Phụ nữ tham gia hệ thống chính trị ở cơ sở (cấp xã/phường): nhìn từ kết quả khảo sát ý kiến người dân ở bốn tỉnh thành

01/03/2016

TS. NGUYỄN ĐỨC CHIỆN

Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

ThS. NGUYỄN NGỌC HƯƠNG

Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang.

1. Đặt vấn đề
Ở nước ta, do chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Nho giáo, lại trải qua một thời kỳ dài sống dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, nên vấn đề bất bình đẳng giới rất nghiêm trọng. Sau Cánh mạng tháng Tám năm 1945, với bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1946) và tiếp đó là hàng loạt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; với Luật Bình đẳng giới năm 2006 được ban hành cùng hàng loạt các luật, pháp lệnh khác; và gần đây nhất, với Hiến pháp năm 2013, có thể nói, các văn bản Hiến pháp, pháp luật, chính sách này đã tạo dựng khuôn khổ pháp lý toàn diện để điều chỉnh các mối quan hệ giới với nhiều tiến bộ về quan hệ giới trong các lĩnh vực hoạt động của con người, từ gia đình đến cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, với tư cách là một sản phẩm văn hóa - xã hội, hiện tượng bất bình đẳng giới vẫn bộc lộ ở mọi cấp độ trong đời sống xã hội, nhất là những lĩnh vực liên quan đến quan hệ giới khi tham gia vào hệ thống chính trị ở cấp cơ sở hiện nay. Thực tế này đang đặt ra các câu hỏi như: Cơ hội tham gia hệ thống chính trị cơ sở của phụ nữ so với nam giới là như thế nào? Vị thế và tiếng nói của phụ nữ trong hệ thống chính trị cơ sở cấp xã/phường đang thể hiện ra sao?  
Chúng tôi đã tiến hành cuộc khảo sát tại 04 tỉnh thành (Hà Nội, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế và Tiền Giang)[1]. Để nghiên cứu, chúng tôi đã chọn mẫu ngẫu nhiên ở 8 xã, phường đại diện cho các tỉnh, thành, với 1.280 người dân tham gia trả lời phiếu hỏi và chia đều cho mỗi địa phương. Các nội dung chủ yếu được khảo sát liên quan đến giới và sự tham gia vào hệ thống chính trị cơ sở (cấp xã, phường), với các khía cạnh bao gồm: việc tham gia Hội đồng nhân dân (HĐND) và lãnh đạo chủ chốt trong chính quyền ở cấp cơ sở; việc tham gia vị trí chủ chốt của các đoàn thể xã hội ở cấp cơ sở hiện nay. Từ các kết quả khảo sát, chúng tôi cũng phân tích sâu về các rào cản xã hội và đưa ra một số bàn luận nhằm nâng cao vị thế, vai trò và tiếng nói của phụ nữ trong hệ thống chính trị cơ sở, đóng góp vào tiến trình bình đẳng giới và sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội ở các địa phương trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
2. Giới và tham gia chính quyền, đoàn thể ở cơ sở: Nữ giới cơ hội nhiều nhưng nam giới lãnh đạo  
Sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong chính quyền, ban ngành đoàn thể là một trong những mục tiêu được nêu trong Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới 2011 - 2020. Để đánh giá vị thế và vai trò tham gia của phụ nữ vào các vị trí trong bộ máy chính quyền cấp cơ sở, cuộc khảo sát nghiên cứu đã đưa ra câu hỏi: “So với 05 năm trước, cơ hội tham gia chính quyền của nữ và nam ở địa phương của ông/bà có gì thay đổi không?” Kết quả khảo sát cho thấy, hơn một nửa (62%) người dân trong mẫu khảo sát trả lời là có thay đổi, 