệm kỳ 5 năm)[4]. Thủ tướng được bổ nhiệm bởi Tổng thống, chịu trách nhiệm báo cáo trước Hạ viện. Tổng thống, được bầu bởi cử tri đoàn gồm các thành viên của Lok Sabha, Rajya Sabha, nghị viện các bang, nhiệm kỳ 5 năm, chủ yếu có vai trò lễ nghi. Từ sau cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất vào năm 2019, Đảng Nhân dân Ấn Độ (Bharatiya Janata Party - BJP, được thành lập năm 1980) đang chiếm đa số ghế trong Hạ viện,đảng đối lập lớn nhất là Đảng Quốc đại (INC, được thành lập năm 1885, có vai trò chủ chốt trong đấu tranh giành độc lập trước đây, hiện chiếm không đến 10% số ghế), cạnh đó là nghị sỹ của 35 chính đảng khác.
Trong khi quyền hành pháp thực tế chủ yếu trong tay Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) do Thủ tướng đứng đầu, một chức năng chính của Nghị viện là kiểm soát, bảo đảm trách nhiệm giải trình đối với Hội đồng Bộ trưởng. Nghị viện có quyền đặt vấn đề bất tín nhiệm Hội đồng Bộ trưởng. Quyền tự do ngôn luận của nghị sỹ được bảo đảm, các phát ngôn của họ không thể bị lấy làm căn cứ để kiện ra tòa. Lãnh đạo đảng đối lập có vai trò quan trọng trong thực thi quyền giám sát các chính sách, chương trình của Chính phủ, cũng như chỉ ra các bất cập, đề xuất các giải pháp giải quyết.
Lúc ban đầu, Tòa án tối cao Ấn Độ gồm 8 thẩm phán (Điều 124 Hiến pháp 1950), sau các lần sửa đổi Hiến pháp, số lượng thẩm phán được tăng dần thành 34. Tòa án ngồi xét xử theo hội đồng, tối đa là hội đồng 13 thẩm phán. Các thẩm phán được Tổng thống bổ nhiệm. Thẩm quyền của Tòa án tối cao được quy định ở nhiều điều khoản trong Hiến pháp, bao gồm: thẩm quyền xét xử sơ thẩm với các tranh chấp giữa chính quyền liên bang với một hoặc nhiều bang, giữa các bang với nhau (Điều 131); thẩm quyền phúc thẩm đối với các vụ án dân sự, hình sự mà các Tòa Cấp cao đã xét xử (Điều 132-134); thẩm quyền xem xét lại các phán quyết, mệnh lệnh của chính nó (Điều 137); thẩm quyền ban hành luật (Điều 141)[5]... Mặc dù chịu ảnh hưởng của mô hình Anh, Tòa án tối cao Ấn Độ có nhiều nét giống Tòa án tối cao Hoa Kỳ ở thẩm quyền rộng và tính chủ động, tích cực (judicial activism), khác với sự hình thành Tòa án tối cao muộn màng (vào năm 2009) ở Anh do sự tồn tại dai dẳng của nguyên tắc “Nghị viện tối cao” ở đảo quốc.
Phần III (Điều 12 đến 35) Hiến pháp Ấn Độ quy định về các quyền cơ bản, bao gồm quyền bình đẳng, quyền không bị bóc lột, các quyền tự do cá nhân, cũng như một số quyền tập thể. Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa chủ yếu được ghi nhận trong Phần IV (Điều 36 đến 51) về “các quy tắc định hướng của chính sách nhà nước”. Quy định về nhân quyền trong Hiến pháp được cho là đã chịu ảnh hưởng của Luật Nhân quyền (năm 1789) của Hoa Kỳ[6] , cũng như của Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền (năm 1948) của Liên hợp quốc[7]. Điều 32 Hiến pháp khẳng định quyền được bảo vệ bởi cơ chế hiến pháp, trong đó có nhắc cụ thể đến thẩm quyền Tòa án tối cao thực thi nhân quyền bằng cách đưa ra các hướng dẫn (directions), mệnh lệnh (orders, writs).
