Kiến nghị hoàn thiện các điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu

30/09/2019

ThS. NCS. Kim Thị Hạnh

Phó ban Văn hóa Xã hội, HĐND tỉnh Tây Ninh.

Tóm tắt: Các điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam quy định tại Điều 92 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 chưa thể hiện đầy đủ các cam kết Việt Nam đã ký kết với WTO và FTA Việt Nam - Nhật Bản, đó là quy định về đánh giá yếu tố “diễn tiến không lường trước được”, một trong những yêu cầu cần đảm bảo khi xem xét các điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ. Đây là một vấn đề cần được nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.
Từ khóa: các điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ, biện pháp tự vệ, diễn tiến không lường trước được, Luật Quản lý ngoại thương, WTO 
Abstract: The conditions for imposition of safeguard measures against the imports into Vietnam as stipulated at Article 92 of the Law on Foreign Trade Management of 2017 do not fully reflect Vietnam's commitments signed with the WTO and FTA by Vietnam - Japan, that is the provision on evaluation of "unforeseen developments" as one of the requirements to be taken into consideration when considering the conditions for imposition of safeguard measures. This is an issue needed to be reviewed for improvement of the law on safeguard measures to the imports into Vietnam. 
Keywords: conditions for imposition of safeguard measures; safeguard measures; unforeseen developments; Law on Foreign Trade Management, WTO.
 Untitled_41.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
 
1. Khái quát chung
Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT 1994) cho phép quốc gia thành viên được quyền áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhưng không được phương hại đến mục đích chung là thúc đẩy và tăng cường hệ thống thương mại quốc tế. Các biện pháp phòng vệ thương mại được cho phép bao gồm: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại. Biện pháp tự vệ được quy định tại Điều XIX của GATT 1994 và Hiệp định về các biện pháp tự vệ (SG). Mặc dù hai văn bản này đều không đưa ra định nghĩa thế nào là biện pháp tự vệ, tuy nhiên, căn cứ Điều XIX.1(a) có thể thấy rằng, biện pháp tự vệ được áp dụng khi “do hậu quả của những diễn tiến không lường trước được và do kết quả của những nghĩa vụ, trong đó có những nhân nhượng thuế quan của một bên ký kết theo Hiệp định này, một sản phẩm được nhập khẩu vào lãnh thổ của bên ký kết đó với số lượng gia tăng và với các điều kiện đến mức gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà sản xuất những sản phẩm tương tự hay sản phẩm cạnh tranh trực tiếp trong nước”. Bên cạnh đó, Điều XIX của GATT 1994, Điều 2.1 và Điều 4.2 của SG quy định, chỉ được áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu sau quá trình điều tra và chứng minh được trên thực tế có sự tồn tại đồng thời của ba yếu tố: (1) sự gia tăng nhập khẩu tuyệt đối hoặc tương đối mặt hàng đó vào thị trường nội địa; (2) ngành sản xuất trong nước sản xuất ra các sản phẩm tương tự hoặc các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa thiệt hại nghiêm trọng; (3) có mối quan hệ nhân quả giữa sự gia tăng nhập khẩu với những thiệt hại đó.
Mặt khác, trong bối cảnh hình thành các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), việc giảm thuế, ưu đãi thuế thường thấp hơn mức thuế được thực hiện theo nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) được quy định của WTO, vì thế, ngành sản xuất trong nước của các bên tham gia FTA sẽ gặp rất nhiều rủi ro, gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại cho ngành sản xuất trong nước khi nền kinh tế phải thích ứng với sự cạnh tranh trong môi trường mới. Do đó, các biện pháp tự vệ trở thành công cụ bảo vệ rất quan trọng trong FTA, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển tiếp. Vì vậy, các thỏa thuận về biện pháp tự vệ trongcác FTA rất chú ý đến cách thức áp dụng các biện pháp tự vệ. Đây là một quy định giống như “một van cứu sinh” để ngăn chặn tác động tiêu cực đến ngành sản xuất trong nước do quá trình tự do hóa thương mại.
2. So sánh quy định diễn tiến không lường trước được, với điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ theo pháp luật Việt Nam
Điều 92 Luật Quản lý ngoại thương (QLNT) năm 2017 quy định điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ. Theo quy định này, biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi có đủ các điều kiện: (a) Nhập khẩu quá mức khi khối lượng hoặc số lượng hàng hóa nhập khẩu gia tăng một cách tuyệt đối hoặc tương đối so với khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất trong nước; (b) Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng; (c) Việc gia tăng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa nhập khẩu quy định tại điểm a khoản này là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước[1].
Khi so sánh quy định về điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ theo quy định của Pháp lệnh về Tự vệ năm 2002[2] và Luật QTNT năm 2017, ta thấy có một sự khác biệt về quy định đánh giá yếu tố “diễn tiến không lường trước” trong việc xác định điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ. Hiện nay, Việt Nam chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về việc đánh giá yếu tố “diễn tiến không lường trước được” khi điều tra và kết luận các điều kiện để áp dụng biện pháp tự vệ. Do vậy, cơ quan điều tra sẽ không có nghĩa vụ phải xem xét, đánh giá các nội dung liên quan đến việc xác định có yếu tố “diễn tiến không lường trước được” khi điều tra và kết luận việc áp dụng biện pháp tự vệ đã đảm bảo các điều kiện đánh giá theo quy định chưa.
