Phát hiện, xử lý các vụ án tham ô tài sản: thực trạng và giải pháp pháp khắc phục hạn chế, bất cập

12/09/2019

ThS.NGUYỄN THỊ HƯƠNG

Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Tóm tắt: Thực tiễn hoạt động phòng, chống tội phạm tham ô tài sản cho thấy, những tồn tại, hạn chế trong việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham ô tài sản là một trong những yếu tố góp phần làm phát sinh, gia tăng số vụ và số người phạm tội tham ô tài sản trên thực tế. Chính vì vậy, việc chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động phát hiện, xử lý tội tham ô tài sản là cơ sở cần thiết để các chủ thể phòng ngừa tội phạm đưa ra được những giải pháp căn cơ, hiệu quả, góp phần làm giảm đáng kể tội tham ô tài sản ở Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khoá:  tham nhũng,khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, tội tham ô tài sản
Abstract: Prevention, fighting of the corruption related crimes in practice show a number of shortcomings, limitations in recognizing, prosecuting, investigating, prosecuting and adjudicating corruption cases. These shortcoming can be seen as crucial causes leading to the large number of of corruption cases and the number of offenders of actual embezzlement of property. Therefore, pointing out the shortcomings and limitations in recognization and handling of corruption crimes is a necessary ground for crime prevention subjects to come up with basic and effective solutions, which might provide contribution to significant reduction of the corruption crimes in Vietnam in the coming time.
Keywords: corruption,prosecution, investigation, prosecution, trial; act of embezzlement of property
 Untitled_73.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
Phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham ô tài sản là những hoạt động cơ bản nhằm kịp thời xử lý người có hành vi phạm tội, thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, đảm bảo hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị kinh tế nhà nước. Đây là các hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước, không chỉ trực tiếp chống lại những người thực hiện hành vi tham ô tài sản, mà còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa đối với các thành viên khác trong xã hội. Chính vì vậy, khi các hoạt động này được thực hiện chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn đặt ra, sẽ góp phần tạo thêm một yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả phòng ngừa đối với loại tội phạm này. Ngược lại, khi hoạt động phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tội tham ô tài sản còn có những tồn tại, hạn chế nhất định thì không chỉ là lực cản làm giảm hiệu quả của hoạt động phòng ngừa đối với loại tội này, mà ở mức độ nhất định nó còn là yếu tố tiêu cực có vai trò làm phát sinh, gia tăng tội tham ô tài sản. Thực tế hoạt động phòng, chống tội tham ô tài sản ở nước ta trong những năm vừa qua cho thấy, một số tồn tại, hạn chế trong việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham ô tài sản đã góp phần làm phát sinh, gia tăng loại tội phạm này.
1. Những bất cập, hạn chế trong việc phát hiện, xử lý các vụ án tham ô tài sản
Thứ nhất, việc phát hiện các vụ án tham ô tài sản còn chưa kịp thời
Trong hoạt động phòng, chống tội tham ô tài sản, phát hiện kịp thời hành vi tham ô tài sản của người có chức vụ quyền hạn là việc làm có ý nghĩa quyết định đối với việc ngăn chặn tội phạm. Bởi lẽ, thực tiễn tố tụng các vụ án tham ô tài sản cho thấy: trong hầu hết các vụ án tham ô tài sản, các bị can, bị cáo đều nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội, có không ít vụ án kéo dài trong nhiều năm với số tiền chiếm đoạt là đặc biệt lớn mới bị phát hiện, xử lý. Trên cơ sở nghiên cứu 585 bản án hình sự xét xử sơ thẩm các vụ án tham ô tài sản trong khoảng thời gian từ năm 2008 - 2017, thời gian phát hiện các vụ án tham ô tài sản được xác định ở các mức như sau: 6 tháng kể từ khi xảy ra tội phạm: 58 vụ, chiếm 10%; 12 tháng kể từ khi xảy ra tội phạm: 97 vụ, chiếm 16,5%; 24 tháng kể từ khi xảy ra tội phạm: 125 vụ, chiếm 21,3%; 36 tháng kể từ khi xảy ra tội phạm: 196 vụ, chiếm 33,5%; trên 36 tháng kể từ khi xảy tội phạm: 109 vụ, chiếm 18,7%[1]. Từ các tỷ trọng này cho thấy, không có vụ án nào được phát hiện ngay sau khi tội phạm xảy ra; hầu hết các vụ án tham ô tài sản thường được thực hiện trong một thời gian dài, hoặc đã thực hiện nhưng sau một thời gian dài mới bị phát hiện.
