Hoàn thiện Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

28/04/2020

TS. ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

THS. LÊ THỊ HƯƠNG GIANG

Trường Cao đẳng Lào Cai.

Tóm tắt: Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Dự thảo Luật cần được tiếp tục chỉnh lý, sửa đổi một số quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; con dấu của doanh nghiệp và xử lý vi phạm.
Từ khóa: Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; con dấu của doanh nghiệp; xử lý vi phạm.
Abstract: The Law on Enterprises (amendments) was reviewed by the Eighth Meeting Session of the National Assembly XIV. However, in order to ensure the feasibility and consistency in the legal system, the draft law needs to be further reviewed and amended a number of provisions on the legal representatives of enterprises; responsibilities of the legal representative of the enterprise; the seal of the enterprise and handling of violations.
Keywords: The Law on Enterprises (amendments); legal representatives of enterprises; seal of enterprises and handling of violations.
Luật-Doanh-nghiệp.jpg 
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Khoản 5 Điều 13 Dự thảo Luật[1] quy định: “Trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này, trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác theo quy định của Bộ luật Hình sự thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty[2].
Chúng tôi cho rằng, quy định tại khoản 5 Điều 13 Dự thảo Luật chưa rõ, chưa đầy đủ, chưa thống nhất với Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Bộ luật TTHS), Luật Thi hành án hình sự năm 2019 (Luật THAHS) ở các điểm sau:
Thứ nhất:quy định “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị kết án tù hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu..., trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác” là chưa rõ. Bởi lẽ, theo quy định của BLHS và Luật THAHS, người bị kết án tù có thể là người đang chấp hành án phạt tù; nhưng cũng có thể là người được hưởng án treo, được tha tù trước thời hạn có điều kiện, được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Bên cạnh đó, BLHS xác định rất cụ thể các loại tội phạm và không có quy định về “tội khác” Vì vậy, Dự thảo Luật cần được chỉnh sửa, “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị kết án tù” là tất cả 05 trường hợp trên hay chỉ là 01 trường hợp đang chấp hành án phạt tù và “tội khác” ở đây là những tội gì để bảo đảm tính cụ thể, minh bạch của pháp luật, bảo đảm nhận thức và áp dụng thống nhất.
Thứ hai,quy định không thống nhất so với quy định của các văn bản pháp luật khác, cụ thể:
- Quy định “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trốn khỏi nơi cư trú” không thống nhất với Bộ luật TTHS. Bởi lẽ, Bộ luật TTHS không quy định về trường hợp “trốn khỏi nơi cư trú” mà quy định trường hợp “đi khỏi nơi cư trú mà không được cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho phép;
- Quy định “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép” không thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật Xử lý VPHC), BLHS và Bộ luật TTHS. Bởi lẽ, Luật Xử lý VPHC chỉ quy định hình thức xử phạt là Tước quyền sử dụng giấy phép”; BLHS chỉ quy định hình phạt bổ sung “cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định”; Bộ luật TTHS cũng không quy định “tước quyền hành nghề” là biện pháp ngăn chặn.  Bên cạnh đó, BLHS đã bỏ tội “kinh doanh trái phép” và chỉ quy định tội “sản xuất hàng giả”.
Vì vậy, Dự thảo Luật cần được chỉnh sửa những quy định trên để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Thứ ba,mâu thuẫn, bỏ sót và thu hẹp phạm vi điều chỉnh của quy định có liên quan trong Bộ luật TTHS, đó là:
- Đoạn 1, khoản 1 Điều 434 Bộ luật TTHS về người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng quy định: “Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử... thì pháp nhân phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của mình tham gia tố tụng...”[3]. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Dự thảo Luật thì dù người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhưng nếu họ không bị tạm giam, không bị kết án tù, không trốn khỏi nơi cư trú hoặc không bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội[4]thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị (không phải) cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty[5]. Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khoản 5 Điều 13 Dự thảo Luật cần được sửa đổi cho phù hợp với quy định của Bộ luật TTHS.
2. Về con dấu của doanh nghiệp
Khoản 1 Điều 44 Dự thảo Luật quy định con dấu của doanh nghiệp như sau: “Doanh nghiệp có quyền quyết định có hoặc không có con dấu; quyết định số lượng, hình thức và nội dung con dấu của doanh nghiệp, dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do công ty, đơn vị khác của doanh nghiệp ban hành[6]. Quy định này là mâu thuẫn với quy định về hình thức và nội dung đơn khởi kiện tại khoản 3 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Bộ luật TTDS): “Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án... trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật Doanh nghiệp[7] (tức là bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu và phải đóng dấu vào đơn khởi kiện).
Mặt khác, khoản 3 Điều 189 Bộ luật TTDS còn quy định “việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật Doanh nghiệp[8]. Tuy nhiên, Dự thảo Luật lại không trực tiếp quy định “việc sử dụng con dấu” mà chỉ quy định gián tiếp “Việc... sử dụng... con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do công ty, đơn vị khác của doanh nghiệp ban hành[9]. Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Dự thảo Luật cần được chỉnh sửa cho phù hợp với quy định của Bộ luật TTDS.
3. Về xử lý vi phạm
Khoản 1 Điều 210 Dự thảo Luật quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật[10]. Quy định này đã bỏ sót trường hợp xử lý doanh nghiệp là pháp nhân thương mại. Theo quy định tại Điều 2 và Điều 76 BLHS, pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự nếu phạm một hoặc nhiều tội sau đây: Điều 188. Tội buôn lậu; Điều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; Điều 196. Tội đầu cơ; Điều 200. Tội trốn thuế; Điều 203. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; Điều 209. Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; Điều 210. Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; Điều 211. Tội thao túng thị trường chứng khoán; Điều 213. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm; Điều 216. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; Điều 217. Tội vi phạm quy định về cạnh tranh; Điều 225. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Điều 226. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; Điều 227. Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Điều 232. Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản; Điều 234. Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã; Điều 235. Tội gây ô nhiễm môi trường; Điều 237. Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; Điều 238. Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông; Điều 239. Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; Điều 242. Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản; Điều 243. Tội hủy hoại rừng; Điều 244. Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; Điều 245. Tội vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên; Điều 246. Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại; Điều 300. Tội tài trợ khủng bố; Điều 324. Tội rửa tiền. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 210 Dự thảo Luật theo hướng: Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường, cá nhân hoặc doanh nghiệp là pháp nhân thương mại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trên đây là một số góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng và thống nhất của hệ thống pháp luật.

 


[1] Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ Tám, tháng 11/2019 (Dự thảo Luật).
[2] Dự thảo Luật.
[3] Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[4] Dự thảo Luật.
[5] Dự thảo Luật.
[6] Dự thảo Luật.
[7] Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[8] Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[9] Dự thảo Luật.
[10] Dự thảo Luật.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 02+03 (402+403), tháng 2/2020.)