Lợi ích của tăng thuế thuốc lá - kinh nghiệm ở một số quốc gia trên thế giới và bài học đối với Việt Nam

24/02/2023

THS. LÊ THỊ THU

Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam,

THS. NGUYỄN HẠNH NGUYÊN

Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam.

Tóm tắt: Thuốc lá là mặt hàng không được khuyến khích tiêu thụ vì những tác hại rất lớn đối với sức khỏe con người. Một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp kiểm soát việc tiêu thụ thuốc lá. Trong đó, biện pháp tăng thuế đối với thuốc lá thường được sử dụng như một biện pháp phổ biến vì biện pháp này có tác dụng giảm tiêu thụ thuốc lá, mang lại các lợi ích khác cho xã hội và có thể tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Từ khóa: Thuốc lá, thuế thuốc lá, cải cách thuế thuốc lá.
Abstract: Tobacco is a product under the encouragement of limited consumption because of its provision of great harms to the human health. A number of countries including Vietnam have been actively carrying out tobacco consumption control measures. Of which, the measure of increase in taxation on tobacco is normally applied as it is a common measure because it effectively reduces tobacco consumption, provides other benefits to the society, and may increase the revenues to the state budget.
Keywords: Tobacco; tobacco taxation; tobacco taxation reform.
 THUẾ-THUỐC-LÁ.jpg
1. Lợi ích của tăng thuế thuốc lá
Thuốc lá là sản phẩm cần hạn chế tiêu dùng vì thuốc lá gây ra nhiều tác hại lớn đối với sức khỏe của con người và tác động tiêu cực đối với kinh tế, xã hội. Các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tăng thuế đối với thuốc lá đã được chứng minh là giải pháphiệu quả nhất giúp giảm tiêu dùng thuốc lá và mang lại nhiều lợi ích khác không chỉ cho người hút, gia đình họ mà còn cho toàn xã hội.
Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đã chứng minh các lợi ích cơ bản của tăng thuế thuốc lá bao gồm: (i) Lợi ích sức khỏe nhờ giảm tiêu dùng, từ đó giảm bệnh tật và tử vong; giảm chi phí khám, chữa bệnh do sử dụng thuốc lá; (ii) Lợi ích kinh tế thông qua việc tăng thu thuế; (iii) Lợi ích phát triển thông qua việc giảm đói nghèo và thúc đẩy tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Bởi vậy, tăng thuế thuốc lá được xác định là giải pháp cùng thắng: lợi ích cho sức khỏe cộng đồng, có lợi cho thu ngân sách và lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội.
Lợi ích sức khỏe: Tăng thuế thuốc lá làm giảm tiêu dùng thuốc lá, góp phần cải thiện sức khỏe người dân và tăng năng suất lao động
Theo Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế thế giới, chính sách giá và thuế là chính sách hữu hiệu nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá, giúp giảm từ 50% đến 60% tỷ lệ hút thuốc lá tại các quốc gia. Tăng thuế tác động trực tiếp đến tăng giá thuốc lá buộc người tiêu dùng phải “phản ứng” bằng cách bỏ hoặc giảm mức độ sử dụng thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế thế giới, khi giá thuốc lá tăng 10% sẽ làm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá chung trong cộng đồng khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình hoặc thấp[1]. Đặc biệt, với nhóm trẻ tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá sẽ giảm nhiều hơn so với nhóm người trưởng thành, giảm 10% hoặc nhiều hơn khi giá thuốc lá tăng 10%[2].
Có thể thấy, mức độ sử dụng thuốc lá trong nhóm có thu nhập thấp và nhóm thanh, thiếu niên chịu sự tác động mạnh hơn, nhanh hơn so với các nhóm dân cư khác khi giá thuốc lá tăng.    Tăng thuế có tác động rất hữu hiệu đối với việc giảm tiêu dùng thuốc lá trong các nhóm dân cư nhất là với nhóm trẻ tuổi và nhóm có mức sống thấp.
