Hoàn thiện các quy định của pháp luật về trường tư thục

18/11/2021

PGS.TS. BÙI XUÂN HẢI

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Hiện nay ở nước ta, các cơ sở giáo dục tư thục đang có vị trí, vai trò rất khiêm tốn trong hệ thống giáo dục quốc dân. Một trong số các nguyên nhân của thực trạng này là do những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật về trường tư thục. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích các hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật về trường tư thục và đề xuất kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: Trường tư thục, pháp luật về trường tư thục.
Abstract: Private schools have a very modest role in the national education system. One of the reasons is due to the limitations and disadvantages of legal regulation on private schools. Within the scope of this article, the author provides an analysis of the shortcomings and inadequacies in the legal regulations on private schools and proposes recommendations for improvements.
Keywords: Private schools; legal regulations on private school.
 TRƯỜNG-TƯ-THỤC.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Các trường tư thục đã được thừa nhận rộng rãi từ lâu trên thế giới và có vai trò ngày càng quan trọng trong nền giáo dục, góp phần đáp ứng các nhu cầu đa dạng của xã hội và chia sẽ gánh nặng đầu tư của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, vị trí vai trò của cơ sở giáo dục (CSGD) tư thục còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng.
Ở Miền Nam nước ta, cách đây một nửa thế kỷ, trong năm học 1960 -1961 học sinh các trường tư thục đã chiếm tỷ lệ tới 51,14%; đến năm 1975 thì có trên 1.000 trường tư thục và 1,2 triệu học sinh phổ thông[1]. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta, số lượng các trường tư thục ở các cấp học còn khá thấp, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Số lượng học sinh, sinh viên các trường tư thục chiếm tỷ lệ khá nhỏ so với các trường công lập. Năm 2018, tỷ trọng sinh viên các trường đại học tư thục ở nước ta chỉ chiếm 16% so với 84% của các CSGD đại học công lập (không tính sinh viên các trường quân đội và công an)[2], một tỷ trọng khá thấp so với mức trung bình của Đông Nam Á là 41,8%, Châu Á là 42,1% và thế giới là 32,9%[3]. Ở một số nước như Indonesia hay Hàn Quốc, CSGD tư thục đang chiếm tỷ trọng cao hơn công lập trong đào tạo trình độ đại học và cao đẳng[4].
Từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế nước ta đã tăng trưởng liên tục với tốc độ khá cao, đời sống và thu nhập của người dân tăng cao nhiều lần so với trước, nhu cầu của phụ huynh cho con học những trường tốt về cơ sở vật chất và chất lượng cao cũng tăng lên hàng năm. Vậy tại sao tỷ trọng số lượng trường tư thục và người học tại các trường tư thục hiện nay so với trường công lập ở Việt Nam vẫn còn rất thấp so với khu vực và thế giới? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, trong đó có nguyên nhân do các hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật về CSGD tư thục, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần quy định thống nhất về các loại hình trường tư thục trong 3 đạo luật về giáo dục
Hiện nay, việc thành lập và hoạt động của các CSGD tư thục được điều chỉnh bởi Luật Giáo dục năm 2019 (Luật Giáo dục), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 (Luật GDNN), Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018 (Luật GDĐH). Xét về mối quan hệ giữa các đạo luật này thì Luật Giáo dục cần phải đóng vai trò là luật chung về giáo dục. Bởi lẽ, Luật Giáo dục quy định đầy đủ, toàn diện về nền giáo dục như: nguyên lý, triết lý giáo dục, loại hình cơ sở giáo dục, đầu tư vào giáo dục, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo và người học; đặc biệt là về hệ thống giáo dục quốc dân với các cấp học và trình độ đào tạo. Trong khi đó, Luật GDNN điều chỉnh về giáo dục nghề nghiệp, Luật GDĐH điều chỉnh về giáo dục đại học, hai trình độ đào tạo, hai bộ phận cấu thành của hệ thống giáo dục quốc dân được điều chỉnh bởi Luật Giáo dục.
