ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC CHUẨN BỊ KỲ HỌP THỨ 8 QUỐC HỘI KHÓA XIV

16/09/2019

Chiều ngày 14/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, dưới sự chủ trì, điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV.
 
Trình bày báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề nghị của Chính phủ, dự kiến nội dung kỳ họp sẽ bổ sung 04 nội dung trình Quốc hội: Việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015; Việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 02 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình; Việc miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; Báo cáo về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu). Đồng thời, rút Báo cáo về tình hình thực hiện dự án Thủy điện Lai Châu do dự án đã hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác an toàn.
Đối với đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, đến thời điểm hiện nay, các cơ quan của Quốc hội chưa tiến hành thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa cho ý kiến. Vì vậy, đề nghị chưa bố trí trong dự kiến chương trình gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Về dự kiến chương trình Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến chương trình chi tiết được bố trí như thông lệ, trong đó dành 01 ngày thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), 03 ngày tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; thảo luận nội dung về sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 cùng kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; giảm thời gian trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu từ 30 phút xuống 20 phút/báo cáo; bố trí thông qua các dự án luật trong cùng một buổi.
 2.-NHPhuc.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 23 ngày. Trong đó, xây dựng luật: 13 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác: 8 ngày; khai mạc, bế mạc và thông qua: 2 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21/10/2019 và dự kiến bế mạc vào ngày 20/11/2019.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị tăng thời gian thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước vì đây là kì họp cuối năm, thảo luận tình hình cho cả năm cũng như kết hợp thảo luận thêm nhiều nội dung khác. Đồng thời, đối với thảo luận về các báo cáo hoạt động tư pháp bố trí 1,5 ngày để nghe trình bày và thảo luận về 7 báo cáo từ báo cáo vi phạm pháp luật, tội phạm, tham nhũng, kiểm sát, xét xử, thi hành án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị cải tiến cách thức trình bày báo cáo, rút ngắn thời gian trình bày và tăng thời gian thảo luận.
Trước ý kiến đề xuất tách dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp thành dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, nếu thấy thực sự cần thiết, Chính phủ đề nghị tách thành 2 luật thì cần phải thực hiện đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ thành lập Ban soạn thảo, đánh giá tác động, tổng kết thi hành, lấy ý kiến, thẩm tra…bởi hai luật này không phải là luật nhỏ, tác động đến hàng triệu doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Như vậy sẽ không thể trình tại kỳ họp này. Còn trong trường hợp nếu sửa đổi một số điều để giải quyết ngay vướng mắc thì vẫn theo đúng chương trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, khối lượng công việc tại kỳ họp này là rất lớn, yêu cầu thời gian gấp gáp nhưng vẫn phải bảo đảm nguyên tắc thực hiện đúng luật, đúng quy trình. Vừa qua một số Luật có xung đột không bảo đảm chất lượng nên Quốc hội cần thắt chặt lại kỷ luật.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất về nội dung chương trình kỳ họp thứ 8 theo chuẩn bị của Tổng Thư ký Quốc hội. Theo đó, thời gian của Kỳ họp thứ 8 sẽ kéo dài từ ngày 21/10 đến ngày 20/11.
Về ý kiến đề nghị tăng thời gian thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, do đây là kỳ họp cuối năm, trong chương trình thảo luận về kinh tế xã hội còn thảo luận thêm về về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015; việc miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước...Do đó bố trí tăng thêm 0,5 ngày để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề liên quan.
 1.-chu-tich-NTKNgan.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận nội dung thảo luận
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, tại phiên họp này cần cải tiến cách thức trình bày báo cáo trước Quốc hội theo hướng cơ quan trình, cơ quan thẩm tra chỉ cần nêu vấn đề, gợi ý thảo luận mà không đọc lại những nội dung có trong các báo cáo đã gửi đến đại biểu Quốc hội, từ đó hạn chế được thời gian trình bày báo cáo và tăng thời gian cho thảo luận.
Đối với nội dung dự án sân bay Long Thành, nhấn mạnh đây là dự án trọng điểm quốc gia, tình hình cấp bách, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế làm việc với Bộ Giao thông vận tải để kịp thời thẩm tra, xem xét theo đúng thẩm quyền để có thể kịp thời đưa vào chương trình.
Về dự án Luật Công đoàn mặc dù đã có ý kiến chỉ đạo thực hiện sửa đổi, bổ sung trong năm 2019 để thực hiện các cam kết quốc tế, bảo đảm hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật nhưng hiện chưa có tài liệu, không kịp trình cho ý kiến tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không kịp gửi đại biểu Quốc hội trước 20 ngày diễn ra kỳ họp nên chưa đưa vào chương trình.
Ngoài ra, sẽ bổ sung vào chương trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; vẫn giữ theo chương trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; Quốc hội sẽ không ra Nghị quyết về quản lý nguồn thu từ vốn cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp./.
Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội