Hoàn thiện các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ về bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng yêu cẩu của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Châu Âu (EVFTA)

14/05/2022

TS. BÙI THỊ HẰNG NGA

Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế _ Luật, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh,

THS. NGUYỄN MINH BÁCH TÙNG

Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế _Luật, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Bảo hộ và sử dụng chỉ dẫn địa lý nói chung và chỉ dẫn địa lý cho nông sản nói riêng là một cách thức hiệu quả giúp nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, để thực thi hiệu quả các cam kết của Hiệp định EVFTA giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam thì yêu cầu hệ thống pháp luật Việt Nam cần có những thay đổi phù hợp, đặc biệt là cơ chế quản lý và sử dụng đối với các chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ cũng như cơ chế bảo vệ và phát huy hiệu quả của chỉ dẫn địa lý nhằm đảm bảo rằng chỉ dẫn địa lý phải là một dấu hiệu nhận diện thị trường của sản phẩm được gắn tên.
Từ khóa: Hiệp định EVFTA; bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Abstract: Protection and use of geographical indications in general and geographical indications for agricultural products in particular is an effective manner to enhance the value and competitiveness of the agricultural products of Vietnam. However, it is required, for effective enforcement of the commitments of the EVFTA between the European Union and Vietnam, the Vietnamese legal system is to be appropriately amended, especially the management and use mechanism for protection of geographical indications, as well as for the protection and promotion of geographical indications, to ensure that the geographical indication is a sign that identifies the market for the product to which the name is applied.
Key words: EVFTA; protection of geographical.
 chi-dan-dia-ly.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet 
1.    Khái niệm chỉ dẫn địa lý
Định nghĩa về chỉ dẫn địa lý (CDĐL) lần đầu tiên được ghi nhận tại Điều 2 Hiệp ước Lisbon năm 1958 (sửa đổi năm 1967 và năm 1979); theo đó: CDĐL là tên địa lý của một nước, vùng hoặc địa phương dùng để chỉ dẫn xuất xứ của sản phẩm, mà chất lượng và những đặc tính của nó dựa trên các điều kiện môi trường địa lý độc đáo, ưu việt, bao gồm yếu tố tự nhiên và con người[1]. Theo định nghĩa này, một CDĐL được xác định theo Hiệp ước phải thỏa 3 điều kiện:
Một là, đó phải là tên khu vực địa lý, địa danh như tên nước, khu vực hoặc vùng, địa phương xác định. Tên địa lý phải là tên gọi được sử dụng chính thức trên bản đồ địa lý để chỉ một khu vực địa lý nhất định. Do đó, những tên gọi có tính chất quy ước, tên riêng mà không phải là tên chính thức được sử dụng trên bản đồ địa lý thì sẽ không được công nhận là CDĐL.
Hai là, hàng hóa có sử dụng CDĐL phải bắt nguồn, được sản xuất từ khu vực địa lý mà nó chỉ dẫn.
Ba là, phải có mối liên hệ giữa chất lượng, tính chất đặc thù của hàng hóa với yếu tố đặc biệt của môi trường địa lý, bao gồm yếu tố tự nhiên và yếu tố con người.
Cùng với quá trình hội nhập, khái niệm CDĐL được pháp điển hóa thông qua các vòng đàm phán đa phương được ghi nhận trong Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs):
CDĐL là những chỉ dẫn về hàng hóa được bắt nguồn từ lãnh thổ của một quốc gia thành viên hoặc từ khu vực hay địa lý của lãnh thổ đó có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý quyết định[2].
Hiệp định TRIPs đã xác định phạm vi bảo hộ khá chặt chẽ đối với CDĐL. Cụ thể, điều kiện để bảo hộ CDĐL là chỉ dẫn đó phải chỉ dẫn nguồn gốc lãnh thổ của sản phẩm từ một quốc gia thành viên hoặc từ khu vực hay địa phương của lãnh thổ đó, và chất lượng uy tín hoặc đặc tính của sản phẩm phải gắn bó chủ yếu với xuất xứ địa lý của nó.
