Hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị trung ương 7 khoá XII

12/08/2020

THS. HÀ THỊ HOA PHƯỢNG

Giảng viên Đại học Luật Hà Nội.

Tóm tắt: Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (Nghị quyết số 28) đặt ra yêu cầu về việc hoàn thiện pháp luật để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật và trục lợi bảo hiểm xã hội. Bài viết này phân tích thực trạng pháp luật về xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp liên quan đến bảo hiểm xã hội trước và sau khi có Nghị quyết số 28; đưa ra một số kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện pháp luật.
Từ khoá: Bảo hiểm xã hội, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp.
Abstract:The Resolution No. 28-NQ/TW of the 12th Central Committee of the Communist Party of Vietnam on reform of social insurance raises the requirements on the improvement of laws to deal with legal violations and profiteering on social insurance. This article provides an analysis of the real situation of law on handling of violations and resolving disputes related to social insurance before and after the Resolution No. 28-NQ/TW and also recommendations to further improve the laws adaptive to the Resolution No. 28-NQ/TW.
Keywords: Social insurance, handling of violations, dispute resolution.
 BẢO-HIỂM-XÃ-HỘI.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Thực trạng quy định của pháp luật về xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
1.1. Thực trạng quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vựcbảo hiểm xã hội
Ở nước ta hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhiều người lao động là một trong những nguyên nhân gây nên các cuộc đình công phức tạp, kéo dài, tăng nguy cơ về bất ổn xã hội.
Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH là hành vi của cá nhân hoặc tổ chức, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng những nghĩa vụ trong lĩnh vực tham gia, thụ hưởng hoặc quản lý và sử dụng Quỹ BHXH theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (Luật BHXH) quy định 8 loại hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội bao gồm: 1) Trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; 2) Chậm đóng tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; 3) Chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; 4) Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; 5) Sử dụng  Quỹ BHXH, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật; 6) Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động; 7) Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; 8) Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
Cá nhân, tổ chức phạm phải một trong các hành vi nêu trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị áp dụng chế tài hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự[1] (Điều 122 Luật BHXH). Người sử dụng lao động có hành vi trốn hoặc chậm đóng BHXH bắt buộc, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH của người lao động từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư Quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng[2].
Việc áp dụng từng loại chế tài cụ thể nêu trên được thực hiện theo quy định của các văn bản liên quan.
Thứ nhất, chế tài hành chính được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH[3]. Theo đó, với người sử dụng lao động, vi phạm bị áp dụng trách nhiệm hành chính chủ yếu trong 3 lĩnh vực:
- Vi phạm quy định về đóng BHXH: chậm đóng, đóng không đúng mức quy định, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc;
- Vi phạm về hưởng BHXH: không thông báo khi có biến động lao động việc làm tại đơn vị, giả mạo hồ sơ bảo hiểm để trục lợi, đào tạo cho người lao động không theo đúng phương án được phê duyệt;
- Vi phạm khác: không cung cấp tài liệu, thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người lao động hoặc tổ chức công đoàn; vi phạm về lập hồ sơ tham gia bảo hiểm hoặc văn bản đề nghị giải quyết chế độ bảo hiểm hoặc không giới thiệu người lao động đi khám định suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ; sử dụng Quỹ BHXH sai mục đích.
Với người lao động, vi phạm bị áp dụng trách nhiệm hành chính chủ yếu trong 2 lĩnh vực:
- Vi phạm quy định về đóng BHXH: thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia hoặc tham gia không đúng mức quy định của BHXH bắt buộc;
- Vi phạm về hưởng BHXH: kê khai không  đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xoá những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm.
Trên cơ sở việc phát hiện người sử dụng lao động hoặc người lao động có các hành vi vi phạm nêu trên, cơ quan có thẩm quyền[4] có thể áp dụng biện pháp xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền[5] và buộc chủ thể có hành vi vi vi phạm phải khắc phục các hậu quả mà mình gây ra[6].
Ngoài ra, để đảm bảo việc xử lý vi phạm, Luật BHXH bao hàm một số quy định về: quyền của người lao động được quản lý sổ BHXH, được định kỳ cung cấp thông tin về đóng BHXH; quyền thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH của cơ quan BHXH… Những quy định này góp phần ngăn chặn hoặc phát hiện và xử lý nhanh chóng, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.