21,4% trả lời không, vẫn như cũ (thời điểm chưa ban hành Luật Bình đẳng giới năm 2006[2]), 16,6% trả lời không biết. So sánh tương quan giới tính, dân tộc, mức sống, nghề nghiệp với sự thay đổi trong việc tham gia chính quyền của nữ và nam cho thấy, sự khác biệt là không nhiều. Tuy nhiên, khi xét tương quan giữa các tỉnh trong việc tham gia chính quyền của nữ và nam lại cho thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa các tỉnh. Tiền Giang là địa phương có tỷ lệ người trong mẫu khảo sát cho biết là có sự thay đổi cao nhất, với 91,6%, tiếp đến là Huế: 77,2%, Hà Nội: 64,3%, Hòa Bình là 16,7%. Tương tự, ở chỉ báo khu vực cư trú tiếp tục cho thấy sự khác biệt rõ rệt, có đến 68% người trong mẫu ở thành thị trả lời có thay đổi, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 57%. Ngược lại, ở phương án trả lời không thay đổi, có đến 30,8% ở nông thôn, trong khi tỷ lệ này ở thành thị 11% (xem Bảng 1).  
Bảng 1: Thay đổi cơ hội tham gia chính quyền của nam, nữ sau 05 năm ban hành Luật, theo tỉnh và khu vực (đơn vị %) [3]
Cơ hội tham gia chính quyền của nam/nữ
Tỉnh
Khu vực
Hòa Bình
Hà Nội
Huế
Tiền Giang
Thành thị
Nông thôn
Có thay đổi
16,7
64,3
77,2
91,6
68,0
57,0
Không thay đổi
17,3
35,1
22,8
8,4
11,0
30,8
Không biết
66,0
*
*
*
21,0
12,1
Tổng %
100
100
100
100
100
100
N
318
322
320
320
638
642
Ghi chú: * là tỷ lệ trả lời dưới 1%
Các số liệu tại bảng trên cho thấy sự thay đổi về cơ hội tham gia chính quyền cấp cơ sở của hai giới nam và nữ sau 05 năm ban hành Luật Bình đẳng giới. Kết quả này phản ánh thực tế là các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách lớn về bình đẳng giới được ban hành đã có những ảnh hưởng tích cực đối với hiện trạng quan hệ giới trong hệ thống chính trị cấp cơ sở ở nước ta. Tuy nhiên, mức độ thay đổi bình đẳng giới ở mỗi địa phương là khác nhau. Tiền Giang là địa phương có thay đổi nhiều nhất và kết quả này cho thấy, ngoài yếu tố thực thi chính sách, rất có thể văn hóa là yếu tố có tác động đến thay đổi nhiều về quan hệ giới. Tiền Giang là vùng đất mới, ít sự hiện diện của văn hóa truyền thống, hơn nữa, địa phương này cũng sớm tiếp xúc với nền văn hóa các nước phương Tây (như Pháp, Mỹ).
Một câu hỏi đặt ra tiếp theo là thực tế sự thay đổi cơ hội tham gia HĐND, chính quyền, ban ngành đoàn thể của nữ và nam ở các địa phương đang diễn ra theo hướng nào? Để trả lời câu hỏi này, trong cuộc khảo sát nghiên cứu, chúng tôi đưa ra các phương án trả lời về các nội dung như: “Tham gia HĐND cấp xã/phường; Lãnh đạo vị trí chủ chốt cấp xã/phường; Lãnh đạo vị trí chủ chốt ban ngành, đoàn thể xã/phường”. Các dẫn chứng và phân tích dưới đây sẽ lần lượt chỉ rõ về cơ hội cũng như những rào cản tham gia vào hệ thống chính trị cơ sở của phụ nữ ở các địa phương.
2.1. Tham gia HĐND cấp cơ sở
Những năm qua, trong các Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu HĐND, Luật Bình đẳng giới… đều có các điều khoản ghi rõ: Bảo đảm để phụ nữ có số đại biểu thích đáng tham gia Quốc hội và HĐND các cấp, trong đó đặc biệt chú ý tới HĐND cấp cơ sở. Vậy cơ hội tham gia HĐND ở cấp địa phương của phụ nữ so với nam giới đang diễn ra như thế nào? Kết quả trong Biểu đồ 1[4] dưới đây sẽ cho thấy rõ điều này ở các địa phương khảo sát:
 
