Bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay

21/06/2021

TS. VÕ QUỐC TUẤN

Chánh án Tòa án nhân dân TP. Nha Trang, Khánh Hòa.

Tóm tắt: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án nhân dân.
Từ khóa: Bảo đảm quyền bình đẳng, tố tụng hình sự, xét xử sơ thẩm, vụ án hình sự.
Abstract: The Law on Criminal Procedure of 2015 stipulates that the defense counsels and other participants in legal proceedings have equal rights to present evidences, review evidences, and give out the requests to clarify the objective truths of cases, judgment. Under the scope of this article, the author gives out assessements of the current situation and proposes a number of solutions to ensure the accused's equal rights in the first-instance trial of a criminal case of the People's Court.
Keywords: Ensurance of equal rights, criminal proceedings, first-instance trial and criminal cases.
 luat-hinh-su-1312084617.jpg
 Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Quan niệm về quyền bình đẳng của bị cáo trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Khoản 1 Điều 16 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Trong tố tụng hình sự (TTHS) nguyên tắc hiến định này được cụ thể hóa tại Điều 26 Bộ luật TTHS năm 2015. Theo đó, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.  Ở đây, quyền bình đẳng được hiểu là mỗi bên, khi tham gia quá trình xét xử, đều có cơ hội ngang bằng nhau để nêu lên quan điểm của mình và không bên nào được hưởng bất kỳ sự thiên vị thuận lợi nào hơn so với bên còn lại[1]. Tại phiên tòa, dù là bị cáo hay bị hại cũng như những người có liên quan có tư cách khác nhau đều có cơ hội và quyền năng ngang nhau trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước phiên tòa. Tuy nhiên, trong xét xử vụ án hình sự của Tòa án nhân dân (TAND), cốt lỗi của quyền bình đẳng là quyền của bên buộc tội và bên gỡ tội có cơ hội, điều kiện như nhau để bảo vệ mình mà không có bất kỳ sự phân biệt nào. Để quyền bình đẳng được bảo đảm thực hiện, Hội đồng xét xử (HĐXX), Kiểm sát viên (KSV), người bào chữa và các chủ thể khác phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình[2].
Bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của TAND là việc ghi nhận quyền bình đẳng của bị cáo bằng pháp luật. Đồng thời, các chủ thể tham gia tố tụng phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền của bị cáo; ngăn ngừa sự xâm phạm, bảo vệ quyền của bị cáo trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo còn phải tạo ra các điều kiện cần thiết, tốt nhất để bị cáo thực hiện quyền của bị cáo một cách đầy đủ, hiệu quả nhất và không bị xâm phạm trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
Nội dung bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự gồm:
Một là, bị cáo có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu và tranh luận dân chủ trước tòa.
Hai là, bị cáo có quyền bình đẳng trong việc đánh giá chứng cứ, đưa ra các yêu cầu làm rõ các chứng cứ đã thu thập được và yêu cầu thu thập thêm chứng cứ mới.
Ba là, bị cáo có quyền bình đẳng trong việc trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có quyền tranh luận trước tòa.
Bốn là, bị cáo có quyền bình đẳng trong việc đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý.
Năm là, khi có căn cứ cho thấy người tiến hành tố tụng không vô tư, khách quan trong giải quyết vụ án thì bị cáo có quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng.
2. Thực trạng bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án nhân dân ở Việt Nam
Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015… đã cụ thể hóa nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐXX, KSV, người bào chữa, người phiên dịch, người giám định, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng để bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo. Bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo còn được ghi nhận ở các quy định về chứng cứ và quá trình đánh giá chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự; về các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự; về trình tự, thủ tục tiến hành phiên tòa; về khiếu nại tố cáo trong tố tụng hình sự...
Thực tiễn cho thấy, ở hầu hết các phiên tòa xét xử vụ án hình sự, HĐXX đã quan tâm và tạo điều kiện cho bị cáo trong việc trình bày các quan điểm, ý kiến của mình về các tình tiết của vụ án; cơ quan báo chí cũng được Chủ tọa phiên tòa tạo điều kiện để thông tin về các hoạt động tại phiên tòa kịp thời, bảo đảm phiên tòa diễn ra công khai với sự giam sát của nhân dân; quyền được bào chữa, quyền được công khai xét xử được tuân thủ.
Việc tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp đã thể hiện sự trang nghiêm, bình đẳng giữa các bên, tạo tâm lý thuận lợi cho luật sư khi tranh tụng. Hàng năm, các bản án hình sự của Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên nhìn chung đều đảm bảo đúng pháp luật, bảo đảm tính khách quan, công bằng, bảo đảm các quyền của bị cáo, việc tranh tụng tại các phiên tòa được thực thi nghiêm túc... Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi của Tòa án cấp sơ thẩm giảm dần qua các năm (năm 2016 là 1,3%; năm 2017 là 1,2%; năm 2018 là 1,14%[3]; năm 2019 là 1,09%. Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật[4].
