Thực hiện Luật Viên chức năm 2010: Nhìn từ góc độ phòng, chống tham nhũng

01/11/2013

TS. NGUYỄN QUỐC SỬU

Học viện Hành chính Quốc gia

1. Một số điểm mới cơ bản của Luật Viên chức
Luật Viên chức được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Luật Viên chức gồm có 6 chương, 62 điều với nhiều nội dung mới quan trọng quy định việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ viên chức. Sự ra đời của Luật Viên chức đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xây dựng, phát triển và quản lý đội ngũ viên chức có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, cộng đồng và xã hội; phát huy được tính năng động, sáng tạo và tài năng của viên chức.
So với các văn bản quy phạm pháp luật trước đây có liên quan đến việc điều chỉnh viên chức thì Luật Viên chức năm 2010 có nhiều điểm mới căn bản: thứ nhất, Luật Viên chức đã tách đối tượng viên chức ra để điều chỉnh riêng cho phù hợp với đặc điểm, tính chất lao động của đội ngũ viên chức; thứ hai, khái niệm viên chức được xác định rõ ràng, cụ thể hơn, theo đó “viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc; hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”; thứ ba, các quy định về tuyển dụng, sử dụng đội ngũ viên chức được phân biệt phù hợp với đặc điểm hoạt động của viên chức và đơn vị sự nghiệp công lập; thứ tư, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập, như cơ chế tiền lương, chính sách đãi ngộ viên chức; chế độ tuyển chọn, sử dụng; đánh giá viên chức đã có những bước phát triển mới đáng kể, như cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập được đổi mới theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thực hiện hạch toán độc lập; tách chức năng quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ với chức năng điều hành các đơn vị sự nghiệp công lập; thứ năm, việc xác định chức danh viên chức trong từng khu vực hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập bước đầu đáp ứng kịp thời với yêu cầu đổi mới của đất nước; chức danh nghề nghiệp của viên chức thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp, do đó vị trí làm việc của viên chức trong cơ cấu tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp được xác định rõ ràng hơn, việc đánh giá, tôn vinh tài năng viên chức được xác đáng hơn.
Với những điểm mới đó, sự ra đời của Luật Viên chức đã và đang đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp và xây dựng đội ngũ viên chức có đạo đức nghề nghiệp, có trình độ và năng lực phục vụ nhân dân, góp phần thực hiện cải cách khu vực dịch vụ công phù hợp và đồng bộ với xu hướng chuyển đổi sang nền hành chính phục vụ, với cơ chế thị trường, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Thực hiện Luật Viên chức nhìn từ góc độ phòng, chống tham nhũng  
Việc xây dựng, ban hành Luật Viên chức là một bước tiến quan trọng; song điều quan trọng hơn là phải đưa Luật Viên chức vào thực thi trong thực tiễn đời sống xã hội một cách có hiệu lực, hiệu quả, chuyển sự nhận thức các quy phạm pháp luật của Luật Viên chức thành những hành vi pháp luật thực tế hợp pháp của đội ngũ viên chức nói chung, từng viên chức nói riêng. Một trong những chính sách xây dựng và phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập và đội ngũ viên chức là “Tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thực hiện hạch toán độc lập; tách chức năng hoạt động quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ với chức năng điều hành các đơn vị sự nghiệp công lập” (khoản 3 Điều 10 Luật Viên chức) và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, quy định này, nếu nhìn từ góc độ phòng, chống tham nhũng (PCTN) thì đó có thể là nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh các hành vi tham nhũng. Cũng như cán bộ, công chức có thể thực hiện hành vi tham nhũng trong quá trình thực thi công vụ, hành vi tham nhũng cũng có thể nảy sinh trong quá trình viên chức, nhất là viên chức quản lý, thực hiện những công việc hoặc nhiệm vụ được giao. Chúng tôi xin tập trung phân tích, đánh giá việc thực hiện Luật Viên chức nhìn từ góc độ PCTN thông qua việc nhận diện một số loại hành vi tham nhũng có thể xảy ra.