Trước đó, quy định đánh giá yếu tố “diễn tiến không lường trước được”trong một cuộc điều tra về tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã được cụ thể hóa tại Điều 6 của Pháp lệnh về Tự vệ năm 2002 như sau: Các biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu khi có đủ các điều kiện sau đây: (1) Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hoá nhập khẩu gia tăng đột biến một cách tuyệt đối hoặc tương đối so với khối lượng, số lượng hoặc trị giá của hàng hoá tương tự hoặc hàng hoá cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước; (2) Việc gia tăng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hoá nhập khẩu quy định tại khoản 1 Điều này gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất hàng hoá tương tự hoặc hàng hoá cạnh tranh trực tiếp trong nước. Hoặc tại Điều 20 của FTA song phương Việt Nam - Nhật Bản quy định điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ với nội dung: (1) Mỗi Bên có thể áp dụng một biện pháp tự vệ đối với hàng hoá xuất xứ của Bên kia theo Điều XIX, Hiệp định GATT 1994 và Hiệp định về Tự vệ trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO (sau đây được gọi là Hiệp định về Tự vệ)…; (2). Trong trường hợp cần thiết nhất, …. hoặc nếu Bên đó phải chịu hậu quả từ những thay đổi không thể dự đoán trước và những tác động từ việc thực hiện nghĩa vụ cam kết trong Hiệp định này, gia tăng số lượng hàng hoá xuất xứ nhập khẩu từ Bên kia, ở mức tuyệt đối hoặc có liên quan đến sản xuất nội địa, và ở những điều kiện gây ra hoặc có nguy cơ gây ra tổn thương nghiêm trọng đối với nền công nghiệp nội địa của Bên sản xuất các hàng hoá tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp. Như vậy, quy định về đánh giá yếu tố “diễn tiến không lường trước được” đã cụ thể hóa với cụm từ “đột biến” trong Điều 6 Pháp lệnh về Tự vệ năm 2002 hoặc cụm từ “không thể dự đoán trước” tại Điều 20 của FTA Việt Nam - Nhật Bản[3] đã không được Luật QLNT năm 2017 kế thừa và duy trì.
Cho đến nay, mặc dù Việt Nam chưa bị khởi kiện đến Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO liên quan đến các biện pháp tự vệ thương mại đã áp dụng, tuy nhiên, trong trường hợp này, khả năng Việt Nam trở thành nguyên đơn hay bị đơn trong tương lai là khá lớn.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là, pháp luật về tự vệ của Việt Nam có nên bắt buộc phải quy định việc đánh giá yếu tố “diễn tiến không lường trước được” không? Trong quá trình điều tra vụ việc tự vệ, các cơ quan điều tra có bắt buộc phải xem xét, đánh giá yếu tố “diễn tiến không lường trước được” trước khi tiến hành điều tra thiệt hại và kết luận khi nội dung này không được Luật QLNT 2017 ghi nhận không?
Do khi đàm phán để trở thành thành viên của WTO vào năm 2007, Việt Nam không đưa ra bảo lưu nào đối với các Hiệp định của WTO, vì vậy, các quy định pháp luật về tự vệ của Việt Nam gần như tiếp thu toàn bộ các điều khoản GATT 1994 và SG, đặc biệt trong FTA Việt Nam - Nhật Bản cũng thỏa thuận phải thực hiện việc đánh giá yếu tố “diễn tiến không lường trước được” khi điều tra và kết luận các điều kiện thỏa mãn cho phép áp dụng biện pháp tự vệ. Do đó, việc đánh giá lại quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ là một việc làm cần thiết.
3. Thực tiễn áp dụng
 Ở nước ta, từ năm 2009 đến nay, qua thực tiễn điều tra 05 vụ việc áp dụng biện pháp tự vệ đã xuất hiện khá nhiều tranh luận về tính phù hợp của các điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ so với các quy định của WTO[4], nhất là việc đánh giá yếu tố“diễn tiến không lường trước được” với các kết luận của Bản ghi nhớ về các quy tắc và thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp của WTO (Dispute Settlement Understanding - DSU), cụ thể như sau:
- VụĐiều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu vào Việt Namnăm 2012.
Trong phần lập luận, phân tích các nội dung được xem là yếu tố “diễn tiến không lường trước được”, cơ quan điều tra vụ dầu thực vật tinh luyện nêu hai lý do để chứng minh cho yếu tố “diễn tiến không lường trước được”như sau:
+ Lý do thứ nhất: “Trong điều kiện ngành sản xuất dầu thực vật còn phát triển chậm, việc giảm thuế nhập khẩu xuống còn 0% năm 2012 (do Việt Nam áp dụng biểu thuế mới của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN) đã tạo ra một áp lực vượt ngoài sự tính toán của ngành sản xuất trong nước”. Tuy nhiên, lập luận cho rằng, sự kiệnViệt Nam ký kết và thực hiện các cam kết theo FTA ASEAN về nhân nhượng thuế quan được xem là một trong những yếu tố “diễn tiến không lường trước được” chưa mang tính thuyết phục. Bởi lẽ, vào thời điểm đàm phán ký kết FTA, Việt Nam phải thấy trước được việc nhập khẩu hàng hóa sẽ tăng lên do hàng rào thuế quan đã bị tháo bỏ. Vì vậy, đây là tình huống phải biết rõ và Việt Nam có thể lường trước được tác động của nó.
