Hoạt động tham gia xây dựng chính sách và pháp luật của tổ chức chính trị xã hội ở Nga và Trung Quốc hiện nay

01/11/2013

ThS. NGUYỄN TRỌNG BÌNH

Học viện Chính trị _ Hành chính khu vực IV thuộc Học viện Chính trị _ Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh;

NCS Học viện Quản lý công, Đại học Nhân dân Trung Quốc.

 

Thông qua các phương thức khác nhau nhằm gây ảnh hưởng đối với quá trình hoạch định chính sách công là một trong những chức năng quan trọng của các tổ chức chính trị - xã hội và cũng là một hoạt động phổ biến trong nền chính trị hiện đại. Bài viết giới thiệu về hoạt động tham gia xây dựng chính sách của các tổ chức chính trị - xã hội ở Nga và Trung Quốc hiện nay.

Untitled_484.jpg

Ảnh minh họa: nguồn internet

I. Hoạt động tham gia xây dựng chính sách của Viện Công chúng Liên bang Nga 
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền của Tổng thống Putin đã phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp. Những vấn đề này không chỉ là về phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân, mà còn là vấn đề phát huy dân chủ, giải quyết xung đột xã hội. Cũng trong bối cảnh đó, nhằm củng cố mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, góp phần giải quyết xung đột xã hội, ngày 22/1/2006, Viện Công chúng Liên bang Nga đã chính thức được thành lập; đồng thời tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ nhất, thông qua Điều lệ và bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Chủ tịch 25 Ủy ban trực thuộc. Hiện nay, Viện Công chúng Liên bang Nga có 126 tổ chức thành viên và thành viên, trong đó 1/3 đại diện tổ chức thành viên hoặc thành viên là đại diện cho các giới khác nhau và những cá nhân có cống hiến đặc biệt cho nhà nước và xã hội trên các lĩnh vực do Tổng thống Nga đề cử (lúc mới thành lập); 1/3 là đại diện của các tổ chức xã hội có phạm vi hoạt động toàn nước Nga và 1/3 là đại diện của các tổ chức hoạt động mang tính chất vùng hoặc khu vực của Nga. Có thể nói, các tổ chức thành viên và thành viên của Viện Công chúng Liên bang Nga đã bao gồm các tổ chức xã hội, các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Theo Luật Viện Công chúng Liên bang Nga, các thành viên của Thượng viện và Hạ viện, thành viên Chính phủ, Tổng thống, cơ quan tư pháp và đội ngũ công chức nhà nước không được tham gia hoạt động trong tổ chức này. Viện Công chúng Liên bang Nga được xem là cầu nối nhằm tăng cường mối liên hệ giữa công chúng với chính quyền nhà nước, là một tổ chức đại diện cho quần chúng để tiến hành đối thoại một cách bình đẳng với các cơ quan nhà nước. Tổ chức này có hai chức năng quan trọng là phản biện xã hội và giám sát. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của tổ chức này được xác định rõ trong Luật Viện Công chúng Liên bang Nga do Hạ viện Nga thông qua ngày 16/3/2006. Hoạt động tham gia xây dựng chính sách của tổ chức này được thể hiện tập trung nhất qua chức năng phản biện xã hội của nó. Có thể nói, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ cơ bản của tổ chức này. Tức là hoạt động đánh giá, thẩm định, từ đó cho ý kiến đối với dự thảo các văn bản pháp luật, chính sách do các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương ban hành.
1. Phạm vi và chủ thể khởi xướng phản biện