Thông thường, tham nhũng là những hành vi phạm tội gắn liền với quyền lực công, nảy sinh từ quá trình hoạt động công vụ; do đó, về cơ bản, chỉ những người nắm giữ quyền lực công, thực hiện hoạt động công vụ, chủ yếu là đội ngũ cán bộ, công chức mới có khả năng phạm phải loại tội này. Theo Luật PCTN năm 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2007, tham nhũng là “hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”, đồng nghĩa với việc xác nhận rằng, tham nhũng chỉ có thể xảy ra trong quá trình cán bộ, công chức nhà nước thực thi hoạt động công vụ. Tuy nhiên, Luật PCTN cũng nhấn mạnh rằng, người có chức vụ, quyền hạn bao gồm “cán bộ, công chức, viên chức”. Và trong quá trình viên chức thực hiện các công việc hoặc nhiệm vụ theo quy định của Luật Viên chức, có thể xảy ra những hành vi tham nhũng sau đây:
2.1. Hành vi tham ô tài sản
Tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, được thực hiện bởi người có trách nhiệm quản lý tài sản đó. Hành vi tham ô tài sản chỉ có thể xảy ra ở những viên chức có quyền hạn quản lý tài sản. Trách nhiệm quản lý tài sản mà viên chức có được do có chức vụ hoặc do đảm nhiệm những chức trách công tác nhất định. Trách nhiệm quản lý tài sản là trách nhiệm quản lý về mọi mặt đối với những tài sản nhất định - đó là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Luật Viên chức, một trong những nhiệm vụ của viên chức quản lý là “Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, tài chính trong đơn vị được giao quản lý, phụ trách”.Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ đó, viên chức có thể lợi dụng quyền hạn, trách nhiệm quản lý tài sản để chiếm đoạt những tài sản mà mình đang quản lý. Thủ đoạn tham ô tài sản luôn là những thủ đoạn gian dối, như lập sổ sách khống, chứng từ giả, tẩy xóa sổ sách, tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản… Mặc dù khoản 2 Điều 19 Luật Viên chức đã quy định một việc viên chức không được làm là “Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật”, song hành vi tham ô tài sản hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì vậy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với tài sản, tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những biện pháp cần phải được thực hiện thường xuyên nhằm phòng, chống hành vi tham ô tài sản.
2.2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi là hành vi của cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được trao để khai thác, sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước mà mình có trách nhiệm quản lý; qua đó, đạt được lợi ích vật chất hay tinh thần nhất định cho cá nhân người đó. Tài sản của Nhà nước trong trường hợp này có thể được hiểu là tiền mặt, văn phòng, nhà xưởng, các loại thiết bị, phương tiện được Nhà nước trang bị để phục vụ cho hoạt động công vụ, hoạt động chung của đơn vị sự nghiệp công lập… Loại hành vi này chỉ có thể được thực hiện bởi những cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ, quyền hạn trong quản lý tài sản của Nhà nước, như thủ trưởng cơ quan, viên chức đừng đầu đơn vị sự nghiệp công lập… Nếu viên chức không có chức vụ, quyền hạn quản lý tài sản của Nhà nước thì không thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi.
Trong quá trình quản lý tài sản của Nhà nước trang bị cho đơn vị sự nghiệp công lập, viên chức đứng đầu đơn vị nhận thấy có thể dùng quyền hạn của mình để khai thác, sử dụng những tài sản đó theo cách mang lại hoặc thỏa mãn lợi ích riêng cho cá nhân mình. Chẳng hạn, viên chức quản lý sử dụng xe ô tô cơ quan - tiền xăng cũng là tiền của cơ quan - vào những công việc cá nhân (không phải thực hiện nhiệm vụ chung) hoặc cho thuê xe ô tô cơ quan lấy tiền bỏ túi mình; cho tư nhân thuê văn phòng, nhà xưởng sản xuất của đơn vị lấy tiền tiêu xài riêng; cho tư nhân vay hoặc gửi tiết kiệm ngân hàng để lấy lãi cho riêng mình… Sở dĩ viên chức quản lý có thể dính líu đến những hành vi nêu trên là vì một trong những nghĩa vụ của viên chức quản lý là “Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, tài chính trong đơn vị được giao quản lý, phụ trách” theo quy định tại khoản 4 Điều 18 của Luật Viên chức.
