Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

13/12/2020

TS. NGÔ VĂN VỊNH

Học viện Chính trị CAND,

THS. HOÀNG THỊNH

Học viện Chính trị Công an nhân dân.

Tóm tắt: Bài viết này phân tích làm rõ những điểm mới; những hạn chế, bất cập trong các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (CQĐT); và đề xuất hướng hướng hoàn thiện pháp luật trên các phương diện kỹ thuật lập pháp, sự phù hợp, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác cũng như thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Từ khóa: Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Cơ quan điều tra, Bộ luật Tố tụng hình sự.
Abstract: This article provides clarifications of the new contents; shortcomings and inadequacies in a number of the provisions of the Code of Criminal Procedure of 2015 on duties, powers, and responsibilities of the Heads, Deputy Heads of Investigation Agency, and also provide recommendations for further improvements of the law in terms of legislative techniques, the suitability, and consistency with other legal documents as well as prevention and fighting practice against the crimes.
Keywords: Heads of Investigation Agency, Deputy Heads of Investigation Agency, Investigation Agency, Code of Criminal Procedure.
 THỦ-TRƯỞNG-CƠ-QUAN-ĐIỀU-TRA.jpg
 Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Những điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra
Điều 34 Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2003 quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (CQĐT). Trên cơ sở kế thừa những quy định này, Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định của Bộ luật TTHS năm 2003, đồng thời bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể này trên thực tế cũng như các quy định mới trong Bộ luật TTHS.
Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng CQĐT theo 02 nhóm: nhiệm vụ, quyền hạn khi thực hiện chức năng quản lý hoạt động tố tụng của CQĐT; nhiệm vụ, quyền hạn khi tiến hành TTHS[1]. Với mỗi nhóm này, Bộ luật TTHS năm 2015 đều có sự sửa đổi, bổ sung so với Bộ luật TTHS năm 2003, cụ thể như sau :
1) Đối với nhóm nhiệm vụ, quyền hạn khi thực hiện chức năng quản lý hoạt động tố tụng của CQĐT
Một là, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố[2].
Theo các quy định tại Chương VIII Bộ luật TTHS năm 2003[3], CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và các hoạt động khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, điểm a khoản 1 Điều 34 Bộ luật TTHS năm 2003 lại không quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động này[4]. Khắc phục bất cập này, điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố. Việc bổ sung này cũng đã bảo đảm sự thống nhất với các quy định tại Chương IX Bộ luật TTHS năm 2015[5] (Chương này quy định rất cụ thể về việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố)[6].
Hai là, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn: Quyết định thay đổi Phó Thủ trưởng CQĐT, thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm; kiểm tra việc khởi tố của Phó Thủ trưởng CQĐT[7].
Bộ luật TTHS năm 2015 mở rộng nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng CQĐT theo hướng lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hoạt động của CQĐT, trong đó có hoạt động của Phó Thủ trưởng CQĐT. Cụ thể, nếu như điểm b khoản 1 Điều 34 Bộ luật TTHS năm 2003 quy định Thủ trưởng CQĐT chỉ có nhiệm vụ, quyền hạn phân công Phó Thủ trưởng CQĐT thì điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 đã bổ sung quyền thay đổi Phó Thủ trưởng CQĐT; quyền trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm; quyền thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm; quyền kiểm tra việc khởi tố của Phó Thủ trưởng CQĐT[8].
Ba là, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn quyết định phân công hoặc thay đổi Cán bộ điều tra; kiểm tra các hoạt động thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Cán bộ điều tra[9]. Cùng với việc bổ sung chức danh tố tụng mới là Cán bộ điều tra, Bộ luật TTHS năm 2015 đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn trên của Thủ trưởng CQĐT đối với hoạt động của Cán bộ điều tra.
2) Đối với nhóm nhiệm vụ, quyền hạn khi tiến hành TTHS
Một là, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố[10]. Việc bổ sung này nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa quy định chung về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng CQĐT tại Điều luật này với quy định riêng về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng CQĐT tại điểm a khoản 1 Điều 147 Bộ luật TTHS năm 2015[11].
Hai là, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn quyết định bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án; quyết định bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can; quyết định ủy thác điều tra[12].
Việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn này nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng CQĐT tại Bộ luật TTHS năm 2003. Theo quy định của điểm a khoản 2 Điều 34 Bộ luật TTHS năm 2003, Thủ trưởng CQĐT có thẩm quyền ra quyết định bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án[13]; quyết định bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can[14]; quyết định ủy thác điều tra[15]. Tuy nhiên, điểm a khoản 2 Điều 34 Bộ luật TTHS năm 2003 chỉ quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn “Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; quyết định không khởi tố vụ án; quyết định nhập hoặc tách vụ án”. Bên cạnh đó, việc bổ sung này cũng nhằm bảo đảm tính thống nhất với các quy định tại các Điều 156, 171 và 180 của Bộ luật TTHS năm 2015 về nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐT[16].
