Thành phố thông minh: quan niệm quốc tế và một số khuyến nghị cho Việt Nam

29/04/2020

TS. NGUYỄN VĂN CƯƠNG

Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

Tóm tắt: Bài viết cung cấp thông tin về một số quan niệm phổ biến trên thế giới về thành phố thông minh cùng các tiêu chí nhận diện. Các tiêu chí nhận diện nhấn mạnh tới 6 thành tố của thành phố thông minh là môi trường thông minh, đời sống thông minh, nền kinh tế thông minh, di chuyển thông minh, chính quyền thông minh và cư dân thông minh. Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế, bài viết cũng đề xuất một số khuyến nghị cho Việt Nam trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy việc xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam.
Từ khóa: Thành phố thông minh, môi trường thông minh, lối sống thông minh, nền kinh tế thông minh, di chuyển thông minh, chính quyền thông minh, cư dân thông minh.
Abstract: This article provides information about various definitions on smart cities and criteria to define a city as a smart one in the world. The criteria to define a city as a smart city consists of 6 key elements: smart environment, mart living, smart economy, smart mobility, smart government and smart people. This article also offers a number of suggestions for Vietnam in improving its current legal and policy framework for enhancing the application of smart cities in Vietnam.
Key words: smart city, smart environment, mart living, smart economy, smart mobility, smart government, smart people.
 THÀNH-PHỐ-THÔNG-MINH.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Xu thế đô thị hóa và những vấn đề đặt ra
Đô thị, với ưu thế đặc biệt của mình, đang chứng tỏ được “vai trò đầu tàu” trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục. Trong thời gian tới, dòng người từ khu vực nông thôn đổ về các đô thị sẽ ngày càng lớn. Đây là xu thế có tính toàn cầu. Các thống kê cho thấy, nếu như vào năm 1950, tỷ lệ cư dân đô thị trên toàn cầu mới đạt 30% thì vào năm 2014, con số này đã đạt mức 54% và dự kiến vào năm 2040 khoảng 65% dân số toàn cầu sẽ là cư dân đô thị. Con số đó sẽ là 70% vào năm 2050[1].
   Đi kèm với những khía cạnh tích cực đó là những vấn đề phát sinh từ quá trình đô thị hóa, trong đó phải kể tới sự quá tải của hệ thống hạ tầng giao thông, giáo dục và y tế, an toàn xã hội, môi trường, an sinh xã hội (các dịch vụ xã hội không được cung cấp kịp thời cho các đối tượng dễ bị tổn thương: trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người già, người khuyết tật v.v..).
   Để sinh tồn bình thường, cư dân đô thị cần những thứ thiết yếu như: không khí sạch, nước uống sạch, dịch vụ chăm sóc y tế, các trang thiết bị vệ sinh, hệ thống cung ứng năng lượng đáng tin cậy, hệ thống thu gom và xử lý nước thải và chất thải rắn sinh hoạt hoạt động hiệu quả, hệ thống giao thông đô thị vận hành hiệu quả. Điều đó chỉ có được khi quá trình quản lý, vận hành đô thị được thực hiện hiệu quả. Thực tế cho thấy, nâng cao hiệu quả quản trị, vận hành đô thị luôn là bài toán đặt ra có tính thường trực đối với người dân và chính quyền đô thị ở khắp nơi. Việc chuyển đổi mô hình thành phố truyền thống sang thành phố thông minh là một hướng thúc đẩy việc nâng cao hiệu quả quản trị, vận hành đô thị đang được nhiều quốc gia quan tâm thực hiện.