Trong khuôn khổ các vụ kiện liên quan đến biện pháp tự vệ tại WTO, yếu tố “nhân nhượng thuế quan” làm gia tăng sự nhập khẩu không thể là “diễn tiến không lường trước được” đã được EU lập luận với các lý lẽ khá thuyết phục về việc không thể đưa lý do “nhận nhượng thuế quan” làm gia tăng nhập khẩu là “diễn tiến không lường trước được” khi đối chiếu với quy định tại điểm a, khoản 1 Điều XIX GATT 1994[5]. Hoặc trong vụ Argentina - Giày dép, DSU đã giải thích rằng, theo định nghĩa của từ điển đối với cụm từ “không lường trước được”, đặc biệt khi nó liên quan đến từ “phát triển” thì sẽ đồng nghĩa với “bất ngờ”[6]. Ý nghĩa cụm từ “không lường trước được” theo định nghĩa trong từ điển có nghĩa là “không thể đoán trước được”[7]. Như vậy, ý nghĩa thông thường của cụm từ “diễn tiến không lường trước được” đòi hỏi một sản phẩm được nhập khẩu với số lượng tăng lên trong những điều kiện như gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước phải là “bất ngờ”[8]. Vì vậy, DSU cho rằng nghĩa gốc của cụm từ“diễn tiến không lường trước được” đòi hỏi những diễn tiến đó dẫn đến một sản phẩm được nhập khẩu gia tăng về số lượng, gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho nhà sản xuất nội địa phải là “không dự đoán được”[9]. Trong khi đó, việc hội nhập thương mại là một chiến lược được tính toán rất kỹ lưỡng và thận trọng trong chính sách thương mại của mỗi quốc gia, các quốc gia đã mất rất nhiều thời gian để đàm phán và cân nhắc kỹ càng tác động của nó. Do đó, những tác động của hội nhập thương mại gây ra (như cắt giảm hay xóa bỏ thuế quan) là những vấn đề mà các quốc gia khi ký các FTA phải lường trước được.
+ Lý do thứ hai: “giảm giá bán hàng nhập khẩu làm thay đổi nhanh chóng điều kiện cạnh tranh” không thể đảm bảo yêu cầu “diễn tiến không lường trước được”. Vì biện pháp tự vệ có thể áp dụng cho hành vi thương mại bình thường nhưng phải có yếu tố bất ngờ, không lường trước được. Nếu việc hạ giá để cạnh tranh có thể xem là “diễntiến không lường trước được” thì một hành vi thương mại bình thường cũng có thể trở thành yếu tố “diễn tiến không lường trước được”. Bán hàng với giá thấp là hành vi cạnh tranh thương mại bình thường giữa các doanh nghiệp, một chiến lược kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được quyền sử dụng những hành vi cạnh tranh lành mạnh như giảm giá hàng hóa, miễn sao việc giảm giá đó không cấu thành nên hành vi bán phá giá. Nếu so sánh các lập luận về “sự thay đổi đáng kể điều kiện cạnh tranh” đã được kết luận trong vụ Hoa Kỳ - Mũ lông năm 1951 thì chứng cứ này của Việt Nam sẽ không đủ thuyết phục. Lập luận của Hoa Kỳ viện dẫn cho đánh giá “diễntiến không lường trước được” lànhững tác động của một sự kiện thực tế như “sự thay đổi thời trang lên vị thế cạnh tranh”.Do việc dự đoán một sự kiện thực tế là không khó, tuy nhiên, để đánh giá tất cả những tác động của sự kiện đó là một vấn đề rất khó khăn. “Sự thay đổi thời trang” đề cập ở đây liên quan đến mặt hàng nón vải nhung (hats with nap or pile finishes), một sự kiện “không lường trước được” tại thời điểm đặt ra những cam kết, được xem là “diễn tiến không lường trước được”. Việc sản xuất sản phẩm mũ nón của Hoa Kỳ cần nhiều lao động để thực hiện các công đoạn gia công thủ công hơn việc sản xuất mũ nón trơn thông thường (nón nhung) của Tiệp Khắc.Trong khi mặt hàng nón vải nhung trơn không có kiểu hoặc không có hoa văn tại nước xuất khẩu không cần sử dụng nhiều lao động thủ công với chi phí thuê nhân công rất cao để sản xuất các mặt hàng nón truyền thống như của Hoa Kỳ. Do vậy, giá bán một sản phẩm nón của Hoa Kỳ đắt hơn nhiều so với sản phẩm nón nhung của Tiệp Khắc. Các nhà sản xuất của Hoa Kỳ không thể sản xuất ra sản phẩm cạnh tranh với mặt hàng tương tự là nón của Tiệp Khắc do sản phẩm được nhận mức ưu đãi thuế quan từ việc ký kết năm 1947. Kết quả là một sự gia tăng nhập khẩu về mặt số lượng tới hơn 95% trong suốt khoảng thời gian từ năm 1949 đến sáu tháng đầu năm 1950. Tóm lại, kết luận cuối cùng trong vụ việc này là sự thay đổi thời trang không tạo nên “diễn tiến không lường trước được” theo Điều XIX của GATT, nhưng tác động đến vị thế cạnh tranh là một tình huống không thể biết trước được. Như vậy, các tác động mà không dự đoán trước được sẽ là những diễntiến không lường trước được”[10].
