Hoàn thiện quy định về biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

18/09/2019

ThS. NGUYỄN NHẬT KHANH

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Nhằm đảm bảo hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống các vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, xử phạt vi phạm hành chính được xem là một giải pháp hữu hiệu. Do đó, bên cạnh việc áp dụng các hình thức xử phạt để răn đe cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm hành chính, pháp luật còn áp dụng các biện pháp nhất định nhằm khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra. Tuy nhiên hiện nay, các quy định của pháp luật về biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế vẫn còn có một số hạn chế, bất cập cần phải được tiếp tục hoàn thiện.
Từ khóa: Biện pháp khắc phục hậu quả, xử phạt vi phạm hành chính về y tế
Abstract: To ensure the effective performance of and the prevention of the fights against administrative violations in the field of health, the administrative sanction is seen as a viable solution. Therefore, in addition to the application of sanctioning forms to deter individuals and organizations from committing administrative violations, the law also applies certain measures to overcome the consequences of administrative violations. However, the provisions of the applicable law on remedial measures in sanctioning the administrative violations in the health sector still appear a number of shortcomings and inadequacies, which need to be reviewed for further improvements.
Keywords: The remedies, sanctioning of administrative violations in the field of health
Untitled_13.jpg
 
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Khái quát về biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
Vi phạm hành chính (VPHC) ngoài việc xâm phạm trật tự quản lý nhà nước còn gây ra những hậu quả nhất định đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Do đó, bên cạnh việc áp dụng các hình thức xử phạt để răn đe cá nhân, tổ chức thực hiện VPHC, pháp luật còn áp dụng các biện pháp nhất định nhằm khắc phục hậu quả do VPHC gây ra. Điều này phù hợp với nguyên tắc của việc xử phạt VPHC được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý VPHC năm 2012 (Luật XLVPHC) là “mọi VPHC phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”[1].
Biện pháp khắc phục hậu quả được hiểu là hình thức cưỡng chế do Nhà nước tiến hành, buộc người có hành vi VPHC phải thực hiện những nghĩa vụ pháp lý nhất định nhằm hạn chế hoặc khôi phục lại tình trạng ban đầu do VPHC gây ra. Biện pháp này có các đặc điểm cơ bản sau: (i) là một hình thức cưỡng chế hành chính; (ii) do chủ thể có thẩm quyền áp dụng; (iii) được áp dụng nhằm mục đích hạn chế hoặc khôi phục lại tình trạng ban đầu do VPHC gây ra; (iv) áp dụng theo thủ tục hành chính[2].
Đối với xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế, Điều 3 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định, VPHC trong lĩnh vực y tế ngoài việc bị áp dụng các hình thức xử phạt còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau:
- Biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 28 của Luật XLVPHC;
- Buộc tổ chức thực hiện các biện pháp tẩy uế, khử khuẩn chất thải, quần áo, đồ dùng, môi trường xung quanh, phương tiện vận chuyển người bệnh;
- Buộc tiếp nhận người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
- Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, xử lý y tế đối với người, phương tiện vận tải, hàng hóa mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
- Buộc tiếp nhận người nhiễm HIV, tiếp nhận và thực hiện việc mai táng, hỏa táng đối với thi hài, hài cốt người nhiễm HIV;
- Buộc xin lỗi trực tiếp hoặc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng;
- Buộc hoàn trả số tiền đã vi phạm vào tài khoản thu của quỹ bảo hiểm y tế hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Buộc hoàn trả số tiền lãi của số tiền bảo hiểm y tế chưa đóng, chậm đóng vào tài khoản thu của quỹ bảo hiểm y tế;
- Buộc hoàn trả số tiền lãi cho khoản tiền chênh lệch do kê khai sai hoặc khoản tiền nộp chậm;
- Buộc hoàn trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế mà đối tượng đã phải tự chi trả. Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước;
- Buộc xóa bỏ, gỡ bỏ nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn;
- Buộc tháo dụng cụ tử cung, thuốc cấy tránh thai;
- Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng, thẻ bảo hiểm y tế, số tiếp nhận phiếu công bố, rút số đăng ký lưu hành thuốc.
Quy định trên cho thấy, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định khá rõ ràng các biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng trong xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể có thẩm quyền trong quá trình xử phạt VPHC. Việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sẽ góp phần khắc phục hậu quả do VPHC trong lĩnh vực y tế gây ra, đồng thời duy trì trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, quy định của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP về các biện pháp khắc phục hậu quả vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định, gây ảnh hưởng đến hiệu quả xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế.
