Thực trạng nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

02/10/2019

PGS.TS LÊ MINH THÔNG

Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.

Tóm tắt: Trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, sự lãnh đạo, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội đã đảm bảo các chủ trương, giải pháp chống tham nhũng được xác định trong các văn kiện của Đảng được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ thành các quy định của pháp luật. Đặc biệt Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua cùng với các đạo luật khác trong hệ thống pháp luật đã tạo dựng được các cơ sở pháp lý khá đồng bộ và phù hợp để triển khai mạnh mẽ cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong mọi lĩnh vực.     
Từ khóa: phương thức lãnh đạo của Đảng; Quốc hội; phòng, chống tham nhũng
Abstract: In aspect of anti-corruption, the leadership and the leadership method of the Communist Party to the National Assembly is to ensure that the anti-corruption guidelines, solutions identified Party’s documents shall be timely and fully in institutionalized into the legal provisions. Especially, the Anti-Corruption Law of 2018 has been approved by the XIV National Assembly with other laws in the legal system, which has provided a synchronous and appropriate legal ground to strongly proceed the anti- corruption campaign in all areas.
Keywords: leadership method of the Communist Party; National Assembly; anti- corruption
Untitled_52.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) là một tất yếu trong điều kiện là một Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Một khi tham nhũng đã trở thành một “quốc nạn” đang đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ, xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, thì trách nhiệm lãnh đạo cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn tham nhũng càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã và đang tích cực vào cuộc đấu tranh với các hành vi tham nhũng và đang đem lại nhiều kết quả, được dư luận và nhân dân đánh giá cao. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị trong cuộc đấu tranh PCTN một cách linh hoạt, không rập khuôn máy móc. Căn cứ vào vị trí, vai trò, tính chất, tổ chức và hoạt động của mỗi một thiết chế trong hệ thống chính trị, Đảng có nội dung, phương thức lãnh đạo phù hợp để vừa đảm bảo sự lãnh đạo của mình, vừa tôn trọng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị trong việc thực hiện hiệu quả trách nhiệm trong cuộc đấu tranh phức tạp và cam go này. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần xác định rõ, đúng nội dung lãnh đạo, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với từng cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị để phát huy cao nhất hiệu quả đấu tranh PCTN của từng cơ quan, tổ chức.
   Theo quy định của Điều 69 Hiến pháp năm 2013: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Quy định này xác định bản chất của Quốc hội được được thể hiện trên hai phương diện sau:
   - Là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, do Nhân dân cả nước bầu ra theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH); đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích của Nhân dân cả nước, chịu trách nhiệm trước Nhân dân cả nước về việc thực hiện quyền lực do Nhân dân ủy quyền.
   - Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Quốc hội là một thiết chế quyền lực trung tâm của bộ máy nhà nước, được Nhân dân giao phó những thẩm quyền trọng yếu: lập hiến và lập pháp; quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước và quyền giám sát tối cao.
Quốc hội trong vị thế là cơ quan lập hiến và lập pháp được tổ chức và hoạt động theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội có nhiều đặc thù hơn so với sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp trong mối quan hệ cấu trúc bộ máy nhà nước.
Một mặt, sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội tuân theo quy luật chung của sự lãnh đạo đối với Nhà nước nói chung với 3 thẩm quyền cơ bản:
Một là: xây dựng và quyết định đường lối chính trị cho sự phát triển của đất nước; quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia.
Hai là: Đảng giới thiệu các đảng viên ưu tú đủ tiêu chuẩn để Nhân dân lựa chọn bầu vào các cơ quan đại diện và quyền lực nhà nước; giới thiệu để các cơ quan nhà nước bầu hoặc bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo.
Ba là: thực hiện việc kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên và các cơ quan nhà nước, các đoàn thể quần chúng trong việc thực hiện đường lối chính sách của Đảng.
Mặt khác, sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội được thực hiện phù hợp với ba lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Quốc hội là hoạt động lập hiến, lập pháp; hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động giám sát.
Trong hoạt động lập hiến, lập pháp, sự lãnh đạo của Đảng tập trung vào nhiệm vụ lãnh đạo Quốc hội thể chế hóa kịp thời và đúng đắn các đường lối, chủ trương, chính sách và quan điểm, định hướng phát triển đất nước trong các lĩnh vực của đời sống đất nước thành các quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết. Trong lĩnh vực này, đời sống, chính sách, quan điểm của Đảng là những định hướng chính trị để Quốc hội quyết định chính sách, pháp luật, xác định nội dung cụ thể của các đạo luật, pháp lệnh và nghị quyết.