Tại Việt Nam, trước khi Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) được ban hành thì CDĐL được quy định tại Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995 dưới thuật ngữ “Tên gọi xuất xứ hàng hóa”[3]. Đến Luật SHTT năm 2005, CDĐL được hiểu là “dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”[4].
Như vậy, thuật ngữ CDĐL được sử dụng hiện nay theo Luật SHTT năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 (Luật SHTT) đã bao gồm cả “Tên gọi xuất xứ hàng hóa”. Các quy định về đăng ký bảo hộ, sử dụng CDĐL theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành không có nhiều khác biệt với các quy định đối với tên gọi xuất xứ hàng hóa trước đây. Cách tiếp cận mới này của pháp luật Việt Nam có khác biệt so với pháp luật châu Âu[5] vì hệ thống pháp luật châu Âu quy định hai đối tượng này riêng biệt.
 Theo quy định của pháp luật châu Âu thì các sản phẩm bảo hộ dưới hình thức tên gọi xuất xứ là những sản phẩm có yêu cầu cao hơn về tính đặc thù. Chúng được sản xuất, chế biến và chuẩn bị trong một vùng địa lý xác định đã được quy định và có sử dụng những bí quyết công nghệ truyền thống đã được công nhận bởi cơ quan chức năng. Đối với sản phẩm bảo hộ dưới hình thức CDĐL sẽ là những sản phẩm có chất lượng hoặc danh tiếng có thể là do môi trường địa lý với những đặc tính vốn có hoặc sự kết hợp yếu tố con người tạo nên. Mối quan hệ địa lý có thể chỉ xuất hiện một lần trong các giai đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và chuẩn bị, cụ thể:
Untitled.BTHN.png
Bảng 1: Sự khác biệt giữa chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ theo quy định của
pháp luật Châu Âu[6]
Có thể thấy rằng, sự khác nhau giữa tên gọi xuất xứ và CDĐL có thể nảy sinh từ mối liên hệ giữa sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ, nguồn nguyên liệu hoặc khu vực sản xuất. Sự gắn kết về mặt địa lý của tên gọi xuất xứ là mạnh hơn so với CDĐL, nhưng điều đó không có nghĩa là chất lượng của sản phẩm mang tên gọi xuất xứ tốt hơn hoặc kém hơn so với chất lượng của sản phẩm mang CDĐL. Cả hai hình thức này đều được dùng để bảo hộ các sản phẩm có chất lượng khác biệt do nguồn gốc địa lý mang lại. Minh chứng cho điều này là EU đã trao quyền bảo hộ giống nhau cho cả tên gọi xuất xứ và CDĐL nếu được chấp nhận bảo hộ.
2. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật châu Âu
2.1 Quan điểm của Liên minh châu Âu (EU) trong xây dựng CDĐL
Trong quá trình xây dựng và áp dụng pháp luật về bảo hộ CDĐL, các chủ thể có thẩm quyền tại EU luôn thể hiện rất rõ mục đích và vai trò của CDĐL trong việc phát triển nền kinh tế quốc gia và khu vực:
-Tạo điều kiện cho quá trình đa dạng hoá sản xuất nông lâm ngư nghiệp;
- Khuyến khích phát triển các sản phẩm có tính chất đặc trưng, khôi phục và bảo tồn đa dạng sinh học ;
- Nâng cao thu nhập của người nông dân và các tác nhân ngành hàng;
- Tạo ra tính ổn định phát triển các ngành hàng sản phẩm chất lượng có tính đặc trưng ;
- Giúp người dân ít di cư ra đô thị;
- Thông tin rõ ràng cho người tiêu dùng về sản phẩm, chống hàng giả.
Do vậy, từ năm 1992, EU đã ban hành các quy định của pháp luật nhằm bảo hộ các sản phẩm được sản xuất (làm) tại một vùng, miền, địa phương đặc trưng trong phạm vi của EU.
Năm 2003, EU ban hành quy chế mới về bảo hộ CDĐL, theo đó CDĐL được xem như đối tượng của quyền SHTT, chủ yếu để bảo vệ các sản phẩm như rượu, bơ, xúc xích và các loại rau quả và việc bảo hộ CDĐL chỉ được thực hiện cho các sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng và đúng nguồn gốc về CDĐL.