Ngoài ra, một điểm lưu ý nữa trong vụ điều tra tự vệ đối với sản phẩm dầu thực vật là cách thể hiện và thời điểm thể hiện yếu tố “diễn tiến không lường trước được”. Mục 8 của Thông báo về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ được ban hành kèm theo bởi Quyết định số 7968/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công thương ngày 26/12/2012 về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu vào Việt Nam (Quyết định 7968) quy định: “sau khi xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của nguyên đơn, Bộ Công thương đánh giá đã có những dấu hiệu về việc gia tăng đột biến lượng nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra và theo đó gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất hàng hóa tương tự ở trong nước. Vì vậy đã đủ điều kiện để Bộ tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng thuộc đối tượng điều tra”. Như vậy, các thông tin liên quan đến yếu tố “diễn tiến không lường trước được” chưa được cơ quan điều tra ghi nhận trong Thông báo về việc tiến hành điều tra tự vệ. Vì thiếu sót này mà trong phần phản hồi ý kiến của mình, Hiệp hội Dầu thực vật Indonesia (GIMNI) đã đề nghị Việt Nam phân tích rõ hơn vấn đề sự gia tăng hàng hóa nhập khẩu là do yếu tố “diễn tiến không lường trước được”[11]. Vấn đề này đã được khắc phục khi các Báo cáo sơ bộ và Báo cáo cuối cùng đều có ghi nhận nội dung đánh giá yếu tố “diễn tiến không lường trước được”. Đây là một nội dung cần quan tâm trong quá trình thực hiện các thủ tục điều tra và kết luận khi áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.
- Vụ “Điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm bột ngọt” năm 2015.
Trong vụ điều tra này, cụm từ “sự suy giảm trong phát triển kinh tế tại Trung Quốc trong năm 2014” được cơ quan điều tra đưa ra để viện dẫn cho yếu tố “diễn tiến không lường trước được” là chưa hợp lý. Theo lý thuyết tăng trưởng và phát triển kinh tế của kinh tế học phát triển, “phát triển kinh tế là khái niệm có nội dung phản ánh rộng hơn so với khái niệm “tăng trưởng kinh tếNếu như “tăng trưởng kinh tế về cơ bản chỉ là sự gia tăng thuần túy về mặt lượng của các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp: GNP, GNP/đầu người hay GDP, GDP/đầu người thì “phát triển kinh tế ngoài việc bao hàm quá trình gia tăng đó, còn có một nội hàm phản ánh rộng lớn hơn, sâu sắc hơn, đó là những biến đổi về chất của nền kinh tế - xã hội, mà trước hết là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa kèm theo đó là việc không ngừng nâng cao mức sống toàn dân, trình độ phát triển văn minh xã hội thể hiện ở hàng loạt tiêu chí như: thu nhập thực tế, tuổi thọ trung bình, tỷ lệ chết của trẻ sơ sinh, trình độ dân trí, bảo vệ môi trường và khả năng áp dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật vào phát triển kinh tế - xã hội[12]. Do đó, trong trường hợp bên bị áp dụng biện pháp tự vệ không đồng tình với quyết định áp dụng biện pháp tự vệ của Việt Nam, khởi kiện đến WTO thì trách nhiệm của Việt Nam khi chứng minh vấn đề này rất lớn, thậm chí khó thu thập số liệu chứng minh cho các vấn đề liên quan nêu trên của người dân Trung Quốc. Trong trường hợp này, chúng ta sử dụng cụm từ “tăng trưởng kinh tế” thì sẽ phù hợp hơn với mục đích chứng minh nội dung Việt Nam đang đề cập trong vụ điều tra này.
- Vụ “Điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài” năm 2015.
Trong vụ việc này, cơ quan điều tra đã nêu các nội dung viện dẫn cho yếu tố “diễn tiến không lường trước được”. Về mặt tổng thể, các nội dung này có thể là yếu tố “diễn tiến không lường trước được”, tuy nhiên, cách trình bày các yếu tố trong văn bản của cơ quan điều tra trong vụ việc này chưa logic và chưa chứng minh được mối quan hệ nhân quả theo các tiêu chí cần đảm bảo khi thực hiện biện pháp tự vệ, đó là:
+ Khi ban hành văn bản dưới hình thức thông báo về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ[13], cơ quan điều tra đã không đưa ra các lý do để minh chứng cho yếu tố “diễn tiến không lường trước được”. Mục 8 của Thông báo về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài được ban hành kèm theo Quyết định số 14296/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công thương ngày 25/12/2012 (Quyết định 14296) nêu rõ: “sau khi xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của nguyên đơn, Bộ Công thương đánh giá đã có những dấu hiệu về việc gia tăng đột biến lượng nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra và theo đó gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất hàng hóa tương tự ở trong nước. Vì vậy đã đủ điều kiện để Bộ tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng thuộc đối tượng điều tra”. Đây là tình huống xảy ra lần thứ hai, sau vụ điều tra sản phẩm dầu thực vật. Do vậy, khi điều tra một vụ tự vệ, Việt Nam cần lưu ý về thời điểm và hình thức thể hiện nội dung đánh giá yếu tố “diễn tiến không lường trước được”.