Luật Viện Công chúng Liên bang Nga có quy định khá rõ về phạm vi phản biện xã hội và chủ thể khởi xướng phản biện. Theo đó, đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) khác nhau thì chủ thể khởi xướng phản biện xã hội là khác nhau. Ủy ban Thường trực Viện Công chúng Liên bang Nga có quyền tiến hành phản biện xã hội đối với dự thảo sửa đổi hiến pháp và các văn bản pháp luật khác do các cơ quan nhà nước cấp liên bang xây dựng. Trong các dự thảo văn bản pháp luật nói trên, phản biện xã hội của Viện Công chúng thường giới hạn ở các khía cạnh liên quan đến: quyền và lợi ích cơ bản của công dân; lĩnh vực bảo đảm xã hội; bảo đảm an toàn công cộng và các dự thảo pháp luật điều chỉnh về trình tự xây dựng pháp luật. Tổng thống Liên bang Nga, Hạ viện và Thượng viện Nga, Chính phủ Nga có thể đề nghị Viện Công chúng Liên bang Nga tiến hành phản biện xã hội đối với toàn bộ dự thảo pháp luật của liên bang. Đối với dự thảo VBQPPL do Chính phủ liên bang và cơ quan hành chính ở các bang soạn thảo thì Ủy ban Thường trực Viện Công chúng Liên bang Nga có thể quyết định khởi xướng phản biện hoặc cũng có thể do Tổng thống, Thủ tướng và Thượng viện đề nghị Ủy ban Thường trực Viện Công chúng Liên bang Nga tiến hành phản biện. Phát biểu nhân ngày Viện Công chúng được thành lập, Tổng thống Nga V.Putin đã nói: “Cho dù phạm vi chức trách của tổ chức này đã được quy định trong Luật Viện Công chúng, nhưng trên thực tế, các vị đại biểu có thể quan tâm tới bất cứ vấn đề gì liên quan tới sự phát triển của đất nước, không có bất cứ hạn chế nào”[1].
2. Các khía cạnh mà hoạt động phản biện xã hội của tổ chức này hướng đến
Luật Viện Công chúng Liên bang Nga tuy không quy định cụ thể nội dung phản biện của tổ chức này, song, trong quá trình phản biện, tổ chức này thường tập trung vào một số khía cạnh như: Một là, VBQPPL được đề nghị phản biện có ý nghĩa xã hội hay không, có phù hợp với nhu cầu thực tế của công dân, các tổ chức xã hội, cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương hay không; Hai là, quan hệ xã hội mà VBQPPL này điều chỉnh đã chín muồi hay chưa; Ba là, dự thảo VBQPPL này có đảm bảo chất lượng và phù hợp với các yêu cầu về nội dung và hình thức hay không, chẳng hạn có phù hợp với yêu cầu lập pháp và trong quá trình soạn thảo có đứng trên các khía cạnh khác nhau như pháp luật, kinh tế, xã hội để xem xét, có đảm bảo tính logic, kết cấu có chặt chẽ, dễ hiểu và dễ vận dụng hay không.
3. Cơ chế phối hợp, trình tự và tính hiệu lực của phản biện
Cơ chế phối hợp trong hoạt động phản biện xã hội được nêu trong Luật Công chúng Liên bang Nga chủ yếu nhấn mạnh đối với cơ chế hợp tác, phối hợp lẫn nhau giữa Viện này với các cơ quan xây dựng VBQPPL và chính sách.Theo đó, sau khi nhận được đề nghị từ phía Viện Công chúng liên bang Nga, các cơ quan xây dựng dự thảo văn bản pháp luật, chính sách phải có trách nhiệm chuyển dự thảo VBQPPL, chính sách cùng các tài liệu, tư liệu khác để Viện này tiến hành phản biện. Sau khi nhận được dự thảo VBQPPL và các tài liệu có liên quan, Ủy ban chuyên môn thuộc Viện Công chúng sẽ thành lập Tổ công tác và triển khai tổ chức thảo luận và đánh giá dự thảo do các cơ quan gửi đến. Sau khi tiến hành đánh giá và thẩm định, Tổ công tác sẽ thông qua báo cáo phản biện, báo cáo này sẽ được chuyển lên Ủy ban chuyên môn của Viện Công chúng. Nếu Ủy ban chuyên môn thông qua thì báo cáo này sẽ được gửi lên Ủy ban Thường trực Viện Công chúng. Nếu Ủy ban Thường trực Viện Công chúng thông qua thì báo cáo phản biện này sẽ được gửi tới cơ quan xây dựng dự thảo văn