Pháp luật về đấu giá hàng hóa trong thương mại - những bất cập và kiến nghị hoàn thiện

01/10/2019

TS. GV. Nguyễn Thị Loan, Khoa Luật, Đại học Đà Lạt

ThS. NCS. GV. Võ Thị Thanh Linh, Khoa Luật, Đại học Đà Lạt.

Tóm tắt: Hoàn thiện pháp luật về đấu giá hàng hóa trong thương mại là một yêu cầu cấp thiết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng có nhiều cơ hội hợp tác, phát triển với các quốc gia có nền kinh tế lớn mạnh trên thế giới. Bài viết phân tích những bất cập, hạn chế của pháp luật điều chỉnh hoạt động đấu giá hàng hóa trong thương mại, đồng thời đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này.
Từ khóa: đấu giá hàng hóa, thương mại
Abstract: Improvement of the legal regulations on auctions of goods for commercial purpose is urgently required, especially in the context Vietnam is in upcoming opportunities for cooperation and development with the nations of large economies in the world. This article provides analysis of the inadequacies and shortcomings of the legal regulations on auction activities of goods and suggested recommendations for further improvements.
Keywords: auctions of goods; commerce
 3gim4l4Huong-dan.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Một số bất cập của pháp luật về đấu giá hàng hóa trong thương mại
1.1 Quy định về doanh nghiệp tổ chức đấu giá
Quá trình chuyển đổi mô hình doanh nghiệp sau ngày Luật Đấu giá tài sản năm 2016 có hiệu lực diễn ra chậm
Theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, trong thời gian 2 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực (từ ngày 1/7/2017), các doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục hoạt động và phải tiến hành chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh theo Điều 6 và Điều 7 Nghị định số 62/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản trước ngày 1/7/2019. Tuy nhiên, đã hai năm Luật Đấu giá tài sản năm 2016 được đưa vào thực tế nhưng việc chuyển đổi mô hình như trên vẫn chưa thực sự diễn ra đồng bộ, cản trở quá trình phát triển của hoạt động đấu giá hàng hóa.
Quy định về đăng ký, thành lập doanh nghiệp đấu giá thiếu về nội dung đăng ký vốn
Doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh theo quy định của Luật này và quy định khác có liên quan, những nội dung liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản không quy định tại Luật này thì thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp[1]. Điều 184 Luật Doanh nghiệp quy định: vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký; chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư. Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp quy định mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tư nhân, Giấy đề nghị đăng ký công ty hợp danh đều có nội dung đăng ký vốn góp và trong mẫu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tư nhân, Giấy chứng nhận đăng ký công ty hợp danh cũng có nội dung chứng nhận vốn góp, vốn điều lệ.
Như vậy, đối với doanh nghiệp, việc góp vốn khi thực hiện đăng ký là một trong những nội dung cơ bản để đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp và thể hiện quy mô của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay các biểu mẫu Giấy đề nghị đăng ký hoạt động doanh nghiệp đấu giá tài sản cũng như Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BTP ngày 15/6/2017 của Bộ Tư pháp đều không có nội dung đăng ký vốn của doanh nghiệp và nội dung chứng nhận vốn của Sở Tư pháp nên quá trình thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp đấu giá tài sản còn gặp khó khăn.
Chưa có quy định cụ thể cơ cấu tổ chức, nhân sự của doanh nghiệp đấu giá tài sản.
Đấu giá tài sản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (về nguồn vốn, chất lượng đấu giá viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị v.v..). Theo đó, doanh nghiệp đấu giá hàng hóa khi muốn hoạt động phải đảm bảo các điều kiện về vốn, về nhân lực v.v.. Hiện nay, trong các văn bản pháp luật liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp đấu giá tài sản như Luật Đấu giá tài sảnnăm 2016, Nghị định số 62/2017/NĐ-CP[2], Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp[3] đều chưa quy định cụ thể nguồn nhân lực đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp cũng chỉ quy định Điều lệ công ty có nội dung về cơ cấu tổ chức quản lý, không quy định bộ phận chấp hành, giúp việc. Điều này dẫn đến thực tế là nhiều trường hợp cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn khi xác định điều kiện thành lập doanh nghiệp đấu giá, vì tính chất đặc thù của lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp đấu giá vì không đáp ứng nhân lực đã phải chọn cách giải thể hoặc phá sản.
