Thẩm quyền của tòa án Việt Nam đối với trọng tài nước ngoài

01/12/2013

PHAN THÔNG ANH

Công ty Luật Hợp danh Việt Nam

Việc Việt Nam gia nhập Tổ chc Thương mại thế giới (WTO) đã ảnh hưởng lớn đến hệ thống pháp luật Việt Nam. Một loạt các văn bản pháp luật ngay sau đó đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành, đặc biệt là những quan hệ pháp luật về thương mại, cạnh tranh. Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 (Luật TTTM 2010) đã thể hiện tinh thần tự do hóa thương mại bằng cách “mở cửa” cho trọng tài nước ngoài (TTNN) được phép hoạt động tại Việt Nam; tuy nhiên vẫn còn nhiều mâu thuẫn trong Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) và Luật TTTM 2010 về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam (TAVN) đối với TTNN, dẫn đến nhiều bất cập trên thực tế.
1_148.jpg\
Ảnh minh họa: nguồn internet
1.    Điểm tiến bộ của Luật Trọng tài thương mại 2010 về trọng tài nước ngoài  
Theo quy định tại Điều 20 Luật TTTM 2010 thì tiêu chuẩn trọng tài viên (TTV) không bắt buộc phải có quốc tịch Việt Nam. Dấu hiệu nhận biết TTV theo đó cũng không dựa vào yếu tố lãnh thổ mà dựa vào pháp luật quốc gia nào điều chỉnh. Điều này có nghĩa là, người nước ngoài cũng có thể được chỉ định làm TTV ở Việt Nam nếu các bên tranh chấp hoặc tổ chức trọng tài tín nhiệm họ[1]. Giao lưu thương mại ngày nay không còn bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà được mở rộng và hội nhập vào thị trường quốc tế. Khi hợp đồng thương mại (HĐTM) được ký kết và tranh chấp xảy ra thì việc lựa chọn trọng tài nào để giải quyết tranh chấp (GQTC) được các bên trong HĐTM quan tâm hàng đầu. Đối với các thương nhân, tổ chức nước ngoài thì việc chọn một tổ chức TTNN hoặc chọn lựa TTV nước ngoài để GQTC HĐTM là sự lựa chọn phổ biến; vì vậy sẽ giúp các thương nhân có thêm cơ hội lựa chọn những trọng tài tốt nhất để GQTC mà không phải giới hạn trong phạm vi trọng tài Việt Nam (TTVN). TTNN có thể được các bên thỏa thuận lựa chọn là bước tiến bộ của Luật TTTM 2010. Điều này đáp ứng nhu cầu thực tế trong giai đoạn Việt Nam tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 (Pháp lệnh TTTM 2003) không thừa nhận việc thành lập một trung tâm TTNN ở Việt Nam. Tuy nhiên, Luật TTTM 2010 đã cho phép các hình thức TTNN hiện diện ở Việt Nam thông qua chi nhánh hoặc văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam và các  điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Điều 74). Đây là cơ hội và cũng là thách thức cho TTTM Việt Nam. Các trung tâm trọng tài trong nước sẽ có thêm cơ hội được tiếp cận hình thức tổ chức và hoạt động của các trung tâm trọng tài tiên tiến trên thế giới, qua đó học hỏi được những điểm tiến bộ. Tuy nhiên, việc cho phép các tổ chức TTNN được phép mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam sẽ tạo ra một thách thức không nhỏ đối với các trung tâm trọng tài trong nước khi các trung tâm này hoạt động không hiệu quả và sẽ không thể cạnh tranh được với các tổ chức TTNN. Tuy nhiên, nếu nhìn về mặt tích cực thì một môi trường đầy tính cạnh tranh sẽ là động lực để các trung tâm trọng tài trong nước có thể hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của mình hơn nữa và có thể cạnh tranh trực tiếp với các tổ chức TTNN đang hoạt động tại Việt Nam. Các bên trong HĐTM không chỉ có các tổ chức, cá nhân Việt Nam mà còn có các tổ chức, cá nhân nước ngoài và do vậy, các trung tâm TTNN có uy tín sẽ được họ ưu tiên lựa chọn để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong HĐTM. Đây là cơ hội và cũng chính là thách thức không nhỏ cho các tổ chức TTTM Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
2.    Bất cập trong hoạt động bảo trợ và giám sát của Tòa án Việt Nam đối với trọng tài nước ngoài