Năm 2006, EU ban hành quy chế 510/2006 về bảo hộ CDĐL và tên gọi xuất xứ hàng hóa cho các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm. Với quy định này, việc bảo hộ CDĐL ở châu Âu được thực hiện một cách nghiêm ngặt và có hiệu quả nhằm quảng bá cho các sản phẩm có chất lượng đặc trưng, bảo hộ quyền lợi của người nông dân cũng như lợi ích của người tiêu dùng.
Vì vậy, để được bảo hộ dưới dạng CDĐL, các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm phải có danh tiếng và được chế biến, sản xuất tại một vùng, miền cụ thể. Song song với các lợi ích mà người nông dân có được từ việc sản phẩm được bảo hộ CDĐL thì người sản xuất phải có trách nhiệm duy trì và cải thiện chất lượng của sản phẩm mang CDĐL, nếu không họ sẽ không được phép sử dụng CDĐL, đồng thời có thể bị khép vào tội làm hàng giả hoặc quảng cáo sai lệch.
Tháng 11/2012, EU đã thông qua quy định mới về quy trình quản lý chất lượng, đó là Quy chế của Hội đồng và Nghị viện châu Âu số 1151/2012 về “Hệ thống chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm” thay cho Quy chế số 510/2006 nêu trên và có hiệu lực từ 3/1/2013 (Quy chế số 1151/2012).
Quy chế số 1151/2012 kết hợp các quy định về tên gọi xuất xứ được bảo hộ (PDO), chỉ dẫn địa lý được bảo hộ (PGI), đặc sản truyền thống được bảo đảm (TSG). Việc đăng ký các đối tượng khác nhau này được mở rộng cho các nước ngoài châu Âu. Việc bảo hộ rượu vang và rượu mạnh được quy định ở một văn bản riêng không nằm trong Quy chế này. Quy chế cũng quy định việc bảo hộ các PDO và PGI của châu Âu ở các nước khác sẽ dựa trên cơ sở quy định của Hiệp định TRIPs hoặc các Hiệp định song phương hoặc đa phương.
Quy chế số 1151/2012 không quy định việc bảo hộ PDO và PGI của rượu vang và rượu mạnh mà chúng được bảo hộ theo một quy định riêng biệt. Hiệp định TRIPs hiện hành quy định một mức độ bảo hộ cao đối với rượu vang và rượu mạnh nhưng để lại việc bảo hộ các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm cho từng quốc gia quy định. Trong nội dung của Vòng đàm phán Đô-ha của WTO, EU đã đưa ra một đề xuất nhằm thay đổi Hiệp định TRIPs, cụ thể là mở rộng sự bảo hộ ở cùng mức cao đối với cả các sản phẩm ngoài rượu vang và rượu mạnh. Ngoài ra, EU cũng đề xuất thiết lập một Đăng bạ đa phương về CDĐL sẽ có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả thành viên WTO[7].
2.2 Quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU
Như đã trình bày ở trên, trong hệ thống pháp luật châu Âu có sự khác biệt về điều kiện bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ. Cụ thể:
Ø     Điều kiện cần để PDO
- Sản phẩm xuất xứ từ một địa phương, vùng hoặc trong các trường hợp đặc biệt là từ một quốc gia.
- Chất lượng hoặc đặc tính của sản phẩm có được nhờ hoàn toàn hoặc chủ yếu vào điều kiện địa lý đặc biệt kể cả yếu tố tự nhiên lẫn con người.
Ví dụ : Giăm bông Parma.
Ø     Điều kiện cần để PGI
- Sản phẩm xuất xứ từ một địa phương, vùng hoặc quốc gia cụ thể.
- Chất lượng, uy tín hoặc các đặc tính khác có được nhờ xuất xứ địa lý.
- Ít nhất có một công đoạn sản xuất được thực hiện tại vùng địa lý được xác định.
Ví dụ: Pho mát Gruere.
Ngoài tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý thì ở châu Âu còn có một cơ chế đảm bảo cho chất lượng của sản phẩm được sản xuất ra là các đặc sản truyền thống.
