Tăng cường thực hiện pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người của lực lượng cảnh sát hình sự công an các tỉnh Tây Bắc hiện nay

30/07/2021

THS. NGÔ THỊ BÍCH THU

Học viện Cảnh sát nhân dân

Tóm tắt: Tình hình tội phạm mua bán người tại các tỉnh Tây Bắc của nước ta đã và đang diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều yêu cầu, đòi hỏi đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của cơ quan chức năng, trong đó có hoạt động thực hiện pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người của lực lượng cảnh sát hình sự công an các tỉnh Tây Bắc. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày, đánh giá khái quát thực trạng công tác thực hiện pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người của lực lượng cảnh sát hình sự trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc và đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động này trong thời gian tới.
Từ khóa: Thực hiện pháp luật; tội phạm mua bán người; pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người; cảnh sát hình sự; các tỉnh Tây Bắc.
Abstract: The situation of human trafficking crimes in the Northwestern provinces of our country has been happening in a complicated manner, which is posing several seeks, requests for the fights against the crime of the competent authorities, in which: carrying out the law enforcement activities on prevention and combat of human trafficking crimes by the police forces of the Northwestern provinces. Within the scope of this article, the author provides presentation and assessments of the current situation of the enforcement of the law on preventing and combating human trafficking crimes by the criminal police force in the Northwest provinces and proposes a number of solutions for further improvements of the efficiency of this activity in the coming time.
Keywords: Law enforcement; human trafficking crimes; legislation on human trafficking prevention and combat; criminal police; Northwest provinces
 
muabanng3.jpg
Tây Bắc là một vùng miền núi phía Tây của miền Bắc Việt Nam, gồm 6 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái với diện tích trên 5,64 triệu ha và 3,5 triệu dân. Đây là khu vực có chung đường biên giới với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Tây Bắc là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh. Những năm qua, vùng Tây Bắc luôn là địa bàn mà các thế lực thù địch, phản động thực hiện thủ đoạn lôi kéo, chia rẽ, gây mất ổn định chính trị, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với đó, tình hình hoạt động của tội phạm, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm mua bán người (MBN) gia tăng cả về số lượng, nghiêm trọng về tính chất; các vụ mua bán người lại chủ yếu diễn ra ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế kém phát triển. Trên địa bàn này, nghề nghiệp của các nạn nhân trước khi bị lừa bán ra nước ngoài chủ yếu là làm ruộng hoặc thất nghiệp; điều kiện cuộc sống của họ không đầy đủ để tiếp nhận các thông tin xã hội, kiến thức pháp luật. Do đó, họ dễ dàng bị lợi dụng và cả tin vào các đối tượng phạm tội, trở thành nạn nhân của tội phạm MBN. Là một vùng hội tụ đầy đủ các yếu tố khó khăn cả về tự nhiên và xã hội nên việc đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm MBN trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc gặp nhiều khó khăn.
1. Thực trạng thực hiện pháp luật phòng, chống tội phạm mua bán người của lực lượng cảnh sát hình sự công an các tỉnh Tây Bắc trong những năm qua
Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an các tỉnh Tây Bắc đóng vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm MBN trên địa bàn các tỉnh. Trong đó, trách nhiệm tổ chức hoạt động phòng, chống tội phạm MBN được giao cho Đội phòng, chống tệ nạn xã hội và MBN với nhiệm vụ trực tiếp tiến hành các hoạt động trinh sát để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm MBN xảy ra trên các tuyến liên huyện, địa bàn giáp ranh nhiều huyện, các loại tội phạm MBN hoạt động lưu động... Ngoài ra tại một số tỉnh, chức năng phòng, chống MBN được bố trí trong Đội tham mưu, tổng hợp, có nhiệm vụ giúp Tiểu ban chỉ đạo 130/CP trong việc theo dõi, tổng hợp tình hình tội phạm MBN. Các đơn vị này có nhiệm vụ hướng dẫn lực lượng Công an cấp huyện tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm MBN trên địa bàn các xã, phường, tuyến, địa bàn thuộc huyện. Tại Công an cấp huyện, chức năng này được giao cho Đội CSHS. Đây là lực lượng có nhiệm vụ trực tiếp tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm MBN trên địa bàn các xã, phường, tuyến, địa bàn thuộc huyện theo sự phân công, phân cấp. Tuy nhiên, do đặc thù của án MBN thường liên quan tới thu thập chứng cứ, vấn đề người tham gia tố tụng ở nước ngoài nên vai trò chủ yếu vẫn thuộc về lực lượng CSHS Công an cấp tỉnh.