Luật Giáo dục quy định ba loại hình nhà trường là công lập, dân lập và tư thục. Luật GDĐH quy định có hai loại CSGD đại học là công lập và tư thục. Cả hai Luật này đều quy định trường tư thục là “do các nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động”.
Khác với Luật Giáo dục và Luật GDĐH, Luật GDNN năm 2014 quy định ba loại hình CSGD nghề nghiệp là công lập, tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, CSGD nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được coi là CSGD nghề nghiệp tư thục. Hơn nữa, cũng giống như Luật Giáo dục và Luật GDĐH, Luật GDNN còn quy định thêm loại hình CSGD nghề nghiệp tư thục không vì lợi nhuận và CSGD nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không vì lợi nhuận.
Như vậy, ba văn bản luật về giáo dục là Luật Giáo dục, Luật GDNN, Luật GDĐH quy định không giống nhau về loại hình trường tư thục. Nếu Luật GDNN có sự phân biệt giữa CSGD nghề nghiệp tư thục và CSGD nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; sau đó, CSGD nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại được chia thành hai loại là CSGD nghề nghiệp 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài và CSGD nghề nghiệp liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài[5], thì Luật Giáo dục và Luật GDĐH không quy định như vậy. Để đảm bảo sự thống nhất trong việc phân loại, định danh các loại hình trường tư thục, tác giả cho rằng, cần sửa đổi Luật Giáo dục, Luật GDNN và Luật GDĐH theo hướng bảo đảm sự thống nhất rõ ràng về các loại hình, mô hình trường tư thục ở Việt Nam.
Thứ hai, cần có thêm các mô hình (loại hình) trường tư thục
Ở nước ngoài, có nhiều mô hình trường tư thục khác nhau như: trường tư thục có tài trợ của nhà nước, trường tư thục không vì lợi nhuận, trường tư thục một phần vì lợi nhuận, trường tư thục vì lợi nhuận[6]; ngoài ra, còn có CSGD liên kết giữa nhà nước và tư nhân kiểu đối tác công tư (Public Private Partnership - PPP)[7]. Pháp luật cần công nhận nhiều mô hình trường tư thục vì hai lý do cơ bản: (i) Tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các loại chủ thể khác nhau và (ii) Nhằm đa dạng hóa sự lựa chọn cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục để đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội[8]. Việc xây dựng các mô hình trường tư thục chủ yếu dựa vào hai yếu tố cơ bản là mục đích hoạt động và sở hữu tài sản. Xét về mục đích hoạt động của CSGD tư thục, mà thực chất là mục đích của nhà đầu tư, thì có ba loại: (i) Hoạt động vì lợi nhuận, (ii) Hoạt động một phần vì lợi nhuận, (iii) Hoạt động không vì lợi nhuận. Nếu hiểu lợi nhuận là chênh lệch giữa tổng doanh thu và tổng chi phí thì tất cả các cơ sở giáo dục, kể cả trường công lập, đều phải có mục đích hoạt động hướng tới lợi nhuận nhưng khác nhau về việc phân chia và sử dụng lợi nhuận (khoản chênh lệch) đó như thế nào. Nhà đầu tư vào trường tư thục có thể vì mục đích được hưởng lợi nhuận (hay lợi tức) hoặc vì mục đích đóng góp cho xã hội (không rút vốn, không hưởng lợi tức). Luật Giáo dục, Luật GDNN, Luật GDĐH hiện hành chỉ quy định về “trường tư thục” và “trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận”. Theo đó, nhà đầu tư của trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận phải cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức[9]. Tuy nhiên, quy định hiện hành không xác định rõ “trường tư thục” có phải là CSGD hoạt động vì mục đích lợi nhuận hay không, từ đó dẫn đến các cách hiểu khác nhau về mục đích hoạt động của loại CSGD này.
