Mô hình hoạch định chính sách

03/02/2021

TS. NGUYỄN TRỌNG BÌNH*

ThS. NGUYỄN THỊ NGỌC ANH**

*,** Học viện Chính trị khu vực IV.

Tóm tắt: Cho đến nay, giới nghiên cứu đã đề xuất nhiều mô hình hoạch định chính sách công khác nhau, trong đó điển hình nhất là mô hình lý tính (hay còn gọi là mô hình truyền thống) và mô hình xã hội (hay mô hình có sự tham gia). Trong phạm vi bài viết này, các tác giả nêu lên đặc điểm của từng mô hình và cho rằng, trong bối cảnh mới hiện nay, vận dụng mô hình xã hội trong  hoạch định chính sách là lựa chọn hợp lý và cần thiết.
Từ khóa: Hoạch định chính sách, mô hình lý tính, mô hình xã hội.
Abstract:  Up to now, the researchers have proposed several models of public policy making, of which the most typical one is the rational model (also known as the traditional model) and the social model (or participatory model). In the scope of this article, the authors point out the characteristics of each model and believe that, in the current new context, the application of the social model in policy making is a reasonable and necessary option.
Keywords: Policy making, rational model, social model.
 
hoạch-định-chính-sách-công_1.jpg1. Mô hình lý tính của hoạch định chính sách
Mô hình lý tính của hoạch định chính sách (HĐCS) là phương thức thiết kế chính sách mà ở đó, việc xác định nghị trình chính sách, phân tích vấn đề chính sách, xác định mục tiêu của chính sách, thiết kế và đề xuất các phương án chính sách cũng như quyết định lựa chọn phương án chính sách là do đội ngũ cán bộ tham mưu và người có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước thực hiện[1]. Trên thực tế, mô hình lý tính của HĐCS  được xây dựng dựa trên giả thiết: (i) Người làm chính sách là người hoàn toàn lý tính; theo đó, họ biết được tất cả các giá trị ưu tiên trong xã hội và vị trí trong bảng giá trị ưu tiên; (ii) Người làm chính sách biết được tất cả các phương án có thể của chính sách; (iii) Người làm chính sách biết được hoặc dự đoán được những hậu quả có thể xảy ra của mỗi một phương án chính sách; (iv) Người làm chính sách có thể đánh giá được mức độ giá trị xã hội có thể đạt được hoặc mất đi của mỗi một phương án chính sách; (v) Người làm chính sách lựa chọn được phương án chính sách kinh tế nhất và có hiệu quả nhất[2]; (vi) Người làm chính sách thật sự là những người không thiên vị, cái mà họ theo đuổi là tối đa hóa lợi ích công.
Mô hình lý tính của HĐCS có một số đặc điểm cơ bản sau: (i) Quá trình thiết kế chính sách có xu hướng khép kín, thiếu sự công khai và minh bạch về thông tin; (ii) Tuyệt đối hóa vai trò của đội ngũ cán bộ tham mưu trong các cơ quan nhà nước trong thiết kế chính sách; (iii) Thiếu sự tham gia của người dân cũng như các chủ thể có liên quan trong quá trình thiết kế chính sách, cũng như thiếu vắng tiếng nói “độc lập” từ bên ngoài đối với quá trình HĐCS; (iv) Nhấn mạnh thông tin và tri thức của đội ngũ tham mưu và những người thiết kế chính sách trong bộ máy nhà nước; (v) Thiên về phán đoán của người làm chính sách mà coi nhẹ nhu cầu của công chúng; quan tâm đến số liệu thống kê, sử dụng quan hệ nhân - quả, mô hình toán học để miêu tả vấn đề, tìm kiếm hoặc phát hiện quy luật khách quan; có thói quen chuyển hóa vấn đề chính trị thành vấn đề có tính kỹ thuật hành chính sự vụ; nhấn mạnh tính trung lập của người làm chính sách, coi nhẹ sự phán đoán về giá trị và lợi ích[3].
Mô hình lý tính của HĐCS công có một số ưu điểm, như hình thành nên khung khổ hay các bước của HĐCS, tiết kiệm chi phí HĐCS, quyết định chính sách dễ được đưa ra một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, mô hình này cũng có nhiều hạn chế và bất cập, như khó lựa chọn được phương án chính sách hợp lý và dễ dẫn đến sự sai lầm của chính sách; chính sách công (CSC) rất khó phản ánh đầy đủ nhu cầu và kỳ vọng của người dân, làm cho chính sách xa rời nhu cầu của người dân và việc thiết kế chính sách rất dễ trở thành công cụ của nhóm lợi ích đặc thù; làm cho việc thực thi chính sách trở nên khó khăn; không có lợi cho việc tăng cường tính trách nhiệm, tính đáp ứng và tính đại diện của quản trị nhà nước cũng như không có lợi cho việc bồi dưỡng và phát huy tinh thần công dân trong đời sống chính trị[4]. Nói cụ thể, thách thức chủ yếu mà mô hình lý tính của HĐCS gặp phải là:
Thứ nhất, làm thế nào để việc thiết kế chính sách gắn liền với môi trường chính trị, làm cho chính sách phản ánh được nhu cầu, lợi ích của công chúng. Về bản chất, HĐCS không chỉ là một quá trình lý tính (hay chỉ dựa trên các phương pháp khoa học) đơn thuần, hơn nữa còn là một quá trình chính trị và xã hội. Bởi lẽ, vấn đề chính sách, phương án chính sách đều liên quan tới việc điều chỉnh và phân phối lợi ích của các nhóm, các đối tượng khác nhau trong xã hội. Do đó, việc các chủ thể có lợi ích liên quan thể hiện tiếng nói của mình trong quá trình HĐCS là yêu cầu khách quan. Trong quá trình tương tác đó, bất cứ nhân tố lý tính hay không lý tính nào đều là rất cần thiết, đều có thể tạo ra sự ảnh hưởng đối với phương án chính sách được lựa chọn. Vì vậy, việc HĐCS không thể tách rời với sự tương tác giữa người làm chính sách và các chủ thể lợi ích có liên quan trong xã hội. Tuy nhiên, mô hình lý tính của HĐCS thường có tính khép kín, thiếu sự tương tác với các chủ thể lợi ích có liên quan; người làm chính sách thường thông qua việc sử dụng các phương pháp “định lượng” để tiến hành đo lường đối với hiện thực, sử dụng mối quan hệ nhân quả để giải thích vấn đề và thông qua phương pháp khoa học để tìm kiếm phương án chính sách tối ưu. Vấn đề đặt ra là trong mô hình lý tính, liệu người làm chính sách có thể nắm bắt hết các nhu cầu, mong muốn của các nhóm, các đối tượng khác nhau trong xã hội hay không? Câu trả lời là cho dù người làm chính sách có động cơ rất tốt đi chăng nữa, thì với tính khép kín của quá trình thiết kế chính sách, rất khó có thể nắm bắt được một cách đầy đủ nhu cầu, mong muốn của các nhóm, đối tượng khác nhau trong xã hội có liên quan đến chính sách.
Thứ hai, làm thế nào để thiết kế được chính sách phù hợp, đảm bảo được tính khoa học, tính khả thi, tính hệ thống, tính dân chủ, tính dự báo, tránh được phương án chính sách được lựa chọn là sự phản ánh sở thích của giới “tinh anh”. Trong thực tiễn tồn tại tương đối phổ biến một quan niệm cho rằng, chỉ những người có tri thức, hiểu biết, được trang bị về tri thức chuyên ngành thì mới đủ tư cách để thiết kế chính sách công. Tuy nhiên, ở đây có hai vấn đề: Một là, tri thức mà người làm chính sách có được liệu có phải là “toàn bộ trí thức”, “tri thức toàn vẹn và chỉnh thể về thế giới” hay đó có phải là “chân lý tuyệt đối”? Hai là, người làm chính sách có thật sự không thiên vị, hoàn toàn trung lập, cái mà họ theo đuổi là vì chân lý, là vì lợi ích công”?
Về vấn đề thứ nhất, như nhiều nhà khoa học đã chỉ ra, tri thức mà người làm chính sách có được không phải là “toàn bộ trí thức”, cũng không phải là “chân lý tuyệt đối”. Bởi lẽ, tuy đội ngũ tham mưu chính sách và người quyết định chính sách thường có trình độ chuyên môn, am hiểu sâu ở lĩnh vực chính sách nào đó, nhưng do sự chế ước bởi năng lực và phương pháp nhận thức nên lý tính của con người là có hạn.
