Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp

02/10/2021

Chiều 01/10, tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội, GS.TS. Vương Đình Huệ đã dự lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp.
1_67.jpg
Chủ tịch Quốc hội​, GS.TS Vương Đình Huệ trao Nghị quyết cho Viện Nghiên cứu lập pháp
Cùng dự Lễ công bố có Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các Đại biểu khách mời cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Viện Nghiên cứu lập pháp.
Theo Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 ngày 29/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có chức năng nghiên cứu khoa học lập pháp, tổ chức thông tin khoa học lập pháp để tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Viện Nghiên cứu lập pháp có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, các công chức, viên chức và người lao động, cơ cấu gồm 5 đơn vị: Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Hành chính – Nhà nước; Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Kinh tế - xã hội; Ban Quản lý khoa học, Văn phòng Viện Nghiên cứu lập pháp; Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (bao gồm Tạp chí in và Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử). Tạp chí Nghiên cứu lập pháp là đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động theo Luật báo chí và quy định của pháp luật có liên quan, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng. Biên chế, cơ cấu ngạch công chức, viên chức của Viện Nghiên cứu lập pháp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Ngoài số biên chế theo quy định, Viện Nghiên cứu lập pháp được sử dụng chế độ chuyên gia và các cộng tác viên.
3_23.jpg
Chủ tịch Quốc hội​, GS.TS Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ công bố
Phát biểu tại Lễ công bố, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng Viện Nghiên cứu lập pháp đã có khung khổ pháp lý mới để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Viện- thiết chế đặc thù của cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết là một trong những thành quả đầu tiên khi Quốc hội khóa XV thực hiện nghị quyết của Đảng đoàn Quốc hội về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết 161/2021/QH XIV của Quốc hội khóa XIV về tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội dẫn lại câu chuyện cách đây 13 năm, với tư duy và tầm nhìn rất xa, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi đó là Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết thành lập Viện Nghiên cứu lập pháp, hình thành thiết chế hỗ trợ cho Quốc hội trong công tác lập pháp – chức năng cơ bản của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp. Đến nay càng cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục kiện toàn, bổ sung chức năng, nhiệm vụ; tinh gọn hơn nữa bộ máy nhưng nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp. Ghi nhận những kết quả đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng trong thời gian tới với khung khổ pháp lý mới, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả trong hoạt động lập pháp.
Về thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Viện Nghiên cứu lập pháp cần sớm ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, củng cố bộ máy bên trong; xây dựng các đội ngũ chuyên gia, các cộng tác viên, nhà khoa học… trong cả nước, hướng tới thành lập mạng lưới sáng kiến Quốc hội; tham gia vào các hoạt động của Diễn đàn kinh tế- xã hội thường niên; tăng cường tham gia hoạt động ngoại giao nghị viện để trao đổi và học tập kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của các nghị viện trên thế giới; triển khai tích cực các chuyên đề được Đảng đoàn Quốc hội phân công; không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và tổ chức thông tin khoa học, xuất bản Tạp chí Nghiên cứu lập pháp và quản lý nhà nước về khoa học công nghệ; xây dựng Tạp chí Nghiên cứu lập pháp trở thành Tạp chí khoa học hàng đầu trong lĩnh vực khoa học pháp lý.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Viện nghiên cứu lập pháp phát huy vai trò là cơ quan nghiên cứu, tham mưu về lập pháp và thông tin khoa học về lập pháp, tham gia tích cực vào công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội  trong các khâu của quy trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh và Nghị quyết của Quốc hội; hoàn thiện báo cáo chuyên đề khoa học, các ấn phẩm, kết quả nghiên cứu của các đề tài liên quan đến hoạt động của Quốc hội để phục vụ cho các kỳ họp Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu lập pháp trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan quan tâm, tăng cường phối hợp có hiệu quả với Viện Nghiên cứu lập pháp.
2_40.jpg
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại buổi lễ
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết sẽ cùng tập thể lãnh đạo đoàn kết xây dựng Viện Nghiên cứu lập pháp vững mạnh, tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp phần vào đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và mong muốn Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ được giao./.