2. Quan niệm về thành phố thông minh
            Theo Oliver Gassmann, Jonas Bohm, và Maximilian Palmié[2], thành phố thông minh là khu đô thị mà ở đó các công nghệ số (digital technologies), công nghệ thông minh được ứng dụng để giải quyết các vấn đề về hạ tầng, năng lượng, chỗ ở, di chuyển, dịch vụ, an ninh để giảm thiểu sự tiêu tốn nguồn lực, cải thiện chất lượng sống của cư dân và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế đô thị một cách bền vững. Các công nghệ này bao gồm công nghệ cảm biến và các camera quan sát (CCTV), các công nghệ kết nối (nhất là công nghệ Internet vạn vật - IoT) và phân tích dữ liệu (thông qua các phần mền trí tuệ nhân tạo - AI và học máy - machine learning)[3]. Xây dựng thành phố thông minh vì thế là quá trình chuyển đổi từ thành phố truyền thống sang thành phố thông minh. Quá trình chuyển đổi này khá phức tạp, thậm chí tốn kém, xáo trộn, gây khó chịu cho người dân, có thể thành công hoặc không phải luôn thành công[4]. Một nhóm nghiên cứu khác (Katharine S. Willis and Alessandro Aurigi) cho rằng, thành phố thông minh là thành phố “nơi công nghệ được tích hợp trong quá trình vận hành của thành phố dưới dạng các cảm biến và các hạ tầng giám sát khác cùng các thiết bị, các nền tảng (platforms) tạo khả năng cho người, doanh nghiệp và chính quyền thành phố quản lý dữ liệu này ở quy mô lớn và trong thời gian thực[5].
            Liên minh viễn thông quốc tế (International Telecommunication Union - ITU) cho rằng, “thành phố thông minh bền vững” (a smart sustainable city) là “một thành phố đổi mới sáng tạo sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng sống, hiệu quả của các dịch vụ và hoạt động đô thị, tính cạnh tranh của thành phố, đồng thời đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa”[6]. Năm 2014, Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) cũng đưa ra định nghĩa, thành phố thông minh là “một khái niệm và một mô hình mới áp dụng các thế hệ công nghệ thông tin mới, như Internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, tích hợp thông tin địa lý/không gian, để hỗ trợ việc quy hoạch, xây dựng, quản lý và các dịch vụ thông minh của thành phố[7].
            Như vậy, có thể nói, thành phố thông minh là một khu vực mà ở đó, các nguồn lực, tài sản hiện hữu trong thành phố cùng các mặt hoạt động của thành phố được thực hiện hiệu quả và bền vững nhờ sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cùng các công nghệ thông minh khác. Thành phố thông minh sử dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ thông tin truyền thông, các thiết bị được kết nối với nhau theo nguyên lý của Internet vạn vật (Internet of Things) nhằm tối ưu hóa quá trình vận hành của thành phố, cung ứng hàng hóa, dịch vụ tốt nhất cho công dân, gắn kết giữa chính quyền và người dân.
            Những công nghệ chủ chốt được ứng dụng trong xây dựng thành phố thông minh (hoặc chuyển đổi từ cách vận hành thành phố truyền thống sang vận hành/quản trị thành phố theo mô hình thành phố thông minh) bao gồm:
(1)        Trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa ở mức cao (super automation);
(2)        Giao tiếp giữa máy với máy (M2M communication) và dịch vụ băng thông rộng di động được sử dụng phổ biến (pervasive broadband mobile);
(3)        Hệ thống truyền tải năng lượng “thông minh” (“smart” energy grids);
(4)        Các trợ lý ảo (talking & serviceable “bots”);
(5)        Phương tiện giao thông tự hành (không người lái - driverless transport);
(6)        Internet vạn vật (Internet of Everything hoặc Internet of things - IoT);
(7)        An ninh mạng ở trình độ tân tiến (advanced cybersecurity);
(8)        Tương tác người-máy (human-machine interface - hiện tại, tương tác giữa máy và người ở nhiều thành phố được thực hiện thông qua các màn hình cảm ứng);
(9)        Làm việc từ xa (telework), giáo dục từ xa (tele-education) và chữa bệnh/chăm sóc y tế từ xa (tele-health services);
(10)    Công ty ảo (virtual companies)[8].
       Nhờ ứng dụng công nghệ cao, các công chức của thành phố thông minh có thể tương tác trực tiếp với cộng đồng, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật của thành phố, theo dõi được những gì đang diễn ra và những diễn biến, trưởng thành, tiến bộ, xu hướng vận động của cả thành phố. Với việc quản trị thành phố theo mô hình thành phố thông minh, nhu cầu của người dân thành phố được đáp ứng tối đa.