Là một quốc gia theo hệ thống thông luật (án lệ), nguồn luật của Ấn Độ bao gồm các đạo luật của Nghị viện, các phán quyết của tòa án, các tập quán, các điều ước quốc tế (về quyền con người, môi trường...) mà quốc gia là thành viên. Cạnh đó, các giới luật, quy định của tôn giáo cũng ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của nhiều cộng đồng tôn giáo. Bên cạnh di sản của chế độ thuộc địa, trong giới trí thức Ấn Độ, rất nhiều người là luật gia, luật sư, có bằng đại học từ Anh quốc và các nước phương Tây. Do đó, luật pháp và Hiến pháp Ấn Độ được xây dựng dựa đáng kể vào các kỹ thuật và kiến thức học hỏi từ phương Tây[8].
Với lịch sử phức tạp, lãnh thổ rộng lớn như một châu lục, sự phát triển không đồng đều về kinh tế, sự đa dạng về dân cư, tôn giáo (có 80% dân số theo Ấn giáo, 14% theo Hồi, cạnh đó là Kito giáo, Sikhs, Jains, Parsis và nhiều tôn giáo khác) và ngôn ngữ (có 22 ngôn ngữ chính, và 1.650 thổ ngữ), các vấn đề nhân quyền đương đại tại Ấn Độ rất đa dạng, phức tạp và không dễ đi đến đồng thuận. Tuy vậy, sự kiềm chế, cân bằng giữa các nhánh quyền lực, cộng với sự cởi mở, đôi khi khá cấp tiến, của các cơ quan lập pháp và tư pháp đã góp phần giải quyết nhiều xung đột, vấn đề xã hội.
2.    Mối quan hệ giữa lập pháp và tư pháp
Mối quan hệ giữa lập pháp (với đòi hỏi về tính đại diện rộng rãi) và tư pháp (với đòi hỏi về tính độc lập) thể hiện ở nhiều khía cạnh, cấp độ, lĩnh vực. Ở đây, tác giả xem xét sự tương tác giữa lập pháp (Nghị viện liên bang) với tư pháp (Tòa án tối cao Ấn Độ) thể hiện ở ba vai trò của tòa án: giới hạn sự tùy tiện sửa đổi hiến pháp, tuyên vô hiệu các đạo luật vi hiến, và diễn giải, bù đắp cho những khoảng trống của luật thành văn.
2.1. Tòa án hạn chế sự tùy tiện sửa đổi Hiến pháp   
Nghị viện liên bang, cơ quan đại diện cho sự đa dạng cao độ về kinh tế, xã hội, tôn giáo của quốc gia, đồng thời có vai trò tăng cường đoàn kết, bảo đảm mục tiêu “thống nhất trong sự đa dạng” được đề cao bởi các nhà lập quốc, là “diễn đàn tối cao của nền dân chủ Ấn Độ”[9]. Nghị viện, giống như ở nhiều nước khác, thúc đẩy nhân quyền thông qua lập pháp về các lĩnh vực của đời sống xã hội, cũng như thành lập các thể chế, thủ tục bảo vệ nhân quyền, triển khai các chương trình, dự án quy mô quốc gia. Nhiều đạo luật của Ấn Độ, cả về lĩnh vực kinh tế, xã hội và dân sự, khá nổi tiếng về sự tiến bộ như Luật Trợ cấp thai sản năm 1961, Luật Bảo vệ nhân quyền năm 1993, Luật Tự do thông tin năm 2002, Luật về Quyền thông tin năm 2005 (được sửa đổi năm 2019)... Luật Bảo vệ nhân quyền đã thành lập ra Ủy ban Nhân quyền quốc gia[10]. Mục 2 (d) của luật này xác định các quyền con người được bảo vệ là các quyền cá nhân được bảo đảm trong Hiến pháp, trong các điều ước quốc tế và có thể thực thi được bởi tòa án.
Liên quan đến Hiến pháp, Điều 368 Hiến pháp 1950 trao cho Nghị viện thẩm quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi có thể được khởi xướng bởi một trong hai viện bằng việc trình ra một dự luật. Dự luật này cần được thông qua bởi đa số 2/3 ở cả hai viện, sau đó được trình ra Tổng thống để ban hành. Nếu việc sửa đổi liên quan đến một số điều khoản cụ thể (Điều 54, 55, 73, 162...), nó cần được phê chuẩn bởi nghị viện của ít nhất là một nửa tổng số bang. Tính đến năm 2021, đã có 105 lần sửa đổi Hiến pháp[11], điều này đã khiến Ấn Độ trở thành quốc gia có Hiến pháp được sửa đổi nhiều lần nhất trên thế giới[12]. Một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều sửa đổi (trung bình mỗi năm hai lần) là do Hiến pháp quy định quá chi tiết về thẩm quyền của các cơ quan công quyền, trong khi ở nhiều nước khác những nội dung này có thể do các đạo luật điều chỉnh.