Để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động lập hiến, lập pháp của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải thường xuyên, chủ động xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan lãnh đạo của Đảng như Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương lập pháp, chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật toàn khóa và từng năm trong nhiệm kỳ Quốc hội; về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau xung quanh các nội dung của dự thảo luật, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đất nước cần được pháp luật điều chỉnh… Các cơ quan lãnh đạo của Đảng căn cứ vào tính chất, phạm vi và nội dung của từng vấn đề mà có những ý kiến, kết luận cụ thể làm căn cứ để Quốc hội thảo luận và quyết định nội dung các dự án luật và thông qua các đạo luật theo thẩm quyền và thủ tục luật định.
   - Trong hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội được thực hiện theo phương thức Đảng ra chủ trương - Quốc hội thảo luận và quyết định theo thẩm quyền. Để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và thẩm quyền quyết định của Quốc hội đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, thực tiễn luôn đòi hỏi phải khắc phục nguy cơ của hai khuynh hướng:
- Khuynh hướng Quốc hội chỉ thảo luận lại, quyết định lại các vấn đề Đảng đã quyết. Với khuynh hướng này, việc quyết định của Quốc hội chỉ mang tính hình thức như một cách thức hợp pháp hóa quyết định của Đảng.
- Khuynh hướng thứ hai là nguy cơ Quốc hội quyết định các vấn đề có thể không phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng.
Để tránh nguy cơ của cả hai khuynh hướng trên, một mặt, Đảng không quyết định thay công việc của Quốc hội, không quyết định các vấn đề cụ thể mà chỉ quyết định các định hướng lớn có tính chính trị cho mỗi một chủ trương, tạo khuôn khổ chính trị để Quốc hội thảo luận và quyết định cụ thể từng vấn đề. Mặt khác, các tổ chức đảng trong Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, các tổ đảng trong các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, các Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy phải chủ động thuyết phục, giải thích, tranh luận tại các kỳ họp của Quốc hội, thuyết phục các ĐBQH nhằm tạo sự đồng thuận trong Quốc hội khi thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng mà Đảng đã có chủ trương. Điều cần được quán triệt là các cấp lãnh đạo của Đảng phải thật sự lắng nghe ý kiến các ĐBQH, chủ động đối thoại với Quốc hội và tôn trọng ý kiến, quan điểm của ĐBQH và kịp thời điều chỉnh chủ trương cho phù hợp với ý chí, nguyện vọng và lợi ích của các cử tri mà các ĐBQH là người đại diện.
   Trong hoạt động giám sát của Quốc hội, sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện qua các chủ trương tăng cường, nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội. Các quan điểm và chủ trương của Đảng được xác định trong các Nghị quyết của các đại hội từ Đại hội VI đến Đại hội XII và các Nghị quyết tương ứng của mỗi khóa, các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư luôn là các căn cứ chính trị quan trọng đối với xây dựng và thực hiện Chương trình, kế hoạch giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội toàn khóa và từng năm. Các hoạt động giám sát đều được thực hiện bám sát các nhiệm vụ chính trị đã được Đảng xác định trong các văn kiện của Đảng. Kết quả giám sát đều được báo cáo các cơ quan có thẩm quyền của Đảng. Việc xử lý các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn hoạt động giám sát của Quốc hội cũng là các cơ sở quan trọng để Đảng hoàn thiện, điều chỉnh các chủ trương, chính sách phù hợp với các yêu cầu phát triển của thực tế đổi mới đất nước.
   Những nội dung cơ bản về sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội được thể hiện qua từng lĩnh vực hoạt động cụ thể của Quốc hội.
   Trong phạm vi thực hiện các nhiệm vụ, trách nhiệm đấu tranh PCTN của Quốc hội, sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện trên các phương diện sau:
1. Lãnh đạo việc thể chế các quan điểm, chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng thông qua các hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội   
  Nhận thức rõ nguy cơ và hậu quả nghiêm trọng của quốc nạn tham nhũng, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo cuộc đấu tranh PCTN. Các quan điểm, chủ trương của Đảng về PCTN luôn được khẳng định nhất quán trong các văn kiện đại hội Đảng, đặc biệt từ Đại hội VII đến nay và được cụ thể hóa trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng[1]. Những quan điểm, chủ trương, giải pháp về PCTN được xác định trong các văn kiện của Đảng đã được Quốc hội các khóa thể chế hóa kịp thời trong các đạo luật cụ thể. Nghiên cứu thực tiễn lập pháp của Quốc hội trong nhiều khóa, đặc biệt các khóa Quốc hội gần đây có thể thấy rằng: phòng và chống tham nhũng đã trở thành một nguyên tắc lập pháp nhất quán, xuyên suốt trong tất cả các đạo luật thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam. Những yêu cầu, đòi hỏi và một khuôn khổ pháp lý về PCTN không chỉ được quy định khá cụ thể trong các đạo luật trực tiếp điều chỉnh việc PCTN mà còn được quy định - dù dưới các hình thức, mức độ và hình thức thể hiện khác nhau - trong hầu hết các đạo luật của hệ thống pháp luật Việt Nam thời kỳ đổi mới.