Ba là, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp cưỡng chế, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định của Bộ luật TTHS[17].
Bộ luật TTHS năm 2015 đã bổ sung những nội dung mới quy định về các biện pháp cưỡng chế tại mục II, Chương VII Bộ luật TTHS năm 2015; các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt tại Chương XVI. Theo đó, Thủ trưởng CQĐT có thẩm quyền áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp cưỡng chế, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt[18]. Do đó, điểm b khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 đã bổ sung những nhiệm vụ, quyền hạn này[19].
Bốn là, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn quyết định đình nã bị can[20]. Việc bổ sung này nhằm tạo sự thống nhất với quy định riêng về nhiệm vụ, quyền hạn này của Thủ trưởng CQĐT tại khoản 3 Điều 231 Bộ luật TTHS năm 2015[21].
Năm là, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn quyết định trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại, thực nghiệm điều tra, thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định. Yêu cầu định giá, định giá lại tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản[22].
Sáu là, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn trực tiếp kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm[23].
Thủ trưởng CQĐT cũng là Điều tra viên[24]chonên cùng với việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn trực tiếp kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm cho Điều tra viên[25], điểm đ khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 cũng đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn này cho Thủ trưởng CQĐT.
Bên cạnh việc bổ sung, quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng CQĐT, khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 tiếp tục quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Phó Thủ trưởng CQĐT với tư cách là người giúp Thủ trưởng CQĐT trong việc thực hiện chức năng quản lý hoạt động tố tụng của CQĐT: “Khi vắng mặt, Thủ trưởng Cơ quan điều tra ủy quyền cho một Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Phó Thủ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng về nhiệm vụ được ủy quyền”[26]. Với tư cách là một chức danh tố tụng độc lập, khi được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự, Phó Thủ trưởng CQĐT có những nhiệm vụ, quyền hạn như Thủ trưởng CQĐT, trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015[27]; đồng thời, Phó Thủ trưởng CQĐT không được giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định của mình[28]. Như vậy, có thể thấy rằng, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Thủ trưởng CQĐT đã có sự mở rộng hơn nhiều so với Bộ luật TTHS năm 2003[29].
Ngoài ra, khoản 4 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 còn bổ sung quy định Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT không được ủy quyền cho Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
2. Một số kiến nghị, đề xuất
Nghiên cứu các quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT, và từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số vấn đề sau:
1) Về nhóm nhiệm vụ, quyền hạn khi thực hiện chức năng quản lý hoạt động tố tụng của Thủ trưởng CQĐT
Chúng tôi cho rằng, điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm tra việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Phó Thủ trưởng CQĐT là chưa đầy đủ. Theo đó, cần bổ sung quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm tra cả việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm của Phó Thủ trưởng CQĐT. Bởi lẽ, Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn phân công hoặc thay đổi Phó Thủ trưởng CQĐT thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm cho nên cũng có thẩm quyền kiểm tra các hoạt động này[30]. Ngoài ra, việc quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn Quyết định phân công hoặc thay đổi Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra...”[31]là chưa cụ thể. Chúng tôi cho rằng, cần quy định rõ việc phân công hoặc thay đổi Phó Thủ trưởng CQĐT gắn với hoạt động cụ thể như thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự[32] để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc áp dụng trong thực tế. Với sự phân tích trên đây, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 như sau:
“Quyết định phân công hoặc thay đổi Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trong việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự; thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm; kiểm tra việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra”[33].
Tương tự như trên, cần quy định rõ việc quyết định phân công hoặc thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra trong các hoạt động cụ thể: Thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự; đồng thời, thay cụm từ “Cán bộ điều tra” bằng cụm từ “Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra” để phân biệt với Cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Theo đó, điểm c khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 được sửa đổi như sau:
“Quyết định phân công hoặc thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra trong việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự; kiểm tra các hoạt động thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Điều tra viên”[34].
2) Về nhóm nhiệm vụ, quyền hạn khi tiến hành TTHS của Thủ trưởng CQĐT
- Khoản 1 Điều 149 Bộ luật TTHS năm 2015[35] quy định CQĐT có thẩm quyền quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Tuy nhiên, điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 lại không quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn này. Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 158 Bộ luât TTHS năm 2015[36], CQĐT có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, tuy nhiên điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 chỉ quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn “...quyết định khởi tố, không khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án; quyết định khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can...” mà không quy định nhiệm vụ, quyền hạn quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự. Do đó, chúng tôi cho rằng, cần bổ sung quy định về những nhiệm vụ, quyền hạn này[37] trong quy định chung về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng CQĐT. Theo đó, điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 được sửa đổi như sau:
“Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quyết định khởi tố, không khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án; quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự; quyết định khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can; quyết định nhập hoặc tách vụ án; quyết định ủy thác điều tra”[38].
- Điểm b khoản 1 Điều 281 Bộ luật TTHS năm 2015[39] quy định, CQĐT không chỉ có thẩm quyền truy nã, đình nã bị can mà còn có thẩm quyền truy nã, đình nã bị cáo. Tuy nhiên, điểm c khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 chỉ quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn Quyết định truy nã, đình nã bị can...”. Để bảo đảm tính thống nhất giữa các điều luật, chúng tôi cho rằng, cần bổ sung cho Thủ trưởng CQĐT nhiệm vụ, quyền hạn truy nã, đình nã bị cáo. Theo đó, điểm c khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 cần được sửa đổi như sau:
Quyết định truy nã, đình nã bị can, bị cáo, khám xét, thu giữ, tạm giữ, xử lý vật chứng”[40].
- Điểm d khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn “…thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định... yêu cầu thay đổi người định giá tài sản”. Tuy nhiên, khoản 6 Điều 68[41] và khoản 6 Điều 69[42] Bộ luật TTHS năm 2015 quy định CQĐT có thẩm quyền quyết định việc thay đổi người giám định, người định giá tài sản chứ không phải yêu cầu thay đổi người giám định hay yêu cầu thay đổi người định giá tài sản. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 76 Bộ luật TTHS năm 2015[43] quy định CQĐT có quyền yêu cầu, đề nghị cử người bào chữa; khoản 1, 5 Điều 70 Bộ luật TTHS năm 2015[44]quy định CQĐT có thẩm quyền yêu cầu, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật, tuy nhiên, các nhiệm vụ, quyền hạn này chưa được quy định tại Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015. Để bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định của Bộ luật TTHS năm 2015, chúng tôi cho rằng, cần sửa đổi điểm d khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 như sau:
“Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, khai quật tử thi, thực nghiệm điều tra, thay đổi người giám định. Yêu cầu định giá, định giá lại tài sản, thay đổi người định giá tài sản. Yêu cầu, đề nghị cử người bào chữa; yêu cầu, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật[45].
- Khoản 1 Điều 457[46] và Điều 458[47] Bộ luật TTHS năm 2015 quy định, CQĐT, Viện kiểm sát, Tòa án có thẩm quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể Viện kiểm sát, Tòa án  được Bộ luật TTHS năm 2015 quy định tại điểm l khoản 2 Điều 41[48] và điểm c khoản 2 Điều 44[49]. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 lại không quy định nhiệm vụ, quyền hạn này cho Thủ trưởng CQĐT. Để bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định của Bộ luật TTHS năm 2015, chúng tôi cho rằng, cần bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Thủ trưởng CQĐT vào khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015.
Thứ ba, đối với nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Thủ trưởng CQĐT.
Khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn phân công Phó Thủ trưởng CQĐT thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Tuy nhiên khoản 3 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015[50] lại chỉ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Thủ trưởng CQĐT khi được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự. Quy định này không bảo đảm sự thống nhất, chưa bảo đảm cơ sở pháp lý cho Phó Thủ trưởng CQĐT thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình khi được phân công thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Do vậy, chúng tôi cho rằng, cần sửa đổi khoản 3 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 như sau:
“Khi được phân công thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này...”[51].
 