Để hạn chế sự tùy tiện của Nghị viện liên bang trong việc sửa đổi Hiến pháp, học thuyết “cấu trúc cơ bản” đã được hình thành và bảo vệ bởi Tòa án tối cao. Học thuyết này khẳng định rằng Hiến pháp có một số đặc điểm căn bản (bao gồm sự bảo vệ các quyền cá nhân) mà không thể bị hủy bỏ, thay đổi bởi Nghị viện. Học thuyết đã tạo nền tảng cho Tòa án tối cao xem xét, hủy bỏ các sửa đổi do Nghị viện nếu chúng xung đột hoặc thay đổi “cấu trúc cơ bản” của Hiến pháp. Học thuyết này chỉ áp dụng đối với các sửa đổi Hiến pháp.
Phán quyết trong vụ Kesavananda Bharati kiện Bang Kerala (năm 1973) có vai trò quan trọng trong việc xác định nguyên tắc Hiến pháp có thể được sửa đổi nhưng không thể thay đổi “cấu trúc cơ bản”[13]. Trong vụ án phức tạp này, liên quan đến đạo luật xung đột với quyền tự do điều hành các hoạt động tôn giáo - bao gồm quyền sở hữu động sản và bất động sản (Điều 26 Hiến pháp bảo vệ), Tòa án tối cao xem xét lại phán quyết trong vụ Golaknath kiện Bang Punjab, và xem xét lại hiệu lực của bốn lần sửa đổi Hiến pháp (lần thứ 24, 25, 26 và 29). Với việc giữ nguyên hiệu lực của Điều 13 (các luật xung đột với các quyền cơ bản sẽ bị coi là vô hiệu) và quy định tại khoản 3 Điều 368, đã được sửa đổi lần thứ 24, Tòa án nhận định rằng Nghị viện có quyền sửa đổi các điều khoản liên quan đến các quyền cơ bản. Tuy vậy, Tòa án xác nhận một luận điểm đã được khẳng định trong vụ Golaknath, bằng phán quyết rằng cụm từ “sửa đổi” Hiến pháp tại Điều 368 có nghĩa là bất kỳ bổ sung hoặc thay đổi nào đối với bất kỳ điều khoản nào của Hiến pháp trong phạm vi rộng gồm cả Lời nói đầu và Hiến pháp để thực hiện các mục tiêu trong Lời nói đầu và các Nguyên tắc chỉ đạo. Áp dụng điều này với các quyền cơ bản, mặc dù các quyền cơ bản không thể bị bãi bỏ, nhưng việc thu hẹp hợp lý chúng có thể chấp nhận được vì lợi ích công cộng. Mọi điều khoản của Hiến pháp đều có thể được sửa đổi, miễn là nền tảng và cấu trúc cơ bản của Hiến pháp vẫn giữ nguyên.
Học thuyết “cấu trúc cơ bản” được củng cố thêm trong vụ Indira Nehru Gandhi kiện Raj Narain (năm 1980), khi Tòa án Tối cao phán quyết hủy bỏ Luật Hiến pháp năm 1975 (Sửa đối thứ 39, được Nghị viện thông qua trong thời kỳ Tình Trạng khẩn cấp, đặt cuộc bầu cử Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Hạ viện ngoài sự kiểm tra của các Tòa án). Đến vụ Minerva Mills kiện Liên bang Ấn Độ, Tòa án tối cao khẳng định rõ thêm quyền của Nghị viện sửa đổi Hiến pháp bị giới hạn bởi Hiến pháp, Nghị viện không thể trao cho bản thân nó quyền lực không giới hạn. Đa số thành viên Tòa án cho rằng, quyền sửa đổi thì không phải quyền hủy bỏ; do đó, Nghị viện không thể cắt bỏ các quyền cơ bản của cá nhân, bao gồm quyền tự do và bình đẳng (mặc dù không phải là một quyền cơ bản nhưng được coi là một cấu trúc cơ bản của Hiến pháp). Phán quyết trong vụ này tuyên hủy khoản 4 và 5 Luật Hiến pháp năm 1976 (Sửa đổi thứ 42) do Thủ tướng Indira Gandhi (Đảng Quốc đại) thúc đẩy[14].