Kết quả nghiên cứu tại nhiều quốc gia còn cho thấy, bỏ thuốc lá càng sớm thì càng mang lại nhiều hơn lợi ích cho sức khỏe[3]. Người bỏ thuốc lá sẽ giảm được nguy cơ tử vong sớm liên quan đến thuốc lá và có thể tăng thêm 10 năm tuổi thọ so với việc tiếp tục hút thuốc lá.
Lợi ích kinh tế: Tăng thuế thuốc lá giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, trên phạm vi toàn cầu khi thuế tăng 10% sẽ giúp tăng thu thuế thuốc lá thêm 7%[4]. Theo Tổ chức Y tế thế giới, chính phủ các nước trên thế giới có thể thu thêm 141 tỷ đô la Mỹ từ thuế thuốc lá nếu tăng thuế với mức trung bình là 0,8 đô la Mỹ mỗi bao[5].
Bằng chứng tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam cho thấy, tăng thuế thuốc lá làm giảm tiêu dùng thuốc lá nhưng lại làm tăng doanh thu thuế bởi: (i) Thuốc lá là loại hàng hoá có tính gây nghiện nên tốc độ giảm tiêu dùng sẽ chậm hơn so với tốc độ tăng giá; (ii) Do sự gia tăng dân số nên vẫn luôn có một số lượng những người mới gia nhập thị trường và tổng số người hút sẽ giảm nhưng giảm chậm.
Ở Nam Phi, trong giai đoạn 1991 - 2020, thuế thuốc lá đã tăng từ mức 2 rands (1USD=12,7 rands) lên mức 13 rands mỗi bao và doanh thu thuế thuốc lá đã tăng từ 3 tỷ rands lên 14,5 tỷ rands[6].
Ở Ukraina, trong những năm từ năm 2007 - 2017, giá mỗi bao thuốc đã tăng lên 3 lần khi   tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ trung bình/năm tăng từ 33% lên 66%. Doanh thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tăng hơn 15 lần, từ 2,4 tỷ UAH (đơn vị tiền Ukraina, 1 UAH=0.027 USD) năm 2007 lên 38 tỷ UAH năm 2016. Tỷ lệ hút thuốc hàng ngày ở người lớn từ 16 tuổi trở lên giảm từ 26,4% (2007) xuống 20% ​​(2016). Tỷ lệ hút thuốc lá giảm nhiều hơn với nhóm   nam giới từ 50,6% (2007) xuống 38,1% (2016)[7].
Ở Việt Nam, năm 2008, sau khi áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) ở mức 65% (tăng 10% so với năm 2007, sản lượng tiêu dùng thuốc lá đã giảm khoảng 8% nhưng doanh số thu thuế thuốc lá đã tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2007. Tuy nhiên, việc tăng thuế TTĐB chỉ trong một năm duy nhất không có nhiều tác dụng, vì các năm sau đó thuế không tăng nên sản lượng tiêu dùng lại tiếp tục trở lại. Cụ thể, năm 2009 sản lượng tiêu thụ tăng 10% so với 2008 và tiếp tục tăng vào các năm sau đó. Tương tự, năm 2016 (sau khi áp dụng thuế suất thuế TTĐB 70% - tăng 5% so với thuế suất 65% năm 2015), doanh số thu thuế thuốc lá năm 2016 tăng khoảng hơn 1.250 tỷ đồng so với năm 2015. Nhưng do mức tăng thuế ít nên tác động tới giảm sản lượng tiêu dùng hầu như không đáng kể[8].
Lợi ích phát triển: Tăng thuế thuốc lá giảm đói nghèo và thúc đẩy đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)
Xuất phát từ quan điểm tăng trưởng bao trùm, tăng thuế thuốc lá cũng được đánh giá là một chính sách 'vì người nghèo' vì nhóm thu nhập thấp được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​chính sách này do tăng thuế làm tăng giá dẫn đến giảm tiêu dùng, giảm thiểu bệnh tật, giảm chi phí y tế và tình trạng đói nghèo liên quan đến sử dụng thuốc lá. Không chỉ thế, tăng thuế còn giúp tăng doanh số thu thuế từ thuốc lá, tăng ngân sách nhà nước đầu tư cho các dịch vụ công như y tế,   giáo dục … để hỗ trợ giảm nghèo bền vững.
Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới về phúc lợi và tác động của tăng thuế thuốc lá ở Việt Nam cho thấy, tăng thuế thuốc lá có thể làm giảm số lượng người nghèo ở Việt Nam, góp phần ngăn ngừa tử vong sớm do hút thuốc lá và giảm tình trạng bần cùng do chi phí y tế liên quan đến thuốc lá. Người dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi thêm từ việc giảm hút thuốc lá thụ động, tăng năng suất của người lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống của người hút thuốc lá và gia đình họ, đồng thời có khả năng đầu tư thêm nguồn thu thuế vào các chương trình xã hội và y tế[9].
Các chính sách về kiểm soát thuốc lá trong đó có tăng thuế đóng một vai trò quan trọng trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 2015 với 17 Mục tiêu và được các quốc gia thành viên đã đồng ý cam kết thực hiện vào năm 2030. Kiểm soát thuốc lá liên quan trực tiếp đến việc đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững số 3 về “đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc cho tất cả mọi người”,trong đó có mục tiêu 3.4 giảm 1/3 tỷ lệ tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm và mục tiêu 3.a tăng cường thực hiện Công ước khung của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá (WHO FCTC)[10].
Chương trình hành động Addis Ababa năm 2015 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Ethiopiađã ghi nhận: “Các biện pháp về giá và thuế đối với thuốc lá có thể là một phương tiện hữu hiệu và quan trọng để giảm tiêu thụ thuốc lá và chi phí chăm sóc sức khỏe, đồng thời thể hiện một nguồn thu để tài trợ cho phát triển ở nhiều quốc gia[11].
2. Kinh nghiệm từ cải cách thuế thuốc lá ở một số nước trong khu vực
2.1. Cải cách thuế thuốc lá của Thái Lan
Theo ATLAS về phòng, chống tác hại thuốc lá khu vực ASEAN năm 2018, trong những năm từ 1993 đến 2016, Thái Lan áp dụng hệ thống thuế đối với thuốc lá theo tỷ lệ phần trăm tính trên giá bán buôn. Cách thức đánh thuế này khác với cách đánh thuế mà Việt Nam áp dụng. Việt Nam áp dụng thuế suất thuế TTĐB được xác định trên giá xuất xưởng của nhà sản xuất, mức giá thấp nhất và dễ bị nhà sản xuất chi phối. Trong giai đoạn này, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện 11 lần tăng thuế (trung bình 2 năm tăng một lần) từ mức thuế suất 55% lên mức 90% tính trên giá bán buôn, tương đương mức tăng từ 120%   lên khoảng hơn 700% giá xuất xưởng theo cách tính thuế của Việt Nam.
Đến năm 2017, Chính phủ Thái Lan thực hiện cải cách thuế đối với thuốc lá. Theo đó, quốc gia này chuyển đổi sang hệ thống thuế hỗn hợp với các mức thuế suất: 20% giá bán lẻ (đối với thuốc lá <60 THB/bao) + 1,2 THB/điếu và 40% giá bán lẻ thuốc lá (đối với thuốc lá > 60 THB/bao) + 1,2 THB/điếu (Biểu đồ 1).
Việc đánh thuế thuốc lá cao và tăng thuế liên tục đã đem lại những kết quả rất tích cực. Tỷ lệ hút thuốc lá của người trưởng thành trong toàn quốc đã giảm từ 32% (1991) xuống còn 17,4% (2021)[12]. Đồng thời,   thu ngân sách từ thuế thuốc lá của Thái Lan đã tăng gấp hơn 4 lần, từ 500 triệu USD (1993) lên gần 2,1 tỷ USD (2020). Những năm từ 2018 – 2020, mặc dù sản lượng thuốc lá ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm nhưng thu ngân sách ở Thái Lan vẫn ở mức cao hơn so với giai đoạn trước đó.
Đáng chú ý, Chính sách thuế của Thái Lan không làm gia tăng buôn lậu thuốc lá, từ năm 1993 đến năm 2012, Chính phủ Thái Lan đã tăng thuế thuốc lá 10 lần (trung bình 2 năm/lần) nhưng tiêu dùng thuốc lá lậu vẫn ở mức thấp, kết quả khảo sát tình hình sử dụng thuốc lá  người trưởng thành tại Thái Lan năm 2011 (Thai GATS 2011) cho thấy chỉ có 4,8% người tiêu dùng mua thuốc lá lậu.
Biểu đồ 1: Tỷ lệ áp thuế theo giá bán buôn và sản lượng tiêu thụ cùng doanh số thu thuế tiêu thụ đặc biệt ở Thái Lan, giai đoạn 1991 - 2020

