Phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với giới trẻ

05/01/2021

THS. NGUYỄN HẠNH NGUYÊN*

THS. TRỊNH THU HƯƠNG**

*,** Tổ chức HealthBridge tại Việt Nam.

Tóm tắt: Bài học từ các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada cho thấy việc cho phép lưu hành các sản phẩm thuốc lá mới đã đem lại hệ lụy báo động trong việc gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới trong giới trẻ và các vấn đề sức khỏe do sử dụng thuốc lá mới. Để ngăn ngừa nguy cơ một thế hệ trẻ nghiện các sản phẩm nicotine bao gồm các sản phẩm thuốc lá và thuốc lá mới, cũng như ngăn ngừa các tổn thất gây ra bởi sử dụng thuốc lá, Chính phủ không nên cho phép thí điểm sản xuất, quảng cáo, phân phối các sản phẩm này và tăng cường các giải pháp xử lý vi phạm quảng cáo, tiếp thị, buôn bán trái phép các sản phẩm thuốc lá mới hiện nay.
Từ khóa: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, quảng cáo thuốc lá.
Abstract: Lessons from countries in the world such as the US and Canada reveal that the permission of market circulation of new tobacco products has brought alarming consequences in the increase in the rate of the new tobacco use by the young and health problems caused by new tobacco products. It is advised that the Government should not allow point to manufacture, advertise and distribute these products and strengthen solutions to handle violations of advertising, marketing, and illegal trading of new tobacco products to prevent the risk of a younger generation becoming addicted to nicotine products including new tobacco products, as well as to prevent losses caused by tobacco use.
Keywords: Electronic tobacco; heated tobacco, tobacco advertising.
THUỐC-LÁ-ĐIỆN-TỬ_1.jpg            
Việc cho phép lưu hành các sản phẩm thuốc lá mới đã đem lại hệ lụy báo động trong việc gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới trong giới trẻ (Ảnh minh họa: Nguồn internet).
 
Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng sử dụng ở thanh thiếu niên trên thế giới và Việt Nam. Ngành công nghiệp thuốc lá xác định thanh thiếu niên là chìa khóa của thị trường. Kết quả là trẻ em và thanh thiếu niên là mục tiêu của những quảng cáo và tiếp thị thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới khi mà các quy định của pháp luật còn đang bỏ ngỏ. Vô vàn kỹ xảo và kênh quảng cáo tiếp thị được sử dụng để tiếp cận các sản phẩm thuốc lá mới tới giới trẻ. Những chiến lược này bao gồm thiết kế sản phẩm hấp dẫn với giới trẻ, tiếp thị trên các trang mạng xã hội phổi biến của giới trẻ, sử dụng giới trẻ để quảng cáo, sử dụng người nổi tiếng có sức ảnh hưởng tới giới trẻ để quảng cáo, v.v..
1.      Lịch sử ra đời của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Thuốc lá điện tử là các thiết bị điện tử hoạt động bằng cách sử dụng thiết bị điện tử làm nóng dung dịch lỏng hòa tan có chứa nicotine, hương liệu và các phụ gia khác, tạo ra hạt khí dung cho người dùng hít vào. Năm 1963, thuốc lá điện tử được phát minh bởi người Mỹ tên Herbert A Gilbert nhưng không được công ty thuốc lá nào sản xuất. Đến năm 2003/2004, dược sỹ người Trung Quốc đưa sản phẩm vào thị trường lấy tên là Ruyan. Năm 2006, thuốc lá điện tử được nhập vào thị trường Mỹ và châu Âu và kể từ đó thì sản phẩm này được sử dụng ngày càng gia tăng trên toàn thế giới[1].