Như vậy, từ thập niên 1970, đối diện với lập pháp và hành pháp chủ yếu trong tay Đảng Quốc đại, Tòa án tối cao Ấn Độ đã tích cực sử dụng quyền kiểm hiến (giám sát tư pháp) đặt ra những giới hạn, kiềm chế lập pháp tùy tiện sửa đổi Hiến pháp, tạo ra tính ổn định, bảo vệ nhân quyền thông qua học thuyết “cấu trúc cơ bản”.
2.2. Tòa án tuyên vô hiệu các đạo luật vi hiến
Chúng ta thường thấy nội dung phổ biến nhất của thẩm quyền kiểm hiến của tòa án các nước là kiểm tra tính hợp hiến của các đạo luật. Cho đến gần đây, Tòa án tối cao Ấn Độ vẫn tích cực giám sát lập pháp thông qua xem xét, tuyên hủy các đạo luật của Nghị viện khi chúng trái với Hiến pháp, bao gồm các quyền hiến định.
Quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, đặc biệt là trên không gian internet, là đặc biệt quan trọng đối với các nền dân chủ ngày nay. Internet càng trở nên quan trọng đối với một cường quốc sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới như Ấn Độ. Trong một phán quyết vào tháng 3 năm 2015, để bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin (được Điều 19 Hiến pháp năm 1950 bảo vệ, cùng với các quyền hội họp, lập hội, đi lại, cư trú...), Tòa án tối cao đã tuyên hủy Điều 66A của Luật Công nghệ thông tin (Information Technology Act) năm 2000. Điều luật này quy định hình phạt tù lên đến 3 năm đối với việc lan truyền, bằng email hoặc các phương tiện điện tử khác, thông tin bị coi là “gây khó chịu, bất tiện, nguy hại, cản trở, tổn thương, đe dọa, gây hận thù hoặc có mục đích xấu”. Chính phủ Ấn Độ cho rằng, Luật này nhằm ngăn chặn người dân đăng tải những nội dung lăng mạ, xúc phạm, gây ảnh hưởng tới tâm lý người khác. Từ khi được ban hành, điều luật đã bị phê phán bởi giới truyền thông, các luật gia và công chúng Ấn. Sau khi xem xét điều luật, Tòa án tối cao đã kết luận Điều 66A trái với Hiến pháp vì “nó làm ảnh hưởng tới quyền được biết của người dân”[15].
Không phải chỉ quan tâm đến tự do, các lập luận của tòa án đi đôi với sự cân nhắc các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa, truyền thống. Ví dụ là những cân nhắc, lập luận trong một số phán quyết liên quan đến những vấn đề về giới, quan hệ tình dục, thường được coi là cấm kỵ trong nhiều xã hội truyền thống. Mục 377 Bộ luật Hình sự Ấn Độ (IPC), tồn tại từ năm 1860, trừng phạt các hành vi quan hệ tình dục đồng giới (bị coi là “trái với trật tự tự nhiên”). Trong phán quyết vào tháng 9 năm 2018, Tòa án Tối cao đã kết luận rằng việc áp dụng Mục 377 này đối với các hành vi quan hệ tình dục đồng giới có sự đồng thuận giữa những người trưởng thành là trái với Hiến pháp, “trái với lý trí, không thể biện minh và rõ ràng là tùy tiện”. Tuy nhiên, điều luật này vẫn có hiệu lực đối với quan hệ tình dục của người chưa thành niên, không có đồng thuận. Trong vụ kiện Navtej Singh Johar kiện Liên bang Ấn Độ, Tòa án đã cho rằng hình sự hóa hành vi tình dục đồng giới có sự đồng thuận giữa những người trưởng thành là sự vi phạm các Điều 14 (về bình đẳng trước pháp luật), 15 (cấm phân biệt đối xử) và 21 (quyền sống và tự do cá nhân) của Hiến pháp[16].
Bên cạnh các quyền dân sự và chính trị, các quyền kinh tế và xã hội cũng được Tòa án quan tâm, đây một điểm khác biệt đáng kể ở Ấn Độ so với nhiều nước. Trong hai thập niên qua, hệ thống tư pháp ở Ấn Độ đã “chuyển đổi các quyền kinh tế và xã hội không thể tranh tụng, như quyền về giáo dục cơ bản, y tế, lương thực, nơi ở... thành các quyền có hiệu lực pháp luật”[17]. Trong một phán quyết nổi tiếng về quyền giáo dục, các thẩm phán thậm chí còn khẳng định rằng, một quyền có thể được coi là cơ bản ngay cả khi nó không có trong phần quyền cơ bản của Hiến pháp. Điều này phần nào xuất phát từ sự lớn mạnh, năng động của các tổ chức xã hội công dân và sự gia tăng tranh tụng vì lợi ích công. Tuy vậy, phán quyết trong nhiều vụ việc cũng khiến Tòa án bị phê bình là quan tâm không đầy đủ đến các quyền lợi của người nghèo (như quyền được bảo đảm nơi cư trú, chống lại việc bị thu hồi nhà, đất tùy tiện)[18]. Cạnh đó, cũng có sự quan ngại từ bên trong và bên ngoài Tòa án tối cao rằng, tư pháp có thể lấn sang thẩm quyền của lập pháp, hành pháp nếu can thiệp quá sâu vào các chính sách xã hội[19].
Một đặc điểm khác của kiểm hiến ở Ấn Độ là tầm nhìn rộng, tính quốc tế trong hoạt động của Tòa án. Trong khi khởi nguồn của các dự luật thường từ các nghị sỹ, đảng phái, Chính phủ, xuất phát từ nhu cầu của các giới trong xã hội, các tranh luận về tính hợp hiến của các đạo luật của Nghị viện trước Tòa án tối cao thường được đối chiếu với kinh nghiệm các nước, nhất là các nền dân chủ nói tiếng Anh như Hoa Kỳ, Canada, Australia, Nam Phi..., và các điều ước nhân quyền của Liên hợp quốc. Việc Ấn Độ sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức cũng là một thuận lợi đáng kể cho việc hướng đến những giá trị phổ quát bởi Tòa án.
2.3. Tòa án diễn giải luật, bổ sung cho lập pháp
Tư pháp cũng có thể bù đắp cho những khoảng trống pháp lý, khi chưa có đạo luật của Nghị viện Ấn Độ điều chỉnh, luật chưa đủ rõ, hoặc cần được diễn giải phù hợp hơn với thời đại. Chẳng hạn tại các phán quyết của Tòa án liên quan đến việc phá thai, nghề mại dâm và quyền riêng tư như trình bày dưới đây.
Cho đến gần đây, việc nạo phá thai tại Ấn Độ được điều chỉnh bởi Luật Chấm dứt mang thai (Medical Termination of Pregnancy Act) năm 1971. Vào năm 2021, Luật này được sửa đổi, có sự điều chỉnh thời hạn, điều kiện được phép phá thai (cho đến khi thai được 20 tuần và theo lời khuyên của một bác sỹ, hoặc trong một số trường hợp đặc biệt – như bị hãm hiếp, bệnh lý – thì cho đến 24 tuần), tuy nhiên lại không nêu rõ có áp dụng đối với phụ nữ chưa kết hôn hay không. Tòa án tối cao Ấn Độ, vào tháng 9 năm 2022, tuyên bố rằng tình trạng hôn nhân của một phụ nữ không thể là điều kiện tiên quyết để tiếp cận các dịch vụ phá thai an toàn và hợp pháp. Phán quyết này được đưa ra khi xem xét lại phán quyết trước đó của Tòa án cấp cao Delhi (căn cứ vào Mục 3 (2) (b) của Luật, bác bỏ lời yêu cầu chấm dứt thai của một phụ nữ độc thân). Tòa án tối cao cho rằng sự phân biệt giữa phụ nữ đã kết hôn và chưa kết hôn là giả tạo, phụ nữ chưa kết hôn có quyền sinh sản như phụ nữ đã có gia đình. “Quyết định có hay không phá thai xuất phát từ những hoàn cảnh phức tạp trong cuộc sống, điều mà chỉ người phụ nữ mới có thể tự lựa chọn mà không có sự can thiệp hay ảnh hưởng từ bên ngoài”, Tòa án lập luận.[20] Tòa án cũng mở rộng khái niệm “hiếp dâm” bao gồm cả “hiếp dâm trong hôn nhân” (bởi người chồng). Theo đó, người phụ nữ có thai với chồng mình, nhưng bị cưỡng bách, cũng có thể tiếp cận dịch vụ phá thai nếu thai dưới 24 tuần. Nếu so với khuynh hướng kiểm soát chặt chẽ hơn việc phá thai, đề cao các nguyên tắc tôn giáo về bảo vệ thai nhi hơn là quyền tự do của phụ nữ, đang thắng thế tại Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu (như Ý, Ba Lan...)[21], sự diễn giải pháp lý của Tòa án Ấn Độ được đánh giá là có tính cởi mở với nữ quyền.