1.2 Nội dung pháp luật về đấu giá hàng hóa
Về quyền lựa chọn doanh nghiệp tổ chức đấu giá của người bán hàng hóa.
Để tạo điều kiện cho khách hàng khi lựa chọn tổ chức đấu giá, Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định người có tài sản có quyền lựa chọn doanh nghiệp tổ chức đấu giá hàng hóa căn cứ theo hồ sơ tham gia và tiêu chí được quy định trong Luật[4]. Theo đó, những doanh nghiệp đấu giá được lựa chọn phải có tên trong danh sách các tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố. Nhưng cho đến nay, khi Luật Đấu giá tài sản đã đi vào thực tế thì danh sách này vẫn chưa được Bộ Tư pháp công bố mà chỉ có vài địa phương công khai danh sách tổ chức đấu giá trên địa bàn như Quảng Bình [5], Bình Dương[6], TP. Hồ Chí Minh...
Thực trạng trên đã gây nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp đấu giá trên cùng thị trường, vì thực tế những doanh nghiệp được Bộ Tư pháp công bố thông tin thì sẽ được khách hàng tìm đến, ngược lại, nhiều doanh nghiệp không có khách hàng, hoặc khi khách hàng tìm đến thì có ít thời gian để chuẩn bị hồ sơ đấu giá.
Quy định về giám định hàng hóa đấu giá còn hạn chế.
Hàng hóa đấu giá được bán đúng thực giá so với giá thị trường khi hàng hóa đó được giám định kỹ và được thực hiện bởi những đơn vị, tổ chức có chuyên môn. Thông thường, hàng hóa thuộc lĩnh vực nào thì sẽ do cơ quan giám định có chuyên môn về lĩnh vực ấy giám định. Nếu người bán thỏa thuận với tổ chức đấu giá về việc ủy quyền giám định thì doanh nghiệp đấu giá sẽ ký hợp đồng với đơn vị giám định để đơn vị này trực tiếp giám định hàng hóa. Thông qua việc giám định hàng hóa, người bán hoặc người tổ chức đấu giá mới có thể xác định giá khởi điểm và mức giá bán phù hợp khi những người tham gia trả giá đưa ra mức giá.
Pháp luật Việt Nam quy định tài sản được mang đi giám định theo quy định của pháp luật hoặc khi người tham gia đấu giá có yêu cầu và phải có được sự chấp thuận của người có tài sản đấu giá[7], nhưng không đề cập đến trường hợp trung tâm đấu giá hoặc doanh nghiệp đấu giá bắt buộc phải ủy quyền cho đơn vị giám định chuyên môn để giám định hàng hóa. Điều này không đảm bảo được tính khách quan trong đấu giá hàng hóa. Doanh nghiệp đấu giá không thể đồng thời cùng thực hiện hai chức năng vừa định giá hàng hóa vừa tổ chức đấu giá hàng hóa được. Chính quy định không chặt chẽ này đã dẫn đến hiện tượng tùy tiện trong khâu định giá hàng hóa đấu giá và tổ chức bán đấu giá hàng hóa để trục lợi, làm ảnh hưởng, gây thiệt hại cho người có tài sản ủy quyền đấu giá.
Quy định mức tiền đặt trước chưa phù hợp.
Khoản tiền đặt trước như là một hình thức nắm giữ lòng tin giữa người mua hàng hóa và doanh nghiệp đấu giá. Tuy nhiên, việc quy định mức giá đặt trước trong đấu giá hàng hóa thương mại vẫn còn khiến cho nhiều doanh nghiệp đấu giá hàng hóa e ngại khi mức tiền đặt cọc không được vượt quá 2% giá khởi điểm của hàng hóa đấu giá[8]. Việc quy định mức tiền đặt cọc như vậy còn khá thấp, gây ra tình trạng đấu giá “ảo”, người tham gia đấu giá có thể dễ dàng rút lại giá đã trả hoặc từ chối mua sau khi đấu giá thành công khiến cho cuộc đấu giá hàng hóa bị lũng đoạn.