Về vấn đề thứ hai, tri thức khoa học được biểu đạt bằng hệ thống ngôn ngữ, nhưng bản thân ngôn ngữ không phải là cái gương phản chiếu một cách trung lập đối với hiện thực thế giới khách quan, bất cứ ngôn ngữ nào cũng gắn liền với quan điểm giá trị nhất định của chủ thể. Chính vì thế, “những giải thích của các tri thức khoa học khác nhau chỉ là sản phẩm trong một không gian và thời gian cụ thể, những tri thức khoa học này về cơ bản là từ lập trường riêng để nhận thức và nhìn nhận đối với thế giới”[5].  Vì vậy, về cơ bản, không tồn tại cái gọi là sự khách quan, trung lập tuyệt đối của tri thức khoa học, mà tất cả sự giải thích hay khoa học đều chỉ là sự phản chiếu nguyện vọng chủ quan của chủ thể nào đó dưới một hình thái cụ thể. Với tư cách là người thiết kế chính sách, người làm chính sách hoặc ẩn hoặc hiện đều có lập trường và nhu cầu của riêng mình, thậm chí bản thân họ cũng không phải là đại diện cho lợi ích công, mà là đại diện cho lợi ích của một nhóm đặc thù nào đó trong xã hội. Do đó, có ý kiến cho rằng, “người làm chính sách còn lâu mới duy trì được một sự trung lập tuyệt đối, yêu cầu họ trong công việc loại trừ hoàn toàn sự ảnh hưởng cá nhân là không sát thực tế, từ ý nghĩa này mà nói, bản thân việc thiết kế chính sách mang đầy đủ sắc thái và ý tưởng cá nhân”[6].Quan điềm khác cho rằng, người làm chính sách cũng chẳng qua là con người kinh tế “tự tư, tự lợi”, động cơ hành vi của người làm chính sách cũng không phải như người làm chính sách đề ra là đại diện cho lợi ích công; trái lại, nhiều khi người làm chính sách lợi dụng ưu thế của tri thức để biện hộ cho ý định của mình, để che giấu lợi ích thực sự của mình[7]. Chính vì vậy, mô hình thiết kế lý tính với đặc điểm khép kín, tuyệt đối hóa vai trò của đội ngũ tham mưu thiếu sự tương tác với đối tượng chính sách rất dễ làm cho nghị trình và phương án chính sách xa rời nhu cầu thực tế của công chúng, việc thiết kế chính sách rất dễ trở thành công cụ của nhóm lợi ích đặc thù. Do đó, làm thế nào để thiết lập nghị trình chính sách phù hợp và đưa ra phương án chính sách đảm bảo nguyên tắc khoa học, khả thi, hệ thống, có tính dự báo và dân chủ… là một thách thức tiếp theo mà mô hình lý tính của HĐCS gặp phải.
Thứ ba, làm thế nào để giải quyết được sự không đồng thuận đối với vấn đề và phương án chính sách. “Các vấn đề chính sách ngày nay phần nhiều có tính phức tạp và kết cấu không tốt. Rất nhiều vấn đề chính sách không chỉ rất khó xác định được tính chất, mà còn rất khó lựa chọn được phương án thích hợp để giải quyết vấn đề; thái độ và lợi ích trong quan hệ lợi ích của chính sách công cũng không dễ dung hòa và tích hợp”[8]. Vì vậy, nhiều vấn đề chính sách luôn tồn tại sự tranh luận và có các ý kiến khác nhau; giải quyết sự không đồng thuận về chính sách, tìm kiếm phương án chính sách mà các bên đều có thể chấp nhận được cũng là một thách thức mà người làm chính sách phải đối mặt. Như chúng ta biết, khoa học là phương pháp có hiệu quả để kiểm nghiệm đúng hay sai, nhưng nhiều khi rất khó đưa ra sự phán đoán liên quan đến các phương diện giá trị, như thiện – ác, đẹp – xấu. Trong mô hình lý tính của HĐCS, người làm chính sách cố gắng dựa vào các phương pháp, công cụ khoa học để hy vọng tìm ra cách thức nhằm giải quyết vấn đề, nhưng thường mắc vào sai lầm của “chủ nghĩa kỹ trị”. Từ đó, họ “tự tin” trong việc áp đặt quan điểm của mình lên công chúng và xã hội. Đây là nguyên nhân tạo ra sự xung đột trong thực tiễn thực hiện chính sách. Có thể nói, cho dù người làm chính sách có thể am hiểu đối với một lĩnh vực nào đó như thế nào đi chăng nữa, họ không có quyền áp đặt quan điểm giá trị của mình cho công chúng và xã hội. Có ý kiến cho rằng, chưa quan tâm một cách đầy đủ đến giá trị và các chuẩn tắc, quy phạm đạo đức xã hội là nguyên nhân đưa đến sự thất bại của đa số chính sách công[9].Vậy trong bối cảnh tồn tại sự đa dạng về quan điểm giá trị và lợi ích như ngày nay, cần thực hiện phương thức thiết kế chính sách như thế nào để các quan điểm và lợi ích khác nhau trong xã hội đều có cơ hội được thể hiện, tìm kiếm được sự đồng thuận về phương án chính sách? Đây là một thách thức tiếp theo mà mô hình lý tính của chính sách công đang gặp phải.