Thuốc lá nung nóng là sự kết hợp giữa thiết bị điện tử bao gồm bộ phận tạo nhiệt làm nóng và sản phẩm thuốc lá (điếu thuốc hay đầu cắm lá thuốc ép). Thuốc lá nung nóng hoạt động bằng cách làm nóng điếu thuốc hay đầu mồi tới nhiệt độ đủ cao để sinh ra các hạt khói, làn khói có thể hít vào. Từ năm 1988, thuốc lá nung nóng có mặt ở thị trường. Tuy nhiên, ở giai đoạn mới này các sản phẩm thuốc lá nung nóng đã không thành công và bị rút khỏi thị trường do không hấp dẫn được người sử dụng. Nhưng đến năm 2014, thuốc lá nung nóng được đưa vào thị trường Nhật Bản, Ý và kể từ đó sản phẩm này đã được mở rộng thị trường ra nhiều nước trên toàn thế giới[2].
Có rất nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được sản xuất bởi các công ty khác nhau, trong đó dẫn đầu bởi có các công ty sản xuất thuốc lá truyền thống đa quốc gia như: British American Tobacco (BAT), Philip Morris International (PMI), Imperial, Japan Tobacco International (JTI).
Tại Việt Nam, đến khoảng năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới cũng bắt đầu du nhập qua đường xách tay từ nước ngoài mang về hoặc được nhập lậu nhưng cũng nhanh chóng thu hút giới trẻ.
2.      Ngành công nghiệp thuốc lá nhắm tới giới trẻ
Thuốc lá gây bệnh tật và tử vong. Khoảng một nửa người sử dụng thuốc lá tử vong sớm do hút thuốc. Do đó, để duy trì sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận, các công ty thuốc lá buộc phải tìm kiếm khách hàng thay thế bằng cách lôi kéo những khách hàng mới.
Nhiều tài liệu nội bộ của ngành công nghiệp thuốc lá được tiết lộ trong các vụ kiện chống lại ngành công nghiệp này cho thấy, các công ty thuốc lá từ lâu đã coi thanh thiếu niên là chìa khóa của thị trường, họ tiến hành nghiên cứu thói quen hút thuốc ở tuổi vị thành niên và phát triển các sản phẩm và chiến lược tiếp thị nhắm trực tiếp vào lứa tuổi này. Điển hình như các trích dẫn của công ty thuốc lá Phillip Morris:Thanh thiếu niên ngày nay là khách hàng thường xuyên tiềm năng của ngày mai, phần lớn những người hút thuốc bắt đầu hút thuốc ở tuổi thiếu niên… Các mô hình hút thuốc của thanh thiếu niên đặc biệt quan trọng”; của Lorillard Tobacco: “Nền tảng kinh doanh của chúng tôi là học sinh trung học”; hay RJ Reynolds có ám chỉ giới trẻ là “lực lượng thay thế duy nhất” cho những người bỏ thuốc hoặc chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá[3].
Năm 2014, báo cáo của Tổng hội Y khoa Hoa kỳ (Surgeon General Report) đã nhấn mạnh chiến lược marketing của ngành công nghiệp thuốc lá tới giới trẻ và cách mà ngành công nghiệp này duy trì các sản phẩm thuốc lá: “…nguyên nhân sâu xa của dịch bệnh hút thuốc đã được thể hiện rõ: ngành công nghiệp thuốc lá tích cực tiếp thị và quảng bá các sản phẩm gây chết người và gây nghiện, và không ngừng chiêu mộ thanh thiếu niên và những người trẻ để trở thành người tiêu dùng mới của các sản phẩm này”[4].
Việc ra đời các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, được ngành công nghiệp thuốc lá quảng bá là một giải pháp thay thế cho người hút thuốc và không nhằm vào giới trẻ. Tuy nhiên, bằng chứng thực tế cho thấy, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nhắm đến một lượng lớn khách hàng mới (chưa từng hút thuốc) bao gồm phụ nữ và trẻ em. Theo báo cáo của chính doanh nghiệp thuốc lá BAT (British American Tobacco), trong số các đối tượng sử dụng thuốc lá điện tử, 58% là người hút mới (chưa hút thuốc lá truyền thống), 42% là người mua để hút thay thế hoặc hút đồng thời với thuốc lá truyền thống; đối với thuốc lá nung nóng, tỷ lệ là 11% người hút mới mua thuốc lá nung nóng[5].