Việc phát hiện các vụ án tham ô tài sản chưa kịp thời là do sự tác động của nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do những hạn chế, bất cập của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Cụ thể như sau:
- Quy định về công khai, minh bạch tài sản mang tính liệt kê, thiếu tính bao quát cả về phạm vi, đối tượng dẫn đến tình trạng, một số chủ thể cần phải công khai, minh bạch tài sản nhưng lại không thực hiện nên không kịp thời phát hiện được sự biến động bất thường về tài sản;
- Quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham ô trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa khuyến khích được tính chủ động của người đứng đầu trong việc phát hiện, phòng ngừa tham ô tài sản;
- Quy định về cơ chế phát hiện tham ô tài sản thông qua các hoạt động chính như kiểm tra, thanh tra nhà nước, kiểm toán nhà nước và giám sát chưa phù hợp, chưa phát huy được vai trò, chức năng của mỗi cơ quan trong việc kịp thời phát hiện các vụ án tham ô tài sản;
- Quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo còn chưa đầy đủ, chưa có cơ chế để phát huy được sự tham gia của người dân trong việc phát hiện hành vi tham ô tài sản của người có chức vụ, quyền hạn.
Thứ hai, tỷ lệ khởi tố vụ án, khởi tố bị can còn thấp so với số lượng tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố
Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố là một trong những căn cứ để xem xét việc khởi tố vụ án hình sự. Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội tham ô tài sản là kết quả của việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố không chỉ phản ánh độ chính xác của các căn cứ khởi tố, mà còn là yếu tố trực tiếp tác động đến mức độ ẩn của loại tội phạm này. Thực tiễn hoạt động giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố và khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội tham ô tài sản trong những năm qua cho thấy, trong khoảng thời gian 10 năm từ năm 2008 đến năm 2017, số tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố phải giải quyết là 4.505 việc/ 8.276 người; trong khi đó số vụ án, số bị can khởi tố trong cùng thời điểm là 2.796 vụ, chiếm 62% và 5.030 bị can, chiếm 60,7%[2] so với số việc và số người bị tố giác, kiến nghị khởi tố. Con số trên cho thấy có sự chênh lệch đáng kể kể giữa tỷ lệ khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội tham ô tài sản so với số lượng tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ bỏ lọt người có hành vi tham ô tài sản, gây những tác động tiêu cực đến hiệu quả phòng, chống loại tội này ở nước ta hiện nay.
Tình trạng này diễn ra bởi các nguyên nhân sau:
- Do chủ thể của tội phạm là người có chức vụ, quyền hạn, việc thực hiện hành vi tham ô tài sản thường liên quan đến nhiều người, nhiều bộ phận, khâu hoạt động khác nhau và thường được che đậy bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi, khó phát hiện.
- Để xác minh được một tin báo, tố giác hoặc kiến nghị khởi tố có đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội tham ô tài sản hay không, cơ quan tiến hành tố tụng phải có một khoảng thời gian cần thiết để xác minh làm rõ.
- Việc tiến hành xác minh tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố đòi hỏi phải có sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn ở các lĩnh vực khác nhau, hoặc sự hỗ trợ của các trang, thiết bị hiện đại. Trong khi đó điều kiện thực tế về thiết bị, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ cho hoạt động này còn hạn chế;
- Quan hệ phối hợp giữa cơ quan tố tụng với các cơ quan chuyên môn còn mang tính tự phát, chưa được điều chỉnh bởi những quy định của pháp luật nên cơ quan tố tụng còn có phần bị động.    