Trong hoạt động của mình, các lực lượng có trách nhiệm đi sâu làm rõ với những hoạt động nghiệp vụ cụ thể trong tổ chức đấu tranh chuyên án như tổ chức công tác đặc tình, cơ sở bí mật, phương pháp đấu tranh, chuyển hóa tài liệu thành chứng cứ, công tác phối hợp giữa các lực lượng và hợp tác quốc tế trong chuyên án trinh sát đấu tranh chống tội phạm MBN… Lực lượng CSHS công an các tỉnh Tây Bắc được đánh giá là lực lượng trọng yếu và được trang bị những nghiệp vụ cần thiết, những thiết bị công nghệ thông tin hiện đại để có thể tiếp cận với các đối tượng có hành vi MBN. Bên cạnh đó, Nhà nước đã có những chính sách tăng cường phát triển nghiệp vụ, năng lực của lực lượng CSHS cũng như khả năng đáp ứng nhiệm vụ hợp tác quốc tế nên công tác phòng, chống MBN đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
-Những kết quả đạt được
Trong hoạt động phát hiện, xử lý tội phạm, từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng công an, biên phòng đã điều tra, khám phá 236 vụ, bắt 308 đối tượng phạm tội mua bán người; Viện kiểm sát nhân dân các cấp truy tố 118 vụ, với 203 bị can; Toà án nhân dân các cấp đã giải quyết, xét xử 145 vụ, với 255 bị cáo phạm các tội về mua bán người; 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật[1]. Trong đó, lực lượng CSHS công an tỉnh Điện Biên đã bắt giữ, khởi tố 39 vụ, bắt 77 đối tượng tội phạm mua bán người; phối, kết hợp với Công an các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai và Vân Nam Trung Quốc đấu tranh, bắt giữ nhiều đối tượng tội phạm liên quan đến đường dây mua bán người xuyên quốc gia; đặc biệt, sau những chuyên án thành công, lực lượng chức năng tỉnh Điện Biên giải cứu được 48 nạn nhân, đưa trở về địa phương đoàn tụ với gia đình[2]. Theo số liệu báo cáo của Công an tỉnh Lai Châu, từ năm 2013 đến 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng CSHS công an tỉnh Lai Châu đã điều tra làm rõ 49 vụ, 90 đối tượng phạm tội, 86 nạn nhân bị mua bán, giải cứu và tiếp nhận hơn 60 nạn nhân trở về đoàn tụ cùng gia đình; trong năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ mua bán trẻ em dưới 14 tuổi, nạn nhân chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số[3]. Theo thống kê của Phòng CSHS Công an tỉnh Sơn La trong 5 năm (2016 – 2020), trên địa bàn tỉnh có 60 người là nạn nhân của tội phạm MBN, lực lượng công an đã bắt giữ trên 20 vụ, trên 30 đối tượng về hành vi MBN, hầu hết nạn nhân là các cô gái người dân tộc thiểu số, sinh sống ở các vùng cao hẻo lánh, nhận thức, hiểu biết pháp luật còn hạn chế[4]
Lực lượng CSHS công an các tỉnh Tây Bắc đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý khu vực biên giới; phối hợp với cơ quan chức năng của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa xác minh, giải cứu và tiếp nhận nạn nhân; lập đường dây nóng nhằm kịp thời điều tra, bắt giữ và chuyển giao đối tượng phạm tội; xây dựng các mô hình phòng ngừa hiệu quả về nạn mua bán người; các chuyên án về tội phạm MBN ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng được thực hiện thường xuyên. Ngoài đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống tận bản tuyên truyền, các đơn vị công an còn bố trí lực lượng trinh sát nằm vùng, theo dõi, bám nắm tình hình ở cơ sở để phát hiện, rà soát đối tượng tình nghi và đấu tranh, bóc gỡ với các loại tội phạm MBN.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho quần chúng nhân dân trên địa bàn cũng được lực lượng CSHS công an các tỉnh Tây Bắc chú trọng. Thông qua tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật làm chuyển biến nhận thức, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, đồng thời nêu cao tinh thần cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm MBN.Riêng tỉnh Điện Biên, trong 6 tháng đầu năm 2020, Công an tỉnh đã phối hợp với các lực lượng tổ chức tuyên truyền cho 180 người về tội phạm mua bán người; phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng và phát 312 tin, 70 bài về công tác phòng, chống tội phạm và các vụ án điển hình trên địa bàn[5]. Thông qua các buổi họp tổ dân phố, thôn, bản và trực tiếp tại cơ quan, trường học, lực lượng công an tỉnh đã tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm, mua bán người; đồng thời, tổ chức ký cam kết đảm bảo an ninh, trật tự tại hơn 1.440 khu dân cư; 129/129 xã, phường, thị trấn; 1.250 cơ quan, doanh nghiệp, trường học và trên 113.800 hộ gia đình[6]. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên đã góp phần làm cho tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Điện Biên giảm đáng kể trong 3 năm qua; trong 2 năm (2018 - 2019), toàn tỉnh phát hiện 10 vụ, bắt giữ 17 đối tượng (giảm 19 vụ so với năm 2016, 2017); 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh không ghi nhận vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người; các huyện biên giới như Nậm Pồ, Mường Nhé là những địa bàn có nhiều chuyển biến rõ rệt, trong đó huyện Mường Nhé từ năm 2019 đến 8/2020 chưa phát hiện vụ việc nào[7].