3. Tiêu chí nhận diện thành phố thông minh
Hiện nay, có rất nhiều quan điểm khác nhau về các tiêu chí xác định một cộng đồng dân cư là một khu đô thị thông minh hoặc một thành phố thông minh. Theo các tác giả Oliver Gassmann, Jonas Bohm, và Maximilian Palmié[9], thành phố thông minh được cấu thành bởi 6 thành tố: (1) môi trường thông minh (smart environment), (2) đời sống thông minh (smart living), (3) nền kinh tế thông minh (smart economy), (4) di chuyển thông minh (smart mobility), (5) chính quyền/quản trị thông minh (smart government or governance), và (6) cư dân thông minh (smart people). Từng thành tố lại có yêu cầu riêng, cụ thể như sau:
- Môi trường thông minh là yêu cầu theo đó, các sinh hoạt, vận hành của thành phố phải được thực hiện theo cách thức để lại ít nhất các dấu ấn sinh thái của mình mà không ảnh hưởng tới các yêu cầu khác (như yêu cầu về di chuyển và yêu cầu về chất lượng sống của người dân). Điều này đòi hỏi, ngay từ trong khâu quy hoạch thành phố, yêu cầu bảo vệ môi trường (việc xanh hóa lối sống) đã được coi trọng. Việc chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn cũng là một gợi ý quan trọng. Môi trường thông minh liên quan tới các vấn đề sau: (1) hiệu quả sử dụng năng lượng (energy efficiency); (2) các nguồn năng lượng tái tạo (renewable energy sources); (3) bảo vệ môi trường (environmental protection); (4) giảm thiểu ô nhiễm (reducing pollution); (5) đầu vào là các nguồn lực bền vững (sustainable resource input) (chẳng hạn, việc sử dụng vật liệu gỗ thay cho vật liệu xi măng, sắt thép và kính nếu có thể); (6) sự hấp dẫn về điều kiện môi trường (attractiveness of environmental conditions); (7) nhà ở bền vững (sustainable housing); (8) quy hoạch thành phố bền vững (sustainable city planning)[10].
- Đời sống thông minh: Các yêu cầu đối với đời sống thông minh chính là các yêu cầu quyết định chất lượng sống của cư dân đô thị như (1) các cơ sở văn hóa (cultural establishments); (2) hệ thống chăm sóc sức khỏe/y tế (healthcare)[11]; (3) hệ thống an ninh (security)[12]; (4) hệ thống nhà ở (housing amenities)[13]; (5) sự gắn kết xã hội (social cohesion); (6) sự hấp dẫn về du lịch (tourism attractiveness)[14]; và (7) hệ thống giáo dục, đào tạo (education)[15].
- Nền kinh tế thông minh: Kinh tế của thành phố thông minh sẽ là nền kinh tế có sức cạnh tranh cao. Đó chính là nền kinh tế của đổi mới sáng tạo, ở đó, các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được hình thành và vận hành hiệu quả nhằm đưa ra các giải pháp hữu hiệu (cung ứng hàng hóa, dịch vụ) cho các vấn đề dân sinh cùng sự đổi mới liên tục các mô hình kinh doanh. Nền kinh tế thông minh đòi hỏi cần đáp ứng yêu cầu sau: (1) tinh thần đổi mới sáng tạo (spirit of innovation), (2) tinh thần doanh nghiệp (entrepreneurship), (3) năng suất cao (productivity), (4) kết nối mạng lưới toàn cầu và địa phương (local and global networking), (5) sự vận hành linh hoạt của thị trường lao động (flexibility of the labour market), từ đó bảo đảm sự cơ động xã hội trong các giai tầng dân cư.
