Quy định về chống thư rác, tin nhắn rác nhằm bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam

10/12/2020

THS. VÕ THỊ THANH LINH

Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Đà Lạt.

 
 
Tóm Tắt: Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ về chống thư rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác (Nghị định số 91)) ra đời với nhiều quy định mới và mang tính khả thi cao. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đánh giá một số điểm mới của Nghị định số 91 và những khó khăn của Việt Nam khi triển khai trên thực tiễn, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm cụ thể hoá Nghị định trong thời gian tới.
Từ khóa: Thư rác, tin nhắn rác, quảng cáo, bảo vệ người dùng, Nghị định số 91.
Abstract: The Decree No. 91/2020/ND-CP dated August 14, 2020 of the Government  of Vietnam on fight against the spam email, spam messages, spam calls (called "Decree No. 91") was issued with several new and highly feasible regulations. In the scope of this article, the author provides assessments of new provisions under Decree No. 91 and the difficulties of Vietnam when they are enforced in practice, as well as proposes a number of recommendations for further guidance of the Decree in coming time.
Keywords: Spam email, spam messages, advertisement, consumer protection, Decree No. 91.
 THƯ-RÁC.jpg
 Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Quy định của pháp luật Việt Nam về thư rác, tin nhắn rác đối với người tiếp nhận quảng cáo thương mại bằng phương tiện điện tử
1.1. Quy định về chức năng từ chối nhận quảng cáo
Trước đây, pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về việc xây dựng công cụ để có thể từ chối quảng cáo (TCQC) hoặc huỷ nhận quảng cáo. Đây là lý do các doanh nghiệp không thực hiện đúng nghĩa vụ đảm bảo chức năng “từ chối” nhận quảng cáo của người dùng. Để đảm bảo cho người dùng có thể thực hiện được quyền từ chối nhận quảng cáo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020. Nghị định số 91 đã quy định cụ thể về chức năng từ chối và cách thức thông báo quyền từ chối, hình thức từ chối, nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ hoặc người quảng cáo khi nhận được từ chối. Khi một doanh nghiệp, tổ chức quảng cáo gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, phần thông tin cho phép người nhận từ chối nhận thư điện tử quảng cáo phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 16 Nghị định số 91; theo đó: 
- Chức năng từ chối quảng cáo phải được đặt ở cuối thư điện tử, tin nhắn quảng cáo và được thể hiện rõ ràng, dễ hiểu bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Ví dụ: Đối với thư điện tử quảng cáo, người tiếp nhận quảng cáo có thể từ chối nhận quảng cáo bằng cách nhấn vào mục “Tôi không muốn nhận email này” hoặc “Hủy theo dõi” ở cuối thư điện tử quảng cáo. Đối với người tiếp nhận quảng cáo ở thiết bị di động sẽ thực hiện cú pháp: “TCQC gửi 9324 hay TC gửi 9821” ở cuối tin nhắn quảng cáo để thực hiện chức năng từ chối. Tuy vậy, các quy định này vẫn còn nhiều bất cập, bởi lẽ với tần suất gửi đi rất nhiều thư điện tử và tin nhắn quảng cáo trong một khoảng thời gian, việc đảm bảo tuân thủ thực thi pháp luật đối với các tổ chức, doanh nghiệp còn rất hạn chế.
- Phải có hướng dẫn rõ ràng về các cấp độ từ chối quảng cáo, huỷ nhận quảng cáo. Cấp độ từ chối là phần khẳng định người tiếp nhận có quyền từ chối tất cả các sản phẩm, dịch vụ từ người quảng cáo. Theo đó, đối với các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải có phần khẳng định người tiếp nhận có quyền từ chối tất cả sản phẩm quảng cáo từ nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo[1]. Cấp độ từ chối thể hiện trong một số trường hợp cần thiết khi nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng thư điện tử, tin nhắn điện thoại có thể cung cấp khả năng từ chối bổ sung như từ chối một sản phẩm hoặc từ chối một nhóm sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp quảng cáo phải có phần hướng dẫn người nhận từ chối tin nhắn quảng cáo mà người tiếp nhận đã đăng ký nhận trước đó.