Thực tiễn giải quyết tranh chấp trên thế giới cho thấy, trong vụ kiện Hoa Kỳ - Thịt cừu[14] khi Hoa Kỳ kháng cáo đến cơ quan phúc thẩm WTO về việc điểm a khoản 1 Điều XIX GATT 1994 không có bất kỳ hướng dẫn nào về cách mà các bên có thể tiếp cận với vấn đề “diễn tiến không lường trước được”. Australia chỉ ra rằng, Điều 11.1 (a) của Hiệp định về Các biện pháp tự vệ yêu cầu các thành viên thực hiện hành động tự vệ theo Điều XIX của GATT 1994 để đảm bảo rằng các biện pháp đó tuân thủ các quy định của Hiệp định về Các biện pháp tự vệ. Do đó, các thành viên áp dụng các biện pháp tự vệ phải đáp ứng các yêu cầu của cả Điều XIX của GATT 1994 và Hiệp định về Các biện pháp tự vệ, bao gồm Điều 3.1 của SG yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền thông báo công khai cho “tất cả các bên liên quan” về “ báo cáo kết quả điều tra... các kết luận thỏa đáng trên cơ sở các vấn đề thực tế và pháp lý”. Australia cũng cho rằng, để đáp ứng “các điều kiện” áp dụng theo Điều 2 và 4 của SG, cơ quan có thẩm quyền phải đưa ra quyết định bao gồm đánh giá “tất cả các yếu tố liên quan” và Điều 4.2 (c) yêu cầu phải công bố ngay lập tức “một bản đánh giá chi tiết về vụ việc được điều tra cũng như trình bày các nhân tố liên quan được xem xét”. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu “diễn tiến không lường trước được”, các cơ quan có thẩm quyền cần kiểm tra sự tồn tại của “diễn tiến không lường trước được” dựa trên bằng chứng thực tế trước khi họ tiến hành điều tra; chứng minh sự tồn tại của yếu tố “diễn tiến không lường trước được” như một vấn đề của thực tế và trình bày kết luận đó, theo một cách nào đó, trong báo cáo được công bố[15]. Như vậy, căn cứ nội dung khoản 1 Điều 3 của SG quy định rằng “ ...Việc điều tra sẽ bao gồm việc thông báo công khai cho tất cả các bên liên quan... và các bên liên quan có thể đưa ra chứng cứ, quan điểm của họ...” thì việc cơ quan điều tra không thể hiện nội dung “diễn tiến không lường trước được” trong phần Thông báo tiến hành điều tra tự vệ sẽ gây khó khăn cho các bên liên quan trong việc chuẩn bị các chứng cứ, lập luận để trao đổi, báo cáo ý kiến của bên bị khởi kiện đến cơ quan điều tra.
+ Khủng hoảng kinh tế tại Trung Quốc, sự dư thừa công suất cũng như sản lượng thực tế kết hợp với lượng tồn kho lớn của các sản phẩm thép của Trung Quốc, một số quốc gia áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu của Trung Quốc[16], việc phá giá đồng nhân dân tệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc[17] được xem là yếu tố“diễn tiến không lường trước được” trong báo cáo khi áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời và chính thức của cơ quan điều tra Việt Nam trong vụ áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài theo án lệ xét xử của các cơ quan giải quyết tranh chấp WTO.
Liên quan đến vấn đề “khủng hoảng kinh tế” đã được Ban Hội thẩm trong vụ Ukraine- Xe ô tô chở khách khẳng định, “khủng hoảng kinh tế” có thể là một nội dung thuộc yếu tố “diễn tiến không lường trước được”[18]. Nhìn chung, các lý do được viện dẫn trong vụ điều tra phôi thép và thép dài được cơ quan điều tra sử dụng để chứng minh cho yếu tố “diễn tiến không lường trước được” cơ bản phù hợp. Tuy nhiên, ở đây vấn đề cần lưu ý là sự liên kết pháp lý giữa các yếu tố được viện dẫn này với sự gia tăng nhập khẩu chưa được cơ quan điều tra phân tích và công bố đầy đủ trong báo cáo cuối cùng để kết luận việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức. Các minh chứng cho nhận định khủng hoảng kinh tế” ở Trung Quốc sẽ thuyết phục và chặt chẽ hơn nếu có các số liệu minh họa dưới hình thức các biểu đồ, số liệu cụ thể qua từng thời kỳ dẫn đến một số tác động của nó đối với việc nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc. Đây là các minh chứng viện dẫn cho tình trạng có hay không cuộc khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc nhưng chưa được cơ quan điều tra vụ việc này chú trọng phân tích. Sự giải thích đầy đủ về các vấn đề liên quan đến các yếu tố cần chứng minh của yếu tố “diễn tiến không lường trước được” đã được DSU của WTO trong các vụ kiện[19] kết luận. DSU trong các vụ kiện này xác nhận[20] các nhận định do Hoa Kỳ đưa ra có thể là “diễn tiến không lường trước được” nhưng vì Hoa Kỳ không ghi rõ ràng các căn cứ chứng minh cho yếu tố “diễn tiến không lường trước được” trongcác văn bản công bố công khai nên các căn cứ này không được thừa nhận là dùng để chứng minh cho đánh giá yếu tố“diễntiến không lường trước được”.Ví dụ: Trong vụ kiện Hoa Kỳ - Thép, một trong những sai lầm và bài học kinh nghiệm của Hoa Kỳ đối với việc chứng minh yếu tố “diễntiến không lường trước được” là đã không tự tạo ra được tính liên kết giữa các dữ liệu với nhau[21]. Hoặc ở vụ kiện Ukraine -Xe ô tô chở khách, DSU khi xem xét các chứng cứ một cách rời rạc của Ukraineviện dẫn cho việc đánh giá yếu tố “diễn tiến không lường trước được” nhưng khôngxác định rõnội dung này trong báo cáo được công bố, nên kết luận Ukraine đã không chứng minh được có “ảnh hưởng của những nghĩa vụ, trong đó có những nhân nhượng thuế quan của một bên ký kết theo Hiệp định này”. Kết quả, DSU đã kết luận biện pháp tự vệ được áp dụng không tuân thủ Điều XIX.1(a) của GATT[22].