Việc thừa nhận hoạt động của TTNN tại Việt Nam đã thể hiện những ưu điểm cách tân so với cách tiếp cận trước đây của Pháp lệnh TTTM 2003. Tuy nhiên, điều đáng bàn là cơ chế giám sát của Tòa án, việc công nhận và thi hành phán quyết của TTNN vẫn còn nhiều bất cập, bởi lẽ khi giải thích từ ngữ thì Luật TTTM 2010 còn chưa quy định rõ ràng thế nào là TTNN. Theo khoản 12 Điều 3 Luật TTTM 2010: “Phán quyết của TTNN là phán quyết do TTNN tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam để GQTC do các bên thỏa thuận lựa chọn”. Quy định trên có sự tương đồng với khoản 2 Điều 342 Bộ luật TTDS 2005: “Quyết định của TTNN là quyết định được tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam của TTNN do các bên thỏa thuận lựa chọn để GQTC”. Hai điều khoản này cho thấy, pháp luật Việt Nam dựa vào yếu tố pháp luật quốc gia để phân biệt phán quyết giữa TTVN và TTNN. Nếu dựa vào quy định trên để phân biệt sẽ có nhiều bất cập đến hiệu lực thi hành phán quyết của trọng tài. Khi các chi nhánh; văn phòng đại diện của tổ chức TTNN được phép hoạt động tại Việt Nam hoặc trung tâm TTNN có thể GQTC tại Việt Nam; trong trường hợp này, sau khi TTNN GQTC HĐTM thì phán quyết là phán quyết của TTNN. Do đó, việc tiếp nhận phán quyết đó được tiến hành như những quyết định của TTNN khác và không chịu sự điều chỉnh của Luật TTTM 2010. Vậy hậu quả pháp lý xảy ra là hoạt động của TTNN trên lãnh thổ Việt Nam sẽ không bị giám sát bởi một Tòa án nào của Việt Nam.
Thực tế đã có trường hợp, các bên chọn trung tâm trọng tài quốc tế nước ngoài nhưng địa điểm GQTC tại Việt Nam và việc giải quyết này không chịu sự chi phối của pháp luật GQTC HĐTM bằng trọng tài của Việt Nam. “Ví dụ, năm 2004, Công ty A của Việt Nam ký một hợp đồng với Công ty B của Hà Lan. Trong hợp đồng, các bên chọn Toà án Trọng tài của Phòng Thương mại quốc tế ICC và “nơi giải quyết trọng tài là Hà Nội”. Khi có tranh chấp, các bên đưa tranh chấp ra trước trọng tài. Trung tâm trọng tài này đã chấp nhận giải quyết và đã sử dụng một TTV duy nhất giải quyết là một luật sư người Pháp đang làm việc tại Việt Nam. Ngày 18/10/2005, trọng tài quốc tế thuộc Phòng Thương mại quốc tế ICC đã ra phán quyết. Sau đó Công ty B yêu cầu Toà án Hà Nội cho công nhận và thi hành quyết định. Trong hai phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, Toà án đã áp dụng những quy định liên quan đến việc “yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của TTNN”.
Giải pháp của pháp luật Việt Nam như trên là không thuyết phục và dẫn đến nhiều yếu tố nguy hiểm về mặt pháp lý:
Thứ nhất, quyết định trọng tài được tuyên ở Việt Nam bởi TTNN có nhiều khả năng sẽ không bị kiểm tra bởi bất kỳ Tòa án nào. Chúng ta xem những quyết định trọng tài được tuyên ở nước ta nhưng do TTNN tuyên là quyết định của TTNN nên sẽ không giải quyết việc yêu cầu hủy mà chỉ có thể xem xét việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Trong trường hợp này, ở nước ngoài họ lại xem đây là quyết định của Việt Nam nên cũng không giải quyết việc yêu cầu hủy mà chỉ có thể xem xét trên góc độ công nhận và thi hành quyết định TTNN tại nước họ. Trong ví dụ trên, chúng ta xem quyết định trọng tài tuyên trên lãnh thổ nước ta là quyết định TTNN, nên chúng ta không áp dụng những quy định về hủy quyết định trọng tài của Việt Nam. Ở Pháp, họ chỉ can thiệp để hủy khi quyết định trọng tài được tuyên trên lãnh thổ của Pháp. Vì quyết định trên được tuyên ở Việt Nam (tức là không trên lãnh thổ Pháp) nên Tòa án Pháp sẽ không can thiệp để hủy trong trường hợp này.