Mặt khác, sau khi người tiếp nhận gửi đi yêu cầu từ chối quảng cáo, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo hoặc người quảng cáo không được phép thu cước phát sinh để thực hiện yêu cầu từ chối nhận quảng cáo của người nhận. Quy định về việc không thu cước phát sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng trong việc từ chối quảng cáo.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp sử dụng thư điện tử để quảng cáo cũng đã thực hiện đúng với những quy định của pháp luật về chức năng từ chối. Ví dụ: Grab là một trong những siêu ứng dụng sử dụng công nghệ điện tử giúp kết nối các doanh nghiệp đến gần hơn với người dùng qua các dịch vụ phổ biến như di chuyển, giao hàng ăn uống, …. Khi người dùng tải app Grab về để sử dụng, một trong những yêu cầu được đưa ra đó là đăng nhập bằng tài khoản cá nhân và đa phần là thu thập địa chỉ thư điện tử và do vậy người dùng sẽ phải nhận các thư quảng cáo về các ưu đãi mới mà Grab đưa ra mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu không mong muốn nhận quảng cáo này, người dùng sẽ dễ dàng từ chối bởi ở phần cuối thư quảng cáo. Grab thể hiện rõ thông điệp: “Tôi không mong muốn nhận email này nữa” và kèm theo đường dẫn để người dùng nhấn vào và hủy theo dõi thành công. Có thể thấy, quy định của Nghị định số 91 cho phép người tiếp nhận từ chối quảng cáo qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại là phù hợp và rất cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người tiếp nhận.
1.2. Quy định về chống thư rác và tin nhắn rác
Để khắc phục tình trạng tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, Nghị định số 91 quy định trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) trong: (i) xây dựng hệ thống phản ánh thư rác, cuộc gọi rác và (ii) điều phối, xử lý, ngăn chặn thư điện tử, tin nhắn, cuộc gọi rác, (iii) tổ chức xây dựng hệ thống quản lý danh sách số điện thoại, không chấp nhận tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo, (iv) tổ chức, xây dựng danh sách đen địa chỉ IP/dải IP (IP Blacklist) phát tán thư điện tử rác, cụ thể như sau:
- Về các biện pháp phòng chống, ngăn chặn tin nhắn, thư điện tử rác
Thứ nhất, quy định hệ thống phản ánh tin nhắn rác và tiếp nhận tin nhắn rác, cuộc gọi rác do Bộ TT&TT xây dựng, vận hành theo đầu số 5656. Với mục đích ràng buộc trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng cách quy định nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng tin nhắn khi thực hiện các chương trình quảng cáo, phải gửi đồng thời bản sao tin nhắn quảng cáo tới hệ thống phản ánh tin nhắn rác và tiếp nhận tin nhắn quảng cáo. Đồng thời, người dùng có thể chuyển tiếp thư điện tử rác, bản ghi âm cuộc gọi rác tới hệ thống phản ánh thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Đây là điểm mới, bước tiến mới trong nổ lực chống thư rác, tin nhắn rác của Việt Nam trong thời gian tới.
 Thứ hai, quy định đăng ký số điện thoại không nhận tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo. Nghị định quy định rõ danh sách số điện thoại không nhận mọi tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo là tập hợp số điện thoại mà người sở hữu số điện thoại đó đã đăng ký không nhận mọi tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo. Khi người dùng đã đăng ký không nhận, thì “mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được phép gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện quảng cáo tới danh sách số điện thoại không chấp nhận mọi tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo”[2]. Như vậy, người dùng có quyền từ chối nhận quảng cáo và đồng thời góp phần giám sát việc gửi quảng cáo của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính sách này chỉ áp dụng với các số điện thoại đăng ký chính chủ, thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người dùng (tức không phải sim rác). Người dùng chỉ cần thực hiện thao tác đăng ký hoặc huỷ đăng ký thông qua cú pháp tin nhắn gửi về đầu số 456 căn cứ trên hệ thống quản lý danh sách số điện thoại, không chấp nhận tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo do Bộ TT&TT xây dựng.