2.3. Hành vi hối lộ
Nhận hối lộ là hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào. Hành vi này chỉ có thể xảy ra ở những viên chức là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc viên chức được giao thực hiện nhiệm vụ nhất định. Những thứ dùng để hối lộ có thể là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Tiền có thể là đồng tiền Việt Nam hoặc các loại ngoại tệ - thứ gọn, nhẹ, dễ trao đổi, cất giữ và đem ra sử dụng - nên thường được sử dụng phổ biến nhất. Tài sản có thể là những thứ có giá trị, như đồ điện tử, điện lạnh, xe máy, xe ôtô… Ngoài tiền và tài sản, của hối lộ còn có thể là những lợi ích vật chất khác, như du lịch, chữa bệnh, nghỉ dưỡng… không phải trả tiền. Thủ đoạn nhận hối lộ cũng đa dạng. Trong thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao, viên chức có thể nhận hối lộ trực tiếp từ người đưa hối lộ hay thông qua một vài người trung gian. Động cơ nhận hối lộ là vì vụ lợi, mong muốn nhận được tiền, tài sản hoặc lợi ích vất chất khác cho bản thân hoặc cho người khác mà mình quan tâm.
Sau khi nhận hối lộ, viên chức thường làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Việc làm hay không làm một việc cũng không nhất thiết phải đem lại lợi ích vật chất hoặc tinh thần cho người đưa hối lộ. Viên chức có thể chủ động đòi hối lộ, đưa ra yêu cầu phải nhận được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để làm hoặc không làm một việc nào đó có lợi cho người được yêu cầu đưa hối lộ hay người khác có liên quan.
Trong thực hiện Luật Viên chức, hành vi nhận hối lộ có thể xảy ra trong nhiều hoạt động, như tuyển dụng, sử dụng viên chức; bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp, thay đổi vị trí việc làm; bổ nhiệm, miễn nhiệm viên chức; đánh giá viên chức, khen thưởng và kỷ luật viên chức… Chẳng hạn, trong hoạt động tuyển dụng viên chức, vì “Đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức và chịu trách nhiệm về quyết định của mình” (khoản 1 Điều 24 Luật Viên chức) nên viên chức đứng đầu đơn vị có thể nhận hối lộ để tuyển dụng một người vào làm viên chức trong đơn vị do mình quản lý. Điều này càng dễ xảy ra trong điều kiện chỉ tiêu tuyển dụng ngày càng eo hẹp mà người có nhu cầu được tuyển dụng ngày càng nhiều. Hoặc trong khen thưởng, kỷ luật, viên chức đứng đầu trong đơn vị có thể nhận hối lộ để giảm nhẹ hình thức kỷ luật hay không kỷ luật viên chức có hành vi sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, để khen thưởng một viên chức dù họ chưa xứng đáng với hình thức khen thưởng nào đó…
2.4. Hành vi đưa hối lộ, mối giới hối lộ được thực hiện bởi viên chức quản lý hoặc viên chức được giao thực hiện công việc, nhiệm vụ nhất định để giải quyết công việc của viên chức hay cá nhân khác vì vụ lợi
Theo Luật PCTN, đưa hối lộ là hành vi được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi, là hành vi đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc nhằm giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương; qua đó, đạt được những lợi ích vật chất, tinh thần nhất định. Loại hành vi này có thể xảy ra trong mối quan hệ công tác giữa những cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương cấp dưới với cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên.
Trong thực hiện Luật Viên chức, hành vi đưa hối lộ được thực hiện bởi viên chức quản lý hoặc viên chức được giao thực hiện những công việc, nhiệm vụ nhất định vì vụ lợi có mối liên hệ khăng khít với hành vi nhận hối lộ. Sau khi nhận hối lộ, viên chức quản lý thường làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của viên chức đưa hối lộ. Trong khi thực hiện nhiệm vụ thuộc quyền hạn, nghĩa vụ của mình, viên chức quản lý cũng có thể chủ động đòi hối lộ, đưa ra yêu cầu phải nhận được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để làm hoặc không làm một việc nào đó có lợi cho cho viên chức thuộc đơn vị hay cá nhân khác. Những việc làm cụ thể liên quan đến thực hiện Luật Viên chức có khả năng xảy ra hành vi đưa hối lộ bao gồm:
- Đưa hối lộ cho viên chức quản lý, viên chức được giao nhiệm vụ tham gia hoạt động tuyển dụng để được tuyển dụng vào làm viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập vì thiếu những điều kiện dự tuyển nào đó hoặc để chắc chắn sẽ trúng tuyển trong kỳ xét tuyển/thi tuyển viên chức.
- Đưa hối lộ để đảm bảo chắc chắn được xét hết chế độ tập sự, được ký tiếp hợp đồng làm việc, để không bị người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.
- Đưa hối lộ để được bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp, thay đổi vị trí việc làm, để được hưởng chế độ đào tạo, bồi dưỡng viên chức theo hướng có lợi cho viên chức đưa hối lộ.
