Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn tại Việt Nam

24/08/2021

THS. PHẠM CÔNG TÙNG

Khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân.

Tóm tắt: Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia là xu thế chung của thế giới, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích vai trò, các yêu cầu đặt ra trong quá trình xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam.
Từ khóa: Cơ sở dữ liệu quốc gia; người có chức vụ, quyền hạn; kiểm soát tài sản, thu nhập.
Abstract: Development and management of the national database is a common trend followed by several countries in the world, which is an important political task of each country, including Vietnam. In the scope of this article, the author focuses on analyzing the role, requirements set out in the process of development and management of a national database on the aspect of controlling of assets, incomes of persons in high positions, powers and also provides a number of recommendations to improve state management capacity on anti-corruption in Vietnam.
Keywords: National database; persons with high position and power; controlling of assets, incomes.
 Kiểm-soát-tài-sản.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Vai trò của việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn
Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được xây dựng và quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về hệ thống báo cáo công tác thanh tra khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được phân theo hệ quản trị, hệ nghiệp vụ. Thanh tra Chính phủ chủ trì hoạt động này và phối hợp với các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khác để triển khai xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu, thông qua đó làm đầu mối giúp Chính phủ nắm bắt kịp thời tình hình công tác phòng, chống tham nhũng trong cả nước, để ra các chủ trương, giải pháp cụ thể.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm thông tin về bản kê khai, kết luận xác minh tài sản, thu nhập và các dữ liệu khác có liên quan đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018[1].  
Cơ sở pháp lý để thực hiện sáng kiến này thể hiện cụ thể trong các văn bản như Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Luật An ninh mạng năm 2018; Luật Công nghệ thông tin năm 2017; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 15/4/2015 của Chính phủ về Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36- NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg ngày 22/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương…
Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là một trong các hoạt động đặc trưng, công cụ gián tiếp, kênh lưu trữ dữ liệu của hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập nói chung. Hoạt động này nhằm giải quyết mối quan hệ giữa quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam, giúp kiềm chế và kiểm soát tham nhũng; tạo cơ sở, điều kiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng; cụ thể là:
Thứ nhất, tăng cường sự kiểm soát, giám sát đối với người có chức vụ, quyền hạn khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
Bản chất của tham nhũng gắn liền với sự lạm dụng quyền lực nhà nước, là sự tha hóa của người có chức vụ, quyền hạn trong cả khu vực công và tư. Bất cứ chiến lược, cách thức, biện pháp phòng, chống tham nhũng nào cũng phải nhằm mục đích kiềm chế, ngăn chặn có hiệu quả sự lạm dụng quyền lực công. Nếu chúng ta kiểm soát tốt thì sẽ phục vụ tốt cho công việc quản lý, nó là phương tiện, công cụ để tổ chức, quản lý xã hội. Ngược lại, nếu chúng ta không kiểm soát tốt nó sẽ bị lạm dụng để thu lợi cá nhân. Có nhiều cách thức để kiểm soát, giám sát quyền lực công như: hoàn thiện chế độ công vụ; xây dựng quy tắc ứng xử, quy tắc làm việc; quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, quy định về các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán dưới góc độ truyền thống… Trong đó, việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn có một số ưu điểm vượt trội hơn như: tính công khai, minh bạch, chính xác về thông tin khi được cập nhật, chuẩn hóa bằng dữ liệu điện tử; tính lưu trữ ổn định, an toàn của dữ liệu thông tin điện tử; tiết kiệm về chi phí và thời gian trong quá trình khai thác thông tin phục vụ cho hoạt động quản lý cán bộ, quản lý nhà nước nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng.