Thứ ba, quy định trách nhiệm điều phối, ngăn chặn, xử lý thư điện tử, tin nhắn, cuộc gọi rác của Bộ TT&TT. Trước đây, pháp luật chưa quy định rõ cơ quan nào là cơ quan điều phối, ngăn chặn và xử lý thư điện tử, tin nhắn. Theo quy định của Nghị định số 91, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thư điện tử, cung cấp hạ tầng, hệ thống thư điện tử, cung cấp dịch vụ truy cập Internet, cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng thư điện tử, cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng tin nhắn điện thoại có trách nhiệm tuân thủ các yêu cầu điều phối ngăn chặn, xử lý thư điện tử rác của Bộ TT&TT. Quy định trên giúp công tác xử lý, ứng cứu sự cố về tin nhắn, thư điện tử rác được tổ chức thống nhất, kịp thời. Ngoài ra, thông qua các hệ thống kỹ thuật, doanh nghiệp cũng có thể cung cấp hoặc chia sẻ cho nhau về các nguồn phát tán tin nhắn, thư điện tử rác, các mẫu tin nhắn rác, qua đó cập nhật kịp thời vào các hệ thống kỹ thuật để ngăn chặn hiệu quả.
Thứ tư, quy định trách nhiệm của Bộ TT&TT tổ chức, xây dựng danh sách đen địa chỉ IP/dải IP (IP Blacklist) phát tán thư điện tử rác từ các nguồn thương mại và phi thương mại để làm cơ sở dữ liệu chung với mục đích cập nhật, chia sẻ đến các hệ thống máy chủ thư điện tử của các ISP, tổ chức nhằm hạn chế việc bị lạm dụng để phát tán thư điện tử rác từ các máy chủ gửi mail. Ngoài ra, Bộ TT&TT còn có trách nhiệm xây dựng một bộ nguyên tắc quảng cáo qua việc gọi điện, gửi tin nhắn, thư điện tử.
-Về hoạt động cung cấp và sử dụng các dịch vụ quảng cáo nhằm xác định nguồn gốc gửi tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo
Để xác định rõ nguồn gốc gửi tin nhắn rác, thư rác, cuộc gọi rác, Nghị định số 91 quy định quy trình, thủ tục cấp định danh đối với tổ chức, cá nhân. Bộ TT&TT có trách nhiệm trong việc cấp tên định danh. Thay vì các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng tên định danh phải đến từng nhà mạng để nộp hồ sơ cấp, khai báo tên định danh, theo quy định của Nghị định số 91, các chủ thể chỉ cần nộp cho Bộ TT&TT một lần. Khi Bộ TT&TT cấp thì các nhà mạng tự động khai báo tên định danh trên hệ thống kỹ thuật.
Mặc dù có những bước tiến lớn trong quá trình khắc phục thiếu sót của các Nghị định chống thư rác trước đó, nhưng Nghị định số 91 vẫn còn tồn tại một số bất cập cần khắc phục như sau:
Một là, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 91 mới chỉ quy định xây dựng Bộ tiêu chí tin nhắn (là một trong tám biện pháp để phòng, chống, ngăn chặn tin nhắn rác). Tuy nhiên, văn bản này chưa quy định cụ thể Bộ tiêu chí tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Vì vậy, căn cứ để thực hiện các biện pháp chống, ngăn chặn tin nhắn rác sẽ gặp nhiều khó khăn.
