Quy trình xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng trong quy trình lập pháp và thực trạng

01/03/2016

TS. HOÀNG NGỌC GIAO

Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển.

“Chính sách là hành vi can thiệp (chấp nhận/không chấp nhận; khuyến khích/không khuyến khích) của cơ quan Nhà nước, tác động vào các quan hệ xã hội hiện hành trong một lĩnh vực quản lý Nhà nước cụ thể nhằm giải quyết vấn đề phát sinh từ thực tiễn quản lý nhà nước ảnh hưởng tới quyền/lợi ích của người dân, và hiệu quả quản lý nhà nước.”*[1]
Với ý nghĩa là phương tiện/công cụ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, của địa phương, của một ngành/lĩnh vực, việc hoạch định chính sách được thực hiện bởi Nhà nước. Nói cách khác, chủ thể hoạch định chính sách – là các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu phát triển của ‘chính sách’, thì việc hoạch định chính sách không thể chủ quan, duy ý chí. Nghĩa là, ‘chính sách’ phải phản ánh được thực tiễn cuộc sống, giải quyết được những vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra. Trong khi đó, thực tiễn cuộc sống phát sinh từ các mối quan hệ xã hội với sự tham gia của nhiều chủ thể: i) cơ quan nhà nước; ii) doanh nghiệp; iii) các tổ chức xã hội; iv) người dân. Do vậy, chính sách chỉ có thể phản ánh và giải quyết được các vấn đề từ cuộc sống thực tiễn, với điều kiện có sự tham vấn, đóng góp ý kiến từ các chủ thể ngoài nhà nước (doanh nghiệp, tổ chức xã hội, người dân – gọi tắt là ‘công chúng’). Như vậy, chủ thể tham gia, không thể thiếu, trong quá trình hoạch định chính sách – là công chúng.
 Untitled_131.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
I.  Thực tiễn cuộc sống và hoạch định chính sách
1. Nội dung và mục tiêu của ‘chính sách’ phải luôn gắn liền với thực tiễn. Chính sách xa rời thực tiễn, được xác định một cách chủ quan, duy y chí – sẽ chỉ là ước mơ, là một mong muốn viển vông. Với một chính sách như vậy, con đường và biện pháp để biến chính sách thành hiện thực – khó đạt được mức độ khả thi khi triển khai thực hiện. Để đạt được ‘chất liệu/hơi thở’ của cuộc sống, do vậy rất cần có sự phối hợp, hợp tác giữa chủ thể hoạch định chính sách (Nhà nước) với chủ thể tham gia hoạch định chính sách (công chúng).
 2. Với logic nêu trên, Nhà nước với tư cách là chủ thể hoạch định chính sách, luôn ở vị thế dẫn dắt, chỉ đạo quá trình hoạch định, thực thi chính sách. Bên cạnh đó, công chúng (nhân dân, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp) là những chủ thể có vai trò đồng hành không thể thiếu trong suốt quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Do vậy, để phục vụ công chúng và quản lý nhà nước một cách hiệu quả vì sự phát triển, Nhà nước không thể hoạch định, thực thi Chính sách mà không có sự tham gia của công chúng. Sự tham gia của công chúng trong hoạch định Chính sách – có thể được coi là nguồn thông tin, chất liệu thực tiễn chủ yếu, giúp cho Chính sách được hoạch định gắn với thực tiễn, từ thực tiễn định ra những giải pháp giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra, giảm thiểu những nguyên nhân, hành vị không mong muốn, khuyến khích những thiết chế, hành vi tích cực, qua đó đạt được mục tiêu Phát triển của Chính sách.
 II.  Chính sách và Pháp luật
 1. Chính sách phải được xác định và luật hóa, để trở thành ‘cốt lõi’, là ‘tinh thần’ xuyên suốt của một dự án Luật. Làm luật mà không bám sát theo chính sách đã định, thì không khác gì ‘làm đường mà không rõ hướng’, dễ rơi vào tình trạng ‘đẽo cày giữa đường’.