Kinh nghiệm ở một số quốc gia sau khi cho phép mua bán thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cho thấy, tỷ lệ người sử dụng gia tăng nhanh, đặc biệt là ở thanh thiếu niên. Ở Mỹ, theo kết quả của nghiên cứu hành vi nguy cơ của giới trẻ mới nhất vào năm 2019 do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC) công bố vào ngày 21/08/2020 cho thấy, việc sử dụng thuốc lá điện tử của thanh thiếu niên đã tăng vọt từ 13.2% năm 2017 lên 32.7% năm 2019. Một điều đáng báo động là gần một phần ba thanh niên sử dụng thuốc lá điện tử cho biết họ thường xuyên sử dụng (ít nhất 20 ngày mỗi tháng). Đây là dấu hiệu của việc bị nghiện nặng. Gần 11% học sinh trung học sử dụng thuốc lá điện tử ít nhất 20 ngày một tháng, chỉ ít hơn 2% so với thuốc lá truyền thống[6]. Tại Canada, thuốc lá điện tử trước đây đã bị cấm nhưng khi luật thay đổi cho phép bán vào năm 2018, cho phép tiếp thị hạn chế thì hậu quả là tỷ lệ hút tăng nhanh: trong 2 năm 2018 - 2019, việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới trong thanh thiếu niên đã tăng gấp đôi. Các nước quy định quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng như sản phẩm thuốc lá thông thường cho thấy tỷ lệ sử dụng gia tăng rất cao: Romania: 6,7% năm 2013 lên 8,2% năm 2017; Georgia: 5,7% năm 2014 lên 13,2% năm 2017; Italy: 8,4% năm 2014 lên 17,5% năm 2018 (GYTS, 2018)[7].
Năm 2018, Tổng hội Y khoa Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ, nhấn mạnh các giải pháp tích cực để bảo vệ trẻ em khỏi những sản phẩm cực kỳ nguy hiểm này mà có nguy cơ phơi nhiễm cả một thế hệ thanh niên với nicotine”[8].
3.      Các chiêu thức quảng cáo, tiếp thị thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhắm tới giới trẻ
Các nhà sản xuất thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã sử dụng nhiều cách thức khác nhau để thu hút thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thông qua hương vị hấp dẫn, thiết kế sản phẩm bắt mắt, thời trang, theo xu hướng công nghệ, quảng bá trên mạng xã hội của giới trẻ và giữ khách hàng bằng các sản phẩm có hàm lượng nicotine cao.
-Hương vị hấp dẫn
Tính đến năm 2017, các nhà nghiên cứu đã xác định được hơn 15.500 hương vị thuốc lá điện tử có sẵn trực tuyến. Một nghiên cứu về hương vị thuốc lá điện tử cho thấy, trong số hơn 400 nhãn hiệu có sẵn trong năm 2014 ở Mỹ, 84% cung cấp hương vị trái cây và 80% cung cấp hương vị kẹo và món tráng miệng. Bên cạnh đó, hàng ngàn cửa hàng thuốc lá điện tử mở cửa cho phép người tiêu dùng được dùng thử và mua dung dịch thuốc lá điện tử, bao gồm cả sự kết hợp của các hương vị được lựa chọn bởi người dùng[9].
Ở Việt Nam, một khảo sát nhanh thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh do tổ chức HealthBridge và Hội Y tế công công Việt Nam thực hiện vào tháng 7/2020[10] cho thấy, hương vị là một trong những yếu tố thúc đẩy thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử. Một số ý kiến được ghi nhận của thanh thiếu niên bao gồm:
Có hai yếu tố (thúc đẩy sử dụng). Đầu tiên là về mặt hương vị, nó có rất nhiều hương vị. Mình rất là thích....” (Nam, 21 tuổi).
Mình coi các quảng cáo các sản phẩm mới, các thứ về các loại hương vị thì mình cũng thấy tò mò về mua, về dùng thử mình lại thích sau đấy mình dùng nhiều hơn” (Nam, 22 tuổi).