Biểu đồ 1: Cơ hội tham gia HĐND xã/phường sau 05 năm ban hành Luật
(đơn vị %)
 
1_32.jpg
 
Trong tổng số 1.280 người dân được hỏi thì có đến hơn một nửa (51,1%) người trong mẫu trả lời cho biết, cơ hội nam và nữ tham gia vào HĐND cấp cơ sở là như nhau. Điều đáng quan tâm là có đến 24,6% người trong mẫu phỏng vấn cho biết, nữ có cơ hội tham gia nhiều hơn trước, trong khi chỉ có 22,1% cho biết nam có cơ hội tham gia nhiều hơn, và 2,2% trả lời không biết. Thực tế này cho thấy, việc ban hành các chính sách về bình đẳng giới trong những năm vừa qua đã có tác động to lớn đến cơ hội tham gia của phụ nữ vào HĐND cấp cơ sở ở nước ta.
Xử lý tương quan giữa các biến số nơi ở, dân tộc và giới tính với đánh giá về cơ hội tham gia của phụ nữ vào HĐND cấp cơ sở cũng cho thấy khác biệt đáng kể giữa các nhóm (xem Bảng 2).
Bảng 2. Giới tính, dân tộc, nơi ở và đánh giá về cơ hội tham gia của nam và nữ vào HĐND cấp cơ sở (đơn vị %)[5]
 
Biến số
 
Cơ hội
Giới tính
Dân tộc
Nơi ở
Nam
Nữ
Kinh
Ít người
Thành thị
Nông thôn
Nam tham gia nhiều hơn
22
22,2
22,8
10
17,1
28,1
Nữ tham gia
nhiều hơn
23,5
25,4
23,7
42,5
33,4
14,2
 
Nhìn chung, kết quả khảo sát thể hiện trong Bảng 2 cho thấy, cơ hội tham gia HĐND của nam và nữ là ngang nhau, tuy nhiên, phân tích một số chỉ báo thì thấy có sự khác biệt đáng kể về cơ hội tham gia HĐND của nam so với nữ. Chẳng hạn, với tương quan giữa biến số dân tộc và ý kiến về cơ hội tham gia HĐND của phụ nữ, kết quả cho thấy có sự khác biệt đáng kể giữa người dân tộc Kinh và người thuộc các dân tộc ít người (trong nghiên cứu này gồm người dân các dân tộc Dao, Mường, Tày) ở các phương án trả lời. Chẳng hạn, ở phương án nam có cơ hội tham gia nhiều hơn, trong khi có đến 22,8% người Kinh trong mẫu phỏng vấn cho rằng, nam có cơ hội nhiều hơn thì tỷ lệ này ở nhóm dân tộc ít người chỉ là 10%. Tiếp tục, ở phương án trả lời nữ có cơ hội tham gia nhiều hơn, có đến 42,5% người dân tộc ít người trong mẫu cho rằng nữ có cơ hội nhiều hơn, trong khi tỷ lệ này ở người Kinh là 23,7%. Tương tự, ở phương án trả lời nam nữ tham gia như nhau, có đến 51,8% người Kinh trong mẫu khảo sát trả lời cơ hội nam nữ tham gia HĐND là như nhau, trong khi tỷ lệ này ở nhóm dân tộc ít người là 45%. Điều đáng quan tâm là tương quan nơi sinh sống với cơ hội tham gia HĐND có sự khác biệt rõ rệt giữa các nhóm. Cụ thể, ở phương án nam tham gia nhiều hơn, có đến 17,1% người trong mẫu ở thành thị cho rằng nam tham gia nhiều hơn, trong khi tỷ lệ này ở nông thôn là 28,1%; Tiếp tục, ở phương án nữ tham gia nhiều hơn thì sự khác biệt thể hiện rõ rệt hơn, có đến 33,4% người trong mẫu ở thành thị cho biết nữ có cơ hội tham gia HĐND nhiều hơn, trong khi tỷ lệ này ở nông thôn là 14,2% (chưa bằng một nửa so với thành thị). Tương tự, ở phương án trả lời nam nữ cơ hội tham gia như nhau, sự chênh lệch vẫn thể hiện giữa hai khu vực thành thị và nông thôn. Cụ thể, xét tương quan giới tính và ý kiến về cơ hội tham gia HĐND cấp cơ sở cho thấy, ở phương án trả lời đều không có chênh lệch đáng kể giữa giới (nam tham gia nhiều hơn: 22% nam và 22,2% nữ; nam nữ tham gia như nhau: 52,3% nam và 51% nữ).
Như vậy, các dẫn chứng số liệu phản ánh cơ hội tham gia HĐND của nam và nữ là khá cân bằng. Phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội tham gia vào HĐND cấp cơ sở. Điều này hoàn toàn phù hợp với diễn biến các cuộc bầu cử HĐND các cấp, tỉ lệ nữ trúng cử đang nhích dần từng bước. Đặc biệt, kỳ bầu cử HĐND nhiệm kỳ 2004 - 2009 đã đạt được mục tiêu đề ra trước đó là tỷ lệ phụ nữ tham gia HĐND đạt từ 20 đến 30%; tỷ lệ phụ nữ trong cơ quan dân cử các cấp và tham gia HĐND cấp cơ sở đã tăng từ 16,3% nhiệm kỳ 1999 - 2004 đến 20,1% nhiệm kỳ 2004 - 2009[6].
2.2. Lãnh đạo vị trí chủ chốt trong chính quyền cơ sở
 Việc tham gia của phụ nữ vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền cấp cơ sở sẽ đảm bảo cơ hội và lợi ích cho các nhóm phụ nữ trong việc thực thi các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong nhiều năm qua, Nhà nước ta luôn có chính sách khuyến khích, phát huy sự tham gia tích cực của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy chính quyền cấp cơ sở như chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã/phường. Vậy, cơ hội này được phản ánh thế nào từ đánh giá của người dân ở các địa phương khảo sát? Các số liệu trong Biểu đồ 2[7] dưới đây sẽ phản ánh vấn đề này ở các địa phương trong mẫu khảo sát.
Biểu đồ 2:
Cơ hội lãnh đạo vị trí chủ chốt xã/phường sau 05 năm ban hành Luật
(đơn vị %)
1_33.jpg
 
