Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án luật, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

01/04/2008

PHƯƠNG LINH

Tại phiên họp thứ bảy, từ ngày 25/3 đến ngày 2/4/2008, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về sáu dự án Luật dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XII. Cũng trong phiên họp này, lần đầu tiên, UBTVQH đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự (phần liên quan đến lãi suất huy động và cho vay vốn của tổ chức tín dụng)
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung sáu điều của Bộ luật Dân sự hiện hành, liên quan chủ yếu tới hai vấn đề: Một là, quy định việc chọn lãi suất trái phiếu kho bạc thấp nhất của lần phát hành cuối cùng để thay cho lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố; Hai là, tính mức trần lãi suất đối với các hoạt động vay, cho vay vốn, thực hiện nghĩa vụ dân sự. Trong báo cáo giải trình trước UBTVQH, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết, Dự thảo Luật Ngân hàng nhà nước (sửa đổi) tới đây trình Quốc hội sẽ đề xuất bỏ lãi suất cơ bản, chỉ giữ lại một số lãi suất thực. Vì thế, chọn lựa lãi suất trái phiếu, về triển vọng lâu dài thì lãi suất này có tính ổn định và thể hiện đúng tính thị trường nhất.
Về vấn đề này, có ba loại ý kiến khác nhau: Một là, thống nhất như dự thảo Chính phủ trình; Hai là, nên lấy lãi suất trung bình của ngân hàng thương mại tại một thời điểm, sau đó ngân hàng nhà nước công bố; hoặc lấy lãi suất thấp nhất của ngân hàng thương mại tại thời điểm xử lý các tranh chấp phát sinh; Ba là, nên trở lại quy định hiện nay của Bộ luật Dân sự, lấy lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước, nhưng trên cơ sở có tính toán lãi suất của liên ngân hàng thương mại, có tính toán đến lãi suất trái phiếu. Thay lãi suất cơ bản bằng lãi suất trái phiếu kho bạc là vấn đề cần cân nhắc, căn cứ phải là lãi suất Ngân hàng nhà nước công bố, để giải quyết những vấn đề phát sinh về pháp lý đối với dân sự và cả hình sự (tội cho vay lãi nặng được quy định trong Điều 163 Bộ luật Hình sự). Tờ trình của Chính phủ khẳng định lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố chỉ là tham khảo, nhưng lâu nay vẫn lấy làm căn cứ để buộc tội thì đó là một cái sai rất cơ bản?
Vấn đề mức trần lãi suất, UBTVQH không đồng ý với dự kiến của Dự thảo là nâng lên đến 300%, (trên cơ sở thị giá lãi suất của trái phiếu kho bạc). Như vậy không hợp lý, không khả thi, làm cho tình hình cho vay lãi nặng càng ngày càng tràn lan hơn, rất khó cho vấn đề xử lý khác khi có hậu quả của vấn đề vi phạm pháp luật. UBTVQH thống nhất, Dự án luật này, cùng với Dự án Luật Tổ chức tín dụng, Dự án Luật Ngân hàng (sửa đổi) sẽ trình ra phiên họp thứ 8 của UBTVQH xem xét sao cho các chính sách được hoạch định đồng bộ, nhất quán.
Dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi)
Theo Báo cáo thẩm tra củaUỷ ban Tài chính - Ngân sách, về cơ bản, một số nội dung sửa đổi trong Dự thảo luật đã thể hiện định hướng tư tưởng trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010, như tiếp tục chuyển một số đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (TGTGT); đổi mới trong cách xác định hàng hóa chịu mức thuế suất 10% (áp dụng phương pháp loại trừ); quy định về điều kiện thanh toán qua ngân hàng đối với việc khấu trừ TGTGT đầu vào... Luật TGTGT hiện hành quy định áp dụng ba mức thuế suất: 0%, 5% và 10%. Dự thảo Luật giữ nguyên ba mức thuế suất nhưng điều chỉnh một số nhóm hàng hoá, dịch vụ hiện thuộc diện không chịu thuế sang chịu thuế với mức thuế suất 5% hoặc 10%; một số nhóm hàng hoá chịu mức thuế suất 5% lên chịu mức thuế suất 10%. Có ý kiến cho rằng, việc Dự thảo luật quy định ba mức thuế suất là chưa phù hợp mục tiêu đến năm 2010, TGTGT áp dụng thống nhất một mức thuế suất đối với hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trong nước để đảm bảo tính công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và đơn giản trong việc tính TGTGT của hàng hoá, dịch vụ. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong UBTVQH tán thành với quy định trong Dự thảo luật, với lý do: Thứ nhất, việc áp dụng 3 mức thuế suất là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay. Thứ hai, việc tiếp tục áp dụng mức thuế suất 5% theo hướng giảm dần (đối tượng được hưởng mức thuế suất 5% giảm gần 50% so với Luật hiện hành) là phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh những hàng hóa, dịch vụ thuộc nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hoặc sản xuất kinh doanh những sản phẩm nông nghiệp. Thứ ba, hiện nay, đối tượng được hưởng mức thuế suất là 5% phần lớn là các loại hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản, y tế, giáo dục. Do đó, việc tồn tại mức thuế suất 5% áp dụng cho các đối tượng trên là hợp lý.
