Cơ cấu, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân

05/03/2020

THS. TẠ THỊ YÊN

Vụ trưởng Vụ công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội.

Tóm tắt: Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) là người được nhân dân bầu, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết,“Tổng tuyển cử là dịp toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà…”[1]. Với nhận thức đó, công tác cán bộ, trong đó trọng tâm là tiêu chuẩn, chất lượng ĐBQH, đại biểu HĐND luôn được quan tâm, là yếu tố then chốt cho thành công của mỗi cuộc bầu cử. Bài viết sẽ tập trung vào các nội dung về cơ cấu, tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND, những vấn đề đặt ra nhằm hướng tới việc góp phần nâng cao chất lượng ĐBQH, đại biểu HĐND.
Từ khóa: Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân.
Abstract: The National Assembly deputies, People's Council deputies are the persons elected by the people on behalf of the people to exercise the state power. Ho Chi Minh President wrote, "The general election is an opportunity for the entire nation to freely select the talented and virtuous people for the madates of the nation  ...". Following the mentioned thoughts, the cadres arrangements, for which it is focused is the criteria and qualifications of National Assembly deputies, People's Council deputies, is always a big concern, which is the key factor for the success of each election. This article is focused on the contents of the composition, criteria of the National Assembly deputies, People's Council deputies, and issues raised towards the improvements of the quality of the National Assembly deputies, People's Council deputies.
Keywords: National Assembly deputies, People's Council deputies
 nhieu-nguoi-tu-ung-cu-tot-nhung.jpg
 Ảnh minh họa: Nguồn internet
 
I. TIÊU CHUẨN, CƠ CẤU ĐBQH, ĐẠI BIỂU HĐND
Tiêu chuẩn ĐBQH và đại biểu HĐND được quy định trong các Nghị Quyết, Chỉ thị của Đảng cũng như trong các quy định của pháp luật.
1. Về tiêu chuẩn ĐBQH, tiêu chuẩn đại biểu HĐND
Vấn đề tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ quyết định chất lượng hoạt động của đại biểu mà còn là yếu tố nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND. Tiêu chuẩn ĐBQH theo 5 tiêu chí được quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội[2]. Các tiêu chuẩn đối với đại biểu HĐND cũng tương đồng như đối với ĐBQH và được quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Có thể thấy, dù trong điều kiện, hoàn cảnh cách mạng nào thì tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng về tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND luôn được xem trọng, là nhân tố bảo đảm xây dựng cơ quan quyền lực nhà nước vững mạnh, thực sự đại diện cho nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng. Vấn đề tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND không chỉ đặt ra cho cơ quan, tổ chức giới thiệu người ra ứng cử mà còn là cơ sở, tiêu chí để cử tri lựa chọn đại biểu và thực hiện quyền chính trị cơ bản của mình.
Theo quy định hiện nay, tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND mới đề cập đến yêu cầu chung nhất về đạo đức, tài năng, các mối quan hệ biện chứng giữa đức và tài, về uy tín trước nhân dân, các điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Hiệu quả hoạt động của đại biểu phụ thuộc vào các điều kiện cụ thể, bị chi phối bởi yêu cầu phát triển trong từng thời kỳ, vào điều kiện kinh tế - xã hội, quyền làm chủ của nhân dân… Từ đó trong mỗi cuộc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND ngoài những tiêu chí chung có tính phổ biến, còn chú trọng những quy định về tiêu chuẩn cụ thể cho phù hợp với yêu cầu mới.
Trên cơ sở quy định về tiêu chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND nêu trên, trong quá trình chuẩn bị nhân sự bầu cử, trước mỗi cuộc bầu cử, Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội xây dựng Đề án chuẩn bị bầu cử, trong đó, nhưng tiêu chuẩn của đại biểu luôn được chú trọng. Để chuẩn bị công tác nhân sự ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ban Chấp hành trung ương sẽ có Hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Năm 2016 Ban Tổ chức Trung ương đã có Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW, trong đó có nội dung quy định về tiêu chuẩn đối với đại biểu HĐND, người ứng cử đại biểu HĐND ngoài các tiêu chuẩn phải đáp ứng theo quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thì người ứng cử đại biểu HĐND các cấp phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ (đối với những người đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nói chung).