Theo một phán quyết khác, cũng trong năm 2022, Tòa án tối cao khẳng định “lao động tình dục là một nghề” và các cơ quan công quyền cần bảo vệ nhân phẩm, quyền sống tử tế của những phụ nữ mại dâm. Mặc dù mại dâm từ lâu đã được coi là hợp pháp tại Ấn Độ, nhưng phụ nữ làm nghề này thường xuyên trở thành nạn nhân của sự kỳ thị và bạo lực, nhiều khi là bởi cảnh sát. Phán quyết gần đây là sự kế tiếp một phán quyết vào năm 2011, khi xét xử phúc thẩm một vụ giết người mà bị hại là một gái mại dâm (Budhadev Karmaskar kiện Bang Tây Bengal), Tòa án tối cao không chỉ bác bỏ đơn kháng cáo của kẻ sát nhân mà còn viện dẫn Điều 21 (quyền sống) của Hiến pháp để khẳng định rằng gái mại dâm cũng có quyền sống với phẩm giá như mọi người. Đồng thời, Tòa án đã ban hành một loạt hướng dẫn cho các cơ quan công quyền nhằm trợ giúp những người hành nghề mại dâm. Các khuyến nghị năm 2011 của Tòa án tối cao được tiếp thu một phần trong dự thảo luật của Chính phủ Liên minh về hoạt động mại dâm, nhưng Chính phủ đã chần chừ trong việc trình dự luật. Để bù đắp cho khoảng trống pháp lý, trong phán quyết vào tháng 5 năm 2022, Tòa án tối cao đã đưa ra một số hướng dẫn về phòng, chống buôn bán người, trợ giúp cho những người muốn rời bỏ hoạt động mại dâm, lưu ý về sự cần thiết phải nâng cao nhận thức của lực lượng cảnh sát, các cơ quan thực thi pháp luật khác về quyền của người bán dâm. Hoạt động mại dâm tự nguyện là hợp pháp, chỉ có việc điều hành một nhà thổ bất hợp pháp, cảnh sát cần phân biệt rõ và bảo vệ quyền của người hành nghề mại dâm[22].
Một khoảng trống khác trong Hiến pháp năm 1950 và luật thành văn cho đến gần đây là thiếu sự bảo vệ đối với quyền riêng tư. Đối diện với chính sách thúc đẩy một hệ thống định danh cá nhân bằng sinh trắc học (với tên gọi là Aadhaar) giúp quản lý công dân của Chính phủ Ấn Độ, nhiều người dân và tổ chức nhân quyền quan ngại về những nguy cơ lộ thông tin, dữ liệu cá nhân[23]. Những người bảo vệ quyền riêng tư đã khởi kiện ra Tòa án vì cho rằng, việc thu thập dữ liệu là can thiệp quá sâu, có thể làm lộ các thông tin về thói quen tiêu dùng, hồ sơ y tế, giao dịch ngân hàng... của người dân. Chính phủ phản bác, cho rằng chính sách này không vi phạm nhân quyền nào, thậm chí lập luận rằng quyền riêng tư không phải là một quyền cơ bản trong Hiến pháp. Vào năm 2017, Tòa án tối cao đã xem xét và khẳng định quyền riêng tư là một quyền cơ bản, và rằng “riêng tư là cối lõi hiến định của nhân phẩm con người”[24]. Những mâu thuẫn về thẻ căn cước là một phần của cuộc tranh luận rộng lớn hơn đang diễn ra ở Ấn Độ, cũng như ở nhiều nước khác, về việc gia tăng theo dõi bởi chính quyền và sự cần thiết bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ở đây, Tòa án đã góp tiếng nói bảo vệ quyền riêng tư bằng cách giải thích rõ hơn về sự bảo vệ của Hiến pháp đối với quyền này.
