Nhìn lại hành trình từ mức lương tối thiểu đến mức lương cơ sở

01/01/2016

TS. BÙI NGỌC THANH

Nguyên Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Lao động xã hội được chia thành hai khối chính là lao động khu vực thị trường, gồm lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cung cấp dịch vụ và lao động khu vực hành chính, sự nghiệp công lập, kể cả lực lượng vũ trang. Chính sách tiền lương của hai khu vực này có nhiều điểm chung nhưng cũng có một số điểm riêng do tính chất công việc, vị trí lao động, điều kiện làm việc, v.v.. Trong chính sách tiền lương, mức lương tối thiểu có vai trò rất quan trọng. Việc xây dựng khung pháp lý về mức lương tối thiểu cho cả hai khu vực ở nước ta đã trải qua một hành trình dài. Hiện nay, chính sách tiền lương tối thiểu áp dụng cho khu vực lao động thị trường đã được xây dựng, điều chỉnh theo xu hướng được đánh giá là tốt hơn, hoàn thiện hơn, nhưng chính sách này đối với khu vực hành chính, sự nghiệp công lập thì đã có “lối rẽ” khác và cần được nhìn nhận lại.
Untitled_157.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Về mức lương tối thiểu
Chính sách tiền lương tối thiểu lần đầu tiên áp dụng chung cho cả hai khu vực được quy định tại Nghị định số 05/CP ngày 26/01/1994 của Chính phủ[1]. Theo Nghị định này, từ ngày 01/01/1995, tất cả những người lao động đang làm việc ở cả hai khu vực đều được áp dụng một mức lương tối thiểu chung là 120.000 đồng/tháng. Sau đó, mức lương tối thiểu chung tiếp tục được điều chỉnh 06 lần theo các nghị định khác nhau, từ việc tăng lên mức 144.000 đồng/tháng vào năm 1997 đến mức 450.000 đồng/tháng vào năm 2006. Người lao động của hai khu vực được áp dụng chung mức lương tối thiểu cho đến hết năm 2007.
Từ năm 2008, chính sách tiền lương tối thiểu đối với người lao động được áp dụng riêng cho từng khu vực. Đối với người lao động thuộc khu vực hành chính sự nghiệp công lập, mức lương tối thiểu được áp dụng là mức lương tối thiểu chung được quy định tại Nghị định số 166/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/11/2007. Tuy nhiên, đối với lao động khu vực thị trường, mức lương tối thiểu được quy định và áp dụng cho từng vùng và theo từng loại hình doanh nghiệp, tổ chức khác nhau như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam theo Nghị định số 167/2007/NĐ-CP ngày 16/11/2007 và doanh nghiệp trong nước theo Nghị định số 168/2007/NĐ-CP ngày 16/11/2007. Mức lương tối thiểu được áp dụng cho các khu vực, đối tượng cụ thể như sau:
- Mức lương tối thiểu được áp dụng cho khu vực hành chính, sự nghiệp công lập là mức lương tối thiểu chung 540.000 đồng/tháng theo Nghị định số 166/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/11/2007.
- Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam: vùng I, mức lương tối thiểu là 1.000.000 đồng/tháng; vùng II là 900.000 đồng/tháng và vùng III là 800.000 đồng/tháng, được quy định tại Nghị định số 168/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/11/2007.
- Đối với doanh nghiệp trong nước, tương ứng các vùng nói trên là 620.000 đồng/tháng, 580.000 đồng/tháng và 540.000 đồng/tháng, được quy định tại Nghị định số 167/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/11/2007.
Khi xây dựng và áp dụng chính sách một mức lương tối thiểu cho hai khu vực lao động, chúng ta đã không dựa trên tính chất, đặc thù công việc của từng khối. Đó là, hầu hết người lao động làm việc tại khu vực hành chính, sự nghiệp công lập là những người được đào tạo dài hạn, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật chuyên sâu, là lao động trí tuệ, thực hiện những công việc yêu cầu phải có khả năng tư duy, phân tích, trong đó có những người phải đảm nhận các vị trí công tác chủ chốt trong hệ thống chính trị của đất nước như công tác Đảng, quản lý Nhà nước, công tác Mặt trận Tổ quốc v.v.. Trong khi đó, tỷ trọng lớn lực lượng lao động tại khu vực thị trường là những người được đào tạo ngắn hạn, lao động phổ thông. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng và giải trí cho cuộc sống và phục vụ công việc giữa hai lực lượng lao động cũng có sự khác nhau đáng kể.    