bản pháp luật và chính sách. Sau khi nhận được báo cáo này từ Viện Công chúng, cơ quan xây dựng dự thảo văn bản pháp luật có trách nhiệm xem xét, nghiên cứu (cần thiết có thể mời các thành viên liên quan của Viện Công chúng tiếp tục tham gia vào quá trình này). Trên cơ sở nghiên cứu báo cáo phản biện do Viện Công chúng gửi tới, một mặt, trong thời gian nhất định, các cơ quan xây dựng dự thảo văn bản pháp luật phải gửi báo cáo phản hồi tới Thường trực Viện Công chúng; mặt khác, tiếp thu những kiến nghị, đề xuất hợp lý được nêu trong báo cáo phản biện.
Với tư cách một tổ chức mang tính chất tư vấn và hiệp thương, những ý kiến, kiến nghị của Viện Công chúng không nhất thiết bắt buộc các cơ quan xây dựng dự thảo văn bản pháp luật và chính sách phải tiếp thu, song, thông thường mà nói, về góc độ kỹ thuật, Luật Viện Công chúng Liên bang Nga và các văn bản pháp luật khác điều chỉnh về hoạt động xây dựng pháp luật, chính sách ở Nga cũng có các quy định nhằm đảm bảo để các cơ quan xây dựng chính sách, pháp luật không được “phớt lờ” hoặc “bỏ ngoài tai” những ý kiến phản biện của Viện Công chúng. Chẳng hạn, trong quy định về hoạt động của mình, Hạ viện Nga chỉ rõ: “Các ủy ban chuyên môn phụ trách soạn thảo dự án luật phải tiến hành xem xét, nghiên cứu báo cáo phản biện do Viện Công chúng Liên bang gửi tới; đồng thời, trong quá trình thảo luận dự án đó này tại phiên họp toàn thể của Hạ viện, Chủ nhiệm Ủy ban chuyên môn hoặc Phó chủ nhiệm Ủy ban phải báo cáo trước Hạ viện về kết quả nghiên cứu, xem xét báo cáo phản biện do Viện Công chúng gửi tới”.
4. Kết quả đạt được trong hoạt động phản biện xã hội
Từ ngày 15/3/2006, Viện Công chúng Liên bang Nga đã bắt đầu tiến hành tiếp xúc với công dân, đồng thời tiến hành điều tra, nghiên cứu những vấn đề xã hội bức xúc để có kiến nghị với các cơ quan nhà nước. Từ khi thành lập (2006) đến tháng 3/2007, 15 Ủy ban Chuyên môn trực thuộc tổ chức này đã tiến hành phản biện 50 văn bản dự thảo pháp luật và chính sách. Từ hoạt động của mình, Viện Công chúng đã có những đóng góp quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước, cũng như tham gia vào việc giải quyết các vấn đề như chủ nghĩa cực đoan, vấn đề an toàn năng lượng, vấn đề tự do ngôn luận, vấn đề đạo đức xã hội, vấn đề giáo dục, vấn đề phòng chống tham nhũng ở Nga hiện nay.
II. Hoạt động tham gia xây dựng chính sách của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc  
Khác với Viện Công chúng Liên bang Nga, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (sau đây gọi tắt là Chính hiệp) có lịch sử khá lâu đời và do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Chính hiệp là mặt trận thống nhất yêu nước của nhân dân Trung Quốc, là thể chế quan trọng của chế độ hiệp thương chính trị và hợp tác nhiều đảng do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, là một hình thức quan trọng nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) và là bộ phận quan trọng của hệ thống chính trị Trung Quốc hiện nay. Trong giai đoạn mới, Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng: Chính hiệp có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, xây dựng xã hội hài hòa XHCN, phát triển chính trị dân chủ XHCN và nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng[2].