Hai là, quy định của Điều 18 Nghị định số 91 về người dùng đăng ký hoặc huỷ đăng ký nhận tin nhắn rác, thư điện tử rác[3] không mang tính khả thi. Chúng tôi cho rằng, đây không phải là giải pháp hiệu quả để giải quyết triệt để tình trạng tin nhắn rác. Về nguyên tắc, các thuê bao di động phải được các nhà mạng mặc định bảo vệ và tôn trọng quyền riêng tư thay vì phải đi đăng ký để xin không bị làm phiền bởi quảng cáo không mong muốn. Trên thực tế, không thuê bao nào muốn nhận tin nhắn quảng cáo khi họ không có nhu cầu. Nếu người dùng có nhu cầu nhận quảng cáo thì mới phải đăng ký để nhận quảng cáo chứ không nhất thiết phải quy định người dùng phải đăng ký để không nhận quảng cáo. Vì vậy, việc quy định người dùng đăng ký không mong muốn nhận quảng cáo bằng tin nhắn điện thoại là quy định không cần thiết. Vấn đề nằm ở chỗ là các nhà mạng có dám hy sinh lợi ích của mình để hành động quyết liệt vì người sử dụng dịch vụ hay không mà thôi.
Nghị định số 91 yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải nêu giải pháp cho phép người nhận từ chối nhận các thông tin... Quy định này không công bằng với người dùng vì điều này cũng có nghĩa là: nếu khách hàng không đăng ký từ chối thì mặc nhiên hằng ngày vẫn bị tin nhắn hoặc cuộc gọi rác. Thống kê của Bộ TT&TT cho biết 6 tháng đầu 2019, các đơn vị chức năng của Bộ đã ghi nhận được 21.888 lượt phản ánh tin nhắn rác, giảm 48,7% so với cùng kỳ năm trước, đa phần cuộc gọi đều xuất phát từ các số di động 10 số của các nhà mạng chứ không phải là SIM “rác” nên cũng không thể biết được quen hay lạ để từ chối ngay[4]. Chúng tôi cho rằng, Nghị định  số 91 cần được tiếp cận theo hướng khi nào khách hàng đồng ý thì các đơn vị mới được phép gửi thông tin quảng cáo chứ không thể yêu cầu người dùng đăng ký từ chối vì sẽ lặp lại tình trạng như các văn bản trước đó, người dùng đương nhiên vẫn bị nhận tin nhắn rác, cuộc gọi rác theo kiểu thụ động.
Quy định về danh sách số điện thoại không chấp nhận mọi tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo đã được thực hiện và phát huy tác dụng tại một số quốc gia khác[5]. Và kinh nghiệm của các nước cho thấy, vấn đề mấu chốt là khâu kiểm tra, giám sát để ngăn chặn các cuộc gọi, tin nhắn rác. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, thay vì quy định người dùng phải đăng ký từ chối nhận quảng cáo thì Nghị định số 91 cần tăng cường chế tài xử phạt vi phạm vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, đồng thời bổ sung quy định xác định rõ nội dung quyền “từ chối” nhận quảng cáo của người tiếp nhận quảng cáo.
Ba là, một trong những mục tiêu trọng tâm của Nghị định số 91 là tăng cường các biện pháp kỹ thuật nhằm phòng, chống ngăn chặn thư điện tử, tin nhắn rác. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, việc xây dựng các biện pháp kỹ thuật nhằm phòng, chống thư rác, tin nhắn rác gặp nhiều khó khăn, vì các lý do sau đây:
(i) Đa phần doanh nghiệp quảng cáo chưa trang bị hệ thống ngăn chặn tin nhắn, thư điện tử rác hiệu quả, đặc biệt là các doanh nghiệp hạ tầng như doanh nghiệp viễn thông (đối với tin nhắn rác, cuộc gọi rác) và doanh nghiệp ISP (đối với thư điện tử rác).