Thứ ba, việc giải quyết vụ án còn kéo dài do quan điểm của các cơ quan tố tụng không thống nhất trong việc xác định tội danh, hoặc phải chờ kết quả giám định tư pháp, hoặc do việc thu thập chứng cứ còn gặp nhiều khó khăn
Tiến độ giải quyết các vụ án tham ô tài sản là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động chống tội phạm và tác dụng răn đe phòng ngừa đối với các thành viên khác trong xã hội. Thực tiễn hoạt động chống tội tham ô tài sản trong những năm qua cho thấy, việc điều tra, truy tố, xét xử hầu hết các vụ án tham ô tài sản còn kéo dài trong nhiều năm, không chỉ làm mất đi tính kịp thời của yêu cầu phòng, chống tội phạm, mà còn tạo ra sự hoài nghi của dư luận xã hội và các tầng lớp nhân dân đối với các cơ quan, người tiến hành tố tụng. Việc giải quyết các vụ án tham ô tài sản kéo dài là do sự tác động của nhiều yếu tố; trong đó, một số yếu tố có tính phổ biến là:
- Sự thiếu thống nhất trong việc xác định tội danh giữa các cơ quan tiến hành tố tụng dẫn đến phải kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Đó là việc không chứng minh hoặc chưa đủ cơ sở để chứng minh dấu hiệu người có chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà họ được giao quản lý, nên đã dẫn đến tình trạng tranh chấp giữa tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là một trong lý do của việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án trong nhiều năm[3].
Theo thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong thời gian 10 năm từ năm 2008 đến năm 2017, số vụ án tham ô tài sản phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung do việc xác định tội danh chưa đảm bảo căn cứ vững chắc là 453 vụ/801 bị can, trong đó Viện kiểm sát trả là 258 vụ/496 bị can, chiếm 9% về số vụ và 9,8% số bị can so với số vụ án và số bị can Cơ quan điều tra đề nghị Viện kiểm sát truy tố; Tòa án trả là 195 vụ/305 bị can, chiếm 7,6% về số vụ và 6,4% số bị can mà Viện kiểm sát đã truy tố; trong đó không ít vụ án phải sử dụng hết số lần trả hồ sơ điều tra bổ sung theo luật định[4]. Thực trạng này cho thấy, việc xác định tội danh và thu thập chứng cứ vững chắc đảm bảo việc xác định chính xác tội danh là một trong những vấn đề phức tạp, khó thống nhất trong quá trình giải quyết các vụ án tham ô tài sản, là một trong những nguyên nhân làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, tạo ra những tác động thiếu phần tích cực đến hiệu quả hoạt động chống, phòng ngừa loại tội phạm này, cũng như những phản ánh mang tính tiêu cực đối với dư luận xã hội.
- Cho đến thời điểm hiện nay, đối với không ít vụ án tham ô tài sản, việc giám định tư pháp còn gặp những khó khăn nhất định như thời gian chờ kết quả giám định kéo dài, có những nội dung giám định phải được thực hiện bởi nhiều cơ quan chuyên môn, kết luận giám định về cùng nội dung giữa các cơ quan giám định không có sự thống nhất dẫn đến việc phải giám định lại, hoặc giám định bổ sung. Thực tế hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự cho thấy, các vấn đề cần giám định trong các vụ án tham ô tài sản có tính chất phức tạp, nhiều nội dung mới phát sinh, trong khi điều kiện kỹ thuật, công nghệ phục vụ cho hoạt động giám định còn hạn chế, chưa đáp ứng được hết những yêu cầu của thực tiễn, có những vụ án phải trưng cầu giám định nhiều nội dung mới có cơ sở để làm rõ hành vi tham ô.
- Thực tiễn hoạt động giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra các vụ án tham ô tài sản cho thấy, việc thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ các hành vi chiếm đoạt tài sản của người có chức vụ, quyền hạn thường gặp nhiều khó khăn do đã bị tiêu hủy, che giấu, hoặc hợp thức hóa bằng các thủ tục thanh, quyết toán. Việc đấu tranh khai thác thông tin từ các đối tượng liên quan đến hành vi tham ô thường mất nhiều thời gian, trí tuệ do hành vi phạm tội thường được thực hiện theo một vòng tròn kép kín để bảo vệ, che giấu cho nhau nên không có tinh thần hợp tác với cơ quan điều tra. Các thủ đoạn phạm tội thường được thực hiện tinh vi thông qua việc sử dụng các chứng từ giả để thanh, quyết toán hoặc sử dụng công nghệ hiện đại để tất toán các khoản tiền bị chiếm đoạt. Đây là những trở ngại ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ điều tra vụ án, làm cho thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài hơn nhiều so với thời hạn luật định.
