Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp Nhiệm kỳ 2021 - 2026: kết quả và những vấn đề đặt ra nhằm tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội

19/10/2021

GS.TS. VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ,

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM.

Tóm tắt: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cuộc vận động chính trị và đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là Ngày hội lớn của toàn dân. Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV là tiền đề quan trọng để tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Từ khóa: Bầu cử, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Abstract: The election of the deputies to the 15th National Assembly and the People's Councils at all levels for the period of 2021-2026 is a political campaign, an extensive democratic activity among all people. The election was a great success, ensuring democracy, equality, lawfulness, safety, and savings. It was truly a great festival of all people. The results of the election of deputies to the 15th National Assembly are an important premise for continuing to renovate the organization and operation of the National Assembly in the process of development and improvements of the rule of law of the socialist state of Vietnam.
Keywords: Elections; National Assembly deputies; People's Council deputies, organization and performance of the National Assembly.
 CHỦ-TỊCH-QH-TIẾP-XÚC-CỬ-TRI-HP.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc tiếp xúc trực tuyến với cử tri thành phố Hải Phòng (Ảnh: Nguồn internet)
Sau quá trình chuẩn bị công phu, nghiêm túc, theo đúng quy định của pháp luật, ngày 23/5/2021, gần 70 triệu cử tri cả nước đã tích cực tham gia bỏ phiếu với ý thức quyền làm chủ và tinh thần trách nhiệm công dân rất cao để lựa chọn những người thực sự xứng đáng đại diện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị tổ chức bầu cử được triển khai đúng pháp luật, công phu và chu đáo trong bối cảnh rất đặc biệt
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị trọng đại và là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị trong năm 2021, diễn ra trong bối cảnh đất nước có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.Đất nước ta đã trải qua hơn 75 năm độc lập, 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Đại hội XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, đề ra các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thật sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường, tạo nền tảng, tiền đề vững chắc để phát triển đất nước nhanh và bền vững. 
Lần đầu tiên trong lịch sử 15 lần tổ chức bầu cử ĐBQH, không kể giai đoạn đất nước có chiến tranh, chưa bao giờ cuộc bầu cử lại diễn ra trong bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách, khi mà cùng lúc chúng ta vừa phải tổ chức cuộc bầu cử thành công, đúng pháp luật, vừa phải bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch bệnh Covid-19 và thực hiện tốt nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho nhân dân. Vào thời điểm gần sát ngày bầu cử, đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 4 với diễn biến nhanh hơn, biến thể vi-rút mới mạnh hơn và nguy hiểm hơn. Đến ngày bầu cử, đại dịch bệnh Covid-19 đã lây lan nhanh trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố, gây tác động rất nặng nề, nhiều nơi phải thực hiện yêu cầu nghiêm ngặt về giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa xã hội. Tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhân tố bất ổn mới. Sự chống phá của các thế lực thù địch cũng gây không ít khó khăn cho công tác bầu cử.
Trong bối cảnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử được triển khai nhất quán, quyết liệt, đồng bộ và kịp thời. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20-6-2020, “Về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026”, đề ra 9 nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử, gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Các cơ quan Trung ương ban hành 140 văn bản triển khai, hướng dẫn công tác bầu cử và tổ chức giám sát, kiểm tra bầu cử trên thực tế. Trong đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia ban hành 96 văn bản; triển khai 23 đoàn kiểm tra, giám sát trực tiếp, thực tế tại 53 tỉnh, thành phố và tổ chức giám sát qua báo cáo đối với 10 tỉnh, thành phố; tổ chức 02 hội nghị trực tuyến triển khai công tác bầu cử, kịp thời hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị tiến hành bầu cử. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương nỗ lực, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, quyết liệt và rất sáng tạo.
Quán triệt các văn bản hướng dẫn của Đảng, quy định của pháp luật, quá trình chuẩn bị nhân sự, tổ chức hiệp thương giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp được tiến hành chặt chẽ, thận trọng, đúng quy định, gắn với kết quả nhân sự đại hội đảng các cấp và công tác quy hoạch cán bộ, phát huy dân chủ và bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng, giới thiệu được những người tiêu biểu có đức, có tài, xứng đáng đại diện ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân tham gia Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ mới. Kiên quyết không đưa vào danh sách ứng cử và trúng cử những người không đủ phẩm chất đạo đức, chính trị, vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí.