Quy định về công tác thực hiện chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa còn bất cập.
   Hàng hóa trong đấu giá bao gồm hàng hóa không phải đăng ký quyền sở hữu và hàng hóa có đăng ký quyền sở hữu. Khi kết thúc phiên đấu giá, đối với hàng hóa không phải đăng ký quyền sở hữu thì người mua được nhận hàng hóa sau khi lập Văn bản đấu giá hàng hóa[9]. Đối với hàng hóa có đăng ký quyền sở hữu thì người mua hàng chỉ nhận được hàng hóa sau khi người tổ chức đấu giá hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu. Cả người bán hàng và người tổ chức đấu giá hàng hóa đều có nghĩa vụ thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu của hàng hóa, chuyển quyền sở hữu hàng hóa đó cho người mua[10]. Nhìn chung, quy định chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa hiện nay thì vẫn còn các bất cập sau:
   Một là, pháp luật chưa quy định về mốc thời điểm cụ thể để người bán hàng hóa đấu giá chuyển giao giấy tờ liên quan đến hàng hóa phải chuyển quyền sở hữu. Hiện nay, theo quy định của pháp luật về thương mại thì việc chuyển giao này chỉ thực hiện dựa trên sự thỏa thuận giữa người bán với người tổ chức đấu giá trong trường hợp người bán ủy quyền cho doanh nghiệp tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hóa. Trên thực tế có nhiều trường hợp người bán sau khi bán được hàng hóa đấu giá vì một vài nguyên nhân khách quan sẽ không giao giấy tờ liên quan đến hàng hóa cho người tổ chức đấu giá. Điều này cản trở người tổ chức hàng hóa thực hiện quá trình hoàn tất thủ tục chuyển giao quyền sở hữu cho người mua hàng hóa. Mà quá trình thực hiện các thủ tục này thì mất khá nhiều thời gian, gây nên tâm lý khó chịu cho người mua, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến việc người mua từ chối việc mua hàng hóa đó, chấp nhận mất luôn một khoản tiền để bù đắp chi phí đấu giá. Đặc biệt đối với những hàng hóa là vật gắn liền với đất đai như nhà ở, công trình xây dựng... thì việc thời gian làm thủ tục chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho người mua bị chậm trễ sẽ gây ra những hậu quả to lớn và phức tạp hơn rất nhiều.
Hai là, các thủ tục hành chính trong chuyển đổi quyền sở hữu đối với hàng hóa khá rườm rà, mất nhiều thời gian. Khi trở thành người mua trúng đấu giá, tâm lý người mua là muốn nhận được hàng hóa sớm vì nhiều mục đích khác như chuyển đổi quyền sở hữu hoặc tiếp tục kinh doanh… Tuy nhiên, quy định trên đã gây khó khăn cho chính người tổ chức đấu giá hàng hóa khi họ cũng không thể xác định được thời gian hoàn thành thủ tục trên và thời điểm họ sẽ giao hàng cho người mua.
Các quy định của pháp luật về hình thức đấu giá trực tuyến chưa thực sự có hiệu quả
 Đấu giá trực tuyến hàng hóa trong thương mại đã được hình thành khá lâu và dần trở nên phổ biến trong nền kinh tế - thương mại. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế quản lý hoạt động đấu giá trực tuyến còn gặp rất nhiều khó khăn vì các lý do:
 (i) Pháp luật chưa đưa ra một khái niệm nào về đấu giá hàng hóa trực tuyến mà người mua hay người bán chỉ có thể hiểu đó là việc đấu giá được thực hiện qua mạng internet thông qua các website đấu giá.
(ii) Chất lượng hàng hóa được mang ra đấu giá trực tuyến rất khó để kiểm định vì một số trường hợp, người bán cung cấp thông tin sai về chất lượng, tráo hàng giả, hàng nhái khiến cho người tham gia khó phân biệt.
(iii) Hiện nay pháp luật chưa đưa ra được bất kỳ quy định cụ thể nào liên quan đến tài sản được phép đấu giá trực tuyến, cách thức tiến hành và trách nhiệm của các chủ thể khi vi phạm nghĩa vụ thực hiện đấu giá trực tuyến chưa được quy định rõ.