2. Một số bất cập trong quy định về biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
Thứ nhất, có sự mâu thuẫn giữa nghị định với luật về hình thức xử phạt
Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định, nhân viên tiếp cận cộng đồng có hành vi “sửa chữa, tẩy xóa hoặc cho người khác mượn thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng” sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng. Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “thu hồi thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng”[3]. Trong khi đó, Luật XLVPHC năm 2012 không quy định về hình thức xử phạt bổ sung “thu hồi thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng” mà chỉ quy định 3 hình thức xử phạt có thể được áp dụng với tư cách là hình thức xử phạt bổ sung trong xử phạt VPHC là: (i) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; (ii) Tịch thu tang vật VPHC, phương tiện được sử dụng để VPHC; (iii) Trục xuất[4].  Rõ ràng, trong trường hợp này đã có sự mâu thuẫn giữa Nghị định số 176/2013/NĐ-CP với Luật XLVPHC năm 2012.
Xét về hiệu lực áp dụng, khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Trong trường hợp này, Luật XLVPHC năm 2012 là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn Nghị định số 176/2013/NĐ-CP nên văn bản được áp dụng để điều chỉnh sẽ là Luật XLVPHC năm 2012.
Thứ hai, chưa có hướng dẫn cụ thể để thi hành biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC”
Đối với VPHC trong lĩnh vực y tế, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó đáng chú ý là biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC”. Biện pháp khắc phục hậu quả này được áp dụng đối với VPHC về y tế trong 02 trường hợp sau: (i) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi bán vắc xin, sinh phẩm y tế thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng[5] và (ii) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ việc thực hiện hành vi bán thuốc điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện được cung cấp miễn phí theo quy định của pháp luật hoặc cung cấp thuốc điều trị thay thế cho cơ sở không được phép điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện[6]. Tuy nhiên, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP chưa có hướng dẫn cụ thể về cách tính giá trị “số lợi bất hợp pháp”, do đó gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động áp dụng pháp luật vào thực tế.
Để hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC, Điều 37 Luật XLVPHC năm 2012 quy định cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp lại số lợi bất hợp pháp là tiền, tài sản, giấy tờ và vật có giá có được từ VPHC mà cá nhân, tổ chức đó đã thực hiện để sung vào ngân sách nhà nước hoặc hoàn trả cho đối tượng bị chiếm đoạt; nếu cá nhân, tổ chức VPHC không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện. Như vậy,Luật XLVPHC năm 2012 đã khoanh vùng số lợi bất hợp pháp có được từ VPHC gồm tiền, tài sản, giấy tờ và vật có giá; đồng thời quy định rõsố lợi bất hợp pháp do cá nhân, tổ chức VPHC nộp lại sẽ được xử lý bằng 2 cách: (i) sung vào ngân sách nhà nước hoặc (ii) hoàn trả cho đối tượng bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, Luật XLVPHC 2012 cũng chỉ mới dừng lại ở việc quy định về các khoản lợi được coi là “số lợi bất hợp pháp” cũng như cách thức nộp lại số lợi bất hợp pháp chứ chưa quy định cụ thể về cách tính giá trị của “số lợi bất hợp pháp”[7].
Để hướng dẫn thi hành Luật XLVPHC năm 2012, ngoài Nghị định số 176/2013/NĐ-CP, Chính phủ còn ban hành một số nghị định như: Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định xử phạt VPHC trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định xử phạt VPHC trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở…
 Trên cơ sở nghị định của Chính phủ, các bộ, ngành ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của nghị định, trong đó đều có điều khoản quy định chi tiết về cách thức xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi VPHC. Ví dụ, Điều 6 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN ngày 26/6/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định: Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi VPHC là khoản lợi ích mà tổ chức, cá nhân thu được do thực hiện hành vi VPHC, gồm: tiền; giấy tờ có giá và tài sản khác. Đối với tài sản bất hợp pháp là tiền, căn cứ để xác định số tiền tổ chức, cá nhân vi phạm thu được do thực hiện hành vi VPHC về sở hữu công nghiệp mà có bằng (=) số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ đã chuyển nhượng, tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái pháp luật nhân (x) đơn giá[8]. Trường hợp chuyển nhượng, tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái pháp luật hàng hóa là hàng cấm, hàng lậu, hàng giả hoặc cung cấp dịch vụ kinh doanh có điều kiện: số tiền tổ chức, cá nhân vi phạm thu được bằng (=) số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ đã chuyển nhượng, tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái pháp luật nhân (x) đơn giá. Trường hợp chuyển nhượng, tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái pháp luật hàng hóa hoặc dịch vụ khác: số tiền tổ chức, cá nhân vi phạm thu được bằng (=) số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ đã chuyển nhượng, tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái pháp luật nhân (x) đơn giá trừ (-) chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa hoặc dịch vụ (nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có đầy đủ hồ sơ, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ của các chi phí đó). Trường hợp không có căn cứ để xác định được số lợi bất hợp pháp là tiền thì số lợi bất hợp pháp được xác định là giấy tờ có giá hoặc tài sản khác. Số lợi bất hợp pháp là giấy tờ có giá hoặc tài sản khác được xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính quy định về số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi VPHC để sung vào ngân sách nhà nước…
Như vậy, có thể thấy rằng, để có thể áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC trong lĩnh vực y tế trên thực tế, trong thông tư hướng dẫn thi hành và quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP do Bộ Y tế ban hành cần có quy định cụ thể về vấn đề này.  