 2. Với vai trò được ủy quyền quản lý xã hội vì sự phát triển của quốc gia, việc hoạch định và thực thi chính sách phải luôn được coi là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng và chủ yếu nhất của Nhà nước. Nhà nước dẫn dắt quốc gia phát triển phải bằng Chính sách. Nội dung Chính sách bao hàm các định hướng, mục tiêu phát triển với những giải pháp chính sách cụ thể (Chính sách chung với Chính sách cụ thể). Tuy nhiên, Chính sách chỉ mới dừng lại ở những định hướng và giải pháp mang tính nội dung mà Nhà nước xác định vì sự phát triển. Để chính sách có thể thực thi, áp dụng đối với toàn thể xã hội, thì pháp luật – chính là một công cụ không thể thiếu, được sự đảm bảo của quyền lực nhà nước, đủ khả năng đảm bảo tính thực thi của chính sách trong đời sống xã hội.
 3. Chính sách là nội dung can thiệp (Nhà nước đối với xã hội), là mục tiêu hướng tới giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, vì sự phát triển. Chính sách không thể tự nó được thực thi. Chính sách phải được đảm bảo thi hành bởi các văn bản pháp luật, được luật hóa. Chính sách có vai trò quan trọng như sợi chỉ xuyên suốt nội dung của văn bản pháp luật. Tính nhất quán về mục tiêu điều chỉnh của văn bản pháp luật phụ thuộc vào mức độ rành mạch và rõ ràng của chính sách được thể hiện qua các quy định của pháp luật.
 4. Từ thực tiễn hiện nay, có thể nhận dạng các loại Chính sách như sau:
a)  Chính sách – là đường lối, mục tiêu phát triển của Quốc gia, của địa phương. Đây là những chính sách vĩ mô, thường được hoạch định ở tầm quốc gia hoặc địa phương. Loại chính sách này ở nước ta thường được thể hiện ở các văn kiện của Đảng, các Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia; Chiến lược, tầm nhìn phát triển ngành, lĩnh vực; Chương trình mục tiêu quốc gia. Những văn kiện chính sách này chứa đựng những mục tiêu cần đạt được, chỉ mang tính định hướng về những nội dung cần phải triển khai trong một khoảng thời gian nhất định. Những văn kiện này mang tính chất chính trị, hơn là văn bản quy phạm pháp luật.
 b) Chính sách – là định hướng/giải pháp cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng đã hoặc mới phát sinh từ đời sống thực tiễn. Loại chính sách này chỉ có thể được thực thi với điều kiện được chuyển tải vào các văn bản pháp luật. Hiện nay, trong nhiều luật, pháp lệnh đã phần nào và ở một mức độ nhất định, thể hiện được những chính sách loại này. Tuy nhiên, mức độ thể hiện và sự nhất quán về nội dung chính sách/giải pháp chính sách qua các quy định của điều luật trong từng luật, pháp lệnh cụ thể - vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, không đảm bảo được chất lượng của hệ thống văn bản pháp luật hiện nay.
 III. Hoạch định chính sách với quy trình lập pháp
 1. Pháp luật là công cụ thực thi các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, nhà làm luật không thể xem nhẹ vai trò của chính sách trong quá trình lập pháp. Với ý nghĩa này, hoạt động lập pháp phải được thực hiện theo hướng vì sự phát triển, thay vì sự tiện ích cho công tác quản lý nhà nước. Nếu chỉ dừng lại ở tư duy cho rằng pháp luật là công cụ quản lý nhà nước, thì dường như nhà hoạch định chính sách/nhà soạn thảo luật bị trói buộc bởi các thiết chế hành chính, pháp lý hiện hành, có thiên hướng về sự tiện lợi, tiện nghi của cơ quan quản lý nhà nước, hơn là quan tâm tới những chính sách được hoạch định từ thực tiễn, và phải được chuyển tài vào luật.