Vì vậy, hình thức đấu giá trực tuyến mặc dù có quy định trong Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và được xem như một cách thức đấu giá nhằm đơn giản thủ tục, hạn chế sự móc nối, thông đồng giữa những người tham gia đấu giá, nhưng thực sự vẫn chưa phát huy hiệu quả và cần phải hoàn thiện hơn trong thời gian tới.
1.3 Quy định của pháp luật về hợp đồng đấu giá hàng hóa
Thứ nhất, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa đấu giá đối với hàng hóa là bất động sản khó xác định.
Đối với hợp đồng đấu giá hàng hóa trong thương mại, kể từ thời điểm người tham gia đấu giá được công bố là người mua được tài sản là thời điểm giao kết của hợp đồng, và từ thời điểm giao kết thì hợp đồng đấu giá có hiệu lực[11]. Như vậy, có thể hiểu tại thời điểm người điều hành đấu giá công bố người mua được hàng hóa đấu giá đối với phương thức trả giá lên hoặc người đầu tiên chấp nhận giá đối với phương thức đặt giá xuống là thời điểm giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa đấu giá. Từ thời điểm này, các bên phát sinh nghĩa vụ đối với hợp đồng hay nói cách khác là hợp đồng mua bán hàng hóa đấu giá có hiệu lực. Nhưng đối với những loại hàng hóa là vật gắn liền với đất thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa đấu giá sẽ không được xác định như trên mà phải dựa vào pháp luật có liên quan.
Theo Luật Nhà ở năm 2014, đối với hợp đồng mua bán đấu giá hàng hóa là nhà ở thương mại thì hợp đồng đó phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng[12]. Tại khoản 1, Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 đưa ra quy định: “Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng”. Như vậy, có thể thấy đối với những hàng hóa mà pháp luật yêu cầu phải công chứng hợp đồng mua bán thì thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng sẽ là thời điểm hợp đồng được công chứng. Giá trị pháp lý của hợp đồng đấu giá hàng hóa đối với bất động sản không bao gồm đất đai ở thời điểm người mua đấu giá thành công không được công nhận mà phải cho đến khi hợp đồng trên được công chứng hợp pháp thì lúc đó, hợp đồng mới chính thức có hiệu lực, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng lúc này mới được xác lập. Nếu trong khoảng thời gian đợi công chứng hợp đồng để hợp đồng mua bán hàng hóa đấu giá chính thức có hiệu lực mà các bên chủ thể có xảy ra tranh chấp thì cơ chế nào sẽ được áp dụng để giải quyết những tranh chấp đó? Trong thời điểm này, các bên vẫn chưa hình thành quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa đấu giá mà chỉ đang trong quan hệ giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa đấu giá nên không thể áp dụng các quy định về hợp đồng để giải quyết tranh chấp, cùng với đó quyền và lợi ích của các chủ thể cũng không được đảm bảo. Đây là một khoảng trống trong pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa đấu giá đối với hàng hóa là những vật gắn liền với đất đai. Cần phải khắc phục để đảm bảo hiệu quả hoạt động đấu giá hàng hóa cũng như tạo ra một khung pháp luật vững chắc bảo đảm quyền lợi cho các bên tham gia.
Thứ hai, pháp luật chưa quy định về nghĩa vụ liên đới chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bán đấu giá khi người được ủy quyền bán hàng hóa hoặc người bán hàng hóa sai phạm.