Thứ hai, đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia chung trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là một trong các dữ liệu đầu vào cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia nói chung, phục vụ cho xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Các cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước đều có mối quan hệ liên kết, thống nhất với nhau, có thể tham chiếu lẫn nhau và tạo sự nhất quán và đồng bộ trong toàn hệ thống các cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia xác định phạm vi dựa trên dữ liệu và mục đích chứ không chỉ dựa trên tên của lĩnh vực, nó giúp phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước, hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định trên cơ sở thông tin, dữ liệu số được hiển thị trực quan; cho phép theo dõi, giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội được Quốc hội giao, các chỉ tiêu Chính phủ giao bộ, ngành, địa phương. Như vậy, cơ sở dữ liệu quốc gia góp phần bảo đảm: tái cấu trúc quy trình; (ii) thực hiện chính sách “một cửa”;  (iii) chia sẻ và tiêu chuẩn hóa dữ liệu; kiểm soát lường trước;  (vi) đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan.
Thứ ba, tăng cường tính liêm chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình.
Tham nhũng là “hậu quả của sự thiếu hụt ba yếu tố gồm trách nhiệm giải trình, sự liêm chính và tính minh bạch trong bối cảnh sự chuyên quyền, độc đoán và tùy ý hành động do thiếu sự kiểm soát của các cơ quan và công chức nhà nước”[2]. Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng[3] của Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 4 đã chỉ ra rằng: “Tình trạng lạm dụng bảo mật thông tin, thiếu công khai, minh bạch với nhân dân và trong nội bộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Trong một số cơ quan, đơn vị, các quy định về dân chủ, giám sát chưa được quan tâm đúng mức, có nơi thậm chí cản trở, vô hiệu hóa, dẫn đến tình trạng vi phạm kéo dài, sai phạm nghiêm trọng nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý”. Để khắc phục tình trạng này, cần phải xây dựng, phát triển các công cụ trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm tính công khai, minh bạch, phân quyền, kiểm soát lẫn nhau, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Trong hệ thống các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thì giáo dục liêm chính là biện pháp phòng ngừa mang tính nền tảng tạo nên hiệu quả lâu dài và bền vững nhất. Việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn sẽ giúp mỗi con người tự phòng ngừa từ bên trong, ngăn chặn việc nảy sinh hành vi tham nhũng.
Vấn đề công khai, minh bạch thông tin đã trở thành nguyên tắc chung trong tổ chức và hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị, trừ những nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh và nội dung khác theo quy định của pháp luật[4]. Tuy nhiên, nội dung xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn tại Việt Nam thì hình thức, phạm vi công khai bị giới hạn bởi chủ thể có thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập[5] và chủ thể có thẩm quyền tiếp cận, khai thác trực tiếp[6].
Trách nhiệm giải trình được đặt ra trong trường hợp chủ thể thực hiện công vụ, nhiệm vụ được giao phải giải trình về quyết định, hành vi của mình khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó[7]. Ứng dụng công nghệ trong triển khai nội dung này sẽ tăng cường trách nhiệm giải trình không chỉ riêng cá nhân người có chức vụ, quyền hạn trong kê khai tài sản, thu nhập mà còn thúc đẩy các cơ quan, các địa phương có trách nhiệm giải trình về các vấn đề khác liên quan đến kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý khi để xảy ra các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Thứ tư, phục vụ có hiệu quả cho hoạt động phát hiện, xử lý tham nhũng của chủ thể có thẩm quyền.
Các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và các cơ quan chuyên trách trong phòng, chống tham nhũng khác thông qua việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn sẽ dễ dàng truy suất nguồn gốc, thu thập chứng cứ liên quan; kiểm tra, đánh giá các diện đối tượng có nguy cơ cao tham nhũng, có dấu hiệu xung đột lợi ích; xác định tính hợp pháp từ tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; theo dõi biến động về tài sản, thu nhập tăng thêm của người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ nhằm phát hiện, ngăn chặn việc người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi tham nhũng. Đây là công cụ pháp lý để phát hiện đúng, có cơ sở, tìm ra chứng cứ khách quan, thuyết phục và được đảm bảo bằng sức mạnh cưỡng chế, kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tham nhũng.
