Phát huy hiệu quả của hội nghị khu vực Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

24/02/2021

THS. NGUYỄN HOÀNG SƠN

Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội.

Tóm tắt: Hội nghị khu vực Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh là một mô hình trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Thường trực HĐND các địa phương có điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội tương đồng. Mô hình này được hình thành từ hơn 20 năm trước và đã trở thành hoạt động thường xuyên ở 6 khu vực HĐND trong cả nước với trung bình 12 hội nghị/năm.Theo các báo cáo của Ban Công tác đại biểu thì tính hiệu quả và chất lượng của Hội nghị khu vực Thường trực HĐND cấp tỉnh được đánh giá cao, những kinh nghiệm, giải pháp cụ thể được trình bày tại Hội nghị là những kinh nghiệm quý giá được đúc rút từ thực tiễn phong phú tại các địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có quy định mang tính pháp lý nào liên quan đến việc tổ chức và tiếp thu ý kiến từ những Hội nghị này.
Từ khóa: Hội đồng nhân dân, hội nghị khu vực, chính quyền địa phương.
Abstract: Regional Conference of the Standing People's Councils (People's Council) at the provincial level is a model for discussions of experience among the Standing People's Councils in localities with similar geographical, economic, and social conditions. This model was initiated more than 20 years ago and has become a regular activity in 6 regions in the country with an average of 12 conferences per year. According to the reports of the Committee for Deputy Affairs of the National Assembly, the quality of the Regional Conference of the Standing Provincial People's Council is highly appreciated, the specific experiences and solutions interchanged at the conferences are valuable lessons learned from provincial practices. However, up to now, there are no legal regulations relating to the organization and collection of lessons learned from these conferences.
Keywords: People's Council, regional conference, local administrations.
 thường-trực-HDND-cấp-tỉnh.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Trong thiết chế chính quyền địa phương, HĐND là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Để đảm bảo hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương thì việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND là nhiệm vụ rất cần thiết và luôn được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy Đảng các tỉnh, thành phố các khu vực trên toàn quốc. Để đạt được mục tiêu này, nhiều giải pháp đã được thực hiện, trong đó có việc trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa HĐND các địa phương. Cách đây 20 năm, Thường trực HĐND tỉnh Hà Tây đã đề xuất sáng kiến tổ chức Hội nghị khu vực Thường trực HĐND cấp tỉnh đầu tiên với sự tham gia của 12 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ. Từ mô hình này, trên cả nước ngày nay đã hình thành 6 khu vực; trong đó, Thường trực HĐND các tỉnh/thành mỗi khu vực luân phiên đăng cai tổ chức 2 hội nghị/năm.
Tại các hội nghị này, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố không chỉ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm mà còn đưa ra nhiều kiến nghị, khuyến nghị về hoàn thiện quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tế ở địa phương. Các tham luận trình bày tại Hội nghị đều được chuẩn bị tốt về nội dung, phản ánh sát thực trạng tình hình hoạt động và giới thiệu nhiều kinh nghiệm bổ ích để đại biểu tham gia Hội nghị tham khảo, rút kinh nghiệm trong việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND các cấp. Kết quả của các Hội nghị khu vực Thường trực HĐND cấp tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND trong khu vực nói riêng và cả nước nói chung.
Do những kết quả mang lại cho hoạt động của HĐND các cấp, Hội nghị khu vực Thường trực HĐND cấp tỉnh đã trở nên quan trọng với các địa phương và trở thành hoạt động mang tính thường xuyên. Tuy nhiên, tác động của Hội nghị mới chỉ dừng lại ở phạm vi khu vực, các kiến nghị của Hội nghị chưa có nhiều tác động đến việc xây dựng và hoạch định chính sách, pháp luật. Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả của Hội nghị khu vực Thường trực HĐND cấp tỉnh, tác giả cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự gắn kết giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và HĐND.
Trong tổ chức nhà nước, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, còn HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Hoạt động của HĐND chịu sự giám sát và hướng dẫn của UBTVQH để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và phối hợp giữa các cơ quan dân cử. Thực tế hiện nay cho thấy, mối quan hệ công tác giữa UBTVQH và HĐND chủ yếu thông qua “hướng dẫn” bằng văn bản trả lời địa phương về các vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của HĐND. Một kênh khác thể hiện vai trò hướng dẫn của UBTVQH đối với HĐND là qua trao đổi ở các diễn đàn như Hội nghị khu vực. Tuy nhiên, việc tiếp cận gần gũi hơn để lắng nghe và tiếp thu các phản ánh về thực tiễn hoạt động của các cơ quan dân cử địa phương qua kênh này chưa thực sự được quan tâm đúng mức dù nhiệm kỳ gần đây đã có sự tham dự nhiều hơn của lãnh đạo Quốc hội và của các cơ quan của Quốc hội ở Hội nghị khu vực Thường trực HĐND.