Bên cạnh đó, trong những năm qua, lực lượng CSHS công an các tỉnh Tây Bắc đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước ASEAN về phòng, chống MBN, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em (Công ước ACTIP), Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC) và Nghị định thư về ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm MBN; trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền phòng ngừa; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan đến phòng, chống MBN phù hợp thực tiễn và tương thích với luật pháp quốc tế. Lực lượng CSHS công an các tỉnh Tây Bắc đã ưu tiên tăng cường triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác song phương về phòng, chống MBN với Cảnh sát Trung Quốc; luân phiên tổ chức các hội nghị triển khai và tổng kết cao điểm phối hợp tấn công, trấn áp tội phạm MBN, đảm bảo cơ chế trao đổi thông tin kịp thời trong đấu tranh, triệt phá các chuyên án, vụ án MBN giữa hai nước; tổ chức hàng chục cuộc giao ban định kỳ, đột xuất, hàng trăm cuộc điện thoại đường dây nóng để trao đổi thông tin, tình hình tội phạm MBN và thực hiện giải cứu, trao trả nạn nhân cũng như kiểm soát xuất, nhập cảnh qua biên giới.
-Những hạn chế, bấp cập và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác thực hiện pháp luật phòng, chống tội phạm mua bán người của lực lượng cảnh sát hình sự công an các tỉnh Tây Bắcvẫn còn một số những hạn chế, bất cập sau đây:
Thứ nhất, còn tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm trong công tác điều tra tội phạm MBN. Thực tiễn công tác điều tra tội phạm MBN hiện nay cho thấy còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến việc xử lý oan cho người phạm tội hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội; việc chứng minh tội phạm nếu đối tượng phạm tội không thừa nhận còn gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều trường hợp, xác định được người phạm tội, xác định được chứng cứ chứng minh người phạm tội thực hiện hành vi MBN nhưng không xác định được người bị hại do người bị hại vẫn đang ở nước ngoài thường không có cách giải quyết hoặc không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Ngoài ra, nhiều vụ án còn tình trạng không thể xác định được giá trị của vụ lợi; việc tổ chức bắt giữ, xử lý thường kéo dài thời gian, tốn nhiều công sức và kinh phí.
- Thứ hai, còn nhiều hạn chế trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm MBN trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc có thời điểm, có nơi bị gián đoạn, không được thường xuyên. Ý thức phòng, chống tội phạm MBN của một bộ phận quần chúng nhân dân một số nơi còn hạn chế; chủ quan, sơ hở trong bảo vệ bản thân, tạo điều kiện cho các đối tượng hoạt động phạm tội.
- Thứ ba, công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân chưa được đầy đủ, kịp thời, có thời điểm chưa được quan tâm đúng mức. Còn tồn tại sự kỳ thị của xã hội cộng với sự thiếu thốn của các dịch vụ hỗ trợ xã hội khiến việc tiếp cận các nạn nhân để giúp họ hồi hương và tái hòa nhập chưa thực sự thuận lợi.
- Thứ tư, mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng có những thời điểm còn lỏng lẻo, mang tính sự vụ. Đặc biệt, nội dung hoạt động phối hợp còn rời rạc, chưa thống nhất, đồng bộ, cơ chế phối hợp chưa rõ ràng, chậm thay đổi so với thực tiễn.
- Thứ năm, công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Việc yêu cầu xác minh chưa kịp thời, tồn tại tình trạng đa số các yêu cầu tương trợ không có kết quả, việc giải cứu nạn nhân, truy bắt đối tượng lẩn trốn ra nước ngoài hiệu quả thấp.
Những hạn chế, bất cập nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
Một là, ảnh hưởng từ áp lực do gia tăng về mức độ, phức tạp về tính chất của tội phạm cũng như đặc thù điều kiện kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc. Trên địa bàn Tây Bắc những năm qua, tội phạm MBN có xu hướng gia tăng cả về mức độ và tính chất; điều này tạo áp lực rất lớn cho công tác phòng, chống tội phạm. Tội phạm bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân mà thời điểm hiện tại chưa thể triệt tiêu cũng như ngăn ngừa một cách đáng kể. Trong đó, chủ yếu là do những nguyên nhân về những đặc điểm đặc thù liên quan đến vị trí địa lý của vùng Tây Bắc, do tính siêu lợi nhuận thu được từ hoạt động MBN, bản thân hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa đồng bộ, việc lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện chính sách dân tộc còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân còn lạc hậu, kém hiểu biết về pháp luật cũng như luôn có tâm lý muốn thoát nghèo bằng mọi giá. Ngoài ra, sự phát triển của mạng xã hội khiến phương thức, thủ đoạn của tội phạm MBN diễn ra ngày càng tinh vi, xảo quyệt; và chênh lệch về kinh tế xã hội giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi khiến nạn nhân dễ dàng bị lợi dụng để trở thành nạn nhân của tội phạm MBN.