Thứ tư, làm thế nào để định vị lại vai trò của đội ngũ tham mưu và nhà làm chính sách trong bối cảnh xã hội thông tin hiện nay. Theo sự phân công lao động xã hội, trong lĩnh vực chính sách công đã hình thành nên đội ngũ chuyên gia và đội ngũ tham mưu hoạt động trong lĩnh vực phân tích chính sách. Tuy nhiên, trong bối cảnh dân chủ hóa về thông tin như hiện nay, khi mà “người dân có thể nắm bắt được thông tin nhanh chóng như đội ngũ các nhà quản lý ở khu vực công” thì không thể tuyệt đối hóa về tri thức của chuyên gia, đội ngũ tham mưu và người làm chính sách. Trong bối cảnh này, tri thức mang tính địa phương, hay tri thức của cử tri càng có điều kiện được thể hiện đầy đủ nhờ các ưu thế do xã hội thông tin mang lại, tiếng nói của các “thủ lĩnh công dân” và người dân  có sự ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội. Nói cách khác, tiếng nói của người dân trong quá trình HĐCS ngày càng chủ động và tích cực hơn, sự ảnh hưởng của người dân đối với chính sách công cũng ngày càng lớn. Nếu chuyên gia vẫn giữ thái độ “bề trên”, “xa dân”, “khinh dân”… chẳng những gây nên sự không hài lòng của người dân, mà còn không có lợi cho việc tạo ra sự đồng thuận về chính sách. Do đó, làm thế nào để kết hợp tốt tri thức của đại biểu dân cử, chuyên gia, quan chức chính phủ với tri thức của cử tri hay tri thức mang tính địa phương trong quá trình thiết kế chính sách là một thách thức tiếp theo mà mô hình lý tính của HĐCS gặp phải.
Thứ năm, làm thế nào để đáp ứng nhu cầu tham gia của công dân vào quá trình HĐCS hiện nay. Thúc đẩy dân chủ hóa chính sách công là một xu thế khách quan, tất yếu hiện nay. Điều này có nghĩa là lý luận và thực tiễn chính sách công cần thể hiện rõ giá trị dân chủ của nó[10]. Từ cuối thế kỷ XX, HĐCS được nhiều nhà nghiên cứu xem là một hoạt động có tính tương tác, thiết kế chính sách rất cần đến sự tham gia của công dân cũng như hoạt động tranh luận và phản biện. Bởi vì, việc HĐCS là một sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các quan niệm, tiêu chuẩn và giá trị. “Trong quá trình HĐCS nếu không có sự tham gia của công dân và hoạt động biện luận, phản biện thì cũng có nghĩa là không có sự tồn tại của dân chủ”[11]. Tuy nhiên, một trong những đặc điểm của mô hình lý tính đó chính là tính khép kín, thiếu sự chia sẻ thông tin và sự tham gia của công dân. Trong mô hình lý tính, người làm chính sách thường không quan tâm đến sự tham gia của công dân, không quan tâm đến ý kiến, nhu cầu và mong muốn của người dân , cũng như thiếu phương thức để phát huy sự tham gia của công chúng vào quá trình HĐCS. “Ngày nay, sự tham gia của công dân được xem là một yếu tố cốt lõi của lý luận quản trị công”[12]. Thông qua sự tham gia của công dân, những ý kiến, tri thức và thông tin do công chúng cung cấp có vai trò ngày càng quan trọng đối với người làm chính sách. Trong bối cảnh này, làm thế nào để kết hợp tốt vai trò của chuyên gia, người làm chính sách với sự tham gia của người dân, qua đó đảm bảo tính khoa học, tính đáp ứng, tính đại diện của chính sách công cũng là một thách thức mà mô hình lý tính của HĐCS đang đối mặt.