Thứ hai, Luật TTTM 2010 cho phép những phán quyết TTNN được tuyên trong lãnh thổ Việt Nam, thực tế xảy ra là các bên chọn TTNN nhưng chọn địa điểm giải quyết là Việt Nam. Như vậy, theo quy định của Bộ luật TTDS thì có thể áp dụng Công ước New York 1958 cho phần công nhận và thi hành phán quyết của TTNN tuyên ở Việt Nam hay là áp dụng Luật TTTM cho phần quyết định TTNN. Những hậu quả pháp lý có thể xảy ra như: (i) Tòa án có quyền tuyên hủy quyết định trọng tài theo Điều 68 Luật TTTM 2010 hoặc từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài theo Bộ luật TTDS 2004 với tư cách là luật hóa nội dung Công ước New York; (ii) Tòa án có quyền giám sát đối với TTNN theo Luật TTTM 2010 hay không - ví dụ đối với trường hợp chỉ định TTV.
Thứ ba, tạo điều kiện cho TTNN lấn sân hoạt động của TTVN. Với nội dung phân tích cho thấy, các bên sẽ không có nhu cầu yêu cầu trọng tài quốc tế của Việt Nam để giải quyết nữa vì vẫn còn nguy cơ bị Tòa án xem xét lại. Các bên sẽ yêu cầu TTNN giải quyết nhưng địa điểm giải quyết tại Việt Nam để tránh hoạt động giám sát của Tòa án. Nói một cách khác, chúng ta hướng các bên giải quyết bằng trọng tài nhưng không phải là trọng tài của Việt Nam mà hướng các bên đến TTNN. Điều đó có nghĩa là chúng ta không ủng hộ trọng tài của Việt Nam mà ủng hộ cho TTNN tại Việt Nam.
3.    Công nhận thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với trọng tài nước ngoài
Đối với những tranh chấp giải quyết bằng TTVN tại Việt Nam thì TAVN đương nhiên có thẩm quyền đối với nhiều vấn đề như áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, xác định thẩm quyền của trọng tài, triệu tập nhân chứng… và hủy phán quyết trọng tài.Trong trường hợp tranh chấp được giải quyết tại Việt Nam bằng TTNN thì TAVN có những thẩm quyền như đối với TTVN đã nêu không? Chúng tôi cho rằng, TAVN có thẩm quyền đối với các hoạt động tố tụng TTNN tại Việt Nam giống như đối với TTVN.
Trên thực tế, tại Quyết định số 625/2012/QĐST-KDTM[2] của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (TAND TP.HCM), Tòa án đã viện dẫn (điểm c khoản 2 Điều 7 và khoản 3 Điều 7 Luật TTTM 2010)[3] để quyết định TAND TP.HCM có thẩm quyền đối với tranh chấp giữa công ty OB và Ủy ban nhân dân TP.HCM do HĐTT ICC giải quyết với địa điểm là tại Việt Nam. Nhưng hai điều khoản này không rõ là TAVN có thẩm quyền đối với tố tụng TTNN tại Việt Nam hay không? Thực ra, hai quy định này chỉ xác định được TAVN đối với những tố tụng trọng tài một cách chung chung mà không chỉ rõ đối với tố tụng TTNN tại Việt Nam. Sau đó TAND TP.HCM đã có văn bản 899/TATP-TKT để khẳng định lại thẩm quyền trên khi dựa vào Điều 1 Luật TTTM 2010.
Nghiên cứu so sánh cho thấy, các hệ thống pháp luật khác đã ghi nhận thẩm quyền của Tòa án nước mình đối với TTNN tuyên tại lãnh thổ nước mình. Pháp luật trọng tài Pháp được sửa đổi năm 2011, Điều 1505 Bộ luật TTDS Pháp quy định Tòa án Pháp có thẩm quyền trong 4 trường hợp: “Khi nơi GQTC bằng trọng tài là nước Pháp, khi các bên áp dụng pháp luật tố tụng trọng tài Pháp, các bên thỏa thuận Tòa án Pháp có thẩm quyền đối với bất đồng trong quá trình tố tụng, có khả năng không có Tòa án nước nào thừa nhận thẩm quyền”. Đối với trường hợp thứ tư, Tòa án Pháp có thẩm quyền ngay cả đối với những hoạt động trọng tài không diễn ra tại Pháp. Điều 1518 Bộ luật TTDS Pháp cũng quy định thẩm quyền xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trên lãnh thổ Pháp. Tuy nhiên vẫn có hệ thống pháp luật như Đức[4], trọng tài có thẩm quyền gần như Tòa án, nên Đức hạn chế tối đa quyền can thiệp của Tòa án. Như vậy, trong luật so sánh không phải lúc nào Tòa án cũng có thẩm quyền đối với TTNN, mà là do triết lý của họ như thế nào về hoạt động trọng tài.