(ii) Để phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả tin nhắn rác, thư điện tử rác thì cần phải có cơ chế thu thập, chia sẻ thông tin về tin nhắn, thư điện tử rác cũng như cơ chế phối hợp, điều phối xử lý nguồn phát tán giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan. Tuy nhiên, hiện giữa cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp di dộng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chưa có được cơ chế để chia sẻ thông tin, dẫn tới hiệu quả phối hợp ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, thư điện tử rác không tốt.
 2. Kiến nghị
 Ngày 16/11/2020, Bộ TT&TT vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 91, trong đó yêu cầu nhanh chóng ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định số 91. Để đảm bảo tính khả thi của Nghị định số 91, chúng tôi cho rằng, thông tư hướng dẫn cần tập trung vào những nội dung như sau:
Thứ nhất, bổ sung quy định bộ tiêu chí về thư rác, tin nhắn rác.
Theo quy định của Nghị định số 91, Bộ TT&TT có trách nhiệm xây dựng bộ tiêu chí về thư rác, tin nhắn rác. Bộ tiêu chí để nhận diện tin nhắn rác cần bao gồm các nội dung sau:
Một là, số lượng tin nhắn được gửi và các mẫu ký tự nhận diện. Quy định về số lượng tin nhắn được gửi từ một thuê bao trong một khoảng thời gian để xác định thuê bao nghi ngờ phát tán tin nhắn rác. Việc xác định các tiêu chí nêu trên sẽ tạo điều kiện dễ dàng khi xác định chế tài xử phạt vi phạm đối với hành vi gửi thư điện tử, tin nhắn rác. Luật chống tin nhắn rác của Hoa Kỳ xác định rõ chế tài đối với hành vi gửi tin nhắn rác[6]. Theo đó, việc xác định thuê bao phát tán tin nhắn rác được căn cứ trên khối lượng tin nhắn thư điện tử được truyền đi trong khoảng một thời gian nhất định[7].
Hai là, các mẫu ký tự dùng để nhận diện tin nhắn rác, bao gồm: nhóm tin lô đề, cá cược bóng đá, game; nhóm quảng cáo viễn thông SIM, thẻ nạp, mời lắp Internet; nhóm nhà đất, ngân hàng, bảo hiểm; nhóm tiêu dùng, mỹ phẩm, thời trang; rao vặt: khai trương, tuyển sinh, tuyển dụng, vé máy bay và nhóm khác.
Bên cạnh đó, cần xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong việc chủ động đặt ngưỡng tần suất và điều chỉnh tần suất để đạt được hiệu quả chặn tin nhắn rác tùy theo tính chất, phạm vi và thời điểm chặn tin nhắn rác.
 Thứ hai, bổ sung quy định xác định rõ nội dung quyền “từ chối” nhận quảng cáo của người tiếp nhận quảng cáo.
Một là, cần giải thích làm rõ quy định của Nghị định số 91 về định nghĩa sự “đồng ý” nhận quảng cáo thương mại của người nhận theo hướng, người nhận đồng ý nhận thư quảng cáo là đồng ý nhận thư tiếp thị đối với hàng hóa hoặc các dịch vụ mà mình quan tâm hay đồng ý nhận toàn bộ thư quảng cáo của tất cả các dịch vụ và hàng hóa của doanh nghiệp.
Hai là, cần dự liệu cụ thể hơn những trường hợp thư điện tử hoặc tin nhắn điện tử thương mại được miễn trừ, nghĩa là thư điện tử, tin nhắn điện tử thương mại có thể được gửi mà không cần có sự đồng của người nhận và không cần phải có chức năng hủy đăng ký. Cụ thể là: các thông điệp thực tế không chứa tài liệu thương mại (ví dụ: thông báo thu hồi sản phẩm, nhắc nhở cuộc hẹn, …) và thông điệp thương mại được chỉ định (những thông điệp được gửi đi bởi người gửi là các tổ chức được miễn trừ, bao gồm các tổ chức từ thiện đã đăng ký, các tổ chức giáo dục, các cơ quan chính phủ và các đảng chính trị đã đăng ký). Nội dung của các thông điệp được chỉ định phải liên quan đến hàng hóa hoặc dịch vụ được cung cấp bởi tổ chức được miễn trừ. Tuy vậy, các tin nhắn miễn trừ vẫn phải tuân thủ gửi thư của Luật Quảng cáo, nghị định chống thư rác và các văn bản pháp luật có liên quan. 
