Hoàn thiện các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu

18/06/2021

THS. HUỲNH VĂN TRUNG

Trường Đại học Trà Vinh.

Tóm tắt:Xử phạt vi phạm hành chính được xem là một giải pháp hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính. Tuy nhiên, quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu vẫn còn tồn tại bất cập, gây khó khăn cho công tác xử phạt trong thực tiễn. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích một số bất cập trong các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu và đề xuất giải pháp hoàn thiện.
Từ khóa: Xử phạt vi phạm hành chính, hàng cấm, thuốc lá điếu nhập lậu.
Abstract:Administrative sanction is seen as a viable solution for the prevention of the fights against administrative violations. However, the legal provisions for handling administrative violations for trading contraband cigarettes still exist shortcomings, which have caused difficulties for the administrative sanction in practice. This article provides an analysis of certain shortcomings of legal regulations on handling administrative violations for trading contraband cigarettes and also provides recommendations for their further improvements.
Keywords: Sanctioning of an administrative violation, prohibited goods, contraband cigarettes
NHẬP-LẬU-THUỐC-LÁ.jpg
 Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Thực trạng buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu ở nước ta hiện nay
Sản xuất, kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quản lý chặt chẽ theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012. Trong nhiều năm qua, sản xuất và kinh doanh thuốc lá đã có nhiều đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng triệu người lao động. Trong khi sản xuất và kinh doanh thuốc lá trong nước được quản lý chặt chẽ theo pháp luật thì nhiều năm qua, việc nhập lậu và buôn bán thuốc lá lậu vẫn là một vấn nạn chưa được giải quyết triệt để.
Nhập lậu và buôn bán thuốc lá lậu đang thu siêu lợi nhuận, chỉ sau buôn ma túy. Thuốc lá lậu do trốn được tất cả các loại thuế (thuế tiêu thụ đặc biệt 70%; đóng góp Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá 1,5%; thuế giá trị gia tăng 10% và thuế nhập khẩu 135%) nên được bán rẻ hơn nhiều so với thuốc lá sản xuất trong nước (cùng chủng loại)[1].
Hiện nay, tình trạng nhập lậu và buôn bán thuốc lá lậu vẫn diễn biến phức tạp, gây hậu quả lớn cho kinh tế, xã hội, dẫn đến tình trạng thất thu thuế. Thủ đoạn buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi. Các đối tượng tập trung hàng tại các kho bên phía nước láng giềng, giáp biên giới Việt Nam (Campuchia, Trung Quốc), sau đó tìm cơ hội vận chuyển vào Việt Nam từ đường bộ, đường thủy bằng các phương tiện chuyên dùng, tốc độ cao như xe máy “siêu độ”, xuồng máy cao tốc. Thời gian qua, các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng công an, bộ đội biên phòng, hải quan, quản lý thị trường… đã có nhiều cố gắng trong công tác ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu. Những cố gắng đó đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình nhập lậu và buôn bán thuốc lá lậu vẫn tồn tại dai dẳng. Theo thống kê của Quản lý thị trường, từ năm 2012 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 34.636 vụ, khởi tố 369 vụ/ 488 bị can. Số thuốc lá tang vật bị bắt giữ hơn 20 triệu bao. Mặc dù vậy, kết quả này vẫn còn nhiều hạn chế và vẫn chỉ như “muối bỏ bể” so với tình hình thực tế[2].
Từ năm 2019, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nội địa tăng lên 75%, từ đó dẫn đến tình trạng giá thành của thuốc lá sản xuất trong nước ngày càng cao. Tình trạng nhập lậu và buôn bán thuốc lá lậu càng “nổ rộ” như “nấm sau cơn mưa”. Tại các tỉnh giáp biên giới và thành phố lớn như: Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... tình trạng nhập lậu và buôn bán thuốc lá lậu vô cùng phổ biến, thách thức pháp luật. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa tốt; buôn lậu thuốc lá đem lại “lợi nhuận” lớn so với các mặt hàng khác; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chưa chặt chẽ; các chế tài xử lý chưa mang tính răn đe; công tác thông tin, tuyên truyền chưa tạo được sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân[3].
Để đấu tranh với hành vi buôn lậu, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trên thực tế, mặc dù được kiểm soát nhưng tình hình buôn lậu thuốc lá điếu nhập lậu vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Tổng cục quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương, trong giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 11/2020, trên cả nước đã phát hiện 26.370 vụ buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu; năm 2015 cả nước có 7.292 vụ vi phạm, năm 2016 có 6.119 vụ, năm 2017 có 5.655 vụ, năm 2018 có 3.361 vụ, năm 2019 có 1.782 vụ, đến tháng 11/2020 có 2.161 vụ[4].
Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, trong những năm qua, tình hình vi phạm hành chính về buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu vẫn còn diễn biến khó lường, tuy có giảm về số lượng các vụ vi phạm nhưng phương thức vi phạm rất đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau. Qua thống kê của Cục Quản lý thị trường tỉnh Trà Vinh, số vụ vi phạm liên quan đến mua bán thuốc lá điếu nhập lậu đã bị phát hiện từ năm 2015 đến tháng 11/2020 là 1.492 vụ vi phạm; trong năm 2015 là 525 vụ vi phạm, năm 2016 có 410 vụ, năm 2017 có 328 vụ, năm 2018 có 121 vụ, năm 2019 có 41 vụ, đến tháng 11/2020 có 67 vụ[5].
Ngày 26/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (Nghị định số 98) để quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. So với trước đây, Nghị định này đã quy định rõ ràng và cụ thể hơn về các VPHC trong lĩnh vực thương mại, trong đó có hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực nêu trên, quy định về xử phạt đối với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu vẫn còn tồn tại một số bất cập cần hoàn thiện để nâng cao hiệu quả xử phạt đối với hành vi này trong tương lai.
2. Một số bất cập về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu
Thứ nhất, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP chưa xác định rõ ranh giới giữa xử phạt VPHC và xử lý hình sự đối với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ từ 1.500 bao trở lên.
Theo quy định của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Hành vi này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu số lượng thuốc lá điếu nhập lậu bị phát hiện, tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy tang vật là thuốc lá điếu nhập lậu gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu[6].
Trong khi đó, Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 (BLHS năm 2015) cũng quy định về tội buôn bán hàng cấm. Đối với trường hợp buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Đối với trường hợp buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Đối với trường hợp buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm. Bên cạnh hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trong trường hợp chủ thể buôn bán hàng cấm là pháp nhân thương mại thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng nếu buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao; phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng nếu buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao; phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm nếu buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên.
Như vậy, đối với trường hợp cá nhân, pháp nhân thương mại buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên sẽ đối mặt với hai trường hợp: một là, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng cấm theo quy định của BLHS năm 2015; hai là, bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định rõ trường hợp nào cá nhân, pháp nhân thương mại có hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên mà “không bị truy cứu trách nhiệm hình sự” để người có thẩm quyền tiến hành xử phạt VPHC theo quy định tại Nghị định số 98.
Thứ hai, pháp luật hiện hành thiếu quy định cụ thể về các trường hợp thuốc lá điếu nhập lậu bị tịch thu, trường hợp nào buộc tiêu hủy tang vật.
Trước đây, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP (Nghị định số 185) quy định thuốc lá điếu nhập lậu là tang vật của hành vi buôn bán hàng cấm sẽ bị tịch thu. Tuy nhiên, quá trình thi hành Nghị định này, các cơ quan chức năng nhận thấy có những trường hợp thuốc lá điếu nhập lậu chỉ vi phạm các quy định để được phép lưu hành ở Việt Nam (như không có cảnh báo sức khỏe, không có ngày sản xuất và hạn sử dụng, không có nguồn gốc xuất xứ…), còn chất lượng thì vẫn được bảo đảm nên có thể khai thác ở góc độ kinh tế. Vì vậy, ngày 26/4/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg quy định việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không bảo đảm chất lượng và thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu bảo đảm chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài. Theo quy định của văn bản này, các loại thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không bảo đảm chất lượng sẽ bị tiêu hủy. Còn thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu bảo đảm chất lượng sẽ thí điểm bán đấu giá để xuất khẩu ra nước ngoài. Việc xác định thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không bảo đảm chất lượng, thuốc lá bảo đảm chất lượng do cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu phối hợp với cơ quan chuyên môn về đánh giá chất lượng thực hiện. Cơ chế huy động, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Quyết định này chỉ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2018 và có hiệu lực đến hết ngày 15/6/2020.