Có rất nhiều đối tượng có thể trở thành người bán hàng hóa đấu giá (có thể là chủ sở hữu hàng hóa, người được chủ sở hữu ủy quyền, người có quyền bán theo quy định của pháp luật), nhưng khi đặt ra quy định trách nhiệm, xử phạt đối với người bán hàng hóa thì pháp luật hiện nay vẫn chỉ tập trung vào sai phạm của người bán mà chưa có sự liên đới chịu trách nhiệm giữa người bán với người tổ chức đấu giá
Tham khảo Luật Bán đấu giá của Trung Quốc, Chương V quy định về trách nhiệm pháp lý như sau: “Nếu người bán vi phạm quy định tại điều 6 Luật này về ủy quyền bán đấu giá hàng hóa hoặc quyền tài sản không thuộc về họ hoặc họ không thể chuyển nhượng theo pháp luật, họ có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý phát sinh về sau theo quy định của pháp luật. Nếu nhà tổ chức bán đấu giá biết rõ người bán không sở hữu món hàng hoặc không có quyền được ủy quyền bán đấu giá hoặc người bán không chịu trách nhiệm pháp lý về hàng hóa hoặc quyền tài sản, họ cũng có thể bị liên đới chịu trách nhiệm.”[13]. Theo quy định pháp luật Việt Nam, khi hàng hóa đấu giá sai phạm thì chỉ có người bán chịu trách nhiệm, thiết nghĩ quy định này không phù hợp khi chính các doanh nghiệp đấu giá có thể biết trước về lỗi khiếm khuyết của hàng hóa, người bán hàng hóa nhưng vẫn tổ chức bán đấu giá và không hề thông báo trước cho bên mua.
2. Một số nguyên nhân  
Thứ nhất, nhiều địa phương còn chưa nghiêm túc trong việc xây dựng bản quy chế đấu giá, vì vậy các doanh nghiệp cũng như Trung tâm bán đấu giá gặp lúng túng khi xử lý các công việc phát sinh, trong khi Luật Đấu giá tài sản năm 2016 không quy định rõ.
Thứhai, một số địa phương chưa thực sự chú ý đến lĩnh vực đấu giá hàng hóa trong thương mại mà chỉ tập trung vào hoạt động đấu giá tài sản nói chung. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về lĩnh vực đấu giá tài sản còn mỏng, chưa được đào tạo bồi dưỡng thường xuyên về kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đấu giá hàng hóa trong thương mại. Chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ quản quản lý nhà nước với các doanh nghiệp đấu giá hàng hóa trong thương mại trong công tác quản lý, vận hành và hỗ trợ phát triển. Hoạt động triển khai, tuyên truyền các nội dung của Luật Thương mại 2005 về đấu giá hàng hóa chưa được chú trọng, và khi tiến hành tổ chức thì còn rất nhiều vướng mắc.
Thứba, do chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế cũng như các chính sách pháp luật của từng địa phương mà hiện nay, các doanh nghiệp đấu giá hàng hóa đa phần hoạt động mạnh tại những thành phố lớn, còn ở những địa phương nhỏ thì hầu như không có doanh nghiệp nào. Bên cạnh đó là tâm lý chủ quan của các chủ doanh nghiệp đấu giá hàng hóa khi kiểm định nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm dẫn đến những tình trạng đáng tiếc như khi mua được hàng hóa rồi người mua hàng hóa mới biết hàng hóa đó không đúng như cam kết, thông báo ban đầu, nhất là trong các phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật[14].
3. Kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động đấu giá hàng hóa trong thương mại.
3.1 Hoàn thiện quy định về doanh nghiệp bán đấu giá hàng hóa
   Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi mô hình doanh nghiệp đấu giá tài sản.
Mặc dù điểm đ khoản 1 Điều 79 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã nêu rất rõ lộ trình chuyển đổi, với những ràng buộc cụ thể (xem xét, phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ, đề án chuyển đổi Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thành doanh nghiệp trong trường hợp không cần thiết duy trì Trung tâm, đề án giải thể Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản trong trường hợp không có khả năng chuyển đổi Trung tâm thành doanh nghiệp sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, cần có văn bản pháp luật quy định cụ thể tiêu chí, lộ trình cụ thể về việc chuyển đổi để tạo điều kiện cho các địa phương trong quá trình chuyển đổi doanh nghiệp.
Thứ hai, về đăng ký thành lập doanh nghiệp bán đấu giá. Cần quy định bổ sung trong biểu mẫu Giấy đề nghị đăng ký hoạt động doanh nghiệp đấu giá tài sản và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, nội dung đăng ký vốn của doanh nghiệp và nội dung chứng nhận vốn của Sở Tư pháp để phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2014.