 

Untitled.11.png 
2.2. Cải cách thuế thuốc lá của Philippines
Cũng theo ATLAS về phòng, chống tác hại thuốc lá khu vực ASEAN năm 2018, Philippines áp dụng thuế TTĐB thuốc lá theo hình thức thuế tuyệt đối. Trước năm 2012, thuế thuốc lá tại Philippines được áp theo 4 nhóm với các mức thuế khác nhau, dao động từ 2,72 peso tới 28,3 peso/bao thuốc, tùy thuộc vào mức giá bán của từng sản phẩm. Với mức thuế thấp và hệ thống thuế đa tầng bộc lộ nhiều hạn chế đã khiến cho giá thuốc lá ở Philippines thời kỳ đó luôn duy trì ở mức thấp, trong khi thu nhập bình quân đầu người lại ngày càng tăng đã làm tăng sức mua các sản phẩm thuốc lá, tăng nhu cầu tiêu dùng. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Phillipines   trước năm 2012 ở mức cao với 28,3% người trưởng thành hút thuốc lá. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới lên tới 47,7% chiếm gần một nửa số nam giới ở độ tuổi trưởng thành và tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới cũng chiếm tới 9% (năm 2009). Tỷ lệ hút thuốc lá ở thanh thiếu niên 13-15 tuổi là 8,9% (năm 2011)[13].
Nhằm giảm gánh nặng về sức khỏe và kinh tế - xã hội do thuốc lá gây ra, năm 2012 Philippines thông qua Luật Cải cách thuế (Sin Tax Act), chuyển cấu trúc thuế 4 nhóm xuống còn 2 nhóm và tăng mạnh thuế suất đều đặn qua các năm từ 2013-2016 để tiến tới còn một mức thuế chung 30 Peso/bao thuốc (khoảng 0,75 đô la Mỹ) vào 2017. Từ năm 2018-2023, thuế suất tiếp tục tăng đều mỗi năm, đạt mức 65 peso/bao vào năm 2023. Theo quy định của Luật Cải cách thuế năm 2012 của Philippines, mức thuế tiếp tục điều chỉnh tăng mỗi năm 5% từ sau năm 2023 (Biểu đồ 2).
Biểu đồ 2: Áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá tại Philippines, giai đoạn 2012 – sau 2023
Untitled.11_1.png

 

Nguồn: The ASEAN Tobacco Atlas 2021
Những lợi ích mang lại từ việc tăng thuế thuốc lá ở Phillipines, bao gồm:
·      Giảm tiêu dùng thuốc lá:Sản lượng tiêu thụ trong nước giảm từ 5,76 tỷ bao thuốc (năm 2012) xuống 4,97 tỷ bao (năm 2013). Một phần trong số sản lượng thuốc lá giảm là do năm 2012 ngành công nghiệp thuốc lá “gia tăng sản xuất” và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm hơn trước khi thuế suất mới có hiệu lực. Từ năm 2015-2020, tiêu thụ thuốc lá bình quân đầu người/năm giảm từ 1.304 điếu (năm 2015) xuống 874 điếu (năm 2020).
·      Giảm số người hút thuốc:Số liệu khảo sát tình hình sử dụng thuốc lá  người trưởng thành tại Phillipines năm 2009 và năm 2013 (Phillipines GATS 2009 và 2013) cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá trong số người Philippines trưởng thành đã giảm từ 29,7% (2009) xuống 23,8% (2015). Tỷ lệ hút thuốc lá trong nhóm thiếu niên (13-15 tuổi) giảm từ 6,8% xuống còn 5,5% trong cùng kỳ.
·      Tăng thu ngân sách:Doanh số thu thuế thuốc lá của Chính phủ đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 1 năm, từ 680 triệu USD (2012 ) lên 1,66 tỷ USD (2013), và tiếp tục tăng lên 2,8 tỷ USD vào năm 2020. Phần lớn số thu thuế tăng lên được dành đầu tư cho y tế, chủ yếu là dành cho Chương trình Bảo hiểm Y tế quốc gia. Số gia đình nghèo đượcChương trình chi trả đã tăng từ 5,2 triệu người (2012) lên 15,3 triệu người năm 2015[14].
3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Bài học cải cách thuế thuốc lá ở Thái Lan và Phillippnes đã cho thấy, áp thuế ở mức cao và tăng thuế thuốc lá đều đặn đã giúp giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm tiêu dùng thuốc lá trong cộng đồng nhưng lại giúp tăng doanh số thu thuế từ thuốc lá.
Khi so sánh tỷ lệ áp thuế với thuốc lá, mức tiêu dùng và doanh số thu thuế của Thái Lan, Philippines và Việt Nam (Bảng 1), có thể thấy tổn thất lớn về doanh số thu thuế do áp thuế thuốc lá thấp ở Việt Nam. Sản lượng thuốc lá tiêu thụ ở Thái Lan chỉ tương đương khoảng ½ sản lượng tiêu thụ ở Việt Nam (1,68 tỷ bao so với 3,85 tỷ bao) nhưng doanh số thu thuế từ thuốc lá lại cao gần gấp 3 lần (2,097 tỷ USD so với 767 triệu USD). Tương tự, sản lượng thuốc lá tiêu thụ ở Philipines thấp hơn ở Việt Nam (3,35 tỷ bao so với 3,85 tỷ bao) nhưng doanh thu từ thuế cũng cao gấp hơn 3 lần (2,651 tỷ USD so với 767 triệu USD)[15].
Điều này cho thấy tỷ lệ thuế Việt Nam còn rất thấp và nếu tăng thuế thì nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên rất đáng kể.
Bảng 1: So sánh tỷ lệ thuế, sản lượng và thu thuế của Thái Lan, Philippines và Việt Nam, năm 2020
Quốc gia
Tỷ lệ   thuế thuốc lá
 trên giá bán lẻ
Sản lượng
thuốc lá tiêu thụ
(triệu bao)
Nguồn thu từ
thuế thuốc lá
(triệu USD)
Thái Lan
78,6%
1.682
2.097
Philippines
55,7%
3.350
2.651
Việt Nam
38,8 %
         3.850
767
(Nguồn: World Health Organization, Global Tobacco Epidemic 2021)
Từ những kết quả phân tích về lợi ích của tăng thuế thuốc lá và những kinh nghiệm thực tế về cải cách thuế thuốc lá tại các quốc gia cho thấy, việc tăng thuế thuốc lá là một chính sách cùng thắng (win – win) vì vừa   phát huy được hiệu quả trong giảm mức tiêu dùng vừa mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Xét về tổng thể, tăng thuế thuốc lá mang lại lợi ích cho toàn xã hội về cả sức khỏe và kinh tế.
Tuy nhiên, để chính sách thuế có thể phát huy   được tác dụng hữu hiệu, cần thiết phải tăng mạnh mức áp thuế và tăng liên tục như kinh nghiệm của Philippines, Thái Lan...
So sánh với thực tế   trong nước những năm qua cho thấy, nếu chỉ tăng thuế một lần và ở mức thấp thì tiêu dùng chỉ giảm trong ngắn hạn rồi lại tăng trở lại. Do đó, thuế thuốc lá phải tăng đều qua các năm để đảm bảo theo kịp mức tăng thu nhập.
Không chỉ thế, so với các nước, mức thuế thuốc lá hiện nay ở Việt Nam còn rất thấp (38,8% giá bán lẻ, 2021), thấp hơn so với mức trung bình của các quốc gia có cùng mức thu nhập (59%) và chỉ bằng 1/2 so với hầu hết các nước ASEAN (Thái Lan 78,6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62,3%[16]) trong khi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải đạt từ 75% trở lên mới thực sự có tác động làm giảm tiêu dùng.
Bởi vậy, Việt Nam cần có chính sách tăng mạnh thuế thuốc lá và tăng đều liên tục qua các năm để đạt mục tiêu kép vừa tăng doanh thu thuế từ thuốc lá vừa giảm được mức tiêu dùng thuốc lá trong cộng đồng./.