 2. Tính khả thi của pháp luật không chỉ dựa vào những quy định về chế tài, mà phụ thuộc chủ yếu vào năng lực của các thiết chế thực thi luật (hành chính, tư pháp). Bên cạnh đó, không kém phần quan trọng, tính khả thi của pháp luật còn phụ thuộc vào tính nhất quán về mục tiêu điều chỉnh (chính sách) được thể hiện tại nội dung của văn bản pháp luật.
 3. Chính sách là nội dung can thiệp (Nhà nước đối với xã hội), là mục tiêu hướng tới giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, vì sự phát triển. Chính sách không thể tự nó được thực thi. Chính sách phải được đảm bảo thi hành bởi các văn bản pháp luật, được luật hóa.
 4. Một văn bản QPPL, sau khi đã được xây dựng với những nội dung chính sách, cốt lõi - được thể hiện nhất quán, rõ ràng qua các điều luật, thì thực tiễn cuộc sống sẽ kiểm chứng về tính hiệu quả của đạo luật được ban hành, thể hiện ở mức độ mà các chính sách của luật đáp ứng được nhu cầu phát triển. Những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực thi đạo luật – sẽ lại đặt ra nhu cầu hoạch định chính sách/giải pháp chính sách để giải quyết. Điều này, có thể được mô tả theo một quy trình hoạch định chính sách – lập pháp – phát triển như sau:
SƠ ĐỒ:           CHÍNH SÁCH à PHÁP LUẬT à PHÁT TRIỂN
 

1_17.png

 

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
5.  Quy trình Hoạch định chính sách - Lập pháp – Phát triển trên cho thấy: Chính sách là đầu vào không thể thiếu của pháp luật; đồng thời chính sách cũng là đầu ra, là mục tiêu mà dự án uật hướng tới (kết quả thực thi pháp luật). Như vậy, việc xây dựng một dự án luật phải, trước tiên, phải căn cứ vào những chính sách rõ ràng; việc thẩm tra, thẩm định dự án luật cũng phải bám sát những chính sách này; cũng như vậy, khi đánh giá hiệu quả của dự án luật, thì việc đánh giá kết qủa thực thi những chính sách mà dự án Luật này hướng tới – phải là một tiêu chí chủ yếu để xem xét tính khả thi và hiệu quả của văn bản pháp luật có hiệu lực.
 6.  Chính sách có vai trò quan trọng như sợi chỉ xuyên suốt nội dung của văn bản pháp luật. Tính nhất quán về mục tiêu điều chỉnh của văn bản pháp luật phụ thuộc vào mức độ rành mạch và rõ ràng của chính sách được thể hiện qua các quy định của pháp luật.
 7.  Để đạt được mục tiêu về chính sách nhất quán trong một dự án luật, các nhà làm luật phải tiến hành hoạch định chính sách theo những công đoạn chủ yếu như sau: 1) phân tích chính sách; 2) phê duyệt chính sách; 3) thực thi chính sách.
 8.  Quy trình hoạch định và luật hóa chính sách về mặt lý thuyết cần phải được thực hiên trong quy trình lập pháp với những công đoạn cụ thể như sau:
a)  Giai đoạn lập đề nghị xây dựng luật
 1.  Đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, nhằm xác định vấn đề phát sinh trong quá trình thi hành luật, bao gồm: i) đánh giá pháp luật thực định; ii) xác định chủ thể liên quan; ii) đánh giá hành vi của các chủ thể liên quan (chủ thể chịu tác động, chủ thể thực thi pháp luật).
 2.  Nhận diện vấn đề kinh tế - xã hội mới phát sinh mà pháp luật chưa điều chỉnh, bao gồm: i) xác định chủ thể liên quan; ii) đánh giá quan điểm/hành vi của các chủ thể liên quan tới vấn đề mới phát sinh.
 3.  Phân tích, đánh giá hành vi của các chủ thể gây ra/liên quan tới vấn đề, nhằm xác định nguyên nhân gây ra vấn đề, dự kiến chính sách/giải pháp chính sách nhằm xử lý/triệt tiêu nguyên nhân gây ra vấn đề.
 4.  Tham vấn/lấy ý kiến nhằm kiểm chứng các ý tưởng chính sách dự kiến của nhà làm luật.
 5.  Đánh giá và lựa chọn chính sách từ những phương án chính sách dự kiến.