Trong nhiều thập kỷ qua, người Việt Nam đã quen với sự độc tôn của hệ thống trường công lập và chính sách bao cấp của Nhà nước cho giáo dục. Hiện nay, trong điều kiện nền kinh tế thị trường với sự phát triển của hoạt động đầu tư kinh doanh và hội nhập quốc tế về giáo dục thì các nhà quản lý giáo dục, người học và phụ huynh cũng đã quen với hoạt động “kinh doanh dịch vụ giáo dục” và vấn đề “giáo dục vì lợi nhuận”[10]. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng đã đề ra chủ trương khuyến khích phát triển các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao ở khu vực đô thị. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua khẳng định phải: “phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập”, “đa dạng hóa các loại hình đào tạo, hoàn thiện chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập, thực hiện cơ chế tự chủ đối với đào tạo bậc đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới, chuyển đổi trường đại học công lập kém hiệu quả sang mô hình hợp tác công - tư”[11]. Thực hiện chủ trương của Đảng, trong thời gian tới, chúng ta cần phát triển thêm các loại hình trường tư thục để phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu đa dạng của các nhà đầu tư vào giáo dục (với các khả năng và có mục đích khác nhau) và nhu cầu đa dạng của người học. Do đó, cần sửa đổi Luật Giáo dục, Luật GDNN, Luật GDĐH theo hướng quy định các loại trường tư thục là: CSGD tư thục vì lợi nhuận (cho phép nhà đầu tư phân chia lợi nhuận theo thoả thuận), CSGD tư thục một phần vì lợi nhuận (cho phép nhà đầu tư được phân chia một phần lợi nhuận theo thoả thuận, phần lợi nhuận còn lại không phân chia và tích lũy làm tài sản chung), CSGD tư thục không vì lợi nhuận (không cho phép nhà đầu tư rút vốn và phân chia lợi nhuận).
Thứ ba, cần quy định quyền đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước vào cơ sở giáo dục
Trong thực tiễn, đã có rất nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước thành lập đơn vị sự nghiệp trực thuộc mình, như các trường cao đẳng, trường đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu[12]… Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Đảng và Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã quy định doanh nghiệp nhà nước gồm có hai loại: (i) Doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước (tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên) và (ii) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần)[13]. Theo định nghĩa về “nhà đầu tư” trong Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Giáo dục[14] thì doanh nghiệp nhà nước là “nhà đầu tư trong nước”; vậy các doanh nghiệp nhà nước có quyền thành lập CSGD hay không và CSGD được thành lập bởi các doanh nghiệp nhà nước được coi là CSGD tư thục hay công lập?
Luật Giáo dục, Luật GDNN, Luật GDĐH không quy định cụ thể các tổ chức, cá nhân bị cấm thành lập CSGD. Tuy nhiên, các luật này có quy định về các loại hình nhà trường và chủ thể đầu tư, sở hữu của từng loại hình nhà trường. Cụ thể, Luật Giáo dục và Luật GĐDH quy định  CSGD công lập “do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu”. Theo quy định của Luật GDNN, CSGD nghề nghiệp công lập là “cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất” (khoản 2 Điều 5). Vì vậy, nếu CSGD do doanh nghiệp nhà nước đầu tư thành lập và sở hữu thì sẽ không được coi là CSGD công lập vì không phải do Nhà nước đầu tư, Nhà nước sở hữu… như các định nghĩa nêu trên. Hơn nữa, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước vào CSGD không phải là vốn ngân sách nhà nước mà là vốn của doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần); vì thế, doanh nghiệp nhà nước không thể là chủ thể đầu tư thành lập CSGD công lập.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 5 Luật GDNN quy định CSGD nghề nghiệp tư thục là CSGD nghề nghiệp thuộc sở hữu của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân, do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhà nước không thuộc các thành phần được đề cập đến trong quy định nêu trên; do đó, các doanh nghiệp nhà nước không thể đầu tư thành lập CSGD nghề nghiệp tư thục.
Hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế; nếu loại doanh nghiệp này không có quyền đầu tư thành lập CSGD thì là một bất cập cần phải khắc phục. Các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước có thể định hướng và kiểm soát việc đầu tư của doanh nghiệp nhà nước vào lĩnh vực giáo dục theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014. Nhà nước cần phải chấp nhận việc các doanh nghiệp có vốn nhà nước (ở mức độ khác nhau) có quyền đầu tư vào CSGD tư thục[15]. Không nên quan niệm trường tư thục thì phải có 100% vốn của tư nhân mà không có phần vốn nào có nguồn gốc từ Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, để khắc phục các hạn chế nêu trên, Luật Giáo dục, Luật GDNN và Luật GDĐH cần thống nhất quan niệm doanh nghiệp nhà nước cũng là nhà đầu tư và doanh nghiệp nhà nước có thể đầu tư vốn vào trường tư thục như các nhà đầu tư khác.
Thứ tư, cần cho phép sự hợp tác giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thành lập cơ sở giáo dục tư thục 
Điều 47 Luật Giáo dục và Điều 7 Luật GDĐH quy định CSGD tư thục có thể được thành lập bởi nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài. Chữ “hoặc” trong hai điều luật này dẫn đến hệ quả là các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài không thể cùng nhau đầu tư thành lập CSGD tư thục. Bên cạnh đó, Điều 102 Luật Giáo dục quy định nhà đầu tư vào CSGD tư thục có thể chuyển nhượng vốn góp của mình cho nhà đầu tư khác. Vậy, câu hỏi đặt ra là nhà đầu tư nước ngoài có được mua lại vốn góp của nhà đầu tư trong nước trong CSGD tư thục và ngược lại để dẫn đến việc trường tư thục đó vừa có nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài hay không? Hơn nữa, Luật GDNN cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; tức là cho phép sự hợp tác giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, Luật Giáo dục và Luật GDĐH không cho phép nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài hợp tác cùng nhau thành lập CSGD tư thục là bất hợp lý, không thống nhất với Luật GDNN. Để khắc phục bất cập nêu trên, tác giả cho rằng, cần sửa đổi Luật Giáo dục và Luật GDĐH theo hướng cho phép sự hợp tác giữa các nhà đầu tư mang quốc tịch khác nhau để thành lập CSGD tư thục và nhận chuyển nhượng vốn góp trong CSGD tư thục.
Thứ năm, cần đặt ra điều kiện đối với nhà đầu tư thành lập và người quản lý trường tư thục 
Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các luật chuyên ngành về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, … đều quy định rõ về đối tượng có quyền và đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp hay tham gia quản lý doanh nghiệp[16].
Luật Giáo dục, Luật GDĐH, Luật GDNN không quy định về đối tượng bị cấm thành lập CSGD tư thục; do đó, có thể suy luận rằng, mọi nhà đầu tư đều có thể xin phép thành lập CSGD tư thục. Bên cạnh đó, các văn bản luật về giáo dục nêu trên cũng không quy định về những trường hợp bị cấm tham gia quản lý, điều hành trường tư thục như: bị cấm tham gia là thành viên hội đồng trường, cấm giữ chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng…
Tác giả cho rằng, giáo dục đào tạo là lĩnh vực đặc thù, dịch vụ giáo dục là dịch vụ khá đặc biệt vì có liên quan đến học vấn, trình độ, kỹ năng, đạo đức, tư tưởng của con người; ảnh hưởng lớn đến văn hoá, đến sự ổn định và phát triển của xã hội. Vì vậy, nhà đầu tư thành lập CSGD tư thục và đặc biệt là người tham gia quản lý CSGD tư thục cũng phải đáp ứng điều kiện nhất định, không nên chấp nhận bất cứ tổ chức, cá nhân nào cũng có quyền thành lập CSGD tư thục hoặc tham gia quản lý, điều hành CSGD tư thục. Vì vậy, cần sửa đổi Luật Giáo dục, Luật GDNN, Luật GDĐH theo hướng quy định các tổ chức, cá nhân bị cấm đầu tư, góp vốn thành lập CSGD tư thục, cấm tham gia quản lý, điều hành CSGD tư thục cho phù hợp với lĩnh vực dịch vụ đặc thù này,  ví dụ, quy định cấm những đối tượng sau đây thành lập, quản lý trường tư thục: những người bị cấm theo pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt theo bản án kết tội của tòa án, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc người đã từng bị kết án về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, ngược đãi đối với trẻ em…
Thứ sáu, cần sửa đổi quy định về các loại tài sản và quyền sở hữu tài sản của trường tư thục
- Ở các nước trên thế giới, tài sản của CSGD tư thục được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau như: đóng góp của nhà đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, học phí của người học, đóng góp của các nhà hảo tâm (các quỹ, các tổ chức, cá nhân)và từ hoạt động đầu tư của trường[17]. Trường tư thục càng uy tín, càng nổi tiếng, có nhiều cựu học sinh thành đạt thì càng có khả năng thu hút tài chính gây quỹ, được tặng cho hoặc có các hợp đồng cho hoạt động nghiên cứu, tư vấn, làm dự án.