Kết quả khảo sát người dân cho thấy, có đến hơn một nửa (44,6%) người trong mẫu trả lời cho biết cơ hội nam và nữ tham gia vào lãnh đạo vị trí chủ chốt chính quyền  cấp cơ sở là như nhau. Điều đáng quan tâm là chỉ có 17,9% người trong mẫu phỏng vấn cho biết nữ có cơ hội tham gia nhiều hơn trước, trong khi có đến 34,8% cho biết nam có cơ hội tham gia nhiều hơn, 2,7% trả lời không biết. Số liệu này phản ánh xu hướng phụ nữ đang ngày càng có nhiều cơ hội tham gia các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong chính quyền cấp cơ sở, nhưng so với nam giới thì phụ nữ vẫn ít cơ hội hơn rất nhiều. Xử lý tương quan các chiều cạnh giới tính, dân tộc, nơi ở với cơ hội tham gia của phụ nữ vào HĐND cấp cơ sở cũng cho thấy khác biệt đáng kể giữa các nhóm (xem Bảng 3).
Bảng 3. Giới tính, dân tộc, nơi ở và cơ hội tham gia vị trí lãnh đạo chủ chốt trong chính quyền cấp cơ sở (đơn vị%)[8]
 
Biến số
 
Cơ hội
Giới tính
Dân tộc
Nơi ở
Nam
Nữ
Kinh
Ít người
Thành thị
Nông thôn
Nam tham gia nhiều hơn
36,7
33,4
35,7
17,5
24,4
47,0
Nữ tham gia
nhiều hơn
15,9
19,2
16,8
37,5
27,2
6,8
Nam nữ tham gia như nhau
44,6
44,6
44,9
40,0
46,5
42,3
Không biết
2,8
2,7
2,6
5,0
1,8
3,8
N
515
765
1108
172
638
642
 