Hai là, lực lượng CSHS còn chưa kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản, Đề án của Đảng, Nhà nước về phòng, chống MBN. Hoạt động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao hiệu quả các biện pháp quản lý hành chính Nhà nước về ANTT chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Chưa thực sự tập trung trong công tác rà soát, nắm tình hình để có thể kịp thời khắc phục các sơ hở, điều kiện mà các đối tượng phạm tội MBN thường lợi dụng hoạt động.
Ba là, sự thiếu hiệu quả trong công tác phát hiện, xử lý do đặc thù của loại án MBN. Thực tiễn cho thấy, việc điều tra tội phạm MBN thường mang tính truy xét, rất ít trường hợp bị bắt quả tang. Do vậy, đối với các vụ án không thuộc trường hợp phạm tội quả tang thì chỉ khi người bị hại trốn được về địa phương và có đơn tố cáo thì đối tượng phạm tội mới bị phát hiện nên khi điều tra thì việc thu thập chứng cứ chỉ dựa vào lời khai của người bị hại cũng như lời khai nhận tội của đối tượng phạm tội. Việc xác định thiệt hại, giá trị vụ lợi cũng gặp nhiều khó khăn bởi việc mua bán được thỏa thuận thực hiện riêng giữa người mua và người bán; đặc biệt trong trường hợp người mua ở nước ngoài thì cơ quan điều tra chỉ có thể căn cứ vào lời khai của người phạm tội để xác định, việc chỉ dựa vào lời khai của người phạm tội có giá trị chứng minh thấp và không khách quan. Bên cạnh đó, thời điểm xảy ra tội phạm đến khi nạn nhân trở về tố giác thường là vài tháng đến vài năm, việc thu thập chứng cứ chỉ dựa vào lời khai của người bị hại và lời khai nhận của đối tượng. Một số trường hợp, nạn nhân còn mặc cảm, ngại giao tiếp, không muốn khai báo hoặc tố giác tội phạm hay nạn nhân trở về không có giấy tờ, không ở lại địa phương… Vì vậy, việc tổ chức bắt giữ, xử lý thường kéo dài thời gian, tốn nhiều công sức và kinh phí.
Bốn là, một số quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 (BLHS năm 2015) và các văn bản pháp luật có liên quan về tội phạm MBN còn bất cập, vướng mắc. Cụ thể, quy định của BLHS năm 2015 về cấu thành cơ bản của tội “MBN” hẹp hơn so với Nghị định thư Palermo[8]. Luật phòng, chống MBN năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, không theo kịp tình hình thực tế; ví dụ như hạn mức chi hỗ trợ khó khăn ban đầu cho nạn nhân còn thấp (01 triệu đồng/người), chưa đảm bảo cuộc sống khi về địa phương hòa nhập cộng đồng; chưa có quy trình chuẩn trong công tác xác minh, xác định và giải cứu nạn nhân để các ngành và địa phương thực hiện thống nhất; quy định hiện tại làm phát sinh tình trạng chồng chéo do có quá nhiều cơ quan, tổ chức quản lý nhà nước cùng được giao thực hiện chức năng liên quan đến phòng, chống tội phạm MBN; chưa có quy định rõ ràng về cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong triển khai nhiệm vụ… Thực trạng trên tất yếu làm giảm đáng kể hiệu quả áp dụng, gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan hữu quan.
Năm là, tổ chức bộ máy của lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm MBN tại các tỉnh Tây Bắc chưa đáp ứng được yêu cầu. Các phòng nghiệp vụ công an cấp tỉnh, chủ yếu là lồng, ghép với các đội nghiệp vụ để triển khai thực hiện các hoạt động phòng ngừa và điều tra khi có vụ án MBN xảy ra nên kết quả đấu tranh còn hạn chế. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ chiến sĩ trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống tội phạm MBN còn một số hạn chế nhất định, đặc biệt là trình độ pháp luật và ngoại ngữ dẫn tới hiệu quả công tác còn hạn chế. Cùng với đó, công tác đào tạo, rèn luyện cả về chuyên môn, thể chất lẫn tinh thần đối với lực lượng cảnh sát hình sự công an các tỉnh Tây Bắc có lúc, có nơi còn chưa kịp thời và thường xuyên.