Những ví dụ trên góp phần làm rõ thêm về hệ thống thông luật Ấn Độ, cũng như minh họa cho việc Tòa án Ấn Độ, chủ yếu là Tòa án tối cao, bù đắp vào những khoảng trống của lập pháp (các đạo luật) bằng cách diễn giải luật cho phù hợp hơn với nhu cầu của xã hội và thời đại, hoặc chủ động ban hành các quy phạm, hướng dẫn.
3.    Kết luận
Đặc trưng của chế độ đại nghị thường được nhắc đến là sự “phân quyền mềm dẻo”, vì hành pháp và đa số trong lập pháp cùng trong tay đảng cầm quyền, sự giám sát, kiềm chế với lập pháp, hành pháp chủ yếu do tư pháp thực hiện, bên cạnh vai trò của đảng đối lập và nền báo chí tự do. Thẩm quyền, hoạt động của các cơ quan lập pháp, tư pháp, và sự tương tác giữa chúng ở Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng với nhiều nền dân chủ (như Anh, Hoa Kỳ, Canada, Australia...), nhưng cũng có những nét đặc thù, phần nào thể hiện ở ba vai trò của Tòa án đã được phân tích trên (giới hạn sự tùy tiện sửa đổi Hiến pháp, tuyên vô hiệu các đạo luật vi hiến, và diễn giải, bù đắp cho những khoảng trống chưa có luật thành văn).
Mô hình dân chủ đại nghị Ấn Độ, được nhiều người coi là “nền dân chủ lớn nhất thế giới”. Dù gần đây, chính phủ và đảng BJP của Thủ tướng Narendra Modi bị một số tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế phê phán về việc thu hẹp không gian dân sự, phân biệt đối xử đối với các nhóm thiểu số[25], nhưng nhìn trong dài hạn, trường hợp Ấn Độ phần nào là một minh chứng cho thấy khả năng dung hòa giữa dân chủ, phân chia quyền lực, độc lập tư pháp, quyền tự do và sự đa dạng xã hội, đối nghịch với quan điểm cho rằng cần ưu tiên kỷ luật, trật tự, thậm chí là cần đến chuyên chế cho một quốc gia đông dân. Cạnh đó, việc xích lại gần nhau hơn giữa hai hệ thống pháp luật - án lệ và luật thành văn - ở nhiều nước, bao gồm Việt Nam, dường như cũng hứa hẹn tiềm năng bảo vệ tốt hơn nhân quyền và nhân phẩm của người dân./. 
 

 


[1] Như Bộ luật Hình sự 1860, Luật giao dịch tài sản 1882, Bộ luật Tố tụng Dân sự 1908.
[2] Như Luật Hiến chương 1833, Luật về Chính quyền Ấn Độ các năm 1858, 1919, 1935.
[3] Bao gồm một số nhân vật như: luật gia, Tiến sỹ B. R. Amberkar là Trưởng Ban Soạn thảo, Jawaharlal Nehru (luật sư, về sau trở thành Thủ tướng đầu tiên), Vallabhbhai Jhaverbhai Patel (luật sư, Phó Thủ tướng đầu tiên), Rajendra Prasad (Tổng thống đầu tiên) ...
[4] Các thành viên Rajya Sabha không phải do cử tri bầu ra trực tiếp (như với Lok Sabha), mà do nghị viện của các bang bầu ra. Tổng thống có quyền đề cử thêm 12 thành viên khác của Thượng viện. Phó Tổng thống nắm quyền Chủ tịch Thượng viện. Liên bang Ấn Độ gồm 28 bang và 8 lãnh thổ liên bang.