Thứ ba, nên bổ sung quy định về thành phần, nhân sự trong doanh nghiệp đấu giá, cần có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chung để đảm bảo thống nhất trong áp dụng quy định pháp luật. Điều này góp phần nâng cao trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp đấu giá trong hành nghề, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người có tài sản, người tham gia đấu giá, đồng thời đảm bảo tính chuyên nghiệp về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản.
3.2 Hoàn thiện quy định của pháp luật về nội dung pháp luật điều chỉnh về bán đấu giá hàng hóa trong thương mại
Thứnhất, Bộ Tư pháp cần nhanh chóng công bố danh sách tổ chức đấu giá trên phạm vi cả nước để đảm bảo quyền lợi của người có hàng hóa cũng như các doanh nghiệp đấu giá hàng hóa.
Thứ hai, bổ sung quy định về giám định hàng hóa đấu giá.
   Phải quy định rõ hàng hóa đấu giá được giám định bởi cá nhân, tổ chức có trình độ, kinh nghiệm, chuyên môn trong lĩnh vực giám định tài sản. Như ở Pháp, đấu giá viên là những người được đào tạo hết sức nghiêm ngặt, bài bản, họ có kiến thức sâu rộng trong việc xác định giá cả thị trường. Người bán thường sẽ đưa ra mức giá tối thiểu và mức giá này sẽ phải được đấu giá viên đồng ý. Đấu giá viên sẽ là người xác định giá khởi điểm dựa trên khả năng am hiểu kiến thức sâu rộng về giá cả thị trường[15].
Trình tự, thủ tục giám định hàng hóa đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật áp dụng với loại hàng hóa đó.
Việc giám định hàng hóa đấu giá phải được thực hiện công khai, trung thực và lập thành văn bản. Chi phí giám định do người chủ sở hữu hàng hóa và người tổ chức đấu giá thỏa thuận với nhau, nếu không có sự thỏa thuận thì người chủ sở hữu hàng hóa sẽ chịu toàn bộ chi phí liên quan đến giám định hàng hóa.
Thứ ba,nâng mức tiền đặt trước trong đấu giá hàng hóa thương mại lên để tránh tình trạng đấu giá ảo.
Pháp luật thương mại cần quy định bắt buộc tại Khoản 2 Điều 199 Luật Thương mại 2005: “Người tham gia đấu giá phải nộp một khoản tiền đặt trước từ 2% đến 15% giá khởi điểm của hàng hóa đấu giá. Khoản tiền đặt trước được nộp vào tài khoản riêng của doanh nghiệp đấu giá mở tại tổ chức tín dụng hoặc các bên có thể thỏa thuận thay thế nộp tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng[16]”. Điều này sẽ giúp cho việc quản lý số tiền đặt trước của phiên đấu giá hàng hóa được minh bạch hóa, góp phần đảm bảo chất lượng dịch vụ đấu giá hàng hóa trong thương mại.
Thứtư, xây dựng các quy định tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển quyền sở hữu hàng hóa đấu giá. Tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi các quy định liên quan đến quá trình chuyển đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trong toàn bộ hệ thống pháp luật. Xây dựng quy trình thủ tục chuyển quyền sở hữu hàng hóa đầy đủ, chính xác, nhanh gọn.
Đặt ra quy định về nghĩa vụ của người bán hàng hóa phải giao đầy đủ các giấy tờ liên quan đến hàng hóa đấu giá trong trường hợp hàng hóa đó phải chuyển quyền sở hữu theo pháp luật ngay sau khi kết thúc phiên đấu giá. Nếu người bán hàng chậm trễ trong việc bàn giao các giấy tờ liên quan đến hàng hóa phải chuyển quyền sở hữu thì tùy theo mức độ sẽ phải chịu các hình phạt như phạt hành chính, phạt bồi thường thiệt hại vì có hành vi xâm phạm quyền lợi của người mua hàng hóa.
Khi soạn thảo văn bản hợp đồng mua bán hàng hóa đấu giá phải chuyển quyển sở hữu thì vấn đề làm thủ tục chuyển đổi với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các bên tham gia cần phải làm rõ trong hợp đồng.