Trọng tài với tư cách là cánh tay nối dài của một hệ thống tư pháp, Việt Nam theo triết lý này mà xây dựng nên Luật TTTM. Tòa án quốc gia có thể không cần trọng tài, song trọng tài không thể tồn tại mà không có Tòa án. Hoạt động trọng tài cũng thế, chúng ta công nhận phán quyết của TTNN thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam bởi lẽ chúng ta đang tạo ra một môi trường cởi mở hơn trong quá trình hội nhập, rằng trọng tài hoặc các bên có thể thỏa thuận lựa chọn Việt Nam giải quyết mà vẫn không mất đi yếu tố nước ngoài. Nhưng khi TTNN thực hiện GQTC trên lãnh thổ Việt Nam mà không nằm trong sự giám sát của Tòa án thì hệ quả xảy ra là các bên tranh chấp sẽ lựa chọn TTNN giải quyết tại Việt Nam, vì lúc này vừa tránh được giám sát của Tòa án nhưng vẫn có thể yêu cầu đăng ký công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Việc này cũng sẽ dẫn đến một hệ lụy là lúc này các trung tâm TTVN sẽ mất ngay thị phần trên sân nhà. Ở một khía cạnh khác, TTNN giải quyết tại Việt Nam nhưng các bên vẫn cần đến sự giám sát của Tòa án để đảm bảo sự công bằng và khách quan thì không thể thực hiện được. Một số học giả cho rằng không nên xem phán quyết trọng tài tuyên tại lãnh thổ Việt Nam là TTNN, quan điểm như thế là sai lầm vì dấu hiệu để nhận biết tính bảo trợ của Nhà nước Việt Nam đối với hoạt động trọng tài là dựa trên pháp luật mà trọng tài hình thành. Chính vì vậy, trên cơ sở so sánh pháp luật và dựa trên triết lý rằng trọng tài là cánh tay nối dài của hệ thống tư pháp, Việt Nam cần ghi nhận một cách rõ ràng về hoạt động tố tụng TTNN trên lãnh thổ Việt Nam chịu sự tác động (trợ giúp, giám sát) của TAVN theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Vấn đề cần phải bàn là phạm vi thẩm quyền của TAVN như thế nào đối với hoạt động TTNN tại Việt Nam.
Một,đối với hoạt động tố tụng, TAVN có thẩm quyền xem xét lại quyết định của HĐTT về thẩm quyền của HĐTT. Và như vậy, khi dựa vào Điều 1 Luật TTTM 2010, TAVN cũng có thẩm quyền giải quyết các bất đồng liên quan đến thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của HĐTTđối với TTNN khi địa điểm giải quyết tại Việt Nam. Tóm lại, cơ chế bảo trợ và giám sát của TAVN đối với TTNN tiến hành GQTC trên lãnh thổ Việt Nam do Luật TTTM 2010 điều chỉnh. Theo chúng tôi, các Nghị quyết hướng dẫn sắp tới của Tòa án nhân dân tối cao nên quy định rõ theo hướng như trên.
Hai là, đối với phán quyết TTNN, hiện nay có hai cơ chế: (i) công nhận và cho thi hành phán quyết TTNN trên lãnh thổ Việt Nam theo Bộ luật TTDS với tư cách là luật hóa nội dung Công ước New York 1958; (ii) Tòa án có quyền tuyên hủy với phán quyết trọng tài trên lãnh thổ Việt Nam. Thực tế Công ước New York không ép buộc TTNN trên lãnh thổ của một quốc gia được xem là TTNN, mà Công ước này áp dụng đối với việc công nhận và thi hành các quyết định trọng tài được ban hành tại lãnh thổ của một quốc gia khác với quốc gia yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài đó…[5] Như vậy, đối với phán quyết TTNN tại Việt Nam nên được sửa đổi theo hướng áp dụng Luật TTTM 2010, do đó đương nhiên Tòa án có thẩm quyền xem xét và chấp nhận hay không đối với yêu cầu tuyên hủy phán quyết đó. Còn Bộ luật TTDS nên sửa đổi theo hướng: không thừa nhận vấn đề công nhận mà chỉ thừa nhận vấn đề đăng ký thi hành giống như việc đăng ký thi hành phán quyết của trọng tài vụ việc. Hay nói cách khác, thủ tục công nhận và cho thi hành chỉ xảy ra đối với phán quyết TTNN tuyên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, đối với phán quyết của TTNN trên lãnh thổ Việt Nam thì Tòa án được quyền xem xét và chấp nhận hay không đối với yêu cầu tuyên hủy như Điều 68 Luật TTTM 2010, và chỉ thừa nhận vấn đề đăng ký thi hành chứ không nên còn thủ tục công nhận nữa, vì lúc này Tòa án đã thực hiện quyền giám sát và bảo trợ rồi.
Việc công nhận thẩm quyền của TAVN đối với TTNN sẽ đảm bảo cho hoạt động TTNN được diễn ra một cách thuận lợi và có hiệu quả, hơn hết đó là cách thức tạo ra một sân chơi bình đẳng và có cạnh tranh giữa TTNN và TTVN, ở đó sự cạnh tranh được thể hiện bằng chính năng lực của các TTV và các tổ chức trọng tài./.