   Luật PCTN năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN năm 2012; Luật PCTN năm 2018 là những văn bản trực tiếp thể chế hóa các quan điểm, chủ trương lớn của Đảng về PCTN, tạo lập khuôn khổ pháp lý chung cho cuộc đấu tranh PCTN ở Việt Nam.
   Các quan điểm, chủ trương và giải pháp PCTN được xác định trong các văn kiện của Đảng, không chỉ được thể hiện nhất quán trong Luật PCTN mà còn được thể hiện trong hàng loạt các đạo luật quan trọng khác thuộc các lĩnh vực điều chỉnh khác nhau. Các đạo luật về tổ chức bộ máy như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương đều xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ PCTN trong tổ chức và hoạt động của từng tổ chức, đặc biệt là các quy định về công khai hóa, minh bạch hóa các hoạt động. Các đạo luật về kiểm toán nhà nước, Luật Công an nhân dân, Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Tiếp công dân, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Bầu cử ĐBQH, đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức đã bám sát các quan điểm của Đảng về PCTN, thể chế hóa thành nhiều quy định cụ thể. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính được ban hành với nhiều nội dung mới liên quan trực tiếp đến PCTN. Các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội tham nhũng, chức vụ đã thể hiện rõ các quan điểm, thái độ của Đảng, Nhà nước ta đối với các hành vi tham nhũng, đảm bảo sự tương thích với các quy định của Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng, góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh PCTN ở nước ta.
   Các đạo luật chuyên ngành cũng luôn quán triệt, thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về PCTN với nhiều nội dung cụ thể: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công; Luật Ngân sách nhà nước, các đạo luật về thuế; Luật về các Tổ chức tín dụng; Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp; Luật Đất đai; Luật Đấu thầu… đã cơ bản tạo lập được các cơ sở pháp lý khá toàn diện để tăng cường hiệu quả cuộc đấu tranh PCTN trong hầu hết các lĩnh vực điều chỉnh pháp luật.
   Trong quá trình thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, giải pháp lớn của Đảng về PCTN thành các chế định pháp luật của các đạo luật, sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Đảng đoàn Quốc hội luôn bám sát diễn biến thực tiễn, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến thảo luận của các ĐBQH đối với từng dự thảo luật cụ thể, cho ý kiến kịp thời về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau để vừa đảm bảo định hướng chính trị theo quan điểm của Đảng vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của các ĐBQH, tạo đồng thuận trong các vấn đề được thảo luận để hoàn thiện và nâng cao chất lượng các đạo luật nội dung và các đạo luật liên quan trực tiếp đến PCTN nói riêng được Quốc hội thông qua trong các nhiệm kỳ trước đây và hiện nay.
2. Lãnh đạo công tác giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật trong phòng, chống tham nhũng
Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) là một nội dung quan trọng trong công tác giám sát của Quốc hội. Hai năm tại kỳ họp cuối năm các nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ luôn có báo cáo về kết quả PCTN, về công tác phòng, chống tội phạm, TANDTC, VKSNDTC có các báo cáo về hoạt động của mình gửi đến Quốc hội. Đảng đoàn Quốc hội, Tổ đảng các cơ quan Quốc hội, các đoàn ĐBQH luôn có các hình thức linh hoạt lãnh đạo, chỉ đạo việc thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC các nội dung liên quan đến kết quả cuộc đấu tranh PCTN. Báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội luôn bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng về PCTN, đánh giá khách quan về các kết quả tích cực trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCTN; đồng thời nghiêm khắc chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác này. Việc thảo luận của các ĐBQH tại các phiên họp tổ, phiên họp toàn thể tại hội trường (những phiên họp tại các kỳ họp gần đây, khi thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kết quả PCTN, tình hình phòng, chống tội phạm, việc điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng trong các báo cáo của TANDTC, VKSNDTC được truyền hình trực tiếp) đã và đang phát huy được các hiệu ứng tích cực trong thực tiễn PCTN, góp phần tạo niềm tin của Nhân dân và quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi quốc nạn tham nhũng.