Ngoài các tiêu chuẩn chung, người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND chuyên trách ở các cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện:
(1) Về trình độ, chức vụ:
+ Có trình độ đại học trở lên (đối với cấp tỉnh, cấp huyện); có khả năng tham gia xây dựng chính sách và tổ chức các hoạt động giám sát; có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến phân công.
+ Ở cấp tỉnh: Cán bộ ứng cử Phó Chủ tịch HĐND phải là tỉnh ủy viên (trong 02 đồng chí Phó Chủ tịch HĐND có 01 đồng chí là Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy) giữ chức Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên; ứng cử Trưởng ban của HĐND phải giữ chức Phó Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên; ứng cử Phó trưởng ban của HĐND phải giữ chức vụ Trưởng phòng của sở, ban, ngành cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên.
+ Ở cấp huyện: Cán bộ ứng cử Phó Chủ tịch HĐND phải là huyện ủy viên (trong 02 đồng chí Phó Chủ tịch HĐND có 01 đồng chí là ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy), giữ chức Trưởng phòng cấp huyện hoặc tương đương trở lên; ứng cử Trưởng ban của HĐND phải giữ chức Phó trưởng phòng cấp huyện hoặc tương đương trở lên; ứng cử Phó trưởng ban của HĐND phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên từ 05 năm trở lên.
Đối với các đồng chí dự kiến bố trí làm Trưởng các Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện kiêm nhiệm, cần có năng lực, trình độ, sức khỏe và thời gian để đáp ứng yêu cầu công việc.
+ Ở cấp xã: Cán bộ ứng cử Phó Chủ tịch HĐND phải là ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy xã; đối với những nơi chưa có điều kiện có thể xem xét, giới thiệu đồng chí ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ xã. Căn cứ tình hình cụ thể, Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện đối với cán bộ ứng cử Phó Chủ tịch HĐND cấp xã; phấn đấu lựa chọn cán bộ trẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực và khả năng phát triển.
(2) Về độ tuổi(ngoài tiêu chuẩn chung về độ tuổi nêu trên):
+ Người lần đầu ứng cử đại biểu HĐND chuyên trách phải đủ tuổi tham gia 02 nhiệm kỳ HĐND trở lên hoặc ít nhất trọn 01 nhiệm kỳ; nếu tái cử thì thực hiện theo Chỉ thị số 36-CT/TW (mới đây là Chỉ thị số 35) tức là nam sinh từ tháng 11/1963, nữ sinh từ tháng 11/1968 trở lại đây.
+ Cán bộ nữ thuộc đối tượng được nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn theo Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29-5-2015 của Chính phủ thì tuổi tái cử đại biểu HĐND nếu sinh từ tháng 5-1961 trở lại đây và sẽ nghỉ hưu khi đến tuổi theo quy định của Bộ luật Lao động.
- Về tiêu chuẩn sức khỏe: Được cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận đủ sức khỏe trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm giới thiệu nhân sự (tỉnh ủy, thành ủy hướng dẫn, xác định cơ sở khám sức khỏe).
* Về việc bố trí Trưởng đoàn, PTrưởng đoàn ĐBQH và nhân sự lãnh đạo chủ chốt HĐND, Ủy ban nhân dân các cấp
(+) Các đồng chí là lãnh đạo chủ chốt tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp ủy và Bộ Chính trị, Ban Bí thư giới thiệu ứng cử ĐBQH, nếu trúng cử thì đảm nhiệm chức danh Trưởng đoàn ĐBQH của tỉnh, thành phố. Các đồng chí đảm nhiệm chức danh Phó Trưởng đoàn ĐBQH của tỉnh, thành phố phải là tỉnh ủy viên, giữ chức Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, nói chung có quy hoạch một trong các chức danh sau: ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, phó chủ tịch HĐND, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc tương đương trở lên; các tỉnh, thành phố được cơ cấu 02 Phó Trưởng đoàn thì ít nhất có 01 đồng chí đáp ứng yêu cầu nêu trên.
(+) Việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt HĐND, Ủy ban nhân dân các cấp phải căn cứ vào phương án nhân sự do cấp ủy chuẩn bị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (khi tiến hành đại hội đảng bộ các cấp); trường hợp cần thiết phải thay đổi thì báo cáo cấp ủy có thẩm quyền xem xét, quyết định.
(+) Các đồng chí được giới thiệu ứng cử làm Trưởng đoàn ĐBQH, ứng cử giữ chức chủ tịch HĐND, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì theo Đề án nhân sự cụ thể do Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.