2. Mô hình xã hội – phương thức khắc phục hạn chế của mô hình lý tính
Từ những hạn chế của mô hình lý tính của HĐCS,, những năm 70 – 80 của thế kỷ XX đến nay, nhiều nhà nghiên cứu về chính sách công như Frank Fischer, Maarten Hajer, John S.Dryzek đã phê phán một cách toàn diện đối với mô hình lý tính; đồng thời chủ trương sử dụng phương pháp “định tính” vào hoạt động phân tích chính sách cũng như nhấn mạnh tính tất yếu về sự tham gia của công dân vào quá trình HĐCS. Mặt khác, lý luận và thực tiễn về sự tham gia của công dân, quản trị dân chủ, mạng lưới quản trị ngày càng phát triển cũng như việc vận dụng các hình thức tham gia của công dân vào quá trình HĐCS ở nhiều quốc gia và khu vực đã thúc đẩy lý luận chính sách phát triển theo hướng dân chủ. Cho dù trong thực tiễn, mô hình lý tính vẫn chiếm vai trò chủ đạo, song mô hình xã hội đã từng bước khẳng định được vai trò và ưu thế của nó[13]. Xét về định hướng giá trị và mục tiêu, mô hình xã hội nhấn mạnh thiết kế chính sách lấy công dân làm trung tâm, tức tối đa hóa lợi ích công và thực hiện tốt các quyền của công dân, trong đó có quyền tham gia của công dân. Xét về kết cấu chủ thể của hoạt động thiết kế chính sách, mô hình xã hội bên cạnh thừa nhận tầm quan trọng của đội ngũ tham mưu và người làm chính sách trong bộ máy nhà nước, còn nhấn mạnh sự tham gia của nhiều chủ thể và sự hợp tác giữa các chủ thể khác nhau trong “mạng lưới chính sách”. Nói cụ thể, mô hình xã hội nhấn mạnh việc đảm bảo sự tham gia của người dân và các đối tượng liên quan trong quá trình xác lập nghị trình chính sách, phân tích vấn đề chính sách, thiết kế phương án chính sách và lựa chọn phương án chính sách. Xét về quá trình, mô hình xã hội nhấn mạnh tính chia sẻ thông tin cũng như tính công khai, minh bạch trong quá trình thiết kế chính sách, nhấn mạnh tính tham gia, tính hợp tác, tính tích hợp, tính chia sẻ, tính tương tác và tính đổi mới của quá trình HĐCS. Đặc biệt, mô hình xã hội thừa nhận tầm quan trọng của sự khác biệt, bất kể sự khác biệt này được biểu hiển về mặt giá trị, sở thích hay là về mặt lợi ích; nhấn mạnh tính bao dung và thừa nhận những ý kiến khác nhau; nhấn mạnh tính chính đáng của sự hoài nghi chính sách và hoạt động biện luận, phản biện chính sách; nhấn mạnh đến việc bồi dưỡng năng lực học tập xã hội và sự lắng nghe của người làm chính sách.
 
 
Từ những đặc điểm trên, mô hình xã hội trong HĐCS có những ưu điểm chủ yếu sau: có thể lựa chọn được phương án chính sách chất lượng và hạn chế được sự sai lầm về chính sách; làm cho chính sách có thể phản ánh được nhu cầu và lợi ích của người dân; tăng cường tính đáp ứng, tính đại diện, tính trách nhiệm và tính dân chủ của quản trị nhà nước; có lợi cho việc bồi dưỡng tinh thần công dân và phát huy vai trò của người dân trong quản trị quốc gia… Với những ưu điểm nêu trên, mô hình xã hội của HĐCS được xem là một sự lựa chọn để khắc phục những hạn chế của mô hình lý tính cũng là một phương thức có hiệu quả nhằm ứng phó với những thách thức của quản trị quốc gia, quản trị xã hội trong thời đại ngày nay[14].Trước những thách thức mà mô hình lý tính của HĐCS công gặp phải, mô hình xã hội chủ trương:
Thứ nhất, thông qua sự tham gia của người dân và chủ thể có liên quan, nhất là thông qua hoạt động biện luận, tư vấn và phản biện để làm cho thiết kế chính sách gắn liền với hoàn cảnh chính trị, làm cho chính sách phản ánh được nhu cầu và lợi ích của đối tượng chính sách. Quá trình HĐCS là một quá trình chính trị và xã hội. Chính vì thế, HĐCS không thể tách rời với sự tham gia và tiếng nói của các chủ thể lợi ích có liên quan. Nếu trong mô hình lý tính thiếu sự tham gia của công dân, thì mô hình xã hội của chính sách công chủ trương tính “mở” của quá trình HĐCS, cũng như phát huy sự tham gia của người dân vào quá trình HĐCS. Vai trò của người làm chính sách chính là tạo điều kiện để người dân thể hiện quan điểm của mình trước vấn đề chính sách, đi sâu phân tích đối với vấn đề chính sách để từ đó cùng nhau tìm ra phương án giải quyết vấn đề.
Nếu trong mô hình lý tính, công việc của người làm chính sách giống như công việc của một nhà khoa học, ở đó với phương thức khép kín, người làm chính sách sử dụng phương pháp định lượng để phân tích vấn đề chính sách và thiết kế phương án chính sách, thì trong mô hình xã hội, vai trò đầu tiên của người làm chính sách chính là thông qua sự tương tác, đối thoại với các chủ thể lợi ích có liên quan để lắng nghe ý kiến của họ. Kết quả của quá trình tương tác, tham vấn, đối thoại và biện luận sẽ giúp người làm chính sách hình dung ra được bức tranh tổng thể của vấn đề chính sách. Nói cách khác, nếu trong mô hình lý tính, người làm chính sách như một thợ giày, có thể thiết kế ra mẫu giày thời trang nhất, nhưng đôi khi mẫu giày đó không thể đáp ứng được nhu cầu, sở thích của các nhóm công chúng khác nhau, ở các vùng miền khác nhau, thì trong mô hình xã hội, vai trò đầu tiên của người làm chính sách không phải là tự thiết kế ra một mẫu giày, rồi sau đó sản xuất ra hàng loạt theo cách thiết kế của mình, mà là thông qua đối thoại, tương tác, tham vấn với đối tượng có liên quan đến vấn đề chính sách, để lắng nghe ý kiến của họ, hình dung ra được sở thích của các nhóm khác nhau, sau đó đưa ra phương án thiết kế giày phù hợp nhất. Hiển nhiên, nhiều vấn đề chính sách thông qua sự tương tác, đối thoại, tham vấn và phản biện cũng rất khó đi đến sự đồng thuận, nhưng điều đó không quan trọng, quan trọng là thông qua những hình thức này để người làm chính sách tìm kiếm được nhận thức thông thường của xã hội về vấn đề đó.