Nhìn chung, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã bao quát được các hành vi vi phạm của các chủ thể, gắn với các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 17 Luật BHXH. Các chế tài cụ thể cũng đã được quy định và sửa đổi phù hợp qua các thời kỳ, nhằm đảm bảo tốt hơn tính trừng phạt với chủ thể có hành vi vi phạm cũng như răn đe, phòng ngừa đối với các chủ thể khác, đồng thời khắc phục hậu quả gây ra đối với người bị vi phạm và nguồn quỹ bảo hiểm bị thất thoát.
Thực hiện các quy định của pháp luật, trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều biện pháp để từng bước khắc phục tình trạng vi phạm trong lĩnh vực BHXH, mang lại kết quả tích cực. Ngày 02/4/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ngoài ra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có nhiều văn bản gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật BHXH. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiến hành 2.226 cuộc thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHXH; thực hiện lồng ghép các cuộc thanh tra về pháp luật lao động là 2.767 cuộc (ban hành 40.529 kiến nghị và ban hành 1.054 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 20,9 tỷ đồng)[7]. Bên cạnh đó, ngành BHXH đã thực hiện 1.643 cuộc thanh tra chuyên ngành đóng BHXH tại 4.006 đơn vị sử dụng lao động; 4.852 cuộc kiểm tra tại 10.055 đơn vị sử dụng lao động  (tổng số tiền các đơn vị được thanh tra, kiểm tra nợ trước khi có quyết định là 2.776 tỷ đồng; trong và sau thời gian thanh tra, số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp là gần 1.464 tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi nợ là 52,7%)[8]. Các biện pháp nêu trên đã đã góp phần hạn chế tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, số nợ đã giảm hơn so với những năm trước; quyền lợi của người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp đang nợ đóng BHXH được giải quyết kịp thời hơn. Tuy nhiên, mặc dù tình trạng chậm đóng BHXH tại các doanh nghiệp đang có xu hướng giảm hằng năm, nhưng tổng số tiền chậm đóng vẫn còn cao gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Theo số liệu của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 11/2019, số nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp trong cả nước phải tính lãi là 7.286 tỷ đồng[9]. Riêng doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ bỏ trốn tính đến tháng 9/2018 là 2.270 doanh nghiệp với số nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi khoảng 147 tỷ đồng[10].
Bên cạnh đó, hành vi vi phạm vi nghĩa vụ đóng phí BHXH của người sử dụng lao động cho người lao động cũng rất đa dạng. Ngoài việc hoàn toàn không đóng phí cho người lao động, người sử dụng lao động còn dùng nhiều cách như tách tiền lương thành các khoản phụ cấp, trợ cấp khác nhau làm giảm mức tiền lương tham gia bảo hiểm; thỏa thuận với người lao động để hỗ trợ trực tiếp một khoản tiền thay cho việc đóng BHXH…
Với người lao động, hành vi gian lận hồ sơ để được hưởng bảo hiểm xã hội cũng ngày càng đa dạng và tinh vi, như phối hợp với người sử dụng lao động kê khai thời gian công tác không chính xác khi làm sổ BHXH; kê khai không đúng nguyên nhân tai nạn để được hưởng chế độ tai nạn lao động; mua giấy xác nhận (của cơ quan y tế có thẩm quyền) giả để được hưởng chế độ ốm đau, dưỡng sức hoặc giấy giám định suy giảm khả năng lao động để nghỉ hưu trước tuổi; nâng khống mức tiền lương trước khi nghỉ thai sản để hưởng trợ cấp thai sản với mức cao hơn;…
Với việc tăng cường kiểm tra và xử lý, trong năm 2018, cơ quan BHXH các cấp đã thực hiện kiểm tra công tác chi chế độ bảo hiểm xã hội tại các đơn vị, doanh nghiệp, qua đó đã yêu cầu thu hồi về Quỹ BHXH số tiền 11,5 tỷ đồng do người lao động tại đơn vị hưởng chế độ bảo hiểm xã hội không đúng quy định[11].