(+) Về số lượng cấp phó đối với chức danh lãnh đạo Đoàn ĐBQH, HĐND, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện theo quy định hiện hành.
* Phát huy dân chủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong giới thiệu nhân sự ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp
(+) Đối với mỗi chức danh lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, lãnh đạo HĐND, Ủy ban nhân dân các cấp, các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ giới thiệu một đại biểu tham gia ứng cử theo nguyên tắc tập trung dân chủ và phải đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức chính quyền địa phương. 
2. Về cơ cấu, thành phần, số lượng ĐBQH, đại biểu HĐND
Tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND liên quan chặt chẽ với vấn đề cơ cấu đại biểu. Trên cơ sở tiêu chuẩn, cần phải có cơ cấu hợp lý để đảm bảo tính đại diện trong hệ thống cơ quan dân cử, đại diện cho trí tuệ và sự đoàn kết của dân tộc. Sự phân bố dân cư rất không đồng đều, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi vùng, miền cũng khác nhau. Do đó, việc xác định cơ cấu, thành phần, số lượng ĐBQH, đại biểu HĐND là cần thiết, là yêu cầu khách quan. Vì vậy, trên cơ sở quy định về tiêu chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND, trước mỗi cuộc bầu cử, Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội xây dựng Đề án chuẩn bị bầu cử, trong đó cơ cấu là cần thiết nhưng tiêu chuẩn, chất lượng cần phải được tiếp tục quan tâm, chú trọng.
 (1) Về việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng ĐBQH: dựa trên căn cứ dự kiến số lượng ĐBQH được bầu, sau khi thống nhất ý kiến với Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH, phân bổ số lượng ĐBQH dựa trên nguyên tắc: mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất ba đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương; số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số ĐBQH dự kiến được bầu là năm trăm người[3].
Số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội. Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử ĐBQH do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH là người dân tộc thiểu số. Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử ĐBQH do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH là phụ nữ. Qua các khóa Quốc hội, trình độ và chất lượng ĐBQH đều được nâng lên[4].
(2) Về việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND:
Việc xác định số lượng đại biểu HĐND được bầu ở mỗi đơn vị hành chính được căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương[5].
Việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi đơn vị hành chính được dựa trên các tiêu chí nữ, dân tộc, ngoài Đảng, tái cử[6]. Ngoài ra, việc xác định dự kiến cần tính đến việc phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử ở các đơn vị hành chính cấp dưới, các thôn, tổ dân phố bảo đảm tương quan hợp lý về dân số giữa các đơn vị này.
Việc phân bổ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND để bố trí làm đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách được thực hiện căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương và phải bảo đảm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương. Ở cấp tỉnh, Chủ tịch HĐND có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; hai Phó Chủ tịch HĐND là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; mỗi Ban của HĐND cấp tỉnh có ít nhất hai đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Ở cấp huyện, Chủ tịch HĐND có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; hai Phó Chủ tịch HĐND là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; mỗi Ban của HĐND cấp huyện có ít nhất một đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Ở cấp xã, một Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.
Có thể nói, cơ cấu, thành phần ĐBQH, đại biểu HĐND của các khoá đã có sự đổi mới, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế bất cập cần được tiếp tục khắc phục, đó là:
Thứ nhất, cần đặt vấn đề cơ cấu trong mối quan hệ với tính đại diện. Các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành quy định ĐBQH, đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Trong giai đoạn kinh tế tri thức, cần phải hiểu khái niệm đại diện theo hướng “đại diện trí tuệ” chứ không thuần túy là đại diện theo con người. Ví dụ, một đại biểu là chuyên gia về kinh tế nông nghiệp, nông thôn có thể đại diện cho tiếng nói của người dân vùng nông dân. Một nhà nghiên cứu dân tộc học có thể đại diện, truyển tải tâm tư, nguyện vọng của người dân vùng dân tộc thiểu số.
Thứ hai, quá trình phân bổ cơ cấu và thực tế việc giới thiệu ứng cử viên theo cơ cấu còn có những bất cập. Khi phân bổ cơ cấu về các địa phương thường có dự kiến các cơ cấu kết hợp bao gồm: dân tộc, nữ, trẻ tuổi, tái cử và ngoài đảng (trước đây thì có thêm cơ cấu tự ứng cử). Thực tế có nhiều trường hợp đại biểu được giới thiệu để “gánh” hai đến ba cơ cấu, cá biệt có trường hợp “gánh” cả 4 cơ cấu. Đại biểu khi trúng cử là một nữ, ngoài đảng, vừa tốt nghiệp đại học còn chưa có việc làm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của đại biểu cũng như cơ quan mà đại biểu tham gia.