Thứ ba, bất cập về biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” đối với các VPHC trong lĩnh vực y tế
Theo quy định của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP, các VPHC bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn”gồm: vi phạm quy định về thông tin, giáo dục truyền thông trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm (điểm a khoản 5 Điều 5); vi phạm quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS (điểm a, c, d khoản 5 Điều 17); vi phạm quy định về tuyên truyền, phổ biến thông tin về dân số (điểm b khoản 4 Điều 80). Trong đó, Điều 5 và Điều 17 quy định rõ ràng cách thức và thời hạn thực hiện việc cải chính đó là “Buộc cải chínhthông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng liên tục trong 03 ngày”. Riêng Điều 80 thì không nêu rõ cách thức và thời hạn thực hiện cải chính đối với hành vi tuyên truyền, phổ biến thông tin không đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân số. Sự thiếu sót này gây ra những khó khăn nhất định cho cả người có thẩm quyền xử phạt lẫn người vi phạm, bởi lẽ không rõ trường hợp này phải áp dụng pháp luật để thực hiện biện pháp “buộc cải chính thông tin sai sự thật” như thế nào, thời hạn thực hiện là bao lâu. Do đó, chúng tôi cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Điều 80 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP theo hướng quy định rõ cách thức và thời hạn thực hiện biện pháp “buộc cải chính thông tin không đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân số”.
Bên cạnh đó, một số VPHC trong lĩnh vực y tế cần phải bị áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn”. Đó là hành vi cung cấp hồ sơ, dữ liệu, thông tin liên quan đến hồ sơ kỹ thuật bao gồm hồ sơ tiêu chuẩn chất lượng, phương pháp sản xuất, độ ổn định mà không dựa trên cơ sở nghiên cứu, thực nghiệm, sản xuất thực tế của cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đăng ký thuốc; cung cấp hồ sơ, dữ liệu, thông tin về tác dụng, an toàn và hiệu quả của thuốc mà không có tài liệu, bằng chứng khoa học để chứng minh (Điểm b, d khoản 3 Điều 38); cung cấp tài liệu thông tin thuốc không chính xác (Điểm d khoản 3 Điều 49); cung cấp số liệu không chính xác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thực hiện bảo hiểm y tế (Điều 75); cung cấp sai lệch thông tin về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Điều 76); cung cấp sai lệch thông tin trong giải quyết quyền lợi của người bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Điều 77); không cung cấp chính xác thông tin khoa học và cách thức sử dụng đúng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ cho thầy thuốc, nhân viên y tế và người tiêu dùng (Điểm a khoản 1 Điều 88).
Thứ tư, hạn chế trong kỹ thuật lập quy về các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế
Một là, căn cứ vào khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC năm 2012, có thể chiabiện pháp khắc phục hậu quả thành hai nhóm: i. các biện pháp khắc phục hậu quả do Quốc hội quy định; ii. các biện pháp khắc phục hậu quả do Chính phủ quy định.
Các biện pháp khắc phục hậu quả do Quốc hội quy định được định danh chính thức trong Luật XLVPHC năm 2012. Ngoài ra, Luật XLVPHC năm 2012 cũng quy định cụ thể các chủ thể có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và các biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể mà chủ thể đó có quyền áp dụng. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ ban hành nghị định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực, quy định cụ thể hành vi vi phạm bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tương xứng[9].