Thứ năm, hoàn thiện quy định của pháp luật về đấu giá trực tuyến:
Một là, bổ sung các quy định cụ thể, chi tiết đối với việc giao kết hợp đồng trong bán đấu giá hàng hóa qua mạng internet. Cần siết chặt quy chế quản lý đối với những nhà đầu tư (người bán, người mua) và cả người tổ chức đấu giá.
Hai là, bổ sung quy chế thẩm định tư cách tham gia bán đấu giá qua mạng. Với một website đấu giá, người bán và người mua có thể sử dụng nhiều hình thức gian lận nhằm thu lợi bất hợp pháp như người bán khai gian lận về các thông số hàng hóa hoặc người mua là một thực thể ma, gây nhiễu và cản trở trong quá trình kinh doanh của người bán. Do vậy, cần tăng cường các quy định về xác định tư cách chủ thể tham gia bán đấu giá, yêu cầu trách nhiệm cao đối với những chủ thể này khi thực hiện bán đấu giá hàng hóa.
Ba là, tăng cường công tác chuyển giao cho các doanh nghiệp đấu giá tự thực hiện website đấu giá của mình. Việc chuyển giao hoàn toàn công việc xây dựng trang thông tin điện tử đấu giá cho các doanh nghiệp tự quyết định sẽ là một biện pháp ngăn chặn những hành vi thông đồng, gây rối giữa người bán và người mua. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp đấu giá sẽ có những mục tiêu, chiến lược, ưu đãi khác nhau dành cho khách hàng khi tham gia đấu giá trực tuyến, khách hàng có thể dựa vào kết quả hoạt động được công bố trên website đấu giá của doanh nghiệp để lựa chọn được người tổ chức đấu giá phù hợp với nhu cầu.
Bốn là, thành lập các website trung gian để giám sát việc hoạt động bán đấu giá giữa các chủ thể. Các website này có thể do Bộ Tư pháp quản lý hoặc là do một công ty quản lý việc đấu giá thực hiện. Công ty trung gian sẽ giúp cho cả người có hàng hóa, người mua và doanh nghiệp bán đấu giá xác định sự tổn tại và tính trung thực từ nhiều phía.
Năm là, xây dựng các quy định quản lý nhà nước về bán đấu giá qua mạng. Nhà nước cần phải quản lý tất cả mọi thứ liên quan đến vấn đề này như về số lượng giao dịch, số lượng giao dịch thành công và đánh thuế với những giao dịch thành công.
3.3 Hoàn thiện quy định của pháp luật về hợp đồng đấu giá hàng hóa trong thương mại
Về giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng mua bán hàng hóa đấu giá là bất động sản.
Các địa phương cần đưa vào Quy chế đấu giá để nâng cao tinh thần trách nhiệm của các chủ thể tham gia mua bán hàng hóa đấu giá (đối với bất động sản) về các quy định, nguyên tắc giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh (nếu có) trong thời gian hợp đồng được công chứng. Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phải hủy kết quả đấu giá trước khi hợp đồng mua bán hàng hóa đấu giá được công chứng theo quy định của pháp luật
Về trách nhiệm của doanh nghiệp bán đấu giá hàng hóa đối với hành vi vi phạm trong hợp đồng.
Một là, cần quy định cụ thể trách nhiệm của người bán hàng hóa trong trường hợp người bán không phải là chủ sở hữu của hàng hóa; không được phép ủy quyền hoặc nhận ủy quyền theo quy định của pháp luật; không có quyền chuyển nhượng quyền tài sản thì phải chịu trách nhiệm do hành vi vi phạm của mình theo pháp luật.
Hai là, trong trường hợp doanh nghiệp biết rõ người bán hàng không phải là chủ sở hữu của hàng hóa; không được ủy quyền hoặc nhận ủy quyền; không có quyền chuyển nhượng quyền tài sản mà vẫn thực hiện việc bán đấu giá hàng hóa, khai báo thông tin không trung thực trong thông báo, niêm yết hàng hóa đấu giá thì phải liên đới chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm trên.
3.4 Bổ sung các quy định về xử phạt trong lĩnh vực đấu giá hàng hóa thương mại.
Tăng cường công tác giám sát đối với những đối tượng có chức vụ, quyền hạn và đề xuất áp dụng chế tài đối với nhóm đối tượng này.