Như vậy, cách thức ghi nhận kết quả điều tra đôi khi cũng ảnh hưởng đáng kể đến tính phù hợp với các quy định pháp luật. Vì khi các dữ kiện không kết nối được với nhau, cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ không có đủ cơ sở khách quan để đưa ra kết luận, thì liệu cơ quan có thẩm quyền của quốc gia áp dụng có dùng dữ liệu này để chứng minh hay không? Chính từ việc không có cơ sở để xem xét, nên sẽ không tạo ra được các chứng cứ bổ sung cho kết quả điều tra. Một khẳng định đơn thuần không kèm theo dữ liệu minh chứng sẽ không được thừa nhận khi có tranh chấp xảy ra.
- Vụ “Điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón” năm 2017[23].
 Mất mùa do thiên tai và hạn hán năm 2016 gây ra sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ phân bón nội địa; dư thừa công suất toàn cầu và suy giảm nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn, dẫn tới việc giảm giá mạnh của hàng hóa nhập khẩu trong giai đoạn 2015 - 2016[24] là các viện dẫn chứng minh cho yếu tố “diễn tiến không lường trước được” trong vụ điều tra tự vệ đối với sản phẩm phân bón. Việc ảnh hưởng của thiên tai và khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng đã được DSU xem xét, kết luận trong vụ kiện Ukraine – Xe ô tô chở khách[25]. Bên cạnh việc nêu các lý do cho yếu tố “diễn tiến không lường trước được” nêu trên, các số liệu phân tích kèm theo cho nhận định do ảnh hưởng của thiên tai cũng như việc thị trường phân bón thế giới đang bị thừa cung (Ấn Độ và Trung Quốc tồn kho hàng hóa nhiều, có thể cung cấp cho toàn bộ nhu cầu năm 2016 ngay từ những tháng đầu năm 2016) góp phần minh chứng thuyết phục cho các lập luận nêu trên. Nếu so sánh với việc đánh giá, nhận định và các thông tin viện dẫn kèm theo cho các lý do được xem là “diễn tiến không lường trước” trong các vụ điều tra tự vệ trước, vụ điều tra tự vệ đối với sản phẩm phân bón đã cơ bản khắc phục được những lỗi thiếu sót về thể thức văn bản, mối liên kết hợp lý giữa “diễn tiến không lường trước được” với “sự gia tăng nhập khẩu”.
Từ thực trạng tiến hành điều tra và quyết định áp dụng biện pháp tự vệ của Cục Cạnh tranh - Bộ Công thương cho thấy, các sự kiện, lập luận, thời điểm công khai các nhận định dùng để chứng minh cho yếu tố “diễn tiến không lường trước được” trong các thủ tục và nội dung công bố của Cục còn nhiều thiếu sót và hạn chế cần được quan tâm, khắc phục trong thời gian tới.
4. Kết luận và kiến nghị
Pháp luật của các quốc gia thành viên WTO có nghĩa vụ tuân thủ và đảm bảo thực hiện đúng các quy định của WTO. Pháp luật về tự vệ của Việt Nam cũng không nằm ngoài thông lệ này. Tuy nhiên, quy định về yếu tố “diễn tiến không lường trước được” chưa được cụ thể hóa trong Luật QLNT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Vì vậy, việc đơn thuần áp dụng Điều 92 Luật QLNT  mà không xem xét yếu tố “diễn tiến không lường trước được” như là một trong những điều kiện cần đánh giá khi áp dụng biện pháp tự vệ để kết luận nguyên nhân thiệt hại và áp dụng biện pháp tự vệ chính thức sẽ dẫn đến khả năng vi phạm khoản 1 Điều XIX của GATT 1994 và Điều 20 của FTA Việt Nam - Nhật Bản. Đây là một khoảng trống pháp lý mà Việt Nam cần phải quan tâm, xử lý kịp thời để đảm bảo tuân thủ các quy định của WTO và FTA Việt Nam - Nhật Bản đã ký kết. Với lý do đó, chúng tôi kiến nghị:
(1) Về nội dung, cần xác định rõ các tiêu chí cho việc đánh giá yếu tố “diễntiến không lường trước được” như các số liệu, biểu đồ, thông tin viện dẫn sẽ được ghi nhận trong từng giai đoạn điều tra của các văn bản được cơ quan điều tra Việt Nam công khai.