Việc thực hiện có hiệu quả công cụ số này tạo điều kiện thuận lợi để xem xét, đánh giá, đo lường các chỉ số trong công tác phòng, chống tham nhũng mà các chủ thể tiến hành trên phạm vi cả nước. Điều này giúp cho cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện các sơ hở, thiếu sót trong cơ chế quản lý, chính sách pháp luật nhanh hơn, khoa học, khách quan hơn.
2. Các yêu cầu đảm bảo việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn tại Việt Nam
Thứ nhất, yêu cầu về pháp luật:
Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn tại Việt Nam phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo mật thông tin; quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến dữ liệu; quyền riêng tư của tổ chức, cá nhân; tuân thủ các quy định, hướng dẫn kỹ thuật về trao đổi dữ liệu, về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước và các nguyên tắc được quy định; tránh xung đột pháp luật giữa các văn bản pháp luật quy định trực tiếp về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng, biện pháp sử dụng trong công tác phòng, chống tham nhũng với các văn bản pháp luật trong việc tạo lập, quản lý và sử dụng dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn[8]
Giá trị pháp lý của dữ liệu được chia sẻ trong thông điệp dữ liệu được xác định theo giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu quy định tại Mục 1 Chương II Luật Giao dịch điện tử và quy định của pháp luật có liên quan[9].
Thứ hai, yêu cầu về mặt xây dựng:
Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập có thể được xây dựng theo mô hình thứ tự ưu tiên là kết nối qua hệ thống trung gian hoặc kết nối trực tiếp giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khi các hệ thống trung gian chưa sẵn sàng hoặc cơ quan chủ quản các hệ thống trung gian xác định hệ thống trung gian không đáp ứng được yêu cầu về kết nối, chia sẻ dữ liệu[10].
Tạo lập thông tin dữ liệu phải sử dụng thống nhất các bảng mã danh mục dùng chung, thống nhất với dữ liệu chủ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành[11]; mô tả mục đích, phạm vi, nội dung của từng cơ sở dữ liệu; cơ chế thu thập, cập nhật, nguồn dữ liệu được thu thập của từng cơ sở dữ liệu; liệt kê các hạng mục dữ liệu được chia sẻ theo hình thức chia sẻ dữ liệu mặc định, dữ liệu được chia sẻ theo hình thức chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu đặc thù của từng cơ sở dữ liệu tương ứng với từng đối tượng khai thác, sử dụng; phải được cập nhật theo nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của từng giai đoạn phát triển Chính phủ điện tử hoặc khi có đề nghị của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; dữ liệu đảm bảo giá trị pháp lý tương đương các văn bản giấy chứa thông tin được cơ quan có thẩm quyền cung cấp; phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam[12].
Công cụ quản lý số được xây dựng phải có các chức năng cơ bản như quản lý tập trung cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; hỗ trợ các cơ quan cung cấp dữ liệu khai báo, cập nhật thông tin; hỗ trợ cơ quan nhà nước tìm kiếm, tiếp cận và khai thác; hỗ trợ tiếp nhận yêu cầu kết nối, khai thác. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động này cần đảm bảo các yêu cầu về tính liên thông; tính đồng bộ về dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương.
Thứ ba, yêu cầu về quản lý:
Quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập phải đảm bảo phân cấp quản lý theo trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước; lịch sử khai thác, sử dụng dữ liệu như thời điểm, hình thức yêu cầu dữ liệu, cung cấp dữ liệu; định danh cơ quan yêu cầu khai thác dữ liệu; nội dung yêu cầu; trạng thái đáp ứng yêu cầu; nội dung dữ liệu đã chia sẻ (nếu cần thiết); các thông tin cần thiết khác làm cơ sở đối chiếu giải quyết các vướng mắc khi sử dụng dữ liệu; thời gian lưu trữ phải được lưu trữ trên hệ thống làm căn cứ đối chiếu, giải quyết các vấn đề về việc sử dụng dữ liệu sau khi khai thác [13].
Cơ quan cung cấp có quyền chấm dứt việc kết nối, chia sẻ dữ liệu qua môi trường mạng cho cơ quan khai thác dữ liệu khi mục đích đăng ký sử dụng không phù hợp; yêu cầu đăng ký khai thác không đúng theo quy định của pháp luật; việc kết nối không thể khôi phục do sự cố hoặc do điều kiện khách quan mà cơ quan cung cấp dữ liệu không thể tiếp tục duy trì các dịch vụ chia sẻ dữ liệu; kết nối, chia sẻ có khả năng mất an toàn, an ninh[14]