Vì nó có các vị khác nhau nên là nó có thể thoải mái lựa chọn và có những vị rất quen thuộc như cocacola, 7-up, trà sữa…. Thứ hai là nó mang lại cho mình cảm giác kiểu cái hơi lúc tỏa khói ra thì rất là mát, thơm… đó là những cái lý do mà em ấn tượng trong lúc em mới biết đến” (Nam, 21 tuổi).
Vị bánh trứng là một trong những loại bạn em giới thiệu cho em. Em tò mò tại sao lại là bánh trứng thì đúng là nó có vị bánh trứng thật nó hút như kiểu mình đang ăn cái bánh trứng ấy vào. Cái thứ hai là chanh tuyết, nó kiểu đúng thực sự là gọi một cốc chanh tuyết ra rồi từ ấy vì em hút xong ngày đầu tiên cái lọ ấy là em bị đau họng luôn vì lạnh quá. Mặc dù là đun nóng nhưng trong đấy lại có một lọ kích, nó hoàn toàn có thể làm cho lạnh hơn nữa được bằng việc là nó có một cái lọ kích lạnh, sau khi mua cái lọ tinh dầu thường về chị đổ một cái lọ kích lạnh vào thì cái tinh dầu của chị sẽ lạnh hơn” (Nam, 21 tuổi).
-Thiết kế sản phẩm ấn tượng để tạo trào lưu và phong cách hướng đến giới trẻ
Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được chế tạo đa dạng từ màu sắc đến hình dạng, thiết kế ấn tượng, kết hợp nhiều tính năng sử dụng tiện lợi để hấp dẫn giới trẻ.
Kết quả khảo sát nhanh ở Việt Nam cho thấy10, các bạn trẻ bị hấp dẫn bởi thiết kế, trào lưu sử dụng và tính tiện dụng của các sản phẩm thuốc lá điện tử:
Em thấy thứ nhất là nó tiện hơn thuốc lá. Thứ hai là em thấy nhiều kiểu dáng, mẫu mã đẹp. Trông nó rất là kiểu ăn chơi” (Nữ, 21 tuổi).
   “Theo em thấy thì biểu diễn trên YouTube, biểu diễn nhả bói kiểu trick ý nhìn rất là đẹp, rất là bắt mắt. Qua những cái video đấy mình lại học, học các cái skill đấy. Mình làm theo, biểu diễn theo” (Nam, 21 tuổi).
Ấn tượng thì tất nhiên là chắc chắn là về mặt hình ảnh rồi. Tại vì mình nói cái thiết kế của họ, thiết kế của sản phẩm đó rất bắt mắt, nhiều khi mình cũng mua chỉ là để sưu tập các thứ thôi” (Nam, 22 tuổi).
-Sử dụng mạng xã hội và tài trợ cho người nổi tiếng và có ảnh hưởng trên mạng xã hội 
Các thương hiệu thuốc lá điện tử mới gần đây hầu như phụ thuộc rất nhiều vào phương tiện truyền thông mạng xã hội để tiếp thị và quảng bá sản phẩm.
Một cuộc điều tra kéo dài hai năm của Chiến dịch Vì trẻ em không thuốc lá (Campaign for Tobacco Free Kids) đã cho thấy, các công ty thuốc lá sử dụng mạng xã hội để chạy các chiến dịch truyền thông và quảng bá sản phẩm thông qua việc trả tiền cho những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội – những người nổi tiếng với lượng người theo dõi trực tuyến lớn – để đăng tải hình ảnh về sản phẩm thuốc lá và hành vi hút thuốc như một phần của chiến lược tiếp thị được ghi nhận ở hơn 40 quốc gia. Cuộc điều tra đã ghi lại hơn 100 chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội của các công ty thuốc lá đa quốc gia lớn như Philip Morris International, British American Tobacco, Japan Tobacco International và Imperial Brands[11].