(2) Về thủ tục, Bộ Công thương, trên cơ sở quy định của Luật QLNT và Nghị định hướng dẫn thi hành luật, cần ban hành Thông tư quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan điều tra Việt Nam trong quá trình thực hiện./.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. Văn bản pháp luật
1.                  Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại - GATT 1994;
2.                  Hiệp định về Các biện pháp tự vệ (SG);
3.                  Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean (ATIGA);
4.                  Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA);
5.                  Hiệp định về Thương mại Hàng hóa trong khuôn khổ Hiệp định khung giữa ASEAN - Ấn Độ.
6.                  Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU).
7.                  Hiệp định về thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc.
8.                  Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA).
9.                  Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA);
10.              Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Úc – Niu Di Lân (AANZFTA);
11.              Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Nhật Bản (AJCEP);
12.              Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA);
13.              Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Ấn Độ (AIFTA);
14.              Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chile (VCFTA);
15.              Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA);
16.              Luật Quản lý ngoại thương 2017;
17.              Pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVQH10 ngày 25/05/2002 về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam;
18.              Nghị định của Chính phủ Số 150/2003/NĐ-CP ngày 08/12/2003 Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về Tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam;
19.              Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.
II. Vụ kiện tham khảo
20.              Report of The Intersessional Working Party on the complaint of Czechslovakia concerning the withdrawal by The United States of a concession under the terms of article XIX, GATT/CP/106, dated 22 October 1951 (Viết tắt là US – Hatter’s Fur hoặc Hòa Kỳ - Mũ).
21.              Panel Report, Turkey – Restrictions on Imports of Textiles and Clothing Products, WT/DS34/R, dated 31 May 1999 (Viết tắt là Thổ Nhĩ Kỳ - Dệt may).
22.              Appellate Body Report, Turkey – Restrictions on Imports of Textiles and Clothing Products, WT/DS34/AB/R, dated 22 October 1999 (Viết tắt là Thổ Nhĩ Kỳ - Dệt may).
23.              Appellate Body Report, Korea – Definitive Safeguard Measure on Imports of Certain Dairy Products (“Korea - Dairy”), WT/DS98/AB/R, adopted 12 January 2000 (Viết tắt là Hàn Quốc – Sản phẩm sữa).
24.              Appellate Body Report, Argentina - Safeguard Measures on Imports of Footwear, “Argentina – Footwear (EC)”), WT/DS121/AB/R, adopted 12 January 2000 (Viết tắt là Argentina – Giày dép).
25.              Appellate Body Report, United States – Definitive Safeguard Measures on Imports of Wheat Gluten from the European Communities (“US – Wheat Gluten”), WT/DS166/AB/R, adopted 19 January 2001 (Viết tắt là Hoa Kỳ - Lúa mì Gluten)
26.              Appellate Body Report, United States – Safeguard Measures on Imports of Fresh, Chilled or Frozen Lamb Meat from New Zealand and Australia (“US - Lamb”), WT/DS177/AB/R, WT/DS178/AB/R, adopted 16, May 2001 (Viết tắt là Hoa Kỳ - Thịt cừu).
27.              Appellate Body Report, United States – Definitive Safeguard Measures on Imports of Circular Welded Carbon Quality Line Pipe from Korea (“US – Line Pipe”), WT/DS202/AB/R, adopted 8 March 2002 (Viết tắt là Hoa Kỳ - Ống Carbon)
28.              Appellate Body Report, United States – Definitive Safeguard Measures on Imports of Certain Steel Products, (“US - Steel”),WT/DS248/AB/R, adopted 10 December 2003 (Viết tắt là Hoa Kỳ - Thép không gỉ);
29.              Appellate Body Report, United States – Definitive Safeguard Measures on Imports of Certain Steel Products, (“US - Steel”),WT/DS259/AB/R, adopted 10 December 2003 (Viết tắt là Hoa Kỳ - Thép không gỉ);
30.              Panel Report, Ukraine - Definitive Safeguard Measures on Certain Passenger Cars - Communication from Ukraine (Ukraine -  Passenger Cars). WT/DS 468/R, adopted 30 October 2013 (Viết tắt là Ukraine – Xe ô tô chở khách)
31.              Vụ việc tự vệ số 2: Quyết định số 7968/QĐ-BCT, ngày 26/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng Dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu vào Việt Nam; Quyết định 2564/QĐ-BCT ngày 22/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm Dầu thực vật tinh luyện; Quyết định 5987/QĐ-BCT ngày 22/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm Dầu thực vật tinh luyện; các văn bản như đơn khởi kiện, thông báo, báo cáo sơ bộ, báo cáo cuối cùng... liên quan đến vụ việc điều tra số 2.
32.              Vụ việc tự về số 3: Quyết định số 9269/QĐ-BCT ngày 01/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam; Quyết định 920/QĐ-BCT ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm bột ngọt; các văn bản như đơn khởi kiện, thông báo, báo cáo sơ bộ, báo cáo cuối cùng... liên quan đến vụ việc điều tra số 3.