Sáu là, trình độ nhận thức của người dân còn chưa cao, chưa đồng đều, sự thiếu hiệu quả của hoạt động thực thi chính sách xã hội cũng như của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Điều này khiến nhiều người, đặc biệt ở các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dễ bị lợi dụng trước những hứa hẹn của các đối tượng. Kinh tế vùng phát triển thấp, tình trạng du canh, du cư, di cư tự do, chặt phá rừng, hoạt động tôn giáo trái pháp luật có nơi, có lúc diễn biến phức tạp, tạo ra một số vụ việc nổi cộm. Văn hóa truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc đang bị mai một, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục; hệ thống chính trị cơ sở ở một số nơi còn yếu kém, đội ngũ cán bộ đạt chuẩn còn rất thấp; một số cán bộ là người dân tộc thiểu số chưa được đào tạo cơ bản. Tất cả các nguyên nhân cùng với việc chậm đổi mới cả về hình thức và nội dung tuyên truyền khiến công tác giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm MBN tại đại bàn các tỉnh Tây Bắc chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Bảy là, công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn do hậu quả của hành vi MBN để lại đã gây ra nỗi ám ảnh với các nạn nhân sau khi trở về, dẫn đến họ không còn đủ tự tin để tái hòa nhập với cộng đồng. Hơn thế nữa, tình trạng phân biệt, kỳ thị vẫn còn tồn tại trong người dân các tỉnh Tây Bắc. Cùng với đó, sự thiếu thốn của các dịch vụ hỗ trợ xã hội; các hoạt động hỗ trợ chưa được triển khai đồng bộ và chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, việc một nạn nhân có tiếp cận được với các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng hay không chủ yếu phụ thuộc vào việc người đó có được chính thức xác nhận là nạn nhân hay không, trong khi tiến trình xác minh, xác định nạn nhân không hề dễ dàng và vấp phải những vấn đề về kỳ thị và phân biệt đối xử.
Tám là, công tác phối hợp trong phòng, chống tội phạm MBN giữalực lượng công an và các đơn vị khác gặp nhiều khó khăn, cản trở do các đối tượng phạm tội MBN gây án trên diện rộng, gây án ở những tuyến, địa bàn khu vực nhất định,liên quan đến nhiều tỉnh, nhiều khâu và có tính xuyên biên giới. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc nâng cao mối quan hệ phối hợp trong phòng, chống tội phạm MBN khiến hiệu quả công tác phối hợp chưa thực sự cao.
Chín là, hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng, chống MBN còn chưa bảo đảm chất lượng; cơ sở vật chất và phương tiện làm việc còn nhiều khó khăn. Trong đó, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đối ngoại trong ngành Công an và các cơ quan, tổ chức nước ngoài, đặc biệt là các nước láng giềng trong việc nắm bắt các thông tin liên quan về đường dây mua bán có yếu tố nước ngoài, cũng như trong quá trình đấu tranh truy bắt, giải cứu nạn nhâ; chưa thực hiện được các hoạt động trao đổi, thiết lập mạng lưới liên lạc sĩ quan, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các nhiệm vụ quốc tế. Hoạt động tổng kết thực tiễn, hội thảo quốc tế, trao đổi kinh nghiệm nhằm học tập, nâng cao trình độ cho cán bộ, chiến sĩ, chưa thực sự được chú trọng. Cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc còn thiếu thốn, chưa đồng bộ và theo kịp yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
2. Giải pháp tăng cường thực hiện pháp luật phòng, chống tội phạm MBN của lực lượng cảnh sát hình sự công an các tỉnh Tây Bắc trong thời gian tới
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng tham mưu và thực hiện công tác quản lý nhà nước về phòng, chống MBN.
Qua thực tiễn công tác, các cơ quan công an tại các địa phương vùng Tây Bắc nói chung và lực lượng CSHS nói riêng cần kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản, Đề án của Đảng, Nhà nước về phòng, chống MBN như: Chỉ thị số 09/CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Chương trình hành động phòng, chống tội phạm MBN; Đề án “Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tội phạm MBN”; Đề án “Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống MBN”; Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống MBN”... Bên cạnh đó, lực lượng CSHS cần chủ động tiến hành các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao hiệu quả các biện pháp quản lý hành chính nhà nước về an ninh, trật tự như đăng ký tạm trú, tạm vắng, quản lý chặt chẽ các nhà hàng, khách sạn, quán trọ, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thường xuyên mở các đợt kiểm tra chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, giấy phép tham gia giao thông, các thủ tục xuất nhập cảnh... Cần tập trung rà soát, nắm tình hình những địa bàn trong điểm, phức tạp, kịp thời khắc phục các sơ hở, điều kiện mà các đối tượng phạm tội MBN thường lợi dụng hoạt động.
Thứ hai, tăng cường chất lượng khởi tố, điều tra tội phạm MBN trong hoạt động của lực lượng CSHS.
Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến dấu hiệu tội phạm MBN phải được tiếp nhận đầy đủ; kịp thời phân loại, thụ lý, khẩn trương kiểm tra, xác minh, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, nhất là phải đúng thẩm quyền, thời hạn quy định. Lực lượng CSHS công an các tỉnh Tây Bắc cần thường xuyên tổ chức tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm MBN. Thông thường, nguồn tin báo đầu tiên từ nạn nhân, từ thân nhân của họ, cho nên họ thường chỉ báo cho chính quyền nơi gần nhất như thôn, bản, xã… Để đảm bảo tin báo được tiếp nhận kịp thời, đầy đủ, cần tiếp nhận và xử lý tin báo tố giác ngay từ cơ sở, như vậy các vụ việc có dấu hiệu của tội phạm hình sự xảy ra ở tất cả các địa bàn và vào thời gian nào cũng được phát hiện ghi nhận. Các tin báo về tội phạm nói chung và tội MBN nói riêng phải được nhanh chóng chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để điều tra, giải quyết, khắc phục sự phân tán của thông tin. Bên cạnh đó, cần thực hiện kịp thời, đầy đủ những yêu cầu xác minh của Viện kiểm sát đưa ra để nguồn tin được giải quyết đúng thời hạn quy định, bảo đảm quá trình tiếp nhận, giải quyết phải kịp thời, khách quan, toàn diện, chính xác … Đồng thời, cần đảm bảo giữ bí mật nội dung tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người thân thích và của những người tham gia tố tụng khác khi bị đe dọa; kịp thời thông báo kết quả tiếp nhận, giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Lượng CSHS phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan, khẩn trương xác minh làm rõ căn cứ khởi tố vụ án hoặc không khởi tố vụ án để giải quyết vụ việc đúng thời hạn, có căn cứ, đúng pháp luật. Thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp với Viện kiểm sát và các cơ quan có liên quan trong quá trình thu thập thông tin, điều tra, xử lý tội phạm, bảo đảm không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.
Thứ ba, kịp thời kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật về MBN.
Lực lượng CSHS công an các tỉnh Tây Bắc cần đóng vai trò nòng cốt trong việc tham mưu, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về phòng, chống MBN, nhất là các văn bản liên quan đến các lĩnh vực xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi, kết hôn với người nước ngoài. Cần thường xuyên theo dõi, tổng kết việc thực hiện pháp luật về phòng, chống MBN; kịp thời ban hành các kiến nghị liên quan đến khắc phục những bất cập, chồng chéo của pháp luật về phòng, chống MBN với những văn bản pháp luật khác. Bên cạnh đó “cần tích cực nghiên cứu để hoàn thiện các kỹ năng liên quan đến triển khai các trình tự, thủ tục quan hệ phối hợp trong xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán”[9].
Thứ , nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác phòng, chống tội phạm MBN.
Cần tăng cường thực hiện bố trí sử dụng đúng cán bộ đã qua đào tạo, đúng chuyên môn nghiệp vụ, có năng lực kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, thường xuyên sàng lọc, chấn chỉnh tinh thần, trách nhiệm, nâng cao nghiệp vụ, chủ động điều chuyển cán bộ không tâm huyết, không có năng lực ra khỏi bộ phận phòng, chống MBN. Thực hiện tốt chủ trương của ngành Công an về tăng cường cán bộ đã qua đào tạo xuống cơ sở nắm tình hình tại địa bàn cấp thôn, xã đặc biệt là địa bàn chiến lược, vùng biên giới, địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ cán bộ, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ và pháp luật trong nước và quốc tế, chú trọng đến việc đào tạo ngôn ngữ dân tộc phù hợp với địa bàn công tác. Song song với đó, cần có biện pháp cụ thể triển khai nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng trong nắm tình hình, phát hiện, giải cứu và hồi hương nạn nhân, quy trình thực hiện chuyển tuyến, bảo hộ quyền hợp pháp của công dân tại quốc gia sở tại cho các cán bộ, chiến sĩ.
Thứ năm, tăng cường chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Lực lượng CSHS cần tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp để đưa Chương trình phòng, chống các tệ nạn xã hội và đặc biệt là phòng, chống MBN vào các trường học; tăng cường các hình thức giáo dục phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống MBN trong cộng đồng dân cư, tham gia và giữ vai trò nòng cốt trong phong trào phòng, chống tội phạm MBN tại địa phương. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt hoạt động ký cam kết của các gia đình về việc không để con em mình bị mua bán hay tham gia các tệ nạn xã hội; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền pháp luật, phổ biến các thủ đoạn của tội phạm MBN đến từng gia đình và toàn xã hội. Tích cực giáo dục cho người dân ý thức được hậu quả tác hại do tội phạm MBN gây ra, nâng cao cảnh giác trong quần chúng nhân dân, đề phòng và kịp thời phát hiện, tố giác hoạt động của tội phạm với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Phát huy tác dụng của hòm thư tố giác tội phạm, điểm đăng ký tạm trú, đảm bảo điều kiện cho Nhân dân thông tin qua đường dây nóng tham gia tố giác tội phạm nhanh nhất. Tích cực thực hiện các biện pháp tuyên truyền bằng việc gặp gỡ trực tiếp, nói chuyện với cộng đồng dân cư để gia đình, cộng đồng có thái độ bao dung, đồng cảm, tránh định kiến, miệt thị đối với nạn nhân và gia đình của họ. Nhân rộng các gương điển hình trong phong trào giúp đỡ nạn nhân của MBN tái hòa nhập cộng đồng cũng như gương điển hình của chính những nạn nhân xóa bỏ mặc cảm vươn lên trong cuộc sống.
