Phiên họp thứ 19 của UBTVQH

01/05/2009

Khánh Vân

Phiên họp thứ 19 của Ủy ban thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 14 đến ngày 21 tháng 4 năm 2009 đề cập nhiều nội dung quan trọng, trong đó Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã dành nhiều thời gian để thảo luận và cho ý kiến về công tác xây dựng pháp luật, phục vụ cho kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII dự kiến diễn ra trong tháng tới.
Untitled_994.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
Dự thảo Luật khám, chữa bệnh: công chức, viên chức y tế có được thành lập cơ sở khám chữa bệnh tư nhân?
Đến nay, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân của nước ta (trong đó có khám bệnh, chữa bệnh (KBCB)) đã thể hiện nhiều bất cập, vướng mắc. Các chế định pháp luật về KBCB chủ yếu được quy định trong Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày 30/6/1989 (Chương IV, chương Khám, chữa bệnh) và Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân. Trong khi đó, Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân đã ban hành gần 20 năm, khi đất nước ta mới chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế cơ chế thị trường định hướng XHCN nên bộc lộ nhiều lạc hậu. Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân với nội dung hành nghề dược tư nhân đã bị bãi bỏ bởi Luật Dược năm 2005 (Luật Dược đã nhất thể hóa điều kiện hành nghề dược của Nhà nước với hành nghề dược tư nhân) nên chỉ còn nội dung hành nghề y tư nhân, trong khi hành nghề KBCB của Nhà nước lại không quy định cụ thể. Do vậy, việc xây dựng Luật KBCB sẽ góp phần bổ sung và hoàn thiện cơ chế, pháp luật cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động KBCB, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực nâng cao chất lượng KCBB, tạo môi trường bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở KBCB của Nhà nước với cơ sở KBCB tư nhân.
Do đây là lần đầu trình xin ý kiến UBTVQH nên dự án luật nhận được nhiều quan tâm của các thành viên UBTVQH, nhất là các vấn đề liên quan đến quy định công chức, viên chức y tế được hay không được thành lập cơ sở khám chữa bệnh tư nhân; mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân; các hình thức tổ chức hành nghề KBCB …
Dự thảo Luật KBCB quy định cấm “công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý điều hành bệnh viện tư nhân, bệnh viện thuộc các hình thức sở hữu khác, trừ trường hợp công chức, viên chức y tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành bệnh viện thuộc các hình thức sở hữu khác mà Nhà nước có phần góp vốn tại bệnh viện đó" (Khoản 11 Điều 5) nhưng vẫn cho phép họ tham gia các hình thức KBCB khác. Lý giải cho quy định này, Chính phủ cho rằng, Điểm b, khoản 1 Điều 37 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định chỉ cấm công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý điều hành bệnh viện tư nhân còn các hình thức tổ chức hành nghề KBCB khác, pháp luật không cấm. Do vậy, nên cho phép cán bộ y tế được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý điều hành các hình thức hành nghề KBCB tư nhân (trừ bệnh viện tư, bệnh viện thuộc các hình thức sở hữu khác) để tận dụng chất xám, kinh nghiệm và phát huy năng lực chuyên môn, đáp ứng với nhu cầu KBCB ngày càng cao của nhân dân, đồng thời góp phần nâng cao y đức và hạn chế việc dịch chuyển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân.
Một số Ủy viên UBTVQH đồng ý với quy định nêu trên của Dự thảo Luật và lý giải của Chính phủ, cho rằng đây là một bước đổi mới hết sức quan trọng trong tư duy nhận thức về tổ chức các loại hình KBCB. Song, cũng có nhiều Ủy viên UBTVQH không đồng tình. Nhóm ý kiến không đồng tình khẳng định nên quy định công chức, viên chức y tế không có quyền thành lập, trực tiếp điều hành cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Quy định như vậy sẽ tránh được tình trạng mập mờ của việc “quy mô về vốn và đầu tư đồ sộ như bệnh viện tư nhưng chỉ đăng ký là cơ sở khám chữa bệnh tư” và nhờ đó, công chức viên chức y tế hoàn hoàn có thẩm quyền thành lập, quản lý cơ sở KBCB tư quy mô đó. Hơn nữa, nếu để cán bộ y tế nhà nước vừa làm công tác quản lý bệnh viện công vừa có thẩm quyền thành lập, quản lý cơ sở khám chữa bệnh tư có thể tạo ra sự lạm dụng (bằng cách chuyển bệnh nhân ra phòng khám chữa bệnh tư nhân của mình hoặc sử dụng trang thiết bị của bệnh viện công để phục vụ lợi ích cá nhân) hoặc xao nhãng công việc chính. Với nhiều ý kiến trái chiều tại phiên thảo luận, quy định này sẽ còn tiếp tục được UBTVQH “mổ xẻ” trong những lần cho ý kiến  đối với dự luật tiếp theo.