Thứ ba, một số cơ cấu chưa được quan tâm thích đáng như cơ cấu kết hợp, tái cử, điều đó cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử. (Ví dụ như HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 cho thấy số đại biểu HĐND ở cấp tỉnh tái cử là 33,88% thấp hơn 0,6% so với nhiệm kỳ 2011-2016). Sau một nhiệm kỳ hoạt động, kiến thức và kỹ năng tích lũy được sẽ là hành trang, là nền tảng quan trọng cho nhiệm kỳ tiếp theo. Nếu vì lý do khách quan mà không được tiếp tục giới thiệu ứng cử thì không những phải bồi dưỡng, kiến thức kỹ năng cho các đại biểu mới mà còn không phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm của những đại biểu đương nhiệm.
Tóm lại, mối quan hệ giữa công tác quy hoạch và tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu là mối quan hệ tương hỗ, tác động lẫn nhau. Để bảo đảm hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, cần có sự chủ động chuẩn bị nguồn nhân sự gắn với việc lựa chọn những đại biểu có đủ tiêu chuẩn, năng lực và điều kiện thực sự tham gia ứng cử đại biểu dân cử, trên cơ sở đảm bảo cơ cấu, thành phần đại biểu một cách hợp lý. Như vậy, căn cứ nguồn quy hoạch đào tạo mà xác định cơ cấu, tiêu chuẩn, thành phần và lựa chọn nhân sự bầu làm đại biểu. Có như vậy, cơ quan dân cử mới hoàn thành tốt chức năng lập pháp, giám sát và quyết điịnh những vấn đề quan trọng của đất nước nói chung, của địa phương nói riêng.
II. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐẠI BIỂU HĐND
Để từng bước nâng cao chất lượng đại biểu, chúng tôi cho rằng, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau đây:
1. Đổi mới công tác quy hoạch nguồn cán bộ chuẩn bị nhân sự ứng cử đại biểu nhiệm kỳ mới
Công tác quy hoạch là tạo nguồn để chủ động chuẩn bị cán bộ cho việc bổ nhiệm, bố trí nhân sự khi có nhu cầu hoặc khi đến kỳ đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, HĐND, … Do tính chất quan trọng của công tác này, trong thời gian tới cần đổi mới công tác quy hoạch nguồn cán bộ theo hướng sau đây:
Một là, phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ, có đức, có tài, có triển vọng để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài. Do vậy, ở thời điểm đưa vào quy hoạch không nhất thiết phải đáp ứng đầy đủ điều kiện và tiêu chuẩn của chức danh quy hoạch, mà cần được rèn luyện, thử thách, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo tiêu chuẩn của chức danh quy hoạch để khi cần thiết bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử các chức vụ lãnh đạo, quản lý là có thể đảm bảo đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Qua đó, các địa phương, cơ quan cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng số cán bộ theo quy hoạch.
Hai là, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Việc luân chuyển cán bộ cần được thực hiện các khâu chặt chẽ, nghiêm túc, khách quan, công khai, minh bạch. Cán bộ luân chuyển cần được bố trí công việc phù hợp để phát huy tốt nhất năng lực, kinh nghiệm công tác. Đề cao ý thức, trách nhiệm, bản lĩnh của cán bộ, đảng viên trong quá trình bỏ phiếu quy hoạch để khắc phục tính hình thức, dễ dãi; việc lựa chọn cán bộ vào diện quy hoạch phải thực sự khoa học, chọn những cán bộ xứng đáng nhất, có uy tín và sức quy tụ cao, phù hợp với vị trí quy hoạch. Kết quả quy hoạch phải được công khai trong cơ quan để cán bộ, đảng viên biết, theo dõi, giám sát và đánh giá đúng về cán bộ thuộc diện được quy hoạch.
Ba là, quy hoạch cần gắn với công tác đánh giá cán bộ, cán bộ được đưa vào quy hoạch phải bảo đảm về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Phải thể hiện được uy tín thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm và kết quả đánh giá cán bộ, có năng lực thực tiễn công tác, có khả năng dự bảo tình hình, xử lý những tình huống phát sinh trong ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị công tác.