33.              Vụ việc tự về số 4: Quyết định số 14296/QĐ-BCT ngày 25/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam; Quyết định 2968/QĐ-BCT ngày 18/7/2016, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài; các văn bản như đơn khởi kiện, thông báo, báo cáo sơ bộ, báo cáo cuối cùng... liên quan đến vụ việc điều tra số 4.
34.              Vụ việc tự về số 5: Quyết định số 2847/QĐ-BCT ngày 06/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng Tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam; Quyết định số 1931/QĐ-BCT ngày 31/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối mặt hàng Tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam. các văn bản như đơn khởi kiện, thông báo, báo cáo sơ bộ, báo cáo cuối cùng... liên quan đến vụ việc điều tra số 5.
35.              Vụ việc tự về số 6: Quyết định số 1682A/QĐ-BCT ngày 12/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối mặt hàng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam; các văn bản như đơn khởi kiện, thông báo, báo cáo sơ bộ, báo cáo cuối cùng... liên quan đến vụ việc điều tra số 6.
36.              Webster's Third New International Dictionary, (Encyclopaedia Britannica Inc., 1966) Vol. 3,
37.              Nguyễn Quý Trọng (2014), Pháp luật về tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận án Tiến sỹ, Học viện Khoa học và Xã hội.
38.              Nguyễn Thu Hương (2017), “Các biện pháp phòng vệ thương mại theo hiệp định thương mại tự do”, Luận án Tiến sĩ, Học viện Khoa học và Xã hội.
39.              Sự xung đột quan điểm pháp lý về mối liên hệ giữa ‘những diễn tiến không lường trước được’ và các điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ; Đề tài nghiên cứu khoa học năm 2017 của Trường Đại học mở TP. Hồ Chí Minh.
41.              Justin Yifu Lin, How Fast Will China Grow?, Project Syndicate, https://www.project-syndicate.org/commentary/china-2015-five-year-plan-by-justin-yifu-lin-2015-01?barrier=accesspaylog, truy cập ngày 10/8/2018.

 


[1] Khoản 2 Điều 92 Luật QLNT 2017.
[2] Điều 6 Pháp lệnh về Tự vệ năm 2002.
[3] FTA Việt Nam - Nhật Bản, khoản 2 Điều 20 với cụm từ không thể dự đoán được.
[4] Xem Đề tài nghiên cứu khoa học năm 2017 của Trường Đại học Mở TP.Hồ Chí Minh, Sự xung đột quan điểm pháp lý về mối liên hệ giữa ‘những diễn tiến không lường trước được’ và các điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ, Nguyễn Thu Hương (2017), “Các biện pháp phòng vệ thương mại theo Hiệp định thương mại tự do,Luận án Tiến sĩ, Học việnKhoa học và Xã hội.
[5] WT/DS121/R, đoạn 5.3 và 5.5, đoạn 5.55 và đoạn 5.56.
[6] Webster's Third New International Dictionary, (Encyclopaedia Britannica Inc., 1966) Vol. 3, trang 2496 và Black's Law Dictionary, 6th ed., (West Publishing Company, 1990), trang 1530.
[7] Webster's Third New International Dictionary, (Encyclopaedia Britannica Inc., 1966) Vol. 3, trang 2496 và Black's Law Dictionary, 6th ed., (West Publishing Company, 1990), trang 1530.
[8] WT/DS121/AB/R, đoạn 91.
[9] WT/DS98/AB/R, đoạn 84; WT/DS121/AB/R, đoạn 91.
[10] GATT/CP/106, đoạn 11.
[11] Mục III(4) của Báo cáo sơ bộ (trang 10) và Báo cáo cuối cùng (trang 10) của vụ việc “Điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm Dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu vào Việt Nam”.
[13] Quyết định số 14296 kèm Thông báo, mục 8.
[14] WT/DS177/AB/R, WT/DS178/AB/R, Hoa Kỳ - Thịt cừu.
[15] WT/DS177/AB/R, WT/DS178/AB/R, đoạn 23.
[16] Quyết định 862 kèm Thông báo, mục 7.
[17] Quyết định 862 kèm Thông báo, mục 6.
[18] WT/DS468/R, đoạn 7.64, chú thích 99.
[19] Hoa Kỳ - Thịt cừu (WT/DS177/R, WT/DS178/R), Hoa Kỳ - Thép (WT/DS 259/AB/R), Ukraine – Xe ô tô chở khách (WT/DS468/R).
[20] WT/DS177/R, WT/DS178/R, đoạn 7.42.
[21] WT/DS 259/AB/R, đoạn 322.
[22] WT/DS468/R, đoạn 7.98 và 7.99.
[23] Quyết định số 1682A/QĐ-BCT ngày 12/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối mặt hàng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam.
[24] Xem Quyết định 686, Báo cáo kết luận điều tra sơ bộ (trang 17-18) và Chính thức (trang 24 đến trang 26) vụ việc tự vệ số 6 đối với sản phẩm phân bón.
[25] WT/DS468/R đoạn 7.64, chú thích 99

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 10(386), tháng 5/2019)


Ý kiến bạn đọc