Các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong các mặt của đời sống kinh tế - xã hội đất nước cũng luôn chú trọng đến nội dung về thực hiện pháp luật PCTN. Kết quả báo cáo của các đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan Quốc hội liên quan đến các vi phạm pháp luật được phát hiện trong các lĩnh vực được giám sát là những cảnh báo quan trọng về nguy cơ tham nhũng và tạo tiền đề để các cơ quan có trách nhiệm trực tiếp đấu tranh PCTN vào cuộc tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng khi được phát hiện. Qua các giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể, các đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội không chỉ đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, kiểm nghiệm sự đúng đắn và hiệu quả của chính sách, pháp luật mà còn phát hiện các bất cập của các chính sách, pháp luật nói chung, các chính sách, pháp luật trong PCTN nói riêng để có giải pháp sửa đổi, bổ sung.
Đảng lãnh đạo Quốc hội là một vấn đề có tính nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta. Trong các hoạt động lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao nói chung và trong PCTN nói riêng thuộc phạm vi, thẩm quyền và trách nhiệm của Quốc hội; sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện bằng đường lối, chính sách, tạo định hướng chính trị cho hoạt động của Quốc hội. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội trong việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách thành các quy định trong các đạo luật, Nghị quyết của Quốc hội dựa trên nguyên tắc tôn trọng đề cao vai trò và thẩm quyền, tính chủ động của Quốc hội, tạo dư địa để Quốc hội quyết định chính sách pháp luật theo quy định của Hiến pháp. Do vậy đối với Quốc hội, việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành pháp luật không có nghĩa là giải pháp kỹ thuật pháp lý để chuyển hình thức từ Nghị quyết, quyết định, chỉ thị hay kết luận của Đảng sang hình thức văn bản pháp luật dưới dạng đạo luật, bộ luật, từ ngôn ngữ chính trị sang ngôn ngữ pháp lý mà thật sự là một quá trình sáng tạo, dân chủ để một lần nữa các định hướng chính trị được thảo luận để chuyển hóa thành chính sách pháp luật. Quá trình thảo luận các dự án luật là một quá trình khảo nghiệm về sự tương phùng giữa ý Đảng lòng dân, về sự tương thích giữa định hướng chính trị và nhu cầu thực tiễn. Qua thảo luận dân chủ tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu vừa quán triệt các quan điểm; chủ trương của Đảng vừa thể hiện ý chí, nguyện vọng và tiếng nói của cử tri, của cuộc sống trước các vấn đề được đưa ra thảo luận và quyết định. Thông qua thảo luận, tranh luận dân chủ, các quan điểm, chủ trương, giải pháp mà Đảng đã đề ra được hóa thân thành các quy định pháp luật. Cũng qua thảo luận dân chủ, những gì chưa thật phù hợp với thực tiễn, những ý Đảng “chưa thật hợp lòng dân” được Đảng lắng nghe, tiếp thu để có những quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung phù hợp. Vì vậy, có thể thấy rằng, hoạt động lập pháp của Quốc hội vừa là một quá trình thể chế hóa các quan điểm của Đảng thành pháp luật, vừa là kênh phản hồi có trách nhiệm đối với Đảng về những vấn đề chưa thật phù hợp với thực tiễn, với lòng dân trong các chủ trương, giải pháp của mình, qua đó Đảng không ngừng hoàn thiện đường lối, chính sách của mình, tạo dựng cơ sở chính trị vững chắc cho việc đổi mới hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam qua mỗi nhiệm kỳ Quốc hội.
Thực tiễn hoạt động Quốc hội cho thấy, để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, thông thường, trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội sẽ báo cáo với Bộ Chính trị về chương trình, nội dung của các kỳ họp; báo cáo về chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh hàng năm và toàn khóa. Tùy thuộc vào các trường hợp cụ thể, trong quá trình thảo luận các dự luật, các vấn đề quan trọng của đất nước tại các kỳ họp, Đảng đoàn Quốc hội có thể báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề nảy sinh hoặc có nhiều ý kiến, phương án đề xuất khác nhau để xin ý kiến chỉ đạo. Sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với nội dung, các vấn đề Đảng đoàn Quốc hội báo cáo xin ý kiến là cơ sở để Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo quá trình thảo luận, tiếp thu, giải trình các ý kiến ĐBQH, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản để Quốc hội biểu quyết thông qua.