Bốn là, công tác quy hoạch cán bộ cần sát thực tiễn, có tính khả thi, tránh cục bộ dòng họ, dân tộc, vùng miền, phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ, từng lĩnh vực công tác của người cán bộ để xác định tiêu chuẩn, cơ cấu đội ngũ cán bộ trong quy hoạch, nắm chắc đội ngũ cán bộ hiện có, dự báo được nhu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài.
Năm là, chú ý quy hoạch cần đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Cơ cấu cán bộ cần cân đối giữa các độ tuổi để tạo nguồn cán bộ kế cận cho nhiều giai đoạn. Việc quan trọng là phát hiện, đào tạo, quy hoạch… cho tới bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số phải được các cấp ủy, tổ chức đảng xác định là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên.
2. Hoàn thiện quy trình lựa chọn, giới thiệu ứng cử đại biểu
Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND 2015 quy định quy trình hiệp thương được khái quát là qua 3 vòng và 5 bước.
Qua nhiều cuộc bầu cử, quy trình lựa chọn giới thiệu người ứng cử đã đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bầu cử. Tuy nhiên, còn phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức và chưa thực sự tạo điều kiện cho người tự ứng cử tham gia ứng cử. Nhất là Hội nghị hiệp thương lần thứ ba lập danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử. Vẫn còn có trường hợp người ứng cử sau khi lấy ý kiến tại nơi cư trú, tại nơi công tác nhận được tín nhiệm cao của nhân dân và cử tri, song đến Hội nghị hiệp thương lần thứ ba một số người đủ tiêu chuẩn, điều kiện lại không được tiếp tục lựa chọn, giới thiệu ứng cử[7].
Hiện nay, hầu hết các cơ quan, theo cơ cấu được phân bổ đều chỉ giới thiệu một người ứng cử. Điều này dẫn đến việc các hội nghị hiệp thương của MTTQ trên thực tế là hình thức. Trường hợp một người nào bị đưa ra khỏi danh sách vì vi phạm pháp luật bầu cử thì không thể còn thời gian để giới thiệu người khác thay thế. Do đó, cấp thẩm quyền khi tiến hành giới thiệu thì cần giới thiệu hai người ứng cử để Mặt trận hiệp thương lựa chọn lấy một người. Việc giới thiệu nhiều hơn số cơ cấu còn nhằm mục đích có đủ người đủ điều kiện ứng cử để khi nếu có người nào đó bị loại do vi phạm pháp luật bầu cử thì sẽ sẵn có người thay thế, không để xảy ra tình trạng bất khả kháng hoặc tình trạng không đủ số dư ở mỗi đơn vị bầu cử.
Cần nghiên cứu quy định tất cả những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện qua các vòng hiệp thương nếu được tín nhiệm cao trên 50% của cử tri phải được Hội đồng bầu cử quốc gia đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH, cho dù rằng số lượng người được giới thiệu có thể cao và số dư người ứng cử tại các đơn vị bầu cử có thể nhiều hơn 2-3 số đại biểu ấn định đối với đơn vị bầu cử đó.
3. Tăng cường tính cạnh tranh trong ứng cử, bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND
Một trong những yếu tố làm tăng chất lượng đại biểu là tính cạnh tranh trong công tác vận động bầu cử tiến tới tranh cử. Hiện nay, việc giới thiệu người ứng cử theo cơ cấu vẫn còn tình trạng “quân xanh” “quân đỏ”. Với mỗi cơ cấu được phân bổ, địa phương sẽ tiến hành các quy trình hiệp thương, giới thiệu nhưng phần lớn là có sự chênh lệch thấy rõ về trình độ, kinh nghiệm và vị thế của người ứng cử tại mỗi cơ cấu. Sự vắng bóng của những người tự ứng cử có chất lượng làm cho quá trình vận động bầu cử chưa thực sự tạo sức cạnh tranh đúng đắn.