Thứ hai, chế tài hình sự được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS). Cụ thể, BLHS đã bổ sung những tội danh riêng đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH bao gồm: Điều 214 về Tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; Điều 216 về Tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, cá nhân có hành vi gian lận để chiếm đoạt tiền BHXH từ 10.000.000 đồng (Điều 214) hoặc cá nhân/pháp nhân thương mại trốn đóng BHXH cho từ 10 người lao động (hoặc dưới 10 người lao động nhưng tổng mức trốn đóng từ 50.000.000 đồng) trong thời hạn từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm (Điều 216) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình phạt chính với loại tội phạm này gồm 3 loại: phạt tiền (từ 20.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng); phạt cải tạo không giam giữ từ 6 tháng đến 2 năm; phạt tù từ 3 tháng đến 10 năm; ngoài ra người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Mặc dù có hiệu lực từ 01/01/2018, song quy định của BLHS về tội phạm trong lĩnh vực BHXH vẫn còn định tính, chung chung và có dẫn đến cách hiểu khác nhau. Theo BHXH Việt Nam, tính đến 31/3/2019, BHXH các cấp đã chuyển 150 hồ sơ vụ việc doanh nghiệp nợ BHXH sang cơ quan điều tra; song tính đến tháng 5/2019, cơ quan điều tra mới khởi tố 2 vụ, nhưng chuyển sang tội danh khác - lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chứ không khởi tố về tội trốn đóng BHXH (Điều 216 BLHS)[12].
1.2. Thực trạng quy định về giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Trong lĩnh vực BHXH, các loại tranh chấp xảy ra vô cùng đa dạng. Nếu căn cứ vào chủ thể tranh chấp, có thể chia tranh chấp trong lĩnh vực này thành một số loại như: tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc đóng BHXH cho người lao động, tranh chấp giữa cơ quan BHXH  với người sử dụng lao động về việc đóng BHXH cho người lao động, tranh chấp giữa người lao động và tổ chức BHXH về việc đóng góp và xác nhận về thời gian đóng bảo hiểm xã hội, tranh chấp giữa người thụ hưởng với cơ quan BHXH về việc chi trả các chế độ BHXH… Với các nội dung như trên, tranh chấp trong lĩnh vực BHXH không chỉ liên quan đến việc người sử dụng lao động phải đảm bảo thực hiện quyền được bảo hiểm về thu nhập của người lao động khi xác lập quan hệ lao động bằng cách đóng góp phí bảo hiểm cho họ mà còn liên quan đến trách nhiệm của cơ quan BHXH với tư cách là cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghiệp vụ bảo hiểm và giải quyết chế độ cho người có đủ điều kiện thụ hưởng chế độ của BHXH. Chính vì vậy, việc xác định các mâu thuẫn nêu trên có phải là tranh chấp hay không, nếu là tranh chấp thì thuộc loại nào phụ thuộc rất nhiều vào việc xác định chủ thể và tính chất của quan hệ phát sinh. Cho đến nay, xung quanh vấn đề này vẫn còn có rất nhiều quan điểm khác nhau[13].
Theo hướng dẫn của Công văn số 105/TANDTC-PC&QLKH  ngày 14/04/2016 của Toà án nhân dân tối cao về việc thi hành Luật BHXH, việc xác định loại tranh chấp được thực hiện như sau:
- Tranh chấp về BHXH giữa người lao động hoặc tập thể lao động với người sử dụng lao động: gồm 2 trường hợp: tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động là tranh chấp lao động cá nhân; tranh chấp giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động là tranh chấp lao động tập thể. Trường hợp này, nếu trong quá trình giải quyết tranh chấp mà các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện và khởi kiện đối với quyết định này thì được xác định là tranh chấp hành chính.
- Tranh chấp về bảo hiểm xã hội giữa người lao động hoặc người sử dụng lao động với cơ quan bảo hiểm xã hội về quyết định hoặc hành vi hành chính của cơ quan BHXH là tranh chấp hành chính.
- Từ 01/01/2016, Toà án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động. Trong trường hợp này, việc khởi kiện được hướng dẫn thực hiện theo Điều 14 Luật BHXH, theo đó, tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện ra Toà án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động.