Nội dung quy định về các hình thức tổ chức hành nghề KBCB cũng nhận được ý kiến khác nhau của Ban soạn thảo và Ủy ban thẩm tra. Theo đề nghị của Ban soạn thảo tại Điều 39 dự thảo Luật, các hình thức tổ chức hành nghề KBCB bao gồm: Bệnh viện, bệnh viện y học cổ truyền; phòng khám bệnh, phòng chẩn trị y học cổ truyền; nhà hộ sinh; cơ sở chẩn đoán; cơ sở dịch vụ y tế và các hình thức tổ chức hành nghề KBCB khác theo quy định của pháp luật và giao cho Chính phủ quy định cụ thể các hình thức tổ chức hành nghề này thuộc cả khu vực Nhà nước và tư nhân. Theo đó, sẽ không quy định cụ thể hệ thống KBCB của Nhà nước trong Luật KBCB theo mô hình 4 cấp hành chính cứng nhắc từ Trung ương đến cơ sở như hiện nay. Tuy nhiên, Ủy ban thẩm tra lại cho rằng, hệ thống KBCB bao gồm cả các cơ sở của Nhà nước và các cơ sở tư nhân và từ bệnh viện tuyến trung ương cho đến trạm y tế tuyến xã, phù hợp với hệ thống tổ chức KCB từ trước tới nay của Việt Nam và hệ thống này cũng đã ổn định trong hơn 60 năm qua.
Về vấn đề này, đa số Ủy viên UBTVQH cho rằng, không nên quá cứng nhắc với phương án hoặc không nói gì đến hệ thống 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở, các đơn vị công lập hoặc chỉ gò bó quy định hệ thống KBCB của Nhà nước trong Luật KBCB theo mô hình 4 cấp hành chính hiện nay mà nên chấp nhận cả hai hệ thống: một mặt trong hệ thống các đơn vị công lập vẫn ghi nhận hệ thống 4 cấp như nòng cốt của hệ thống các đơn vị công lập. Bên cạnh đó vẫn cho phép tiếp tục hình thành những loại hình mới, đáp ứng đúng nhu cầu và tất yếu khách quan của thực tiễn đang, sẽ đặt ra.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản: chỉ sửa đổi, bổ sung quy trình, thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản
Theo Tờ trình số 43/TTr-CP của Chính phủ ngày 7 tháng 4 năm 2009, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 52 điều, khoản vướng mắc, bức xúc nhất của 8 luật và 1 Nghị quyết, trong đó, đặc biệt quan tâm đến những quy định về trình tự, thủ tục đầu tư (8 điều của Luật xây dựng, 8 điều của Luật đầu tư, 17 điều của Luật đấu thầu, 7 điều của Luật doanh nghiệp, 2 điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, 4 điều của Luật đất đai, 2 điều của Luật bảo vệ môi trường, 3 điều của Luật phòng cháy và chữa cháy, 1 điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 về tiêu chuẩn các, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư). Việc sửa đổi này xuất phát từ kết quả giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sửa dụng vốn nhà nước ở các Bộ, ngành địa phương từ năm 2005-2007 và Nghị quyết số 23/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 4 nhằm “rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về xây dựng, đấu thầu, đất đai, ngân sách nhà nước; ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, không trùng chéo, mâu thuẫn; quy định chế tài xử lý đủ mạnh, nghiêm minh” .
Cơ bản tán thành với đề nghị sửa đổi của Chính phủ, tuy nhiên, UBTVQH đồng ý với ý kiến của Ủy ban thẩm tra cho rằng, chưa nên đặt vấn đề sửa cùng lúc quá nhiều luật trong luật này mà trước mắt để giải quyết những vấn đề đang vướng mắc (vấn đề bức xúc nhất hiện nay là tiến độcác dự án sử dụng vốn nhà nước rất chậm, hàng năm số vốn XDCB không giải ngân được phải chuyển sang năm sau rất lớn, mà một trong những nguyên nhân chính là do thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều vướng mắc, rườm rà). Dự luật chỉ nên tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung về quy trình, thủ tục, đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị đầu tư trong các luật liên quan trực tiếp đến đầu tư xây dựng cơ bản(đa số nội dung về quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản được quy định trong Luật xây dựng và Luật đấu thầu). Vì vậy, cần tập trung sửa đổi, bổ sung 2 luật Luật xây dựng và Luật đấu thầu và một số quy định trong các luật có liên quan.