Ở Bảng 3, các số liệu cho thấy khác biệt rõ rệt về cơ hội dành cho nam giới và phụ nữ tham gia vị trí lãnh đạo chủ chốt cấp xã phường. Cụ thể, tương quan cột nơi ở và tham gia vị trí lãnh đạo chủ chốt cấp xã phường, ở phương án trả lời nam tham gia nhiều hơn: Trong khi có đến 47% người trong mẫu phỏng vấn ở nông thôn cho biết nam có cơ hội tham gia nhiều hơn, thì tỷ lệ này ở đô thị là 24,4%. Ở phương án nữ tham gia nhiều hơn thì kết quả ngược lại: Có đến 27,2% người trong mẫu phỏng vấn ở thành thị trả lời nữ có cơ hội nhiều hơn, trong khi tỷ lệ này ở nhóm nam chỉ có 6,8%. Ở phương án trả lời nam nữ tham gia như nhau, có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn nhưng tỷ lệ không đáng kể (46,5% ở thành thị so với 42,3% ở nông thôn). Kết quả này phù hợp với thực tế, vì ở nông thôn, các rào cản văn hóa, định kiến xã hội vẫn tồn tại mạnh hơn và điều này dẫn đến cơ hội tham gia vào hệ thống chính trị cơ sở của phụ nữ hạn chế hơn so với nam giới. Cột dân tộc và cơ hội tham gia vị trí lãnh đạo chủ chốt cấp cơ sở tiếp tục cho thấy khác biệt rõ rệt giữa các nhóm, chẳng hạn ở phương án nam tham gia nhiều hơn thì có đến 35,7% người Kinh cho rằng nam có cơ hội tham gia nhiều hơn, trong khi tỷ lệ này ở dân tộc ít người là 17,5%. Ở phương án nữ tham gia nhiều hơn thì kết quả ngược lại, có 16,8% người Kinh trong mẫu khảo sát cho rằng nữ có cơ hội nhiều hơn, trong khi tỷ lệ này ở nhóm dân tộc ít người là 37,5%. Ở phương án nam nữ tham gia như nhau, sự chênh lệch là không đáng kể. Theo kết quả này, phụ nữ dân tộc ít người có cơ hội tham gia nhiều hơn và có vẻ bình đẳng hơn về cơ hội tham gia vị trí chủ chốt lãnh đạo chính quyền cấp cơ sở. Kết quả này cần được xem xét và làm rõ trong các nghiên cứu tiếp theo.    
2.3. Lãnh đạo vị trí chủ chốt các ban ngành đoàn thể
Ngoài các cơ quan Đảng, chính quyền, phụ nữ còn tham gia lãnh đạo trong các tổ chức đoàn thể (Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và một số tổ chức khác trong chính quyền cấp cơ sở.
Kết quả khảo sát cho thấy, gần một nửa (46,9%) người trong mẫu trả lời cho biết cơ hội nam và nữ tham gia vào lãnh đạo vị trí chủ chốt các ban ngành đoàn thể ở cấp cơ sở là như nhau. Đáng lưu ý là chỉ có 21,3% người trong mẫu phỏng vấn cho biết nữ có cơ hội tham gia nhiều hơn trước, trong khi có đến 29,4% người trả lời cho biết nam có cơ hội tham gia nhiều hơn, 2,5% trả lời không biết. Thực tế này phản ánh cơ hội khác nhau dành cho hai giới ở các địa phương trong việc tham gia vị trí lãnh đạo chủ chốt các ban ngành đoàn thể. Các con số trong Bảng 4 dưới đây sẽ tiếp tục phản ánh rõ hơn về khác biệt cơ hội của nam và nữ trong tham gia lánh đạo vị trí chủ chốt ban ngành đoàn thể ở các địa phương trong mẫu khảo sát.
Bảng 4. Giới tính, dân tộc, nơi ở và cơ hội tham gia lãnh đạo các ban ngành đoàn thể cấp cơ sở (đơn vị%)[9]
          Biến số
 