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo trong hoạt động xét xử vụ án hình sự của TAND còn hạn chế, bất cập sau:
Thứ nhất, về quy định của pháp luật:
- Mặc dù BLTTHS năm 2015 đã bổ sung nhiều quy định bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo trong xét xử vụ án hình sự (Điều 9, Điều 26, Điều 42, Điều 257). Tuy nhiên, quyền năng của những người tiến hành tố tụng vẫn được coi trọng hơn người bào chữa (Điều 307, 309); thời gian nghị án của HĐXX chưa được quy định cụ thể (Điều 326); chưa bảo đảm quyền bình đẳng giữa bị cáo và các chủ thể khác (bị cáo có thể bị áp giải trong trường hợp cố ý vắng mặt, hoặc không đến làm việc theo yêu cầu của người có thẩm quyền tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không có trở ngại khách quan nào (điểm a khoản 3 Điều 60; điểm a khoản 3 Điều 61; điểm a khoản 4 Điều 62 Bộ luật TTHS năm 2015), trong khi các chủ thể khác như bị đơn dân sự, người có nghĩa vụ liên quan, người chứng kiến… nếu vắng mặt theo yêu cầu của người tiến hành tố tụng thì không chịu tác động của chế tài nào).
- Việc thực hiện quyền tiếp cận dịch vụ pháp lý của bị cáo góp phần thực hiện quyền bình đẳng tại phiên tòa. Theo đó, BLTTHS năm 2015 quy định người bào chữa có nhiều quyền từ việc gặp gỡ người bị buộc tội (trong đó có bị cáo); có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra; xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa… (khoản 1 Điều 73). Tuy nhiên, những quy định trên đây chưa thực sự có ý nghĩa đối với người bào chữa và bị cáo. Bởi vì, khoản 2 Điều 87 BLTTHS năm 2015 quy định: “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án”.
- Pháp luật quy định luật sư của bên bị cáo có quyền thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc thực hiện quyền bào chữa nhưng việc tiếp nhận, kiểm tra và đánh giá tài liệu, chứng cứ lại do cơ quan tiến hành tố tụng quyết định (khoản 4 Điều 88 BLTTHS năm 2015). Điều này cho thấy, luật sư, người bào chữa cho bên bị cáo chưa thực sự bình đẳng với bên buộc tội.
- Theo quy định của BLTTHS năm 2015, chỉ pháp nhân thương mại nào phạm tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, khái niệm pháp nhân rất rộng. Một tổ chức trở thành pháp nhân khi có các điều kiện được quy định tại Điều 74 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, quy định của BLTTHS năm 2015 về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại so với pháp nhân phi thương mại cũng mới chỉ căn cứu vào mục đích “thương mại” để xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân cũng chưa thỏa đáng.
- BLTTHS năm 2015 không quy định về biện pháp áp dụng trách nhiệm đối với những trường hợp KSV không thực hiện nghĩa vụ đối đáp tại phiên tòa để làm rõ sự thật khách quan của vụ án là chưa bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong xét xử vụ án hình sự.
- Khoản 6 Điều 183 BLTTHS năm 2015 quy định “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”. Tuy nhiên, phương tiện này vẫn do cơ quan tố tụng chủ trì và khi không có ống kính máy quay nữa thì cũng khó bảo đảm không có gì bất lợi cho người bị tạm giữ, điều tra (ví dụ, trong vụ án Hồ Duy Hải, tang vật được xem là hung khí giết người là con dao được mua về từ chợ theo mô tả tự thú của bị can - trong trường hợp này, việc ghi âm, ghi hình là không có ý nghĩa)[5].
- Khoản 1 Điều 70 BLTTHS năm 2015 quy định “Người phiên dịch, người dịch thuật là người có khả năng phiên dịch, dịch thuật được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu trong trường hợp người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt, hoặc có tài liệu không thể hiện bằng tiếng Việt”. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định này cho thấy, có những bị cáo sử dụng được tiếng Việt nhưng hạn chế hơn so với các chủ thể tham gia tố tụng khác. Nếu pháp luật không có hướng dẫn cụ thể hơn về mức độ “sử dụng tiếng Việt” của những người tham gia tố tụng để làm căn cứ cử người phiên dịch, dịch thuật thì không bảo đảm được quyền bình đẳng cho các chủ thể trong đó có quyền của bị cáo.