- Đưa hối lộ để được bổ nhiệm viên chức quản lý, để được đánh giá viên chức, phân loại viên chức theo hướng có lợi cho viên chức đưa hối lộ.
- Viên chức chuẩn bị nghỉ hưu đưa hối lộ để được tiếp tục kéo dài thời gian công tác hoặc ký hợp đồng vụ việc, mặc dù đơn vị sự nghiệp công lập không có nhu cầu.
- Đưa hối lộ để được khen thưởng hoặc né tránh các hình thức kỷ luật.
Trong thực hiện Luật Viên chức, hành vi môi giới hốilộlà hành vi được thực hiện bởi viên chức quản lý, viên chức được giao thực hiện công việc, nhiệm vụ nhất định để giải quyết công việc của viên chức hay cá nhân khác vì vụ lợi, là hành vi của viên chức đứng ra làm trung gian giữa người nhận và người đưa hối lộ nhằm đạt được thỏa thuận về của hối lộ và sự thống nhất về làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ nhằm giải quyết công việc của viên chức, cá nhân khác; qua đó đạt được những lợi ích vật chất, tinh thần nhất định.
Viên chức quản lý, viên chức được giao thực hiện công việc, nhiệm vụ nhất định có thể được môi giới hối lộ bằng cách chuyển yêu cầu về tiền, tài sản hối lộ từ phía người nhận đến phía người đưa; đồng thời có thể chuyển đề nghị của người đưa hối lộ tới người nhận hối lộ để người này làm hoặc không làm một việc liên quan đến giải quyết công việc của viên chức hay cá nhân khác. Người môi giới hối lộ cũng có thể tổ chức để người đưa và người nhận hối lộ gặp nhau và đưa ra các đề nghị, yêu cầu của mình. Thủ đoạn môi giới hối lộ cũng rất đa dạng, có thể là đe dọa, hạch sách người đưa hối lộ, nêu ra những thiệt hại đối với viên chức, cá nhân khác nếu không đưa hối lộ; đồng thời, người môi giới có thể vận động, khuyến khích, thúc đẩy người nhận hối lộ để người này đồng ý nhận và giải quyết công việc theo hướng phù hợp với mong muốn của bên đưa hối lộ.
Về cơ bản, hành vi môi giới hối lộ cũng nhằm đạt được những mục đích giống như hành vi đưa hối lộ nêu trên. Do đặc thù hoạt động chuyên môn, chức danh nghề nghiệp của viên chức trong một số lĩnh vực như giáo dục, y tế…, mà trong xã hội hiện nay còn xuất hiện một bộ phận chuyên làm trung gian môi giới hối lộ (dân gian gọi nôm na là “cò”). Điều kiện tiên quyết đảm bảo sự tồn tại và hoạt động của “cò” là phải có sự quen biết, mối “quan hệ thân tình” với viên chức quản lý, viên chức được giao những công việc, nhiệm vụ chuyên môn nhất định; nói cách khác, giữa viên chức và “cò” phải có sự “bắt tay” với nhau thì “cò” mới có thể hoạt động được. “Cò” thường xuất hiện nhiều vào mùa tuyển sinh ở các trường học từ giáo dục mầm non cho đến giáo dục đại học. “Cò” hiện diện nhiều ở khu vực khám, chữa bệnh trong các bệnh viện từ tuyến huyện cho đến các tuyến trung ương. “Cò” cũng “làm tổ” ở những khu vực có các hoạt động dịch vụ công, như nơi đăng ký ô tô, xe máy, nơi sát hạch cấp bằng lái xe, nơi cấp các loại giấy phép v.v.. Điều đáng nói ở đây là trong rất nhiều trường hợp, sự “vào cuộc” của “cò” mang lại hiệu quả nhanh chóng, thiết thực trong giải quyết các nhu cầu của “khách hàng”.
2.5. Hành vi nhũng nhiễu vì vụ lợi
Nhũng nhiễu vì vụ lợi là hành vi quan liêu, cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà cho những người đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân từ phía cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện công vụ, nhiệm vụ, nhằm đạt được những lợi ích vật chất hoặc tinh thần nhất định. Về bản chất, đây là hành vi do cán bộ, công chức, viên chức cố ý trực tiếp tạo ra trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ nhằm gây tâm lý hoang mang, lo lắng những người đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cho những cá nhân đang có nhu cầu giải quyết công việc; khiến họ phải tìm đến cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền để giải quyết, dĩ nhiên là với một khoản “lót tay” nhất định.