Cơ hội
Giới tính
Dân tộc
Nơi ở
Nam
Nữ
Kinh
Khác
Thành thị
Nông thôn
Nam tham gia nhiều hơn
33,6
26,4
30,7
5
23,7
36,1
Nữ tham gia
nhiều hơn
19,9
22,2
19,9
47,5
31,1
9,6
Nam nữ tham gia như nhau
44,6
48,4
47,1
42,5
43,1
51,4
Không biết
1,8
3,0
2,4
5,0
2,1
3,0
N
515
765
1108
172
638
642
Số liệu bảng 4 tiếp tục phản ánh sự khác biệt rõ rệt giữa các nhóm về ý kiến đánh giá cơ hội tham gia lãnh đạo các ban ngành đoàn thể trong chính quyền cấp cơ sở ở các địa phương được khảo sát. Ở cột nơi ở, phương án trả lời nam tham gia nhiều hơn, trong khi có đến 36,1% người trong mẫu phỏng vấn ở nông thôn cho rằng nam có cơ hội tham gia lãnh đạo vị trí chủ chốt các ban ngành đoàn thể, thì tỷ lệ này ở thành thị là 23,7%. Tiếp tục, phương án nữ tham gia nhiều hơn kết quả cho ngược lại: trong khi có đến gần 1/3 số người trong mẫu phỏng vấn ở thành thị cho rằng nữ có cơ hội tham gia nhiều hơn, thì tỷ lệ này ở nông thôn rất thấp (chỉ 9,6%). Điều ngạc nhiên là ở phương án nam nữ tham gia như nhau, có đến hơn một nửa (51,4%) người trong mẫu phỏng vấn ở nông thôn trả lời nam nữ cơ hội tham gia như nhau, nhưng tỷ lệ trả lời phương án này ở thành thị thấp hơn nhiều: 43,1%. Các con số này phù hợp với thực tế, ở nông thôn, định kiến xã hội về vai trò giới vẫn còn ảnh hưởng mạnh nên ý kiến đánh giá nam ở nông thôn có cơ hội tham gia lãnh đạo các ban ngành đoàn thể nhiều hơn và ở môi trường đô thị thì nữ có cơ hội nhiều hơn. Cột dân tộc và ý kiến đánh giá cơ hội tham gia lãnh đạo các ban ngành đoàn thể trong chính quyền cấp cơ sở tiếp tục cho thấy khác biệt rõ rệt giữa hai nhóm, sự khác biệt thể hiện rõ nhất là ở phương án trả lời nam tham gia nhiều hơn hay nữ tham gia nhiều hơn…  
Có thể nói, các số liệu dẫn chứng và phân tích nêu trên cho thấy xu hướng rất tích cực về quan hệ giới, nhất là cơ hội tham gia lãnh đạo của phụ nữ trong hệ thống chính trị cơ sở ở các địa phương trong mẫu khảo sát. Phần đông ý kiến người dân trong mẫu khảo sát đã đánh giá là cơ hội tham gia của nam và nữ như nhau vào HĐND, vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong chính quyền, các ban ngành đoàn thể ở cấp xã, phường. Kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy một tín hiệu rất tích cực là phụ nữ dân tộc có nhiều cơ hội tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính quyền, các ban ngành cơ sở. Một số khác biệt về cơ hội tham gia, trong đó thiệt thòi về cơ hội đối với phụ nữ, vẫn thể hiện và tiếp diễn rõ nhất là ở khu vực nông thôn.
 Như vậy, bằng chứng từ cuộc khảo sát định lượng cho thấy sự thay đổi cơ hội tham gia chính quyền của nam, nữ sau 05 năm ban hành Luật Bình đẳng giới. Vậy, cơ hội tham gia lãnh đạo vị trí chủ chốt trong hệ thống chính quyền, ban ngành đoàn thể của phụ nữ được phản ánh như thế nào qua kết quả khảo sát định tính? Thực tế, lãnh đạo đương nhiệm ở các vị trí trong hệ thống chính quyền, các ban ngành (vị trí chủ chốt) vẫn do nam giới đảm nhiệm, hay là đã được chia sẽ cho phụ nữ? Điều này cũng được minh chứng trong kết quả phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm, được dẫn ra trong Hộp tổng hợp kết quả dưới đây. 
Hộp 1: Tham gia chính trị của nam, nữ sau 05 năm ban hành Luật[10]
Thảo luận nhóm cán bộ tại Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang)
Trước Luật
Sau Luật
Trước chưa ban hành luật, dân hoang mang không biết ứng xử thế nào
Từ ngày có Luật Bình đẳng giới, nhận thức vợ chồng nâng cao, nam nữ ứng xử bình đẳng, phụ nữ tham gia họp hành phát biểu nhiều hơn
 