Trên phạm vi cả nước, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, có 866 người chính thức được giới thiệu ứng cử ĐBQH (không tính 02 trường hợp do Hội đồng Bầu cử quốc gia rút tên khỏi danh sách ứng cử ĐBQH); 6.199 người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 37.468 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện; 405.244 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã. Chất lượng ứng cử viên được nâng lên, bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020, là những người thực sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, lối sống, có năng lực và kinh nghiệm công tác, có điều kiện tham gia hoạt động dân cử. Cơ cấu, thành phần người được giới thiệu ứng cử hợp lý, phù hợp với tình hình chung và điều kiện cụ thể của từng địa phương. Trong số những người ứng cử ĐBQH, có 393 ứng cử viên là phụ nữ, đạt tỷ lệ 45,38%; 185 ứng cử viên là người dân tộc thiểu số, đạt tỷ lệ 21,36%. Tỷ lệ người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện là phụ nữ, dân tộc thiểu số, trẻ tuổi, ngoài Đảng ở nhiều địa phương đều đạt và cao hơn quy định(1). Công tác tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nhiều địa phương đã tổ chức các hình thức vận động bầu cử đa dạng, phong phú, mang tính sáng tạo cao, linh hoạt trong từng điều kiện cụ thể, tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin, vừa bảo đảm quyền vận động bầu cử của ứng cử viên, động viên sự tham gia rộng rãi, tích cực và trách nhiệm của cử tri, vừa bảo đảm yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch bệnh.
Việc thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương(2) theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian, bảo đảm số lượng và thành phần quy định. Chú trọng lựa chọn thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử là những người có uy tín, hiểu biết pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn về tổ chức bầu cử. Các hội nghị tập huấn nghiệp vụ về bầu cử được triển khai rộng rãi, chu đáo, kỹ lưỡng đến tận cấp cơ sở. Các tổ chức phụ trách bầu cử từ Trung ương đến cơ sở đã tích cực, chủ động, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định trên tất cả các mặt lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức bầu cử trên thực tế. Công tác thông tin, tuyên truyền bầu cử được triển khai đồng bộ, đa dạng về hình thức, có trọng tâm, trọng điểm về nội dung, truyền tải đầy đủ thông tin về bầu cử, người ứng cử, tổ chức bộ máy nhà nước, chủ trương xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, ý thức chính trị và trách nhiệm công dân; tạo không khí dân chủ, sôi nổi, động viên cử tri trên khắp cả nước tích cực tham gia bầu cử; đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu sai trái, xuyên tạc, chống đối, phá hoại bầu cử.
Công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được đặc biệt quan tâm. Các địa phương, đơn vị, các tổ chức phụ trách bầu cử và các cơ quan y tế đã phối hợp thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo, xây dựng và diễn tập các kịch bản bầu cử, chủ động, linh hoạt ứng phó với những tình huống bất thường, nhất là ở các khu vực bỏ phiếu; bảo đảm đầy đủ quyền bầu cử của cử tri ở "tuyến đầu phòng, chống dịch", cử tri ở các địa phương bị cách ly, giãn cách xã hội, trong các khu cách ly tập trung, cách ly tại gia đình… Các cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, chủ động nắm bắt tình hình, có phương án phối hợp đấu tranh giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai, lũ lụt.  
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ và các quy định của pháp luật, Hội đồng Bầu cử quốc gia, các cơ quan, tổ chức hữu quan ở Trung ương và địa phương đã thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử và người ứng cử ngay từ cấp cơ sở, không để phát sinh khiếu kiện đông người, phức tạp kéo dài; xem xét cho phép tổ chức bỏ phiếu sớm ở những địa phương có điều kiện đặc thù; phân bổ, bố trí kinh phí, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, khắc phục các khó khăn để phục vụ chu đáo cuộc bầu cử, bảo đảm tốt nhất, đầy đủ nhất quyền bầu cử của công dân, nhất là ở các địa phương dịch bệnh diễn biến phức tạp.
2. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đạt được kết quả rất tốt đẹp
Sự lãnh đạo sát sao, toàn diện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự nỗ lực, quyết tâm, tập trung cao độ triển khai công tác chuẩn bị tổ chức bầu cử một cách chủ động, kỹ lưỡng, chu đáo, chuyên nghiệp, nhanh nhạy, bám sát thực tế, xử lý kịp thời mọi tình huống phát sinh, đúng pháp luật, với tinh thần trách nhiệm rất cao của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài, cùng cử tri cả nước đã làm nên thành công rất tốt đẹp của cuộc bầu cử, thể hiện nổi bật ở những khía cạnh sau:
Thứ nhất, cuộc bầu cử diễn ra tuyệt đối an toàn, không có các tình huống bất ngờ xảy ra, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Trong điều kiện hết sức khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, với phương châm đúng đắn không vì dịch bệnh mà không tổ chức bầu cử và càng không để bầu cử làm cho tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, huy động tối đa mọi nguồn lực, đưa ra nhiều phương án, kịch bản để ứng phó, có nhiều cách làm sáng tạo trong triển khai công tác bầu cử. Việc tổ chức bỏ phiếu sớm ở những nơi có điều kiện đặc biệt khó khăn, việc bố trí các hòm phiếu phụ, hòm phiếu lưu động đến tận từng gia đình ở các địa phương phải cách ly, giãn cách xã hội… đã tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm tối đa quyền bầu cử của cử tri. Tình hình an ninh được bảo đảm, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, không có các tình huống bất ngờ xảy ra.
Thứ hai, cử tri đi bầu đạt tỷ lệ 99,60% so với tổng số cử tri cả nước - cao nhất từ trước đến nay. Cuộc bầu cử đã thực sự phát huy tinh thần dân chủ, đề cao quyền làm chủ của nhân dân và trách nhiệm công dân trong xây dựng chính quyền.
Cuộc bầu cử lần này có 69.243.604 cử tri trong tổng số 69.523.133 cử tri cả nước tham gia bỏ phiếu, đạt 99,60%; cao hơn 0,25% so với cuộc bầu cử khóa trước(3). Các tỉnh có tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao nhất là: Hậu Giang: 99,99%; Lạng Sơn: 99,99%; Lào Cai: 99,98%; Trà Vinh: 99,97%; Bình Phước: 99,97%; Vĩnh Long: 99,96%; Bến Tre: 99,96%; Hà Giang: 99,96%; Yên Bái: 99,96%... Đặc biệt, ở những địa phương bị tác động tiêu cực của dịch bệnh, phải cách ly y tế, giãn cách xã hội, cử tri đi bầu vẫn đạt tỷ lệ rất cao, như Bắc Giang: 99,02%; Bắc Ninh: 99,07%; Hà Nội: 99,16%; Vĩnh Phúc: 99,41%; Hải Dương: 99,67%...
Kết quả bầu cử với tỷ lệ cử tri đi bầu cao, đạt 99,60% đã chứng minh sức sống hiện thực của quan điểm của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011): “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”(4). “Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam(5).Cuộc bầu cử lần này khẳng định tinh thần yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, ý thức làm chủ, năng lực thực hành dân chủ của người dân, trách nhiệm công dân trong việc xây dựng chính quyền; khẳng định niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc cho việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Thứ ba, kết quả bầu cử đã có 499 đại biểu Quốc hội được trúng cử, đạt 99,8% so với tổng số đại biểu được bầu theo luật định, chất lượng đại biểu được nâng lên, có cơ cấu thành phần hợp lý, là tiền đề quan trọng để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội khoá XV.