Hiện nay, tổ chức này gồm có 34 tổ chức thành viên và thành viên, trong đó ngoài Đảng Cộng sản Trung Quốc, còn có 08 đảng phái[3], nhân sĩ dân chủ không đảng phái, các đoàn thể nhân dân, đại biểu của các dân tộc ít người và các giới, đại biểu đồng bào Đài Loan, đồng bào Hồng Công, Ma Cao và kiều bào trở về nước và một số nhân sĩ được mời đặc biệt. Hiện nay, Chính hiệp có các ủy ban chuyên môn: Ủy ban đề xuất đề án; Ủy ban kinh tế; Ủy ban dân số, tài nguyên và môi trường; Ủy ban giáo dục, khoa học, văn hóa, y tế và thể dục; Ủy ban xã hội và pháp luật; Ủy ban dân tộc và tôn giáo; Ủy ban Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan và kiều bào; Ủy ban đối ngoại; Ủy ban tư liệu. Hoạt động của Chính hiệp xoay quanh hai chủ đề lớn là đoàn kết và dân chủ. Chức năng chủ yếu của nó là: Hiệp thương chính trị, giám sát dân chủ và tham chính, nghị chính. Hoạt động tham gia xây dựng chính sách của Chính hiệp được thể hiện tập trung ở hai chức năng, là chức năng hiệp thương chính trị và chức năng tham chính, nghị chính. Hiệp thương chính trị là hiệp thương về chính sách lớn của quốc gia và địa phương cũng như những vấn đề quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và đời sống xã hội trước khi quyết định; hiệp thương về những vấn đề quan trọng trong quá trình thực thi những quyết sách nói trên. Tham chính, nghị chính là hoạt động triển khai điều tra nghiên cứu, phản ánh ý dân, hiệp thương và thảo luận những vấn đề quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội cũng như những vấn đề thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng, qua đó nêu lên những ý kiến, kiến nghị cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và các cơ quan Nhà nước. Nói một cách đơn giản, nếu tham chính, nghị chính là việc Chính hiệp phản ánh “ý dân” và tham gia vào quá trình xây dựng nghị trình chủ trương, chính sách và kế hoạch hoạt động của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, thì chức năng hiệp thương chính trị chính là việc tổ chức này tham gia vào việc xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách lớn của tổ chức Đảng và chính quyền nhà nước các cấp.
1. Vai trò, phạm vi và chủ thể khởi xướng hoạt động hiệp thương
 Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định: hoạt động hiệp thương chính trị của Chính hiệp là một mắt xích quan trọng góp phần thực hiện dân chủ hóa, khoa học hóa các quyết sách của Đảng và Nhà nước, từ đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng cũng như hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Khác với hoạt động phản biện xã hội của Viện Công chúng Liên bang Nga, khi mà phạm vi và chủ thể khởi xướng phản biện xã hội được xác định rõ trong một văn bản pháp luật do cơ quan lập pháp ban hành, thì hiện nay, hoạt động Hiệp thương của Chính hiệp chưa được điều chỉnh bởi một văn bản pháp luật cụ thể. Chức năng của Chính hiệp, trong đó có chức năng hiệp thương chính trị được quy định trong các Nghị quyết của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo “Nghị quyết về tăng cường công tác Chính hiệp Nhân dân” của Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua ngày 8/2/2006, thì phạm vi hiệp thương chính trị của Chính hiệp bao gồm: 1) Những phương châm chính sách lớn và kế hoạch quan trọng của đất nước liên quan đến xây dựng văn minh vật chất và văn minh tinh thần XHCN, xây dựng nền dân chủ XHCN; 2) Báo cáo công tác của Chính phủ; 3) Dự toán ngân sách nhà nước; 4) Các công việc quan trọng trên các phương diện đời sống chính trị đất nước; 5) Dự thảo các văn bản pháp luật