Thảo luận nhóm cán bộ tại Phương Lâm (Hòa Bình)
Trước Luật
Sau Luật
Tham gia của phụ nữ vào bộ máy lãnh đạo phường rất ít
Khi Luật ban hành, tỷ lệ nữ trong bộ máy lãnh đạo phường tăng, hiện nay trong cấp ủy đảng của phường có 6 nữ/15 người. Nữ là cán bộ phường cũng chiếm 2/3.
           - “Đã có Luật Bình đẳng giới, nhưng xã hội vẫn nhìn phụ nữ theo cách cũ. Tôi xin kể về kỳ bầu cử HĐND các cấp gần đây, đã cố gắng đưa phụ nữ ứng cử đảm bảo tỷ lệ nhưng khi bầu thì kết quả là phụ nữ trượt hết. Tôi nghe dân tình nói có trường hợp cử tri là người thân, thậm chí là người nhà của ứng cử viên nữ cũng gạch, vì nghĩ nữ không làm được, để dành cho nam”… (Thảo luận nhóm cán bộ ở Thân Cửu Nghĩa, Tiền Giang).
- “Thành phố đã có chính sách ưu tiên phụ nữ tham gia HĐND, nhưng kết quả không như mong muốn. Cuộc bầu cử HĐND các cấp năm 2011, tỷ lệ phụ nữ rớt cao, không phải do năng lực trình độ, mà do nhận thức của người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, kể cả phụ nữ, vẫn còn nhìn nhận là phụ nữ không thể làm tốt công tác ngoài xã hội (nữ, 37 tuổi, cán bộ, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang)
- “Bầu cử HĐND đưa ứng cử viên là nữ rất nhiều nhưng bầu không trúng, nhiều nữ không muốn bầu cho nữ, phản ứng của cử tri đi bầu là gạch người đầu, gạch người cuối và gạch nữ” (Thảo luận nhóm cán bộ phường 7, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang).
- “Vài năm gần đây, nữ tham gia đội ngũ cán bộ xã ngày càng đông, có khi chiếm nửa tổng số cán bộ, nhưng giữ vị trí chủ chốt và lãnh đạo chính quyền, đoàn thể vẫn do nam giới” (nữ, 30 tuổi, cán bộ, Yên Thường, Hà Nội).
Các dẫn chứng và phân tích trên đã phác họa một bức tranh khá rõ nét về cơ hội tham gia vào hệ thống chính trị cấp cơ sở của phụ nữ và nam giới ở 08 xã/ phường của 04 tỉnh thành (Hà Nội, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế và Tiền Giang). Kết quả nổi bật nhất mà cuộc khảo sát này cho thấy là tại các địa phương khảo sát, xu hướng phổ biến nam, nữ có cơ hội tham gia như nhau vào hệ thống chính trị cấp cơ sở như: HĐND, bộ máy chính quyền và các ban ngành đoàn thể ở các địa phương. Điều này cũng phản ánh chiều hướng, diễn biến rất tích cực về quan hệ giới trong hệ thống chính trị cơ sở ở các địa phương trong mẫu khảo sát.Như vậy, bằng chứng nghiên cứu định tính tiếp tục phản ánh, sau 05 năm ban hành Luật Bình đẳng giới, cơ hội tham gia chính trị của phụ nữ đã có nhiều thay đổi so với thời điểm trước luật. Bằng chứng là tại các địa phương được khảo sát, xu hướng nam, nữ tham gia như nhau vào HĐND, vào bộ máy chính quyền và các ban ngành đoàn thể đang trở lên phổ biến hơn từ sau khi Luật được ban hành. Tuy nhiên, kết quả cho thấy, các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong chính quyền và các ban ngành, đoàn thể chủ yếu vẫn do nam giới đảm nhận. Đây được xem như là hạn chế và thách thức lớn đặt ra đối với việc thực thi Luật Bình đẳng giới và Mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới được nêu trong Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới 2011 - 2020. Để gia tăng khả năng phụ nữ trúng cử, một