Các đại biểu trúng cử bảo đảm tiêu chuẩn theo luật định, tiêu biểu về đạo đức, phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ và bản lĩnh, xứng đáng đại diện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước tham gia Quốc hội. Trình độ chuyên môn của đại biểu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV được nâng lên: Có 392 đại biểu có trình độ trên đại học (chiếm tỷ lệ 78,55%), trong đó có 144 tiến sĩ, 248 thạc sĩ; có 106 đại biểu trình độ đại học (chiếm tỷ lệ 21,24%). Về chức danh: 12 đại biểu là Giáo sư, 20 đại biểu là Phó Giáo sư(6). Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chất lượng và cơ cấu đại biểu, bảo đảm nguyên tắc "lấy chất lượng làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn"(7).
Tổ chức quán triệt và thực hiện có kết quả chủ trương Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “Bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, nâng cao chất lượng ĐBQH, tăng hợp lý số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp”(8). Trong cuộc bầu cử lần này, số lượng đại biểu cơ cấu hoạt động chuyên trách trúng cử là 193 người (ở Trung ương là 126 người, ở địa phương là 67 người), chiếm 38,68% so với tổng số ĐBQH, xấp xỉ đạt 40% theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội. Các đại biểu hoạt động chuyên trách đều là những người đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn cần thiết: Có năng lực, trình độ và phẩm chất chính trị, được rèn luyện qua thử thách, thực tiễn công tác. Đội ngũ đại biểu chuyên trách sẽ đóng vai trò làm nòng cốt trong các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn ĐBQH ở địa phương.
Cơ cấu, thành phần đại biểu hợp lý, đại diện tiêu biểu các giai cấp, tầng lớp, thành phần, nghề nghiệp và lĩnh vực công tác, dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, giới tính. Đặc biệt, tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, đại biểu là người dân tộc thiểu số đều đạt và vượt dự kiến, tăng lên so với các nhiệm kỳ gần đây, phù hợp tiến trình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, bảo đảm sự tham gia của đại diện các dân tộc trong cơ quan Quốc hội. Với 151 đại biểu là nữ trúng cử, đạt tỷ lệ 30,26%, cao nhất từ Quốc hội khóa VI đến nay, Việt Nam tiếp tục là quốc gia có tỷ lệ nữ ĐBQH ở mức cao so với nghị viện các nước trong khu vực và thế giới. Có 89 đại biểu là người dân tộc thiểu số (đạt tỷ lệ 17,84%), trong đó có 02 dân tộc thiểu số rất ít người (dân tộc Lự và Brâu) lần đầu tiên có ĐBQH. Số lượng đại biểu các khóa tái cử là 203 người (chiếm tỷ lệ 40,68%) cao hơn nhiều so với Quốc hội khóa XIV.
Thứ tư, kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp bảo đảm số lượng, với cơ cấu, thành phần phù hợp với đặc điểm cụ thể ở từng địa phương.
Ở cấp tỉnhbầu được 3.721 đại biểu, cấp huyện bầu được 22.550 đại biểu, cấp xã bầu được 239.788 đại biểu(9). Tỷ lệ đại biểu là phụ nữ tăng lên đáng kể, cấp tỉnh đạt 29%, cấp huyện đạt 29,08%. Tỷ lệ đại biểu tái cử tăng cao so với nhiệm kỳ trước, đạt 42,09% ở cấp tỉnh; đạt 44,07% ở cấp huyện; đạt 54,04% ở cấp xã(10).  
Bên cạnh những kết quả nổi bật, quá trình chuẩn bị, tiến hành bầu cử cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần rút kinh nghiệm, cụ thể: trong công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ở một số nơi vẫn chưa bảo đảm số dư; vẫn còn một số trường hợp người ứng cử vi phạm pháp luật; cá biệt có nơi phải bầu lại, do bầu thiếu (tổ chức bầu thêm 03 đại biểu HĐND cấp huyện ở 02 đơn vị bầu cử và 280 đại biểu HĐND cấp xã ở 175 đơn vị bầu cử trong phạm vi cả nước)(11); việc ban hành một số văn bản hướng dẫn còn chậm, phải điều chỉnh; vẫn còn có những sai sót, nhầm lẫn không đáng có khi thực hiện các nghiệp vụ bầu cử…
Những kết quả thành công rất tốt đẹp của cuộc bầu cử xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau đây:
- Nguyên nhân chủ yếu là có sự lãnh đạo chặt chẽ, toàn diện và kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư;
- Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền trong hệ thống chính trị, các tổ chức phụ trách bầu cử từ Trung ương đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác bầu cử thường xuyên, quyết liệt, kịp thời, sâu sát; làm việc tích cực, chủ động, trách nhiệm, tận tụy và triển khai có kết quả toàn diện các mặt công tác chuẩn bị bầu cử, thông tin kịp thời, nhanh nhạy, phản ảnh trung thực, chính xác, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong bầu cử;
- Sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực, đồng thuận và tham gia có trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài cùng cử tri cả nước.