Thứ hai, về việc thực hiện trách nhiệm của các chủ thể tiến hành tố tụng:
- Khi xét hỏi, có trường hợp KSV còn có định kiến với bị cáo, coi họ đã là tội phạm, chưa quán triệt nguyên tắc suy đoán vô tội; có trường hợp KSV chưa tích cực, chủ động trong việc xét hỏi mà coi việc xét hỏi là nhiệm vụ chính của Chủ tọa phiên tòa.
- Khi phát biểu ý kiến về phiên tòa, có trường hợp KSV không căn cứ vào kết quả xét hỏi mà căn cứ vào bản cáo trạng đã truy tố bị cáo, mặc dù kết quả xét hỏi tại phiên toà đã có nhiều nội dung không đúng với bản cáo trạng.
- Ở một số vụ án, HĐXX chưa điều hành tốt quá trình tranh luận giữa các bên; chưa thực sự chú ý đến những tình tiết, chứng cứ mới của vụ án nên những mâu thuẫn trong chứng cứ và lời khai chưa được làm sáng tỏ. Mặc dù BLTTHS năm 2015 quy định khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân (HTND) độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nhưng có trường hợp, Thẩm phán, HTND có tâm lý trông chờ vào Chủ tọa phiên tòa, không lắng nghe việc tranh luận giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Các tình tiết quan trọng và chứng cứ gỡ tội mà người bào chữa đưa ra thường ít được HĐXX quan tâm xem xét, chấp nhận và ít được đề cập trong bản án. Có trường hợp KSV vì chưa chuẩn bị tốt việc tranh luận tại phiên tòa, không dự đoán được một số tình huống xảy ra nên khi bị cáo và người bào chữa có những chứng cứ mới thì KSV trở nên bị động và lúng túng, né tránh những vấn đề mà bên gỡ tội nêu ra trái với quan điểm của KSV, hoặc trả lời không đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề đang tranh luận.
- Điều 257 BLTTHS năm 2015 quy định “Luật sư có vị trí ngồi ngang bằng với KSV tại phiên tòa”, nhưng trên thực tế, ở nhiều phiên tòa xét xử vụ án hình sự, ý kiến của luật sư phần nhiều vẫn chưa có ý nghĩa ràng buộc đối với HĐXX[6]. Nhiều trường hợp HĐXX ưu tiên hơn cho KSV, hạn chế quyền tranh luận của người bào chữa bảo vệ cho bị cáo. Quyền bào chữa của bị cáo là phương tiện, công cụ để bị cáo bảo vệ quyền của mình, nhưng trên thực tế vẫn chưa thực sự được coi trọng. Trên thực tế, có nhiều trường hợp “luật sư chậm nhận được thông báo đăng ký bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp mặc dù luật đã quy định khá chi tiết về thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký bào chữa tại khoản 4 Điều 78 BLTTHS năm 2015. Việc thông báo này thường bị quá hạn với nhiều lý do khác nhau từ phía cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần làm khó luật sư”[7].
- Khi nghị án và tuyên án: có vụ án HĐXX cấp sơ thẩm không xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ khung hình phạt cho bị cáo, áp dụng tội danh sai, hoặc có trường hợp đủ căn cứ tuyên bị cáo vô tội, nhưng Tòa án không tuyên vô tội mà lại trả hồ sơ điều tra bổ sung để đình chỉ điều tra, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị oan; có vụ án HĐXX cấp sơ thẩm đã quá nhấn mạnh đến mức độ và tính nhất nguy hiểm của hành vi phạm tội, do đó tuyên phạt bị cáo với mức án quá nghiêm khắc không bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo; một số trường hợp chưa thực hiện tốt các hoạt động trong phần nghị án và tuyên án; có vụ án “biên bản phiên tòa, biên bản nghị án còn sơ sài, hình thức, không đúng với phần quyết định của bản án, khi nghị án không thảo luận và biểu quyết về điều khoản áp dụng xử phạt bị cáo, án phí, trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng”[8]. Trên thực tế, “một số vụ án, hoạt động nghị án của HĐXX bị can thiệp, làm trái quy định của BLTTHS, ảnh hưởng, xâm hại đến quyền, lợi ích của bị cáo và các bên có liên quan. Có trường hợp chánh án yêu cầu buộc Thẩm phán phải dừng việc tuyên án, thực chất là đã can thiệp đến hoạt động của HĐXX”[9].
3. Một số giải pháp bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay
   Từ thực trạng nêu trên, tác giả cho rằng, để bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay cần thực hiện một số giải pháp sau:
      Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về thực hiện nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của những người tham gia tố tụng khác như bị đơn dân sự, người có nghĩa vụ liên quan, người chứng kiến trong BLTTHS năm 2015. Cụ thể, cần bổ sung điểm a khoản 3 của các Điều 64, Điều 65, Điều 67 BLTTHS năm 2015 với nội dung “Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải”. Tòa án nhân dân tối cao cần có văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về quyền được sử dụng tiếng nói và chữ viết trong TTHS để đảm bảo quyền bình đẳng của bị cáo tại phiên tòa. Cụ thể, cần có hướng dẫn rõ hơn về mức độ sử dụng tiếng Việt của những người tham gia phiên tòa tại Điều 23, Điều 70, Điều 263 BLTTHS năm 2015.