nữ lãnh đạo Hội Phụ nữ ở Tiền Giang đề xuất một khuyến nghị đáng lưu ý: Với thói quen phổ biến của cử tri là gạch tên người đứng đầu, người đứng cuối và phụ nữ trong danh sách ứng cử viên và nếu mỗi danh sách chỉ đưa tên một nữ ứng cử viên, thì xảy ra khả năng rất cao là không phụ nữ nào trúng cử. Vì vậy, nếu đưa hai, ba phụ nữ vào một danh sách ứng cử viên thì sẽ làm tăng khả năng có một phụ nữ trong đó trúng cử. Thiết nghĩ đây là một gợi ý, một đề xuất đáng xem xét.
3. Một số nhận xét 
Kết quả phân tích này tiếp tục cho thấy những khác biệt (nơi ở, dân tộc) với cơ hội tham gia hệ thống chính trị ở cơ sở tại các điểm khảo sát. Các bằng chứng nghiên cứu này cũng cho thấy một tín hiệu rất tích cực là phụ nữ dân tộc ít người có nhiều cơ hội tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính quyền, các ban ngành đoàn thể ở cơ sở; đồng thời, sự hạn chế hay thiệt thòi về cơ hội tham gia hệ thống chính trị với phụ nữ vẫn thể hiện và tiếp diễn rõ nhất ở khu vực nông thôn.
Các bằng chứng nghiên cứu định tính tiếp tục cho thấy, phụ nữ có nhiều cơ hội tham gia vào hệ thống chính trị ở cơ sở, tuy nhiên, lãnh đạo các vị trí chủ chốt trong chính quyền, trong các ban ngành đoàn thể ở các địa phương trong mẫu khảo sát vẫn chủ yếu do nam giới nắm giữ. Thực tế này phản ánh, sau 05 năm ban hành Luật Bình đẳng giới, cơ hội tham gia chính trị của phụ nữ đã có nhiều thay đổi so với thời điểm trước khi ban hành Luật. Tuy nhiên, quan hệ giới trong hệ thống chính trị cơ sở vẫn đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó có các rào cản văn hóa, các định kiến xã hội và công tác tổ chức sắp xếp quy hoạch cán bộ trong hệ thống chính trị cấp cơ sở đang là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự tham gia của phụ nữ vào hệ thống chính trị cơ sở ở nước ta hiện nay./.
 

[1] Cuộc điều tra xã hội học “Đánh giá 5 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới” do Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội tài trợ năm 2012, Viện Xã hội học chủ trì.
 
[2] Luật Bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006.  Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007.
[3] Nguồn: Khảo sát đánh giá 05 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới ở Việt Nam, 11/2012
 
[4] Nguồn: Khảo sát đánh giá 05 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới ở Việt Nam, 11/2012
 
[5] Nguồn: Khảo sát đánh giá 05 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới ở Việt Nam, 11/2012
 
[6] Dẫn theo tài liệu của Ban Tổ chức Chính phủ năm 2000 và Báo Quân đội nhân dân số 15506, ra ngày thứ 3, 29/6/2004.
[7] Nguồn: Khảo sát đánh giá 05 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới ở Việt Nam, 11/2012
 
[8] Nguồn: Khảo sát đánh giá 05 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới ở Việt Nam, 11/2012
[9] Nguồn: Khảo sát đánh giá 05 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới ở Việt Nam, 11/2012
 
[10] Khảo sát đánh giá 05 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới ở Việt Nam, 11/2012
 
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 5(309) - tháng 3/2016)