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân của nạn mua bán người, trong đó trọng tâm là giảm sự kỳ thị của xã hội, huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước.
Nạn nhân của nạn MBN sau khi được trở về với gia đình và xã hội nếu được xã hội tôn trọng, đối xử hòa đồng thì họ sẽ có cơ hội được làm lại từ đầu, hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, hiện tại tình trạng kỳ thị của xã hội vẫn còn tồn tại khiến nạn nhân nảy sinh tâm lý e dè và không dám tái hòa nhập, gây khó khăn trong việc hòa nhập. Vì vậy, lực lượng công an các tỉnh Tây Bắc phải đi đầu trong việc thực hiện chính sách tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đối với việc phát triển môi trường mới cho nạn nhân; chú trọng tham mưu các chương trình chăm sóc sức khỏe, chương trình dạy nghề và định hướng nghề nghiệp cho các đối tượng này. Cần tham mưu cho các cấp chính quyền trong việc huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, kiến nghị xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống MBN theo hướng hoàn thiện thiện thủ tục thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân; tập trung định mức kinh tế kỹ thuật trong công tác hỗ trợ nạn nhân; tăng cường hỗ trợ y tế, tâm lý cho nạn nhân tại cộng đồng; không quy định thời hạn xác định nạn nhân; thẩm quyền trợ cấp khó khăn ban đầu, dạy nghề thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cấp tỉnh; quy định cụ thể dịch vụ hỗ trợ nạn nhân (của công lập và của các tổ chức quốc tế)…
Thứ bảy, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong phòng, chống MBN.
- Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong ngành Công an
+ Chủ động, tích cực phối hợp với lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để quản lý, giáo dục, răn đe, kiểm điểm đối tượng sưu tra, phát hiện những đối tượng hoạt động lưu động để có biện pháp xử lý phù hợp, nắm tình hình có liên quan đến hoạt động của đối tượng trên từng tuyến, địa bàn cụ thể. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các trung tâm trá hình về môi giới xuất khẩu lao động, du lịch, hôn nhân với người nước ngoài, nhất là những địa bàn có đông các đối tượng nước ngoài sinh sống; quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh có điều kiện như nhà nghỉ, quán trọ, khách sạn, quán Internet, massage, cắt tóc gội đầu thư giãn…
 + Phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự, cảnh sát trật tự trong tuần tra, kiểm soát để chủ động phát hiện, kiểm tra những đối tượng nghi vấn xuất hiện trên tuyến, địa bàn; từ đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm. Chủ động lên danh sách, vẽ sơ đồ, đánh dấu các tụ điểm phức tạp, truy quét, trấn áp hạn chế và xóa bỏ những nguyên nhân điều kiện, không để cho các đối tượng có điều kiện phạm tội.
+ Phối hợp với cơ quan quản lý hồ sơ nghiệp vụ để xác lập các loại hồ sơ, khai thác, trao đổi, nắm bắt các thông tin; phối hợp với lực lượng quản lý xuất nhập cảnh để phát hiện, ngăn chặn những người có biểu hiện đưa người di cư bất hợp pháp, các đối tượng có tiền án, tiền sự về MBN, những người có hành vi môi giới hôn nhân bất hợp pháp, những công ty xuất khẩu lao động trá hình…
- Đối với các lực lượng ngoài ngành Công an
+ Tăng cường phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong trao đổi thông tin, phối hợp điều tra xác minh những đối tượng đưa người vượt biên trái phép hoặc cần có sự phối hợp trong đấu tranh chuyên án MBN. Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình hoạt động tội phạm MBN và các đối tượng khác có liên quan. Chủ động phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với những đối tượng chủ mưu cầm đầu, các đường dây tội phạm MBN; triển khai hiệu quả cao điểm tấn công trấn áp tội phạm MBN trong địa bàn, trọng tâm là hiệp đồng với các cơ quan chức năng của các nước láng giêng để kịp thời trao đổi thông tin, điều tra, triệt phá các đường dây tội phạm MBN, lừa đảo hôn nhân xuyên quốc gia, kịp thời giải cứu nạn nhân bị mua bán. Mỗi lực lượng với chức năng, nhiệm vụ với thế mạnh riêng có về bố trí, sử dụng lực lượng và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ trong tiếp nhận tin báo, xác minh nguồn tin, thu thập thông tin, tài liệu để đấu tranh với tội phạm MBN.
+ Chủ động, kịp thời phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án MBN, bảo đảm không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; lựa chọn vụ án điểm nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật, đấu tranh phòng ngừa chung trong Nhân dân và răn đe tội phạm.
+ Phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xác minh, tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về; triển khai có hiệu quả Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (số máy 111); đáp ứng cơ chế chuyển tuyến và thực hiện quy trình hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng. Tăng cường hợp tác quốc tế, thực hiện đầy đủ, hiệu quả cam kết của Chính phủ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong phòng, chống MBN…
Thứ tám, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó tập trung tăng cường thực hiện các thỏa thuận quốc tế về phòng, chống MBN.