Ø     Điều kiện cần để được công nhận là TSG
Đối tượng này được áp dụng cho thực phẩm mang tính “truyền thống”. Các sản phẩm có khả năng đăng ký nếu chúng có đặc tính riêng do kết quả của quá trình sản xuất hoặc phương pháp xử lý truyền thống, hoặc được sản xuất từ nguyên liệu thô hay nhờ thành phần nguyên liệu trong công thức truyền thống. Theo Quy chế số 1151/2012, khoảng thời gian để coi một sản phẩm là “truyền thống” phải có thời gian tối thiểu đến 30 năm.
Tất cả các điều kiện cần thiết để xem xét bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý hoặc tên gọi xuất xứ cho sản phẩm phải được chứng minh trong“Bản mô tả tính chất đặc thù sản phẩm”hoặc “Tài liệu kỹ thuật”đối với rượu mạnh (sau đây gọi chung là “Bản mô tả sản phẩm”).
Bản mô tả sản phẩm là một tài liệu quan trọng mà căn cứ vào đó Ủy ban châu Âu (EC) sẽ phân tích cẩn thận để quyết định xem có được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm ở EU hay không. Do vậy, tài liệu này nên được Hiệp hội các nhà sản xuất chuẩn bị, bao gồm các thông tin chi tiết về quá trình tạo ra sản phẩm được đăng ký bảo hộ.
Bản mô tả sản phẩm phải chứa tất cả thông tin về sản phẩm. Bao gồm: chất lượng đặc thù của sản phẩm, khu vực sản xuất, cũng như mối liên hệ giữa sản phẩm và môi trường địa lý ở nơi xuất xứ của sản phẩm. Ngoài ra, bản mô tả sản phẩm phải chỉ rõ tên gọi đó sẽ được đăng ký bảo hộ CDĐL hoặc Tên gọi xuất xứ (TGXX).
Bản mô tả sản phẩm ít nhất phải bao gồm các nội dung sau:
(1) Tên gọi sẽ được bảo hộ tên gọi xuất xứ hay CDĐL:
Tên gọi phải được thể hiện như đang được sử dụng trong hoạt động thương mại hoặc ngôn ngữ thông thường, và bằng ngôn ngữ đã và đang được sử dụng để mô tả sản phẩm cụ thể tại khu vực địa lý xác định.
Việc có sử dụng trong hoạt động thương mại cũng là một yếu tố quan trọng để quyết định liệu tên gọi đó có được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở châu Âu hay không.
(2) Thông tin về tính chất đặc thù chủ yếu của sản phầm về mặt vật lý, hóa học, vi sinh hoặc cảm quan.
Bản mô tả phải cung cấp các dữ liệu khoa học và kỹ thuật về sản phẩm cụ thể, sử dụng định nghĩa và các tiêu chuẩn chung đối với sản phẩm đó. Các dữ liệu vật lý, vi sinh vật, hóa học và cảm quan phải được sử dụng để mô tả sản phẩm bằng các từ ngữ chính xác.
(3) Xác định khu vực địa lý:
Khu vực địa lý phải được xác định rõ trong mối liên hệ giữa tính chất đặc
thù và nguồn gốc địa lý của sản phẩm. Khu vực địa lý phải được xác định một cách chính xác nhất về biên giới hành chính và cơ học.
(4)  Mối liên hệ giữa sản phẩm và khu vực địa lý là nền tảng của một chỉ dẫn địa lý:
Bản mô tả sản phẩm phải đề cập đến các thông tin về mối liên hệ giữa sản phẩm và nguồn gốc của nó. Thông qua việc kiểm tra và kiểm soát, các chủ thể có thể xác định được:
-Nhà cung cấp, số lượng và nguồn gốc của tất cả các lô nguyên liệu và/hoặc sản phẩm thu được;
-Người nhận, số lượng và điểm đến của sản phẩm được cung cấp; và
-Mối quan hệ giữa mỗi lô nguyên liệu đầu vào và từng lô sản phẩm đầu ra. Quy trình này còn được gọi là “truy xuất nguồn gốc”.