 

 


[1] Điều 34 Bộ luật TTHS năm 2003 cũng xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng CQĐT theo 02 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn này.
[2] Xem điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015.
[3] Tên Chương là Khởi tố vụ án hình sự.
[4] Điểm a khoản 1 Điều 34 Bộ luật TTHS năm 2003 chỉ quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn Trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra”.
[5] Tên Chương là Khởi tố vụ án hình sự.
[6] Theo điểm d khoản 1 Điều 4 Bộ luật TTHS năm 2015 thì tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là nguồn tin về tội phạm.
[7] Xem điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015.
[8] Điểm c khoản 1 Điều 34 Bộ luật TTHS năm 2003 chỉ quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn “Kiểm tra các hoạt động điều tra của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra…”.
[9] Xem điểm c khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015.
[10] Xem điểm a khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015.
[11] Theo điểm a khoản 1 Điều 147 Bộ luật TTHS năm 2015, CQĐT có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
[12] Xem điểm a khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015.
[13] Xem Điều 106 Bộ luật TTHS năm 2015.
[14] Xem Điều 127 Bộ luật TTHS năm 2015.
[15] Xem Điều 118 Bộ luật TTHS năm 2015.
[16] Theo các điều luật này, CQĐT có thẩm quyền quyết định bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án; quyết định bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can; quyết định ủy thác điều tra.
[17] Xem điểm b khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015.
[18] Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh, Thủ trưởng CQĐT quân sự cấp quân khu trở lên.
[19] Điểm b khoản 2 Điều 34 Bộ luật TTHS năm 2003 chỉ quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn “Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn”.
[20] Xem điểm c khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015.
[21] “Sau khi bắt được bị can theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã phải ra quyết định đình nã”.
[22] Xem điểm d khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015.
[23] Xem điểm đ khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015.
[24] Khoản 1 Điều 57 Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 quy định “Điều tra viên cao cấp hoặc Điều tra viên trung cấp có năng lực tổ chức, chỉ đạo hoạt động điều tra thì có thể được bổ nhiệm làm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra”.
[25] Xem điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật TTHS năm 2015.
[26] Cơ chế hoạt động TTHS khác với cơ chế hoạt động quản lý hành chính, do đó, hoạt động TTHS không thực hiện chế độ ký thay mà thực hiện chế độ ủy quyền. Việc ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản.
[27] “Quyết định phân công hoặc thay đổi Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiểm tra việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra”.
[28] Xem khoản 3 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015.
[29] Khoản 3 Điều 34 Bộ luật TTHS năm 2003 quy định “Khi được phân công điều tra vụ án hình sự, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra có những nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại khoản 2 Điều này”.
[30] Nhiệm vụ, quyền hạn này cũng được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 “...kiểm tra các hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Điều tra viên”.
[31] Xem điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015.
[32] Điểm d, khoản 1 Điều 52 Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn “Quyết định phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra vụ án hình sự”; điểm b khoản 1 Điều 39 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định cấp trưởng của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có nhiệm vụ, quyền hạn “Quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó, cán bộ điều tra trong việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự”; điểm b khoản 1 Điều 40 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định cấp trưởng của các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có nhiệm vụ, quyền hạn “Quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó, cán bộ điều tra trong việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự”.
[33] Nội dung nghiêng, đậm là nội dung được kiến nghị sửa đổi, bổ sung so với quy định của Bộ luật TTHS năm 2015.
[34] Nội dung nghiêng, đậm là nội dung được kiến nghị sửa đổi, bổ sung so với quy định của Bộ luật TTHS năm 2015.
[35] “Khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố...”.
[36] “Khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 của Bộ luật này thì người có quyền khởi tố vụ án ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; nếu đã khởi tố thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố biết rõ lý do;...”.
[37] Bao gồm Quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự.
[38] Nội dung nghiêng, đậm là nội dung được kiến nghị sửa đổi, bổ sung so với quy định của Bộ luật TTHS năm 2015.
[39] “Không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử; trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can, bị cáo trước khi tạm đình chỉ vụ án. Việc truy nã bị can, bị cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 231 của Bộ luật này”.
[40] Nội dung nghiêng, đậm là nội dung được sửa đổi, bổ sung so với quy định của Bộ luật TTHS năm 2015.
[41] “Việc thay đổi người giám định do cơ quan trưng cầu giám định quyết định”.
[42] “Việc thay đổi người định giá tài sản do cơ quan yêu cầu định giá tài sản quyết định”.
[43] “Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này...”.
[44] “1. Người phiên dịch, người dịch thuật là người có khả năng phiên dịch, dịch thuật và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt hoặc có tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt.
5. Việc thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật do cơ quan yêu cầu phiên dịch, dịch thuật quyết định”.
[45] Nội dung nghiêng, đậm là nội dung được kiến nghị sửa đổi, bổ sung so với quy định của Bộ luật TTHS năm 2015.
[46] “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện quy định tại Điều 456 của Bộ luật này, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn…”.
[47] “Trong quá trình áp dụng thủ tục rút gọn, nếu một trong các điều kiện quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 456 của Bộ luật này không còn hoặc vụ án thuộc trường hợp tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và giải quyết vụ án theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này...”.
[48] Điều 41 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát.
[49] Điều 44 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án.
[50] “Khi được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này...”.
[51] Nội dung nghiêng, đậm là nội dung được kiến nghị sửa đổi, bổ sung so với quy định của Bộ luật TTHS năm 2015.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 15 (415), tháng 8/2020.)