3. Phát huy kết quả bầu cử, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XV
Thành công của cuộc bầu cử có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự thống nhất về mọi mặt của “ý Đảng, lòng dân”, là tiền đề vững chắc triển khai thực hiện có kết quả cao Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp có đủ năng lực hoạt động với chất lượng, hiệu quả cao trong nhiệm kỳ tới, nhằm củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính quyền do nhân dân bầu ra sẽ gắn bó mật thiết hơn với nhân dân, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; tôn trọng, lắng nghe ý kiến nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, vì nhân dân phục vụ, thực hiện có kết quả mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Kế thừa truyền thống vẻ vang 75 năm Quốc hội Việt Nam, phát huy kinh nghiệm và thành tựu đạt được của Quốc hội khóa XIV, trong nhiệm kỳ tới, Quốc hội cần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động theo định hướng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. “Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội”(12), góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với tổ chức và hoạt động của Quốc hội: Cải tiến tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động và mối quan hệ phối hợp công tác của Đảng đoàn Quốc hội, các tổ đảng trong các cơ quan của Quốc hội để nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo; triển khai xây dựng các đề án do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công về định hướng công tác lập pháp của Quốc hội khóa XV, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có Chiến lược xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đoàn Quốc hội cũng như các Nghị quyết của Đảng thông qua các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác lập pháp, đáp ứng các yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn mới: Trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Quốc hội cần ưu tiên thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; đẩy mạnh cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường trật tự, kỷ cương xã hội; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế; thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, phát triển khoa học và công nghệ, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, xã hội số, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học; huy động, quản lý và sử dụng hợp lý, hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công – tư; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển con người toàn diện; bảo đảm chính sách y tế, dân số, lao động, việc làm, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội; bảo vệ, cải thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; tăng cường hội nhập quốc tế, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Ba là, đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Chương trình giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng ĐBQH cần bảo đảm tính hệ thống, liên kết chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong Nghị quyết của Trung ương, nhất là về các vấn đề lớn, được quan tâm, như đổi mới mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế, việc thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, cải cách hành chính, sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; các vấn đề về văn hóa, an sinh xã hội; hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Những nội dung được Quốc hội lựa chọn giám sát tối cao phải đúng, trúng vào các vấn đề nóng bỏng nhất của đất nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và cử tri, đặc biệt là phải gắn với cải cách bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; minh bạch trong huy động, sử dụng các nguồn lực quốc gia và gắn với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo. Giám sát tối cao của Quốc hội cũng như giám sát của các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH phải thực sự thúc đẩy sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị các cấp.
Bốn là, tiếp tục đổi mới phương thức xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, là nhiệm vụ có tính chất trọng tâm và thường xuyên của Quốc hội. Không ngừng đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng trong việc Quốc hội quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hằng năm của đất nước; chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia. Nâng cao chất lượng và phương thức hoạt động của từng ĐBQH là yếu tố quan trọng nhất.