Với những đối tượng có chức vụ, quyền hạn[17] tham gia đấu giá cần có yêu cầu nhất định với bản thân họ cũng như với phiên đấu giá đó. Các quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và những văn bản pháp luật có liên quan hiện nay vẫn chưa điều chỉnh vấn đề này. Phải có cơ chế điều chỉnh đặc biệt đối với những đối tượng có chức vụ, quyền hạn khi họ tham gia đấu giá như yêu cầu xác minh nguồn gốc tài sản của người có hàng hóa đấu giá, kiểm soát những người cùng tham gia đấu giá, kiểm soát trình tự, thủ tục tiến hành đấu giá.
Đề xuất bổ sung quy định về nhóm đối tượng có chức vụ, quyền hạn vi phạm trong lĩnh vực đấu giá hàng hóa thương mại có thể được xem là hành vi tham nhũng theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2015[18]. Bổ sung quy định Tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực đấu giá tài sản bên cạnh các Tội phạm tham nhũng được quy định tại chương XXIII - Các tội phạm về chức vụ tại BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017./.
 

 


[1] Điều 23 LĐGTS 2016
[2] Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16-5-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản.
[3] Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
[4] Điều 56 Luật Đấu giá tài sản năm 2016
[7] Khoản 3 Điều 8 Luật Đấu giá tài sản  năm 2016
[8] Khoản 2, Điều 199 Luật Thương mại năm 2015 quy định “Người tổ chức đấu giá có thể yêu cầu người tham gia đấu giá nộp một khoản tiền đặt trước, nhưng không quá 2% giá khởi điểm của hàng hóa đấu giá”.
[9] Khoản 1 Điều 209 Luật Thương mại năm 2005: Văn bản bán đấu giá hàng hóa là văn bản xác nhận việc mua bán hàng hóa đấu giá, đây cũng là căn cứ để chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa mà pháp luật quy định phải chuyển quyền sở hữu. Do vậy đối với đấu giá hàng hóa trong thương mại, việc chuyển giao hàng hóa cho người mua chỉ được tiến hành sau khi lập Văn bản đấu giá hàng hóa.
[10] Khoản 3 điều 206; khoản 2 Điều 209 Luật Thương mại năm 2005.
[11] Giao kết hợp đồng trong bán đấu giá hàng hóa được xem là giao kết bằng lời nói, theo đó, thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng (khoản 3 Điều 400 BLDS 2015). Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác (khoản 1 Điều 401 BLDS năm 2015).
[12] Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng - Theo khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014.
[13] Điều 58 Luật Bán đấu giá Trung Quốc.
[14] http://cstc.cand.com.vn/Phong-su-Tieu-diem/San-dau-gia-tranh-o-Viet-Nam-Bao-gio-moi-chuyen-nghiep-509965/ 
[15] Bộ Tư pháp (2015), Báo cáo tổng thuật pháp luật nước ngoài về đấu giá hàng hóa – Hồ sơ Dự án Luật đấu giá trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII (ngày 20/10/2015 – 27/11/2015).
[16] Căn cứ điều 335 BLDS năm 2015 quy định về bảo lãnh, “Bảo lãnh ngân hàng” là cam kết bằng văn bản của tổ chức tín dụng (bên bảo lãnh) với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng (bên được bảo lãnh) khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh. Khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng số tiền đã được trả thay.
[17] Người có chức vụ, quyền hạn trong bán đấu giá hàng hóa thương mại có thể là Giám đốc doanh nghiệp đấu giá, Phó giám đốc doanh nghiệp đấu giá, đấu giá viên.
[18] Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2015 quy định tham nhũng bao gồm 12 hành vi cụ thể như sau:Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành nhiệm vụ, công vụ để vụ lợi; Lạm quyền trong thi hành nhiệm vụ, công vụ để vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến những người khác vì trục lợi; Giả mạo trong công tác để vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyêt công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương để vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn và sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước để vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện nhiệm vụ, công cụ vì vụ lợi;  Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, kiểm toán, thanh tra,  điều tra, xét xử,  truy tố, và thi hành án vì vụ lợi.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 10(386), tháng 5/2019)