Liên quan đến những nội dung sửa đổi trong Luật Đấu thầu, Ủy ban thẩm tra đồng tình với đa số sửa đổi mà Chính phủ đưa ra, tuy nhiên đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm những quy định về chỉ định thầu tại Điều 20 khoản 1 (Gói thầu dịch vụ tư vấn có giá gói thầu dưới năm trăm triệu đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp có giá gói thầu dưới một tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển. Chính phủ sẽ quy định hạn mức chỉ định thầu cụ thể). Ủy ban thẩm tra đồng ý rằng, trong tình hình suy giảm kinh tế, cần đẩy mạnh kích cầu đầu tư như hiện nay thì việc giao Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu, nhằm linh hoạt hơn chỉ định thầu là cần thiết. Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ hơn các tiêu chí những công trình được chỉ định thầu nhằm tránh lạm dụng, đồng thời cần tiến tới đấu thầu rộng rãi, hạn chế chỉ định thầu.
Thảo luận về phân cấp cho chủ đầu tư, theo UBTVQH, quy định phân cấp mạnh hơn cho chủ đầu tư là phù hợp nhưng phân cấp cần phải gắn liền với trách nhiệm, với việc tăng cường quản lý vĩ mô và tình hình thực tiễn nhân sự. Do đó, đa số Ủy viên UBTVQH đồng ý phân cấp cho chủ đầu tư được phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu và đề nghị không sửa đổi nội dung phân cấp cho chủ đầu tư phê duyệt kết quả đấu thầu (Điều 31, 39, 40, 41 của Luật đấu thầu). Bởi vì, hiện tại nhiều chủ đầu tư (đặc biệt ở cấp cơ sở) còn hạn chế về năng lực và kinh nghiệm, khi được giao nhiều quyền hơn, tương đối khép kín từ phê duyệt thiết kế, hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu và thêm cả phê duyệt kết quả đấu thầu thì một mặt có thể dẫn tới lạm quyền, mặt khác có thể lúng túng, sợ trách nhiệm, không dám triển khai thực hiện, sẽ dẫn đến chậm trễ trong việc triển khai thực hiện dự án, công trình.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Năm dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp. Đây cũng là dự thảo Luật đầu tiên thực hiện theo quy trình xây dựng một luật để sửa nhiều luật.
Cho ý kiến dự thảo Luật Viễn thông
Theo Tờ trình số 42/TTr – CP của Chính phủ tại phiên họp thứ 19, viễn thông là một lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật tổng hợp, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển của viễn thông tạo nên nền tảng cho một nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin toàn cầu (GIS), tạo cơ hội cho các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) bứt phá mạnh hơn. Do đó, dự thảo Luật Viễn thông được xây dựng nhằm phát huy các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh, tăng nhanh năng lực và hiện đại hoá viễn thông, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đồng thời bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
Nhiều nội dung trong Dự thảo luật nhận được sự quan tâm của các thành viên UBTVQH, nhất là các vấn đề liên quan đến cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về viễn thông; thanh tra viễn thông; Quỹ dịch vụ viễn thông công ích; những vấn đề thực tiễn đã tồn tại mà Dự thảo luật chưa đề cập như: nguồn lực, tài chính, trang thiết bị... để thu hút và bảo đảm nguồn lực quản lý về hoạt động viễn thông.
Liên quan đến nội dung thanh tra viễn thông (Điều 11của Dự thảo Luật), Chính phủ đề xuất: Thanh tra viễn thông là thanh tra chuyên ngành thuộc hệ thống thanh tra thông tin và truyền thông được tổ chức tại ở 3 cấp Thanh tra Bộ, thanh tra Sở và tại Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông để thực hiện chức năng thanh tra đối với các hoạt động về viễn thông theo quy định của pháp luật. Lý giải cho quy định này, Chính phủ cho rằng, lĩnh vực viễn thông, mạng viễn thông không phụ thuộc vào phạm vi địa giới hành chính, đặc biệt là trong thông tin đi động, Internnet, nên nhiều vi phạm phải xử lý ở cấp độ toàn quốc, đòi hỏi phải sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật gắn với hoạt động hàng ngày của các cơ quan quản lý chuyên ngành và mang tính chuyên môn sâu. Tuy nhiên, theo nhiều Ủy viên UBTVQH, cần tiếp tục nghiên cứu sâu thêm về vấn đề này nhất là khi Dự án Luật thanh tra cũng đang được nghiên cứu, sửa đổi. UBTVQH đề nghị Chính phủ nên quy định sao cho không trái với Luật thanh tra hiện hành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về thanh tra; đồng thời làm rõ chức năng thanh tra chuyên ngành về viễn thông, bổ sung quy định chi tiết về nội dung thanh tra trong lĩnh vực viễn thông.
Nghe kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm
Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP) của UBTVQH nêu rõ: công tác quản lý nhà nước về VSATTP trong 5 năm 2004 – 2008 đã đạt được những kết quả đáng kể. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP được ban hành với số lượng lớn tạo hành lang pháp lý để kiểm soát chất lượng VSATTP “từ trang trại đến bàn ăn” và bước đầu đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về VSATTP. Tuy nhiên, việc ban hành quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật với hiệu lực pháp lý khác nhau đã tạo nên sự chồng chéo, mâu thuẫn hoặc bỏ sót một số lĩnh vực... Công tác quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP tuy đã có chuyển biến nhưng mới chỉ tập trung giải quyết được các vấn đề bức xúc, chủ yếu là xử lý hậu quả, chưa chủ động quản lý được nguy cơ ô nhiễm theo chuỗi cung cấp thực phẩm theo một chiến lược dài hạn. Công tác phối hợp giữa các cơ quan về quản lý CLVSATTP ở Trung ương và địa phương còn chưa tốt, chưa đảm bảo quản lý một cách liên thông theo chuỗi cung cấp thực phẩm. Công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa thường xuyên, kịp thời, việc xử lý vi phạm chưa kiên quyết...Đoàn giám sát của UBTVQH kiến nghị cần sớm ban hành Luật An toàn thực phẩm để điều chỉnh toàn diện và thống nhất các vấn đề về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng tới 4 vấn đề: cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP; Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cơ chế phối hợp trong công tác quản lý chất lượng VSATTP; chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe. Đồng thời, Quốc hội nên giao cho Chính phủ xem xét, kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan quản lý thực phẩm theo hướng có một cơ quan đầu mối, đủ thẩm quyền để thống nhất quản lý nhà nước về VSATTP.
Thảo luận về báo cáo giám sát, UBTVQH khẳng định, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan chặt chẽ đến sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, kinh phí được cấp cho công tác quản lí chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn từ 2004 - 2008 là 329 tỉ đồng, tính bình quân đầu người của cả nước chỉ đạt 780 đồng/người/năm. Tỷ lệ kiểm soát để đảm bảo hàng hóa dịch vụ chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm trên tất cả các khâu, các lĩnh vực, các hình thức tổ chức sản xuất cũng còn rất thấp, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh tật và tình trạng ngộ độc dẫn đến chết người trong xã hội, chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn của nhân dân. Trong khi đó, trách nhiệm quản lý vẫn còn chung chung, thiếu rõ ràng giữa Bộ y tế, Bộ Bộ Công thương và Bộ NN & PTNT. Cũng theo UBTVQH, báo cáo giám sát tuy đã phản ảnh tưng đối toàn diện, cung cấp được nhiều thông tin, đề xuất giải pháp, kiến nghị để nâng cao chất lượng VSATTP nhưng vẫn chưa tìm ra biện pháp mang tính đột phá, trọng tâm trọng điểm để giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như lộ trình mang tính chất chiến lược lâu dài để bảo đảm sức khỏe của người dân. UBTVQH đề nghị tiếp tục làm rõ hơn nữa vấn đề trách nhiệm của cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về VSATTP, đưa ra nhận định sắc sảo hơn về vấn đề thực hiện chính sách pháp luật về quản lý nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để trình Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao tại kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XII
Cũng tại phiên họp này, UBTVQH đã cho ý kiến về các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự; Luật lý lịch tư pháp; Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật bồi thường nhà nước; Luật quản lý nợ công; Luật quy hoạch đô thị; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và sửa đổi, bổ sung Điều 121 của Luật đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa; Luật cơ yếu; Pháp lệnh chi phí giám định, định giá trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính. UBTVQH cũng xem xét, thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010; phương án phân bổ số vượt thu ngân sách trung ương năm 2008 và thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện di dân, tái định cư công trình Thủy điện Sơn La./.
 
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 9(146), tháng 5/2009)


Thống kê truy cập

33001385

Tổng truy cập