[5] Điều 141 Hiến pháp 1950 quy định: “Luật được tuyên bố (law declared) bởi Tòa án tối cao sẽ ràng buộc đối với mọi tòa án trên lãnh thổ Ấn Độ”.
[6]  M. P. Jain, Indian Constitutional Law, Third Edition, Nxb. N.M. Tripath Private Ltd., Bombay, 1983, p.402.
[7] Surya Narayan Misra, “Constitutional Democracy, Judiciary and Social Justice in India, Odisha Review, số tháng 1/2013, tr. 16.
[8] Satish Saberwal, “Introduction: Civilization, Constitution, Democracy”, trong Zoya Hasan, E.Sridharan và R.Sudarshan (Biên tập), India’s Living Constitution: Ideas, Practices, Controversies, Nxb. Anthem, 2002, pp. 9- 10. Một số quốc gia châu Á khác chịu ảnh hưởng tương tự là: Pakistan, Sri Lanka, Miến Điện, Singapore, Malaysia.
[9] Bimal Jalan, Indian Politics: A View from Backbench, Nxb. Penguin Books, 2007, tr.126 và 127.
[10] Cạnh đó đã có khoảng 20 bang thành lập ủy ban nhân quyền có thẩm quyền hoạt động trong phạm vi bang.
[11] Xem cụ thể tại trang web của Bộ Tư pháp Ấn Độ về các Luật (sửa đổi) Hiến pháp: https://legislative.gov.in/amendment-acts.
[13] Pratap Bhuanu Mehta, “The Inner Conflict of Constitutionalism: Judicial Review and the ‘Basic Structure’”, trong trong Zoya Hasan, E.Sridharan và R.Sudarshan (Biên tập), India’s Living Constitution: Ideas, Practices, Controversies, Nxb. Anthem, 2002, p.179.
[14] Henry C. Hart, “The Indian Constitution: Political Development and Decay”, Asian Survey, 1980, 20 (4), pp. 428–451.
[15] Surya Sayed-Ganguly, Chetan Gupta, Indian Supreme Court Nullifies Controversial Internet Speech Law, https://asiafoundation.org/2015/04/01/indian-supreme-court-nullifies-controversial-internet-speech-law/.
[16] The Guardian, Campaigners celebrate as India decriminalises homosexuality, https://www.theguardian.com/world/2018/sep/06/indian-supreme-court-decriminalises-homosexuality.
[17] Shylashri Shankar và Pratap Bhanu Mehta, “Courts and Socio-economic Rights in India”, trong Varun GauriDaniel M. Brinks (Biên tập), Courting Social Justice: Judicial Enforcement of Social and Economic Rights in the Developing World, Nxb. Đại học Cambridge, tr. 146 – 182.
[18] Rakesh Shukla, “Rights of the Poor: An Overview of Supreme Court”, Economic and Political Weekly, Vol. 41, No. 35 (Sep. 2-8, 2006), pp. 3755-3759.
[20] Tanvi MehtaSuchitra Mohanty, India's top court legalises abortion regardless of marital status, 29/9/2022, https://www.reuters.com/world/india/indias-top-court-gives-all-women-right-abortion-2022-09-29/.
[21] Gần đây, vào tháng 6 năm 2022, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ lật ngược quyết định mang tính bước ngoặt năm 1973 trong vụ Roe kiện Wade (hợp pháp hóa việc phá thai ở Hoa Kỳ).
[22] Varsha Nair, Implications of the Recent Supreme Court Order on Sex Work, 25/6/2022, https://clpr.org.in/blog/implications-of-the-recent-supreme-court-order-on-sex-work/.
[23] Hồng Vân, Lỗ hổng hệ thống định danh cá nhân, 12/01/2018, https://tuoitre.vn/lo-hong-he-thong-dinh-danh-ca-nhan-20180112095021296.htm.
[24] Julie McCarthy, Indian Supreme Court Declares Privacy A Fundamental Right, 24/8/2017, https://www.npr.org/sections/thetwo-way/2017/08/24/545963181/indian-supreme-court-declares-privacy-a-fundamental-right.
[25] Human Rights Watch, Human Rights Watch World Report 2023: Events of 2022, p.291, https://www.hrw.org/world-report/2023.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 01+02 (473+474), tháng 1/2023.)