- Di chuyển thông minh: Di chuyển thông minh là yếu tố cốt lõi trong các sáng kiến thành phố thông minh, nhất là trong bối cảnh nhu cầu đi lại của cư dân đô thị rất lớn (ít nhất là di chuyển từ nơi ở tới nơi làm việc và ngược lại) và tình trạng giao thông thường bị tắc nghẽn, ùn ứ. Sáng kiến di chuyển thông minh được thực hiện nhằm theo đuổi các mục đích sau: (a) duy trì các hệ thống giao thông bền vững, sáng tạo và an toàn; (b) cư dân có thể tiếp cận dễ dàng với nhiều phương thức giao thông khác nhau; (c) sự sẵn có của các phương tiện giao thông phù hợp trong toàn thành phố; (d) sự bao gồm cả các vận tải phi cơ giới; (e) sự tích hợp ICT trong hệ thống giao thông. Để đáp ứng nhu cần di chuyển thông minh thành phố cần giải quyết các vấn đề sau: (1) hệ thống chỉ dẫn giao thông; (2) chỗ đỗ xe có gắn cảm biến; (3) dự báo tình trạng ùn ứ/ách tắc giao thông gắn với các đèn giao thông thông minh; (4) hệ thống chia sẻ xe ô tô và xe đạp, (5) phương tiện giao thông công cộng tự động và phương tiện giao thông cá nhân.
Trong thực tế, nhiều sáng kiến về di chuyển thông minh đã được thực hiện. Chẳng hạn, việc sử dụng một loại thẻ giao thông có thể tiếp cận được cả hệ thống giao thông công cộng đường bộ (xe buýt), giao thông công cộng đường sắt, giao thông công cộng tàu điện ngầm v.v.. sẽ làm cho việc di chuyển của dân chúng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ý tưởng thiết kế những chỗ băng qua đường bằng hệ thống bảng điện tử (LED), thay cho các chỗ băng qua đường được kẻ bằng vạch vôi truyền thống có thể linh hoạt điều chỉnh địa điểm đặt chỗ băng qua đường.  
- Chính quyền thông minh: Thành tố chính quyền thông minh gắn liền với việc số hóa các hoạt động của chính quyền và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, các dịch vụ đăng ký, cấp phép, cấp giấy chứng nhận mà trước đây chính quyền và người dân phải thực hiện bằng thủ công, gặp mặt trực tiếp và dựa trên hệ thống giấy tờ (bản hardcopy) thì nay có thể thực hiện bằng phương tiện điện tử (thông qua hệ thống máy tính và điện thoại thông minh). Thêm vào đó, toàn bộ quá trình ra quyết định, sự tham gia của người dân vào quá trình quản trị thành phố có thể thực hiện thông qua phương tiện trực tuyến. Các yêu cầu đối với chính quyền thông minh bao gồm: (1) sự tham gia của công chúng, (2) cung cấp dịch vụ công của chính quyền thành phố, (3) hệ thống dữ liệu mở và minh bạch, (4) chính quyền điện tử và hệ thống thông tin và truyền thông.
 Nói về chính quyền thông minh có thể kể tới Estonia - một quốc gia tiên phong trong việc xây dựng chính quyền số (và chính quyền thông minh). Ở Estonia, mọi công dân đều được cấp mã số công dân số và một thẻ định danh công dân có gắn chip điện tử. Thẻ định danh công dân được sử dụng đồng thời là bằng lái xe, thẻ bảo hiểm, thẻ y tế, thẻ thư viện và thẻ tích điểm mua sắm hàng hóa. Thẻ này cũng được sử dụng trực tuyến để thực hiện các giao dịch với chính quyền (chẳng hạn: ký giấy tờ, khai thuế, đăng ký doanh nghiệp)[16]. Về nguyên tắc, mọi giao dịch (ngoại trừ kết hôn, ly hôn và mua bán bất động sản) đều có thể thực hiện trực tuyến. Đi kèm với việc số hóa đó, Estonia rất coi trọng việc bảo đảm an ninh, an toàn cho các giao dịch trực tuyến của công dân.
            - Cư dân thông minh: Cư dân của thành phố thông minh cần đáp ứng những yêu cầu nhất định, bao gồm: (1) có năng lực cá nhân phù hợp với sự vận hành của thành phố thông minh (relevant individual capacities), (2) có tâm thế sẵn sàng cho việc học tập suốt đời (affinity to engage in lifelong learning), (3) sự đa dạng về xã hội và chủng tộc (social and ethnic diversity), (4) sáng tạo (creativity), (5) tư duy mở (open-mindedness), và (6) sẵn sàng/tích cực tham gia đời sống chung của cộng đồng/thành phố (participation in public life).