Đảng lãnh đạo Quốc hội trong việc thể chế hóa các quan điểm, chính sách, chủ trương của Đảng thành pháp luật, trong việc thực hiện chức năng giám sát thông qua các tổ chức Đảng: Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội; các tổ đảng tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các Đoàn ĐBQH và qua các đảng viên là ĐBQH.
Sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với Quốc hội trong đấu tranh phòng chống tham nhũng được thực hiện thông qua Đảng đoàn Quốc hội trong việc quán triệt các quan điểm, giải pháp lớn về phòng chống tham nhũng trong việc xem xét thông qua các đạo luật liên quan đến các nội dung phòng chống tham nhũng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thảo luận cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, UBTVQH hàng năm trong đó quán triệt các nhiệm vụ thể chế hóa chủ trương, mục tiêu, giải pháp PCTN cần được thể hiện trong các dự thảo luật thuộc các lĩnh vực điều chỉnh khác nhau. Trong mỗi kỳ họp của Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, cho ý kiến về các nội dung quan trọng trong các dự thảo luật còn có nhiều ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các ĐBQH, hoặc những nội dung mới phát sinh, chưa được thể hiện trong các quan điểm, chủ trương của Đảng cần được xử lý theo tờ trình xin ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội. Ý kiến kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề Đảng đoàn Quốc hội xin ý kiến là cơ sở để Quốc hội hoàn thiện dự thảo luật trước khi được biểu quyết thông qua.
Đảng đoàn Quốc hội chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị lãnh đạo trực tiếp mọi hoạt động của Quốc hội nói chung, trong việc thực hiện các nhiệm vụ, trách nhiệm của Quốc hội trong PCTN nói riêng. Sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng đoàn là điều kiện quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, các ĐBQH quán triệt sâu sắc các quan điểm đường lối của Đảng về PCTN trong hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tối cao. Các ủy viên của Đảng đoàn, đồng thời là các Ủy viên UBTVQH đã tạo được sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, hiệu quả của Đảng đoàn, UBTVQH đối với các hoạt động của Quốc hội, đảm bảo sự phối hợp với quy chế hoạt động của Đảng đoàn và quyền hạn, trách nhiệm của UBTVQH theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội. Sự thảo luận tại các hội nghị của Đảng đoàn, các phiên họp của UBTVQH về các dự thảo luật đảm bảo cho các dự thảo luôn bám sát các quan điểm, chủ trương, giải pháp Đảng xác định trong các nghị quyết, kết luận của Đảng, kết luận về các vấn đề xin ý kiến của các cơ quan thẩm tra các dự án luật, nghị quyết là căn cứ để hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội.
Các tổ đảng trực thuộc Đảng đoàn Quốc hội được thành lập tại Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội từ khóa XIII nhằm thực hiện sự lãnh đạo của Đảng tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng trong hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban trong các hoạt động thẩm tra các dự án luật, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực phụ trách và công tác cán bộ. Hoạt động của các Tổ đảng tại các cơ quan của Quốc hội trong lĩnh vực PCTN luôn gắn liền với các hoạt động thẩm tra, khảo sát, giám sát và kiến nghị về các nội dung thuộc phạm vi, thẩm quyền luật định, góp phần đảm bảo cho các quan điểm, chủ trương PCTN luôn được quan tâm quán triệt trong các dự thảo luật được giao phụ trách.
Trong cơ cấu ĐBQH Việt Nam, đại đa số ĐBQH là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (90 - 92%). Trong số các ĐBQH là đảng viên, có nhiều đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo cấp ủy và chính quyền địa phương. Do vậy, sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội là vô cùng thuận lợi. Thông qua các ĐBQH là đảng viên, đường lối chính sách của Đảng được quán triệt trực tiếp ngay trong mọi hoạt động của Quốc hội. Các phát biểu, thảo luận của các ĐBQH đang giữ các cương vị lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, lãnh đạo các địa phương đã góp phần làm rõ thêm các quan điểm đường lối của Đảng cần được thể chế hóa, thuyết phục các đại biểu, định hướng thảo luận nhằm tạo đồng thuận cao khi quyết định các vấn đề thuộc phạm vi, thẩm quyền của Quốc hội. Sự gương mẫu, nghiêm túc của các ĐBQH là đảng viên trong việc chấp hành đường lối của Đảng đã và đang làm cho sự lãnh đạo của Đảng, thấm sâu vào từng hoạt động của Quốc hội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội./.  
 

 


[1] Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 15/5/1996 của Bộ Chính trị khóa VII; Nghị quyết  TW 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí. Kết luận hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 3 khóa X; Chỉ thị số 33 CT/TW ngày 03/01/2004 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 v.v..

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 11(387), tháng 6/2019)