[1] World Health Organization (2003), The World Health Report 2003: Shaping the Future. Geneva: World Health Organization.
[2] World Health Organization (2003), tlđd.
[4] Research Unit of the Economics of Excisable Products, South Africa time series data for cigarettes: 1961 − 2020. Version2.0. 2020, Cape Town. https://tobaccotactics.org/wiki/south-africa-country-profile/.
[5] World Health Organization. World No Tobacco Day 2017 brochure: "Tobacco threatens us all: protect health, reduce poverty and promote development". 2017.
[6] Research Unit of the Economics of Excisable Products, South Africa time series data for cigarettes: 1961 − 2020. Version2.0. 2020, Cape Town. https://tobaccotactics.org/wiki/south-africa-country-profile/.
[8] Bộ Y tế, WHO, HealthBridge, Hỏi đáp về thuế thuốc lá tại Việt Nam, 2018.
[9] World Bank (2019). The Welfare and Distributional Effects of Increasing Taxes on Tobacco in Vietnam.
[10] FCTC. Tobacco; A Barrier to Sustainable Development. Available at: https://www.fctc.org/wp-content/uploads/2015/03/Tobacco_sustainable_development_190315.pdf.
[11] United Nation (2015), Resolution adopted by the General Assembly on 25 September 2015.
[12] National Statistical Office (2021), Thailand Statistical Forecasting Division - The 2021 health behavior of population survey.  
[13] Bộ Y tế, WHO, HealthBridge (2018), Hỏi đáp về thuế thuốc lá tại Việt Nam.
[14] World Bank Group. Factsheet. Stop smoking: It’s Deadly and Bad for the Economy.
[15] World Health Organization, Global Tobacco Epidemic 2021
[16] World Health Organization, Global Tobacco Epidemic 2021.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 1+2 (473+474), tháng 1/2023.)