Công an các tỉnh Tây Bắc cần phối hợp chặt chẽ với Cục đối ngoại – Bộ Công an xác minh, tra cứu thông tin đối tượng có liên quan về đường dây mua bán người có yếu tố nước ngoài, cũng như trong quá trình đấu tranh truy bắt, giải cứu nạn nhân. Bên cạnh đó cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao am hiểu pháp luật, đặc biệt là pháp luật quốc tế, hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế, tinh thông nghiệp vụ, sử dụng thành thạo ngoại ngữ nhằm thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế phòng, chống MBN. Thiết lập mạng lưới sĩ quan liên lạc tại các nước láng giềng để tăng cường và chủ động trong hợp tác quốc tế, chủ động tháo gỡ các vướng mắc nảy sinh. Cần duy trì đường dây nóng và tăng cường quan hệ bình đẳng giữa lực lượng chức năng Việt Nam với lực lượng chức năng ở bên kia biên giới, tăng cường trao đổi thông tin, họp định kỳ nhằm chủ động tháo gỡ vướng mắc trong hợp tác. Thiết lập các chuyên án lớn, liên hoàn nhằm trừng trị tận gốc hành vi này. Cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Cảnh sát các nước, nhất là các nước láng giềng, các tổ chức quốc tế như Interpol, Aseanpol… nhằm tận dụng tối đa nguồn lực cùng sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế kịp thời nắm bắt thông tin tội phạm, xu hướng cách thức phạm tội mới.
Thứ chín, cần tiếp tục bổ sung, đầu tư kinh phí cho công tác phòng ngừa tội phạm MBN đảm bảo đạt hiệu quả.
Trong đó, Công an các tỉnh Tây Bắc cần đầu tư mua sắm trang bị, phương tiện kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, để hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ trong phòng, chống tội phạm MBN, nhất là đối với các lực lượng đang hoạt động trên những địa bàn phức tạp, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... Trong đó, trước mắt cần trang bị đầy đủ phương tiện liên lạc, đảm bảo thông tin thông suốt từ trinh sát viên đến chỉ huy lực lượng trực tiếp tham gia phòng ngừa tội phạm MBN. Trang bị đầy đủ các phương tiện giao thông, phương tiện quan sát không dây đảm bảo cho việc chủ động, nhanh chóng tiếp cận mục tiêu đấu tranh. Trang bị đầy đủ vũ khí, công cụ hỗ trợ, súng, đạn khi tiến hành bắt những đối tượng nguy hiểm, các băng nhóm lớn, đối tượng hoạt động chuyên nghiệp. Ngoài ra, lực lượng CSHS công an các tỉnh Tây Bắc cần chủ động trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện chế độ báo cáo thống kê, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm MBN và làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tội phạm MBN trong nội bộ./.
 

 


[1] Xem T. Lan “Tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống mua bán người”, https://dangcongsan.vn/quoc-phong-an-ninh/tiep-tuc-tang-cuong-cac-bien-phap-phong-chong-mua-ban-nguoi-566863.html.
[2] Thu Trang (2020), “Âm thầm cuộc chiến phòng, chống mua bán người”, http://congan.dienbien.gov.vn/news/CADB/Am-tham-cuoc-chien-phong-chong-mua-ban-nguoi-17598/.
[3] Hoài Dương (2020), “Lai Châu: Gia tăng nạn mua bán người qua biên giới”, https://baodantoc.vn/lai-chau-gia-tang-nan-mua-ban-nguoi-qua-bien-gioi-1578452012828.htm.
[4] Đức Cường (2020), “Nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở trong công tác hỗ trợ nạn nhân mua bán người”, http://pctnxh.molisa.gov.vn. 
[5] Công an tỉnh Điện Biên, Báo cáo sơ kết công tác 06 tháng đầu năm 2020.
[6] Công an tỉnh Điện Biên, Báo cáo sơ kết công tác 06 tháng đầu năm 2020.
[7] Theo Báo Dân tộc (2020), “Điện Biên: Tăng cường phòng chống tội phạm mua bán người”, https://baodantoc.vn/dien-bien-tang-cuong-phong-chong-toi-pham-mua-ban-nguoi-1596595792803.htm.
[8] Nghị định thư xác định các biểu hiện của thủ đoạn phạm tội phong phú hơn BLHS năm 2015, bao gồm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ tổn thương, đưa hoặc nhận tiền hay lợi ích khác cho một người để kiểm soát được nạn nhân. Đặc biệt, so với BLHS năm 2015 của Việt Nam, Nghị định thư coi cả sự đồng thuận của nạn nhân cũng là hành vi phạm tội.
[9] Xem thêm Đỗ Thị Lý Quỳnh (2020), Cơ chế pháp lý phòng, chống mua bán người ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ luật học, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tr.145.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 12 (436), tháng 6/2021.)