quan trọng của nhà nước; 6) Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; 7) Đề xuất của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về những người được chọn làm lãnh đạo các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước; 8) Phương án điều chỉnh khu vực hành chính cấp tỉnh của cơ quan Nhà nước; 9) Phương châm và chính sách quan quan trọng về đối ngoại; 10) Phương châm và chính sách quan trọng về vấn đề thống nhất tổ quốc; 11) Những vấn đề quan trọng liên quan đến cuộc sống của nhân dân; 12) Những công việc chung trong quan hệ giữa các đảng phái, công việc nội bộ của Chính hiệp và các vấn đề quan trọng khác liên quan tới mặt trận thống nhất yêu nước[4].
Để cụ thể hóa hơn nữa phạm vi hiệp thương chính trị của Chính hiệp, tổ chức đảng và chính quyền các cấp cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Hiện nay, ở nhiều tỉnh và thành phố, cơ quan hành chính nhà nước đã ban hành Quy định về những quyết sách hành chính quan trọng cần phải có sự tham gia hiệp thương của Chính hiệp. Chẳng hạn, cơ quan hành chính nhà nước Thành phố Thượng Hải quy định, những dự thảo chính sách sau đây cần phải thông qua sự hiệp thương của Chính hiệp, bao gồm: 1) Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và từng thời kỳ; 2) Quy hoạch phát triển tổng thể thành phố; 3) Phương án dự toán ngân sách hàng năm; 4) Kế hoạch bố trí, sắp xếp nguồn vốn cho các công trình, dự án lớn; 5) Kế hoạch và phương án về bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên thiên nhiên (nước, rừng, đất đai); 6) Chiến lược phát triển các ngành và phương án cải cách doanh nghiệp nhà nước, phương án xử lý tài sản của doanh nghiệp nhà nước; 7) Các chính sách về dân sinh như lao động việc làm, bảo đảm xã hội, điều tiết phân phối, nhà ở, giao thông công cộng, cải tạo nhà cũ; 8) Các chính sách về dân số, văn hóa, thể thao, khoa học và giáo dục; 9) Các chính sách quan trọng về đổi mới và điều chỉnh chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước; 10) Các chính sách liên quan tới an ninh và ổn định xã hội; 11) Những chính sách về phát huy dân chủ ở cơ sở; 12) Những vấn đề khác liên quan mật thiết tới lợi ích của người dân[5].
2. Hình thức hiệp thương
Cũng theo Nghị quyết của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hiệp thương chính trị của Chính hiệp được thông qua các hình thức: 1) Hội nghị toàn thể của Ủy ban Toàn quốc Chính hiệp; 2) Hội nghị Ban Thường vụ; 3) Hội nghị Chủ tịch; 4) Hội nghị hiệp thương chuyên đề của Ủy viên Thường vụ; 5) Hội nghị của các Ủy ban chuyên môn; 6) Hội nghị tọa đàm của Đảng Đoàn Chính hiệp (khi nhận sự ủy quyền của tổ chức đảng có thẩm quyền); 7) Hội nghị Tổng thư ký; 8) Căn cứ vào yêu cầu thực tế để tổ chức Hội nghị tọa đàm hiệp thương với sự tham gia của đại diện các tổ chức thành viên, đại biểu các nhân sỹ, đại diện các giới.
3. Chủ thể khởi xướng hiệp thương và trình tự hiệp thương
 Hội nghị Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Chính hiệp căn cứ vào đề nghị của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân Trung Quốc (Quốc hội), Quốc Vụ viện (Chính phủ), các đảng phái dân chủ, các đoàn thể nhân dân, và các cơ quan có liên quan của Đảng và Nhà nước để lên kế hoạch hiệp thương, quyết định thành phần tham gia và hình thức hiệp thương. Đối với những vấn đề mà Hội nghị Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Chính hiệp nhận thấy cần phải hiệp thương, có thể đề nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quốc vụ viện, các cơ quan tham mưu và chuyên môn của Đảng và Nhà nước giao cho Chính hiệp để tiến hành hiệp thương.