(5) Mối liên hệ với khu vực địa lý:
-Mối liên hệ giữa chất lượng hoặc tính chất đặc thù của sản phẩm và môi trường địa lý (đối với tên gọi xuất xứ); hoặc
Mối liên hệ giữa chất lượng cụ thể, danh tiếng hoặc các tính chất đặc thù khác của sản phẩm và nguồn gốc địa lý (đối với chỉ dẫn địa lý).
(6) Cơ quan và tổ chức chứng nhận việc tuân thủ các quy định trong bản mô tả sản phẩm:
Phải chỉ rõ tên và địa chỉ của các cơ quan hoặc tên và địa chỉ của tổ chức chứng nhận phù hợp với quy định của bản mô tả sản phẩm và chức năng của họ[8]. Sau khi đáp ứng được các điều kiện cần nêu trên thì các chủ thể muốn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý hoặc tên gọi xuất xứ tại châu Âu cần phải nộp đơn xin bảo hộ. Khác với đơn đăng ký CDĐL của EU, đơn đăng ký CDĐL từ các nước ngoài EU phải được nộp trực tiếp cho Ủy ban (của Cộng đồng châu Âu), tại Brussels.
Untitled.BTHN_1.png
 
Bảng 2: Quy trình nộp đơn đăng ký bảo hộ CDĐL tại châu Âu
3. Hiệp định EVFTA và những vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam
Điều 12.25 Hiệp định EVFTAcam kết về bảo hộ cho nhau một danh mục các CDĐL (169 CDĐL của EU được bảo hộ tại Việt Nam và 39 CDĐL của Việt Nam được bảo hộ tại EU)[9].
Untitled.BTHN_2.png
Bảng 4: Danh mục 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tự động tại EU theo
cam kết của Hiệp định[10]
Quy định này có nghĩa là 39 CDĐL nêu trên sẽ mặc nhiên được bảo hộ với mức độ bảo hộ tương đương với rượu mạnh. Tuy nhiên, tương lai những CDĐL khác của Việt Nam muốn được bảo hộ tại EU thì bắt buộc phải đáp ứng được các điều kiện và tuân thủ trình tự thủ tục thẩm định và phản đối theo quy định của pháp luật châu Âu.
 Sau khi sản phẩm được bảo hộ thì yêu cầu quan trọng để duy trì sự bảo hộ đó là quy trình quản lý và sử dụng CDĐL. Trong cấp độ các nước châu Âu, EC thiết lập và vận hành chuyên mục đặc sản địa phương tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của EC, trong đó cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến việc bảo hộ, kiểm soát chất lượng, quảng bá và phân phối thương mại các đặc sản của các vùng miền, quốc gia đã được bảo hộ. Đặc biệt, EC ban hành và thống nhất quản lý việc sử dụng biểu tượng chỉ dẫn nguồn gốc được bảo hộ như một chứng chỉ cam kết chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng. Sản phẩm khi được gắn các biểu tượng này trên bao bì, tem nhãn có nghĩa là chất lượng của sản phẩm đó được kiểm soát chặt chẽ theo đúng các quy trình do EC quy định và do đó, người tiêu dùng có thể an tâm khi lựa chọn. Cách làm này giúp tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với sản phẩm và được họ ưu tiên lựa chọn. 
 Untitled.BTHN_3.png
Bảng 5: Hệ thống biểu tượng được bảo hộ tại châu Âu[11]
Trong khi đó cơ chế kiểm soát đối với chất lượng các sản phẩm được gắn liền với CDĐL không chặt chẽ, rõ ràng. Hiện nay, liên quan đến quản lý và sử dụng CDĐL, pháp luật về SHTT không có bất kỳ quy định nào về cấp quyền sử dụng, kiểm soát chất lượng hàng hóa cũng như quy hoạch vùng địa lý bảo hộ[12]… Cơ chế sử dụng địa lý do các địa phương quản lý tự quyết định, ban hành tùy thuộc vào từng địa phương, dẫn đến các quy định không thống nhất, hiệu quả thực thi kém. Điều này được thể hiện qua mô hình quản lý của một số CDĐL đã được cấp văn bằng bảo hộ dưới đây:
Untitled.BTHN_4.png
Bảng 6: Mô hình quản lý của một số CDĐL đã được cấp văn bằng bảo hộ
Chính cơ chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn còn nhiều hạn chế nêu trên đã khiến cho CDĐL tại Việt Nam chưa thể trở thành dấu hiệu nhận diện thị trường, không có sự khác biệt giữa hàng hóa có gắn liền với CDĐL và hàng hóa cùng loại. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực việc tuân thủ các cam kết về quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý theo Hiệp định EVFTA (Điều 12.37 Hiệp định EVFTA yêu cầu: “Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ phải tuân thủ bản mô tả sản phẩm”).