Trên cơ sở quy định của Luật XLVPHC năm 2012, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể áp dụng trong lĩnh vực y tế. Theo quy định của Điều 3 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP, có 8 trên 9 biện pháp khắc phục hậu quả do Quốc hội ban hành được áp dụng đối với các VPHC trong lĩnh vực y tế là các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC năm 2012, trừ biện pháp quy định tại điểm b là biện pháp “buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép”không được áp dụng trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, có 2 biện pháp khắc phục hậu quả mặc dù được quy định tại Điều 3 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP nhưng lại không được áp dụng đối với bất kỳ VPHC cụ thể nào. Đó là biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” và “biện pháp buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm” quy định tại điểm a, g khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC năm 2012. Như vậy, chỉ có 6 biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm c, d, đ, e, h và i khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC năm 2012 là được áp dụng trong Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
Hai là, Điều 3 của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP không bao hàm quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với VPHC là “buộc điều chuyển lại vị trí công tác” và “buộc hoàn trả toàn bộ số tiền chênh lệch”. Tuy nhiên, trong quy định khác của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP lại xuất hiện các trường hợp có áp dụng hai biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên. Cụ thể, biện pháp khắc phục hậu quả “buộc điều chuyển lại vị trí công tác” được áp dụng đối với hành vi ép buộc người lao động còn đủ sức khỏe chuyển công việc mà họ đang đảm nhiệm vì lý do nhiễm HIV[10]; biện pháp “buộc hoàn trả toàn bộ số tiền chênh lệch” được áp dụng đối với hành vi bán thuốc cao hơn giá thuốc kê khai do đối tượng có trách nhiệm phải kê khai giá thuốc theo quy định của pháp luật. Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước[11]. Điều này cho thấy chưa có sự thống nhất trong quy định về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong cùng một văn bản do Chính phủ ban hành.
3. Kiến nghị hoàn thiện
Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt VPHC về y tế là một hoạt động áp dụng pháp luật cụ thể, tức là một hoạt động thực thi quyền lực nhà nước. Với đặc thù là một biện pháp cưỡng chế hành chính, việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả có khả năng gây ra thiệt hại nhất định cho các đối tượng bị áp dụng. Vì lẽ đó, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về biện pháp khắc phục hậu quả để tạo ra khung pháp lý vững chắc cho hoạt động xử phạt trên thực tế. Để khắc phục các bất cập vừa nêu, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần bãi bỏ quy định về hình thức xử phạt bổ sung“thu hồi thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng” tại điểm a khoản 6 Điều 20 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP để bảo đảm sự thống nhất với các quy định về hình thức xử phạt trong Luật XLVPHC năm 2012.
Thứ hai, cần bổ sung những quy định hướng dẫn cụ thể để áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong từng trường hợp nhất định, đặc biệt là cách xác định “số lợi bất hợp pháp” có được do thực hiện VPHC trong lĩnh vực y tế để tránh tình trạng pháp luật có quy định nhưng không thực hiện được hoặc áp dụng một cách tùy tiện, không thống nhất.
Thứ ba, bổ sung quy định về cách thức và thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật” đối với VPHC tại điểm b khoản 4 Điều 80 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP như sau: “Buộc cải chính thông tin không đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân số trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục trong 03 ngàyđối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này”. Đồng thời, tiến hành rà soát tổng thể các VPHC trong lĩnh vực y tế tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP có làm phát sinh “thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” mà chưa có quy định về biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” để kịp thời bổ sung biện pháp này làm cơ sở cho việc áp dụng trong thực tiễn, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả của công tác xử phạt và khắc phục hậu quả do VPHC gây ra.
Thứ tư, cần xem xét bãi bỏ các biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” và “biện pháp buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm” quy định tại Điều 3 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP. Bên cạnh đó, cần bổ sung 02 biện pháp là “buộc điều chuyển lại vị trí công tác” và “buộc hoàn trả toàn bộ số tiền chênh lệch” để bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định trong cùng một văn bản, tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này đối với các VPHC về y tế./.

[1] Điểm a khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC năm 2012.
[2] Cao Vũ Minh - Nguyễn Nhật Khanh, Về biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt VPHC, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 6 (350) 2017, tr. 10-11.
[3] Điểm c khoản 1, điểm a khoản 6 Điều 20 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
[4] Điều 21 Luật XLVPHC năm 2012.
[5] Điểm a khoản 7 Điều 8 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
[6] Khoản 7 Điều 20 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
[7] Nguyễn Nhật Khanh, Biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC, Tạp chí Khoa học Pháp lý số 07 (119) năm 2018, tr.46, 48.
[8] Trong đó, số lượng hàng hóa hoặc khối lượng dịch vụ đã thực hiện được xác định trên cơ sở kê khai của tổ chức, cá nhân vi phạm và kiểm tra, xác minh của người có thẩm quyền. Đơn giá được xác định trên cơ sở hồ sơ, chứng từ của tổ chức, cá nhân vi phạm hoặc giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ tương tự. Trường hợp không xác định được số lượng, khối lượng, đơn giá thì số lợi bất hợp pháp thu được là toàn bộ số tiền tổ chức, cá nhân thu được từ hành vi vi phạm.
[9] Cao Vũ Minh, Nhận diện tính hợp pháp và tính hợp lý của các biện pháp khắc phục hậu quả trong nghị định của Chính phủ, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 17 (369) năm 2018, tr.22.
[10] Điểm d khoản 4 Điều 21 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.
[11] Khoản 4 Điều 47 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.

(Nguồn tin: bài viết đăng trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 06(382)-tháng3/2019)