Sau khi nhận được dự thảo các chủ trương, chính sách cần hiệp thương do các cơ quan của Đảng và Nhà nước gửi đến, Chính hiệp xác định thời gian tổ chức hiệp thương. Trong thời gian ít nhất là 1 tuần trước khi hội nghị hiệp thương diễn ra, Chính hiệp gửi thông báo dự hội nghị và chuyển các tài liệu cho thành phần tham dự hội nghị. Chính hiệp có thể mời đại diện các cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo chủ trương, chính sách tham dự hội nghị hiệp thương. Thông thường, Hội nghị toàn thể của Ủy ban Toàn quốc Chính hiệp, Hội nghị của Uỷ viên Ban Thường vụ và các hình thức hội nghị hiệp thương khác cũng như các hoạt động quan trọng của Chính hiệp đều được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 Sau hội nghị hiệp thương do Ủy ban Chuyên môn thuộc Chính hiệp tiến hành, báo cáo hiệp thương sẽ được chuyển tới Hội nghị Ủy ban Thường vụ hoặc Hội nghị Chủ tịch để thảo luận. Sau khi được Hội nghị Ủy ban Thường vụ hoặc Hội nghị Chủ tịch thông qua, báo cáo kiến nghị, đề xuất (báo cáo hiệp thương) sẽ được Chủ tịch Hội nghị hoặc Ủy ban Thường vụ Ủy ban toàn quốc Chính hiệp gửi tới các cơ quan có liên quan của Đảng và Nhà nước. Sau khi nhận được báo cáo kiến nghị, đề xuất từ Chính hiệp, các cơ quan có dự thảo chủ trương, chính sách được hiệp thương của Đảng và Nhà nước tiến hành nghiên cứu, xử lý và trả lời bằng văn bản về kết quả xử lý và tiếp thu.
 4. Kết quả trong hoạt động hiệp thương
Có thể nói, từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, Đảng và Nhà nước Trung Quốc hết sức coi trọng việc tăng cường hiệp thương đối với Chính hiệp cũng như các đảng phái dân chủ. Phạm vi hiệp thương không ngừng được tăng lên, trình tự hiệp thương từng bước được hoàn thiện. Thông qua các hình thức khác nhau, số lần hiệp thương giữa Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đại hội Đại biểu Nhân dân, Quốc vụ viện với Chính hiệp không ngừng tăng lên. Các dự thảo chủ trương, chính sách quan trọng về các lĩnh vực do tổ chức đảng và nhà nước ở trung ương và địa phương xây dựng đều thông qua sự hiệp thương của Chính hiệp. Chẳng hạn như dự thảo “Nghị quyết về tăng cường xây dựng năng lực cầm quyền của Đảng”; dự thảo Nghị quyết về một số vấn đề quan trọng trong xây dựng xã hội hài hòa XHCN của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, dự thảo Nghị quyết “về tăng cường một bước việc xây dựng chế độ hiệp thương chính trị và hợp tác nhiều đảng do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo” của Đảng… Các dự thảo văn bản pháp luật quan trọng như: dự thảo Sửa đổi Hiến pháp, dự thảo Luật lập pháp, dự thảo Luật giám sát…, dự thảo các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hàng năm, và dự thảo các chính sách về cải cách thể chế tài chính nhà nước, cải cách thể chế giáo dục, xây dựng nông thôn mới XHCN và các vấn đề quan trọng khác đều thông qua sự hiệp thương của Chính hiệp. Trong hoạt động hiệp thương, ngoài việc tiến hành hiệp thương các dự thảo quyết sách do Trung ương Đảng và Nhà nước đề xuất, Chính hiệp cũng đã thể hiện vai trò chủ động của mình trong việc đề xuất các ý kiến, kiến nghị bằng văn bản tới Trung ương Đảng và các cơ quan Nhà nước đối với các vấn đề về phát triển kinh tế, cải cách thể chế chính trị, phát triển giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn hóa, vệ sinh môi trường, quốc phòng, đối ngoại. Nhiều ý kiến, kiến nghị và đề xuất của Chính hiệp đã được Trung ương Đảng, Quốc vụ viện coi trọng và tiếp thu, từ đó đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng các quyết sách chính trị của đảng và nhà nước Trung Quốc.