Để tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ quan dân cử thì việc gắn kết giữa UBTVQH và HĐND thông qua Hội nghị khu vực Thường trực HĐND cấp tỉnh cần được coi là trách nhiệm của UBTVQH và Đoàn ĐBQH địa phương. Điều này thể hiện ở những điểm sau:
- Dưới góc độ nhiệm vụ và quyền hạn thì UBTVQH là cơ quan được giao giám sát, hướng dẫn hoạt động của HĐND[1] nên Hội nghị khu vực Thường trực HĐND cấp tỉnh là kênh thông tin rất giá trị để lắng nghe các ý kiến, nguyện vọng từ các cơ quan dân cử địa phương để có những hướng dẫn, điều chỉnh chính sách kịp thời.
- Dưới góc độ đại diện thì Hội nghị khu vực Thường trực HĐND cấp tỉnh cần có sự tham gia không chỉ của lãnh đạo Quốc hội, đại diện UBTVQH mà còn của ĐBQH thuộc các Đoàn ĐBQH địa phương bởi ĐBQH “là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước”[2] có trách nhiệm “thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội”[3].
Thực tiễn hiện nay cho thấy, ở các địa phương đã có sự phối hợp tốt giữa Thường trực HĐND với Đoàn ĐBQH ở một số khía cạnh như: trong tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; công tác giám sát và sử dụng kết quả giám sát khi trùng nội dung; liên kết thông tin về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, kết quả theo dõi, đôn đốc xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Thứ hai, cần làm rõ hơn tính chất pháp lý của Hội nghị khu vực Thường trực HĐND cấp tỉnh.
Mặc dù Hội nghị khu vực Thường trực HĐND cấp tỉnh mang lại lợi ích rất thiết thực và hàng năm có trung bình 12 Hội nghị khu vực Thường trực HĐND được tổ chức, nhưng cho đến nay, ngoài Thông báo số 645/TB-BTCĐB ngày 13/09/2016 về Kết luận của Chủ tịch Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố để tổ chức Hội nghị khu vực Thường trực HĐND cấp tỉnh, chưa có văn bản nào quy định về các vấn đề liên quan đến tổ chức và tiếp thu ý kiến từ những Hội nghị này.  Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tính chất pháp lý không rõ ràng của Hội nghị khu vực Thường trực HĐND cấp tỉnh. Để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của Hội nghị khu vực Thường trực HĐND cấp tỉnh, trước hết cần tổng kết 20 năm tổ chức Hội nghị khu vực Thường trực HĐND cấp tỉnh để tổng kết, đánh giá kết quả của việc tổ chức các Hội nghị này trong thời gian qua, qua đó chỉ ra những kết quả đã được, những hạn chế, bất cập, chỉ ra sự cần thiết xây dựng hành lang pháp lý cho mô hình của hoạt động này. Trước mắt, để tạo cơ sở pháp lý, UBTVQH cần ban hành nghị quyết hướng dẫn tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND cấp tỉnh. Một Nghị quyết của UBTVQH được ban hành để thay thế cho nội dung Kết luận của Chủ tịch Quốc hội kèm theo những quy định về tiếp thu ý kiến từ các Hội nghị khu vực Thường trực HĐND cấp tỉnh sẽ mang lại nhiều ý nghĩa, có tác động tốt đến chất lượng, hiệu quả của các Hội nghị này.
Một Nghị quyết như vậy còn có tính ràng buộc đối với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của UBTVQH, các đoàn ĐBQH trong việc tham gia chủ động hơn vào hoạt động trao đổi kinh nghiệm với cơ quan dân cử địa phương, bao gồm cả việc tiếp thu các kiến nghị từ Hội nghị khu vực Thường trực HĐND cấp tỉnh, coi đây là một kênh thông tin hữu ích từ cử tri địa phương để phản ánh với Quốc hội; qua đó, nâng cao vai trò “hướng dẫn” của UBTVQH đối với hoạt động của HĐND.
Đối với HĐND các tỉnh/thành phố thì nghị quyết UBTVQH về Hội nghị khu vực Thường trực HĐND cấp tỉnh sẽ là nguồn động viên lớn để các địa phương phối hợp với Ban Công tác đại biểu trong công tác tổ chức nhằm nâng cao chất lượng các Hội nghị khu vực Thường trực HĐND cấp tỉnh.
Ngoài ra, mặc dù việc ban hành nghị quyết của UBTVQH về Hội nghị khu vực Thường trực HĐND cấp tỉnh không tác động trực tiếp đến việc lập dự toán ngân sách của địa phương cho Hội nghị khu vực nhưng là một căn cứ để dự toán này được coi là khoản chi cần thiết; qua đó nâng cao trách nhiệm của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do luật định.
*
*         *
Tóm lại, việc tham dự Hội nghị khu vực Thường trực HĐND cấp tỉnh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội và các Đoàn ĐBQH. Việc tham dự tích cực của các cơ quan này cùng với việc hoàn thiện pháp luật về Hội nghị khu vực Thường trực HĐND sẽ góp phần tăng cường vai trò hướng dẫn của UBTVQH  đối với hoạt động của HĐND, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và của Thường trực HĐND các địa phương trong việc duy trì và phát huy tính hiệu quả của Hội nghị khu vực Thường trực HĐND cấp tỉnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Hải Lam, 2020, “Chuyên mục: Gắn kết với cơ quan dân cử địa phương - Dấu ấn nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV”, Báo điện tử Đại biểu nhân dân, [online], https://www.daibieunhandan.vn/, truy cập ngày 30/10/2020.
2.      T.A., 2017, “Đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương nước ta hiện nay”, Tạp chí Tổ chức nhà nước, [online], https://tcnn.vn/, truy cập ngày 30/10/2020.
3.      Các báo cáo của Ban Công tác đại biểu năm 2019 và 2020 về kết quả Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố ở 6 khu vực, nhiệm kỳ 2016-2021.
4.      Các báo cáo của Ban Công tác đại biểu năm 2019 và 2020 về tổng hợp các kiến nghị tại Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố ở 6 khu vực, nhiệm kỳ 2016-2021.

 


[1] Điều 55 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014.
[2] Điều 21 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014.
[3] Điều 27 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 21 (421), tháng 11/2020.)