Nhìn chung, tình hình tranh chấp thực tế và vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp chủ yếu liên quan đến loại tranh chấp về việc người sử dụng lao động trốn đóng BHXH cho người lao động. Theo con số của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ thời điểm luật có hiệu lực đến nay, Công đoàn các cấp đã gửi khoảng 3.000 hồ sơ doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp sang tòa án các cấp đề nghị khởi kiện[14]. Mặc dù vậy, đến nay, số hồ sơ được thụ lý và khởi kiện là không đáng kể do vướng mắc về xác định loại tranh chấp lao động và tư cách đương sự. Ví dụ, vụ việc Công ty TNHH KL Texwell Vina ở Đồng Nai nợ hơn 17 tỷ đồng bảo hiểm xã hội của hơn 1.900 người lao động. Để giải quyết, người lao động ở công ty, thông qua công đoàn cơ sở, ủy quyền cho Trung tâm Tư vấn pháp luật của Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai đứng ra khởi kiện đòi quyền lợi. Tuy nhiên, khi Trung tâm này làm thủ tục khởi kiện thì Tòa án lại cho rằng, phải làm theo thủ tục tố tụng của tranh chấp lao động từng cá nhân, tức là trường hợp này sẽ phải tiến hành trên 1.900 phiên tòa để xét xử nếu như không có văn bản của 1.900 người lao động uỷ quyền cho tổ chức công đoàn khởi kiện[15]. Với một quy mô sử dụng lao động lớn như vậy, điều này dường như là bất khả thi.
Ở một số địa phương, với sự nỗ lực của cán bộ công đoàn cùng với điều kiện phù hợp về quy mô sử dụng lao động, tranh chấp lao động về BHXH của người lao động được giải quyết, góp phần bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Cụ thể, ngày 28/11/2019, Toà án nhân dân quận Liên Chiểu, Tp. Đà Nẵng đã kết thúc việc xét xử vụ án tranh chấp lao động liên quan đến BHXH của 196 người lao động với Công ty TNHH một thành viên TBO VINA. Theo đó, Tòa án tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc công ty phải chuyển trả tiền nợ BHXH của người lao động hơn 6 tỉ đồng. Đây là kết quả ghi nhận cho hơn một năm nỗ lực tư vấn, hỗ trợ và tập hợp hồ sơ khởi kiện của Liên đoàn lao động Tp. Đà Nẵng và Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng[16].
2. Một số kiến nghị
Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH đã đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, trong đó có các quy định về xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp về BHXH[17].
Để đáp ứng được các yêu cầu nêu trên, chúng tôi có một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, cần điều chỉnh mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH phù hợp với tính chất và mức độ nghiêm trọng của lĩnh vực BHXH so với các lĩnh vực quản lý nhà nước khác. Hiện nay, mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật BHXH  vẫn còn thấp, chưa phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và quy mô của việc sử dụng lao động tại doanh nghiệp. ILO đánh giá mức xử phạt vi phạm pháp luật ở Việt Nam là “chưa đủ tính răn đe và ngăn chặn được tất cả các vi phạm pháp luật”, đặc biệt “gây trở ngại đối với hoạt động của thanh tra lao động” . Vì vậy, ILO khuyến nghị “mức độ xử phạt theo luật định cần được tăng lên để đảm bảo tính răn đe[18].
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về đại diện trong tố tụng tạo cơ sở cho tổ chức công đoàn cấp trên đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp đòi nợ BHXH. Bởi lẽ, Ban chấp hành công đoàn cơ sở, vì nhiều lý do không đủ năng lực đứng ra khởi kiện doanh nghiệp để đòi quyền lợi cho người lao động.
Thứ ba, ban hành văn bản hướng dẫn quy trình thủ tục để cơ quan BHXH và các tổ chức đại diện cho người lao động tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019  nhằm phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tiếp tục xác định và tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH, tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHXH, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, đặc biệt là những trường hợp chậm đóng trong thời gian dài. Trong đó, tập trung vào các giải pháp quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; xây dựng ứng dụng tra cứu thông tin về BHXH trên thiết bị di động nhằm cung cấp kịp thời thông tin đóng, hưởng BHXH tới người lao động; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH của cơ quan BHXH; nghiên cứu tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn và các cơ quan liên quan thực hiện việc khởi kiện, khởi tố các doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng, gian lận BHXH. Các biện pháp này cần được thực hiện đồng bộ với các nhiệm vụ, giải pháp khác được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH./. 
 
 

 


[1] Ngoài ra, có thể bị áp dụng cùng với trách nhiệm kỷ luật (nếu là cá nhân có hành vi vi phạm kỷ luật) và trách nhiệm vật chất (nếu gây ra thiệt hại) theo quy định của pháp luật lao động và pháp luật dân sự.
[2]Ví dụ: Mức lãi suất đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội bình quân năm 2018 bằng 6,4%/năm; tương đương bằng 0,533 %/tháng. Như vậy, mức lãi suất áp dụng đối với trường hợp chưa đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2019 bằng 1,066 %/tháng, cao hơn so với lãi suất vay ngân hàng (khoảng 6,5 - 10%/năm).