 6.  Đề xuất chính sách được lựa chọn.
 7.  Thẩm định những chính sách/giải pháp chính sách được đề xuất, tập trung vào việc đánh giá sự phù hợp, tính thống nhất của các chính sách được đề xuất trong đề nghị dự án luật với Hiến pháp, pháp luật, với chính sách phát triển của các ngành/lĩnh vực liên quan.
 8.  Thẩm tra những chính sách/giải pháp chính sách được trình sau khi thẩm định, tập trung vào việc đánh giá sự phù hợp, tính thống nhất của các chính sách được đề xuất trong đề nghị dự án luật với lợi ích chung của quốc gia.
 9.  Phê duyệt chính sách/giải pháp chính sách, khi được chấp nhận đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội.
b)  Giai đoạn soạn thảo luật
10.  Các chính sách của một dự án luật, sau khi được thẩm tra, và thông qua tại Quốc hội (hoặc Chính phủ, HĐND địa phương) – trở thành khung chính sách của dự thảo văn bản. Nhà soạn thảo có trách nhiệm quy phạm hóa khung chính sách, tạo nên hệ thống, bao gồm các quy định phản ánh đúng những chính sách đã được phê duyệt và những quy định pháp lý đảm bảo thực thi những chính sách này. Đây chính là giai đoạn soạn thảo VBQPPL dựa trên chính sách được phê duyệt tại giai đoạn đề nghị xây dựng luật.
 11. Sau khi chính sách/giải pháp chính sách được chuyển tải thành các điều luật, dự thảo luật được hoàn tất. Bước tiếp, cần phải thực hiện là tham vấn/lấy ý kiến về những điều luật phản ánh chính sách/giải pháp chính sách của dự thảo luật.
 12. Thẩm định dự thảo luật, nhằm đánh giá về tính tương thích giữa chính sách/giải pháp chính sách đã được phê duyệt với các điều luật của dự thảo luật.
 13. Thẩm tra dự thảo luật, nhằm đảm bảo rằng chính sách/giải pháp chính sách được phán ánh đúng với mong đợi của các cơ quan Quốc hội như tại thời điểm phê duyệt chính sách/giải pháp chính sách, phù hợp với lợi ích chung của quốc gia, ngành/lĩnh vực, cũng như các điều kiện đảm bảo thực thi luật.
 c)  Giai đoạn thông qua dự thảo luật
14. Thảo luận và thông qua dự thảo luật, nhằm tập trung vào những quan điểm và ý kiến khác biệt của các đại biểu về các vấn đề liên quan tới chính sách/giải pháp chính sách được thể hiện tại dự thảo luật từ góc độ lợi ích của cử tri.
  IV. Tham vấn chính sách trong quy trình lập pháp
 1.  Thực trạng tham vấn chính sách hiện nay đang phải đối mặt với những vấn đề là cơ quan xây dựng luật: i) chưa coi trọng việc xác định chủ thể cần được tham vấn/lấy ý kiến và tiếp nhận ý kiến đóng góp; ii) chưa coi trọng việc nhận diện các vấn đề phát sinh từ thực tiễn thông qua hoạt động tham vấn/lấy ý kiến, thu thập các thông tinh định tính và định lượng từ các chủ thể liên quan.
 2.  Chính sách/giải pháp chính sách được xác định khi đã nhận diện được vấn đề và nguyên nhân làm phát sinh vấn đề kinh tế xã hội. Nói cách khác, sự cần thiết xây dựng luật phát sinh từ nhu cầu giải quyết vấn đề kinh tế-xã hội thông qua chính sách và giải pháp chính sách. Do vậy, để nhận biết được vấn đề, cũng như nguyên nhân gây nên vấn đề nhằm đưa ra chính sách/giải pháp chính sách phù hợp, thì việc thu thập thông tin từ thực tiễn là một công việc không thể không thực hiện, nếu mong muốn có được một đạo luật khả thi, hiệu quả.