 Tương đồng với cách tư duy kể trên nhưng chi tiết hơn, Diễn đàn cộng đồng thông minh (the Intelligent Community Forum[17]), một tổ chức đóng tại New York hàng năm chọn lựa 21 thành phố được xem là “thành phố thông minh” sau đó chọn còn 7 và chỉ chọn để trao giải duy nhất 1 thành phố đã đưa ra hệ tiêu chí như sau[18]:
(1) Có dịch vụ mạng băng thông rộng để phục vụ nhu cầu của chính quyền, hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe, hệ thống giáo dục (trường học), các hộ gia đình và doanh nghiệp.
(2) Có hệ thống giao thông thông minh gồm: giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không và hệ thống giao thông công cộng thông minh. Mức độ thông minh của hệ thống đường bộ, đường sắt, đường hàng không, xe đạp/ô tô xét từ khía cạnh: sự kiểm soát, mức độ thích ứng với các dạng sử dụng khác nhau trong ngày và trong tuần, mức độ an ninh, an toàn khi sử dụng.
(3) Có hệ thống năng lượng thông minh và mức độ bền vững (khả năng cung cấp năng lượng dự phòng khi xảy ra tình huống khẩn cấp, mức độ an toàn của hệ thống điện v.v..).
(4) Có dịch vụ tiện ích (điện, nước, khí đốt v.v..) chất lượng cao và được quản lý hiệu quả.
(5) Hệ thống giáo dục có độ bao phủ hợp lý và chất lượng cao (từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học và sau đại học phải đáp ứng nhu cầu của người dân và thị trường lao động).
(6) Hệ thống y tế có độ bao phủ hợp lý và chất lượng cao (bao gồm việc duy trì hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc sức khỏe có chất lượng, cùng các cơ sở thể dục, thể thao, các chương trình rèn luyện thể chất có chất lượng để người dân duy trì được tình trạng khỏe mạnh của mình).
(7) Có tinh thần cộng đồng và mức độ tham gia tích cực của người dân trong việc ra quyết định của chính quyền (cơ chế để bảo đảm người dân được tham gia trong quá trình ra quyết định của chính quyền thành phố đồng thời việc triển khai các dự án thành phố thông minh nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân).
(8) Có hệ thống nhà ở, việc làm phù hợp (người dân phải tiếp cận được hệ thống nhà ở thương mại và nhà ở xã hội hợp lý để có chỗ ở phù hợp, người dân cũng phải có việc làm phù hợp và có ý nghĩa, có sự ổn định về nguồn thu nhập/tài chính, bảo đảm hệ thống tài chính lành mạnh cùng tăng trưởng kinh tế vững bền). Đây là các chỉ số then chốt để xác định xem liệu các công nghệ thông minh được sử dụng khi xây dựng thành phố thông minh có giúp cho việc xây dựng thành phố có điều kiện sinh tồn tốt hơn cùng một tương lai tươi sáng hơn không.
(9) Tài chính ổn định, kế hoạch tài chính có chất lượng và có sự mở rộng hoạt động kinh tế. Thành phố phải có một nền kinh tế sôi động cùng hệ thống thuế phù hợp (nhiều siêu đô thị có thể trở nên vượt quá quy mô phù hợp cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững cũng như khả năng đáp ứng của hạ tầng đô thị. Đây là những bài toán cần được giải quyết khi chuyển từ thành phố truyền thống sang thành phố thông minh).
(10) Hệ thống kiểm soát tự động an toàn và có hiệu lực cho tất cả các hạ tầng. Các hệ thống kiểm soát công nghiệp tự động (còn gọi là các mạng lưới SCADA), các thuật toán của phần mềm máy tính, trí tuệ nhân tạo có thể cải thiện hiệu quả và giảm bớt chi phí chính quyền và cho phép thành phố thông minh phát triển. Các hệ thống kiểm soát này có thể giúp: tối ưu hóa hiệu quả tiêu thụ năng lượng; giảm bớt ùn/ứ và tắc nghẽn giao thông; cải thiện hệ thống giao thông; cung cấp các dịch vụ tiện ích hiệu quả v.v. Hệ thống đó cũng phải đủ sức chống lại các cuộc tấn công mạng và đáp ứng nhu cầu của người dân.