Thứ hai, ban hành văn bản hướng dẫn bảo đảm thực hiện thống nhất một số quy định của BLTTHS năm 2015 như: quy định về trình tự xét hỏi (Điều 309); quy định cụ thể trách nhiệm của HĐXX, KSV và người bào chữa (Điều 320; Điều 322), thời gian và giám sát hoạt động nghị án của HĐXX (Điều 326), yêu cầu về nội dung biên bản nghị án để hoạt động nghị án phản án đúng trình tự, nội dung thảo luận của HĐXX khi nghị án.
Thứ ba, triển khai biện pháp thi hành quy định cấm các cơ quan, chủ thể khác can thiệp đến hoạt động xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm; bảo đảm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (Điều 23 BLTTHS năm 2015).
Thứ tư, nâng cao trách nhiệm của Chủ tọa phiên tòa trong điều hành phiên tòa theo hướng tranh tụng bảo đảm công bằng, dân chủ, khách quan; phát huy vai trò của người bào chữa trong đảm bảo quyền bình đẳng của bị cáo tại phiên tòa.
Thứ năm, sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn và điều kiện tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Cụ thể, ngoài những tiêu chuẩn chung đối với Thẩm phán (Điều 67), điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp (Điều 68), Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Điều 69), việc bổ nhiệm Thẩm phán cần đánh giá năng lực công tác và kết quả hoạt động thực tiễn của Thẩm phán. Trước khi bổ nhiệm hoặc tái bổ nhiệm Thẩm phán, cần tiến hành thi tuyển nghiệp vụ xét xử, hoặc thời gian 05 năm một lần tiến hành sát hạch đối với đội ngũ Thẩm phán để sàng lọc những Thẩm phán yếu kém về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ. Việc sát hạch phải tiến hành khách quan, công khai và công bằng thông qua việc xử lý các tình huống cụ thể mà Thẩm phán phải giải quyết trong quá trình xét xử.
Thứ sáu, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho KSV về kỹ năng xét hỏi, tranh tụng, đề cao trách nhiệm của KSV đối với việc bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo tại phiên tòa. Ngành Kiểm sát và các cơ quan có liên quan cần quan tâm hơn chế độ đãi ngộ cho KSV thực hiện nhiệm vụ tại phiên tòa xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự của TAND để KSV yên tâm làm nhiệm vụ, bảo đảm sự vô tư, khách quan.
Thứ bảy, tăng cường các hoạt động bồi dưỡng luật sư về nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề tạo sự chuyển biến mới về chất lượng đội ngũ luật sư; tập trung bồi dưỡng luật sư tham gia tranh tụng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của luật sư trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo đúng tinh thần của  Điều 103 Hiến pháp năm 2013 và những nội dung BLTTHS năm 2015./.

 


[1] Xem Hoàng Hùng Hải (2012), Bảo đảm quyền bình đẳng của công dân trong xét xử hình sự ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ Luật học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tr.33.
[2] Xem Nguyễn Đức Hạnh (2015), Nguyên tắc bình đẳng trong luật tố tụng hình sự Việt Nam: những vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận án tiến sĩ luật học, Học viện KHXH Việt Nam, Hà Nội, tr.60-62.
[3] Tòa án nhân dân tối cao (2019), Báo cáo tóm tắt công tác tòa án từ đầu nhiệm kỳ đến nay và năm 2018 – nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, tr.2.
[4] https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/chi-tiet-tin?dDocName=TAND090379.
[5] http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210646.
[6] Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC quy định về phòng xử án. Thông tư này đã góp phần bảo đảm nguyên tắc tranh tụng theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, BLTTHS năm 2015 cũng như nguyên tắc bảo đảm sự bình đẳng của các bên trong tranh tụng, qua đó góp phần bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo tại phiên tòa.
[7] Lê Minh Đức (2020), Thực hiện pháp luật về quyền, nghĩa vụ của luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ luật học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr.109.
[8] Ủy ban thường vụ Quốc hội (2015), Báo cáo kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, TTHS và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan, sai trong hoạt động TTHS theo quy định của pháp luật” của Quốc hội khóa XIII, tr.14.
[9] Võ Quốc Tuấn, Bảo đảm quyền của bị cáo trong hoạt động xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự của Tòa án nhân dân cấp tỉnh ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ luật học, Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2017, tr.97.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 03+04 (427+428), tháng 2/2021.)