 3.  Thông tin từ thực tiễn được thể hiện và có nguồn gốc như sau: i) nguồn thông tin qua truyền thông; ii) nguồn thông tin học thuật/nghiên cứu ứng dụng; iii) nguồn thông tin chính thống (văn kiện của cơ quan công quyền/chính quyền địa phương, của các tổ chức xã hội); iv) nguồn thông tin trực tiếp từ các chủ thể có hành vi liên quan tới vấn đề (cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, người dân, chuyên gia, nhà khoa học).
 4.  Trong số các nguồn thông tin nêu trên, nguồn thông tin từ những chủ thể liên quan tới vấn đề phát sinh – là nguồn thông tin phản ánh trực tiếp sự quan tâm và lợi ích của những nhóm chủ thể cụ thể, đặc biệt là nhóm chủ thể chịu tác động trực tiếp từ vấn đề phát sinh. Nội dung thông tin từ nguồn này – có ý nghĩa đặc biệt đối với nhà làm luật trong phân tích chính sách và xác định những chính sách/giải pháp chính sách dự kiến. Nhà làm luật chỉ có thể có được nguồn thông tin từ công chúng, nhất là từ các chủ thể liên quan tới vấn đề phát sinh – thông qua hoạt động tham vấn/lấy ý kiến và góp ý kiến.
 5.  Tham vấn/lấy ý kiến hoặc đóng góp ý kiến của nhóm chủ thể chịu tác động của vấn đề phát sinh, chịu tác động của chính sách/giải pháp chính sách để giải quyết vấn đề – có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tất cả các công đoạn lập pháp, nhất là ngay từ khi thực hiện quyền sáng kiến pháp luật, lập đề nghị xây dựng luật. Tuy nhiên, Luật ban hành VBQPPL chưa thiết kế được một cách rõ ràng, logic các công đoạn cụ thể của quá trình xây dựng chính sách (như đã trình bày tại mục VII.8. trên đây). Do vậy, trên thực tế quy trình tham vấn/đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng chính sách trong hoạt động lập pháp đã không thực hiện gắn liền với các công đoạn: nhận diện vấn đề; lựa chọn chính sách/giải pháp chính sách; thẩm định chính sách/giải pháp chính sách (tại khâu đề nghị xây dựng luật, và khâu soạn thảo luật); thẩm tra và phê duyệt chính sách (tại khâu đề nghị xây dựng luật, và phê duyệt, thông qua luật).
 6.  Nội dung tham vấn/lấy ý kiến và đóng góp ý kiến trong quy trình lập pháp hiện nay cũng đang là một vấn đề chưa được xử lý. Trên thực tế, hiện nay cơ quan xây dựng luật thường đưa toàn văn dự thảo luật lên trang Internet, hoặc gửi tới những địa chỉ nhất định để lấy ý kiến cho toàn văn dự thảo luật. Rất ít trường hợp cơ quan xây dựng luật tiến hành việc lấy ý kiến/tham vấn về nội dung cụ thể của những chính sách dự kiến hoặc được lựa chọn cho dự án luật.
 7.  Nhà làm luật khi tiến hành hoạch định chính sách, trên thực tế gặp không ít khó khăn khi phải đối mặt với những vấn đề kinh tế - xã hội thuộc các lĩnh vực chuyên ngành phức tạp, đòi hỏi tính chất chuyên môn sâu. Do vậy, cùng với việc tham vấn/lấy ý kiến các nhóm lợi ích liên quan như doanh nghiệp, người dân, tổ chức xã hội, thì việc tham vấn/thu hút sự đóng góp của các chuyên gia cũng là một điều kiện không thể thiếu trong quy trình lập pháp.
 V.  Thực trạng quy trình xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng
 1.  Xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng được hiểu là:
a)   Vấn đề được nhận diện – được xác định dựa trên các các thông tin định tính và định lượng
b)   Chính sách/giải pháp chính sách – được lựa chọn dựa trên thông tin định tính và định lượng.