(11) Có sẵn các dịch vụ thư viện, văn hóa và nghệ thuật có chất lượng: Sự sẵn có của các thiết chế văn hóa, thể thao, thẩm mỹ, thư viện cũng là một tiêu chí quan trọng của thành phố thông minh.
(12) Tăng trưởng và phát triển bền vững: Thành phố thông minh phải bảo đảm sự thành công trên các khía cạnh: (a) kinh tế, (b) việc làm, (c) tăng dân số, (d) quản trị công, (e) sự tham gia của công dân vào hoạt động chung của cộng đồng, (f) hệ thống hạ tầng hiệu quả cho các dịch vụ tiện ích (điện, nước, năng lượng v.v..), (g) hệ thống giao thông, thông tin và công nghệ thông tin v.v. Nền kinh tế của thành phố thông minh cần chuyển sang mô hình “kinh tế tuần hoàn” (circular economy) để giảm thiểu chất thải, giảm thiểu ô nhiễm.
(13) Quy hoạch bao trùm và có hiệu lực cao để hỗ trợ tăng trưởng. Đây là quy hoạch để bảo đảm sự thành công của thành phố thông minh, tính tới 7 yếu tố thúc đẩy là (a) dân số, (b) môi trường, (c) năng lượng, (d) chính quyền, (e) kinh tế, (f) bản sắc văn hóa/tôn giáo/ngôn ngữ, (g) công nghệ.
(14) Có tầm nhìn xa: Thành phố thông minh phải có tầm nhìn chiến lược (tầm nhìn xa) về tương lai phát triển của thành phố.
Một điều cần lưu ý khi triển khai dự án về thành phố thông minh đó là vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn mạng. Các công nghệ số, hệ thống công nghệ thông tin, robot, trí tuệ nhân tạo có thể cải thiện các khía cạnh đời sống và sinh hoạt trong thành phố thông minh trong tương lai nhưng nếu thiếu 1 hệ thống phòng thủ không gian mạng (hệ thống an ninh, an toàn mạng hữu hiệu), các công cụ này sẽ đưa những trung tâm đô thị công nghệ cao đối mặt với những rủi ro và hàng loạt các cuộc tấn công mạng[19].
4. Một số khuyến nghị cho Việt Nam
Có thể nói rằng, không chỉ trên thế giới mà ngay cả ở Việt Nam, xu thế chuyển đổi từ đô thị truyền thống sang đô thị thông minh sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Dù nhanh hay chậm thì nhu cầu thực tiễn cũng sẽ thúc đẩy chính quyền các thành phố gia tăng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các công nghệ hiện đại khác để nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành thành phố. Theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam cũng đang triển khai Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Do đó, một số kinh nghiệm chuyển đổi thành phố truyền thống sang thành phố thông minh nêu trên có thể rất hữu ích cho Việt Nam. Trong số đó, chúng tôi cho rằng, cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, chuẩn mực chung trên thế giới về “thành phố thông minh” tuy chưa được chấp nhận rộng rãi, nhưng khi xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn về thành phố thông minh, Việt Nam cần dựa vào khung 6 lĩnh vực: môi trường thông minh, đời sống thông minh, nền kinh tế thông minh, di chuyển thông minh, chính quyền/quản trị thông minh và cư dân thông minh để thiết kế bộ tiêu chí của riêng mình. Chúng ta phải nhất quán quan điểm rằng, đầu tư xây dựng thành phố thông minh là đầu tư cho phát triển, chính vì thế, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành thành phố thông minh phải lấy lợi ích của người dân làm trung tâm, lấy người dân là chủ thể và mục tiêu cải thiện chất lượng sống của cư dân thành phố là mục tiêu cao nhất.