 


[1] Theo số liệu của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC,) số người nước ngoài được mời làm TTV theo Pháp lệnh TTTM 2003 là 07 người, đến khi Luật TTTM 2010 có hiệu lực, số này được mời thêm 12 người; đến nay, tổng cộng VIAC có 19 TTV là người nước ngoài.
[2]Trích dẫn PGS.TS Đỗ Văn Đại, “Kỷ yếu hội thảo Góp ý xây dựng dự thảo của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TTTM 2010”, ngày 2/11/2012.
[3]Điểm khoản 2 Điều 7 Luật TTTM: “Đối với yêu cầu giải quyết khiếu nại quyết định trọng tài về thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của HĐTT thì tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi HĐTT ra quyết định”.
Khoản 3 Điều 7 Luật TTTM: “Tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.
[4]Điều 1025 Luật Trọng tài Đức quy định về phạm vi áp dụng. Điều 1026: “Mức độ can thiệp của Tòa án, trong các vấn đề quy định từ Điều 1025 đến 1026, không Toà án nào được phép can thiệp trừ khi có quy định về điều đó trong luật này.
[5]Điều 1 Công ước New York 1958: “This Convention shall apply to the recognition and enforcement of arbitral awards made in the territory of a State other than the State where the recognition and enforcement of such awards are sought, and arising out of differences between persons, whether physical or legal. It shall also apply to arbitral awards not considered as domestic awards in the State where their recognition and enforcement are sought.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 24(256), tháng 12/2013)


Thống kê truy cập

33948943

Tổng truy cập