Trong các đơn vị sự nghiệp công lập, một số viên chức có thể cố ý thể hiện sự quan liêu, cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao nhằm vụ lợi, khiến cho các cá nhân có nhu cầu giải quyết công việc mất niềm tin vào sự thành công của công việc, cảm thấy sẽ không thể giải quyết được công việc nếu cứ theo cách thức ngay thẳng, đúng luật định. Khi niềm tin suy giảm mà công việc vẫn cứ phải giải quyết, những cá nhân đó sẽ không trông cậy vào tính công bằng của pháp luật mà hoặc là họ tìm cách tự giải quyết; hoặc là họ cầu cạnh, nhờ vả viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập để giải quyết. Điều trớ trêu là ở chỗ, bằng những cách thức mang tính tiêu cực đó, công việc lại tiến triển một cách mau lẹ, hiệu quả, không tốn kém về thời gian, công sức, ngoại trừ tiền của. Trong thực tế hiện nay, có thể dễ dàng nhận diện những hành vi nhũng nhiễu vì vụ lợi trong hoạt động thực hiện công việc, nhiệm vụ của viên chức, như:
- Viên chức ngành y tế có thể thực hiện hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong quá trình khám, chữa bệnh vì vụ lợi.
- Viên chức ngành văn hóa có thể nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho ca sỹ, diễn viên, người mẫu… trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thời trang vì vụ lợi.
- Viên chức ngành giáo dục có thể nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người học trong quá trình giáo dục - đào tạo vì vụ lợi.
- Viên chức ngành thể thao có thể nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các vận động viên trong quá trình luyện tập, thi đấu thể thao, dàn xếp kết quả thi đấu… vì vụ lợi.
- Viên chức hoạt động trong lĩnh vực khoa học có thể nhũng nhiễu gây khó khăn, phiền hà cho các nhà khoa học trong quá trình xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học, giải ngân và nghiệm thu đề tài vì vụ lợi.
Ngoài khả năng xảy ra những hành vi tham nhũng kể trên, trong thực hiện Luật Viên chức còn có thể xảy ra những hành vi tham nhũng khác, như: viên chức không thực hiện công việc, nhiệm vụ vì vụ lợi; viên chức lợi dụng quyền hạn, nghĩa vụ được giao trong thực hiện công việc, nhiệm vụ để bao che cho người có hành vi sai phạm, vi phạm pháp luật vì vụ lợi; viên chức lợi dụng quyền hạn, nghĩa vụ gây ảnh hưởng tới người khác để trục lợi…
Như vậy, trong quá trình thực hiện Luật Viên chức cũng như những văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến viên chức, có thể xảy ra những loại hành vi tham nhũng khác nhau. Nhận diện những hành vi tham nhũng có khả năng xảy ra đó không nhằm mục đích nào khác ngoài việc chủ động, tích cực đề ra và thực hiện những biện pháp có hiệu quả nhằm PCTN trong lĩnh vực pháp luật về viên chức. Dự liệu trước điều đó nên Luật Viên chức đã quy định một trong những nghĩa vụ của viên chức quản lý là “Tổ chức thực hiện các biện pháp PCTN và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đơn vị được giao quản lý, phụ trách” (khoản 5 Điều 18). Theo chúng tôi, những biện pháp cơ bản PCTN trong thực hiện Luật Viên chức gồm:
Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những nội dung cơ bản của Luật Viên chức và Luật PCTN cho đội ngũ viên chức trong tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng cho họ ý thức chủ động, tích cực đấu tranh PCTN.
Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với tài sản, tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những biện pháp cần phải được thực hiện thường xuyên nhằm phòng, chống hành vi tham ô tài sản và những hành vi tham nhũng khác.
Thứ ba, nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và bộ quy tắc ứng xử phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp của viên chức.
Thứ tư, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quảQuy chế thực hiện dân chủ ở cơ quan hành chính sự nghiệp; trong đó, thực hiện công khai, minh bạch các mặt hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định pháp luật và phát huy vai trò, tác dụng của Hội nghị viên chức hàng năm.
Thứ năm, xử lý nghiêm theo pháp luật những viên chức có hành vi tham nhũng và thông báo công khai, rộng rãi trong toàn đơn vị./.

 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 21(253), tháng 11/2013)


Thống kê truy cập

33950108

Tổng truy cập