Khi xây dựng mức lương tối thiểu chung mà thực chất là mức lương tối thiểu để áp dụng riêng cho khu vực hành chính, sự nghiệp công lập chỉ bằng mức lương tối thiểu thấp nhất trong thang lương tối thiểu (540.000 đồng/tháng) của người lao động tại các doanh nghiệp trong nước thì hạn chế của chính sách tiền lương đã thể hiện rõ rệt. Lực lượng lao động trí tuệ, dùng chất xám chỉ được trả mức lương tối thiểu tương đương với người lao động khu vực thị trường trong nước được đào tạo ngắn ngày hoặc lao động phổ thông làm việc chủ yếu ở nông thôn, miền núi. Một lần nữa, việc xây dựng chính sách tiền lương vẫn chưa xem xét, nghiên cứu về sự khác biệt, tính chất và sự đặc thù giữa hai khu vực lao động.
Từ năm 2009 đến nay, người lao động khu vực thị trường được thống nhất mức lương tối thiểu theo 4 vùng cho tất cả các loại doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam. Đến nay, sau 07 lần điều chỉnh[2], mức lương tối thiểu vùng I từ 800.000 đồng/tháng đã lên 3.100.000 đồng/tháng; tương tự như vậy, vùng II từ 740.000 đồng lên 2.750.000 đồng, vùng III từ 690.000 đồng lên 2.400.000 đồng, vùng IV từ 650.000 đông lên 2.150.000 đồng. Cũng trong thời gian này, người lao động thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp công lập chỉ được điều chỉnh lương 05 lần. Cụ thể, qua các lần điều chỉnh[3], mức lương tối thiểu đã tăng từ 650.000 đồng/tháng từ năm 2009 lên 1.150.000 đồng/tháng từ năm 2013.
Như vậy, trong cùng thời gian, mức lương tối thiểu của người lao động khu vực thị trường đã tăng từ 3,31 lần (vùng IV) đến gần 3,9 lần (vùng I) thì mức lương tối thiểu của người lao động khu vực hành chính, sự nghiệp công lập chỉ tăng 1,91 lần với những lần điều chỉnh không kịp thời, với biên độ điều chỉnh thấp, nhỏ giọt. Hạn chế trong việc xây dựng chính sách tiền lương đã bộc lộ nghiêm trọng hơn, đó là giá trị sức lao động của người lao động trí tuệ - chất xám, lao động lãnh đạo, lao động quản lý, lao động hoạt động khoa học biểu thị qua mức lương tối thiểu ngày càng bị xem nhẹ, bị đánh giá thấp. Nếu như năm 2008, mức lương tối thiểu của lực lượng lao động bằng mức lương tối thiểu vùng III là 540.000 đồng/tháng áp dụng đối với người lao động khu vực thị trường thì mức lương tối thiểu này năm 2015 chỉ còn gần bằng 53, 49% của vùng IV, gần bằng 47,92% của vùng III, gần bằng 41,82% của vùng II và gần bằng 37,19% của vùng I. Khi Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14/11/2015 của Chính phủ có hiệu lực, từ tháng 01 năm 2016, mức lương tối thiểu khu vực lao động thị trường được điều chỉnh tăng lên 12,4% trong khi đó mức lương tối thiểu của khu vực hành chính, sự nghiệp công lập đến 01/5/2016 mới được điều chỉnh lên 1.210.000 đồng (tăng 5%) theo Nghị quyết về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 11/11/2015. Khi đó, mức lương tối thiểu của người lao động khu vực này so với thang lương tối thiểu áp dụng cho khu vực thị trường chỉ bằng 45,38% của vùng IV, bằng 40,65% của vùng III, bằng 35,48% của vùng II và chỉ còn bằng 31,47% của vùng I.
Chúng ta đều biết rằng, chính sách tiền lương là chính sách cốt lõi nhất trong các chính sách đối với người lao động. Chúng ta cũng đã hô hào tạo mọi điều kiện vật chất, tinh thần cho đội ngũ lao động trí tuệ - chất xám, lao động khoa học để họ phát huy khả năng sáng tạo phục vụ đất nước nhưng chính sách tiền lương đang được áp dụng cho người lao động khu vực này hiện đang tỏ ra quá nhiều bất cập, thiếu hợp lý.