Thứ hai, thông qua phương thức “mở” và sự tham gia của người dân để bổ sung cho tính có hạn về tri thức và thông tin của người làm chính sách, làm cho phương án chính sách phản ánh được nhu cầu, lợi ích của người dân và xã hội. Mô hình xã hội không phủ nhận tầm quan trọng về tri thức, trí tuệ của đội ngũ tham mưu cũng như người làm chính sách trong bộ máy nhà nước, nhưng nó không đồng tình việc tuyệt đối hóa vai trò của đội ngũ tham mưu và người làm chính sách trong bộ máy nhà nước, cũng như không đồng tình việc áp đặt một chiều phương án chính sách của nhà nước lên công chúng và xã hội. Điều này dựa trên một giả thiết là, tri thức mà người làm chính sách có được không phải là “toàn bộ tri thức”, “tri thức của người làm chính sách chưa hẳn là chân lý tuyệt đối”; thông tin mà người làm chính sách có được cũng có hạn do sự chế ước của điều kiện khách quan và chủ quan. Chính vì lẽ đó, mô hình xã hội chủ trương tính chính đáng của sự tham gia của người dân, cũng như hoạt động biện luận chính sách và phản biện chính sách, chủ trương thông qua sự tham gia của công dân và hoạt động tranh luận, biện luận đối với vấn đề chính sách và phương án chính sách. Mô hình xã hội cho rằng, thông qua sự tương tác, đối thoại, tranh luận và phản biện giúp nhà làm chính sách có được thông tin đầy đủ hơn, chính xác hơn, để từ đó có thể tìm ra được phương án giải quyết vấn đề phù hợp nhất. Trong mô hình xã hội, vai trò của người làm chính sách không phải là ở chỗ tìm ra “chân lý”, mà là thúc đẩy công chúng tìm ra “chân lý”, thông qua sự tranh luận, biện luận và phản biện để cùng nhau xác định thế nào là lợi ích công. Trong quá trình tương tác, đối thoại và tranh luận, trước vấn đề cụ thể, các chủ thể khác nhau, các đối tượng khác nhau trong công chúng sẽ dựa trên sự khác nhau về lập trường, quan điểm giá trị, kinh nghiệm để thể hiện góc nhìn, quan điểm của mình. Qua đó, giúp nhà làm chính sách có được những thông tin và tri thức rất cần thiết cho việc lựa chọn phương án chính sách. Trong quá trình tương tác, đối thoại và tranh luận, người làm chính sách thực hiện vai trò là người tổ chức và người giải thích. Họ cần chuyển từ vai trò là “người nghiên cứu” sang vai trò là người tổ chức và giải thích, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động tranh luận, thảo luận chính sách. Nhà làm chính sách cần trợ giúp, khích lệ để những người tham gia tranh luận, thảo luận đưa ra ý kiến lý tính và có chiều sâu[15]. Đồng thời với điều này, người làm chính sách cũng cần thực hiện tốt vai trò là người diễn giải và thông qua sự quan sát để phát hiện được nhân tố giá trị, nhân tố lợi ích đằng sau những quan điểm của người tham gia; từ những chủ trương và luận cứ của người tham gia tranh luận để nắm bắt được thực chất của vấn đề[16].  Tóm lại, trong mô hình xã hội, nhà làm chính sách giữ vai trò là người tổ chức, điều phối, thúc đẩy hoạt động đối thoại và tranh luận. Thông qua phương thức này, chẳng những nhà làm chính sách có thể có được nhiều thông tin hơn, mà còn là phương thức để công chúng thể hiện quan điểm giá trị và lợi ích của mình đối với chính sách có liên quan.