Khoản 2 Điều 102 Luật Giáo dục quy định “Tài sản của trường tư thục thuộc sở hữu của nhà đầu tư, hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư”. Quy định này dẫn đến hệ quả pháp lý là: Với tư cách là chủ sở hữu thì nhà đầu tư có quyền định đoạt tài sản của trường tư thục và CSGD tư thục sẽ không có tài sản thuộc sở hữu của chính mình.
Bên cạnh đó, quy định của khoản 2 Điều 102 Luật Giáo dục không thống nhất với quy định của Điều 103 về chính sách ưu đãi đất đai, cơ sở vật chất dành cho trường chứ không phải dành cho nhà đầu tư. Việc quy định tài sản của trường tư thục thuộc sở hữu của các nhà đầu tư cũng làm cho CSGD tư thục bị mất đi một điều kiện theo Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015 để được công nhận là pháp nhân; bởi vì, CSGD tư thục không có tài sản độc lập.
Khoản 2 Điều 67 Luật GDĐH quy định CSGD đại học tư thục có thể có ba loại tài sản: (i) Tài sản của Nhà nước; (ii) Tài sản chung hợp nhất không phân chia (tài sản được viện trợ, tài trợ, hiến tặng, cho, tặng và tài sản khác được quy định là tài sản chung hợp nhất không phân chia); và (iii) Các loại tài sản khác. Cụ thể: (i) đối với tài sản của Nhà nước và quyền sử dụng đất được Nhà nước giao thì phải theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật về đất đai; không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào; (ii) đối với tài sản chung hợp nhất không phân chia thì thuộc sở hữu của cộng đồng nhà trường, không được chuyển thành sở hữu tư nhân, không được tính vào giá trị tài sản được định giá của cơ sở giáo dục đại học khi có chuyển nhượng vốn; nếu giải thể thì được coi là tài sản chung của cộng đồng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, sử dụng cho mục đích phát triển giáo dục đại học; (iii) đối với tài sản không thuộc hai nhóm trên thì CSGD có quyền tự quyết định việc quản lý, sử dụng, định đoạt và tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, Luật GĐDH cũng chưa có các quy định cụ thể về chế độ quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản của CSGD đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Luật GDNN không có quy định cụ thể nào về quyền sở hữu tài sản của CSGD nghề nghiệp tư thục và CSGD nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Luật quy định về tài sản và đất đai được Nhà nước giao cho CSGD nghề nghiệp tư thục quản lý và tài sản mà CSGD nghề nghiệp tư thục được tài trợ, viện trợ, biếu, tặng, cho phải được sử dụng đúng mục đích, không chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất kỳ hình thức nào (khoản 4 Điều 31). Tuy nhiên, cũng như Luật Giáo dục, Luật GDNN không quy định về các loại tài sản của trường tư thục một cách rõ ràng như Luật GDĐH. Hơn nữa, cả ba luật về giáo dục hiện hành không có quy định đặc thù về chế độ quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản của trường tư thục không vì lợi nhuận.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, tác giả cho rằng, cần sửa đổi Luật Giáo dục, Luật GDNN, Luật GDĐH theo hướng sau: thứ nhất, cần quy định cụ thể phân tách tài sản của trường tư thục thành 3 loại và có chế độ quản lý, sử dụng, định đoạt khác nhau: (i) tài sản của Nhà nước giao, hỗ trợ; quyền sử dụng đất được Nhà nước giao; (ii) tài sản chung hợp nhất không được phân chia là tài sản (hoặc được mua từ nguồn tiền) được các tổ chức, cá nhân tặng, cho, viện trợ, tài trợ; và (iii) các loại tài sản khác không thuộc hai nhóm trên; thứ hai, cần quy định chế độ quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản khác nhau cho các loại trường tư thục khác nhau; chẳng hạn chế độ tài sản của trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận hoặc một phần vì lợi nhuận phải khác với trường tư thục vì lợi nhuận
Tóm lại, quy định của Luật Giáo dục, Luật GDNN, Luật GDĐH hiện hành về CSGD tư thục đã bộc lộ các hạn chế, thiếu sót, bất cập; vì vậy, Nhà nước cần xem xét, sửa đổi ba luật này để đảm bảo sự thống nhất và tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho sự phát triển các mô hình trường tư thục ở Việt Nam./.  