 2.  Thực tiễn cho thấy việc xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng rất ít được quan tâm thực hiện. Hầu hết các tờ trình, bản báo cáo thuyết minh cho dự án luật khi đề cập đến các vấn đề phát sinh, cũng như giải pháp chính sách, thì hầu như không có các số liệu định tính, định lượng để minh chứng cho việc nhận diện vấn đề, cũng như căn cứ lựa chọn chính sách/giải pháp chính sách.
 3.  Nguyên nhân của thực trạng nêu trên bắt nguồn từ những yếu tố như sau: i) kinh phí để tiến hành thu thập thông tin bằng các hoạt động điều tra, khảo sát/phiếu hỏi, trưng cầu ý kiến chuyên gia – rất hạn chế; thậm chí chưa được phân bổ ngay từ giai đoạn thực hiện sáng kiến lập pháp (là giai đoạn đặc biệt quan trọng ngay từ đầu trong quy trình xây dựng chính sách); ii) quy định của Luật ban hành VBQPPL chưa đảm bảo được kỷ luật công vụ trong hoạt động tham vấn của các cơ quan xây dựng pháp luật; iii) quyền được tham vấn/được chủ động góp ý kiến của công chúng chưa được thể chế hóa; iv) sự thiếu vắng luật tiếp cận thông tin dẫn tới tình trạng khép kín tùy tiện của các cơ quan nhà nước, không tạo cơ hội tiếp cận thông tin cho công chúng trong quá trình xây dựng pháp luật.
 VI.  Nhận xét hoạt động tham vấn/lấy ý kiến
 1.  Khái niệm tham vấn chưa được sử dụng trong luật ban hành VBQPPL. Do vậy, trên thực tế cơ quan xây dựng pháp luật không coi trọng việc tham khảo ý kiến đóng góp của công chúng. Khái niệm ‘lấy ý kiến’ – tạo nên cách ứng xử một chiều, đơn phương của chủ thể có quyền lấy ý kiến – cơ quan xây dựng luật, thay vì tôn trọng quyền góp ý kiến của công chúng; đồng thời, tạo cơ hội cho sự tùy tiện/chủ quan trong việc thu thập ý kiến và giải trình về những ý kiến đóng góp.
 2.  Hoạt động lấy ý kiến (nên là tham vấn) – thực chất phải là hoạt động thu thập bằng chứng với các thông tin định tính và định lượng. Kết quả của hoạt động lấy ý kiến sẽ là chất liệu thực tiễn cho việc hoạch định chính sách trong quá trình lập pháp. Chính sách được hoạch định dựa vào kết quả lấy ý kiến như vậy sẽ được coi là chính sách dựa trên bằng chứng. Quá trình này được coi là quá trình ‘đưa cuộc sống vào pháp luật’, làm cho pháp luật bắt nhịp được với sự biến động, phát triển của đời sống kinh tế-xã hội.
 3.  Hiện nay, việc lấy ý kiến hầu như không được tiến hành từ giai đoạn thực hiện sáng kiến pháp luật, không tiến hành thu thập các thông tin định tính, định lượng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng nhận diện vấn đề, cũng như khả năng phân tích, hoạch định và lựa chọn chính sách cho dự án luật. Thực trạng này dẫn tới tình hình phổ biến là nhiều dự án luật được xây dựng nhưng không rõ chính sách, hoặc thay đổi chính sách theo kiểu ‘vừa thiết kế, vừa thi công’.
 4.  Với thực trạng là chính sách không được xác định ngay từ giai đoạn lập đề nghị xây dựng luật, cho nên tại giai đoạn soạn thảo dường như Ban soạn thảo không đưa ra được những nội dung cần lấy ý kiến công chúng, mà thay vào đó nội dung đưa ra lấy ý kiến chủ yếu là toàn văn của dự thảo luật, hoặc là một số quan điểm khác nhau giữa các bộ/ngành liên quan.