Ba là, cần bổ sung các quy định về những biểu hiện của sự đồng ý của người nhận thư. Theo đó, đối với từng loại hình quảng cáo cụ thể (quảng cáo trên trang thông tin điện tử, quảng cáo bằng tin nhắn, quảng cáo bằng thư điện tử) cần quy định rõ những cách thức từ chối rõ ràng hoặc ấn vào mục hủy theo dõi trên thư điện tử. Việc quy định rõ biểu hiện sự đồng ý của người nhận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu giữ bằng chứng chứng minh sự đồng ý theo quy định hiện hành.
Thứ ba, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục cấp tên định danh;quy định về biện pháp phòng, chống thư điện tử, tin nhắn rác.
Nhằm mục đích cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến cấp mã số quản lý, đẩy mạnh hình thức quảng cáo trên phương tiện điện tử, giảm thiểu tin nhắn rác, đồng thời tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho tổ chức doanh nghiệp yên tâm phát triển, giảm áp lực trách nhiệm cho doanh nghiệp viễn thông, thông tư cần quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cấp tên định danh. Bên cạnh đó, văn bản này cần quy định doanh nghiệp xây dựng hệ thống kỹ thuật thông minh để ngăn chặn, phòng ngừa thư rác; quy định cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về thư rác, thư điện tử rác nhằm đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống thư điện tử rác, tin nhắn rác./.
 


[1] Điểm d khoản 1 Điều 16 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP.
[2] Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP.
[3] Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP.
[4] Cắt giảm hơn 1,85 triệu thuê bao di động trả trước trong 6 tháng, Nguồn: http://vneconomy.vn/cat-giam-hon-185-trieu-thue-bao-di-dong-tra-truoc-trong-6-thang-20190705165330847.htm
, truy cập ngày 3.3.2020.
[5] Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và nhiều nước khác đều tiến hành cơ chế đăng ký thuê bao đúng tên, đúng địa chỉ. Một khi phát hiện có tin nhắn rác sẽ dễ dàng truy tìm nguồn gốc.
Tại Mỹ, khi thuê bao ký hợp đồng với nhà khai thác đều phải cung cấp mã An sinh xã hội. Hàn Quốc sử dụng chế độ đăng ký số thuê bao để truy cập mạng. Năm 2000, Nhật Bản quy định các thuê bao trả trước mới tham gia mạng phải cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân cho nhà khai thác. Nhà khai thác chuyển máy di động đến tận địa chỉ của người xin tham gia mạng, xác nhận đúng địa chỉ mới được chính thức truy nhập mạng. Đối với các thuê bao đã tham gia mạng từ trước thì sẽ được yêu cầu cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân như: địa chỉ, số điện thoại,... Từ năm 2005, Singapore bắt đầu áp dụng phổ cập hệ thống quét xác nhận thẻ chứng minh thư cá nhân ở các điểm công cộng và trên các phương tiện giao thông, qua đó bắt buộc những người sử dụng thẻ di động trả trước phải đăng ký các thông tin cá nhân.
[6] Đạo luật Can – Spam Hoa Kỳ (Controlling the Assault of Non-Solicited Pornography And Marketing Act of 2003). Xem cụ thể tại: https://www.ftc.gov/tips-advice/business-center/guidance/can-spam-act-compliance-guide-business.
[7] Phần 5 Đạo luật Can – Spam Hoa Kỳ năm 2003.

  

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 21(421), tháng 11/2020)


Ý kiến bạn đọc