Thứ hai, việc xây dựng thành phố thông minh đòi hỏi bản thiết kế tổng thể về hạ tầng truyền thống và hạ tầng số. Bản thiết kế này vừa có tính kế thừa các thành tựu phát triển thành phố hiện tại, vừa có tính mở để làm nền tảng cho các bước phát triển trong tương lai.
Thứ ba, việc xây dựng thành phố thông minh sẽ đi kèm với quá trình chuyển đổi số đối với mọi quy trình, thủ tục vận hành của chính quyền, trong đó có việc số hóa và thực hiện trực tuyến hầu hết các thủ tục hành chính (có thể chỉ trừ một số thủ tục đặc biệt, chẳng hạn việc mua bán bất động sản, thủ tục kết hôn v.v..). Ngoài ra, quy trình ra quyết định của thành phố, cách thức tham vấn ý kiến của các đối tượng có liên quan cũng cần được số hóa để tận dụng được những ưu thế của công nghệ thông tin và truyền thông cùng các công nghệ tiên tiến khác. Chính vì thế, thúc đẩy nhanh việc xây dựng Chính phủ số là hướng đi phù hợp.
Thứ tư, việc xây dựng thành phố thông minh cần đặc biệt lưu ý giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh liên quan tới sự cân bằng giữa nhu cầu thu thập, xử lý thông tin, dữ liệu của người dân với yêu cầu bảo đảm quyền riêng tư của người dân.
Thứ năm, việc xây dựng thành phố thông minh cũng cần đặc biệt lưu ý tới các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho hệ thống thông tin của thành phố, nhất là khi các dữ liệu của thành phố được số hóa ở mức cao nhất, việc quản lý, vận hành của thành phố được thực hiện thông qua các phần mềm trí tuệ nhân tạo.
Thứ sáu, việc xây dựng thành phố thông minh tất yếu đặt ra nhu cầu tăng cường phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi tội phạm xâm phạm an ninh, an toàn không gian mạng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cư dân thành phố được thực hiện thông qua hệ thống thông tin trực tuyến cũng như trên không gian mạng. Việt Nam cần cân nhắc tham khảo kinh nghiệm xử lý tội phạm mạng của các quốc gia trên thế giới, tham khảo quy định của Công ước Budapest về tội phạm mạng để có giải pháp lập pháp phù hợp nhất với trình độ phát triển hiện nay và lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Thứ bảy, việc xây dựng thành phố thông minh cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ cả về con người, hạ tầng, tài chính, công nghệ và pháp lý, đồng thời cần có sự vào cuộc của cả người dân, khu vực doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và các cơ quan trong chính quyền. Chính vì vậy, chính quyền thành phố cần tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức trong cộng đồng về vai trò, trách nhiệm của từng cư dân trong quá trình chuyển đổi, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về cơ hội và vai trò trong quá trình chuyển đổi và nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc tham gia xây dựng thành phố thông minh. Sự chuẩn bị kỹ năng mới cho đội ngũ cán bộ, công chức tương xứng với mô hình quản trị thành phố thông minh là rất cần thiết./.
 

 


[1] Oliver Gassmann, et. al, Smart Cities: Introducing Digital Innovation to Cities (Bingley DB16 1WA, UK: Emerald Publishing Limited, 2019) at 6 (Khi đó, cư dân đô thị sẽ tiêu thụ khoảng 80% năng lượng, phát thải khoảng 75% tổng lượng CO2 và tiêu thụ 75% nguồn lực xã hội). Một số thành phố hiện nay đã đạt mức quy mô dân số vượt 20 triệu dân như Tokyo-Yokohama, Jakarta, Delhi, Manila, Shanghai, Mexico.
[2]Nhóm chuyên gia về thành phố thông minh của Đại học St. Gallen (University of St.Gallen), Thụy Sỹ, tác giả của sách chuyên khảo Smart Cities: Introducing Digital Innovation to Cities (Bingley DB16 1WA, UK: Emerald Publishing Limited, 2019).
[3] Oliver Gassmann, et. al, Smart Cities: Introducing Digital Innovation to Cities (Bingley DB16 1WA, UK: Emerald Publishing Limited, 2019) at 25.