Thứ tư, việc thu hồi tài sản tham ô còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp, chưa thực sự có tác dụng đối với việc phòng ngừa loại tội phạm này trên thực tế
Thực tiễn quá trình giải quyết các vụ án tham ô tài sản trong những năm qua cho thấy, việc thu hồi tài sản còn rất hạn chế, số tài sản thu hồi được chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ về số vụ án và lượng tài sản chiếm đoạt. Đối với những vụ án có thu hồi được tài sản tham ô, thì số lượng tài sản thu được chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với số tài sản bị chiếm đoạt trong vụ án, trong khi yêu cầu của chống, phòng ngừa tham nhũng nói chung và tham ô tài sản nói riêng là phải làm triệt để việc thu hồi tài sản. Trên cơ sở thống kê từ 585 bản án hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội tham ô tài sản cho thấy, trong số 585 vụ án tham ô tài sản thì có 115 vụ án thu hồi được tài sản tham ô, trong đó có 87 vụ án thu hồi được toàn bộ tài sản tham ô (giá trị tài sản bị chiếm đoạt là đến 1 tỷ đồng), 28 vụ thu hồi được một phần tài sản tham ô (giá trị tài sản bị chiếm đoạt là đến 50 tỷ đồng)[5].
Việc thu hồi tài sản tham ô thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản là việc điều tra các vụ án tham ô rất phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải có nhiều thời gian để tổ chức, xác minh, thu thập chứng cứ, giám định và các hoạt động tố tụng cần thiết khác. Nhiều trường hợp hành vi phạm tội xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, hoặc đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt được để đánh bạc, mua cổ phiếu, đưa cho người khác kinh doanh bất động sản và thua lỗ nên khi bị phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp trong quá trình giải quyết vụ án tham ô tài sản, đặc biệt là sau khi khởi tố, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa quyết liệt, triệt để trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết nên người thân của bị can, bị cáo vẫn có điều kiện để tẩu tán tài sản; mặt khác, không ít trường hợp tài sản tham ô đang tồn tại ở nước ngoài nên việc thu hồi càng gặp nhiều khó khăn.
Thứ năm, trong một số trường hợp, việc xác định mức độ trách nhiệm hình sự (TNHS) của bị can, bị cáo còn chưa tương xứng với tính chất của hành vi, mức độ hậu quả gây ra, chưa đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung
Xác định mức độ TNHS đối với bị can, bị cáo trong các vụ án tham ô tài sản là vấn đề hết sức quan trọng, thể hiện rõ sự trừng phạt, sự lên án của Nhà nước, sự nghiêm minh của pháp luật đối với người phạm tội. Thực tiễn hoạt động truy tố, xét xử các vụ án tham ô tài sản trong những năm qua cho thấy: việc Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp xác định mức độ TNHS đối với bị can, bị cáo trong các vụ án tham ô tài sản còn có phần chưa đảm bảo tương xứng với tính chất của hành vi, mức độ hậu quả do bị can, bị cáo gây ra. Đó là do pháp luật quy định còn có phần chung chung, thiếu cụ thể nên khi xác định khung hình phạt để truy tố, Viện kiểm sát gặp phải những khó khăn nhất định, dẫn đến việc truy tố các bị can theo khung của điều luật có phần nhẹ hơn so với hậu quả xảy ra, chưa đảm bảo sự tương xứng với tính chất của hành vi phạm tội. Mặt khác, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác nhẹ hơn trong cùng điều luật mà Viện kiểm sát đã truy tố. Chính vì vậy, trong quá trình xét xử các vụ án tham ô tài sản, một số trường hợp, Tòa án có thể chuyển sang khung hình phạt nhẹ hơn hoặc áp dụng loại hình phạt nhẹ hơn đối với bị cáo. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật đối với bản thân bị cáo, mà còn tạo ra những tác động thiếu tích cực trong việc phòng ngừa chung, nhất là đối với những vụ án được dư luận xã hội quan tâm thì tình trạng này đã tạo ra những phản ứng, bức xúc hoặc sự hoài nghi trong dư luận quần chúng nhân dân, làm giảm mục đích răn đe, phòng ngừa chung của pháp luật, góp phần thúc đẩy sự phát sinh tham ô tài sản trên thực tế.
2. Giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập trong phát hiện, xử lý các vụ án tham ô tài sản
2.1. Hoàn thiện quy định Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản luật chuyên ngành
Hoạt động phát hiện, xử lý người có chức vụ, quyền hạn tham ô tài sản là đối tượng điều chỉnh trực tiếp của Luật Phòng, chống tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018  được Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 6 đã khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi năm 2012), góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống các tội phạm về tham nhũng nói chung và tội tham ô tài sản tài sản nói riêng. Tuy nhiên, trước yêu cầu của việc đấu tranh phòng, chống các tội phạm về tham nhũng nói chung và tội tham ô tài sản nói riêng, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động phát hiện, xử lý các vụ án tham ô tài sản, cần tiếp tục hoàn thiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 theo hướng sau:
- Mở rộng một cách hợp lý phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập sang cả lĩnh vực tư cho phù hợp với quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Bởi lẽ, theo quy định của Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa được đưa vào để thực hiện nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì những người này cũng là chủ thể của tội tham ô tài sản.
- Mở rộng phạm vi nghĩa vụ của người kê khai tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát một cách chặt chẽ tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Bởi lẽ, theo quy định của khoản 1 Điều 33 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên là chưa đủ; cần phải bổ sung thêm các đối tượng là cha, mẹ, con đã thành niên, ông nội, bà nội của người có nghĩa vụ kê khai tài sản.
- Quy định cụ thể về hình thức xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Theo quy định của khoản 1 Điều 73 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng quy định tại Điều 72 của Luật này thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc quy định này, một mặt gây khó khăn cho cơ quan, người có thẩm quyền trong việc lựa chọn hình thức để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng do họ phụ trách; mặt khác, chưa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đối với việc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Do vậy, Luật Phòng, chống tham nhũng cần quy định rõ trường hợp nào thì xử lý lỷ luật, trường hợp nào thì truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do họ quản lý, phụ trách.
Đối với các văn bản luật chuyên ngành:
- Hoàn thiện quy định của Luật Báo chí nhằm tích cực phát huy vai trò của báo chí trong phát hiện tham nhũng, gắn với trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan chức năng để phục vụ việc xem xét, xử lý vụ việc tham nhũng mà báo chí đã phát hiện, đăng tải.
- Hoàn thiện quy định của luật hình sự theo hướng quy định hợp lý về giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong các khung hình phạt nhằm cá thể hóa TNHS của các bị cáo trong vụ án tham ô tài sản.
- Hoàn thiện quy định của Luật Giám định tư pháp nhằm đảm bảo tính kịp thời và chính xác của kết luận giám định, tạo cơ sở cần thiết để đảm bảo tiến độ giải quyết vụ án tham ô tài sản.
2.2. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan chuyên môn
Thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham ô tài sản cho thấy, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan chuyên môn là điều kiện tiên quyết bảo đảm chất lượng và hiệu quả của công tác này. Vì vậy, để tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan nói trên trong phòng, chống tội phạm tham ô tài sản cần thực hiện các giải pháp:
- Liên ngành các cơ quan tố tụng trung ương cần thiết lập cơ chế phối hợp trong việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham ô tài sản, tạo cơ sở cần thiết để liên ngành tố tụng địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc phát hiện, xử lý các vụ án tham ô tài sản.
- Thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng với các cơ quan chuyên môn trong việc thu thập các tài liệu, chứng cứ cấn thiết, cũng như đưa ra các kết luận đối với từng lĩnh vực chuyên môn, nhằm đảm bảo việc xác minh, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra người có hành vi tham ô tài sản được kịp thời, chính xác, hiệu quả.
- Thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng với các cơ quan giám định tư pháp trong một số lĩnh vực cần thiết như tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng, đấu giá, đấu thầu nhằm đảm bảo tính kịp thời, chính xác của kết luận giám định./.
 

 


[1] Nguồn: Từ 585 bản án hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội tham ô tài sản.
[2] Báo cáo tổng kết công tác năm của ngành Kiểm sát nhân dân từ năm 2008 đến năm 2017, trang 6. Nguồn: Cục Thống kê tội phạm, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
[3] Chẳng hạn như vụ án Đặng Ngọc Thành và đồng phạm tham ô tài sản tại Tổng công ty Xây dựng Miền Trung, vụ án được khởi tố năm 2008, sau nhiều lần điều tra bổ sung, hủy án để điều tra lại đến năm 2016 vụ án mới được đưa ra xét xử và bản án đã có hiệu lực pháp luật.
[4] Báo cáo công tác năm của ngành Kiểm sát nhân dân từ năm 2008 đến năm 2017, trang 8, tlđd. 
[5] Nguồn: Từ 585 Bản án hình sự sơ thẩm về tội tham ô tài sản.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 5 (381), tháng 3/2019.)