III. Một số đánh giá
Tuy thời gian hoạt động khác nhau và hoạt động trong môi trường chính trị khác nhau, nhưng cả Viện Công chúng Liên bang Nga và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc đều là những tổ chức chính trị - xã hội có tính đại diện rộng lớn. Cả hai đều là những thiết chế đóng vai trò là cầu nối giữa các tầng lớp nhân dân với chính quyền nhà nước. Về mặt chức năng, cả hai tổ chức này đều có chức năng tham gia xây dựng chính sách và giám sát. Hoạt động tham gia xây dựng chính sách và giám sát của hai tổ chức này đã có tác dụng quan trọng trong việc phát huy dân chủ và tham gia xây dựng bộ máy nhà nước. Điểm chung về hoạt động tham gia xây dựng chính sách của hai tổ chức này là: Thứ nhất, đều có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội ở mỗi nước và nhận được sự ủng hộ của các các thiết chế là Đảng cầm quyền và các cơ quan nhà nước. Thứ hai, Đảng cầm quyền và các cơ quan nhà nước đều có nhu cầu từ hoạt động tham gia xây dựng chính sách của các tổ chức này. Thứ ba, cả hai nước đều chú trọng việc xây dựng thể chế, cơ chế để các tổ chức này tham gia xây dựng chính sách có hiệu quả. Nếu ở Nga, hoạt động phản biện xã hội của Viện Công chúng được điều chỉnh bởi Luật Viện Công chúng Liên bang Nga (quy định rõ phạm vi, trình tự và quyền hạn của mỗi bên trong phản biện), thì ở Trung Quốc hoạt động hiệp thương chính trị của Chính hiệp được hướng dẫn bởi văn bản của Đảng Cộng sản Trung Quốc (hướng dẫn về phạm vi, hình thức, trình tự và thông qua thể chế lãnh đạo của đảng để đảm bảo tính hiệu quả của hiệp thương). Thứ tư, cả hai tổ chức đều được đảm bảo các điều kiện để hoạt động có hiệu quả và thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan nhà nước (cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp). Thứ năm, cả hai tổ chức đều chú trọng việc tự đổi mới, tích cực và chủ động trong triển khai các hoạt động thuộc chức năng của mình, đều xây dựng cho mình hệ thống các quy định có liên quan tới hoạt động tham gia xây dựng chính sách (chẳng hạn như quy định về trình tự hoạt động phản biện xã hội trong nội bộ tổ chức của Viện Công chúng Liên bang Nga và hướng dẫn về hoạt động hiệp thương chính trị trong nội bộ tổ chức của Chính hiệp)./.
 


[1] Dẫn theo “Sự hình thành và phát triển của Viện Công chúng Liên bang Nga”, Tạp chí Thông tin Quốc tế Trung Quốc, số tháng 7/2007, tr. 5.
[2] Đảng Cộng sản Trung Quốc: Nghị quyết về tăng cường công tác Chính hiệp Nhân dân, http://cppcc.people.com.cn/GB/34961/60987/
[3]Các đảng phái bao gồm: Uỷ ban Quốc dân đảng Cách mạng Trung Quốc; Dân chủ Đồng minh Trung Quốc; Hội Kiến quốc Dân chủ Trung Quốc; Hội Xúc tiến Dân chủ Trung Quốc; Đảng Công nông Dân chủ Trung Quốc; Đảng Chí công Trung Quốc; Cửu Tam học xã; Đồng minh Dân chủ Tự trị Đài Loan.
[4] http://cppcc.people.com.cn/GB/34961/60987/
[5] http://www.zjfzb.gov.cn/il.htm?a=si&key=main/fzyj&id=5c3f755b2a3bb411012a5a800476014b

 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 21(253), tháng 11/2013)


Thống kê truy cập

33955686

Tổng truy cập