Năm là, nâng cao chất lượng quyết định chính sách cơ bản của Nhà nước về đối ngoại. Tiếp tục tăng cường hoạt động đối ngoại của Quốc hội gắn với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước và đối ngoại nhân dân, để phát huy tối đa lợi thế của hoạt động ngoại giao nghị viện cũng như hiệu quả sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong triển khai công tác đối ngoại. Nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò của Quốc hội Việt Nam trong những vấn đề và các cơ chế then chốt, quan trọng có tầm chiến lược tại các cơ chế liên nghị viện đa phương khu vực và quốc tế, cùng hướng tới thúc đẩy tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy đối thoại và hợp tác, nâng cao uy tín của Quốc hội và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Sáu là, tiếp tục đổi mới tổ chức của Quốc hội: Trước hết là xây dựng và phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ ĐBQH hoạt động chuyên trách, từng bước bổ sung số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách đạt tỷ lệ tối thiểu 40% theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020. Tăng cường vai trò của thường trực, đổi mới tổ chức và hoạt động của các tiểu ban trong Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội; quy định hợp lý về số lượng lãnh đạo, ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách; bố trí nhân sự là thành viên có chuyên môn đào tạo, năng lực và kinh nghiệm công tác phù hợp lĩnh vực hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội. Hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Ban Thư ký Quốc hội, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Văn phòng Quốc hội và các cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 
Cải tiến mạnh mẽ về phương thức hoạt động, lề lối làm việc của Quốc hội. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản về hoạt động của Quốc hội như: Nội quy kỳ họp Quốc hội; Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội; các văn bản về tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, giải quyết khiếu nại, tố cáo…, tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH theo hướng phát huy dân chủ, từng bước chuyên nghiệp, xây dựng vị thế trung tâm của ĐBQH. Tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ hoạt động của Quốc hội từ cơ chế "tham luận" sang cơ chế "thảo luận và tranh luận". Quy định mối quan hệ và trách nhiệm giữa các cơ quan của Quốc hội, phân định vai trò của tập thể và phát huy tính chủ động, tích cực, trách nhiệm cá nhân của từng ĐBQH. Cụ thể hóa và có cơ chế thực hiện hiệu quả trên thực tế một số quyền của ĐBQH, như quyền trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị về luật, pháp lệnh; quyền kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm và các quyền kiến nghị khác theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020. Xây dựng cơ chế để ĐBQH gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri, nhất là cử tri ở đơn vị bầu cử. Nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quan tâm, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể hóa quy định của pháp luật về việc hướng dẫn, giám sát hoạt động của HĐND, chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ và kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND các cấp.
Bảy là, tăng cường các điều kiện bảo đảm hoạt động của Quốc hội, của ĐBQH, nhất là đối với các đại biểu hoạt động chuyên trách; xây dựng và hoàn thiện cơ chế thu hút đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học tham gia, đóng góp cho hoạt động của Quốc hội; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục xây dựng Quốc hội điện tử; tăng cường thông tin công chúng, đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin về Quốc hội đến với đông đảo cử tri và phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri đến với Quốc hội./.       

 


(1) Xem: Báo cáo số 751/BC-HĐBCQG, ngày 11/6/2021 của Hội đồng Bầu cử quốc gia “Về kết quả bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội đồng bầu cử Quốc gia”.
(2) Gồm: 63 ủy ban bầu cử cấp tỉnh; 682 ủy ban bầu cử cấp huyện; 10.134 ủy ban bầu cử cấp xã; 184 ban bầu cử ĐBQH; 1.059 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 6.188 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện; 69.619 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã và 84.767 tổ bầu cử.
(3) Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 có tổng số cử tri cả nước là 67.485.482; tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 67.049.091 cử tri (đạt 99,35%).
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 84.
(5) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tạp chí Cộng sản, số 966 (5-2021), tr.9.
(6) Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có 310 đại biểu có trình độ trên đại học (tỷ lệ là 62,50%), 180 đại biểu có trình độ đại học (tỷ lệ là  36,30%) và 06 đại biểu trình độ dưới đại học (tỷ lệ là 1,20%).
(7) Xem: Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị, “Về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026”.
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 176.
(9) Xem: Báo cáo số 751/BC-HĐBCQG, ngày 11/6/2021 của Hội đồng Bầu cử quốc gia “Về kết quả bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội đồng Bầu cử Quốc gia”.
(10) Trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ tương ứng là 33,34% ở cấp tỉnh; 32,79% ở cấp huyện; 44,75% ở cấp xã.
(11) Trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, phải bầu thêm 03 đại biểu HĐND cấp huyện và 1.285 đại biểu HĐND cấp xã.
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.175.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 17 (441), tháng 9/2021.)