[3] Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nghị định số 88/2015/NĐ-CP về sửa đổi một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
[4]Bao gồm người đứng đầu Cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp trung ương và cấp tỉnh, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và huyện, Chánh Thanh tra Bộ và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Thanh tra viên lao động.
[5]Mức tối đa là 1.000.000 đồng với người lao động và 75.000.000 đồng với người sử dụng lao động, chưa tính đến phần lãi mà người sử dụng lao động phải nộp theo quy định nếu chậm đóng bảo hiểm xã hội.
[6] Như buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đóng, chậm đóng và lãi theo quy định từ 01/01/2016 thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là mức 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề (theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP chỉ áp dụng 01 lần); buộc trả đủ chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động; buộc nộp lại lợi nhuận thu được từ việc sử dụng quỹ bảo hiểm sai mục đích…
[7] Tạp chí Tuyên giáo (Bản Điện tử), Bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Nguồn: http://tuyengiao.vn/bao-hiem-xa-hoi/bao-dam-quyen-loi-nguoi-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-bao-hiem-that-nghiep-121682,  truy cập ngày 08/01/2020.
[8] Tài liệu đã dẫn.
[9] Hà My, Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Dốc sức hoàn thành các chỉ tiêu năm 2019, Thời báo Tài chính Việt Nam Online, Nguồn: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2019-12-24/bao-hiem-xa-hoi-viet-nam-doc-suc-hoan-thanh-cac-chi-tieu-nam-2019-80690.aspx, truy cập ngày 19/02/2020.
[10]Báo Lao động, Khoảng trống pháp lý và trách nhiệm trong giải quyết các vụ chủ doanh nghiệp bỏ trốn, Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/khoang-trong-phap-ly-va-trach-nhiem-trong-giai-quyet-cac-vu-chu-dn-bo-tron-737293.ldo, truy cập ngày 08/01/2020.
[11]Bích Thuỷ, Toàn Ngành Bảo hiểm xã hội phải quyết liệt triển khai nhiệm vụ ngay từ ngày đầu năm 2019, Tạp chí Bảo hiểm xã hội (Điện tử), Nguồn: http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/tin-tuc/toan-nganh-bhxh-phai-quyet-liet-trien-khai-nhiem-vu-ngay-tu-ngay-dau-nam-2019-20608, truy cập ngày 08/01/2020.
[12]Xuân Thảo, Vì sao việc khởi kiện doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội vẫn còn khó khăn, Hải quan Online, Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/vi-sao-viec-khoi-kien-doanh-nghiep-no-bao-hiem-xa-hoi-van-con-kho-khan-104285-104285.html, truy cập ngày 08/01/2019.
[13] Có quan điểm cho rằng, việc cơ quan bảo hiểm yêu cầu người sử dụng lao động đóng phí bảo hiểm xã hội có thể phát sinh mâu thuẫn và có quyền yêu cầu chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp (tuy nhiên có người cho rằng đây là tranh chấp lao động, có người cho rằng là tranh chấp dân sự); quan điểm khác lại không công nhận mâu thuẫn này là tranh chấp.
[14] Ninh Long, Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP: Gỡ vướng việc khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Cổng thông tin điện tử Công đoàn Bộ Tài Chính, Nguồn: https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/cd/r/m/tccd/tccdcbccdb_chitiet?dDocName=MOFUCM160479&_afrLoop=58230438152540141#!%40%40%3F_afrLoop%3D58230438152540141%26dDocName%3DMOFUCM160479%26_adf.ctrl-state%3Dhdv5s3j47_4, truy cập ngày 19/02/2020.
[15]Phan Hoạt, Khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội vẫn vướng đủ đường, Công an nhân dân Online, http://cand.com.vn/doanh-nghiep/Khoi-kien-doanh-nghiep-no-bao-hiem-xa-hoi-Van-vuong-du-duong-546827/, truy cập ngày 08/01/2019.
[16]Trang Thông tin Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Khởi kiện, nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội: Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động, Nguồn: https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/linh-vuc-bao-hiem-xa-hoi.aspx?ItemID=13958&CateID=168, truy cập ngày 08/01/2019.
[17] Phần IV, mục 2 Nghị quyết số 28-NQ/TW.
[18] ILO, Bản ghi nhớ kỹ thuật: Đánh giá nhu cầu thanh tra lao động tại Việt Nam, Geneva, 2012, tr.28.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 10 (410), tháng 5/2020.)