Câu hỏi đặt ra là chính sách tiền lương như hiện nay liệu có thể phát huy được tác động tích cực của nó không? Câu hỏi này xin gửi tới các nhà hoạch định chính sách tiền lương áp dụng cho khu vực hành chính, sự nghiệp công lập nghiên cứu, làm sáng tỏ. Chúng tôi suy nghĩ rằng, lâu nay, cách tiếp cận về xây dựng, áp dụng chính sách tiền lương đối với khu vực hành chính, sự nghiệp công lập đã sai lệch. Chính sách tiền lương này chẳng những không phát huy được tác động tích cực mà còn hạn chế tất cả bốn chức năng cơ bản vốn có của nó, đó là (i) thước đo giá trị (giá trị của lao động trí tuệ không được đánh giá chính xác); (ii) tái sản xuất sức lao động (tiền công, tiền lương được trả thấp và không đủ để tái sản xuất sức lao động); (iii) kích thích nâng cao hiệu quả công tác (người lao động không được trả tiền công, tiền lương xứng đáng nên họ không có động lực nâng cao hiệu quả công việc) và (iv) tích lũy, để dành (tiền công, tiền lương chưa đủ chi tiêu nên không còn tích lũy, để dành).
2. Về mức lương cơ sở
Mức lương tối thiểu chung gần đây nhất được quy định tại Nghị định số 31/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/4/2012 và được áp dụng từ 01/5/2012 là 1.050.000 đồng/tháng. Điều 2 Nghị định này quy định mức lương tối thiểu chung được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, các lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan nhà nước gồm (i) cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan chính trị, cơ quan chính trị - xã hội; (ii) đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị - xã hội và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Ngày 27/6/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2013/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Nghị định này quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội có tính chất đặc thù ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã) và lực lượng vũ trang. Mức lương cơ sở được quy định tại Nghị định này thay thế mức lương tối thiểu chung quy định tại các văn bản về chế độ tiền lương và các chế độ khác có liên quan đến tiền lương của cơ quan có thẩm quyền.
Kể từ khi áp dụng mức lương tối thiểu cho đến khi xây dựng và áp dụng mức lương cơ sở theo Nghị định số 66/2013/NĐ-CP nêu trên, chưa có báo cáo đầy đủ, nghiêm túc về việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá và tổng kết những kết quả đạt được, những điểm hạn chế, thiếu sót của chính sách tiền lương tối thiểu, cũng chưa có một công trình khoa học hay một đề án nào nghiên cứu, đề xuất một chính sách tiền lương hợp lý hơn thay cho mức lương tối thiểu.
Nghị định số 66/2013/NĐ-CP được ban hành sau Nghị định số 31/2012/NĐ-CP của Chính phủ khoảng hơn một năm. Thuật ngữ “mức lương cơ sở” cũng không được định nghĩa hay giải thích tại Nghị định này cũng như tại Thông tư số 07/2013/BNV ngày 31/7/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội có tính chất đặc thù. Bởi vậy, sau khi áp dụng Nghị định số 66/2013/NĐ-CP, nhiều ý kiến bàn luận về mức lương cơ sở đã được đưa ra và có thể tổng hợp thành ba nhóm ý kiến đáng quan tâm như sau:
- Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng, thực chất mức lương cơ sở vẫn như mức lương tối thiểu của khu vực hành chính, sự nghiệp công lập. Đối tượng áp dụng và cách tính không thay đổi. Trước đây, mức lương cụ thể của một người (chưa kể phụ cấp nếu có) bằng mức lương tối thiểu chung nhân với hệ số lương của người đó thì hiện nay được thay bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số lương của người đó. Hạn chế, tồn tại của chính sách được thể hiện ở chỗ mức lương cơ sở khi được so sánh với mức lương tối thiểu của khu vực lao động thị trường thì sự chênh lệch ngày càng lớn. Do đó, để hạn chế sự so sánh mức độ tương quan về mức lương giữa hai khối, người ta phải đặt ra một cái tên mới là mức lương cơ sở để áp dụng cho người lao động của khu vực hành chính, sự nghiệp công lập. Thực tế, về mặt bản chất, mức lương cơ sở hay mức lương tối thiểu đều là một phạm trù về kinh tế - xã hội và nó tác động, chi phối kết quả làm việc và đời sống sinh hoạt của con người. Do đó, việc thay đổi thuật ngữ của khái niệm không thể thay đổi bản chất, nội hàm của phạm trù này.
- Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng, chính sách mức lương cơ sở có thể là việc áp dụng cách thức tiếp cận phương pháp tính mức chuẩntrong chính sách người có công với cách mạng chăng? Mức chuẩn này đã được xây dựng, quy định từ lâu và gần đây nhất được quy định tại Nghị định số 20/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/02/2015. Điều 1 Nghị định này quy định mức chuẩn để tính trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.315.000 đồng/tháng. Mức chuẩn được xây dựng trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học và thực tiễn từ đối tượng hưởng chính sách, từ điều kiện kinh tế, xã hội... Mục tiêu cơ bản của việc áp dụng mức chuẩn là để bảo đảm tính công bằng giữa các đối tượng hưởng chính sách. Ví dụ, hai thương binh cùng bị thương thực thể như nhau, tỷ lệ thương tật như nhau, nhưng một người là đại tá, một người là trung sĩ, nếu lấy tỷ lệ thương tật nhân với mức lương của mỗi người để thành mức hưởng trợ cấp như trước kia thì người có quân hàm đại tá sẽ hưởng số tiền trợ cấp cao hơn nhiều so với người có quân hàm trung sĩ. Điều này thể hiện sự mâu thuẫn và thiếu hợp lý về chính sách đối với người có công với cách mạng vì trong chiến tranh, bom đạn không phân biệt tuổi tác, quân hàm hay chức vụ... Tuy nhiên, nếu lấy tỷ lệ thương tật nhân với mức chuẩn thì số tiền trợ cấp của hai người sẽ như nhau, bảo đảm sự công bằng về trợ cấp thương tật.
Cũng như nhóm ý kiến thứ nhất, nhóm ý kiến cho rằng mức lương cơ sở là dựa theo phương pháp tính mức chuẩn nhanh chóng bị phủ nhận vì lao động thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp công lập không tồn tại yếu tố bất công bằng như đối với trường hợp người có công với cách mạng, nên không thể có cơ sở, lý do xác đáng để quy định mức chuẩn.
- Nhóm ý kiến thứ ba, tương tự nhóm ý kiến thứ nhất, nhưng cho rằng lý do phải đổi thành mức lương cơ sở là tiền lương của lao động khu vực hành chính, sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước chi trả, nhưng hiện nay ngân sách nhà nước đang thiếu hụt trong khi số lượng biên chế lại quá nhiều (khoảng 2,8 triệu người). Nếu cùng chung mức lương tối thiểu của lao động khu vực thị trường (chưa tính đến mức lương đáng ra là phải cao hơn) thì quỹ lương sẽ tăng lên gấp hai cho đến gấp hơn ba lần quỹ lương hiện tại, trong khi ngân sách nhà nước đang bị thâm hụt đáng kể. Phương án được áp dụng là chấp nhận sự bất hợp lý khi giá trị lao động trí tuệ -chất xám được trả thấp hơn nhiều so với giá trị lao động phổ thông, tay nghề thấp của khu vực thị trường để tránh việc phải tăng quỹ tiền lương của ngân sách nhà nước. Từ đó, người ta đã “trừu tượng hóa” bằng cái tên mức lương cơ sở.
