Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

08/06/2020

Tiếp tục Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, sáng 8/6/2020, tại Nhà Quốc hội, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).
vna-potal-quoc-hoi-phe-chuan-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-voi-.jpg
        Ảnh minh họa: Nguồn TTXVN   
            Kết quả, với EVFTA, 457/457 đại biểu tham gia biểu quyết đã bấm nút thông qua, trong khi với EVIPA, 461 đại biểu tham gia biểu quyết đã bấm nút tán thành.
          Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung. Hiệp định điều chỉnh nhiều vấn đề, bao gồm: Thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế. Lợi ích mang lại là thúc đẩy gia tăng hai chiều thương mại, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng quy mô xuất khẩu nhiều ngành thế mạnh như nông sản, thuỷ sản, dệt may… Người dân được tiếp cận hàng hóa nguyên phụ liệu trang thiết bị máy móc, đặc biệt là mỹ phẩm giá rẻ chất lượng cao. EVFTA cũng là cơ hội đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, cải cách thể chế.
            Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
             Tương tự, Hiệp định EVIPA được tách ra từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), đã được Hội đồng Châu Âu thông qua ngày 25/6/2019 và được đại diện các Bên ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội. Theo Điều 4.13 quy định Hiệp định EVIPA sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau ngày các Bên thông báo cho nhau về việc hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ của mình.
            Hiệp định được kỳ vọng sẽ giúp thu hút vốn đầu tư, tiếp cận công nghệ hiện đại, công nghệ mới, công nghệ sạch từ châu Âu, đặc biệt khi châu Âu mới chỉ có khoảng 2.500 dự án với số vốn đăng ký 27,5 tỉ USD đầu tư vào Việt Nam.Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với  EVIPA là cải cách thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực… Do đó, các  đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ ban hành kế hoạch hành động chi tiết; các bộ ngành liên quan chọn lựa sản phẩm ngành nghề có thế mạnh sớm tham gia thị trường, tận dụng tốt công nghệ 4.0, nâng cao nguồn lao động, ứng phó rủi ro…
NCLP (tổng hợp).