Việc mở rộng phạm vi lựa chọn cho cử tri, bằng cách tăng số người ứng cử cho một đơn vị bầu cử; quy định cụ thể trình tự thủ tục tự ứng cử để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tự ra ứng cử, tranh cử. Đây là bước cần thực hiện đầu tiên, cần dũng cảm đổi mới mạnh mẽ nhưng không vội vã. Đây là vấn đề còn có những bất cập trong quy trình triển khai thực hiện. Nhưng lại là vấn đề hết sức quan trọng liên quan đến các điều kiện đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền chính trị cơ bản của công dân. Là yếu tố bảo đảm lựa chọn được người có đủ năng lực, phẩm chất tham gia cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
4. Giảm số lượng ĐBQH, đại biểu HĐND kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp
Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã định hướng giảm hợp lý số lượng ĐBQH, đại biểu HĐND kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp và cơ quan quản lý nhà nước. Cần được nghiên cứu, đánh giá toàn diện các mặt hiệu quả hoạt động để có định hướng giảm cụ thể, giảm bao nhiêu ở ngành nào phù hợp với chủ trương chung. Hiện nay, thành viên các cơ quan của Quốc hội, các Ban của HĐND là đại biểu kiểm nhiệm, thuộc khối hành pháp, khối cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương còn phổ biến. Tình trạng này phần nào ảnh hướng đến hoạt động của các cơ quan này. Một số Ủy ban của Quốc hội, Ban của HĐND khi triệu tập họp rất khó khăn vì nhiều thành viên giữ các vị trí là chủ chốt ở các tỉnh, thành phố không bố trí được thời gian. Ngoài ra, một số Ủy ban của Quốc hội, Ban HĐND, thì thành viên phần lớn lại thuộc cơ quan chịu sự giám sát. Điều này cũng có hạn chế nhất định trong việc giám sát, thẩm định những vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực.
5. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao số lượng đại biểu là nữ, người dân tộc thiểu số
Về cơ cấu nữ, theo Luật bầu cử thì phải có ít nhất 35% số người trong danh sách chính thức những người ứng cử là nữ. Muốn vậy phải giới thiệu ít nhất được 40% số người được giới thiệu là nữ. Về số lượng và tỷ lệ này có lẽ không khó, vấn đề là chất lượng người được giới thiệu làm ứng cử viên. Vì vậy, ngay từ đầu đã phải quan tâm thật đúng mức tới chất lượng người được giới thiệu ứng cử. Về số lượng và tỷ lệ đại biểu là người dân tộc trong cơ quan dân cử, Luật bầu cử quy định ít nhất là 18%. Tuy nhiên, cần lãnh đạo, chỉ đạo tìm người đủ tiêu chuẩn ở một số dân tộc mà nhiều khóa chưa có ĐBQH, tìm người xứng đáng nhất trong các dân tộc có số dân đông hơn để giới thiệu. Đối với HĐND, với tính chất địa phương thì sự phân bố dân cử, dân tộc không đồng đều, có những nơi chính người Kinh lại là thiểu số. Bởi vậy, cấp ủy Đảng ở từng địa phương phải lãnh đạo sát sao, bám nắm thực tế, chỉ đạo cụ thể để việc giới thiệu đạt được các tỷ lệ hợp lý, mang tính đại diện cao giữa các dân tộc trên từng địa bàn./.

 


[1] Tuần báo Cứu quốc số 130 ngày 31.12.1945.
[2] Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội. 
[3] Khoản 3, Điều 4 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
[4] Quốc hội khoá IX có 56,20% tổng số đại biểu Quốc hội có trình độ đại học và trên đại học; khoá X tỷ lệ này là 91,33%; khoá XI là 93,37%; khoá XII là 95,99% và khoá XIII có 98,20% có trình độ đại học và trên đại học. Khóa XIV hiện tại có 36,30% đại biểu có trình độ đại học và 62,50% đại biểu có trình độ trên đại học.
[5] Các Điều: 18, 25, 32. 39. 46. 53, 60 và 67 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
[6] Ví dụ như cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 Bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ; phấn đấu số đại biểu HĐND được bầu là người dân tộc thiểu số không thấp hơn số đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011-2016 là người dân tộc thiểu số ở đơn vị hành chính đó; Phấn đấu đạt tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND là người ngoài Đảng không dưới 10%; người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND là người dưới 35 tuổi không dưới 15% tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND ở từng cấp; Phấn đấu có ít nhất 30% đại biểu HĐND nhiệm kỳ trước tái cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021.
 
[7] Ví dụ điển hình là trường hợp ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam bị loại khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV của thành phố Hà Nội. Ông là người có tín nhiệm rất cao trong nhân dân và cử tri, người sáng lập Quỹ “Cơm có thịt” (nay là Quỹ học trò nghèo vùng cao).

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 22 (398), tháng 11/2019.)


Ý kiến bạn đọc