Thứ ba, thông qua sự tham gia của người dân và sự tranh luận, biện luận, phản biện để học tập lẫn nhau, đồng thời tìm kiếm sự đồng thuận về phương án chính sách. Dựa trên cơ sở lý luận kiến tạo xã hội, mô hình xã hội phản đối việc nhà làm chính sách áp đặt một chiều quan điểm của mình cho công chúng và xã hội, phản đối sự “độc đoán” của người làm chính sách trong việc đưa ra phán quyết chủ quan. Bản chất và quy luật của thế giới, có thể do góc độ quan sát và nhận thức của họ khác nhau mà có sự khác nhau, rất khó nói ai thông minh hơn, tiên tiến hơn. Do đó, mô hình xã hội chủ trương, cần thúc đẩy sự tranh luận, đối thoại giữa người làm chính sách, các chủ thể lợi ích có liên quan và công chúng, để thông qua đó tìm kiếm sự đồng thuận về chính sách. Theo đó, trong quá trình đối thoại và biện luận, quan điểm nào “trụ vững” được một cách tốt nhất trước các ý kiến phản biện và phản bác thì có thể xem là đó quan điểm và kết luận đáng tin cậy nhất[17]. Mặt khác, chính trong quá trình đối thoại và tranh luận, những người tham gia cũng có thể có được tri thức mới, họ có thể suy nghĩ đến tính hợp lý trong quan điểm của người khác để điều chỉnh quan điểm giá trị và sở thích của mình[18]. Do đó, thiết kế chính sách theo phương thức dân chủ vừa là một quá trình học tập, vừa là một quá trình tìm kiếm sự đồng thuận về vấn đề và phương án chính sách.
Thứ tư, trong mô hình xã hội, chuyên gia và người làm chính sách trở thành đối tác hợp tác của người dân. Dân chủ hóa thông tin trong bối cảnh toàn cầu hóa, cũng như trong điều kiện trình độ mọi mặt của người dân ngày càng tăng lên như ngày nay đã làm cho tri thức và “sự độc quyền chân lý” của nhà làm chính sách đang gặp phải thách thức. Chính vì lẽ đó, thực hiện mô hình xã hội của HĐCS là một xu thế tất yếu, khách quan để kết hợp tốt tri thức của người làm chính sách với tri thức, kinh nghiệm của người dân. Khác với mô hình lý tính, trong mô hình xã hội, quyền tham gia của công dân và tiếng nói của công dân trong quá trình HĐCS được coi trọng và bảo đảm. Trong mô hình này, đội ngũ tham mưu cũng như người làm chính sách giữ vai trò là đối tác của công chúng, họ thực hiện vai trò là trợ giúp và thúc đẩy công chúng tiến hành thảo luận, tranh luận chính sách. Trong quá trình đối thoại và tranh luận, người làm chính sách có trách nhiệm sử dụng cách diễn đạt dễ hiểu để giải thích các tình tiết mang tính kỹ thuật và các khía cạnh phức tạp liên quan đến vấn đề chính sách, từ đó giúp công chúng thể hiện quan điểm của mình và đưa ra quyết định có lợi cho mình[19].Thông qua sự hợp tác giữa công chúng và nhà làm chính sách trong quá trình HĐCS, người làm chính sách và công chúng không chỉ có thể học tập lẫn nhau, mà còn có lợi cho việc nâng cao mức độ hiểu biết của người tham gia, từ đó đảm bảo tính khoa học của hoạt động đối thoại và tranh luận chính sách.
Thứ năm, thực hiện mô hình xã hội để đáp ứng nhu cầu tham gia của người dân vào quá trình HĐCS. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, dân chủ hóa và thông tin hóa hiện nay, thực hiện mô hình xã hội chính là để đáp ứng nhu cầu tham gia rộng rãi của công dân vào quá trình quản trị công. Mặt khác, việc vận dụng mô hình xã hội cũng là để thực hiện quyền công dân, khẳng định địa vị chủ thể và các quyền của công dân. Với tư cách một cơ chế quản trị xã hội, mô hình xã hội nhấn mạnh việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân đã được pháp luật quy định; nhấn mạnh và coi trọng quyền được biết, quyền tham gia, quyền thảo luận, quyền quyết định và quyền giám sát của công dân trong quá trình hoạch định các chính sách quan trọng của quốc gia và địa phương.Trong mô hình xã hội, người làm chính sách có thể thông qua các phương thức khác nhau như đối thoại, phản biện, lắng nghe ý kiến, diễn đàn... để thúc đẩy người dân tham gia bày tỏ ý kiến xoay quanh vấn đề chính sách nào đó. Thông qua các hình thức nêu trên, người làm chính sách có thể tiếp nhận được các loại thông tin cần thiết phục vụ cho việc thiết kế chính sách; mặt khác, cũng là phương thức để nâng cao năng lực tham gia của công dân, phát huy ý thức trách nhiệm của công dân, bồi dưỡng năng lực lý tính và tinh thần bao dung của công dân. Với các hình thức tham gia khác nhau, mô hình xã hội còn góp phần nâng cao mức độ tổ chức hóa của xã hội, từ đó phát triển mạng lưới chính sách, thúc đẩy việc thực hiện dân chủ hóa, khoa học hóa quá trình chính sách công.