                                                                                                


[1] Ngô Minh Oanh (Chủ biên), Giáo dục phổ thông miền Nam (1954-1975), Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2018, tr.33-34
[2] Trần Văn Hùng, Xu thế phát triển của hệ thống đại học tư thục Việt Nam, Tạp chí Giáo dục, số 475 (kỳ 1-4/2020), tr.12.
[3] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài liệu hội nghị Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm năm 2018; Trần Văn Hùng, Xu thế phát triển của hệ thống đại học tư thục Việt Nam, Tạp chí Giáo dục, số 475 (kỳ 1-4/2020), tr. 12.
[4] International Finance Corporation (IFC – World Bank Group), Education Investment Guide: Guide for Investors in Private Education in Emerging Markets, 2010, p.4.
[5] Khoản 2 Điều 5 Luật GDNN.
[6] Xem Phạm Phụ, Về khuôn mặt mới của giáo dục đại học Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2011, tr. 165, 169.
[7] Phạm Phụ, tlđd, 2011, tr.53.
[8] Xem thêm: International Finance Corporation (IFC), tlđd, tr. 6-7.
[9] Điểm c khoản 1 Điều 47 Luật Giáo dục năm 2019.
[10] Theo Luật Đầu tư năm 2020 thì hoạt động của cơ sở giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo cũng là những ngành, nghề đâu tư kinh doanh có điều kiện (xem Phụ lục IV của Luật).
[11] Xem Mục 3 Phần V - Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua.
[12] Ví dụ: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được thành lập theo Quyết định số 516/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/7/1997 trên cơ sở sắp xếp lại 4 đơn vị thành viên thuộc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam là Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện, Viện Kinh tế Bưu điện, Trung tâm đào tạo Bưu chính Viễn thông 1 và 2. Hiện nay, Học viện đã được chuyển về là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Thông tin truyền thông.
[13] Khoản 11 Điều 4, Điều 88 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[14] Khoản 18 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020; khoản 11 Điều 5 Luật Giáo dục năm 2019.
[15] Lưu ý rằng: doanh nghiệp có vốn nhà nước gồm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu không quá 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; không phải tất cả các doanh nghiệp có vốn nhà nước đều là doanh nghiệp nhà nước.
[16] Ví dụ, xem Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020; Điều 33, 50 Luật Các tổ chức tín dụng; Điều 74,75 Luật Chứng khoán.
[17] Xem thêm các tài liệu: International Finance Corporation, tlđd, tr.20-22; Trương Thị Bích, Trần Thị Yến, Một số giải pháp về cơ chế chính sách đối với các trường phổ thông dân lập, tư thục tại Hà Nội trong bối cảnh đổi mới giáo dục, Tạp chí Giáo dục, số tháng 6/2018, tr.62.
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 15 (439), tháng 8/2021.)


Ý kiến bạn đọc