Về dự án Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)
Dự án sửa đổi Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bao gồm các vấn đề chính về phạm vi điều chỉnh; đối tượng nộp thuế; thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế và thu nhập tính thuế; các khoản chi được trừ và các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; nơi nộp thuế TNDN; thuế suất, ưu đãi thuế và điều kiện ưu đãi thuế. Trong đó, một số vấn đề vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Về quy định: “Doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng bất động sản thì phải xác định riêng thu nhập chịu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản để kê khai nộp thuế riêng” (Điều 8), báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, kinh doanh bất động sản cũng là một trong các hoạt động kinh doanh; thu nhập từ kinh doanh bất động sản là một trong các khoản thu nhập của doanh nghiệp để tính thuế. Vì vậy, không nên tách riêng thu nhập từ kinh doanh bất động sản ra khỏi thu nhập doanh nghiệp. UBTVQH đề nghị Chính phủ trình cả hai phương án hạch toán để Quốc hội cho ý kiến.
Về mức thuế suất, Luật thuế TNDN hiện hành quy định thuế suất thuế TNDN là 28%. Nay Dự thảo luật quy định thuế suất thuế TNDN là 25%. UBTVQH tán thành với quy định của Dự thảo luật, nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, trong điều kiện Luật thuế TNND của nước láng giềng Trung Quốc đã hạ thuế suất xuống 25%, đồng thời cũng khuyến khích việc thành lập mới các doanh nghiệp.
Chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Thực hiện quy định của pháp luật về hoạt động chất vấn tại phiên họp UBTVQH giữa hai kỳ họp Quốc hội; đồng thời để tăng cường công tác giám sát thực hiện các nghị quyết, quyết định của Quốc hội; bảo đảm hoạt động chất vấn thường xuyên; kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nóng hổi, UBTVQH đã tổ chức phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Nội dung chất vấn tập trung vào tình hình giá cả thị trường tăng cao, các giải pháp kiềm chế lạm phát; giải pháp vĩ mô trong công tác quản lý hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hoá; việc thi công và công tác quản lý dự án giao thông, thuỷ lợi Ô Môn-Xà No; tình hình giá cả vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao; các giải pháp khắc phục; trình độ, năng lực đội ngũ Thẩm phán Toà án nhân dân các cấp; phương hướng và giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ Thẩm phán để đáp ứng yêu cầu công tác xét xử; vai trò và trách nhiệm của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành. Sau phiên chất vấn, UBTVQH đã họp rút kinh nghiệm, dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại các phiên họp tiếp theo giữa các kỳ họp Quốc hội. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, mỗi phiên họp,  UBTVQH nên chọn một hoặc hai nội dung để tập trung chất vấn xung quanh vấn đề đó. Như thế sẽ có điều kiện chất vấn tận cùng vấn đề, kết luận được một vấn đề là Chính phủ, hoặc cơ quan, ngành nào đó làm tốt hay chưa tốt.
*       *       *
Cùng với các Dự án Luật nêu trên, UBTVQH cũng đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý.
Tại phiên họp này, UBTVQH đã cho ý kiến các dự án Luật dự kiến cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII. Đó là Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Đa dạng sinh học; Luật Công nghệ cao. UBTVQH cũng xem xét, thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; cho ý kiến về dự thảo Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Quốc hội (sửa đổi), Nghị quyết về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Quốc hội từ năm 2000 đến nay, định hướng phát triển trong thời gian tới để UBTVQH thông qua tại phiên họp thứ tám vào tháng 4 năm 2008, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tiến độ xây dựng Nhà Quốc hội; cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XII, dự kiến thời gian diễn ra kỳ họp vào tuần đầu tháng 5 năm 2008.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 4(120), tháng 4/2008)