Để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định EVFTA về bảo hộ CDĐL đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về SHTT trên các khía cạnh sau:
- Cấu trúc của hệ thống kiểm soát.
- Nội dung và phương pháp.
- Quy trình chứng nhận.
Cụ thể:
Ø     Thứ nhất, đối với cấu trúc của hệ thống kiểm soát, cần quy định cụ thể việc cấp phép quyền sử dụng CDĐL nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể quyền và chủ thể có nhu cầu sử dụng CDĐL chủ động trong việc thiết lập hồ sơ xin cấp phép cũng như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL.
Hiện nay, Dự thảo sửa đổi Luật SHTT đã bổ sung quy định: Tổ chức đại diện cho những người sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý này. Người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó[13].
Tuy nhiên, quy định này cần được hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục để có thể trao quyền thực sự cho các hiệp hội hoặc chính quyền địa phương trong việc đứng ra đăng ký, quản lý các CDĐL thuộc ngành, địa phương mình. Bên cạnh đó, để tránh sự chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm, pháp luật cũng cần xác định rõ vai trò của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn, chủ thể sử dụng, tổ chức tập thể, hiệp hội… trong việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ quyền đối với CDĐL.
ØThứ hai, đối với nội dung và phương pháp kiểm đối với các CDĐL đã được bảo hộ: Hiện nay, do thiếu vắng quy định về kiểm soát các sản phẩm gắn CDĐL nên hầu hết các chủ thể có nhu cầu sử dụng CDĐL chỉ tập trung vào việc xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ mà không xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm bên ngoài, kể cả công cụ truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, khi sản phẩm gắn CDĐL ra khỏi nơi sản xuất thì việc kiểm soát gần như đã chấm dứt. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng, dẫn đến  nguy cơ CDĐL đó có sẽ không được bảo hộ khi đăng lý theo Hiệp định EVFTA trong tương lai[14]. Để khắc phục hạn chế này, cần bổ sung quy định về kiểm soát các sản phẩm gắn CDĐL tạo cơ sở cho việc thiết lập mô hình chuẩn về xây dựng, quản lý, khai thác các sản phẩm có tiềm năng được bảo hộ CDĐL; đưa cơ chế bảo hộ CDĐL vào một phần trong chính sách phát triển nông nghiệp; xúc tiến việc đăng ký bảo hộ CDĐL ra nước ngoài cho những nông sản đã đăng ký bảo hộ trong nước, đặc biệt ở những quốc gia có nhiều người Việt sinh sống như Mỹ, Pháp, Đức, Nga...
ØThứ ba, liên quan đến quy trình chứng nhận: Phân tích nêu trên cho thấy, việc chứng nhận cho các sản phẩm gắn liền với CDĐL được bảo hộ chưa được pháp luật Việt Nam quy định và sử dụng thống nhất như một yếu tố nhận diện chất lượng của sản phẩm. Thực tế cho thấy, việc chứng nhận sản phẩm mang CDĐL đơn thuần là hoạt động Marketing của các doanh nghiệp chứ chưa là chiến lược nhận diện sản phẩm chất lượng của quốc gia (xem Bảng 7 dưới đây).
 Untitled.BTHN_5.png
Bảng 7: Chứng nhận của các sản phẩm được bảo hộ CDĐL tại Việt Nam
Trong khi đó, tại châu Âu hoặc các quốc gia khác thì nhà nước đều xây dựng dấu hiệu nhận diện thống nhất cho tất cả các sản phẩm được bảo hộ CDĐL (xem Bảng 8 dưới đây).
Untitled.BTHN_6.png
Bảng 8: Dấu hiệu chứng nhận chỉ dẫn địa lý tại EU và Trung Quốc
Để khắc phục hạn chế này, trong thời gian sắp tới, Việt Nam cần xúc tiến xây dựng dấu hiệu nhận diện thống nhất cho các sản phẩm gắn liền CDĐL đã được bảo hộ. Điều này không chỉ nâng cao giá trị thương hiệu của sản phẩm, mà còn nâng cao vị thế của quốc gia trên thị trường hàng hóa quốc tế./.
 

 


[1] Lê Việt Tuấn, Hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về bảo hộ CDĐL trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Luận văn Thạc sĩ Luật học), Đại học Luật Tp. HCM và Đại học Lund, 2004.
[2] Hiệp định TRIPs khoản 1 Điều 2.
[3] Các quy định về chỉ dẫn địa lý tại Nghị định này cũng được áp dụng cho tên gọi xuất xứ hàng hoá được bảo hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995 và Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 01/02/2001 [khoản 2 Điều 61 Nghị định 105/2006/NĐ-CP].
[4] Khoản 22 Điều 4 Luật SHTT năm 2005.
[5] Pháp luật châu Âu có sự phân biệt rõ ràng giữa thuật ngữ chỉ dẫn địa lýtên gọi xuất xứ hàng hóa cũng như các điều kiện để được bảo hộ đối với từng loại. Thực chất điều kiện để được bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật Việt Nam không có sự khác biệt lớn đối với điều kiện bảo hộ của tên gọi xuất xứ hàng hóa theo quy định của pháp luật châu Âu. Xem thêm: Bùi Thị Hằng Nga- Nguyễn Minh Bách Tùng (2020), Bảo hộ chỉ dẫn địa lý: yêu cầu của phát triển nông nghiệp bền vững, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số tháng 9. 
[6] Cục Sở hữu trí tuệ - Mutraps, Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU: Tài liệu hướng dẫn cho người nộp đơn nước ngoài EU.
[8] Cục sở hữu trí tuệ - Mutraps, Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU: Tài liệu hướng dẫn cho người nộp đơn nước ngoài EU, Hà Nội, (9h 14/3/2022), http://thuvien.hlu.edu.vn/KIPOSDATA0/KIPOSSysWebFiles/files/SanPham/TaiLieuDuAnMuTrap/GT%2C%20STK/DangKyBao%20ho%20chi%20dan%20dia%20ly%20tai%20Eu.pdf.
[9] Mức độ bảo hộ dành cho các chỉ dẫn địa lý này tương ứng với mức độ bảo hộ chỉ dành cho rượu vang và rượu mạnh trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) cũng như Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. 
[10] Danh mục các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam sẽ được bảo hộ tự động tại EU theo khuôn khổ Hiệp định EVFTA
[11] Cục Sở hữu trí tuệ, Kinh nghiệm quốc tế trong quảng bá đặc sản địa phương ra nước ngoài - Một số gợi ý cho đặc sản Việt Nam, Website (11h20 17/3/2022); http://ipvietnam.gov.vn/web/guest/nghien-cuu-ao-tao/-/asset_publisher/3KJODm0i3vkR/content/kinh-nghiem-quoc-te-trong-quang-ba-ac-san-ia-phuong-ra-nuoc-ngoai-mot-so-goi-y-cho-ac-san-viet-nam.
[12] Bùi Thị Hằng Nga- Nguyễn Minh Bách Tùng (2020), Bảo hộ chỉ dẫn địa lý: yêu cầu của phát triển nông nghiệp bền vững, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số tháng 9.
[13] Điều 88 Dự thảo sửa đổi Luật SHTT năm 2021.
[14] Cục Sở hữu trí tuệ - Mutraps, Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU: Tài liệu hướng dẫn cho người nộp đơn nước ngoài EU,
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 08 (456), tháng 04/2022.)