Nói tóm lại, các ý kiến đều mong muốn làm rõ cơ sở khoa học và ý nghĩa thực tiễn của mức lương cơ sở, đồng thời phải đánh giá đúng giá trị của lao động tri thức, chất xám - trí tuệ thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp công lập. Trong khi chờ các cơ quan hữu trách thực hiện việc này, chúng tôi xin nêu một số ý kiến như sau:
- Trước hết, cần hiểu rõ những đặc điểm cơ bản của lao động khu vực hành chính, sự nghiệp công lập phần lớn là các nhà nghiên cứu, những người hoạch định, thực thi chính sách, chế độ, người quản lý, lãnh đạo, là những người lao động thực hiện những công việc có độ phức tạp cao. Như đã biết, lao động khu vực hành chính, sự nghiệp công lập là lao động trí óc và đã được đề cập “...trong cùng một thời gian, lao động phức tạp đem lại hiệu quả nhiều hơn lao động giản đơn. Do đó, tùy theo mức độ của lao động phức tạp cao hay thấp mà quy thành một bội số của lao động giản đơn”[4] và lao động trí óc và lao động chân tay vẫn còn có những khác biệt quan trọng về mặt kinh tế - xã hội, về điều kiện lao động, về mức sống, về trình độ văn hóa và trình độ phát triển trí tuệ cá nhân. Rất nhiều các nhà quản lý, lãnh đạo, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, pháp luật, các phóng viên báo chí, các chuyên gia, nhà văn... không chỉ làm việc trong giờ hành chính mà họ còn thực hiện công việc ngoài giờ bất kỳ ở đâu, bất kể lúc nào được yêu cầu hoặc bất chợt lóe lên những suy nghĩ mới trong công việc của họ. Địa điểm (trụ sở, cơ quan) nơi làm việc của lao động khu vực hành chính, sự nghiệp công lập tuyệt đại bộ phận là ở các thị trấn, thị xã, thành phố, tức là phần lớn các cán bộ, công chức, viên chức có nơi làm việc ở vùng I, vùng II... Từ những đặc điểm trên, việc áp dụng mức lương tối thiểu hay hiện nay là mức lương cơ sở thấp hơn quá nhiều so với lao động khu vực thị trường đã thể hiện sự thiếu hợp lý, bất cập của chính sách tiền lương.
- Việc thay đổi thuật ngữ từ “mức lương tối thiểu chung” thành “mức lương cơ sở” hoàn toàn không làm thay đổi được phạm trù kinh tế - xã hội liên quan đến chính sách tiền lương và cũng không giải quyết được hạn chế của chính sách tiền đang áp dụng vì thực chất phạm trù vẫn là giá trị sức lao động đã thảo luận ở trên. Đối tượng áp dụng vẫn không thay đổi và cách thức tính tiền lương để trả cho giá trị sức lao động vẫn giữ nguyên hơn hai thập kỷ qua. Trước khi áp dụng, mức lương tối thiểu nói riêng, chính sách tiền lương nói chung đã được Ban chỉ đạo Cải cách chính sách tiền lương Nhà nước nghiên cứu từ năm 1988, đến năm 1993, Quốc hội khóa IX đã quyết nghị và được chính thức áp dụng đến 01/01/1995. Như đã thảo luận ở trên, cơ sở của việc thay đổi mức lương tối thiểu chưa thật sự xác đáng. Việc áp dụng mức lương cơ sở như hiện nay cũng vậy, là đang hạ thấp giá trị sức lao động thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp công lập, kéo dài thời gian và hạ thấp mức độ điều chỉnh mức lương tối thiểu so với khu vực lao động thị trường. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng, yêu cầu cấp bách, trước mắt là khôi phục mức lương tối thiểu (hay theo thuật ngữ được quy định tại Nghị định số 66/2013/NĐ-CP là mức lương cơ sở) áp dụng cho lao động khu vực hành chính, sự nghiệp công lập bằng với mức lương tối thiểu của lao động khu vực thị trường và tiến tới là bội số của mức lương cơ sở áp dụng đối với lao động khu vực thị trường. Việc số lượng biên chế cao như hiện nay là hạn chế của công tác quản lý nhà nước và Nhà nước phải có phương án xử lý, khắc phục, không để những hạn chế của công tác quản lý nhân sự làm cơ sở, lý do để duy trì chính sách tiền lương thiếu hợp lý như hiện nay./.
 

 
[1] Nghị định số 05/CP ngày 26/1/1994 quy định tạm thời việc thực hiện mức lương mới đối với người đương nhiệm trong các cơ quan của Nhà nước, Đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang và trong các doanh nghiệp, điều chỉnh mức lương hưu, mức trợ cấp đối với các đối tượng chính sách xã hội.
[2] Từ Nghị định số 110/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008 đến Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014.
[3] Từ Nghị định số 33/2009/NĐ-CP ngày 06/4/2009 đến Nghị định số 66/2023/NĐ-CP ngày 27/6/2013.
[4] Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 2, trang 644.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 2+ 3(306+307), tháng 2/2016)


Thống kê truy cập

33947494

Tổng truy cập