Việc chia sẻ dữ liệu được lựa chọn thực hiện qua hai hình thức là chia sẻ dữ liệu mặc định và chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu đặc thù đáp ứng tất cả các trường hợp chia sẻ dữ liệu thực tế. Chủ thể có yêu cầu khai thác, sử dụng dữ liệu phải sử dụng tài khoản kết nối với hình thức định danh và xác thực phù hợp cho cơ quan, tổ chức có nhu cầu kết nối theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp chia sẻ dữ liệu không yêu cầu xác thực cơ quan khai thác dữ liệu (đã thể hiện trong quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu chia sẻ đã ban hành). Ngoài ra, phải chỉ định và công khai thông tin về đầu mối phụ trách kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập ở các cấp quản lý[15].
Thứ tư, yêu cầu khác:
Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn phải tận dụng được nguồn nhân lực có chất lượng tại chỗ đang thực hiện quản lý, vận hành các hệ thống thông tin và các nguồn khác theo quy định của pháp luật. Kinh phí bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu phải được dự toán trong kinh phí quản lý, vận hành và duy trì các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và được cân đối từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước hàng năm theo phân cấp ngân sách (kinh phí thực hiện nhiệm vụ không thường xuyên, không thực hiện chế độ tự chủ) của cơ quan nhà nước.
3. Một số kiến nghị
 Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ đối với các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập, đặc biệt là vai trò chủ trì trong xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn từ phía Thanh tra Chính phủ. Chính phủ cần tập trung hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý cho ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện.
 Sau khi Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được thông qua, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo xây dựng, ban hành quy chế quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; quy định nhằm nâng cao tính pháp lý của lưu trữ điện tử; xây dựng các quy định cụ thể về hình thức cập nhật dữ liệu; kế hoạch cập nhật dữ liệu, bộ tiêu chí đánh giá về mức độ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; quy định về bảo vệ thông tin cá nhân; quy định về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; quy định về phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và các cơ quan kiểm soát tài sản khác, các cơ quan khác được pháp luật quy định trong khai thác, sử dụng dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Thứ hai, Thanh tra Chính phủ cần khẩn trương:
- Phối hợp với các cơ quan kiểm soát tài sản và các cơ quan liên quan khác rà soát nhu cầu, quy định, điều kiện cần thiết và các hoạt động cần thực hiện để xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn;
- Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, kế hoạch kiểm tra, đánh giá dữ liệu theo từng giai đoạn trình Chính phủ;
- Dự kiến các tình huống phát sinh trong quá trình xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và dự kiến giải pháp khắc phục;
- Tham mưu, đề xuất với Chính phủ nghiên cứu áp dụng phương án là thuê doanh nghiệp đầu tư trên cơ sở đặt hàng của Nhà nước và Nhà nước thuê lại để giải quyết vấn đề nguồn vốn.
Thứ ba, các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tự kiểm tra, đánh giá, báo cáo khi xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn./.
 
 

 


[1] Điều 52, Điều 53, Điều 54 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
[2] UNDP Source Book on Accountability, Transparency and Integrity, available at http://intra.undp.org/b dp/anticorruption/sourcebook_anti.htm.
[3] Báo cáo số 330/BC-CP ngày 22/9/2016 của Chính phủ.
[4] Điều 9 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
[5] Điều 42 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018.
[6] Điều 53, Điều 54 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018.
[7] Điều 15 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018.
[8] Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
[9] Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Thủ tướng chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước (Nghị định số 47/2020/NĐ-CP).
[10] Nghị định số 47/2020/NĐ-CP.
[11] Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg ngày 22/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành, địa phương.
[12] Nghị định số 47/2020/NĐ-CP.
[13] Nghị định số 47/2020/NĐ-CP
[14] Nghị định số 47/2020/NĐ-CP.
[15] Nghị định số 47/2020/NĐ-CP.
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 08 (432), tháng 4/2021.)


Ý kiến bạn đọc