Một nghiên cứu khác với nhãn hiệu thuốc lá điện tửJUUL đã cho thấy, để ra mắt sản phẩm vào năm 2015, nhà sản xuất này đã chi hơn 1 triệu đô la để tiếp thị sản phẩm trên internet. Thương hiệu này đã trả tiền cho các chiến dịch trên Twitter, Instagram và YouTube để quảng bá hình ảnh và quảng cáo do công ty tài trợ có liên quan đến JUUL với sự mát mẻ, vui vẻ, thư giãn, tự do và hấp dẫn giới tính[12].
Ở Việt Nam, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội. Theo một báo cáo rà soát tin tức về thuốc lá và phòng chống tác hại thuốc lá trên các kênh truyền thông internet tại Việt Nam (báo điện tử, trang thông tin điện tử, Blog, Diễn đàn (forum), mạng xã hội Facebook, Youtube) cho thấy: trong vòng 3 tháng (07/2019-09/2019) có tới 61.760 tin, bài đăng liên quan đến thuốc lá điện tử; trong đó 99% tin bài được đăng trên mạng xã hội Facebook; nội dung thông tin chủ yếu là mua bán, quảng cáo, review kinh nghiệm sử dụng[13].
-Tài trợ cho các lễ hội, sự kiện thể thao, âm nhạc
Vào năm 2013, nhãn hiệu thuốc lá điện tửBlueCigs® đã tài trợ cho Lễ hội âm nhạc Sasquatch ở Washington, nơi có phòng chờ hơi nước với sự xuất hiện bất ngờ của các nghệ sĩ hàng đầu, bố trí trạm sạc thiết bịthuốc lá điện tử, gian hàng ảnh truyền thông tương tácmạng xã hội và các mẫu thuốc lá điện tửblueCigs. Gần đây hơn, JUUL đã tài trợ cho một chương trình âm nhạc đỉnh cao tại Liên hoan phim Sundance 2018 ở Utah[14].
Philip Morris International (PMI) và British America Tobacco (BAT) đã tài trợ cho các đội đua tham dự giải đua xe công thức 1 (F1) để quảng bá slogan của nhãn hiệu với chiêu bài thúc đẩy các sáng kiến mới không khói thuốc trên xe và trang phục đội đua. Cụ thể, Philip Morris International (PMI) tài trợ cho đội đua F1 của hãng Ferrari để quảng bá slogan “Mission Winnow”; và British America Tobacco (BAT) tài trợ đội đua F1 của hãng McLaren để quảng bá “A Better Tomorrow” cho thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Tại Việt Nam, hai thông điệp quảng cáo này cũng được gắn lên các đội đua và xe đua và được quảng cáo trên trang fanpageVietnam Grand Prix vào 2/2020 để chuẩn bị cho giải đua tại Việt Nam[15],[16].
Các cách thức khác   
Các phương pháp quảng cáo, tiếp thị thuốc lá truyền thống cũng được áp dụng với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng bao gồm trưng bày điểm bán hấp dẫn, giảm giá sản phẩm, quà tặng hấp dẫn, bán hàng trên các nền tảng mua bán trực tuyến để tăng khả năng tiếp cận và tiếp thị gián tiếp các sản phẩm thuốc lá trong các tác phẩm điện ảnh, chương trình truyền hình.
4.      Kết luận và khuyến nghị
Sử dụng thuốc lá đã và đang là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất trên thế giới. Nó giết chết hơn 8 triệu người mỗi năm. Tuy nhiên, ngành công nghiệp thuốc lá tiếp tục chiến lược duy trì nhu cầu cho các sản phẩm của mình trên thị trường bằng cách ra đời các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và nhắm tới giới trẻ để tạo ra một thế hệ hút thuốc lá mới nhằm mục tiêu duy trì việc sử dụng thuốc lá và gia tăng lợi nhuận.
Các tập đoàn công nghiệp thuốc lá trên thế giới đã không ngừng đầu tư cho việc nghiên cứu kỹ lưỡng, từ việc thiết kế sản phẩm hấp dẫn giới trẻ cho đến các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị tinh vi nhắm tới giới trẻ.
Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra khuyến cáo về việc bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và kêu gọi các quốc gia cần có hành động kịp thời để giúp thế hệ trẻ không bị lừa dối và lôi kéo bởi các chiến lược của ngành công nghiệp thuốc lá, xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh.
Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng đã du nhập vào Việt Nam. Mặc dù tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn thấp nhưng đang có xu hướng gia tăng sử dụng trong giới trẻ, cùng với sự gia tăng thông tin/phơi nhiễm với quảng cáo, khuyến mại và bán các sản phẩm thuốc lá mới trên internet, đặc biệt là trên các mạng xã hội phổ biến của giới trẻ. Chính vì vậy, Bộ Y tế đang đề xuất Chính phủ không nên cho phép thí điểm sản xuất, quảng cáo, phân phối các sản phẩm này và tăng cường các giải pháp xử lý vi phạm quảng cáo, tiếp thị, buôn bán trái phép các sản phẩm thuốc lá mới hiện nay./.

 


[1] Kennedy RD, et al. Global approaches to regulating electronic cigarettes. Tob Control 2017; 26:440–445.
[2] Bialous SA, Glantz SA Heated tobacco products: another tobacco industry global strategy to slow progress in tobacco control Tobacco Control 2018;27:s111-s117.
[3] Campaign for Tobacco Free Kids. “Still Seeking Replacements: How Big Tobacco Targets Kids Today”. Available at: https://www.tobaccofreekids.org/microsites/replacements/assets/2015_03_17_marketing_report.pdf.
[4] Campaign for Tobacco Free Kids, "Tobacco Company Marketing to Kids.," [Online]. Available: https://www.tobaccofreekids.org/assets/factsheets/0008.pdf.
[5] STOP. “Addiction at any cost: Philip Morris International Uncovered”. Available at: https://exposetobacco.org/wp-content/uploads/STOP_Report_Addiction-At-Any-Cost.pdf.
[6] U.S. Food and Drug, "FDA News Release (online). Trump Administration Combating Epidemic of Youth E-Cigarette Use with Plan to Clear Market of Unauthorized, Non-Tobacco-Flavored E-Cigarette Products," [Online]. Available: https://bit.ly/2ZfOGo9
[7] WHO. Global Youth Tobacco Survey (GYTS), 2017, 2018.
[8] Campaign for Tobacco Free Kids, "Tobacco Company Marketing to Kids.," [Online]. Available: https://www.tobaccofreekids.org/assets/factsheets/0008.pdf.
[9] Campaign for Tobacco Free Kids, "Electronic Cigarettes and Youth," [Online]. Available: https://www.tobaccofreekids.org/assets/factsheets/0382.pdf.
[10] HealthBridge, Hội Y tế công cộng Việt Nam. Kết quả khảo sát định tính về sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên tại Hà Nội, 07/2020.
[11] Campaign for Tobacco Free Kids, "New Investigation Exposes How Tobacco Companies Market Cigarettes on Social Media in the U.S. and Around the World," [Online]. Available: https://www.tobaccofreekids.org/press-releases/2018_08_27_ftc.
[12] Truth Initiative, "4 marketing tactics e-cigarette companies use to target youth," [Online]. Available: https://truthinitiative.org/research-resources/tobacco-industry-marketing/4-marketing-tactics-e-cigarette-companies-use-target.
[13] Fermion, "Báo cáo phân tích tổng hợp về phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam, giai đoạn 01/07/2019-30/09/2019".
[14] Truth Initiative, "4 marketing tactics e-cigarette companies use to target youth," [Online]. Available: https://truthinitiative.org/research-resources/tobacco-industry-marketing/4-marketing-tactics-e-cigarette-companies-use-target.
[15] "Vietnam Grand Prix," [Fanpage]. Available: https://bit.ly/2YEomEX.
[16] Ngày 16/10/2020, UBND Thành phố Hà Nội, Công ty TNHH Hiệp hội Thể thao xe động cơ và Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix chính thức thông báo hủy chặng đua xe Công thức 1 tại Việt Nam năm 2020  do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 21 (421), tháng 11/2020.)