 5.  Trách nhiệm giải trình của cơ quan xây dựng luật đối với các ý kiến đóng góp của công chúng, của nhà khoa học – cũng là một vấn đề chưa khắc phục được trên thực tế. Nguyên nhân của tình hình này là do: i) nội dung lấy ý kiến không tập trung, không mang tính chủ đề, do đó ý kiến thu nhận được rất tản mát, khó tham khảo và giải trình; ii) các cơ quan thẩm định, thẩm tra chưa nỗ lực và sâu sắc trong việc đánh giá việc tham khảo, tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của công chúng; iii) cơ quan xây dựng luật, do không tiến hành điều tra, khảo sát để thu thập bằng chứng (thông tin định tính, định lượng), cho nên không có đủ căn cứ số liệu cần thiết để có căn cứ giải trình về việc chấp nhận hay không chấp nhận các ý kiến đóng góp.
 6.  Trong bối cảnh nguồn lực tri thức và tài chính còn hạn chế, cơ quan xây dựng luật chưa có được cơ chế huy động các trường, viện nghiên cứu, cũng như tổ chức xã hội tham gia vào một số công đoạn lập pháp, mang tính kỹ thuật, như: điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng, đề xuất chính sách. Cần tính tới cơ chế xã hội hóa một số công đoạn trong quá trình lập pháp như những dịch vụ công.
 VII.  Ý tưởng hoàn thiện hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng
 Để có thể thực hiện việc thu thập bằng chứng một cách hiệu quả phục vụ cho việc hoạch định chính sách trong quá trình lập pháp, một số giải pháp dưới đây cần được xem xét:
a)   Lấy ý kiến (tham vấn) phải được thể chế hóa là nghĩa vụ của cơ quan xây dựng luật, đồng thời cũng là quyền của công chúng.
b)   Cần phải bố trí nguồn lực tài chính cho hoạt động điều tra, khảo sát, nghiên cứu tư vấn nhằm nhận diện và xác định đúng nguyên nhân của những vấn đề phát sinh – làm căn cứ cho việc phân tích, hoạch định và lựa chọn chính sách trong quá trình lập pháp.
c)   Có cơ chế xã hội hóa một số công đoạn kỹ thuật (điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng, nghiên cứu tư vấn) phục vụ cho việc phân tích, hoạch định và tư vấn chính sách trong quá trình lập pháp.
d)   Có cơ chế tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tham gia vào hoạt động thu thập ý kiến, điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng, nghiên cứu tư vấn phục vụ cho việc phân tích, hoạch định và tư vấn chính sách trong quá trình lập pháp.
e)   Tăng cường kỷ cương trong công tác thẩm định, thẩm tra về chính sách/giải pháp chính sách trong quá trình lập pháp; không chấp nhận (bỏ lọt) những chính sách đề xuất không dựa trên bằng chứng trong hồ sơ dự án luật; không chấp nhận những dự án luật với những chính sách không dựa trên những thông tin định tính, định lượng, mà chỉ dựa trên những lập luận chủ quan. Để thực hiện được điều này, cần phải có cơ chế tham vấn giữa cơ quan thẩm định hoặc thẩm tra với công chúng, giúp tăng cương năng lực thẩm định, thẩm tra.
 

[1] Nhóm Nghiên cứu Bộ Tư Pháp định nghĩa: khái niệm Chính sách: khái niệm “chính sách” trong dự thảo Luật Ban hành VBQPPL cần được hiểu chính là phương án giải quyết vấn đề mà nhà nước chọn lựa thể hiện trong dự án luật. Mỗi chính sách phải bao gồm 3 thành tố cốt lõi: (1) vấn đề của thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, của thực tiễn quản lý mà dự án luật cần giải quyết; (2) mục tiêu giải quyết vấn đề (mức độ giải quyết vấn đề) và (3) phương án giải quyết vấn đề (bao gồm cả các phương tiện, công cụ, nguồn lực, cách thức giải quyết vấn đề).” - Báo cáo nghiên cứu “Thực trạng hoạt động phân tích chính sách trong quá trình xây dựng luật ở Việt Nam hiện nay”, Viện Khoa học Pháp lý, BTP, Dự án Phát triển lập pháp quốc gia (NLD)

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 5(309) - tháng 3/2016)