[4] Oliver Gassmann, et. al, Smart Cities: Introducing Digital Innovation to Cities (Bingley DB16 1WA, UK: Emerald Publishing Limited, 2019) at 26. Cũng trong tác phẩm này (trang 28), các tác giả cho biết, mức đầu tư cho các nỗ lực xây dựng thành phố thông minh hiện nay trên thế giới vào khoảng 300 đến 700 tỷ USD.
[5] Katharine S. Willis and Alessandro Aurigi, Digital and Smart Cities (London and New York: Routledge, 2018) at 15-16.
[6] ​Nguyên văn: A smart sustainable city is an innovative city that uses information and communication technologies (ICTs) and other means to improve quality of life, efficiency of urban operation and services, and competitiveness, while ensuring that it meets the needs of present and future generations with respect to economic, social, environmental as well as cultural aspects(Recommendation ITU-T Y.4900) <https://www.itu.int/en/ITU-T/ssc/Pages/info-ssc.aspx>.
[7] Nguyên văn: “a new concept and a new model, which applies the new generation of information technologies, such as the internet of things, cloud computing, big data and space/geographical information integration, to facilitate the planning, construction, management and smart services of cities”; xem: Leonidas G. Anthopoulos, Understanding Smart Cities: A Tool for Smart Government or an Industrial Trick? (Switzerland: Springer, 2017) at 8.
[8] Joseph N. Pelton and Indu B. Singh, Smart Cities of Today and Tomorrow: Better Technology, Infrastructure and Security (Switzerland: Springer, 2019) at 5.
[9] Oliver Gassmann, et. al, Smart Cities: Introducing Digital Innovation to Cities (Bingley DB16 1WA, UK: Emerald Publishing Limited, 2019) at 31-46.
[10] Chẳng hạn, áp dụng hệ thống quản lý chất thải thông minh (smart waste management), theo đó, bằng ứng dụng ICT, chính quyền thành phố có thể quan trắc (monitoring), quản lý chất thải của thành phố (city waste management), kiểm soát tình trạng phát thải (emission control), tái chế (recycling), v.v. Việc áp dụng quản lý năng lượng thông minh (smart energy) cũng được thực hiện, theo đó: việc chiếu sáng nhân tạo, hệ thống truyền tải năng lượng thông minh (smart grids), quản lý hiệu quả sử dụng năng lượng (energy efficiency’s management) v.v.
[11] Chẳng hạn, số hóa việc quản lý hồ sơ bệnh án, áp dụng công nghệ chữa bệnh từ xa (tele-medicine), chăm sóc từ xa (tele-care) v.v..
[12] Chẳng hạn, quản lý tai nạn (khi có tai nạn giao thông xảy ra), giám sát không gian công cộng (public space monitoring), phòng ngừa tội phạm, cảnh báo tình trạng khẩn cấp (ví dụ, cảnh báo về tình trạng bắt cóc hoặc thảm họa thiên nhiên v.v..).
[13] Chẳng hạn, các tòa nhà thông minh, ở đó việc sử dụng năng lượng và các tính năng của tòa nhà được tối ưu hóa và điều khiển từ xa v.v..
[14] Chẳng hạn, các tour du lịch giới thiệu về thành phố, các khu chợ, việc chia sẻ nội dung du lịch v.v..
[15] Chẳng hạn, thư viện số, nội dung số, hiểu biết về ICT, học tập dựa trên ICT, học tập từ xa v.v..
[16] Nhờ vậy, việc đăng ký doanh nghiệp ở Estonia có thể thực hiện trong vòng 18 phút.
[17] Website chính thức của tổ chức này là: https://www.intelligentcommunity.org/.
[18] Joseph N. Pelton & Indu B. Singh, Smart Cities of Today and Tomorrow: Better Technology, Infrastructure and Security (Switzerland: Springer, 2019) at 12-16.
[19] Joseph N. Pelton & Indu B. Singh, Smart Cities of Today and Tomorrow: Better Technology, Infrastructure and Security (Switzerland: Springer, 2019) at 17.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 02+03 (402+403), tháng 02/2020.)