3. Một số gợi mở cho Việt Nam
Từ lý luận mô hình xã hội của HĐCS, để tăng cường dân chủ hóa việc HĐCS ở nước ta, cần coi trọng một số vấn đề sau:
(i) Coi trọng nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về dân chủ hóa và sự tham gia của người dân trong quá trình HĐCS;
(ii) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là quy định của pháp luật về sự tham gia của người dân trong quá trình HĐCS;
(iii) Thực hiện tốt công khai, minh bạch, cũng như tạo lập cơ chế và đa dạng hóa hình thức tham gia của người dân trong quá trình HĐCS;
(iv) Coi trọng xây dựng các tổ chức tư vấn chính sách (think tank) nhằm phát huy tốt vai trò của nó trong quá trình xây dựng chính sách;
(v) Các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác; có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể để nhân dân bày tỏ ý kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân[20];
(vi) Phát huy đúng mức sự tham gia, nhất là nâng cao hiệu quả tư vấn và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, báo chí và các tổ chức xã hội;
(vii) Bồi dưỡng tinh thần công dân thông qua các phương thức khác nhau cũng như tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thật sự "gần dân, tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân".
 

 


[1] Các bước của HĐCS theo mô hình lý tính được đề cập trong nhiều tác phẩm khác nhau, điển hình, như: (1) H.Simon: Administrative Behavior, 2nd, New York: Macmillan, 1961; (2) E.S.Quade: Analysis for Public Decisons, 2nd ed, New York: Elsevier, 1982; (3) G.T. Allison: Essence of Decision, Boston: Little, Brown, 1971.
[2] Nguyễn Trọng Bình (2014), “Các yếu tố dẫn đến hiệu quả thấp trong thực thi chính sách công”, Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 4(119), tr. 39.
[3] Frank Fischer (2003), Reframing Public Policy - Discursive Politics and Deliberative Practices, Oxford: Oxford University.
[4] Nguyễn Trọng Bình (2014), “Từ thiết kế lý tính đến thiết kế xã hội trong hoạch định chính sách công”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 05 (261), kỳ 1- tháng 3/2014.
[5] Robert B.Denhardt (2003), The New Public Service: Serving, not Steering, M.E.Sharpe Press.
[6] Frank Fischer and Jonh Forester (1993): The Argumentative Turn in Policy Analysis and Planning. Durham, NC: Duke University Press.
[7] James Buchanan: A Contractual Paradigm for Applying Economics, American Economics Review, 1975, No. 5, pp. 225-230.
[8] Zhang Chengfu (2014), “On Open Government”, Journal of Renmin University of China, No.3.
[9] Udaya Wagle (2000), The Policy science of democracy: the issues of methodology and citizen participation. Policy Sciences, 33 (2), 207 – 223.
[10] Lyn Kathlene and John A.Martin (1991), “Enhancing citizen participation: panel designs, perspectives, and policy formation”. Journal of Policy Analysis and Management, 10 (1), 46 – 63.
[11] Giandomenico Majone (1989),  Evidence, Argument and Persuasion in the Policy Process. New York: Yale University Press.
[12] Carolyn M.Hendriks, John S.Dryzek and Christian Hunold (2007), “Turning up the heat: partisanship in deliberative innovation”. Political Studies, 55, 362 – 383.
[13] Frank Fischer (2003), Reframing Public Policy - Discursive Politics and Deliberative Practices. Oxford: Oxford University Press.
[14] Dvora Yanow (1995), Practices of policy interpretation. Policy Sciences, 28 (2), 111 – 126.
[15] Gerald Miller and Mara Sidney (2006), Handbook of Public Policy Analysis: Theory, Politics, and Methols. Boca Raton, FL: CRC Press, pp.223 – 236.
[16] Simone Chamber (2003), “Deliberative democaratic theory”. Annual Review of Political Sciense, (6), pp.307 – 326.
 
[17] Frank Fischer (2006), “Deliberative policy analysis as practical reason: integrating empirical and normative arguments”. In Frank Fischer, Gerald Miller and Mara Sidney (eds.): Handbook of Public Policy Analysis: Theory, Politics, and Methols. Boca Raton, FL: CRC Press, pp. 223 – 236
[18] Simone Chamber (2003), “Deliberative democaratic theory”. Annual Review of Political Sciense, (6), pp. 307-326.
[19] Frank Fischer and John Forester (1993): The Argumentative Turn in Policy Analysis and Planning. Durham, NC: Duke University Press.
 
[20] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Hà Nội.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 19 (419), tháng 10/2020.)