Trong khi đó, Nghị định số 98 chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 15/10/2020. Như vậy, vào ngày Nghị định số 98 có hiệu lực thi hành thì Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg đã chấm dứt hiệu lực thi hành nên không được áp dụng để xử lý các vấn đề liên quan đến thuốc lá điếu nhập lậu. Mặc dù điểm a khoản 11 và điểm a khoản 12 Điều 8 Nghị định số 98 quy định, đối với thuốc lá điếu nhập lậu mà không gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường thì sẽ bị người có thẩm quyền xử phạt tịch thu; ngược lại, đối với thuốc lá điếu nhập lậu mà gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường thì người có thẩm quyền xử phạt sẽ không tịch thu mà buộc tiêu hủy. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể khi nào thuốc lá điếu nhập lậu bị coi là gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường để người có thẩm quyền xử phạt lựa chọn tịch thu hay buộc tiêu hủy nên người có thẩm quyền không có cơ sở để xác định. Để có thể xác định khả năng và mức độ gây hại của thuốc lá điếu nhập lậu là điều không đơn giản, bản thân người có thẩm quyền xử phạt không đủ trình độ chuyên môn để có thể đánh giá mà cần phải có một quy trình cụ thể với sự tham gia của các cơ quan có chuyên môn về thẩm định mới có thể đưa ra kết luận cụ thể.
Thứ ba, chưa có sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về chủ thể bị xử phạt VPHC đối với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu.
Khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020 (Luật Xử lý VPHC) quy định: xử phạt VPHClà việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi VPHCtheo quy định của pháp luật về xử phạt VPHC. Như vậy, theo quy định của Luật Xử lý VPHC,đối tượng bị xử phạt VPHC chỉ có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Trong đó, “tổ chức” được xác định là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật[7].
Tuy nhiên, theo Nghị định số 185 trước đây và Nghị định số 98 mới có hiệu lực thi hành thì đối tượng bị xử phạt VPHC đối với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu không chỉ là cá nhân hoặc tổ chức mà còn bao gồm các chủ thể khác. Cụ thể, khoản 2 Điều 2 Nghị định số 185 và khoản 2 Điều 2 Nghị định số 98 quy định, hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối cũng là chủ thể bị xử phạt VPHC khi thực hiện hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu. Điều khoản này quy định rõ khi thực hiện VPHC trong lĩnh vực thương mại nói chung và buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu nói riêng thì hộ kinh doanh, hộ gia đình sẽ bị xử phạt tương tự như cá nhân. Việc Nghị định số 185 và Nghị định số 98 quy định bổ sung thêm chủ thể bị xử phạt là hộ kinh doanh, hộ gia đình là mâu thuẫn với Luật Xử lý VPHC. Điều này gây ra khó khăn cho việc áp dụng pháp luật khi xử phạt VPHC đối với chủ thể có hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu.
3. Kiến nghị
Để khắc phục bất cập trong quy định của Nghị định số 98 về xử phạt VPHC đối với hành buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, chúng tôi cho rằng:
Một là, sửa đổi Nghị định số 98 theo hướng quy định rõ trường hợp nào cá nhân, tổ chức có hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên mà “không bị truy cứu trách nhiệm hình sự” để từ đó người có thẩm quyền căn cứ thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trên thực tế.
Hai là, cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xác định mức độ gây thiệt hại của thuốc lá điếu nhập lậu được sử dụng để buôn bán làm cơ sở cho việc ra quyết định tịch thu hoặc tiêu hủy.
Ba là, sửa đổi Luật Xử lý VPHC theo hướng chuẩn hóa quy định về đối tượng bị xử phạt VPHC. Theo đó, Luật Xử lý VPHC quy định cụ thể những chủ thể nào là cá nhân, chủ thể nào là tổ chức nhằm tạo cơ sở xác định thống nhất cho các cơ quan trực tiếp áp dụng và xử phạt vi phạm hành chính. Trên cơ sở Luật Xử lý VPHC, sửa đổi Nghị định số 98 nhằm bảo đảm tính thống nhất của các quy định liên quan đến đối tượng bị xử phạt./.

 


[1] Đào Thế Sơn - Nguyễn Thế Hoàng - Nguyễn Ngọc Anh, “Thuế Tiêu thụ đặc biệt và thuốc lá lậu”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 24, năm 2018.
[2] Đàm Viết Nghị, “Giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua biên giới”, Tạp chí Tài chính, số 670, năm 2017.
[3] Kidong Park, “Buôn lậu thuốc lá ở Việt Nam: Nguyên nhân và giải pháp hiệu quả”, https://www.who.int/vietnam/vi/news/commentaries/detail/who-suggests-solutions-to-cigarette-smuggling-in-vietnam, truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2020.
[4] Tổng cục quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương, Báo cáo số 114/BC-TCQLTT ngày 21/12/2020 về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng lậu, hàng giả năm 2020.
[5] Cục Quản lý thị trường tỉnh Trà Vinh, Báo cáo số 221/BC-CQLTT ngày 23/6/2020 về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2020.
[6] Khoản 8, khoản 11, khoản 12 Điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP.
[7] Khoản 10 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 05 (429), tháng 3/2021.)


Ý kiến bạn đọc